Thông tin chung:
Công trình: Quần thể đền Prambanan (Prambanan Temple Compounds)
Địa điểm: Yogyakarta, Indonesia (S7 45 7.992 E110 29 30.012)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: 4 tổ hợp đền, rộng khoảng 77ha
Năm xây dựng: Thế kỷ thứ 8 - 9
Giá trị: Di sản thế giới (1991, hạng mục i, iv)
Indonesia là một quốc gia ở Đông Nam Á, giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là một quốc đảo lớn nhất thế giới với hơn 1700 hòn đảo. Indonesia có phần diện tích đất rộng 1.904.569 km2; dân số khoảng 261 triệu người (năm 2016), là quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới; Tôn giáo chính là Hồi giáo. Quốc đảo này có chung biên giới đất liền với Papua New Guinea, Đông Timor và phần phía Nam của Malaysia.
Indonesia được chia thành 34 tỉnh, trong đó 5 tỉnh đặc biệt; Thành phố Jakarta là thủ đô.
Lịch sử của quần đảo Indonesia gắn với sự ảnh hưởng của các cường quốc nước ngoài. Họ đến đây bởi tài nguyên thiên nhiên giàu có và phong phú (từ tài nguyên tự nhiên như: dầu mỏ và khí đốt, than, thiếc, đồng và vàng đến sản phẩm nông, lâm nghiệp như: gạo, dầu cọ, trà, cà phê, ca cao, cây dược liệu, gia vị và cao su).
Từ những năm đầu công nguyên, các nhà cai trị địa phương đã tiếp thu những ảnh hưởng nước ngoài. Tại đây các vương quốc theo Ấn Độ giáo và Phật giáo được hình thành và phát triển mạnh mẽ.
Vào khoảng từ đầu thế kỷ 15 đến giữa thế kỷ 17, các thương nhân Hồi giáo và thương nhân châu Âu gắn với Kito giáo đã chiến đấu quyết liệt với nhau để giành độc quyền thương mại.tại vùng đất này. Mặc dù bị gián đoạn bởi người Bồ Đào Nha, Pháp và Anh, cường quốc châu Âu Hà Lan đã chiếm phần lớn sự hiện diện với 350 năm ở quần đảo này.
Đầu thế kỷ 20, khái niệm "Indonesia" là một quốc gia- dân tộc xuất hiện và phong trào độc lập bắt đầu hình thành. Trong quá trình phi thực dân hóa châu Á sau Thế chiến 2, Indonesia giành được độc lập vào năm 1949 từ Hà Lan.
Prambanan là quần thể đền thờ Phật giáo và Hindu giáo (Ấn Độ giáo) lớn nhất Đông Nam Á.
Quần thể gồm đền chính Prambanan, đền Sewu, đền Bubrah và đền Lumbung, nằm trong Công viên khảo cổ Prambanan, cách thành phố Yogyakarta, thủ phủ của tỉnh Yogyakarta, khoảng 18 km về hướng đông.
Quần thể đền Prambanan được xây dựng bằng đá trong thời hoàng kim của của các triều vua Sanjaya (Sanjaya Dynasty, tồn tại năm 732—947). Đây là triều đại Java cổ đại khởi đầu cho Vương quốc Medang (Medang Kingdom hay Mataram Kingdom, tồn tại ở Trung và Đông đảo Java sau này. Các triều vua Sanjaya tích cực quảng bá Ấn Độ giáo (Hindu giáo).
Trong thời kỳ này, triều đại Sanjaya tồn tại hòa bình bên cạnh triều đại láng giềng Sailendra (Shailendra Dynasty, tồn tại năm 650 – 1025. Triều đại Sailendra khác với triều đại Sanjaya là tích cực quảng bá Phật giáo Đại thừa. Vương triều này nổi tiếng với các di tích Phật giáo, trong đó có bảo tháp khổng lồ Borobudur (cũng là Di sản thế giới).
Vương triều Sanjaya duy trì mối quan hệ chặt chẽ với vương quốc Champa (tồn tại năm 192–1832) ở lục địa Đông Nam Á. Điều này minh chứng qua nhiều điểm tương đồng với phong cách kiến trúc của các ngôi đền ở miền trung Java được xây dựng dưới thời trị vì của vương triều Sanjaya.
Đế quốc Srivijaya vào thời cương vực lãnh thổ lớn nhất, khoảng thế kỷ thứ 8
Quần thể đền Prambanan là ngôi đền hoàng gia, nơi tổ chức nhiều lễ nghi tín ngưỡng và hiến tế theo đạo Hindu. Vào thời hoàng kim, có hàng nghìn tu sĩ Bà la môn (Brahman) và đệ tử của họ sống quanh Quần thể đền.
Kề liền Quần thể đền là kinh đô của Vương quốc Medang, trong vùng đồng bằng Prambanan.
Vào những năm 930, trung tâm chính trị của Medang được dời tới Đông đảo Java. Từ đó Quần thể đền bị bỏ rơi, quên lãng và hư hại dần.
Các ngôi đền trong Quần thể đã sụp đổ trong trận động đất lớn vào thế kỷ 16 và bị cướp phá.
Vào năm 1811, một nhà thám hiểm đã tình cờ tới Prambanan và phát hiện ra Quần thể.
Mãi đến năm 1918, việc phục chế mới bắt đầu và kéo dài cho đến tận ngày nay. Ngôi đền chính được phục hồi phần lớn vào năm 1953. Hiện một số lớn đền tháp không thể phục dựng lại được và chỉ còn lại phế tích nền móng. Năm 1990, một số nghi lễ tôn giáo đã bắt đầu được hồi sinh tại đây. Năm 2006, Quần thể đền lại bị hư hỏng do động đất lớn.
Với hơn 500 ngôi đền, Quần thể đền Prambanan không chỉ là một kho tàng về kiến trúc và văn hóa, mà còn là minh chứng của quá khứ về chung sống hòa bình giữa các tôn giáo.
Quần thể đền Prambanan là một quần thể tôn giáo xuất sắc, đặc trưng tiêu biểu của đền thờ thần Siva vào thế kỷ thứ 10; một kiệt tác về kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa của thời kỳ Cổ điển ở Indonesia và khu vực Đông Nam Á; được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1991) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Quần thể đền Prambanan thể hiện văn hóa vĩ đại nghệ thuật thờ Siva, một tuyệt tác của thời kỳ Cổ điển ở Indonesia và khu vực Đông Nam Á.
Tiêu chí (iv): Quần thể đền Prambanan là ví dụ nổi bật về một phức hợp tôn giáo xuất sắc, đặc trưng tiểu biểu của tín ngưỡng thờ Siva vào thế kỷ thứ 10.
Tổng mặt bằng Di sản Quần thể đền Prambanan, Yogyakarta, Indonesia
Đền chính Prambanan
Đền Prambanan (Prambanan Temple), còn gọi là đền Loro Jonggrang, là một tổ hợp bao gồm 240 ngôi đền; một trong những quần thể đền thờ Ấn Độ giáo lớn nhất tại Indonesia và là một trong những quần thể đền lớn nhất Đông Nam Á.
Tổ hợp đền được xây dựng vào thế kỷ 9, thể hiện sự dịch chuyển từ Đại thừa Phật giáo sang Hindu giáo tại Trung và Đông đảo Java. Đây là nơi thờ ba vị thần tối cao Hindu giáo (Trimurti), gồm Thần sáng tạo Brahma, Thần duy trì Vishnu và Thần hủy diệt Shiva.
Ngôi đền đầu tiên của quần thể đền được hoàn thành vào giữa thế kỷ 9, sau đó tiếp tục được mở rộng trong những năm sau này.
Đền Prambanan có mặt bằng hình vuông, bố cục theo hướng bắc – nam. Tại các trục giữa nhô ra một khối nhỏ, là lối ra vào.
Đền chia thành hai khu vực chính: Khu vực trung tâm và Khu vực bao quanh. Xung quanh Tổ hợp đền là không gian rộng lớn, được đánh dấu bởi phế tích của các bức tường bao bằng đá.
Mặt bằng Tổ hợp đền Prambanan, Yogyakarta, Indonesia
Mặt trước Tổ hợp đền Prambanan, Yogyakarta, Indonesia
Phối cảnh tổng thể tổ hợp đền Prambanan, Yogyakarta, Indonesia
Khu vực trung tâm có mặt bằng hình vuông, gồm:
3 ngôi đền thờ ba vị thần Hindu vĩ đại
3 ngôi đền thờ ba vị thần Hindu vĩ đại (Trimurti): Visnu, Shiva và Brahma; bố cục nằm trên một hàng theo hướng bắc – nam. Đền thờ thần Shiva nằm ở giữa. Hai bên là đền thờ thần Visnu và Brahma. Cách bố cục này tạo cho khu vực đền có hướng chính quay về đông và được xây dựng với mục đích tôn thờ thần Shiva.
Đền thờ thần Shiva là cấu trúc xây dựng cao nhất và lớn nhất Khu vực trung tâm, đáy rộng 34m, cao 47m. Lối vào chính từ phía đông. Xung quanh Đền thờ được trang trí bằng các bức phù điêu đá kể về sử thi và là bộ kinh Ấn Độ giáo Ramayana. Bên trong đền, gian giữa thờ thần Shiva; 3 phía bắc, tây và nam thờ các thần giám hộ.
Đền thờ thần Visnu và đền thờ thần Brahma có hình dạng giống nhau, rộng 20m, cao 33m; chỉ có một không gian thờ.
3 ngôi đền Vahana
3 ngôi đền Vahana: dành cho các vị thần trợ giúp (Vahana): Garuda (con chim cho thần Visnu), Nandi (con bò cho thần Shiva) và Hamsa (con thiên nga cho thần Brahma). 3 ngôi đền nằm trên một hàng song song với 3 ngôi đền thờ Trimurti. Đền Nandi nằm chính giữa, phía trước của đền Shiva. 3 đền có hình thức giống nhau và quy mô nhỏ hơn 2 đền thờ thần Visnu và Brahma.
2 đền thờ Apit
2 đền thờ Apit : nằm giữa các hàng đền Trimurti và Vahana, tại phía bắc và nam Khu vực trung tâm; có quy mô nhỏ. Đền phía nam thờ thần Sarasvati, là nữ thần Hindu về kiến thức, âm nhạc, nghệ thuật, trí tuệ và học tập. Đền phía bắc thờ thần Lakshmi, là nữ thần Hindu về của cải, tài sản và sự thịnh vượng với 4 cánh tay tượng trưng cho: i) Pháp (Dharma- đạo đức, đời sống luân lý); ii) Đam mê (Kama - niềm vui, cảm thụ, tình dục); iii) Thịnh vượng (Artha – giàu có); iv) Giải thoát (Moksha – giải phóng, tự thực hiện).
4 điện thờ Patok
4 điện thờ Patok : nằm trên 4 góc của Khu vực trung tâm ; có quy mô nhỏ.
4 điện thờ Kelir
4 điện thờ Kelir : nằm trên 4 hướng chính ngay tại 4 cổng chính của Khu vực trung tâm; có quy mô nhỏ.
Khu vực bao quanh Khu trung tâm là một dải không gian, tạo thành hình vuông, mỗi cạnh dài 225m.
Trên dải không gian này bố trí 224 ngôi đền giám hộ (Candi Pervara), được sắp xếp theo 4 hàng vuông đồng tâm; số của các ngôi đền trong ra ngoài: 44, 52, 60 và 68. Các ngôi đền Pervara có kích thước giống nhau, cao 14m, mặt bằng đáy tháp có kích thước 6m x 6m. Phần lớn các ngôi đền Pervara chỉ còn lại phế tích móng.
Đền chính thờ thần Shiva, Tổ hợp đền Prambanan Yogyakarta, Indonesia
Mặt cắt ngang đền chính thờ thần Shiva với 3 khối theo chiều cao
Tượng thần Shiva tại không gian chính giữa của đền thờ thần Shiva, Tổ hợp đền Prambanan Yogyakarta, Indonesia
Tượng thần giám hộ Agastya tại hốc thờ phía Nam, đền thờ thần Shiva, Tổ hợp đền Prambanan Yogyakarta, Indonesia
Tượng thần giám hộ Ganesa tại hốc thờ phía Tây, đền thờ thần Shiva, Tổ hợp đền Prambanan Yogyakarta, Indonesia
Tượng thần giám hộ Durga tại hốc thờ phía Tây, đền thờ thần Shiva, Tổ hợp đền Prambanan Yogyakarta, Indonesia
Đền thờ thần Visnu, Tổ hợp đền Prambanan Yogyakarta, Indonesia
224 ngôi đền giám hộ xung quanh hiện chỉ còn tàn tích, Tổ hợp đền Prambanan Yogyakarta, Indonesia
Đền chính Prambanan được xây dựng theo kiểu Kiến trúc đền thờ Hindu, bắt nguồn từ nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ cổ đại (Vastu Shastra) với các đặc trưng chính:
- Phản ánh sự tổng hợp lý tưởng của Đạo pháp, niềm tin, giá trị và cách sống trong Ấn Độ giáo; Là không gian linh thiêng để liên kết giữa con người, các vị thần và vũ trụ; được hình thành xung quanh niềm tin rằng: Tất cả mọi thứ là một, tất cả mọi thứ được kết nối.
- Cấu trúc xây dựng thúc đẩy sự tiếp nhận và giao tiếp của các tín đồ, khách hành hương thông qua các không gian mở, nghệ thuật điêu khắc, tranh vẽ có nội dung miêu tả sử thi Hindu, thể hiện bốn điều quan trọng mà con người theo đuổi trong cuộc sống: Pháp; Đam mê; Thịnh vượng; Giải thoát...- Khuyến khích sự phản ánh, tạo điều kiện cho việc thanh lọc tâm trí của con người và kích hoạt các quá trình thực hiện hoạt động tín ngưỡng.
- Cấu trúc đối xứng với nhiều biến thể dựa trên một hệ lưới vuông với bố cục các dạng hình học hoàn hảo như hình tròn, hình vuông.
- Mặt bằng của quần thể đền có 4 trục chính theo 4 hướng đông, tây, nam, bắc, xung quanh tạo thành một hình vuông hoàn hảo. Hình vuông được chia thành các lưới ví dụ như 8 x 8 = 64 ô lưới hoặc 9 x 9 = 81 ô lưới. (Hệ thống các ô lưới điển hình là: 1, 4, 9, 16, 25, 36, 49, 64, 81 lên đến 1024 hình vuông; 1 hình vuông là chỗ ngồi cho một tín đồ suy ngẫm, tập luyện); Mặt bằng được phân thành nhiều lớp không gian đồng tâm. Mỗi lớp mang một ý nghĩa tôn giáo khác nhau. Trung tâm quần thể là một ngôi đền thờ vị thần chính của quần thể và có thể khác nhau với mỗi ngôi đền, phản ánh một cảnh tượng kiến thức, tầm nhìn của cộng đồng tín đồ.
- Đền có hình dạng tháp. Trên đỉnh mỗi tháp có một mái vòm, được cho là lấy cảm hứng từ các ngọn núi thần thoại.
- Tại các đền thờ lớn có phòng chờ, phòng phục vụ cho tín đồ và khách hành hương.
- Nguyên tắc phản chiếu và sự lặp lại tương tự như cấu trúc phân dạng Fractal (là một vật thể hình học có dạng gấp khúc trên mọi tỷ lệ phóng đại và có thể tách ra từng phần, mỗi phần trông giống như hình tổng thể với tỷ lệ nhỏ hơn. Phân dạng có vô tận chi tiết…); như một thực thể sống với sự lặp đi lặp lại các tế bào.
Mặt bằng của tổ hợp đền được bố cục theo mô hình hình học Mandala, là một tinh thần và nghi lễ biểu tượng trong Ấn Độ giáo, thể hiện các vũ trụ siêu hình hoặc tượng trưng, một mô hình thu nhỏ của vũ trụ. Hình thức cơ bản của Mandala là một hình vuông với bốn cửa, chứa một vòng tròn như biểu tượng trung tâm (Bindu).
Theo mặt cắt, đền chia thành 3 khối tầng:
- Tầng thấp nhất (Bhurloka): từ mặt đất lên đến sân đầu tiên; là tầng (cảnh giới) của vương quốc loài người, động vật, quỷ.
- Tầng thứ hai (Bhuvarloka): từ sân đầu tiên đến hết chiều cao gian thờ; là cảnh giới của người thánh thiện, các vị thần cấp độ thấp. Tại đây được cho là bắt đầu xuất hiện ánh sáng của chân lý.
- Tầng trên cùng (Svarloka): từ đỉnh của gian thờ đến hết chiều cao đền; là cảnh giới cao nhất và thiêng liêng nhất, dành cho các vị thần, thiên đường.
Toàn bộ ngôi đền được trang trí bởi các tấm tường phù điêu kể về những câu chuyện sử thi Hindu; Ramayana và Bhagavata Purana…; miêu tả cây, hoa, động vật.
Các trang trí dọc theo các lan can đá tại sân Tổ hợp đền Prambanan Yogyakarta, Indonesia
Một trong số bức phù điêu đá miêu tả các sự tích tôn giáo, Tổ hợp đền Prambanan Yogyakarta, Indonesia
Đền Sewu
Đền hay chùa tháp Sewu (Sewu Temple Compound), tên đầy đủ là Candi Sewu (trong tiếng Java, có nghĩa là "nghìn ngôi đền"), nhưng tên chính thức là Manjusrigrha (có nghĩa là "ngôi nhà của Bồ Tát"), là tổ hợp chùa tháp Phật giáo lớn thứ hai ở Trung Java sau Chùa tháp Borobudur (Borobudur, Java Indonesia, xây dựng vào thế kỷ 9; Di sản thế giới năm 1991). Chùa tháp Sewu có hình thức là nguyên mẫu của Đền chính Prambanan, nằm cách chùa khoảng 800m.
Sự tồn tại của hai quần thể chùa Phật giáo và đền Hindu giáo gần nhau cho thấy sự hòa hợp giữa hai tôn giáo tại Trung Java thời bấy giờ.
Đền Sewu được xây vào thế kỷ 8, thời vua Rakai Panangkaran (746 – 784) - một vị vua nổi tiếng của vương quốc Medang với tôn giáo chính là Phật giáo Đại thừa, được hoàn thành vào triều đại vua kế tiếp. Sau một thời gian dài quên lãng, bị tàn phá bởi động đất và bị cướp phá, đền được phát hiện vào đầu thế kỷ 19. Năm 1981, ngôi đền được nghiên cứu toàn diện. Năm 2006, ngôi đền bị hư hại nặng nề trong trận động đất năm 2006, sau đó được phục dựng lại.
Mặt bằng của Đền Sewu hình chữ nhật, chiều bắc – nam dài 185m, chiều đông – tây dài 165m. Có 4 lối ra vào chính theo 4 hướng chính đông, tây, nam, bắc. Mỗi lối vào có 2 bức tượng thần gác cửa Dvarapala.
Chùa tháp Sewu có 249 ngôi đền, phân bố theo hình gọi là Mạn Đà La (Mandala – hình vẽ biểu thị hình tượng vũ trụ thu nhỏ, nơi một hay nhiều vị thần ngự trị), gồm một ngôi đền chính và lớn nhất nằm giữa, bao quanh là 248 tháp nhỏ xếp thành 4 hàng hình chữ nhật lồng vào nhau quanh đền chính trung tâm.
Đền thờ chính có đường kính 29m, cao 30m. Mặt bằng là một đa giác 20 mặt hình chữ thập, được xây dựng bằng đá. Đền chính có 5 phòng, một phòng lớn ở trung tâm và bốn phòng nhỏ theo 4 hướng chính. Các tàn tích về hoa sen hiện có cho thấy trung tâm của đền là một bức tượng đồng (hoặc tượng đá) Phật giáo (có thể là bức tượng đồng Văn Thù Bồ tát).
Các ngôi đền nhỏ có kiểu dáng tương tự nhau, cùng hình vuông, song mỗi ngôi đền có hướng khác nhau và có một kiểu tượng thờ riêng. 176 ngôi đền của hai hàng ngoài nhỏ hơn 72 ngồi đền của hai hàng phía trong. Các tượng thờ trong ngôi đền làm bằng đồng. Trên trục đông – tây và nam – bắc, giữa các hàng đền tháp nhỏ thứ ba và tư có các ngôi đền gác (perwara). Các ngôi đền này nhỏ hơn đền tháp tại trung tâm, song lớn hơn các ngôi đền tháp nhỏ.
Phối cảnh Tổ hợp đền Sewu, Di sản Quần thể đền Prambanan. Yogyakarta, Indonesia
Mặt bằng Tổ hợp đền Sewu, Di sản Quần thể đền Prambanan. Yogyakarta, Indonesia
Mặt đứng phía trước Tổ hợp đền Sewu với 2 bức tượng thần gác cửa Dvarapala.
Phối cảnh đền chính Tổ hợp Đền Sewu, Di sản Quần thể đền Prambanan. Yogyakarta, Indonesia
Mặt bằng đền chính Tổ hợp Đền Sewu, Di sản Quần thể đền Prambanan. Yogyakarta, Indonesia
Một bức trang trí miêu tả các sự tích tôn giáo xung quanh Đền Sewu, Di sản Quần thể đền Prambanan. Yogyakarta, Indonesia
Đền Bubrah
Đền Bubrah (Bubrah Temple) là một ngôi chùa Phật giáo nằm giữa Đền chính Prambanan và Chùa tháp Sewu. Chùa được xây dựng vào thế kỷ thứ 9, cùng thời gian với Chùa tháp Sewu.
Đền có kích thước 12mx12m, hiện chỉ còn lại tàn tích đá.
Các tàn tích còn lại của Đền Bubrah, Di sản Quần thể đền Prambanan. Yogyakarta, Indonesia
Đền Lumbung
Đền Lumbung (Lumbung Temple) là một ngôi chùa Phật giáo, thờ Văn Thù Bồ Tát, nằm cạnh Đền Bubrah và giữa của Đền chính Prambanan và Chùa tháp Sewu. Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 9, cùng thời gian với hai ngôi đền Phật giáo bên cạnh.
Đền có nhiều điểm tương tự như Chùa tháp Sewu, song có quy mô nhỏ hơn.
Tổ hợp đền bao gồm một đền chính, bao quanh bởi 16 đền nhỏ hơn. Đền quay ra hướng đông và cũng là nơi bố trí lối ra vào chính.
Tàn tích Đền Lumbung, Di sản Quần thể đền Prambanan. Yogyakarta, Indonesia
Tàn tích Đền Lumbung, Di sản Quần thể đền Prambanan. Yogyakarta, Indonesia
Tàn tích các tháp phụ trợ xung quanh đền chính tại Đền Lumbung, Di sản Quần thể đền Prambanan. Yogyakarta, Indonesia
Một vài tàn tích các trang trí và tượng thờ tại Đền Lumbung, Di sản Quần thể đền Prambanan. Yogyakarta, Indonesia
Ngày nay, Di sản Quần thể Prambanan, tỉnh Yogyakarta trở thành một trong những điểm thu hút du lịch khảo cổ học và văn hóa lớn nhất tại Indonesia.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/642
https://en.wikipedia.org/wiki/Indonesia
https://en.wikipedia.org/wiki/Medang_Kingdom
https://en.wikipedia.org/wiki/Sanjaya_dynasty
https://en.wikipedia.org/wiki/Shailendra_dynasty
https://en.wikipedia.org/wiki/Prambanan
https://id.wikipedia.org/wiki/Candi_Prambanan
https://en.wikipedia.org/wiki/Sewu
https://en.wikipedia.org/wiki/ Bubrah
https://en.wikipedia.org/wiki/Lumbung
https://www.orientalarchitecture.com/sid/181/indonesia/yogyakarta/prambanan-temple
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|