|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Tượng Nữ thần Tự do, New York, Hoa Kỳ |
08/02/2016 |
Thông tin chung:
Công trình: Tượng Nữ thần Tự do (The Statue of Liberty)
Địa điểm: Đảo Liberty, New York, Hoa Kỳ ( N40 41 22 W74 2 41)
Điêu khắc: Frédéric Auguste Bartholdi
Quy mô: Phạm vi Di sản 5,95ha
Năm hoàn thành: 1886
Giá trị: Di sản thế giới (1984; hạng mục i; vi )
Hoa Kỳ, còn gọi là Mỹ, tên gọi đầy đủ là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (United States of America - USA), gồm có 50 tiểu bang và một đặc khu liên bang.
Hoa Kỳ nằm gần như hoàn toàn trong Tây bán cầu với 48 tiểu bang lục địa và thủ đô Washington, D.C, tại khu vực Bắc Mỹ, giáp Thái Bình Dương ở phía Tây, Đại Tây Dương ở phía Đông, Canada ở phía Bắc và México ở phía Nam. Cách biệt với nhóm các tiểu bang trên là tiểu bang Alaska nằm trong vùng Tây Bắc của lục địa Bắc Mỹ, giáp với Canada ở phía Đông và tiểu bang Hawaii nằm giữa Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Hoa Kỳ còn có 14 lãnh thổ hải ngoại nằm rải rác trong vùng biển Caribbe và Thái Bình Dương.
Hoa Kỳ có diện tích khoảng 9826630 km2, dân số 325,4 triệu người (năm 2017). Ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh. Ngày 4/7/1776, Hoa Kỳ tuyên bố độc lập từ Anh.
Bản đồ Hoa Kỳ và vị trí bang New York tại phía Đông Hoa Kỳ
Tượng Nữ thần Tự do (tên đầy đủ là Nữ thần Tự do soi sáng thế giới - Liberty Enlightening the World) là một tác phẩm điêu khắc với kích thước cực lớn, đặt trên đảo Liberty (tên cũ Bedloe) tại cảng New York, Hoa Kỳ.
Tác phẩm điêu khắc này do Frédéric Bartholdi (nhà điêu khắc người Pháp 2/8/1834- 4/10/1904) thiết kế và được khánh thành vào ngày 28/10/1886. Đây là tặng vật của nhân dân Pháp gửi nước Mỹ.
Nhà điêu khắc Frédéric Bartholdi
Vào năm 1865, Édouard René Lefèbvre de Laboulaye (luật sư, nghị sỹ người Pháp, 18/1/1811- 25/5/1883) đã nêu ý tưởng xây dựng một tượng đài để làm đài kỷ niệm đánh dấu nền độc lập của Hoa Kỳ.
Năm 1875, Laboulaye đã tiến hành lập Dự án xây dựng tượng đài Nữ thần Tự do tại Hoa Kỳ, trong đó đề nghị Pháp sẽ tài trợ việc đúc tượng, còn Hoa Kỳ sẽ xây phần bệ và tìm vị trí đặt tượng.
Ngày 3/3/1877, Tống thống Hoa Kỳ đã ký quyết định chính thức nhận bức tượng là quà tặng của nước Pháp và phê duyệt chọn đảo Bedloe tại New York làm nơi đặt tượng.
Laboulaye và Bartholdi cùng nhau cân nhấc, tìm cách diễn tả ý niệm lý tưởng tự do của Mỹ.
Tượng Nữ thần Tự do mang hình tượng của Libertas, nữ thần tự do của La Mã, được thiết kế theo phong cách Tân cổ điển (diễn ra vào giữa thế kỷ 18, lấy cảm hứng từ những lý tưởng và hình thức cổ điển Hy Lạp và La Mã).
Tượng có hình dáng có hình dáng một người phụ nữ mặc áo choàng dài (kiểu áo thường được dùng cho các nữ thần La Mã).
Khuôn mặt tượng được cho là tạc theo chân dung của chính mẹ nhà điêu khắc.
Mũ miện của tượng có bảy tia như vầng hào quang của mặt trời, tương ứng với bảy đại dương và bảy đại lục địa.
Tay phải của tượng giương cao ngọn đuốc, thể hiện ánh sáng của tự do rạng soi khắp thế giới.
Tay trái của tượng cầm một phiến đá, trên khắc dòng chữ "JULY IV MDCCLXXVI" (4/7/1776, ngày ra đời Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ) gắn với ý niệm tự do.
Tượng đứng giẫm lên một đoạn xích gãy, biểu tượng của việc phá bỏ gông cùm, áp đặt, lệ thuộc…
Theo chiều cao công trình tượng đài gồm 3 phần:
Phần nền là tòa nhà lục quân cũ (đồn Wood) được xây dựng vào năm 1807-1811. Tòa nhà có mặt bằng hình ngôi sao 11 cánh, có chiều có cao so với mặt đất tự nhiên khoảng 19,81m. Các không gian cũ trong tòa nhà được sử dụng để trưng bày triển lãm, dịch vụ.
Bệ tượng có mặt bằng hình vuông, thu nhỏ dần theo chiều cao. Bệ tượng cao so với mặt nền là 27,3m.
Tượng có chiều cao khoảng 46m.
Tổng chiều cao của công trình từ mặt đất tự nhiên tới đỉnh tượng khoảng 93m.
Tượng đài có bố cục đơn giản, khỏe khoắn, mang tính tổng thể như những phác thảo, không quá rườm rà, để hòa vào với biển trời bao la của hải cảng New York.
Tượng được làm bằng các tấm đồng (dày 2,4mm) với tổng trọng lượng khoảng 27,22 tấn. Bên trong là các khung thép với tổng trọng lượng khoảng 113,4 tấn để liên kết các tấm vỏ đồng bên ngoài. Hệ khung thép được Gustave Eiffel (kỹ sư kết cấu kim loại nổi tiếng người Pháp, 15/12/1832- 27/12/1923) thiết kế, lắp đặt. Vỏ đồng được bọc bằng chất amiang có phủ sơn.
Thiết kế của Eiffel đã làm cho bức tượng này trở thành một trong số những công trình đầu tiên sử dụng kỹ thuật xây dựng kiểu vách treo, mà theo đó phần bên ngoài của công trình không chịu tải, được một hệ khung sườn phía bên trong nâng đỡ. Eiffel còn cho xây dựng thêm hai cầu thang hình xoáy ốc bên trong để khách tham quan dễ dàng di chuyển lên điểm quan sát nằm trên chiếc mũ miện của tượng.
Tượng được dựng lắp tại Pháp hoàn chỉnh, sau đó được tháo rời ra vận chuyển đến Hoa Kỳ để lắp ráp lại.
Tượng Nữ thần Tự do trên đảo Liberty, New York, Hoa Kỳ
Tượng Nữ thần Tự do, New York, Hoa Kỳ được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1984 với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Bức tượng khổng lồ này là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người.
Sự hợp tác giữa nhà điêu khắc Frédéric Bartholdi và kỹ sư Gustave Eiffel đã tạo ra một kỳ quan công nghệ kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật theo một cách thức mới và đầy mạnh mẽ.
Tiêu chí (vi): Giá trị của Tượng Nữ thần Tự do nằm ở hai yếu tố cơ bản: Được khởi xướng bởi người dân Pháp, khẳng định việc liên minh lịch sử giữa hai quốc gia; Được tài trợ xây dựng bởi cộng đồng quốc tế, khẳng định việc thiết lập nguyên tắc tự do và dân chủ của bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, được Nữ thần giữ trong tay trái. Tượng Nữ thần Tự do đã sớm trở thành một biểu tượng thu hút sự di cư của người dân từ nhiều quốc gia vào Hoa Kỳ từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Tượng Nữ thần Tự do truyền một thông điệp suy ngẫm, tranh luận và phản kháng mạnh mẽ về những lý tưởng như tự do, hòa bình, nhân quyền, xóa bỏ chế độ nô lệ, dân chủ và cơ hội.
Vị trí Di sản Tượng Nữ thần Tự do, New York, Hoa Kỳ
Tổng mặt bằng đảo Tự do, New York, Hoa Kỳ
Phối cảnh tổng thể đảo Tự do, New York, Hoa Kỳ
Sơ đồ mặt bằng và mặt cắt tượng Nữ thần Tự do, New York, Hoa Kỳ
Cấu trúc xây dựng tượng Nữ thần Tự do, New York, Hoa Kỳ
Tượng Nữ thần Tự Do một tay cầm ngọn đuốc Ánh sáng tự do, một tay cầm Bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ, ra đời ngày 4/7/1776
Chân tượng Nữ thần Tự Do giẫm lên một đoạn xích gãy, biểu tượng của việc phá bỏ gông cùm
Cấu trúc bên trong thân tượng Nữ thần Tự Do, New York, Hoa Kỳ
Bên trong đầu tượng Nữ thần Tự Do, New York, Hoa Kỳ
Xây tượng tại Pháp
Nghị sỹ Laboulaye và kiến trúc sư Bartholdi đã tiến hành nhiều cuộc vận động tại Pháp và Mỹ để quyên tiền dựng tượng. Việc gây quỹ còn được tiến hành bằng các sáng kiến: Bán vé vào xem công đoạn xây dựng tượng; Mở xổ số…
Tượng bắt đầu được thực hiện vào năm 1875. Bartholdi thực hiện trước tiên phần đầu tượng và cánh tay cầm đuốc. Năm 1877 phần đầu của pho tượng được hoàn tất. Các bộ phận của tượng được trưng bày cho công chúng xem trong nhiều đợt triển lãm quốc tế. Riêng cánh tay phải cầm ngọn đuốc được trưng bày tại Công viên Quảng trường Madison của Thành phố New York từ năm 1876 đến năm 1882.
Vào năm 1882, bức tượng đã được hoàn chỉnh lên đến phần ngực.
Năm 1883, Laboulaye qua đời. Ferdinand de Lesseps, người xây kênh đào Suez lên kế nhiệm ông điều hành Dự án bên phía Pháp.
4/7/1884, bức tượng hoàn chỉnh, chính thức được bàn giao cho Đại sứ Hoa Kỳ.
Tháng giêng năm 1885, bức tượng được tháo rời và đóng thùng chuyển sang Hoa Kỳ.
Tạo tay tượng trong xưởng mô hình
Đầu tượng Nữ thần Tự Do trưng bày tại Triển lãm Thế giới tại Pháp năm 1878
Xây nền móng và lắp dựng tượng tại Hoa Kỳ
Nền móng cho bức tượng được đặt bên trong đồn Wood, một căn cứ lục quân bị bỏ hoang nằm trên đảo Bedloe.
Năm 1881, Ủy ban New York ủy nhiệm Richard Morris Hunt thiết kế bệ tượng. Theo thiết kế ban đầu bệ tượng cao 35m, do khó khăn về tài chính nên bệ chỉ còn cao 27,13m.
Bản thiết kế bệ tượng của Hunt gồm có những chi tiết kiến trúc cổ điển trong đó có các cổng dùng thức cột Doric, và phần khối to lớn của nó được chia nhỏ thành từng mảng để tập trung sự chú ý vào bức tượng.
Về hình thể, bệ tượng là một kim tự tháp bị cắt đỉnh nhọn, có đáy rộng 19mx19m và phần chóp rộng 12mx12m. Bốn phía có hình dạng giống nhau. Ngay trên cửa ở mỗi phía có mười đĩa tròn mà Bartholdi đề nghị đặt huy hiệu của các bang Hoa Kỳ, nhưng điều này không được thực hiện. Bệ tượng có hình dáng gợi lên uy quyền của một châu Âu cổ đại, là bệ đỡ cho hình ảnh Tượng Nữ thần Tự do vươn cao.
Công cuộc xây dựng bắt đầu bằng việc xây một nền móng sâu 4,6 mét vào năm 1883, và viên đá đặt nền của bệ được đặt xuống vào năm 1884. Bệ tượng được hình thành từ các bức tường bê tông dày 6,1m. Khối lượng bệ tông sử dụng tại đây lớn chưa từng có vào thời bấy giờ. Trên bề mặt sân được trang trí bằng các khối đá granit.
Tại Hoa Kỳ cũng diễn ra các hoạt động gây quỹ cho việc xây dựng bệ tượng từ năm 1882, thông qua các hình thức quyên góp, bán đấu giá các tác phẩm nghệ thuật liên quan đến Dự án.
Tháng 4/1886 bệ tượng mới cơ bản được hoàn thành, chuẩn bị cho việc lắp ráp tượng.
Tại đây các khung sườn thép của Eiffel được liên kết với các thép chờ sẵn tại bệ tượng bằng bê tông cốt thép. Sau đó, các đoạn vỏ tượng được gắn cẩn trọng vào hệ khung. Do không thể dựng được giàn giáo, các công nhân phải treo mình lên các sợi dây để gắn các vỏ tượng. Song không có ai bị thiệt mạng trong quá trình lắp ráp tượng.
Ngày 28/10/1886, công trình được khánh thành.
Tượng Nữ thần Tự do nhanh chóng trở thành một danh thắng của thành phố New York và là biểu tượng của Hoa Kỳ.
Đảo Bedloe đặt tượng được quy hoạch trở thành công viên. Năm 1956 đảo chính thức được đổi tên thành đảo Tự do (Liberty).
Mặt bằng nền bệ tượng Nữ thần Tự Do, New York, Hoa Kỳ
Mô hình bệ tượng Nữ thần Tự Do, New York, Hoa Kỳ
Thi công xây dựng phần bệ tượng Nữ thần Tự Do, New York, Hoa Kỳ
Thi công lắp dựng phần tượng Nữ thần Tự Do, New York, Hoa Kỳ
Trong những năm sau này, bức tượng tiếp tục được cải tạo, bổ sung:
- Ngọn đuốc ban đầu được được bọc bằng vàng lá, có các lỗ nhỏ để chiếu sáng đèn từ bên trong, về sau được thay thế bằng khối thủy tinh màu để chiếu sáng rõ hơn.
- Xây dựng hệ thống chiếu sáng từ bên ngoài để thắp sáng tượng về đêm.
- Phần bên trong của tượng ở những chỗ du khách có thể với tay tới được bọc bằng loại chất dẻo đặc biệt để có thể lau xóa các hình vẽ, viết trên tường.
- Xây dựng tại phía tây của đảo nhóm tượng vinh danh những người có liên quan đến việc xây dựng tượng Nữ thần Tự do: Ba người Pháp là Bartholdi, Laboulaye, và Eiffel; Hai người Mỹ (có công trong việc quyên góp tiền xây dựng bệ tượng) là chủ bút nhật báo World nhà báo Joseph Pulitzer và nữ thi sĩ Emma Lazarus;
- Năm 1972, Bảo tàng Di dân nằm trong nền móng tượng được khánh thành. Bảo tàng này đóng cửa năm 1991, sau khi Bảo tàng Di dân mới được xây dựng trên đảo Ellis kề liền.
- Năm 1984, tượng Nữ thần Tự do được trùng tu tổng thể từ bộ khung thép bên trong đến bề mặt tượng, hệ thống thang máy, đèn chiếu sáng…Tượng được mở cửa lại vào ngày 3-6/7/1986 nhân sự kiện đánh dầu 100 năm khánh thành tượng.
Du khách thăm Tượng Nữ thần Tự do miễn phí, song phải trả tiền phí qua phà; phí thăm tầng hầm và bệ tượng; Riêng vé đi cầu thang bên trong tượng để lên đến phần mũ là đặc biệt, phải đặt mua trước 1 năm. Chỉ có khoảng 240 người được phép lên đỉnh tượng mỗi ngày.
Tượng Nữ thần Tự Do, New York, Hoa Kỳ
Di sản tượng Nữ thần Tự Do, New York, Hoa Kỳ là một trong những kiệt tác tinh thần của nhân loại, như một biểu tượng truyền cảm hứng cho những lý tưởng vì tự do, hòa bình, nhân quyền, dân chủ và bình đẳng.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/307/gallery/
https://en.wikipedia.org/wiki/United_States
https://en.wikipedia.org/wiki/Statue_of_Liberty
https://en.wikipedia.org/wiki/Fr%C3%A9d%C3%A9ric_Auguste_Bartholdi
https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C6%B0%E1%BB%A3ng_N%E1%BB%AF_th%E1%BA%A7n_T%E1%BB%B1_do
Xem video giới thiệu công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|
Cập nhật ( 26/08/2020 )
|
Tin mới đưa:- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
- Trạm bơm hơi nước D.F. Woudagemaal, Lemmer, Hà Lan
- Khu Khảo cổ Nghệ thuật đá thời Tiền sử ở Thung lũng Côa (Bồ Đào Nha) và Siega Verde (Tây Ban Nha)
- Nhà hát Catalana và Bệnh viện Sant Pau, Barcelona, Tây Ban Nha
- Hệ thống cối xay gió ở Kinderdijk – Elshout, Hà Lan
Tin đã đưa:- Hội trường Độc Lập, Philadelphia, Pennsylvania, Mỹ
- Nhà thờ tạc vào đá ở Lalibela, Ethiopia
- Các biệt thự do Palladio thiết kế ở Veneto, Ý
- Thành quốc Vatican
- Nhà máy bột giấy Verla Groundwood và Board Mill, Phần Lan
- Quần thể kiến trúc, nhà ở và văn hóa của gia tộc Radziwill tại Nesvizh, Belarus
- Nhà thờ, Tu viện Tomar, Bồ Đào Nha
- Biệt thự Tugendhat, Brno, Czech – KTS. Ludwig Mies van der Rohe
- Mỏ muối Salins-les-Bains và Xưởng muối Hoàng gia Arc-et-Senans, Pháp
- Khu mỏ than chính tại Wallonia, Bỉ
- Khu phức hợp Nhà - Xưởng - Bảo tàng Plantin- Moretus, Antwerp, Bỉ
- Gò mộ, Bia đá và Nhà thờ Jelling, Vejle, Đan Mạch
- Cung điện và Công viên Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
- Nhà thờ Đức Bà Chartres, Eure-et-Loir, Pháp
- Nhà máy Van Nelle, Rotterdam, Hà Lan - KTS. Leendert van der Vlugt
|