Tuần 18 - Ngày 07/12/2024
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Di sản khảo cổ tại Thung lũng Lenggong, Malaysia |
14/09/2016 |
Thông tin chung:
Công trình: Di sản khảo cổ tại Thung lũng Lenggong (Archaeological Heritage of the Lenggong Valley)
Địa điểm: Hulu Perak, Perak, Malaysia (N5 4 4.47 E100 58 20.38)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 398,64 ha; Vùng đệm: 1.786,77 ha
Năm hình thành:1.830.000 đến 1.700 năm trước đây.
Giá trị: Di sản thế giới (2012; hạng mục iii, iv)
Malaysia là một quốc gia nằm tại phía Nam của khu vực Đông Nam Á.
Quốc gia này bao gồm 13 bang và ba lãnh thổ liên bang với tổng diện tích đất là 330.803 km2. Malaysia tách làm hai phần qua biển Đông: bán đảo Malaysia và Borneo thuộc Malaysia.
Malaysia có biên giới trên bộ với Thái Lan, Indonesia và Brunei, biên giới trên biển với Singapore, Việt Nam, và Philippines.
Thành phố thủ đô là Kuala Lumpur, nơi đặt trụ sở của chính phủ liên bang là Putrajaya. Dân số Malaysia là 28,33 triệu người (năm 2010). Malaysia là một quốc gia nhiệt đới và là một trong 17 quốc gia đa dạng sinh học nhất trên thế giới với nhiều loài đặc hữu.
Malaysia là một quốc gia đa dân tộc và đa văn hóa. Khoảng một nửa dân số là người Mã Lai với một số dân tộc thiểu số lớn là người Hoa và Ấn Độ. Ngôn ngữ chính là tiếng Malaysia; tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai; Hồi giáo là tôn giáo chính.
Bản đồ Malaysia và vị trí bang Perak (vị trí số 4 trên hình vẽ), trên bán đảo Malaysia
Thung lũng Lenggong nằm tại tỉnh Hulu Perak, bang Perak, tại phía Tây bán đảo Malaysia, sát biên giới với Thái Lan.
Đây là một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất trên bán đảo Malaysia. Các cuộc khai quật tại đây cho thấy nhiều dấu vết của thời kỳ tiền sử của Malaysia; là nơi được biết đến như địa điểm lâu đời nhất của hoạt động con người trên bán đảo.
Ngày nay, khu vực khảo cổ là một vùng nông thôn với các ngôi làng cổ, bao quanh bởi các thảm thực vật và ngọn đồi đá vôi xanh.
Thung lũng khảo cổ Lenggong được ví như một bảo tàng ngoài trời, là nơi lưu giữ những huyền thoại, bộ xương, hình vẽ trong các hang động, các hiện vật như đồ trang sức, đồ gốm, vũ khí và các công cụ bằng đá. Đây cũng là nơi lưu giữ các dấu vết các hoạt động sống, săn bắt của những người Cổ đại.
Di sản khảo cổ tại Thung lũng Lenggong, Hulu Perak, Malaysia được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (2012) với các tiêu chí:
Tiêu chí (iii): Các địa điểm khảo cổ học trong hang động và ngoài trời dọc sông Perak, ở thung lũng Lenggong là một bằng chứng độc đáo về hoạt động của con người vào thời đại Đồ đá cũ, cũng như thời đại Đồ đá mới, thời đại Đồ đồng từ 1,83 triệu năm đến 1700 năm trước đây.
Tiêu chí (iv): Khu vực Di sản với các tàn tích công cụ bằng đá thuộc thời kỳ Đồ đá cũ là một quần thể kiến trúc cảnh quan nổi bật gắn với giai đoạn công nghệ Lithic (Lithic Technology - một kỹ thuật và phong cách tạo ra công cụ từ các loại đá).
Phạm vi Di sản khảo cổ tại Thung lũng Lenggong, Hulu Perak, Malaysia
Khu vực Di sản khảo cổ tại Thung lũng Lenggong bao gồm 4 địa điểm tập trung trong 2 cụm (Cluster), nằm dọc theo sông Perak, trải dài qua tất cả các giai đoạn lịch sử của loài vượn người (Hominidae) bên ngoài châu Phi từ 1,83 triệu đến 1,700 năm trước. Đây là một trong những hồ sơ lâu đời nhất về con người thời kỳ đầu ở một địa phương và lâu đời nhất bên ngoài lục địa Châu Phi.
Nơi đây có các địa điểm ngoài trời và hang động với các xưởng công cụ Đồ đá cũ, bằng chứng của một công nghệ sơ khai. Số lượng các di chỉ được tìm thấy trong khu vực tương đối tập trung cho thấy sự hiện diện của một số dân khá lớn, bán định cư với những di tích văn hóa từ thời đại Đồ đá cũ (Palaeolithic Ages), Đồ đá mới (Neolithic Ages) và Đồ kim loại (Metal Ages).
Khu vực Di sản gồm 4 khu vực khảo cổ: Bukit Bunkh – Kota Tampan (Cụm 1); Bukit Jawa, Bukit Kepala Gajah, Bukit Gua Harimau (Cụm 2).
Các Di sản này lại được phân thành các điểm điểm khảo cổ ngoài trời: Kota Tampan; Bukit Bunuh; Kampung Temelong; Bukit Jawa và các địa điểm khảo cổ trong hang động núi đá vôi: Bukit Kepala Gajah; Gua Teluk Kelawar; Gua Ngaum; Gua Kajang; Gua Gurung Rutuh; Gua Dayak; Gua Batu Tukang; Gua Harimau…
Sơ đồ 4 khu vực Di sản tại Cụm 1 và Cụm 2, Thung lũng Lenggong, Hulu Perak, Malaysia
Sơ đồ vị trí các điểm khảo cổ ngoài trời (hình vuông vàng) và trong hang (màu tròn đỏ), Di sản khảo cổ tại Thung lũng Lenggong, Hulu Perak, Malaysia
Di sản Bukit Bunkh – Kota Tampan, Cụm Di sản 1
Di sản Bukit Bunkh – Kota Tampan, thuộc Cụm Di sản 1 (Cluster 1), nằm tại phía Nam thị trấn Lenggong.
Diện tích Di sản 281,06ha; diện tích phần đệm 827,34ha.
Di sản gồm 2 địa điểm khảo cổ ngoài trời: Kota Tampan và Bukit Bunkh.
Kota Tampan
Di sản Kota Tampan nằm tại tại cao độ 101m so với mực nước biển.
Đây là nơi lưu giữ các tàn tích của con người sau khi núi lửa Toba đã phun trào vào 70.000 năm trước đây; địa điểm đầu tiên được biết đến là chỗ ở của con người trong khu vực Di sản. Các cuộc khai quật bắt đầu vào năm 1938, cho thấy đây là nơi sản xuất các công cụ bằng đá. Trong đợt khai quật vào năm 1987 - 1990, khoảng 50.000 mẫu đá đã được tìm thấy.
Tại đây có Bảo tàng khảo cổ Lenggong (Lenggong Archaeological Museum) lưu giữ các di vật.
Bảo tàng có mặt bằng hình chữ L, cao 2 tầng, là nơi trưng bày các công cụ bằng đá đã được khai quật vào năm 1954 và 1979 với các bảng ghi chú diễn giải các địa điểm khảo cổ trong khu vực như Gua Harimau, Gua Gunung Runtuh...
Đây cũng là nơi trưng bày "Perak Man" - bộ xương người đàn ông 11.000 năm tuổi, được phát hiện tại hang động ở Gua Gunung Runtuh vào năm 1991. Bộ xương là của một người đàn ông ở tuổi ngũ tuần với chiều cao khoảng 157 cm. Các tàn tích hóa thạch cho thấy đây là địa điểm cư trú của một cộng đồng dân cư sống xung quanh hồ Cenderoh.
Điểm thăm quan hố khai quật tại Kota Tampan, Di sản khảo cổ tại Thung lũng Lenggong, Hulu Perak, Malaysia
Phối cảnh Bảo tàng khảo cổ Lenggong, Di sản khảo cổ tại Thung lũng Lenggong, Hulu Perak, Malaysia
Mặt trước Bảo tàng khảo cổ Lenggong, Di sản khảo cổ tại Thung lũng Lenggong, Hulu Perak, Malaysia
Nội thất Bảo tàng khảo cổ Lenggong, Di sản khảo cổ tại Thung lũng Lenggong, Hulu Perak, Malaysia
Hình ảnh minh họa cuộc sống của người Cổ đại trong khu vực Di sản, Bảo tàng khảo cổ Lenggong
Các công cụ bằng đá trưng bày trong Bảo tàng khảo cổ Lenggong, Hulu Perak, Malaysia
Các hình vẽ của người cổ xưa trong hang động trưng bày trong Bảo tàng khảo cổ Lenggong, Hulu Perak, Malaysia
Bukit Bunuh
Di sản Bukit Bunuh nằm tại phía Nam thị trấn Lenggong, là địa điểm khảo cổ được khai quật vào năm 2001.
Những phát hiện khảo cổ học có tuổi khoảng 40.000 năm trước đây cho thấy khu vực là một trong những địa điểm cư trú của người tiền sử.
Vị trí các di vật khảo cổ theo phương pháp khảo sát bằng địa từ trường tại khu vực Bukit Bunuh,
Di sản khảo cổ tại Thung lũng Lenggong, Hulu Perak, Malaysia
Di sản Bukit Jawa, Cụm Di sản 2
Di sản Bukit Jawa nằm ở Kampung Gelok, cách phía Bắc thị trấn Lenggong khoảng 7km.
Diện tích Di sản 6,18 ha; diện tích phần đệm 319,81ha.
Bukit Jawa nằm tại cao độ 104 so với mực nước biển; là địa điểm cư trú của con người lâu đời nhất tại thung lũng Lenggong, được cho là 200.000 – 100.000 năm tuổi.
Đây là địa điểm được phát hiện vào năm 1990 và được khai quật vào năm 1996; thu được hơn 150.000 mảnh hiện vật công cụ bằng đá từ 24 hố khai quật.
Khu vực giới thiệu các hố khai quật tại Bukit Jawa, Di sản khảo cổ tại Thung lũng Lenggong, Hulu Perak, Malaysia
Thăm quan hố khai quật tại Bukit Jawa, Di sản khảo cổ tại Thung lũng Lenggong, Hulu Perak, Malaysia
Di sản Bukit Gua Harimau, Cụm Di sản 2
Di sản Bukit Gua Harimau nằm về phía Bắc của Thung lũng Lenggong.
Diện tích Di sản 398,64ha; Diện tích phần đệm 1786,77 ha.
Gua Harimau
Gua Harimau là hang nằm tại Kampung Gelok, cách khoảng 10km về phía Bắc của thị trấn Lenggong, trong khối núi Gua Harimau, là nơi lưu giữ các tàn tích khảo cổ vào khoảng 1000 năm trước đây.
Tại đây, vào năm 1987, 1988, 1995, các nhà khảo cổ học đã khai quật được 11 ngôi mộ thời kỳ Đồ đá mới, Đồ đồng. Trong các ngôi mộ tiền sử, ngoài các bộ xương người còn có tàn tích của đồ gốm, công cụ bằng đá, đồng, sắt, đồ trang trí, đồ chứa thực phẩm.
Hang Gua Harimau, Di sản khảo cổ tại Thung lũng Lenggong, Hulu Perak, Malaysia
Di sản Bukit Kepala Gajah, Cụm Di sản 2
Di sản Bukit Kepala Gajah nằm về phía Bắc thị trấn Lenggong.
Diện tích Di sản 108,25ha; diện tích phần đệm 319,81ha.
Các địa điểm khảo cổ trong hang động nằm tập trung chủ yếu trong khu vực này. Tại đây có đến 20 hang động, 3 trong số này, hang Gua Gunung Runtuh, Gua Teluk Kelawar và Gua Kajang, đã khai quật được các ngôi mộ thời tiền sử.
Gua Teluk Kelawar
Gua Teluk Kelawar là địa điểm nằm khoảng 6 km về phía Bắc thị trấn Lenggong, tại cao độ 76m so với mực nước biển.
Từ năm 1986, tại đây đã tiến hành các khai quật. Năm 2004, phát hiện bộ xương người phụ nữ (Perak Woman) sống cách đây khoảng 8000 năm với chiều cao 148 cm, khoảng 40 tuổi.
Ngoài ra, tại đây còn phát hiện được rất nhiều tàn tích công cụ bằng đá, thức ăn được sử dụng bởi các bộ lạc du mục sống cách đây khoảng 11000 - 6000 năm.
Hang Gua Teluk Kelawar, Di sản khảo cổ tại Thung lũng Lenggong, Hulu Perak, Malaysia
Gua Ngaum
Gua Ngaum là hang đá nằm kề liền phía Bắc hang Gua Teluk Kelawar, tại cao độ 89m so với mực nước biển.
Vào năm 1990, hang được khai quật và phát hiện các bằng chứng về sự sống của con người cách đây 7000 – 6000 năm với các tàn tích thực phẩm, công cụ bằng đá…
Hang Gua Ngaum, Di sản khảo cổ tại Thung lũng Lenggong, Hulu Perak, Malaysia
Gua Kajang
Gua Kajang là hang đá nằm cách phía Bắc thị trấn Lenggong khoảng 7km, tại cao độ 76m so với mực nước biển.
Hang được khai quật vào năm 1917, đã phát hiện các mảnh bình vỡ, công cụ đá, thực phẩm và xương người; là nơi con người sống cách đây khoảng 11.000 – 5000 năm.
Hang Gua Kajang, Di sản khảo cổ tại Thung lũng Lenggong, Hulu Perak, Malaysia
Gua Gurung Rutuh
Gua Gurung Rutuh nằm tại phía Tây Bắc của hang Gua Kajang. Các cuộc khai quật bắt đầu vào năm 1991, 2005 đã phát hiện bằng chứng của thời kỳ hậu Đồ đá cũ, từ 13.000 đến 10.000; là một trong những hang động lâu đời nhất ở thung lũng Lenggong.
Tại đây đã phát hiện được các công cụ, thực phẩm và bộ xương đàn ông Đông Nam Á cổ nhất (Perak Man) và hoàn chỉnh nhất, sống cách đây 11.000 năm cùng với các nghi lễ mai táng và đồ cúng.
Vị trí hang tại núi Gua Gurung Rutuh, Di sản khảo cổ tại Thung lũng Lenggong, Hulu Perak, Malaysia
Hố khai quật phát hiện bộ xương đàn ông Đông Nam Á cổ nhất (Perak Man) tại Gua Gurung Rutuh,
Di sản khảo cổ tại Thung lũng Lenggong, Hulu Perak, Malaysia
Gua Dayak
Gua Dayak là một địa điểm nằm cách 8 km về phía Bắc thị trấn Lenggong.
Tại đây đã phát hiện ra các bức tranh vẽ của một trong những bộ tộc thổ dân Malaysia. Các bản vẽ than đầu tiên được phát hiện vào những năm 1920, được tái phát hiện vào năm 1992. Các hình vẽ trong các bức tranh trên vách đá miêu tả động vật, con người, cây cối…
Tranh vẽ bằng than tại hang Gua Dayak, Di sản khảo cổ tại Thung lũng Lenggong, Hulu Perak, Malaysia
Khu vực Di sản - Thung lũng Lenggong là một loạt địa điểm hang động và khu vực lộ thiên dọc sông Perak, tại thung lũng Lenggong. Đây là minh chứng về một khu vực hoạt động của con người vào thời đại Đồ đá cũ, cũng như thời đại Đồ đá mới, thời đại Đồ đồng từ 1,83 triệu năm đến 1700 năm trước đây.
Khu vực Di sản với các tàn tích công cụ đá cổ là một trong những quần thể nổi bật của công nghệ Lithic (Lithic Technology), là một kỹ thuật và phong cách tạo ra các công cụ từ các loại đá.
Thung lũng Lenggong còn là nơi bảo tồn được toàn vẹn các di tích về canh tác nông nghiệp của người cổ đại.
Khu vực Di sản hiện còn đang tiếp tục được khai quật, khám phá.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/1396
https://en.wikipedia.org/wiki/Lenggong
http://www.thestar.com.my/travel/malaysia/2013/09/07/looking-around-lenggong/
http://tourismperakmalaysia.com/our-destination/lenggong-archaeological-museum
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|
Cập nhật ( 15/08/2020 )
|
Tin mới đưa:- Samarkand – Ngã tư văn hóa, Uzbekistan
- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
Tin đã đưa:- Khu khảo cổ người tiền sử Sangiran ở đảo Java, Indonesia
- Quần thể đền Prambanan, Indonesia
- Các nhà thờ kiểu Baroque tại Philippines
- Di sản Mỏ thủy ngân ở Almaden, Tây Ban Nha
- Thị trấn đồng hồ La Chaux-de-Fonds và Le Locle, Thụy Sĩ
- Vùng mỏ than Nord - Pas de Calais, Pháp
- Khu mỏ đồng tại Falun, Dalama, Thụy Điển
- Cảnh quan và cơ sở công nghiệp Agave Tequila, Jalisco, Mexico
- Cảnh quan công nghiệp tại Fray Bentos, Uruguay
- Thị trấn mỏ Sewell, Cachapoal, Chile
- Cơ sở khai thác và sản xuất phân bón tại Humberstone và Santa Laura, Chile
- Di sản công nghiệp Rjukan – Notodden, Telemark, Na Uy
- Cộng đồng công nghiệp Crespi d'Adda, Lombardy, Ý
- Mỏ Rammetlsberg, Thị trấn lịch sử Goslar và Hệ thống quản lý nước Upper Harz, Niedersachsen, Đức
- Mỏ muối tại Wieliczka và Bochnia, Ba Lan
|