|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Tòa tháp giáo đường và các di chỉ khảo cổ xung quanh tại Jam, Shahrak, Ghur, Afghanistan |
18/01/2017 |
Thông tin chung:
Công trình: Tòa tháp giáo đường và các di chỉ khảo cổ xung quanh tại Jam (Minaret and Archaeological Remains of Jam)
Địa điểm: Shahrak, tỉnh Ghur, Afghanistan (23 47.6 E64 30 57.8)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 70 ha; vùng đệm 600ha
Năm thực hiện: Thế kỷ 12
Giá trị: Di sản thế giới (năm 2002; hạng mục ii; iii; iv)
Afghanistan, là một quốc gia không giáp biển nằm ở Nam Á và Trung Á, giáp với Pakistan ở phía Nam và phía Đông; Iran ở phía Tây; Turkmenistan, Uzbekistan, Tajikistan ở phía Bắc; và Trung Quốc ở phía Đông Bắc.
Afghanistan có diện tích rộng 652864 km2. Dân số khoảng 34,656 triệu người (năm 2016), chủ yếu là dân tộc Pashtun, Tajik, Hazaras và Uzbeks. Thủ đô là thành phố Kabul. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Pashto, Dari.
Phần lớn diện tích Afghanistan được bao phủ bởi dãy núi Hindu Kush, mùa Đông rất lạnh. Phía Bắc bao gồm các vùng đồng bằng màu mỡ; Phía Tây Nam là sa mạc.
Từ khoảng năm 2000 trước Công nguyên, Afghanistan đã là nơi hội tụ của nhiều bộ tộc đến từ phía Bắc, sau đó mở rộng về phía Nam và phía Đông.
Afghanistan nằm tại vị trí chiến lược dọc theo Con đường tơ lụa (hình thành từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, dài khoảng 6.437 km, từ Trung Quốc, qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, xung quanh vùng Địa Trung Hải và đến tận châu Âu), nơi kết nối với các quốc gia Trung Đông và các phần khác của châu Á, nơi giao nhau của nhiều nền văn minh châu Âu và châu Á. Vì vậy, đây không chỉ là vùng đất của nhiều dân tộc đến sinh sống và còn là nơi diễn ra nhiều cuộc chiến tranh giành vị thế, lãnh thổ và lan truyền văn hóa, tôn giáo.
Vào những năm 330 trước Công nguyên, Alexander Đại Đế (Alexander the Great, trị vì trong giai đoạn năm 336–323 trước Công nguyên) Hoàng đế của vương quốc Macedonia cổ đại, trải dài từ Hy Lạp đến Tây Bắc Ấn Độ đã tới Afghanistan.
Tiếp đó là các quốc gia Hy Lạp cổ như Vương quốc Seleukos (trị vì từ năm 312 – 63 trước Công nguyên) đã chinh phục vùng này. Đặc biệt là vương triều Maurya (trị vì từ năm 321 đến năm 185 trước Công nguyên), bắt nguồn từ vùng Magadha, đồng bằng hạ du sông Hằng, Ân Độ, đã vươn tới Afghanistan và truyền bá Phật giáo đến đây.
Vào thế kỷ 1, Đế chế Kushan (tồn tại vào thế kỷ 1 đến 3 sau Công nguyên) là một cường quốc cổ đại tại Trung Á đã thống trị Afghanistan và bảo hộ Phật giáo tại đây. Từ sự thịnh vượng của Con đường tơ lụa, Đế chế Kushan đã dần trở nên giàu có, trở thành quốc gia trung gian giữa các quốc gia có liên quan, nuôi dưỡng một nền văn hóa kết nối được các truyền thống bản địa với các nền văn hóa bắt nguồn từ Hy Lạp, Địa Trung Hải và với ý thức hệ Phật giáo Ấn Độ.
Từ thế kỷ thứ 3 người Sassanid kế tục cai trị vùng đất này.
Nửa đầu thế kỷ thứ 5, vùng đất này thuộc sự cai trị của người Hephthalite và tiếp đó người Sasanid tái lập lại quyền cai trị.
Từ thời Trung cổ, thế kỷ thứ 5 cho tới thế kỷ 18, vùng này còn được gọi là Khorasan.
Nơi đây đã trở thành trung tâm của nhiều đế chế lớn: Đế chế của người Hồi giáo Samanid (Samanid Empire, Đế quốc Ba Tư, trị vì giai đoạn năm 819-999), Đế chế Ghaznavid (năm 977-1186), Đế chế Seljuk (năm 1037–1194), Đế chế Ghurid (năm 1149-1215), và Đế chế Timurid (năm 1370-1507). Trong đó, giai đoạn cai trị của Đế chế Ghaznavid và Timurid được coi là một trong những thời kỳ chói lọi nhất của lịch sử Afghanistan.
Năm 1219, vùng này bị quân đội Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn tàn phá.
Năm 1504, Babur, hậu duệ của Hoàng đế Timurid đã thành lập Đế chế Mughal (năm 1526 -1857) trải dài gần như tất cả tiểu lục địa Ân Độ và một phần của Afghanistan.
Lịch sử chính trị của nhà nước hiện đại Afghanistan bắt đầu với các triều đại Hotak (năm 1709 – 1738) và triều đại Durrani (năm 1747–1826). Vào đầu thế kỷ 19, Afghanistan bị đe dọa bởi người Ba Tư ở phía Tây và người Sikh ở phía Đông. Vào cuối thế kỷ 19, Afghanistan trở thành nơi tranh chấp giữa Anh và Nga.
Ngày 19/8/1919, Afghanistan trở thành quốc gia độc lập.
Afghanistan ngày nay được chia thành 34 tỉnh.
Bản đồ Afghanistan và vị trí tỉnh Ghur tại trung tâm Afghanistan
Tháp giáo đường ở Jam (Minaret of Jam) nằm tại phía Tây của Afghanistan, tại huyện Shahrak, tỉnh Ghor.
Tháp được xây dựng vào năm 1194, bởi Muḥammad Ghori (1153-1203; là một tổng trấn và viên tướng hùng mạnh, sau trở thành vua (sultan) của vương quốc Ghurid (Ghurid Dynasty, thuộc miền trung Afghanistan và một phần đất của Pakstan ngày nay, tồn tại trong thế kỷ 12 - 13).
Vị trí của tháp đánh dấu địa điểm của thành phố cổ Firuzkuh (Ancient city of Firuzkuh), được cho là thủ đô mùa hè của triều đại Ghurid.
Từ minaret theo tiếng Ả Rập thường có nghĩa là một ngọn tháp bên cạnh một nhà thờ Hồi giáo, nơi người đưa tin (muezzin) kêu gọi tín đồ đến cầu nguyện. Tuy nhiên, Tháp giáo đường ở Jam còn được coi như một tượng đài, được xây dựng để kỷ niệm chiến thắng của sultan Ghurid.
Tháp giáo đường ở Jam được xây trên một khu vực có độ cao 1.900 m so với mực nước biển và cách xa các điểm dân cư, nằm trong thung lũng hiểm trở dọc theo sông Hari, xung quanh là các dãy núi đá cao chót vót với độ cao đến 2.400m. Tháp được cho có mối liên hệ với nhà thờ Hồi giáo chính tại Firuzkuh, đã bị cuốn trôi sau một trận lụt lớn vào thế kỷ 13, hiện chỉ còn lại các tàn tích của một tòa nhà lớn được phát hiện qua các dự án khảo cổ học.
Tháp giáo đường ở Jam là một trong 60 tháp được xây dựng trong thời gian này.
Xung quanh tháp còn có các di tích đá khắc chữ Do Thái từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 12.
Tháp giáo đường ở Jam là một trong số ít các di tích được bảo tồn, đại diện cho sự sáng tạo đặc biệt về nghệ thuật và khả năng làm chủ kỹ thuật xây dựng bằng gạch vữa của cư dân vương quốc Ghurid.
Hình thức kiến trúc và trang trí của tháp là đại diện xuất sắc về phương diện lịch sử nghệ thuật; sự pha trộn các yếu tố truyền thống Hồi giáo và các yếu tố truyền từ bên ngoài vào qua việc tiếp thu, tiếp biến nghệ thuật và kiến trúc của tiểu lục địa Ấn Độ.
Công trình kiến trúc cao vút và duyên dáng này là một ví dụ nổi bật về kiến trúc và trang trí của thời kỳ Hồi giáo ở Trung Á và đóng một vai trò quan trọng trong việc lan truyền hình mẫu này đến tận Ấn Độ, ví dụ như tháp Qutb (Qutb Minar), Delhi, Ấn Độ (cao 72,5m, là tháp gạch cao nhất thế giới, dạng tròn, đường kính đáy 14,3m, đường kính đỉnh 2,7m, chứa một cầu thang xoắn 379 bậc; hoàn thành năm 1202, Di sản văn hóa thế giới).
Tòa tháp giáo đường và các di chỉ khảo cổ xung quanh tại Jam bị quên lãng trong suốt 800 năm, chỉ được phát hiện vào năm 1886 bởi các nhà thám hiểm và được biết đến rộng rãi từ năm 1957 bởi các nhà khảo cổ.
Tháp giáo đường ở Jam trong một bức tranh cổ xưa, xung quanh là các lâu đài
Tháp giáo đường ở Jam bên sông Hari vào mùa mưa
Tháp giáo đường ở Jam bên sông Hari vào mùa khô
Tháp giáo đường và các di chỉ khảo cổ xung quanh tại Jam, huyện Shahrak, tỉnh Ghur, Afghanistan được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới với tiêu chí:
Tiêu chí (ii): Kiến trúc và trang trí sáng tạo của Tháp giáo đường Jam đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển nghệ thuật và kiến trúc tại vùng đất tiểu lục địa Ấn Độ và khu vực rộng lớn hơn.
Tiêu chí (iii): Tháp giáo đường Jam và các di tích khảo cổ liên quan của nó là bằng chứng độc đáo cho sức mạnh và chất lượng của nền văn minh vương triều Ghurid, thống trị khu vực trong thế kỷ 12 và 13.
Tiêu chí (iv): Tháp giáo đường Jam là một ví dụ nổi bật về về một kiểu kiến trúc và trang trí Hồi giáo trong khu vực và đóng một vai trò quan trọng trong việc phổ biến rộng ra các nền văn minh xung quanh.
Phạm vi mặt bằng Di sản Tháp giáo đường và các di chỉ khảo cổ xung quanh tại Jam, huyện Shahrak, tỉnh Ghur, Afghanistan
Tháp giáo đường Jam
Tháp giáo đường Jam được xây dựng bằng gạch và vữa với tấm trang trí gạch men màu nâu phủ bên ngoài.
Tháp cao 65 m, chia thành 2 phần:
Phần đế tháp, có mặt bằng hình bát giác, cao 7m. Bên trong có cầu thang xoắn ốc lên tầng trên.
Phần thân tháp, có mặt bằng hình tròn, đường kính bên ngoài giảm dần từ 9,7m đến 6m theo 3 nấc. Bên trong thân tháp có cầu thang xoắn ốc lên tầng trên để ra các ban công và các buồng hình vòm nằm giữa thân tháp.
Giữa tháp là một hệ thống conson nhô ra đỡ hai ban công bằng gỗ (hiện đã không còn). Đây cũng là nơi có một vòng trang trí chữ Kufic (là một loại thư pháp cổ tiếng Ả Rập xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ 7 tại Kufa, Iraq) bằng gạch men màu ngọc lam.
Phía trên đỉnh tháp là một khối hình trụ tròn có hình dạng chiếc đèn lồng.
Sơ đồ mặt bằng, mặt cắt Tháp giáo đường tại Jam, Ghur, Afghanistan
Phối cảnh Tháp giáo đường tại Jam, Ghur, Afghanistan
Kè đá bao quanh chân Tháp giáo đường tại Jam, Ghur, Afghanistan
Tàn tích sân gạch xung quanh Tháp giáo đường tại Jam, Ghur, Afghanistan
Trang trí trên thân tháp bằng gạch men màu nâu
Trang trí chữ Kufic trên thân tháp bằng gạch men màu xanh
Tàn tích hệ thống conson nhô ra đỡ ban công bằng gỗ, Tháp giáo đường tại Jam, Ghur, Afghanistan
Cầu thang bên trong Tháp giáo đường tại Jam, Ghur, Afghanistan
Bên trong, phần ngọn Tháp giáo đường tại Jam, Ghur, Afghanistan
Các di tích khảo cổ có liên quan
Xung quanh tháp hiện còn sót lại các tàn tích của các cung điện, thành, lò gốm, nghĩa trang của người Do thái và tàn tích của thành phố cổ Firuzkuh (bị tàn phá bởi quân Mông Cổ vào năm 1222).
Tàn tích một làng cổ trên đường tới Tháp giáo đường tại Jam, Ghur, Afghanistan
Tàn tích một bức tường lâu đài xung quanh Tháp giáo đường tại Jam, Ghur, Afghanistan
Di sản Tòa tháp giáo đường và các di chỉ khảo cổ xung quanh tại Jam, Shahrak, tỉnh Ghur là một trong những công trình văn hóa nổi bật tại Afghanistan.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/211
https://en.wikipedia.org/wiki/Afghanistan
https://en.wikipedia.org/wiki/Minaret_of_Jam
http://www.newworldencyclopedia.org/entry/Minaret_of_Jam
https://en.wikipedia.org/wiki/Qutb_Minar
https://architexturez.net/doc/az-cf-166333
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|
Cập nhật ( 29/09/2020 )
|
Tin mới đưa:- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
- Trạm bơm hơi nước D.F. Woudagemaal, Lemmer, Hà Lan
- Khu Khảo cổ Nghệ thuật đá thời Tiền sử ở Thung lũng Côa (Bồ Đào Nha) và Siega Verde (Tây Ban Nha)
- Nhà hát Catalana và Bệnh viện Sant Pau, Barcelona, Tây Ban Nha
Tin đã đưa:- Các công trình kiến trúc của Le Corbusier, một đóng góp nổi bật cho trào lưu hiện đại
- Thị trấn lịch sử Shukhothai và các thị trấn lịch sử lân cận, Thái Lan
- Di chỉ khảo cổ Ban Chiang, Udon Thani, Thái Lan
- Cảnh quan văn hóa tại Bali, Indonesia: Hệ thống canh tác Subak, Bali, Indonesia
- Di sản khảo cổ tại Thung lũng Lenggong, Malaysia
- Khu khảo cổ người tiền sử Sangiran ở đảo Java, Indonesia
- Quần thể đền Prambanan, Indonesia
- Các nhà thờ kiểu Baroque tại Philippines
- Di sản Mỏ thủy ngân ở Almaden, Tây Ban Nha
- Thị trấn đồng hồ La Chaux-de-Fonds và Le Locle, Thụy Sĩ
- Vùng mỏ than Nord - Pas de Calais, Pháp
- Khu mỏ đồng tại Falun, Dalama, Thụy Điển
- Cảnh quan và cơ sở công nghiệp Agave Tequila, Jalisco, Mexico
- Cảnh quan công nghiệp tại Fray Bentos, Uruguay
- Thị trấn mỏ Sewell, Cachapoal, Chile
|