
Thông tin chung:
Công trình: Lâu đài và Công viên Schönbrunn (Palace and Gardens of Schönbrunn)
Địa điểm: Viên, Áo (Vienna, Austria; N48 11 12 E16 18 48)
Thiết kế kiến trúc: Johann Bernhard Fischer von Erlach, Nicolaus Pacassi…
Quy mô: Diện tích Di sản 186,28ha; diện tích vùng đệm 260,64ha.
Năm thực hiện: Công viên Schönbrunn được xây dựng trong khoảng 1695 -1699; Lâu đài Schönbrunn được xây dựng vào năm 1743.
Giá trị: Di sản thế giới (1996; hạng mục i, iv).
Áo (Austria) là một quốc gia nằm ở phía đông dãy Alps (Eastern Alps), không giáp biển, tại miền nam Trung Âu; giáp Đức về phía tây bắc, Séc về phía bắc, Slovakia về phía đông bắc, Hungary về phía đông, Slovenia và Ý về phía nam, Thụy Sĩ và Liechtenstein về phía tây.
Áo có diện tích 83.879 km2, dân số gần 8,9 triệu người (năm 2020); tiếng Đức là ngôn ngữ chính thức.
Áo là một liên bang gồm 9 tiểu bang, trong đó có Vienna, là thủ đô và thành phố lớn nhất của Áo.
Áo ban đầu nổi lên như một Thị quốc (Margraviate of Austria, tồn tại năm 972- 1156), phát triển thành một Công quốc (Duchy of Austria, tồn tại năm 1156–1453) và một Vương quốc (Archduchy of Austria, tồn tại năm 1453–1806).
Vào thế kỷ 16, Áo thuộc Đế chế Habsburg (Habsburg Monarchy, tồn tại năm 1282–1918), là một trong những triều đại hoàng gia có ảnh hưởng lớn trong lịch sử; là trung tâm hành chính của Đế chế La Mã Thần thánh (Holy Roman Empire, tồn tại năm 800/962- 1806).
Đầu thế kỷ 19, Áo thành lập đế chế của riêng mình (Austrian Empire, 1804–1867). Đế chế này trở thành một cường quốc và là lực lượng hàng đầu của Liên hiệp Đức (German Confederation/ Deutscher Bund, là một hiệp hội của 39 quốc gia nói tiếng Đức, thành lập vào năm 1815, thay thế Đế chế La Mã Thần thánh đã bị tan rã vào năm 1806).
Sau Chiến tranh Áo-Phổ, Đế chế Áo – Hung (Austria-Hungary Monarchy, tồn tại năm 1867–1918) được thành lập, trở thành một trong những cường quốc của châu Âu vào thời bấy giờ.
Về mặt địa lý, Đế chế Áo-Hungary là quốc gia lớn thứ hai ở châu Âu sau Đế quốc Nga với diện tích 621.538km2 và đông dân thứ ba (sau Nga và Đế quốc Đức ).
Đế chế Áo-Hungary đã xây dựng được ngành công nghiệp chế tạo máy lớn thứ tư trên thế giới, sau Hoa Kỳ , Đức và Vương quốc Anh; trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu lớn thứ ba thế giới về thiết bị điện gia dụng, thiết bị điện công nghiệp và thiết bị phát điện cho các nhà máy điện, sau Hoa Kỳ và Đế quốc Đức.
Năm 1919, nước Cộng hòa Áo đầu tiên được thành lập (First Austrian Republic, tồn tại 1919–1934).
Năm 1945, Áo được tái lập thành một quốc gia có chủ quyền.

Bản dồ Áo và vị trí thủ đô Viên (phía tây nước Áo)
Lâu đài Schönbrunn nằm tại Viên, gắn với Công viên Schönbrunn, có diện tích khoảng 186 ha.
Lâu đài và Công viên Schönbrunn hình thành vào năm 1743, được thiết kế bởi Johann Bernhard Fischer von Erlach (1656 – 1723, kiến trúc sư, nhà điêu khắc và sử học kiến trúc người Áo) và Nicolaus Pacassi (1716 – 1790, kiến trúc sư người Áo - Ý).
Từ thế kỷ 18 đến năm 1918, Lâu đài Schönbrunn là nơi ở của các hoàng đế Habsburg. Đây là một trong những dự án quan trọng nhất của thủ đô Viên, Áo vào đầu thế kỷ 18.
Sau khi chấm dứt chế độ quân chủ và thành lập nước Cộng hòa Áo năm 1918, Lâu đài và Công viên Schönbrunn thuộc sở hữu quốc gia; được bảo tồn, tôn tạo, sử dụng chủ yếu cho mục đích thăm quan, du lịch và là một trong những công trình văn hóa quan trọng nhất tại Áo.
Công viên Schönbrunn là vườn thú đầu tiên trên thế giới vào năm 1752.
Lâu đài Schönbrunn và Công viên Schönbrunn là một trong những quần thể Baroque ấn tượng nhất và được bảo tồn tốt nhất thuộc loại này ở châu Âu và là một ví dụ hoàn hảo về một tác phẩm nghệ thuật mang tên Gesamtkunstwerk (Tác phẩm nghệ thuật mang tính tổng thể; Nghệ thuật mang tính tích hợp hay Sử dụng tích hợp các loại hình nghệ thuật).
Ngoài ra, Quần thể là một biểu tượng vật chất mạnh mẽ cho sức mạnh và ảnh hưởng của gia đình Hoàng gia Habsburg trong một thời gian dài của lịch sử châu Âu, từ cuối thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20.
Ban đầu chỉ là một nhà nghỉ săn bắn và nơi ở vào mùa hè được gia đình Hoàng gia Habsburg xây dựng lại sau cuộc chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1683.
Theo thời gian, quần thể được mở rộng thành dinh thự mùa hè của cả triều đình. Chính vì vậy, Lâu đài và Công viên Schönbrunn đại diện cho sự lớn mạnh và huy hoàng của Đế chế Habsburg.
Ở đỉnh cao quyền lực của Đế chế Habsburg vào đầu thế kỷ 18, Quần thể Lâu đài và Công viên Schönbrunn là một trong những dự án xây dựng quan trọng nhất của thủ đô Viên, Áo.
Lâu đài và Công viên Schönbrunn tại Viên, Áo được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (1996) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Lâu đài và Công viên Schönbrunn là một ví dụ được bảo tồn đặc biệt tốt của một quần thể lâu đài hoàng cung kiểu Baroque (Baroque Princely), là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người, một Gesamtkunstwerk, là sự tích hợp tuyệt vời của nhiều loại hình nghệ thuật.
Tiêu chí (iv): Lâu đài và Công viên Schönbrunn lưu giữ được những thay đổi trong nhiều thế kỷ, minh họa một cách sinh động thị hiếu, sở thích và nguyện vọng của các vị vua kế tiếp nhau thời kỳ Đế chế Habsburg.

Sơ đồ phạm vi Di sản Lâu đài và Công viên Schönbrunn tại Viên, Áo

Phối cảnh tổng thể Lâu đài và Công viên Schönbrunn tại Viên, Áo

Hình vẽ phối cảnh tổng thể Lâu đài và Công viên Schönbrunn, tại Viên, Áo

Sơ đồ vị trí các con đường và quảng trường tại Di sản Lâu đài và Công viên Schönbrunn, tại Viên, Áo

Sơ đồ vị trí các công trình chính Di sản Lâu đài và Công viên Schönbrunn, tại Viên, Áo

Lâu đài Schönbrunn trong một bức tranh cổ, tại Viên, Áo
Lâu đài Schönbrunn
Lâu đài Schönbrunn (Palace of Schönbrunn) không chỉ là nơi cư trú của gia đình hoàng gia, mà còn là nơi tổ chức các lễ hội và nghi lễ của chế độ quân chủ thời bấy giờ.
Nhiều nghệ sĩ và thợ thủ công nổi tiếng đã mời đến để thiết kế và thi công nội thất với sự sang trọng bậc nhất theo phong cách từ Baroque đến Rococo.
Công trình có mặt bằng hình chữ U. Khối giữa là nơi tiếp khách, hai cánh của lâu đài là nơi ở của hoàng gia.

Lâu đài Schönbrunn, Viên, Áo

Mặt bằng Lâu đài Schönbrunn, Viên, Áo
Lâu đài Schönbrunn có khoảng 1441 phòng với các kích cỡ khác nhau, một số phòng chính trong lâu đài gồm:
Phòng hội họp chính
Phòng hội họp chính (Great Gallery) là trung tâm của tòa nhà lâu đài.
Với chiều dài hơn 40m, chiều rộng gần 10m, diện tích khoảng 420m2, phòng hay là một hành lang rộng được sử dụng chủ yếu để tiếp khách và tổ chức các buổi tiệc. Phòng có cửa sổ cao nhìn ra khu vườn đối diện. Các bức tường trắng được trang trí bằng vữa mạ vàng theo phong cách Rococo. Trần nhà được trang trí bằng ba bức tranh của họa sĩ người Ý Gregorio Guglielmi.

Phòng họp chính, Lâu đài Schönbrunn, Viên, Áo
Phòng trang trí bằng tranh tường của Bergl
Phòng trang trí bằng trangh tường của Bergl (Bergl Rooms) nằm trong căn hộ tư nhân gia đình hoàng gia.
Trong các căn hộ này, tường và trần nhà được trang trí các bức tranh phong cảnh kỳ lạ đầy màu sắc, động vật và các loài chim lạ cùa họa sỹ nổi tiếng Johann Baptist Wenzel Bergl . Vì vậy các phòng này được gọi là Bergl Rooms.

Phòng trang trí bằng các bức tranh phong cảnh của họa sỹ Bergl, Lâu đài Schönbrunn, Viên, Áo
Phòng màu trắng và vàng
Phòng màu trắng và vàng (White Gold Room) nằm tại phía đông nam của tầng trệt. Đây là các phòng có tường và trần màu trắng được trang trí bằng vữa vàng theo phong cách Rococo. Trang trí này được tìm thấy trong hầu hết các phòng đại diện của lâu đài. Phòng lớn nhất của loại phòng này là phòng tập thể dục của Hoàng hậu Elisabeth với chiều dài 13,80m, rộng 7,85m, cao 4,70m, diện tích 108m2. Ngày nay các phòng này được sử dụng cho các sự kiện đặc biệt.

Phòng màu trắng - vàng, Lâu đài Schönbrunn, Viên, Áo
Cầu thang xanh
Cầu thang Blue (Blue Staircase) nằm ở cánh tây dẫn từ tầng trệt đến tầng một. Nền của cầu thang được ốp bằng đá màu xanh đậm. Đây là một trong những không gian cổ kính của lâu đài. Trên trần của cầu thang là bức tranh của họa sỹ người Ý Sebastiano Ricci thực hiện trong những năm 1701-1702.

Cầu thang xanh, Lâu đài Schönbrunn, Viên, Áo
Phòng chơi bi a
Phòng chơi bi a (Billiard Room) có các bức tường màu trắng với vữa mạ vàng theo phong cách Rococo và một sàn gỗ trang trí công phu. Trang thiết bị nội thất hiện nay có từ nửa sau của thế kỷ 19. Đây là phòng chờ cho các cuộc họp. Trong khi chờ đợi, mọi người có thể chơi bi – a tại đây. Trong phòng có treo nhiều bức tranh miêu tả chân dung và cuộc sống của các thành viên trong gia đình hoàng gia.

Phòng chơi bi a, Lâu đài Schönbrunn, Viên, Áo
Phòng Napoleon
Phòng Napoleon (Napoleon Room) thuộc Lâu đài Schönbrunn. Đây là nơi khi Napoleon chiếm đóng Vienna vào năm 1805 và 1809, đã chọn làm trụ sở của mình. Trong thời gian này ông đã sử dụng căn phòng như một phòng ngủ.
Phòng Napoleon, Lâu đài Schönbrunn, Viên, Áo
Phòng gương
Phòng gương (Hall of Mirrors) có những bức tường màu trắng với đồ trang trí bằng vữa vàng theo phong cách Rococo và rèm cửa bằng nhung đỏ. Các đồ nội thất bằng gỗ màu trắng-vàng, bọc nhung đỏ. Tại đây có 7 tấm gương lớn đặt trên tường. Một lò sưởi bằng đá cẩm thạch nằm ở trung tâm của bức tường phía bắc. Hai đèn chùm pha lê lớn treo từ trần nhà. Phòng gương được sử dụng như một phòng tiếp tân của Hoàng đế Franz Joseph I và Hoàng hậu Elisabeth.

Phòng gương, Lâu đài Schönbrunn, Viên, Áo
Phòng sứ
Phòng sứ (Porcelain Room) là phòng vui chơi và học tập của các thành viên hoàng gia. Màu sơn xanh- trắng trên tường, trên gỗ bắt chước màu của sứ bao phủ toàn bộ không gian tường, trần.

Phòng sứ, Lâu đài Schönbrunn, Viên, Áo
Phòng Millionen
Phòng Millionen (Millionenzimmer) là một trong các phòng có giá trị nhất của lâu đài vì tại đây có các tấm trang trí bằng gỗ quý – gỗ hồng kỳ. Trong phòng có 60 bức trang trí những cảnh miêu tả cuộc sống của các thành viên hoàng gia.

Phòng Millionen, Lâu đài Schönbrunn, Viên, Áo
Phòng nghi lễ
Phòng nghi lễ (Zeremoniensaal) là nơi các gia đình hoàng gia tụ tập để ăn mừng nhân ngày sinh nhật, lễ rửa tội và bữa ăn trưa lớn. Trên tường của phòng có 6 bức tranh khổ lớn miêu tả chân dung và cuộc sống sinh hoạt của hoàng gia.

Phòng nghi lễ, Lâu đài Schönbrunn, Viên, Áo
Phòng Vieux-Laque
Phòng Vieux-Laque (Vieux-Laque Room) là nơi làm việc của Hoàng đế Franz I. Sau khi ông qua đời phòng này trở thành phòng lưu niệm về ông. Trong phòng có nhiều bức tranh sơn mài kiểu Trung Quốc, khung được mạ vàng theo phong cách Rococo.

Phòng Vieux-Laque, Lâu đài Schönbrunn, Viên, Áo
Ngoài ra trong Lâu đài Schönbrunn còn có các phòng nổi tiếng khác như:
- Phòng Nursery (Nursery Room), là nơi đặt các bức tranh chân dung của các công chúa.
- Nhà hát của lâu đài (Schlosstheater) được xây dựng vào năm 1745
- Phòng làm việc của thái hậu Archduchess Sophie, cũng là phòng thư viện;
- Phòng Rote Salon được đặt tên bởi các tấm thảm, rèm bằng nhung và lụa đỏ. Tại đây có treo các bức tranh của các Hoàng đế Habsburg.
Công viên Schönbrunn
Công viên Schönbrunn (Schönbrunn Gardens) là một quần thể tương đối độc lập so với lâu đài Schönbrunn. Công viên được xây dựng trong khoảng 1695 -1699 và được hoàn thiện sau này cùng với việc mở rộng Lâu đài Schönbrunn.
Các hạng mục chính của Công viên Schönbrunn gồm:

Công viên Schönbrunn, Viên, Áo
Vườn hoa và đài phun nước phía trước lâu đài
Đây là khoảng vườn hoa rộng lớn phía trước lâu đài Schönbrunn với 4 đài phun nước lớn, trong đó bố trí trên trục trung tâm là đài phun nước Neptune (Fountain Neptune) và vườn bố trí các tác phẩm điêu khắc.

Vườn hoa phía trước lâu đài (giữa lâu đài và đài phun nước Neptune, Công viên Schönbrunn, Viên, Áo

Đài phun nước Neptune, Công viên Schönbrunn, Viên, Áo
Khải hoàn môn Gloriette
Khải hoàn môn Gloriette được xây dựng vào năm 1775 trên ngọn đồi cao 60m so với xung quanh, phía trên đài phun nước Neptune. Công trình là một đài tưởng niệm các sự kiện chiến tranh – hòa bình và cũng là công trình nhằm nhấn mạnh trục không gian chính, vẻ đẹp của Lâu đài Schönbrunn.
Khải hoàn môn Gloriette đã bị phá hủy trong Chiến tranh thế giới thứ hai, được khôi phục hoàn toàn vào năm 1995, hiện trở thành nơi dừng chân, ngắm toàn cảnh lâu đài và thành phố. Công trình có chiều dài khối chính 84,3m, rộng 14,6m, cao 25,95m.

Khải hoàn môn Gloriette, Công viên Schönbrunn, Viên, Áo
Các tàn tích Roma
Các tàn tích (Ruin Roman) là tàn tích nhân tạo, rất phổ biến vào giữa thế kỷ 18, tượng trưng cho sự sụp đổ vĩ đại ngày xưa hay sự tôn trọng đối với quá khứ hào hùng và tạo ra dáng vẻ cổ xưa cho công viên.
Tàn tích Roma được thiết kế bởi kiến trúc sư Johann Ferdinand von Hetzendorf vào năm 1778, tạo ấn tượng như một phần đổ nát của cung điện cổ xưa, gắn với các cụm tượng miêu tả các vị thần sông Vitava và sông Elbe. Công trình có kích thước: dài 35,4m; rộng 20,35m; cao 15,76m.

Tàn tích Roma,Công viên Schönbrunn, Viên, Áo
Đài phun nước Obelisk
Đài phun nước Obelisk (Obelisk Fountain) được xây dựng vào năm 1777. Từ giữa đài phun nước là một ngọn núi tượng trưng với nhiều hang hốc. Trên đỉnh núi giả là một cột tháp dựa trên lưng 4 con rùa vàng. Trên đỉnh cột là một con đại bàng mạ vàng, là biểu tượng cho sự vững bền. Đài phun nước thể hiện mong muốn sự tồn tại lâu dài của triều đại Habsburg.

Đài phun nước Obelisk, Công viên Schönbrunn, Viên, Áo
Công trình Palm House
Công trình gọi là Palm house, xây dựng vào năm 1882, gồm 3 khối nhà bằng kính nối với nhau bằng hàng lang kính. Công trình có tổng chiều dài 111m, rộng 28m và cao 25m, là nhà kính lớn nhất của lục địa châu Âu và là một trong ba nhà kính lớn nhất thế giới. Tại đây trồng khoảng 4.500 loài thực vật, là loại cây lâu năm và cây trồng theo mùa trong năm.

Nhà kính Palm house, Công viên Schönbrunn, Viên, Áo
Trong công viên còn có nhiều hạng mục công trình nổi tiếng:
- Vườn bách thú, là một trong những vườn thú lâu đời nhất thế giới được hình thành vào năm 1752;
- Nhà kính trồng cây trong mùa đông (Orangerie), được xây dựng vào khoảng năm 1755;
- Tòa nhà nuôi chim bồ câu (Nest Dove), được xây dựng vào khoảng năm 1750.
- Nhà sa mạc và nhiệt đới (Sundial House), được xây dựng vào năm 1904, là một nhà kính trồng các loại cây từ Australia, Nam Phi và châu Mỹ…. Trong nhà còn nuôi chim, bò sát, thú nhỏ bắt nguồn từ khu vực sa mạc.
- Mê cung được tạo ra trong thế kỷ 18 và rơi vào lãng quên, được phục hồi trong năm 1990, là các hàng cây trồng dày tạo thành các mê lộ.
- Vườn Cơ mật được xây dựng vào năm 1875, là ngôi vườn riêng của gia đình hoàng gia cho đến năm 1918.
- Vườn Nhật bản được xây dựng vào năm 1913 và được phục hồi hoàn toàn vào năm 1990.
1.jpg)
Nhà kính trồng cây trong mùa đông (Orangerie), Công viên Schönbrunn, Viên, Áo
_W%C3%BCstenhaus.jpg)
Nhà sa mạc và nhiệt đới (Sundial House), Công viên Schönbrunn, Viên, Áo

Mê cung, Công viên Schönbrunn, Viên, Áo

Vườn riêng của gia đình hoàng gia, Công viên Schönbrunn, Viên, Áo
Di sản thế giới Lâu đài và Công viên Schönbrunn, tại Viên là một nơi hấp dẫn du khách nhất Áo.
Ngày nay, hàng năm có khoảng 2,5 triệu du khách đến thăm quan công trình.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/786
https://en.wikipedia.org/wiki/Austria
https://en.wikipedia.org/wiki/Habsburg_Monarchy
https://en.wikipedia.org/wiki/Gesamtkunstwerk
https://en.wikipedia.org/wiki/Johann_Bernhard_Fischer_von_Erlach
https://en.wikipedia.org/wiki/Nicol%C3%B2_Pacassi
https://vi.wikipedia.org/wiki/Dinh_Sch%C3%B6nbrunn
https://de.wikipedia.org/wiki/Schloss_Schönbrunn
https://en.wikipedia.org/wiki/Schönbrunn_Palace
https://de.wikipedia.org/wiki/Gloriette_(Wien)
Xem video giới thiệu công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|