
Thông tin chung:
Công trình: Quần thể chùa Borobudur (Borobudur Temple Compounds)
Địa điểm: Thành phố Magelang, tỉnh Central Java, Indonesia (S7 36 28.008 E110 12 12.996)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 25,51ha; diện tích vùng đệm 64,31ha.
Năm xây dựng: thế kỷ thứ 9
Giá trị: Di sản thế giới (1991, hạng mục i, ii, vi)
Indonesia là một quốc gia ở Đông Nam Á, giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là một quốc đảo lớn nhất thế giới với hơn 1700 hòn đảo. Indonesia có phần diện tích đất rộng 1.904.569 km2; dân số khoảng 261 triệu người (năm 2016), là quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới; Tôn giáo chính là Hồi giáo. Quốc đảo này có chung biên giới đất liền với Papua New Guinea, Đông Timor và phần phía Nam của Malaysia.
Indonesia được chia thành 34 tỉnh, trong đó 5 tỉnh đặc biệt; Thành phố Jakarta là thủ đô.
Lịch sử của quần đảo Indonesia gắn với sự ảnh hưởng của các cường quốc nước ngoài. Họ đến đây bởi tài nguyên thiên nhiên giàu có và phong phú (từ tài nguyên tự nhiên như: dầu mỏ và khí đốt, than, thiếc, đồng và vàng đến sản phẩm nông, lâm nghiệp như: gạo, dầu cọ, trà, cà phê, ca cao, cây dược liệu, gia vị và cao su).
Từ những năm đầu công nguyên, các nhà cai trị địa phương đã tiếp thu những ảnh hưởng nước ngoài. Tại đây các vương quốc theo Ấn Độ giáo và Phật giáo được hình thành và phát triển mạnh mẽ.
Vào khoảng từ đầu thế kỷ 15 đến giữa thế kỷ 17, các thương nhân Hồi giáo và thương nhân châu Âu gắn với Kito giáo đã chiến đấu quyết liệt với nhau để giành độc quyền thương mại.tại đây. Mặc dù bị gián đoạn bởi người Bồ Đào Nha, Pháp và Anh, cường quốc châu Âu Hà Lan đã chiếm phần lớn sự hiện diện với 350 năm ở quần đảo này.
Đầu thế kỷ 20, khái niệm "Indonesia" là một quốc gia- dân tộc xuất hiện và phong trào độc lập bắt đầu hình thành. Trong quá trình phi thực dân hóa châu Á sau Thế chiến 2, Indonesia giành được độc lập vào năm 1949 từ Hà Lan.
Borobudur là một ngôi chùa hay tu viện Phật giáo Đại thừa, được xây dựng vào thế kỷ thứ 9 (ước tính kéo dài trong khoảng 75 năm và hoàn thành vào năm 825), nằm trong thung lũng Kedu, tại thành phố Magelang, tỉnh Central Java, Indonesia.
Quần thể đền Borobudur được xây dựng trong thời hoàng kim của triều đại Sailendra (Shailendra Dynasty, tồn tại năm 650 – 1025). Trong thời kỳ này, triều đại Sailendra tồn tại hòa bình bên cạnh triều đại láng giềng Sanjaya (Sanjaya Dynasty, tồn tại năm 732—947). Trong khi các triều vua Sanjaya tích cực quảng bá Ấn Độ giáo (Hindu giáo; gắn với Di sản thế giới Quần thể đền Prambanan), triều đại Sanjaya lại tích cực quảng bá Phật giáo Đại thừa.
Cả hai vương triều Sanjaya và Sailendra đều duy trì mối quan hệ chặt chẽ với vương quốc Champa (tồn tại năm 192–1832) ở lục địa Đông Nam Á. Điều này minh chứng qua nhiều điểm tương đồng với phong cách kiến trúc của các ngôi đền, chùa ở miền trung Java được xây dựng dưới thời trị vì của vương triều Sanjaya và Sailendra.
Chùa bị bỏ rơi vào thế kỷ 14, liên quan đến vương quốc Java chuyển tín ngưỡng sang đạo Hồi. Năm 1814 công trình được phát hiện, được phục hồi một phần vào năm 1907-1911, phục hồi tổng thể vào năm 1975- 1982, trở thành một địa điểm khảo cổ học Phật giáo nổi tiếng.
Quần thể Chùa Borobudur nằm tại vùng đất thiêng liêng, bao gồm 3 ngôi chùa: Chùa Borobudur; Chùa Mendut và Chùa Pawon, có vị trí cùng nằm trên một đường thẳng, như là biểu tượng của 3 giai đoạn đạt được tới Niết bàn (sự giải thoát, theo giáo lý nhà Phật).

Đế quốc Srivijaya và Sailendra vào thời cương vực lãnh thổ lớn nhất, khoảng thế kỷ thứ 8

Vị trí xây dựng chùa Borobudur, trên một đường thẳng với chùa Mendut và Pawon
Quần thể chùa Borobudur, chùa Mendut và chùa Pawon, thành phố Magelang, tỉnh Central Java, Indonesia được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1991) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Chùa Borobudur có hình kim tự tháp, gồm 10 bậc, trên đỉnh là một mái vòm lớn hình chuông; là một sự kết hợp hài hòa giữa bảo tháp, đền thờ và hình tượng ngọn núi; là một kiệt tác của kiến trúc Phật giáo và nghệ thuật hoành tráng.
Tiêu chí (ii): Chùa Borobudur là một bằng chứng nổi bật về nghệ thuật và kiến trúc Indonesia, hình thành từ giữa thế kỷ thứ 8 và đầu thế kỷ thứ 9, có ảnh hưởng to lớn đến kiến trúc từ giữa thế kỷ 13 đến đầu thế kỷ 16.
Tiêu chí (vi): Với hình thức của một đóa hoa sen, loại hoa biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo, chùa Borobudur là một sự phản ánh đặc biệt sự pha trộn giữa ý tưởng thờ cúng tổ tiên của người bản địa với các tín ngưỡng của Phật giáo về cõi Niết Bàn. Mười tầng bậc của cấu trúc chùa tương ứng với các giai đoạn mà Bồ Tát đã đạt được trước khi tới Phật quả.

Vị trí và phạm vi Di sản Quần thể chùa Borobudur, chùa Mendut và chùa Pawon, thành phố Magelang, tỉnh Central Java, Indonesia
Quần thể chùa Borobudur, thành phố Magelang, tỉnh Central Java, Indonesia gồm 3 di tích: Chùa Borobudur; Chùa Mendut và Chùa Pawon.
Chùa Borobudur
Chùa Borobudur (Borobudur Temple) có từ thế kỷ thứ chín, nằm gần thị trấn Muntilan, thành phố Magelang, tỉnh Central Java, Indonesia.
Di sản có diện tích 25,38ha, vùng đệm 62,57ha.
Chùa Borobudur là một trong những ngôi chùa Phật giáo lớn nhất và hoàn chỉnh nhất trên thế giới.
Công trình được xây dựng trên một ngọn đồi tự nhiên. Từ chân đồi qua 15m mới lên tới sân chùa. Ngôi chùa cao khoảng 42m.
Borobudur có hình dạng kim tự tháp dạng bậc như một gò núi (dạng xây dựng này còn được gọi là “chùa núi”, là sự kết hợp giữa bảo tháp, chùa và núi). Kiến trúc của chùa thể hiện sự giao hòa giữa kiến trúc Phật giáo và giáo phái bản địa thờ cúng tổ tiên tại Indonesia.

Vị trí và phạm vi Di sản chùa Borobudur, thành phố Magelang, tỉnh Central Java, Indonesia

Bức tranh G.B. Hooijer (khoảng 1916-1919) mô tả chùa Borobudur thời kỳ hoàng kim
Công trình thể hiện rõ sự ảnh hưởng của nghệ thuật thời vương triều Gupta (Gupta Empire, Đế chế Ấn Độ cổ, tồn tại thế kỷ thứ 3 – 543. Đây là thời kỳ nảy sinh những thành tựu về kiến trúc, điêu khắc và hội họa, đặt ra các chuẩn mực về nghệ thuật cho giai đoạn sau, không chỉ ở tiểu lục địa Ấn Độ mà cả khu vực lân cận tại Nam Á và Đông Nam Á).
Chức năng của Borobudur là sự kết hợp giữa việc thờ cúng Đức Phật và là nơi cho Phật tử hành hương.
Chùa có hình tượng như một bông hoa sen, loài hoa thiêng liêng của Đức Phật. Hình dạng 3 tầng tháp thể hiện 3 cấp độ biểu tượng của vũ trụ học Phật giáo: Kamadhatu (thế giới dục vọng); Rupadhatu (thế giới của hình tướng) và Arupadhatu (thế giới của vô tướng). 10 bậc của 3 tầng tháp được cho là tương ứng với các giai đoạn mà các Bộ Tát phải đạt được trước khi thành Phật quả.
Khách hành hương bắt đầu đi từ nền sân chùa, theo các con đường bậc qua, mà lên tới đỉnh.
Tầng thứ nhất (tầng Kamadhatu) có mặt bằng tổng thể hình vuông theo đúng 4 hướng Đông, Tây, Nam Bắc với kích thước 123m x 123m, cao 4 m, chia thành 2 bậc. Các cạnh đế tháp không thẳng, mà dật 3 cấp, nhô ra ở giữa. Giữa các cạnh đế tháp là một lối lên rộng 7,38m, hai bên đặt 2 sư tử đá.
Tầng thứ hai (Rupadhatu) bao gồm 5 bậc, mỗi bậc đều có lan can. Cuối của các lan can là các tượng đầu voi, sư tử…
Tầng thứ ba (Arupadhatu) có mặt bằng hình tròn, gồm 3 bậc tròn với 72 tháp nhỏ bên trong đặt tượng Phật ngồi và một tháp giống hình quả chuông đặt ở chính giữa.

Mặt bằng chùa Borobudur, Central Java, Indonesia

Mặt cắt chùa Borobudur, Central Java, Indonesia


Phối cảnh tổng thể chùa Borobudur, Central Java, Indonesia


Bậc thang lên các tầng chùa Borobudur, Central Java, Indonesia
Tất cá các bậc thềm, đều được phủ kín tượng, phù điêu trang trí rất công phu miêu tả cuộc đời của Đức Phật, các vị Bồ tát..., những cảnh trên thiên đường hay dưới địa ngục. Ngoài ra, tại đây còn có các phù điêu miêu tả nhiều cảnh của cuộc sống hàng ngày trong Java cổ đại thế kỷ 8, từ cuộc sống của hoàng gia, tu sĩ ẩn dật trong rừng, những người dân thường trong làng đến đền thờ, chợ, thuyền, hệ thực vật và động vật khác nhau.
Borobudur được cho là một quần thể lớn nhất và đầy đủ nhất các phù điêu Phật giáo trên thế giới với khoảng 504 tượng Phật, 1460 phù điêu miêu tả con người, sự kiện và 1210 phù điêu trang trí.

72 bảo tháp bố trí thành vòng tròn tại tầng thứ 3, chùa Borobudur, Central Java, Indonesia

Tượng Phật ngồi trong bảo tháp nhỏ tại tầng thứ 3, chùa Borobudur, Central Java, Indonesia
Công trình được xây dựng bằng đá với khối lượng lên đến 55000m3. Các khối đá được cắt theo các kích cỡ, vận chuyển đến địa điểm xây dựng và xây dựng không cần vữa, chỉ liên kết với nhau bằng các mộng ngàm vào nhau.
Các bức điêu khắc đá được thực hiện tại chỗ.
Đơn vị đo cơ bản được sử dụng để xây dựng công trình là Tala: chiều dài của khuôn mặt con người, từ chân tóc tại trán đến cằm hoặc khoảng cách lớn nhất từ đầu ngón tay cáii và đầu ngón tay giữa. Tại đây các tỷ lệ 4/6/9 thường xuyên được sử dụng. Tỷ lệ này cũng được tìm thấy trong cách thức xây dựng của hai ngôi chùa lớn gần đó và tương tụ như đền thờ Angkor Wat tại Campuchia.
Chùa Borobudur là điểm thu hút khách du lịch được ghé thăm nhiều nhất ở Indonesia.

Phù điêu và tượng Phật xung quanh các bậc thềm của chùa Borobudur, Central Java, Indonesia

Bức phù điêu Hoàng hậu Maya cưỡi xe ngựa lui về Lumbini để hạ sinh Thái tử Siddhartha Gautama (Đức Phật)


Phù điều miêu tả Thái tử Siddhartha Gautama (Đức Phật) trở thành một ẩn sĩ khổ hạnh;
tại chùa Borobudur, Central Java, Indonesia

Một bức phù điêu miêu tả thuyền vượt biển của vương triều Sailendra Java
tại chùa Borobudur, Central Java, Indonesia

Phù điêu miêu tả dàn nhạc, chùa Borobudur, Central Java, Indonesia

Tượng Phật, chùa Borobudur, Central Java, Indonesia

Tượng thú, chùa Borobudur, Central Java, Indonesia
Chùa Mendut
Chùa Mendut (Mendut Temple) có từ thế kỷ thứ chín, nằm ở làng Mendut, tiểu khu Mungkid, thành phố Magelang
Regency, tỉnh Central Java, Indonesia, Indonesia.
Di sản Chùa Mendut có diện tích 0,11ha, vùng đệm 1,67ha, nằm cách chùa Borobudur khoảng 3km về phía đông. Đây là ngôi chùa cổ nhất trong quần thể 3 chùa.
Năm 1836, chùa được phát hiện như một tàn tích được bao phủ bởi các bụi cây. Chùa được trùng tu vào năm năm 1897 và hoàn thành vào năm 1925.

Vị trí và phạm vi Di sản chùa Mendut, thành phố Magelang, tỉnh Central Java, Indonesia
Chùa có mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh dài 13,7m, đặt trên một bệ nền cao 3,7m. Chùa cao 26,4m, quay về hướng Tây Bắc.
Thành của các bậc thang lên bệ nền được chạm khắc phù điêu thuật lại câu chuyện liên quan đến giáo lý Phật giáo.
Sân vuông xung quanh cơ thể của ngôi đền được dành người đi hành lễ (Pradakshina) theo chiều kim đồng hồ xung quanh chùa.
Các bức tường bên ngoài chùa được trang trí bằng các bức phù điêu của các Bồ tát.
Ban đầu ngôi đền có hai gian, một gian nhỏ ở phía trước, và một gian lớn ở chính giữa. Mái và một số phần của các bức tường gian phía trước bị mất. Phần mái được cho là có một tháp nhọn với kích thước và kiểu dáng có lẽ giống như chùa Sojiwan (Sojiwan Temple, thuộc thành phố Klaten Regency, tỉnh Central Java, Indonesia).

Mặt bằng chùa Mendut, Central Java, Indonesia

Phối cảnh chùa Mendut, Central Java, Indonesia
Bên trong tháp có ba bức tượng đá lớn được chạm khắc. Tượng Dhyani Buddha Vairocana cao 3 mét có ý nghĩa giải thoát người mộ đạo khỏi nghiệp thân, bên trái là tượng Bồ tát Quán Thế Âm để giải thoát nghiệp khẩu, bên phải là Bồ tát Tâm nguyện để giải thoát nghiệp tư tưởng.
Những người theo đạo Kejawen (Thần đạo của người Java) hoặc Phật giáo, cầu nguyện trong chùa Mendut để mong thực hiện những điều ước, ví như cầu để giải thoát thoát khỏi bệnh tật; trước bức phù điêu Hariti (biểu tượng của khả năng sinh sản, sự bảo trợ của tình mẫu tử và người bảo vệ con cái) cầu về đường con cái.

Bức tượng Đức Phật (Dhyani Buddha Vairocana), Bồ tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara) và Bồ tát Tâm nguyện Vajrapani bên trong chùa tháp Mendut, Central Java, Indonesia

Bức phù điêu thần Hariti trên bức tường chùa Mendut, Central Java, Indonesia
Chùa Pawon
Chùa Pawon (Pawon Temple) nằm tại thành phố Magelang Regency, tỉnh Central Java, Indonesia, giữa của hai ngôi chùa, Borobudur (cách 1,75 km về phía đông) và Mendut (1,15 km về phía tây), được xây dựng vào thế kỷ 8 – 9, dưới thời triều đại Sailendra (Shailendra Dynasty, tồn tại năm 650 – 1025).

Vị trí và phạm vi Di sản chùa Pawon, thành phố Magelang, tỉnh Central Java, Indonesia
Ngôi chùa quay về hướng Bắc và đặt trên một bệ nền hình vuông.
Mỗi bên của cầu thang và đỉnh của cổng ra vào được trang trí bằng chạm khắc Kala-Makara (sinh vật biển huyền thoại), thường thấy trong các ngôi đền cổ của người Java.
Bức tường bên ngoài của chùa Pawon được chạm khắc với các bức phù điêu của các vị Bồ Tát và nữ Bồ Tát (Tara). Ngoài ra còn có phù điêu Cây sự sống (Kalpataru) được canh giữ bởi các sinh vật thần thoại Kinnara và Kinnari (đứng) và Apsara và Devata (đang bay).
Bên trong tháp có 6 lỗ thủng, được cho để thoát khói trong quá trình đốt đồ tế lễ.
Phần mái của chùa có 5 bảo tháp nhỏ.
Chùa Pawon được đánh giá là “ Viên ngọc của kiến trúc chùa Java”.

Phối cảnh chùa tháp Pawon, Central Java, Indonesia

Bức phù điêu Cây sự sống (Kalpataru) được canh giữ bởi các sinh vật thần thoại Kinnara và Kinnari (đứng) và Apsara và Devata (đang bay), chùa Pawon, Central Java, Indonesia
Quần thể chùa Borobudur, Chùa Mendut và Chùa Pawon tại Central Java, Indonesia là một trong những quần thể chùa và cũng là một trong các di tích Phật giáo lớn nhất trên thế giới, được cho là đại diện cho kiệt tác sáng tạo của con người..., là công trình kiến trúc có giá trị mang ý nghĩa phổ quát xuất sắc…
Ngày nay Quần thể chùa Borobudur vẫn là địa điểm hành hương. Phật tử ở Indonesia tổ chức Đại lễ Phật đản tại đây và đất là nơi du khách đến thăm nhiều nhất Indonesia.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/592
https://en.wikipedia.org/wiki/Indonesia
https://en.wikipedia.org/wiki/Shailendra_dynasty
https://en.wikipedia.org/wiki/Gupta_Empire
https://en.wikipedia.org/wiki/Borobudur
https://en.wikipedia.org/wiki/Mendut
https://en.wikipedia.org/wiki/Sojiwan
https://en.wikipedia.org/wiki/Pawon
Xem video giới thiệu công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|