Thông tin chung:
Công trình: Địa điểm khảo cổ Aigai hay Vergina (Archaeological Site of Aigai, modern name Vergina)
Địa điểm: Tỉnh Imathia, vùng Central Macedonia, Hy Lạp (N40 28 17.004 E22 19 5.988)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 1.420,81 ha; Vùng đệm 4.811,73 ha
Năm xây dựng:
Giá trị: Di sản thế giới (1996; hạng mục i; iii)
Hy Lạp (Greece / Hellenes) là một quốc gia nằm ở Đông Nam Châu Âu, cực nam của Balkans; ngã tư của Châu Âu, Châu Á và Châu Phi. Hy Lạp có chung biên giới đất liền với Albania về phía tây bắc, North Macedonia và Bulgaria về phía bắc, Thổ Nhĩ Kỳ về phía đông bắc; giáp biển Aegean ở phía đông, biển Ionian ở phía tây, biển Cretan và Địa Trung Hải ở phía nam.
Hy Lạp có diện tích 131957km2, dân số khoảng 10,72 triệu người (năm 2019).
Hy Lạp ngày nay được phân thành 7 bang, 13 khu vực với 325 thành phố. Athens là thành phố thủ đô và lớn nhất, thuộc khu vực Attica.
Hy Lạp được coi là cái nôi của nền văn minh phương Tây, là nơi sinh của nền dân chủ, triết học, văn học, nghiên cứu lịch sử, khoa học chính trị, toán học và một số ngành khoa học khác; đề tài cho nhiều bộ phim phương Tây và Thế vận hội Olympic.
Từ thế kỷ 8 trước Công nguyên (TCN), Hy Lạp gồm nhiều thị quốc (thành bang) độc lập, được gọi là poleis (số ít là polis - thành phố; chữ polis trong Acropolis có ý nghĩa như vậy), kéo dài tới vùng Địa Trung Hải và Biển Đen.
Các thị quốc Hy Lạp liên kết thành Liên minh Delian (Delian League, thành lập năm 478 TCN).
Vào thế kỷ 4 TCN, vua Argead Philip II (trị vì năm 359–336 TCN) của tiểu quốc Macedonia đã thống nhất phần lớn đất nước Hy Lạp ngày nay. Con trai của ông là Alexander Đại đế (Alexander the Great, trị vì năm 336- 323 TCN) nhanh chóng chinh phục mở rộng lãnh thổ, từ đông Địa Trung Hải đến Ấn Độ, tạo ra một trong những đế chế lớn nhất thời bấy giờ. Từ đây mở ra một thời kỳ đỉnh cao của văn hóa Hy Lạp, ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa La Mã cổ đại và vẫn còn tác động nên các nền văn minh phương Tây.
Hy Lạp bị Cộng hòa La Mã (Roman Republic, tồn tại năm 509 – 27 TCN) thôn tính vào thế kỷ 2 TCN, trở thành một phần không thể thiếu của Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN – 476) và vương quốc tiếp theo là Đế chế Byzantine (Byzantine Empire, tồn tại năm 395–1453). Cả hai đế chế này đều sử dụng ngôn ngữ và văn hóa Hy Lạp.
Về tôn giáo, Chính Thống giáo Hy Lạp (Greek Orthodox Church) xuất hiện trong thế kỷ 1, đã góp phần hình thành bản sắc của Hy Lạp hiện đại và lan truyền văn hóa Hy Lạp tới các vùng đất theo Chính Thống giáo Hy Lạp.
Thế kỷ 15, Hy Lạp nằm dưới sự thống trị của Đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ (Ottoman Empire, tồn tại năm 1299–1922). Hy Lạp giành lại độc lập vào năm 1830.
Hy Lạp (Hellenic Republic) là một quốc gia có hệ thống di tích lịch sử phong phú, phản ánh một phần qua 18 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận (đến năm 2019).
Vergina là một khu định cư nhỏ ở miền Bắc Hy Lạp, một phần của đô thị Veria ở tỉnh Imathia, vùng Central Macedonia.
Vergina được biết đến nhiều nhất với tư cách là đô thị Aigai cổ đại (Aegae), thủ đô đầu tiên (trước năm 399 TCN) của Vương quốc Macedonia (tồn tại thế kỷ 7 – năm 168 TCN; 150 – 148 TCN), cho đến khi thủ đô được chuyển đến Pella (năm 399 – 168 TCN).
Cho đến thế kỷ thứ 4 TCN, Macedonia chỉ là một tiểu quốc bên ngoài khu vực bị thống trị bởi các thị quốc lớn như Athens, Sparta và Thebes, và có một thời gian ngắn phụ thuộc vào Đế chế Achaemenid Persia (Achaemenid Empire, còn được gọi là Đế chế Ba Tư đầu tiên, tồn tại năm 550–330 TCN, là đế chế lớn nhất thế giới vào thời điểm đó).
Vua Argead Philip II (trị vì 359–336 TCN) và sau đó là con trai ông, Alexander Đại đế (trị vì năm 336- 323 TCN) thuộc vương triều Temenids đã chinh phục các thị quốc tại Hy Lạp, lật đổ Đế chế Achaemenid. Thời bấy giờ, Đế chế Macedonian (Macedonian Empire, tồn tại năm 808–168 TCN; năm 150–148 TCN) của Alexander Đại đế là một quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới, mở đầu cho quá trình chuyển đổi sang một thời kỳ mới của nền văn minh Hy Lạp cổ đại.
Nghệ thuật và văn học Hy Lạp phát triển rực rỡ ở những vùng đất mới chinh phục và những tiến bộ trong triết học, kỹ thuật và khoa học lan rộng khắp Đế chế. Đặc biệt quan trọng là những đóng góp của Aristotle (triết gia và nhà thông thái Hy Lạp cổ, năm 348- 322 TCN), gia sư của Alexander Đại đế. Tác phẩm của ông đã trở thành nền tảng của triết học phương Tây.

Sơ đồ phạm vi của Đế chế Macedonian, thời Alexander Đại đế
Aigai đạt đến thời kỳ hoàng kim trong thế kỷ thứ 6 và thứ 5 TCN, là địa điểm quan trọng nhất của Đế chế Macedonia. Kinh đô (Acropolis) được bảo vệ bởi các bức tường thành, xây dựng vào thế kỷ thứ 5 TCN, với tường dày 3m, tháp canh và cổng thành. Vật liệu xây dựng bằng đá tại phần móng, phần trên là gạch bùn không nung.
Dân cư tại đây tận hưởng lối sống sang trọng và tinh tế, được chứng thực bởi các đồ dùng, đồ trang sức và vũ khí trang trí công phu có từ thời kỳ này.
Nghề thợ xây, thợ kim hoàn và thương mại phát triển mạnh mẽ.
Thành phố thu hút nhiều nghệ sĩ và nhà tư tưởng quan trọng thời bấy giờ, trong đó có Euripides (nhà viết bi kịch nổi tiếng, năm 480 – 406 TCN), người đã viết những vở bi kịch cuối cùng của mình ở đó.
Ngay cả sau khi kinh đô được dời đến Pella, cố đô Aigai vẫn giữ được vị thế tôn giáo và nghi lễ to lớn và vẫn là nơi chôn cất của hầu hết các vị vua của Đế chế Macedonian.
Cho đến khi những người kế vị đối địch với Alexander Đại đế (vương triều Diadochi, lên nắm quyền sau khi ông qua đời vào năm 323 TCN), thì vinh quang của Aigai mới chấm dứt.
Sau khi bị người La Mã (Roman Republic, tồn tại năm 509 – 27 TCN) lật đổ vào năm 168 TCN, cả kinh đô cũ (Aigai) và mới (Pella) của Đế chế Macedonian đều bị phá hủy.
Các bức tường thành bị phá bỏ, tất cả tòa nhà bị đốt cháy. Mặc dù vẫn có người sinh sống nhưng Aigai đã dần bị bỏ hoang trong những thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên. Vào thế kỷ 2- 5 nơi đây chỉ còn là một khu định cư nhỏ mang tên Palatitsia (cung điện). Các tòa nhà công cộng đã bị cướp để lấy đá làm vật liệu xây dựng cho nhà ở tư nhân.
Cố đô Aigai của Đế chế Macedonian, bắt nguồn từ vương triều Temenids xưa kia, nay thuộc thị trấn Vergina, thành lập vào năm 1922, có diện tích 69,0km2; Độ cao thấp nhất 120m so với mực nước biển; Dân số 2,5 ngàn người (2011).
Cố đô Aigai, được phát hiện vào năm 1861. Địa điểm khai quật này nằm giữa các khu định cư hiện đại Palatitsia và Vergina.
Địa điểm Khảo cổ Aigai, bao gồm một trung tâm đô thị lâu đời nhất và quan trọng nhất ở miền Bắc Hy Lạp và một số khu định cư bao quanh, được xác định bởi sông Haliakmon (phía tây và bắc), Askordos (phía đông) và dãy núi Pierian (phía nam).
Cố đô Aigai cung cấp thông tin quan trọng về văn hóa, lịch sử và xã hội của người Macedonia cổ đại, đã bảo tồn những truyền thống lâu đời và mang văn hóa Hy Lạp cổ đại đến những vùng đất bên ngoài Hy Lạp.
Vào năm 1861, các cuộc khai quật đầu tiên tại địa điểm này đã được tiến hành và được tiếp tục vào năm 1937.
Năm 1949, các cuộc khai quật đã được nối lại.
Năm 1970, việc khai quật địa điểm Cung điện Hoàng gia đã hoàn thành.
Năm 1977, khi khai quật địa điểm Gò mộ đã phát hiện ra 4 ngôi mộ, trong đó có 2 ngôi mộ chưa từng bị xáo trộn.
Năm 1987, một cụm lăng mộ bao gồm mộ của Nữ hoàng Eurydice I (Eurydice I of Macedon, trị vì năm 393–369 TCN) đã được phát hiện.
Từ năm 1991 đến 2009, hơn 1.000 ngôi mộ đã được khai quật cùng với những khu nhà ở đô thị, nhà ở nông trại, nghĩa trang, đường phố, đền thờ và một phần thành lũy của thành phố. Cũng trong thời gian này, người ta đã khai quật và phát hiện một cụm lăng mộ hoàng gia thuộc vương triều Temenids và một dinh thự hoàng gia cổ đại có nguồn gốc của người Dorian, là một trong bốn nhóm dân tộc chính của người Hy Lạp, cùng với người Aeolians, Achaea và Ionia.
Gần đây nhất, năm 2014, 5 ngôi mộ hoàng gia khác, có thể thuộc về gia đình vua Alexander I của Macedon (trị vì năm 497 – 454 TCN) hoặc gia đình vua Cassander của Macedon (trị vì năm 305- 297 TCN) đã được phát hiện.
Tại Địa điểm Khảo cổ Aigai, di tích khảo cổ quan trọng nhất được phát hiện là các di tích tồn tại cho đến thế kỷ thứ 2 TCN. Nổi bật trong đó là 3 cụm lăng mộ hoàng gia với 12 hai ngôi mộ hình ngôi đền hoành tráng. Trong số đó có lăng mộ của hoàng hậu Euridice, mẹ của vua Philip II và 2 ngôi mộ chưa bị cướp phá của vua Philip II, cha của Alexander Đại đế, và cháu trai của ông, Alexander IV. Các phát hiện này đã gây chấn động trên toàn thế giới. Bản thân chất lượng của các ngôi mộ và di vật trong mộ đã đưa Aigai trở thành một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất ở châu Âu.

Bản đồ Hy Lạp và vị trí Địa điểm khảo cổ Vergina, tại thành phố Veria
Địa điểm khảo cổ Vergina, tại tỉnh Imathia, vùng Central Macedonia, Hy Lạp được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1996) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Cả nghĩa trang và thành phố đều chứa đựng những thành tựu lịch sử, nghệ thuật nguyên bản và độc đáo của Nghệ thuật cổ điển muộn với chất lượng cực cao và tầm quan trọng lịch sử, chẳng hạn như hình thức kiến trúc của Cung điện hoàng gia và những bức tranh tường tráng lệ của lăng mộ Macedonian, cũng như các đồ vật như bức chân dung và tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ bằng ngà voi, tác phẩm bằng kim loại, vàng và bạc. Nhiều thành tựu trong số các tuyệt tác này được tạo ra bởi các nghệ sĩ vĩ đại của Hy Lạp cổ đại, chẳng hạn như Leochares (nhà điêu khắc Hy Lạp, sống ở thế kỷ 4 TCN) và Nikomachos (họa sỹ Hy Lạp, sống ở thế kỷ 4 TCN).
Tiêu chí (iii): Địa điểm đại diện cho một minh chứng đặc biệt về sự phát triển của nền văn minh châu Âu, trong quá trình chuyển đổi từ thị quốc cổ điển sang cấu trúc đế quốc của thời kỳ Hy Lạp và La Mã. Điều này được thể hiện một cách sinh động qua hàng loạt lăng mộ hoàng gia với nội dung phong phú bên trong chúng.

Sơ đồ phạm vi Khu vực Di sản Địa điểm khảo cổ Vergina, Hy Lạp

Sơ đồ phạm vi những địa điểm khai quật tại Khu vực Di sản Địa điểm khảo cổ Vergina, Hy Lạp
Di sản Địa điểm khảo cổ Vergina, Hy Lạp được UNESCO gồm 2 địa điểm chính: Thành phố cổ và Nghĩa địa Aegae; Khu định cư thời đại đồ đồng và Nghĩa trang Tumuli.
Thành phố cổ và Nghĩa địa Aegae
Thành phố cổ và Nghĩa địa Aegae (Ancient City and Necropolis of Aegae) nằm tại phía nam Khu vực Di sản (khu vực ký hiệu Core A1; N40 28 17 E22 19 6). Diện tích Di sản 1.240,03 ha; Diện tích vùng đệm 4.811,738 ha.

Sơ đồ vị trí các di tích chính tại Thành phố cổ và Nghĩa địa Aegae, Địa điểm khảo cổ Vergina, Hy Lạp
Khu vực Thành phố cổ và Nghĩa địa Aegae (Core A1), từ phía bắc xuống nam, gồm các di tích:
Nghĩa trang thời đại Đồ sắt
Nghĩa trang thời đại Đồ sắt (Iron Age Cemetery) nằm tại phía bắc của Khu vực Thành phố cổ và Nghĩa địa Aegae (Core A1).
Nghĩa trang thời tiền sử với các gò mộ (Tumuli), nằm ở phía đông của làng Vergina, chứa hơn 300 gò chôn cất nhỏ. Nó được sử dụng từ đầu Thời kỳ đồ sắt (1000-700 TCN) cho đến thời kỳ Hy Lạp hóa (đến thế kỷ thứ 2 TCN.
Trong các gò mộ thời tiền sử, người chết được chôn trực tiếp trong lòng đất, trong các trục thuôn dài tỏa ra từ một tâm chung. Đối với đàn ông, lễ vật trong tang lễ là vũ khí, còn đối với phụ nữ là đồ trang sức phong phú. Mỗi gò mộ tại đây thuộc về một gia đình cụ thể. Các nhóm gò mộ thuộc về các thị tộc khác nhau.
Gò mộ lớn
Gò mộ lớn (Great Tumulus) nằm tại nằm tại phía bắc của Khu vực Thành phố cổ và Nghĩa địa Aegae (Core A1). Hiện tại, bốn phía là khu dân cư.
Năm 1977, các nhà khảo cổ học người Hy Lạp đã khai quật và phát hiện ra tại đây có 4 lăng mộ từ thời Cổ đại.
Những ngôi mộ hình ngôi đền dưới lòng đất thuộc một trong số những ví dụ được bảo tồn tốt nhất về việc sử dụng màu sắc trong Kiến trúc cổ đại và tiết lộ mặt tiền nguyên vẹn của một tòa nhà Hy Lạp cổ đại.

Tổng mặt bằng Di tích Gò mộ lớn, Địa điểm khảo cổ Vergina, Hy Lạp


Sơ đồ mặt bằng bố trí các lăng mộ bên trong Di tích Gò mộ lớn, Địa điểm khảo cổ Vergina, Hy Lạp

Phối cảnh Gò mộ lớn, Địa điểm khảo cổ Vergina, Hy Lạp

Sơ đồ mặt cắt ngang Gò mộ lớn, Địa điểm khảo cổ Vergina, Hy Lạp

Lối vào Gò mộ lớn, Địa điểm khảo cổ Vergina, Hy Lạp
Lăng mộ II (Tomb II) là lăng mộ của vua Philip II.
Lăng mộ gồm hai phòng:
Phòng chờ, bên trong đặt một chiếc rương hay quan tài chứa hài cốt của một người phụ nữ được cho là một trong những cung nữ của vua Philip, được tuẫn táng cùng với vị vua theo phong tục địa phương;
Phòng đặt hài cốt, bên trong có một chiếc rương (Larnax) chứa hài cốt (sau hỏa táng) làm bằng vàng, nặng 11kg, được trang trí công phu. Phía trên rương là một vòng hoa bằng vàng, gồm 313 lá sồi và 68 quả sồi, nặng 0,717kg. Chiếc rương vàng được đặt trong một chiếc rương lớn hơn làm bằng đá cẩm thạch.
Ngoài ra, trong mộ còn có vương miện bằng bạc và vàng với nút Heracles (Hercules knot /Love knot, biểu tượng cho tình yêu và sự cảm kết bất diệt), áo giáp mạ vàng và ngà voi, vũ khí, phù điêu bằng ngà voi, đồ trang sức, bình bằng bạc và đồng phục vụ tang lễ có chất lượng và độ tinh xảo tuyệt vời.
Phía trên lối vào lăng mộ, trang trí theo phong cách Doric, là một bức tranh tường dài 5,6m thể hiện cảnh săn bắn.

Mô hình lăng mộ vua Philip II, Di tích Gò mộ lớn; Địa điểm khảo cổ Vergina, Hy Lạp

Mặt tiền hầm mộ vua Philip II, Gò mộ lớn; Địa điểm khảo cổ Vergina, Hy Lạp

Rương đựng hài cốt và vòng hoa bằng vàng bên trong hầm mộ vua Philip II, Gò mộ lớn; Địa điểm khảo cổ Vergina, Hy Lạp

Vương miện bạc và vàng của vua Philip II với nút thắt Heracles, Gò mộ lớn; Địa điểm khảo cổ Vergina, Hy Lạp

Đầu Gorgon bằng vàng từ áo ngực của Philip II, Gò mộ lớn; Địa điểm khảo cổ Vergina, Hy Lạp

Phần còn lại của một số di vật tại hầm mộ vua Philip I, Gò mộ lớn; trưng bày tại Bảo tàng Lăng mộ Hoàng gia Aigai; Địa điểm khảo cổ Vergina, Hy Lạp
Lăng mộ I (Tomb I), nằm cạnh Lăng mộ của Philipp II, nơi chôn cất vợ ông là Nicesipolis (mẹ của nữ hoàng Thessalonike), chết trước chồng mấy năm. Lăng mộ này bị cướp phá, nhưng bên trong Lăng mộ vẫn còn lưu lại một bức tranh tường ấn tượng mô tả vụ bắt cóc Persephone bởi Hades, là một trong số ít những mô tả còn sót lại liên quan đến đức tin thần bí cổ đại về thế giới bên kia.

Bích họa từ Lăng mộ I mô tả Vụ bắt cóc Persephone, Gò mộ lớn; Địa điểm khảo cổ Aigai (Vergina), Hy Lạp
Lăng mộ III (Tomb III), phát hiện vào năm 1978, được cho là mộ của cháu trai Philip, con trai của Alexander Đại đế với vợ là Roxanna và là vua Alexander IV của Macedon (trị vì năm 323/322- 309 TCN). Lăng mộ nhỏ hơn so với Lăng mộ II và không bị cướp phá. Công trình cũng được bố trí thành hai phòng: Phòng chờ và Phòng đặt hài cốt. Trong phòng đặt hài cốt có một bệ đá. Bên trên có một một bình (Hydria) bằng bạc, bên trong chứa xương hỏa táng. Phía trên bình đựng hài cốt có một vòng hoa sồi bằng vàng. Bên trong Lăng mộ còn có đồ dùng bằng bạc và vũ khí thể hiện địa vị hoàng gia; một ghế dài bằng gỗ được trang trí bằng vàng và ngà voi. Bức tường của phòng mộ được trang trí bằng bức bích họa miêu tả một cuộc đua xe ngựa.

Lối vào hầm mộ tại Lăng mộ III, Gò mộ lớn; Địa điểm khảo cổ Aigai (Vergina), Hy Lạp

Bình đựng hài cốt bằng bạc và Vòng hoa sồi vàng tại Lăng mộ III, Gò mộ lớn; Địa điểm khảo cổ Aigai (Vergina), Hy Lạp

Mô hình thu nhỏ bằng vàng và ngà tại Lăng mộ III, Gò mộ lớn; Địa điểm khảo cổ Aigai (Vergina), Hy Lạp
Lăng mộ IV (Tomb IV), mới phát hiện vào năm 1980, được cho là mộ của vua Antigonus II Gonatas của Macedon (trị vì lần đầu tiên năm 277 – 274 TCN; lần thứ hai năm 272 – 239 TCN). Lăng mộ có một lối vào ấn tượng với tàn tích của 4 cột Doric. Ngôi mộ bị cướp phá, bên trong chỉ còn lại lưu lại một số đồ vật.

Tàn tích Lăng mộ IV, Di tích Gò mộ lớn; Địa điểm khảo cổ Aigai (Vergina), Hy Lạp
Kề liền cụm Lăng mộ là một đền thờ Shrine, hiện chỉ còn lại tàn tích những viên đá nền.
Toàn bộ khu vực Di tích Gò mộ lớn trở thành Bảo tàng Lăng mộ Hoàng gia Aigai (Museum of the Royal Tombs of Aigai).
Bảo tàng được hình thành vào năm 1993 – 1997 và là một trong những bảo tàng quan trọng nhất ở Hy Lạp.
Hai ngôi mộ quan trọng nhất, Lăng mộ II và Lăng mộ III, không bị phá hủy là nơi chứa những báu vật chính của bảo tàng. Ngoài ra tại đây còn trưng bày những đồ vật được phục hồi từ một loạt các cuộc khai quật khảo cổ học bắt đầu từ năm 1861 và tiếp tục cho đến ngày nay.
Hiện vật được trưng bày trong Bảo tàng được phân thành 4 khu vực liên kết với nhau, gồm: Cung điện; Khu lăng mộ hoàng gia của triều đại Temenid (Temenid dynasty, triều đại mở đầu của Đế chế Macedon/ Cụm C); Khu lăng mộ của vua Philip II; Khu cổng vào với triển lãm bán ngoài trời về các tác phẩm điêu khắc được tìm thấy trong Khu vực Di sản, trong đó có mặt tiền được phục hồi của Cung điện Philip.
Hiện tại đây đã xây dựng một bảo tàng mới mang tên Bảo tàng Đa trung tâm tại Aigai (New Polycentric Museum of Aigai) để lưu giữ các hiện vật tiếp tục được khám phá và đây cũng là Bảo tàng kỹ thuật số.
Khu bảo tồn Eukleia
Khu bảo tồn Eukleia (Sanctuary of Eukleia/ Thánh địa) nằm tại trung tâm của Khu vực Thành phố cổ và Nghĩa địa Aegae (Core A1), phía bắc của Nhà hát.
Trong một cuộc khai quật tại đây đã tìm thấy Bức tượng Hoàng hậu Eurydice, mẹ của vua Philip II bằng đá hoa cương. Ngoài ra, tại đây còn phát hiện nhiều di tích cổ như đầu tượng; hũ đựng bằng vàng, bên trong có hài cốt của một thiếu niên và vòng hoa sồi bằng vàng có niên đại vào khoảng năm 325 – 300 TCN (phát hiện vào năm 2008).
Phía bắc của Khu bảo tồn Eukleia là tàn tích một tòa nhà công cộng (Puplic Buildings), còn gọi là Ngôi nhà Hy Lạp.
Phía đông của Khu bảo tồn Eukleia là di tích mang tên Mẹ của các vị thần (Sanctuary of the Mother of Gods).

Hố khai quật tại Khu bảo tồn Eukleia, Địa điểm khảo cổ Aigai (Vergina), Hy Lạp

Tàn tích Khu bảo tồn Eucleia, Địa điểm khảo cổ Aigai (Vergina), Hy Lạp

Bức tượng Hoàng hậu Eurydice khai quật tại Khu bảo tồn Eukleia, Địa điểm khảo cổ Aigai (Vergina), Hy Lạp
Nhà hát
Nhà hát (Theatre) nằm tại trung tâm Khu vực Thành phố cổ và Nghĩa địa Aegae (Core A1), kề liền phía nam Khu bảo tồn Eukleia.
Nhà hát, nơi vua Philip II bị sát hại, được thành lập vào nửa sau thế kỷ thứ 4 TCN, nằm trên một sân lớn, gắn liền với Cung điện Hoàng gia.
Nhà hát không bao giờ được hoàn thành và bị bỏ hoang vào giữa thế kỷ thứ 2 TCN, khi thành phố Aigai bị phá hủy.
Nhà hát có một lối đi bằng đất (Diazoma), trong khi chỉ có hàng ghế đầu tiên và sân khấu (skene) được làm bằng đá. Trung tâm của Dàn nhạc là bàn thờ Hy Lạp cổ đại bằng đá (Thymele) để vinh danh thần Dionysus (thần sân khấu), vẫn còn nguyên vẹn, có đường kính 28,40m.
Phía đông của Nhà hát được hình thành bởi độ dốc tự nhiên. Phía tây là một công trình nhân tạo.
Lối lên sân khấu (Parodol) tại phía đông gồm 2 bức tường đá vôi, phía tây chỉ còn nền móng của một bức tường chắn lớn.
Tại đây vẫn còn lưu lại lối ra phía dưới khán đài (Vomitorium) bằng đá.
Tàn tích Nhà hát hiện được bảo quản tốt.

Tổng mặt bằng di tích Nhà hát (phía trên ảnh) và Cung điện (phía dưới ảnh), Địa điểm khảo cổ Aigai (Vergina), Hy Lạp


Tàn tích Nhà hát, Địa điểm khảo cổ Aigai (Vergina), Hy Lạp
Cung điện Philip II
Cung điện (Palace) nằm tại trung tâm Khu vực Thành phố cổ và Nghĩa địa Aegae (Core A1), kề liền phía nam Nhà hát. Công trình được xây dựng vào thời vua Philip II của Macedon, cha của Alexander Đại đế.
Cung điện là một tòa nhà hoành tráng gồm hai hoặc ba tầng, nằm trên một ngọn đồi cao.
Cung điện cùng với đền Parthenon (tại Thành cổ Athen), là tòa nhà quan trọng nhất của Hy Lạp cổ điển.
Công trình có quy mô gấp ba lần đền Parthenon, có thể nhìn thấy từ toàn bộ lưu vực Macedonian; một cột mốc đáng chú ý, một biểu tượng của quyền lực và vẻ đẹp.
Công trình có hình thức hoàn chỉnh và mang tính biểu tượng của cung điện hoàng gia, dựa trên các quan niệm triết học, chính trị và kiến trúc (nguyên mẫu của các tòa nhà nguy nga theo phong cách bố cục chu vi, dạng Peristyle) của thời cổ đại, song vẫn lan truyền đến tận thời hiện đại như một tuyến bố trực quan về quan niệm của một vương quyền khai sáng.
Cung điện có bố cục hình vuông giữa là một sân trong. Sân trong được bao quanh bởi một hàng gần 60 cột (Doric), cao tới 7,6m, được trang trí bằng những đường diềm tinh xảo. Các hàng cột (porticos) có mái che tạo thành mặt tiền hay sảnh (propylon) vào các phòng.
Nội thất công trình được trang trí lộng lẫy bởi những bức tường được trang trí với những bức bích họa ấn tượng và sàn nhà với những bức tranh khảm tinh xảo.
Cánh phía đông của Cung điện Aigai bao gồm một lối vào hoành tráng với một hàng hiên phía ngoài rộng. Bên trong có một căn phòng hình hình tròn, bao quanh bởi một hình vuông. Đây là nơi thờ cúng (Tholos) và có thể coi là Phòng ngai vàng, vì các vị vua thời bấy giờ cũng từng giữ chức vụ thầy tế lễ cấp cao.
Cánh phía nam có 5 phòng hình vuông có kích thước bằng nhau, gồm 4 phòng ở dành cho nữ giới (Oikos) và 1 sảnh. Những phòng ở riêng này được trang trí bằng những bức tranh khảm mô tả thực vật và thiên thần. Chỉ một trong số đó còn tồn tại.
Cánh phía tây bao gồm 3 phòng hình vuông có kích thước bằng nhau, song lớn hơn so với phòng ở tại Cánh phia nam, gồm 2 phòng ở cho nam giới (Andron) và 1 sảnh. Ngoài ra tại đây còn có các phòng phụ trợ.
Cánh phía bắc hiện đã bị phá hủy, bao gồm một dãy phòng hình vuông. Dọc theo toàn bộ chiều dài của bức tường phía bắc của cánh này có một hiên hẹp và lan can bảo vệ thấp, mở tầm nhìn ra sân khấu của Nhà hát và toàn bộ vùng đồng bằng xung quanh.
Cung điện Aigai được xây dựng bằng đá cẩm thạch chất lượng cao.
Mái nhà lợp bằng ngói. Sàn được khảm bằng đá cẩm thạch tạo thành các tác phẩm nghệ thuật đặc biệt.
Tại Cung điện Philip II, ngoài vật liệu sang trọng, sự sáng tạo và hoàn hảo của kỹ thuật xây dựng và thành tựu công nghệ đáng kinh ngạc có trên tất cả các cấp độ xây dựng.
Công trình mang tính cách mạng và tiên phong vào thời bấy giờ, trở thành hình mẫu cho các cung điện trong thế giới Hy Lạp và bên ngoài.



Tàn tích Cung điện, Địa điểm khảo cổ Aigai (Vergina), Hy Lạp



Sơ đồ mặt bằng, mặt đứng, phối cảnh Cung điện, Địa điểm khảo cổ Aigai (Vergina), Hy Lạp
Pháo đài
Pháo đài (Akropolis, nằm trên một ngọn đồi dốc với mục đích phòng thủ), nằm tại phía nam của Khu vực Thành phố cổ và Nghĩa địa Aegae. Tại đây đã khai quật được nền móng của 2 ngôi đền, một bàn thờ, một lối đi có mái che dạng vòm (stoa) và một tòa nhà phụ trợ.
Khu định cư Thời đại đồ đồng và Nghĩa trang Tumuli
Khu định cư Thời đại đồ đồng và Nghĩa trang Tumuli (Bronze Age settlement and Cemetery of Tumuli) nằm tại phía bắc Khu vực Di sản (khu vực ký hiệu Core A2; N40 30 22 E22 18 44). Diện tích Di sản 180,78 ha.
Khu định cư Thời đại Đồ đồng
Khu định cư Thời đại Đồ đồng (Bronze Age settlement) tại Aigai có người sinh sống từ thiên niên kỷ thứ 3 TCN, chủ yếu là của những người chăn nuôi gia súc trong các khu định cư phân tán. Tên Aigai có nghĩa là "Vùng đất của nhiều dê". Hiện tại đây đang tiến hành các đợt khai quật khám phá mới.
Nghĩa trang Tumuli
Nghĩa trang Tumuli (Cemetery of Tumuli) là một trong những khu di tích nằm tại phía bắc của Khu vực Di sản.
Theo kết quả của các cuộc khai quật khảo cổ, Nghĩa trang kéo dài hơn 3km chứa hơn 500 ngôi mộ. Ngôi mộ sớm nhất có niên đại từ thế kỷ 11 TCN. Một số ngôi mộ có niên đại từ thế kỷ 6 – 5 TCN và phần mở rộng có niên đại vào thời Cổ điển, từ thế kỷ 5 – 4 TCN. Những ngôi mộ từ thời Hy Lạp hóa cũng được tìm thấy rải rác ở nhiều nơi khác nhau của nghĩa địa.
Một số cụm lăng mộ nổi bật gồm:
Cụm lăng mộ Nữ hoàng (Cluster of the Queens) đã được phát hiện vào năm 1987, gồm 4 hố lớn và 3 ngôi mộ xây bằng đá hoành tráng. Hai trong số mộ đặc biệt tại đây là:
Ngôi mộ được mệnh danh “Lady of Aigai”, một nữ hoàng của Đế chế Macedonian vào đầu thế thế kỷ thứ 5 TCN. Ngôi mộ còn nguyên vẹn. Bên trong chứa nhiều di vật quý giá bằng vàng và có 26 bức tượng đất nung nhỏ.

Di vật bên trong Ngôi mộ mang tên "Lady of Aigai", Địa điểm khảo cổ Aigai (Vergina), Hy Lạp
Ngôi mộ của Eurydice, mẹ của Philip II, có từ khoảng năm 340 TCN. Mộ đã bị cướp phá từ thời cổ đại. Tàn tích cho thấy, Lăng mộ dài 10,6m rộng gần 8m, chia thành phòng chờ và phòng đặt mộ với kích thước 5,4m x 4,4m và mái vòm cao 5,8m. Mặt tiền được trang trí bởi các cột Ionic trang nhã. Bên trong lăng mộ còn lưu lại một chiếc ngai vàng bằng đá cẩm thạch cao 2 m, được trang trí công phu với hình tượng các vị thần, ngựa, hoa…

Bích họa trong ngôi mộ có tên "Eurydice", Địa điểm khảo cổ Aigai (Vergina), Hy Lạp
Tại đây còn phát hiện tàn tích của "Ngôi mộ Ionic", là ngôi mộ của nữ hoàng Thessalonike, (năm 342 – 295 TCN), con gái của vua Philip II. Ngôi mộ còn được gọi là "Lăng mộ Rhomaios", theo tên của người khai quật nó, Konstantinos Rhomaios. Lăng mộ đã bị cướp phá hoàn toàn.
Đây là một ngôi mộ có mặt tiền với 4 cột Ionic. Tương tự như các lăng mộ khác, Lăng mộ gồm 2 phòng: Tiền sảnh có kích thước 4,5m x 2,5m, cao 2,2m. Các bức tường bên trong được trang trí bằng các bức bích họa vẽ hoa; Phòng đặt mộ hình vuông 4,5m x 4,5m cao 4,45m, dạng vòm. Bên trong phòng đặt mộ có các bức họa trang trí màu xanh lam. Phía sau chiếc rương (Larnax) chứa hài cốt là một chiếc ngai vàng bằng đá cẩm thạch với tay vịn chạm khắc các nhân sư.

Mặt tiền Ngôi mộ mang tên "Ionic", Địa điểm khảo cổ Aigai (Vergina), Hy Lạp
Những cuộc khai quật tại địa điểm này vẫn tiếp tục và khám phá những cụm lăng mộ mới, ví dụ như:
Cụm lăng mộ mang tên Temenids (Cluster of the Temenids, Cụm chôn cất C), chứa tới 20 ngôi mộ, có niên đại năm 570 – 300 TCN. Tất cả đã bị cướp phá. Bên trong ngôi mộ có tranh tường, đồ đạc bằng đất nung, thuộc về gia đình hoàng gia thời Đế chế Macedonian (Macedonian Empire), vương triều Teemenid của Alexander Đại đế.

Tàn tích Cụm lăng mộ Temenids, Địa điểm khảo cổ Aigai (Vergina), Hy Lạp
Cụm lăng mộ mang tên Bellas (Bellas’ cluster), tồn tại vào năm 300 – 150 TCN với những bức tranh mặt tiền tinh tế. Kề liền đó là Cụm lăng mộ mang tên Heuzey (Heuzey’s cluster), tồn tại vào năm 330- 323 TCN.

Sơ đồ vị trí các lăng mộ bên trong Cụm lăng mộ Bellas và Cụm lăng mộ Heuzey, Địa điểm khảo cổ Aigai (Vergina), Hy Lạp

Tàn tích ngai vàng bên trong Ngôi mộ 2 (bên trái ảnh) và tàn tích quan tài bên trong Ngôi mộ 3 (bên phải ảnh), thuộc Cụm lăng mộ Bellas, Địa điểm khảo cổ Aigai (Vergina), Hy Lạp
Địa điểm khảo cổ Vergina, tại tỉnh Imathia, vùng Central Macedonia, Hy Lạp với những tàn tích nghệ thuật và kiến trúc cổ đại, được bảo tồn tốt, là một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất ở châu Âu.
Cố đô Aigai là bằng chứng đặc biệt cho sự phát triển quan trọng của nền văn minh châu Âu, trong quá trình chuyển đổi từ thành phố cổ điển sang cấu trúc đế quốc của thời kỳ Hy Lạp và La Mã.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/780/
https://en.wikipedia.org/wiki/Greece
https://en.wikipedia.org/wiki/Vergina
https://en.wikipedia.org/wiki/Aegae (Macedonia)
https://en.wikipedia.org/wiki/Alexander_IV_of_Macedon
https://en.wikipedia.org/wiki/Antigonus_II_Gonatas
https://en.wikipedia.org/wiki/Museum_of_the_Royal_Tombs_of_Aigai_(Vergina)
https://www.greeknewsagenda.gr/topics/destinations/7789-vergina
https://www.archaeospain.com/ancientmacedoniangreeksroyaltombs.html
https://www.worldhistory.org/article/1490/the- royal-macedonian-tombs-at-vergina/
https://www.aigai.gr/assets/site/content/pdf/Kottaridi_Academia_edu/MaceFragm_2.
%20aigai%20in%20the%20hellenistic%20period_155-168_compressed.pdf
http://www.nekropergeol.org/en/sites.html
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|