Thông tin chung:
Công trình: Cảnh quan công nghiệp ở Blaenavon (Blaenavon Industrial Landscape)
Địa điểm: Quận Torfaen, xứ Wales, Vương quốc Anh (N51 46 35 W3 5 17)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 3.290 ha
Năm hình thành: Thế kỷ 18
Giá trị: Di sản thế giới (2000; hạng mục iii, iv)
Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland) thường được gọi là Vương quốc Anh (United Kingdom) nằm ở ngoài khơi bờ biển phía tây bắc lục địa châu Âu.
Vương quốc Anh bao gồm đảo Anh, phần đông bắc của đảo Ireland.
Vương quốc Anh bao gồm bốn quốc gia: Anh, Scotland, Wales và Bắc Ireland; thủ đô lần lượt là London, Edinburgh, Cardiff và Belfast.
Bắc Ireland có chung biên giới trên bộ với Ireland. Ngoài biên giới trên bộ, Vương quốc Anh được bao quanh bởi Đại Tây Dương, gồm biển Bắc ở phía đông, eo biển Manche ở phía nam, biển Celtic ở phía tây nam.
Vương quốc Anh có diện tích 243.610 km2; dân số 66,04 triệu người (năm 2017); thủ đô và thành phố lớn nhất của cả vương quốc là London.
Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len còn có một số lãnh thổ hải ngoại và các lãnh thổ còn đang tranh chấp.
Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len có một lịch sử phát triển lâu đời từ khoảng 30000 năm trước đây; là quốc gia công nghiệp hóa đầu tiên trên thế giới; cường quốc đứng đầu thế giới trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Ngày nay, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland vẫn là một đại cường quốc, với các ảnh hưởng đáng kể về kinh tế, văn hóa, quân sự, khoa học, và chính trị trên quy mô toàn cầu.
Bản đồ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len
Cuộc cách mạng công nghiệp lần 1 bắt đầu vào khoảng 1750/1760 đến khoảng 1820/1840 diễn ra đầu tiên tại Vương quốc Anh. Đặc trưng nổi bật của cuộc cách mạng này là máy móc cơ khí ra đời và cải tiến thay thế sức lao động thủ công qua đó gia tăng sản lượng. Cuộc cách mạng này đánh dấu bằng các thành tựu nổi bật trong ngành dệt may, cơ khí, luyện kim và giao thông vận tải.
Cuộc cách mạng công nghiệp tại Vương quốc Anh vào đầu thế kỷ 19 được định hình dựa trên nền tảng của nguyên liệu sắt và than đá.
Miền nam xứ Wales là nơi có những mỏ nguyên liệu này. Sản xuất gang tăng từ 39.600 tấn năm 1796 đến 666.000 tấn vào năm 1852. Sản phẩm thép từ các lò nung tại đây là nguyên vật liệu để xây dựng các tuyến đường sắt, sản xuất động cơ và xây dựng các nhà máy trên toàn thế giới.
Blaenavon (biaenafon) là một thị trấn tại quận Torfaen, ở miền nam xứ Wales, trên khu vực thượng lưu của sông Afon Lwyd. Thị trấn nằm trên một sườn đồi, hiện có dân số khoảng 6 ngàn người.
Blaenavon là một thị trấn công nghiệp được hình thành từ hoạt động sản xuất thép với các xưởng luyện thép được xây dựng vào năm 1789. Các ngành khai thác than và vận tải quặng sắt phát triển tiếp theo, thúc đẩy dân số thị trấn có thời điểm lên tới 2 vạn người. Khi các xưởng luyện thép đóng cửa năm 1902, các mỏ than ngừng hoạt động vào năm 1980, dân số thị trấn dần giảm xuống.
Cảnh quan công nghiệp tại Blaenavon, Torfaen, Wales cung cấp bằng chứng đặc biệt, có tầm quan trọng quốc tế về việc luyện thép và khai thác than vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Sự phát triển song song của hai ngành này là một trong những động lực chính của cuộc Cách mạng Công nghiệp tại châu Âu.
Ngày nay, nhà máy luyện cán thép Blaenavon (Blaenavon Ironworks), mỏ than Big Pit, cùng với cảnh quan liên quan tại thị trấn Blaenavon là một trong những địa điểm công nghiệp được bảo tồn tại Vương quốc Anh. Các di tích này cung cấp một bức tranh toàn diện về tất cả các yếu tố quan trọng của quá trình công nghiệp hóa: mỏ than và quặng, mỏ đá, hệ thống đường sắt và kênh đào sơ khai, lò nung, nhà ở của công nhân và cơ sở hạ tầng xã hội của cộng đồng công nghiệp sơ khai. Khu vực này phản ánh sự phát triển vượt bậc của miền nam xứ Wales (South Wales) trong việc sản xuất sắt, thép và than vào thế kỷ 19.
Nhà máy luyện cán thép Blaenavon (hình thành năm 1789) đã tạo động lực chính cho hoạt động khai thác và làm giàu khoáng sản. Tại thị trấn Blaenavon, phần còn lại của các lò luyện, cán thép được xây dựng cuối thế kỷ 18, cùng với các lò luyện, đúc, cán thép được xây dựng vào thế kỷ 19, là những di tích được bảo tồn tốt nhất tại Vương quốc Anh. Bên cạnh các lò nung luyện thép, tại đây vẫn lưu giữ được các phân xưởng đúc cùng với tàn tích của các lò nung quặng; phần còn lại của nhà ở công nhân cũng như hệ thống cung cấp và đảm bảo kỹ thuật như cột, giá đỡ đường ống, ống khói, thang máy, tháp nước (xây dựng năm 1839, là một ví dụ tuyệt vời về công nghệ thang máy sử dụng nước để cân bằng tải trọng).
Mỏ than Big Pit là hầm mỏ than sâu cuối cùng còn hoạt động ở khu vực Blaenavon. Các tòa nhà phía trên hầm mỏ, bao gồm cả thiết bị bánh răng vận chuyển than vẫn còn nguyên vẹn như khi ngừng sản xuất vào năm 1980. Hệ thống hầm lò vẫn ở trong tình trạng tuyệt vời và có thể nhìn thấy rõ trong các chuyến thăm quan.
Cảnh quan công nghiệp tại Blaenavon phản ảnh công nghệ sản xuất sắt, bao gồm mỏ than, quặng sắt, lò nung và hệ thống giao thông (một tuyến đường sắt thô sơ, dẫn đến kênh đào và các tuyến đường sắt hơi nước sau này được sử dụng để xuất nhập khẩu vật liệu).
Cảnh quan công nghiệp tại Blaenavoncòn phản ánh sự phát triển của xã hội công nghiệp sơ khai. Thị trấn Blaenavon là một minh chứng rõ nét về một nền văn hóa đặc biệt đã hình thành và phát triển trong khu vực sản xuất thép và khai thác than ở miền nam xứ Wales (South Wales), cung cấp một bức tranh toàn cảnh về cấu trúc xã hội của cộng đồng. Các công trình kiến trúc đáng chú ý tại đây gồm Nhà thờ Thánh Peter (St. Peter’s Church), được xây dựng vào năm 1804; Hội trường Công nhân Blaenavon (Blaenavon Workmen’s Hall) được xây dựng vào năm 1894; và Trường Thánh Peter (St. Peter’s School), được xây dựng vào năm 1816.
Sơ đồ vị trí các mỏ than tại South Wales, Vương quốc Anh, nền tảng cho việc thực hiện Cách mạng công nghiệp lần 1
Cảnh quan công nghiệp tại Blaenavon, Torfaen, Wales, Vương quốc Anh được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 2000) với tiêu chí:
Tiêu chí (iii): Cảnh quan Blaenavon là một minh họa đặc biệt ở dạng vật chất về cấu trúc xã hội và kinh tế của ngành công nghiệp thế kỷ 19.
Tiêu chí (iv): Các thành phần của Cảnh quan Blaenavon cùng tạo nên một ví dụ nổi bật về cảnh quan công nghiệp thế kỷ 19.
Di sản Cảnh quan công nghiệp tại Blaenavon nằm ở đầu trên của thung lũng Afon Lwyd ở miền nam xứ Wales (South Wales), thuộc vành đai phía đông bắc của Mỏ than South Wales (South Wales Coalfield).
Di sản vào gồm 24 di tích quốc gia (Scheduled Monument) với 82 tòa nhà, trong đó các công trình quan trọng nhất thuộc sở hữu công cộng. Các di tích được bảo tồn, tôn tạo và tiếp tục được đề xuất mở rộng phạm vi bảo tồn.
Sơ đồ vị trí Nhà máy luyện cán thép Blaenavon và Mỏ than Big Pit tại Blaenvon, South Wales, Vương quốc Anh
Bản đồ du lịch cảnh quan công nghiệp Blaenavon, tại South Wales, Vương quốc Anh
Lối vào Trung tâm trưng bày Di sản thế giới Blaenavon (Blaenavon World Heritage Centre) tại Torfaen, Wales, Vương quốc Anh
Bên trong Trung tâm trưng bày Di sản thế giới Blaenavon (Blaenavon World Heritage Centre) tại Torfaen, Wales, Vương quốc Anh
Nhà máy luyện cán thép Blaenavon
Nhà máy luyện, cán thép (Blaenavon Ironworks) hoạt động trong thời gian từ năm 1789 đến 1902. Tại đây có phân xưởng sản xuất gang với 6 lò cao, phân xưởng đúc, nhà nồi hơi, tháp nước (xây dựng vào năm 1839), tuyến đường sắt vận chuyển và ba dãy nhà ở cho công nhân.
Hiện tại, những phần còn lại của lò luyện thép được bảo tồn, cùng với tàn tích của các phân xưởng đúc, tháp nước, chân đế ống khói, băng tải vận chuyển gang, nhà ở công nhân...
Tranh vẽ Nhà máy luyện, cán thép Blaenavon, năm 1800
Phối cảnh tổng thể Nhà máy luyện, cán thép và thị trấn Blaenavon, tại Torfaen, Wales, Vương quốc Anh
Tàn tích Nhà máy luyện, cán thép Blaenavon, tại Torfaen, Wales, Vương quốc Anh
Tàn tích của 2 trong số 6 lò luyện thép tại Blaenavon, Torfaen, Wales, Vương quốc Anh
Tàn tích tháp nước tại Blaenavon, Torfaen, Wales, Vương quốc Anh
Nhà máy sản xuất thép tại thị trấn Blaenavon, Wales, Vương quốc Anh hiện trỏ thành khu du lịch văn hoá
Mỏ than Big Pit
Mỏ than (Big Pit) là dạng hầm mỏ, hoạt động vào khoảng 1860 cho đến năm 1980.
Các trục lò và thiết bị vẫn còn nguyên vẹn sau khi ngừng sản xuất hoàn toàn vào những năm 1990.
Mỏ than bắt đầu trở thành Bảo tàng than (Big Pit National Coal Museum) vào năm 1983 và du khách có thể tham quan hầm mỏ dưới lòng đất.
Mỏ gồm hai trục lò đường kính trung bình 2,7m; trục lò chính dạng elip với kích thước 5,5m x 4m, đủ lớn để cho phép 2 tuyến vận tải than. Năm 1878, các trục lò chính đã đào vào mỏ than tại độ sâu đến 89m. Năm 1878, mỏ đã cung cấp việc làm cho 1222 người và cao điểm vào năm 1923 có 1399 đàn ông được tuyển dụng làm công nhân mỏ. Mỗi năm mỏ khai thác được 0,25 triệu tấn. Than được vận chuyển đến tận Nam Mỹ và các địa điểm khác trên toàn thế giới. Giai đoạn đầu, việc khai mỏ chủ yếu phụ thuộc vào sức người. Từ năm 1908, khu mỏ này là một trong những mỏ đầu tiên lắp đặt hệ thống chiếu sáng, quạt, hệ thống vận chuyển và máy bơm chạy bằng điện.
Năm 1939, tại các mỏ đã lắp đặt các buồng tắm, qua đó những người thợ mỏ không phải về nhà với thân thể bẩn thỉu và ẩm ướt. Đến năm 1970, Mỏ than (Big Pit) thu hẹp hoạt động, đóng cửa vào năm 1980 làm hơn 250 người mất việc làm.
Phối cảnh khu vực mỏ than Big Pit, tại Blaenavon, Torfaen, Wales, Vương quốc Anh
Mỏ than Big Pit hiện trở thành bảo tàng (National Mining Museum) tại Blaenavon, Torfaen, Wales, Vương quốc Anh
Một số hạng mục công trình công nghiệp khác
Ngoài 2 hạng mục công trình chính trên, cảnh quan xung quanh công nghiệp xung quanh ở Blaenavon bao gồm: Các bãi chứa nguyên liệu cho sản xuất gang, thép như quặng sắt, than và đá vôi; Các bãi chứa phế thải đá từ các mỏ than và các tuyến đường sắt vận chuyển nguyên liệu quặng và thành phẩm gang, thép và thị trấn Blaenavon.
Thị trấn từng có 2 nhà ga xe lửa hoạt động. Một nhà ga đã đóng cửa vào năm 1941 khi nhà ga Newport được xây dựng. Nhà ga còn lại cũng bị đóng cửa vào năm 1962, khi cắt giảm các tuyến đường sắt.
Hình ảnh nhà ga tại thị trấn Blaenavon xưa
Tàn tích của Hệ thống đường sắt tại Blaenavon, Torfaen, Wales, Vương quốc Anh
Thị trấn Blaenavon
Thị trấn Blaenavon được hình thành sau khi một xưởng sắt được mở vào năm 1789. Một số công trình kiến trúc nổi bật trong thị trấn gồm:
- Dinh thự Blaenavon (Blaenavon House), được xây dựng vào năm 1798, được tái sử dụng như là một bệnh viện vào năm 1924 (sau đó trở thành nhà dưỡng lão vào năm 1985, ngày nay là trở thành dinh thự tư nhân).
- Nhà thờ Thánh Peter (St. Peter’s Church), được xây dựng vào năm 1804, do các doanh nhân chủ nhà máy sản xuất thép Blaenavon Ironworks xây dựng tặng lại cho giáo xứ.
- Trường Thánh Peter (St. Peter’s School), được xây dựng vào năm 1816.
- Hội trường Công nhân Blaenavon (Blaenavon Workmen’s Hall) được xây dựng vào năm 1894. Tòa nhà thuộc sở hữu của Hội đồng địa phương và được điều hành bởi một Uy ban quản lý độc lập gồm các tình nguyện viên từ cộng đồng địa phương. Hội trường có một khán phòng 400 chỗ ngồi, rạp chiếu phim, quầy bar, phòng chơi bi-a phòng họp…Tòa nhà được đầu tư bởi các khoản khấu trừ từ lương hàng tuần các thợ mỏ. Hiện bên cạnh tòa nhà có thêm Đài tưởng niệm chiến tranh (War Memorial), xây dựng vào năm 1931.
Ngày nay, một số ngôi nhà ở của những người thợ mỏ tại Quảng trường Stack (Stack Square), thị trấn mỏ Blaenavon đã được khôi phục về thiết kế và hình thức ban đầu với trang bị nội thất thể hiện cuộc sống khác nhau trong giai đoạn 1870 -1970.
Nhà thờ Thánh Peter (St. Peter’s Church), thị trấn Blaenavon, Wales, Vương quốc Anh
Hội trường Công nhân Blaenavon và Đài tưởng niệm Chiến tranh, thị trấn Blaenavon, Wales, Vương quốc Anh
Một số ngôi nhà ở công nhân tại Quảng trường Stack, Blaenavon được phục dựng lai phục vụ cho du lịch văn hoá
Bên trong thị trấn Blaenavon, Torfaen, Wales, Vương quốc Anh
Di sản Cảnh quan công nghiệp ở Blaenavon, quận Torfaen, xứ Wales, Vương quốc Anh là một minh họa đặc biệt về cơ cấu kinh tế xã hội và ngành công nghiệp liên quan đến sản xuất thép thế kỷ 19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần 1; tạo nên một ví dụ nổi bật và đáng chú ý của một cảnh quan công nghiệp thế kỷ 19 trên phạm vi toàn thế giới.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/984
https://en.wikipedia.org/wiki/United_Kingdom
https://en.wikipedia.org/wiki/Blaenavon
https://en.wikipedia.org/wiki/Blaenavon_Industrial_Landscape
https://en.wikipedia.org/wiki/South_Wales_Coalfield
https://en.wikipedia.org/wiki/Blaenavon_Ironworks
http://www.visitblaenavon.co.uk/en/Homepage.aspx
http://cadw.gov.wales/historicenvironment/protection/worldheritage/blaenavon/?lang=en
https://www.gracesguide.co.uk/Blaenavon_Ironworks
https://en.wikipedia.org/wiki/Big_Pit_National_Coal_Museum
Xem video giới thiệu công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|