Thông tin chung:
Công trình: Cung điện Changdeokgung (Changdeokgung, Seoul Korea)
Địa điểm: Seoul, Hàn Quốc (N37 34 44 E126 59 28)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khoảng 57,9ha.
Năm xây dựng: 1404 - 1405
Giá trị: Di sản thế giới (1997; hạng mục ii,iii,iv)
Hàn Quốc (South Korea) là một quốc gia ở Đông Á, nằm tại phần phía Nam bán đảo Triều Tiên; có biên giới trên bộ là Bắc Triều Tiên. Tên Hàn Quốc - Korea có nguồn gốc từ Goguryeo, một trong những cường quốc xưa ở Bán đảo Triêu Tiên và Đông Á.
Hàn Quốc có diện tích khoảng 100.363 km2, dân số khoảng 51,7 triệu người (năm 2019). Ngôn ngữ chính thức là tiếng Hàn; Thủ đô là thành phố Seoul.
Hàn Quốc chia thành 8 tỉnh, 1 tỉnh tự trị đặc biệt, 6 thành phố đô thị, 1 thành phố đặc biệt và 1 thành phố tự trị đặc biệt.
Bán đảo Triều Tiên có người ở ngay từ thời kỳ Đồ đá cũ và trải qua các thời kỳ:
Vương quốc thời kỳ đầu Gojoseon (First Kingdom) được cho là thành lập vào năm 2333 trước Công nguyên, song Gojoseon được nhắc đến lần đầu tiên trong các ghi chép của Trung quốc Cổ đại là vào đầu thế kỷ thứ 7 TCN.
Thời kỳ Tam Quốc của Hàn Quốc (Three Kingdoms of Korea) đề cập đến 3 vương quốc: Baekje (Bách Tế), Silla (Tân La) và và Goguryeo (Cao Câu Ly). Goguryeo sau này được gọi là Goryeo và từ đó có tên Korea hiện đại. Thời kỳ Tam Quốc kéo dài từ năm 57 TCN đến năm 668 sau Công nguyên. Tại phía Nam, kề liền với vương quốc Baekje và Silla có một thị quốc tên là Gaya, tồn tại năm 42 – 562, sau đó bị vương quốc Silla thôn tính.
Vương quốc Baekje và Silla thống trị nửa phía Nam bán đảo Triều Tiên và Tamna (đảo Jeju). Vương quốc Goguryeo kiểm soát bán đảo Liaodong, Mãn Châu và nửa phía Bắc bán đảo Triều Tiên.
Thời kỳ Vương quốc Bắc- Nam (North-South Kingdoms) tồn tại vào năm 698 - 926.
Tại miền Nam bán đảo Triều Tiên, vương quốc Sila chinh phục vương quốc Baekje và một phần vương quốc Goguryeo tạo thành một quốc gia thống nhất. Để phân biệt, vương quốc Sila giai đoạn này còn được gọi là vương quốc Tongilsilla (vương quốc Sila thống nhất; Later Silla).
Tại miền Bắc bán đảo Triều Tiên, vương quốc Balhae (Bột Hải) được thành lập. Đây là vương quốc đa sắc tộc bao gồm các dân tộc tại bán đảo Triều Tiên, Mãn Châu và Viễn Đông nước Nga. Năm 926, vương triều Balhae bị nhà Liêu (Khiết Đan, phía Đông Bắc Bắc Kinh hiện nay, tồn tại năm 916 – 1125) thôn tính.
Thời kỳ Vương triều Goryeo (Goryeo Dynasty) tồn tại vào năm 918 - 1392. Trong thời kỳ này, vương quốc Sila lụi tàn, vương quốc Baekje và vương quốc Goguryeo xưa lại trỗi dậy. Vương quốc Goguryeo dần lớn mạnh, chinh phục và sát nhập vùng đất của Sila và Baekje tạo thành một vương triều Goryeo mới và cân bằng quyền lực tại khu vực Đông Á giữa vương triều Goryeo, Liao (nhà Liêu, tồn tại năm 916 - 1125) và Song (nhà Tống, tồn tại năm 960–1279).
Thời kỳ vương triều Goryeo là "Thời kỳ hoàng kim của Phật giáo" tại Hàn Quốc. Phật giáo là quốc giáo và đã đạt được mức độ ảnh hưởng cao nhất trong lịch sử Hàn Quốc, với 70 ngôi chùa ở thủ đô trong thế kỷ 11.
Thương mại phát triển mạnh tại vương triều Goryeo với các thương nhân đến từ bên ngoài.
Ngoài ra, Goryeo là thời kỳ có nhiều thành tựu lớn trong nghệ thuật và văn hóa Hàn Quốc, trong đó nổi bật là các bản khắc bằng kim loại in kinh Phật (trước cả 200 năm so với việc in sách bằng các bản in kim loại tại châu Âu). Vào thế kỷ 13, vương triều Goryeo trở thành một quốc gia bán tự trị thuộc Đế quốc Mông Cổ (Mongol Empire, tồn tại năm 1206–1368).
Thời kỳ Vương triều Joseon (Joseon Dynasty) tồn tại vào năm 1392 - 1897. Sau khi lật đổ vương triều Goryeo, nhà Joseo chuyển thủ đô từ Kaesong đến Hanyang (Seoul ngày nay). Đây là thời kỳ Nho giáo Trung Quốc thống trị trong xã hội Triều Tiên. Trong thời kỳ này, văn hóa, thương mại, văn học, khoa học và công nghệ cổ điển đạt đến đỉnh cao và để lại một di sản lớn về văn hóa, nghi thức, chuẩn mực xã hội cho Triều Tiên hiện đại.
Vương triều Joseon là triều đại phong kiến Nho giáo cầm quyền lâu nhất tại Triều Tiên.
Thời kỳ Đế quốc Triều Tiên (Korean Empire) tồn tại trong một thời gian ngắn, từ năm 1897 – 1910. Đây là thời kỳ tiếp nối vương triều Joseon, kết thúc khi Nhật Bản xâm chiếm và thôn tính Triều Tiên vào tháng 8/1910.
Ngày 15/8/1945, Triều Tiên tuyên bố độc lập khỏi sự thống trị của Nhật Bản.
Sau Thế chiến thứ 2, Hàn Quốc bị chia thành hai phần, miền Bắc do Liên Xô quản lý và miền Nam do Hoa Kỳ quản lý. Năm 1953 xảy ra Chiến tranh Triều Tiên giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên.
Ngày nay, bán đảo Triều Tiên gồm 2 quốc gia: Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) và Hàn Quốc (Nam Triều Tiên).
Bản đồ vương quốc cổ Goguryeo, Hàn Quốc
Bản đồ Hàn Quốc và vị trí thủ đô Seoul
Cung điện Changdeokgung (Xương Đức Cung) được xây dựng vào năm 1404, sau khi Vương triều Joseon chuyển thủ đô từ Gaeseong ở phía Bắc đến Hanyang (Seoul ngày nay) vào năm 1392. Changdeokgung là một trong năm cung điện chính được các vua Triều Tiên xây dựng.
Cung điện Changdeokgung nằm trong một tổng thể khu vực hoàng cung tại Seoul, phía Đông là cung điện Changgyeonggung, phía Đông Nam là Jongmyo (Tông miếu - Khu mộ tổ của hoàng tộc và đền thờ), phía Tây là nơi ở chính thức của Hoàng cung - cung điện Gyeongbokgung.
Changdeokgung là cung điện quan trọng thứ hai và đã đóng vai trò quan trọng nhất trong 270 năm cho đến khi cung điện Gyeongbokgung (Cảnh Phúc Cung) được xây dựng lại vào năm 1868.
Changdeokgung nghĩa là "Cung điện phát huy đức hạnh" nằm tại phía Đông của cung điện Gyeongbokgung nên còn được gọi là Đông Cung.
Năm 1592 Cung điện Changdeokgung bị phá hủy hoàn toàn trong cuộc xâm lược của Nhật Bản và được xây dựng lại vào năm 1609.
Năm 1623 cung điện lại bị đốt cháy một phần. Năm 1868, công trình được xây dựng lại, là nơi ở của Hoàng đế cuối cùng của Hàn Quốc cho đến khi qua đời vào năm 1926.
Cung điện Changdeokgung là một nơi yêu thích của các vị vua, vì được thiết kế và xây dựng theo nguyên tắc Phong Thủy với các thông số kỹ thuật Hàn Quốc được lưu truyền từ thời xa xưa.
Trong thời gian người Nhật chiếm đóng (từ năm 1910), nhiều công trình bị phá hủy, bị tháo dỡ để đưa sang Nhật Bản. Ngày nay, tại đây còn lại chỉ khoảng 30% số công trình với 13 tòa nhà trong khu vực cung điện và 28 hạng mục công trình nhỏ khác trong các khu vườn trên một khuôn viên rộng khoảng 57,9ha.
Quần thể cung điện bao gồm nhiều cung điện nhỏ với hành lang kết hợp tường bao xung quanh, đảm bảo sự riêng tư và có rất ít cổng ra vào.
Các công trình trong cung điện Changdeokgung có hệ kết cấu bằng gỗ, mái ngói. Cột gỗ được sơn màu đỏ. Mái vươn xa nhờ hệ thống đẩu củng nhiều tầng và được trang trí màu sắc sặc sỡ.
Một đặc điểm đặc biệt của cung điện Changdeokgung là việc xây dựng ít làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và khai thác triệt để sự hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.
Tại đây vẫn còn lưu giữ một số lượng lớn hiện vật cung cấp thông tin về cuộc sống hoàng cung xưa.
Tranh vẽ xưa về hoàng cung của các hoàng đế Hàn Quốc tại Seoul - cung điện Changdeokgung nằm tại phía Đông
Tranh vẽ xưa về cung điện Changdeokgung
Cung điện Changdeokgung tại Seoul, Hàn Quốc được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới với tiêu chí:
Tiêu chí (ii): Cung điện Changdeokgung có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kiến trúc Hàn Quốc, thiết kế sân vườn, quy hoạch cảnh quan và nghệ thuật liên quan trong nhiều thế kỷ.
Tiêu chí (iii): Cung điện Changdeokgung thể hiện các nguyên tắc Phong Thủy (Pungsu) truyền thống và Nho giáo thông qua bố cục kiến trúc và cảnh quan. Việc lựa chọn địa điểm xây dựng cung điện dựa trên các nguyên tắc Phong Thủy cũng như bố trí các tòa nhà về cả chức năng và ý nghĩa tượng trưng theo hệ tư tưởng Nho giáo đã khắc họa quan điểm độc đáo của Vương triều Joseon về thế giới.
Tiêu chí (iv): Cung điên Changdeogung là một ví dụ nổi bật về một kiểu kiến trúc cung điện và cảnh quan sân vườn khu vực Đông Á, đặc biệt qua giải pháp tích hợp và hài hòa với khung cảnh tự nhiên, thích nghi với điều kiện địa hình bản địa.
Vị trí Cung điện Changdeokgung, tại Seoul, Hàn Quốc
Sơ đồ cung điện Changdeokgung, tại Seoul, Hàn Quốc
Di sản Cung điện Changdeokgung tại Seoul, Hàn Quốc nằm tựa vào gò Maebong của núi Bugaksan, mặt hướng về Nam, phía trước là sông Geumcheon, theo thuyết Phong thủy (Pungsu) Hàn Quốc.
Quần thể Cung điện gồm một số công trình chính sau:
Nghi môn Donhwamun
Donhwamun (Đôn Hóa môn, hình vẽ ký hiệu 1) là Nghi môn chính (Đại môn) của Cung điện Changdeokgung, được xây dựng năm 1412 với một chuông đồng nặng khoảng 9 tấn.
Nghi môn là một kiến trúc đồ sộ bằng gỗ, 5 gian, mái 2 tầng 8 mái.
Cổng bị người Nhật đốt cháy vào năm 1592 và được xây dựng lại vào năm 1608.
Từ cổng Donhwamun qua một cây cầu mang tên Geumcheongyo (Geumcheongyo Bridge) là vào đến không gian phía trước của điện Injeongjeon. Cầu Geumcheongyo được xây dựng vào năm 1411, bằng đá gồm 2 nhịp vòm.
Nghi môn Donhwamun, cung điện Changdeokgung, tại Seoul, Hàn Quốc
Cầu đá Geumcheongyo trước lối vào điện Injeongjeon, cung điện Changdeokgung, tại Seoul, Hàn Quốc
Điện Injeongjeon
Điện Injeongjeon (Nhân Chính điện, hình vẽ ký hiệu 2) là khối nhà trung tâm của điện Changdeokgung, nơi đặt ngai vàng, nơi tổ chức các sự kiến lớn của quốc gia, bao gồm cả lể đăng quang và tiếp đón sứ thần.
Công trình được xây dựng vào năm 1405, bị người Nhật đốt cháy vào năm 1592, được xây dựng lại vào năm 1610 và bị phá hủy trong một vụ hỏa hoạn vào năm 1804.
Công trình có 4 mặt được bao quanh bởi nhà cầu, tạo thành khu vực riêng biệt có các cổng ra vào. Tòa điện chính đặt trên một bệ nền 3 bậc bằng đá, gồm 5 gian, mái 2 tầng 8 mái.
Phía trước điện Injeongjeon, cung điện Changdeokgung, tại Seoul, Hàn Quốc
Điện Injeongjeon, cung điện Changdeokgung, tại Seoul, Hàn Quốc
Nội thất khu vực đặt ngai vàng điện Injeongjeon, cung điện Changdeokgung, tại Seoul, Hàn Quốc
Điện Seonjeongjeon
Điện Seonjeongjeon (Tuyên Chính điện, hình vẽ ký hiêu 3) là nơi vương thần nghị luận cũng như tổ chức yến tiệc hay thi cử cho các Nho sinh. Công trình có quy mô nhỏ, nằm kề tại phía Đông điện Changdeokgung, bao gồm tòa điện chính và hệ thống nhà cầu.
Điện Seonjeongjeon, cung điện Changdeokgung, tại Seoul, Hàn Quốc
Phối cảnh một công trình trong khu vực điện Seonjeongjeon, cung điện Changdeokgung, tại Seoul, Hàn Quốc
Điện Huijeongdang
Điện Huijeongdang (Hi Chính đường, hình vẽ ký hiệu 4) là phòng sinh hoạt hàng ngày của vua và hoàng hậu.
Công trình bị hỏa hoạn vào năm 1917 và đã được xây dựng lại.
Điện Huijeongdang nằm tại phía Đông của điện Seonjeongjeon, trên một bệ nền cao bằng đá, được bao quanh bởi hệ thống hành lang cầu. Tòa điện chính nằm tại trung tâm, gồm 5 gian, mái 1 tầng, 4 mái.
Mặt trước điện Huijeongdang, cung điện Changdeokgung, tại Seoul, Hàn Quốc
Cổng vào điện Huijeongdang, cung điện Changdeokgung, tại Seoul, Hàn Quốc
Trang trí tường một tòa nhà trong điện Huijeongdang, cung điện Changdeokgung, tại Seoul, Hàn Quốc
Nội thất điện Huijeongdang, cung điện Changdeokgung, tại Seoul, Hàn Quốc
Điện Daejojeon
Điện Daejojeon (Đại Tạo điện, hình vẽ ký hiệu 5 ) nơi sinh hoạt của các vương phi, nằm ngay phía sau của điện Huijeongdang; 3 mặt xung quanh là sườn đồi tạo thành bậc. Điện Daejojeon là tổ hợp các tòa nhà nhỏ, được nối với nhau bằng hành lang cầu.
Công trình bị hỏa hoạn phá hủy năm 1917, sau đó được xây dựng lại.
Điện Daejojeon, cung điện Changdeokgung, tại Seoul, Hàn Quốc
Ngoài các điện chính, trong cung điện Changdeokgung còn có nhiều công trình phụ trợ, bố cục gắn với hệ thống sân vườn Hoàng gia.
Khu vườn có quy mô rộng khoảng 32ha. là một không gian kết hợp ao sen, thảm cỏ, hoa, bụi cây, cây bóng mát và các công trình kiến trúc nhỏ. Tại đây có đến một trăm loài cây với một số cây có hơn 300 năm tuổi.
Ngày nay, khu vườn trở thành vườn tiêu biểu của Hàn Quốc.
Một số tiểu cảnh trong vườn tại cung điện Changdeokgung, tại Seoul, Hàn Quốc
Di sản cung điện Changdeokgung tại Seoul, Hàn Quốc là một trong số ít cung điện hoàng gia tại khu vực Đông Á có quy mô và bố cục xây dựng không làm ảnh hưởng nhiều đến môi trường tự nhiên, để hướng tới sự hài hòa với thiên nhiên, góp phần làm rõ các nét đặc sắc của văn hóa Hàn Quốc. Các công trình kiến trúc có quy mô không lớn song có vẻ đẹp như các công trình điêu khắc chứa đựng các hình tượng tự nhiên, được trang trí như các tác phẩm hội họa với màu sắc như chim trời rực rỡ...
Di sản cung điện Changdeokgung, Seoul, Hàn Quốc có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của kiến trúc, quy hoạch cảnh quan, nghệ thuật sân vườn của Hàn Quốc sau này.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/816
https://en.wikipedia.org/wiki/South_Korea
https://en.wikipedia.org/wiki/Changdeokgung
https://www.tandfonline.com/doi/pdf/10.3130/jaabe.17.191
https://thereshegoesagain.org/changdeokgung-palace-secret-garden/
Xem video giới thiệu công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|