Thông tin chung:
Công trình: Nhà thờ lớn Cologne (Cologne Cathedral)
Địa điểm: Bang Nordrhein-Westfalen, Đức (N50 56 28 E6 57 26)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích vùng đệm 258ha
Năm hình thành: Thế kỷ 13
Giá trị: Di sản thế giới (năm 1996; sửa đổi ranh giới năm 2008; hạng mục i, ii , iv)
Đức (Deutschland) là một quốc gia nằm tại miền Trung Tây Âu, có diện tích 357.588 km2, dân số khoảng 83 triệu người (năm 2021). Thủ đô là thành phố Berlin.
Từ thời Cổ đại, phần phía Bắc nước Đức đã có nhiều bộ tộc người Đức sinh sống. Theo thời gian, các bộ tộc Đức mở rộng về phía Nam. Vào những năm 100 sau Công nguyên, đã tồn tại một khu vực có tên là " Germania” tại phía bắc miền trung châu Âu với đa số là người Đức.
Bắt đầu từ thế kỷ thứ 10, tại vùng lãnh thổ nước Đức đã dần hình thành một phần trung tâm của Đế quốc La Mã Thần thánh hay Thánh chế La Mã (Heiliges Römisches Reich/ Sacro Romano Impero / Holy Roman Empire). Đây là một phức hợp lãnh thổ rộng lớn đa sắc tộc, trong đó chủ yếu là người Đức, tồn tại từ năm 962 – 1806. Tên của Đế quốc bắt nguồn từ yêu sách của Hoàng đế La Mã Đức vào thời Trung cổ, muốn tiếp tục truyền thống của Đế chế La Mã cổ và hợp pháp hóa quyền cai trị như là thánh ý của Thiên Chúa.
Vào thời kì thịnh vượng trong thế kỷ 12, Đế quốc La Mã Thần thánh bao trùm một vùng lãnh thổ rộng lớn, gồm nước Đức, Áo, Thụy Sĩ, miền Đông nước Pháp, Bỉ, Hà Lan, miền Tây Ba Lan, Cộng hòa Séc và Ý hiện nay.
Vào thế kỷ 15 – 16, Đế quốc này trở thành Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức (Heiliges Römisches Reich Deutscher Nationen).
Đế quốc La Mã Thần thánh là một dạng siêu quốc gia. Quyền lực cai trị của Đế quốc không nằm hoàn toàn trong tay Hoàng đế hay Hội đồng hầu tước (Kurfürst/Prince-Elector- những người trong Hội đồng bầu ra Hoàng đế của Đế quốc), mà còn nằm trong tay các lãnh chúa (với các tước hiệu như quốc vương, phó vương, công tước, hầu tước, bá tước, tử tước, nam tước…được thừa kế, cai trị các công quốc hay các vùng lãnh thổ nhỏ, to khác nhau. Trong một số giai đoạn, Hoàng đế La Mã Thần thánh còn kiêm nhiệm vai trò Đại công tước Áo, Quốc vương của Bohemia và Hungary).
Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức tan vỡ khi Hoàng đế Franz II (trị vì năm 1792-1806) từ bỏ Đế miện vào ngày 6/8/1806 để trở thành Hoàng đế của Đế quốc Áo (trị vì năm 1804- 1835).
Dưới triều đại của các dòng họ Habsburg (nắm quyền từ năm 1276 đến năm 1918), thủ đô của Đế chế là thành phố Viên (thủ đô của nước Áo hiện nay).
Trong thế kỷ 16, các vùng phía bắc nước Đức đã trở thành trung tâm của Cải cách Tin lành, được khởi xướng bởi nhà thần học người Đức Martin Luther (năm 1483 – 1546).
Sau sự sụp đổ của Đế chế La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức, năm 1815, Liên bang Đức được thành lập. Năm 1871, Đức trở thành một quốc gia trong Đế quốc Đức - Phổ (Phổ - Preussen, là một quốc gia trong lịch sử Cận đại phát sinh từ vùng Brandenburg, một lãnh thổ trong suốt nhiều thế kỉ đã có ảnh hưởng lớn đến lịch sử nước Đức và châu Âu, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử thế giới. Kinh đô cuối cùng của vương quốc Phổ là Berlin).
Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất và Cách mạng Đức 1918-1919, Đế quốc Đức - Phổ bị thay thế bằng Cộng hòa Weimar theo chế độ nghị viện. Chế độ độc tài Quốc xã được hình thành vào năm 1933, dẫn tới Chiến tranh Thế giới II và nạn diệt chủng.
Sau giai đoạn Đồng Minh chiếm đóng, nước Đức phân thành Đông Đức và Tây Đức.
Ngày 3/10/1990, Đức tái thống nhất.
Đức hiện được chia thành 16 bang. Mỗi bang có hiến pháp riêng và phần lớn được tự trị về vấn đề tổ chức nội bộ.
Từ khi thống nhất đến nay, Đức luôn duy trì vị thế là một Đại cường quốc.

Bản đồ nước Đức và vị trí thành phố Cologne (Köln)
Nhà thờ lớn Cologne (Cologne Cathedral / Kölner Dom) còn được gọi là Nhà thờ Chính tòa Saint Peter (Cathedral Church of Saint Peter) nằm tại thành phố Cologne (Kölner), bang Nordrhein-Westfalen, Đức. Đây là trụ sở của Tổng Giám mục Cologne và Tổng giáo phận Cologne.
Nhà thờ lớn Cologne là địa danh được ghé thăm nhiều nhất ở Đức, thu hút trung bình 20.000 người mỗi ngày.
Với chiều cao của tháp chuông là 157 m, đây là nhà thờ cao thứ hai ở châu Âu sau Nhà thờ Ulm Minster, bang Baden-Württemberg, Đức với tháp chuông cao 161 m.
Bắt đầu vào năm 1248, việc xây dựng kiệt tác kiến trúc Gothic này diễn ra trong nhiều giai đoạn và mãi đến năm 1880 mới hoàn thành.
Công trình được xây dựng trên nền của một số công trình kiến trúc trước đó: Nhà kho lưu trữ ngũ cốc, một ngôi đền La Mã và nhà thờ Cơ đốc giáo (được xây dựng vào năm 818).
Khối nhà phía đông hoàn thành vào năm 1322, được bao che bởi một bức tường tạm thời để Nhà thờ có thể sử dụng, trong khi việc xây dựng vẫn tiếp tục. Vào giữa thế kỷ 14, công việc tại khối nhà phía tây được bắt đầu và kết thúc vào năm 1473 với việc hoàn chỉnh tháp chuông phía nam. Một số công việc vẫn tiếp tục. Nhưng đến năm 1560, công việc này cũng dừng lại.
Việc xây dựng Nhà thờ lại bắt đầu từ năm 1842- 1880. Đây được coi như là một trong những dự án biểu tượng cho ý chí, quyết tâm của người Đức cho một quốc gia Đức thống nhất. Họ giữ phong cách Gothic thời Trung cổ, để thể hiện tính hợp pháp và tính liên tục của quốc gia từ quá khứ.
Gạch khảm lát trên sàn ở chân Bàn thờ cao, phần quan trọng nhất của Nhà thờ, miêu tả hình tượng hoàng đế Đức (Kaiser), thể hiện mối liên hệ giữa vương quyền trên trần gian và thần quyền ở trên trời.
Việc thi công được tiến hành theo các bản vẽ thời Trung cổ, nhưng sử dụng các kỹ thuật xây dựng hiện đại, bao gồm cả dầm mái bằng sắt.
Trong Thế chiến 2, công trình bị hư hại do trúng bom, song vẫn đứng vững trong một thành phố hoàn toàn bị san bằng. Việc sửa chữa những thiệt hại do chiến tranh hoàn thành vào năm 1956.

Nhà thờ lớn Cologne, Đức vào năm 1856. Phần cuối phía đông đã được hoàn thành, trong khi các phần khác còn đang chờ xây dựng.
Trải qua bảy thế kỷ, những người xây dựng nối tiếp nhau, lấy cảm hứng từ cùng một niềm tin và tinh thần, đã kế thừa tuyệt đối với thiết kế ban đầu. Ngoài giá trị nội tại đặc biệt và những kiệt tác nghệ thuật mà nó chứa đựng, Nhà thờ lớn Cologne còn là nhân chứng cho sức mạnh và sự bền bỉ của Cơ đốc giáo châu Âu (European Christianity). Không có Nhà thờ lớn nào khác được hình thành một cách hoàn hảo như vậy, được thực hiện đồng bộ và không khoan nhượng trong tất cả các phần của nó.
Nhà thờ lớn Cologne là một vương cung thánh đường, theo phong cách kiến trúc High Gothic (đỉnh cao của phong cách Gothic). Công trình dài 144,5 m, rộng 86,25 m, 2 tháp chuông cao 157,22 m. Gian giữa cao 43,58 m, gian bên cao 19,80 m.
Phần phía tây, Gian Hội trường (Gian giữa/ Nave) và Gian ngang (Transept) bắt đầu xây dựng từ những năm 1330, có thay đổi về phong cách, nhưng điều này không thể nhận thấy trong tổng thể tòa nhà.
Phần xây dựng vào thế kỷ 19 tuân theo các hình thức và kỹ thuật thời Trung cổ một cách trung thực, có thể thấy khi so sánh với bản vẽ ban đầu trên giấy da.
Hình thức ban đầu của gian Hợp xướng (High Choir) vẫn còn tồn tại ở một mức độ đáng kể: Bàn thờ cao (High Altar) với một phiến đá đen nguyên khối khổng lồ, được cho là lớn nhất trong tất cả các nhà thờ Thiên chúa giáo; Các vách ngăn gian Hợp xướng bằng gỗ sồi được chạm khắc (thực hiện vào năm 1308-1311); Bề mặt các vách bức bình phong của gian Hợp xướng được vẽ sơn (1332-1340); 14 bức tượng trên những cột trong gian Hợp xướng (khoảng năm 1300); Cửa sổ kính màu với kích thước lớn nhất của loại cửa số kính màu vào đầu thế kỷ 14 tại châu Âu; Ngoài ra, tại đây còn có lăng mộ của 12 tổng giám mục trong khoảng thời gian từ năm 976 đến 1612.
Nhà thờ lớn Cologne có nhiều tác phẩm nghệ thuật, trong đó có một số tác phẩm đặc biệt như:
Cây thánh giá Gero (Gero Crucifix), thực hiện vào cuối thế kỷ thứ 10, trong Nhà nguyện Thánh giá (Chapel of the Holy Cross), là tác phẩm nghệ thuật trong Nhà thờ từ thời kỳ tiền La Mã (pre-Romanesque);
Đền thánh Magi (Shrine of the Magi, thực hiện năm 1180-1225), trong Gian Hợp xướng, là đền thờ thánh tích lớn nhất ở châu Âu;
Bàn thờ của Thánh Clare (Altarpiece of St. Clare, thực hiện khoảng năm 1350-1400), tại phía bắc Gian Hội trường;
Bàn thờ của Những người bảo trợ thành phố (City Patrons), được thực hiện bởi Stephan Lochner (họa sĩ người Đức, năm 1410 – 1451, thực hiện vào năm 1445) trong Nhà nguyện Đức Mẹ (Chapel of Our Lady);
Bàn thờ của Thánh Agilolphus (thực hiện năm 1520) ở phía nam Gian ngang.
Nhà thờ lớn Cologne, tại bang Nordrhein-Westfalen, Đức được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1996; sửa đổi ranh giới năm 2008) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Nhà thờ lớn Cologne là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người.
Tiêu chí (ii): Được xây dựng trong hơn sáu thế kỷ, Nhà thờ lớn Cologne đánh dấu một bước phát triển trong kiến trúc nhà thờ và đồng thời là đỉnh cao của nó.
Tiêu chí (iv): Nhà thờ chính tòa Cologne là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh và sự bền bỉ của niềm tin Kitô giáo ở châu Âu thời Trung cổ và Hiện đại.

Sơ đồ phạm vi Di sản Nhà thờ lớn Cologne, Đức

Tổng mặt bằng Nhà thờ lớn Cologne, Đức

Phối cảnh phía tây Nhà thờ lớn Cologne, Đức

Phối cảnh phía đông Nhà thờ lớn Cologne, Đức

Phối cảnh phía bắc Nhà thờ lớn Cologne, Đức

Phối cảnh phía nam Nhà thờ lớn Cologne, Đức
Nhà thờ chính tòa Cologne có bố cục theo hướng đông – tây, lối vào chính từ phía tây.
Cấu trúc xây dựng của Nhà thờ lớn Cologne gần giống với thiết kế của Nhà thờ Đức bà Amiens (Amiens Cathedral, Somme, Hauts-de-France, Pháp), cả về phong cách và tỷ lệ mặt cắt ngang tại Gian giữa.
Nhà thờ chính tòa Cologne dài 144,5 m, rộng 86,25 m, 2 ngọn tháp, cao 157,22 m. Gian giữa cao 43,58 m, gian bên cao 19,80 m. Chiều cao của mặt tiền ngang 69,95 m; chiều cao bên trong gian giữa 43,35 m; chiều cao của gian bên 18 m. Diện tích xây dựng 7914 m2.
Nhà thờ được làm bằng các loại đá khác nhau, như đá Trachyte, đá sa thạch và đá vôi.

Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ chính tòa Cologne, Đức

Sơ đồ mặt cắt qua nhịp bên phía nam, Nhà thờ chính tòa Cologne, Đức
Nội thất Nhà thờ chính tòa Cologne
Nhà thờ chính tòa Cologne có mặt bằng hình Chữ thập La Mã (chữ thập với một cạnh dài), tương tự như các nhà thờ Gothic. Công trình có hai hành lang hai bên, hỗ trợ cho mái vòm Gothic vào loại cao nhất thế giới.
Sảnh hiên
Phía trước Sảnh hiên (porch, tại phía tây) là một hệ thống trụ tường, gồm 4 trụ lớn. Hai trụ tại hai góc và hai trụ tại trung tâm, là giới hạn cho cửa vào chính (Middle Portal of the West Façade). Hai bên hai trụ lớn có 2 trụ nhỏ, là giới hạn của hai cửa bên (Portal of the Magi; Portal of St Peter).
Sảnh hiên là một không gian rộng bao gồm 5 nhịp và hai bước cột, chia không gian Sảnh hiên thành 3 phần. Phần chính giữa (1 nhịp) và phần hai bên (mỗi phần 2 nhịp), là tháp chuông phía bắc và phía nam (North Tower; South Tower).

Phía trước Sảnh hiên, Nhà thờ lớn Cologne, Đức
Hội trường
Hội trường (Gian giữa/ Nave) là khu vực công chúng thờ phụng (trong khi gian Hợp xướng dành riêng cho giáo sĩ). Hội trường rộng 45,19 m, gồm 5 nhịp với 4 hàng cột và 5 bước gian. Hội trường, tương tự như Sảnh hiên, chia thành 3 phần. Phần chính giữa (Middle Aisle, 1 nhịp) và hai phần hai bên tại phía bắc và nam (North Side Aisles; South Side Aisles), mỗi phần 2 nhịp.
Dọc theo hai bên tường ngoài Hội trường là 4 trụ tường lớn mỗi bên.
Phía bắc của Gian Hội trường, tiếp giáp với Giang ngang là Ban thờ St. Clare (Altarpiece of St. Clare, thực hiện khoảng năm 1350- 1400), được đưa đến đây vào năm 1811 từ nhà thờ tu viện bị phá hủy của các nữ tu dòng Phanxicô.
Phía nam của Gian Hội trường, tiếp giáp với Giang ngang là Ban thờ Overbeck (Overbeck Altar).

Bên trong không gian nhịp chính Gian giữa, Nhà thờ lớn Cologne, Đức

Bên trong không gian nhịp bên Gian giữa, Nhà thờ lớn Cologne, Đức

Ban thờ St. Clare, phía bắc Gian Hội trường, Nhà thờ lớn Cologne, Đức
Gian Hợp xướng
Gian Hợp xướng (High Choir) là nơi bố trí chỗ ngồi dành cho các chức sắc Giáo hội (Chanoines), giáo sĩ (Chaplain) và quan chức đại diện của Chính quyền. Gian Hợp xướng chứa 104 chỗ ngồi, một trong những Gian Hợp xướng lớn nhất tại Đức. Ghế ngồi được chạm khắc từ năm 1308 – 1311.
Gian Hợp xướng gồm 5 nhịp và 6 bước gian. Trong đó có một bước gian rộng tại vị trí giao với Gian ngang.
Hình thức ban đầu của Gian Hợp xướng (High Choir) hiện vẫn còn tồn tại ở một mức độ đáng kể.
Bên trong Gian Hợp xướng vẫn còn giữ lại rất nhiều đồ đạc ban đầu, bao gồm cả các bức tượng và điêu khắc.
Vách ngăn (bình phong/ Parclose screen) đặt dọc theo Gian Hợp xướng bằng gỗ sồi được chạm khắc (thực hiện vào năm 1308-1311); Bề mặt các bức bình phong của Gian Hợp xướng được sơn phủ bằng những bức tranh (thực hiện vào năm 1332-1340).
Trên những cột trong Gian Hợp xướng có 14 bức tượng (được thực hiện vào đầu thế kỷ 14).
Trên tường có các sổ kính màu, là kích thước lớn nhất của các cửa số kính màu vào đầu thế kỷ 14 tại châu Âu.
Ngoài ra, tại đây còn có lăng mộ của 12 tổng giám mục trong khoảng thời gian từ năm 976 đến 1612, đặt trong các nhà nguyện.
Tại phía bắc Gian Hợp xướng là Nhà nguyện Thánh giá (Chapel of the Cross) và tượng Chúa Kito bị đóng đinh (Cross of Gero, hình vẽ ký hiệu 8). Tượng được làm khoảng năm 965 – 970, là một trong những tác phẩm điêu khắc lâu đời nhất về Cây thánh giá ở phía bắc dãy núi Anpơ. Tượng được chạm khắc bằng gỗ sồi, sơn và mạ vàng. Bức tượng cao 187cm, rộng 165cm.
Tại phía nam gian Hợp xướng là Nhà nguyện Thánh Mary (Chapel of St Mary). Tại đây có bức tranh thờ (Altarpiece/Dombild; còn được gọi là Bàn thờ ba vị vua / Dreikönigsaltar) và Bàn thờ các vị thánh bảo trợ của Cologne / Altar der Kölner Stadtpatrone) do họa sĩ Stephan Lochner thực hiện (hình vẽ ký hiệu 5). Đây là một bộ 3 bức tranh, được vẽ cho Nhà nguyện hội đồng St. Maria ở Jerusalem tại Cologne, sau đó được chuyển đến Nhà thờ lớn Cologne vào năm 1810.
Dọc theo hai bên nhịp giữa là hai bức tường, nơi bố trí Dàn hợp xướng (Choir Staills). Bức tường phía bắc có cầu thang xuống hầm mộ (Stair to the Crypt). Bức tường phía nam đặt đàn Organ mang tên Thánh Mary (Organ of St Mary) và Bục giảng (Pulpit), là một trong bục giảng lâu đời nhất tại Cologne, bằng gỗ sồi. Bệ bục giảng được chạm khắc tinh xảo.

Nội thất Gian Hợp xướng; chính giữa ảnh là Bàn thờ bằng đồng; bên phải ảnh là Bục giảng, Nhà thờ lớn Cologne, Đức

Bức Bình phong dọc theo Gian Hợp xướng, Nhà thờ lớn Cologne, Đức

Tượng Chúa Kito (Cross of Gero) tại Nhà nguyện Thánh giá, Nhà thờ lớn Cologne, Đức

3 bức tranh thờ của họa sĩ Stephan Lochner tại Nhà nguyện Thánh Mary, Nhà thờ lớn Cologne, Đức
Gian ngang
Gian ngang (Transept) của Nhà thờ dài 86,25 m và chia thành 3 nhịp. Nhịp chính giữa rộng, hai nhịp hai bên hẹp. Trung tâm của Gian ngang, nơi giao với Gian giữa (Nave) và Gian Hợp xướng đặt một Bàn thờ bằng đồng (Bronze Altar, hình vẽ ký hiệu 1), trên một bệ nền hình bát giác cao 3 bậc.
Bao phủ lên Bàn thờ tại giao của Gian ngang và Gian giữa là 4 trụ cột lớn, đỡ một tháp mái nhỏ, nhọn vươn cao.
Cạnh trụ cột lớn phía đông bắc có đặt Ngai vàng Giám mục (Bishopre Throne).
Cạnh trụ cột lớn phía đông nam đặt Bục giảng (Pulpit).
Phía bắc của Gian ngang có Kho bạc (Treasury), nơi cất giữ thánh tích, đồ tế lễ, một số viên đá quý, tác phẩm nghệ thuật được tạo ra từ vàng, bạc, đồng.
Đầu phía bắc của Gian ngang có 3 cửa, được giới hạn bởi 4 trụ tường lớn. Cửa giữa rộng, hai cửa hai bên hẹp hơn.
Đầu phía nam của Gian ngang cũng có 3 cửa và 4 trụ tường tương tự như Gian ngang phía bắc.
Góc phía nam của Gian ngang, tiếp giáp với gian Hợp xướng có tượng Thánh Sant Christopher (hình vẽ ký hiệu 2) đặt cạnh cột; Lân cận là Bàn thờ Thánh Agilolphus (Altar Agilolphus, Giám mục Cologne, qua đời vào khoảng năm 750; hình vẽ ký hiệu 3) và Mộ của Tổng Giám mục Reinald von Dassel (Tomb Archbishop Reinald von Dassel, trụ trì năm 1159 – 1167; hình vẽ ký hiệu 4).

Không gian giao giữa Gian Hợp xướng và Gian ngang, Nhà thờ lớn Cologne, Đức

Tượng Thánh Sant Christopher tại Giang ngang, Nhà thờ lớn Cologne, Đức
Ban thờ
Ban thờ cao (High Altar) nằm sau gian Hợp xướng, có mặt bằng dạng bán tròn với 6 cột bao quanh.
Ban thờ là một phiến đá vôi đen nguyên khối dài 4,6 m, được cho là lớn nhất trong bất kỳ nhà thờ Thiên chúa giáo nào. Xung quanh Ban thờ trang trí các bức phù điêu bằng đá cẩm thạch trắng với cảnh miêu tả Lễ đăng quang của Đức Mẹ ở trung tâm.
Phía sau Ban thờ, đặt trên một bàn cao là quan tài bằng vàng, được trang trí tinh xảo để lưu giữ thánh tích (xương và quần áo) của Ba vị vua (Shrine of the Three Kings/ Dreikönigsschrein) hay Ba đạo sĩ (Three Magi). Theo truyền thuyết, ba vị là những người nước ngoài nổi tiếng trong Kinh Phúc âm của Matthew (Gospel of Matthew, cuốn sách đầu tiên của Kinh Tân Ước) và truyền thống Cơ đốc giáo, được cho là đã đến thăm Chúa Giê-su sau khi Ngài ra đời. Quan tài được thực hiện vào năm 1180 - 1225, là đỉnh cao của nghệ thuật Mosan (Mosan art, thường đề cập đến nghệ thuật La Mã vào thế kỷ 11, 12, 13) và là một trong những Thánh tích lớn nhất trong thế giới phương Tây.
Chân của Ban thờ là bức gạch khảm miêu tả hình tượng hoàng đế (Kaiser), thể hiện mối liên hệ giữa vương quyền trên trần gian và thần quyền ở trên trời.

Ban thờ cao làm bằng một phiến đá đen nguyên khối; phía sau là Hòm vàng đựng thánh tích của Ba đạo sĩ, Nhà thờ lớn Cologne, Đức

Hình tượng Hoàng đế trên bức gạch khảm tại chân Ban thờ cao, Nhà thờ lớn Cologne, Đức
Bao quanh Ban thờ là một hành lang bán tròn (Ambulatory). Dọc theo hành lang có 7 Nhà nguyện (Chapels) với mặt bằng dạng bán tròn. Mỗi Nhà nguyện đều dành riêng cho một vị thánh cụ thể, ví dụ:
Nằm ở cuối phía đông của Nhà thờ, trên trục trung tâm của Hậu đường là Nhà nguyện Ba vị vua (Chapel of the Magi);
Nhà nguyện St John (Chapel of St John/ Johanneskapelle), nằm tại phía đông bắc Hậu đường. Tại đây có mộ của Tổng giám mục Konrad von Hochstaden (Tomb of Archbishop Konrad von Hochstaden, hình vẽ ký hiệu 7). Tổng giám mục Konrad von Hochstaden (trụ trì năm 1238- 1261) là một trong những người khởi xướng việc xây dựng nhà thờ. Sau khi ông mất, nơi chôn cất được đặt tại vị trí nổi bật tại Nhà thờ. Mộ là một phiến đá cẩm thạch đen. Phía trên mộ trang trí một bức tượng nằm, được coi là tác phẩm bằng đồng quan trọng nhất của thế kỷ 13 ở Đức.
Ngoài ra, trong Nhà thờ còn có nhiều nhà nguyện khác (Chapels) nằm giữa các trụ tường (Buttresses) bao quanh Hậu đường (Apse).

Ban thờ trong Nhà nguyện Ba vị vua tại Hậu đường, Nhà thờ lớn Cologne, Đức

Bức tượng trên Mộ Tổng giám mục Konrad von Hochstaden, Nhà thờ lớn Cologne, Đức
Khối nhà phía bắc
Tại phía bắc của Nhà thờ có một vài khối công trình nhỏ:
Nhà nguyện Sacrament (Chapel of the Sacrament /Nhà nguyện Bí tích). Bên trong Nhà nguyện có tượng Mailander Madonna (Madonna of Milan, hình vẽ ký hiệu 9). Đây là một tác phẩm điêu khắc bằng gỗ từ thế kỷ 13, mô tả Đức Trinh Nữ Maria với Chúa Giêsu sơ sinh, được thực hiện vào khoảng năm 1280 – 1290.
Phòng chuẩn bị áo lễ (Sacristy), kề liền là Nhà chương (Chapter House). Đây là không gian sử dụng cho các cuộc họp của các giáo sĩ với một cầu thang lên tầng trên.

Tượng Đức Trinh Nữ Maria với Chúa Giêsu tại Nhà nguyện Sacrament, Nhà thờ lớn Cologne, Đức
Mặt tiền Nhà thờ chính tòa Cologne
Mặt tiền phía tây
Trong khi phần phía đông được hoàn thành và thánh hiến vào năm 1322, thì mặt tiền phía tây của Nhà thờ lớn Cologne được xây dựng vào giữa thế kỷ 14, kết thúc vào năm 1473.
Mặt tiền phía tây của Nhà thờ lớn Cologne, rộng 61,54 m theo chiều ngang, phân thành 5 gian, giới hạn bởi 6 trụ tường có trang trí đẹp đẽ, gồm 4 trụ tường lớn và hai trụ tường nhỏ.
Theo chiều cao, mặt tiền có thể phân thành 5 lớp chính:
Lớp thứ nhất: Gồm 5 cổng vòm nhọn cao bằng nhau. 3 cổng vòm nhọn phía trong với hai lớp mái nhọn trang trí là cửa vào. Nhà thờ lớn Cologne không có sảnh hiên. Vòm cửa chính giữa rộng hơn các vòm cửa bên tạo thành cửa ra vào dạng cửa đôi, được phân tách bởi một trụ trang trí đặt chính giữa. Trên mỗi cửa ra vào có các mảng trang trí (Tympanum) trên bức tường ngang và vòm mái. Các bức phù điêu có nội dung miêu tả sự tích trong Kinh thánh và ca ngợi các vị thánh được tôn kính tại địa phương.
Lớp thứ hai: Tương tự như lớp thứ nhất với 5 vòm nhọn kép. Bên trong là cửa kính, Trên đỉnh của mỗi vòm nhọn đều có các thanh trang trí kiểu Flamboyant (một dạng của kiến trúc Gothic muộn từ thế kỷ 14 – 16, đặc trưng bởi các đường cong kép tạo thành hình dạng giống như ngọn lửa). Riêng vòm nhọn chính giữa có thêm một lớp vòm nhọn ở phía trên. Tại lớp này, đỉnh của 6 trụ tường được trang trí bằng các tháp nhọn.
Lớp thứ ba là phần dưới của khối hai tháp chuông, gồm có môt cửa vòm nhọn cao tại mỗi phần thân tháp.
Lớp thứ tư là phần giữa của khối hai tháp chuông, gồm cửa vòm nhọn cao tương tự phần dưới
Lớp thứ năm là phần trên của khối hai tháp chuông, là tháp nhọn. Đây là phần có độ cao từ 149 – 157m, được làm bằng đá, vào khoảng năm 1880. Một bản sao của bản hoàn thiện này được phục dựng lại cùng kích thước, bằng bê tông được đặt tại quảng trường phía trước mặt tiền phía tây của Nhà thờ từ năm 1991. Toàn bộ thân của hai tháp chuông được trang trí hết sức công phu với nhiều chi tiết. Với chiều cao lớn, hai Tháp chuông này thu hút sự chú ý của mọi người và chế ngự đường chân trời của thành phố từ mọi địa điểm.

Mặt tiền phía tây, Nhà thờ lớn Cologne, Đức

Trang trí Cửa vào chính tại mặt tiền phía tây, Nhà thờ lớn Cologne, Đức
Mặt tiền phía nam và phía bắc
Ngoài hai Tháp chuông khổng lồ tại đầu phía tây, mặt tiền phía nam và bắc của Nhà thờ được nhấn mạnh bởi:
Mặt đứng phía bắc và nam của Gian ngang với 3 nhịp nhà. Theo chiều cao phân thành hai phần:
Phần dưới là 3 cửa ra vào dạng vòm nhọn. Cửa vòm chính giữa rộng. Cửa hai bên hẹp;
Phần trên với gian giữa là cửa sổ dạng vòm, hai gian bên là hệ thống vòm trụ tường (Flying Buttress), là kết cấu dạng nửa vòm, nhận tải trọng xiên từ mái, tải trọng gió chuyển thành tải trọng đứng truyền xuống trụ tường (Buttresses) lớn phía dưới. Qua đó cho phép các bức tường bao che mỏng hơn và không gian rộng hơn để bố trí cửa sổ).
Mặt đứng phía bắc và nam của gian Hội trường, Hợp xướng và Hậu đường. Theo chiều cao phân thành hai phần:
Phần dưới là hàng cửa sổ vòm tròn nằm giữa các bước gian, lấy ánh sáng vào hai gian bên của Gian giữa và Gian Hợp xướng. Các cửa kính màu được lắp đặt vào thế kỷ 19;
Phần trên là hệ thống vòm trụ tường. Hệ thống vòm trụ tường được xây dựng bằng đá, có hình dáng phức tạp và có thêm vai trò như một hệ thống trang trí. Đỉnh của mỗi vòm trụ tường được trang trí bằng các tháp nhỏ. Phía sau của hệ thống vòm trụ tường là dãy cửa sổ phía trên (clerestory) lấy ánh sáng vào gian giữa của gian Hội trường và gian Hợp xướng.
Dọc theo đường viền mái gian giữa của gian Hội trường, gian Ngang, gian Hợp xướng, gian Hậu đường có các tháp nhọn trang trí, đặt tại ví trí cột của Gian giữa.

Mặt tiền phía nam Nhà thờ lớn Cologne, Đức

Mặt tiền phía bắc của Gian ngang, Nhà thờ lớn Cologne, Đức
Mặt tiền phía đông
Mặt tiền phía đông là mặt tiền của gian Hậu đường, hình bán tròn. Mặt tiền có cấu trúc tương tự như mặt bên hướng bắc và nam với hệ thống cửa vòm phía dưới và vòm trụ tường ở phía trên.

Trang trí các vòm trụ tường tại mặt tiền phía đông, Nhà thờ lớn Cologne, Đức
Một số di tích nổi bật
Chuông
Nhà thờ có 11 quả chuông, 4 trong số đó có từ thời Trung cổ:
Chuông mang tên Dreikönigsglocke, nặng 3,8 tấn, được đúc vào năm 1418, lắp đặt vào năm 1437 và đúc lại vào năm 1880;
Chuông Pretiosa, nặng 10,5 tấn, vào thời điểm đó là chuông lớn nhất ở thế giới phương Tây;
Chuông Speciosa nặng 5,6 tấn, được lắp đặt vào năm 1448 và vẫn giữ nguyên vị trí cho đến ngày nay.
Chuông St Peter (Petersglocke), là chuông lớn nhất tại Nhà thờ lớn Cologne, được đúc vào năm 1923, treo tại tháp phía nam của Nhà thờ với trọng lượng 24 tấn, đường kính 3,2m, quả lắc nặng 700 kg. Chuông này chỉ rung vào ngày lễ lớn như Lễ Phục sinh và Lễ Giáng sinh.

Chuông St Peter, Nhà thờ lớn Cologne, Đức
Kính màu
Diện tích bề mặt cửa sổ kính của Nhà thờ lớn Cologne đến 10000m2. Chúng mang lại màu sắc rực rỡ cho nội thất. Các mảng kính màu (Stained glass) còn là những bức tranh miêu tả các sự tích trong Kinh thánh.
Gian giữa có nhiều cửa sổ kính màu thế kỷ 19. Một bộ năm bức ở phía nam, được gọi là Bayernfenster, là một món quà từ vua Ludwig I của xứ Bavaria (Ludwig I of Bavaria, trị vì năm 1852- 1848). Các cửa kinh màu tại Gian giữa là đại diện mạnh mẽ cho phong cách hội họa của Đức thời bấy giờ.

Cửa sổ kính màu bên trong Ban thờ, Nhà thờ lớn Cologne, Đức


Cửa sổ kính màu bên trong Gian giữa Nhà thờ lớn Cologne, Đức
Để thay thế cho các cửa kính bị phá hủy trong Thế chiến 2, một ô cửa kính màu hiện đại đã được hoàn thành vào năm 2007 bởi Gerhard Richter (họa sĩ người Đức, năm 1932). Ô cửa kính màu rộng 106m2, được tạo thành bởi 11.300 ô vuông với 72 màu đơn sắc, được sắp xếp ngẫu nhiên.
Di sản Nhà thờ lớn Cologne, tại bang Nordrhein-Westfalen, Đức là nhân chứng cho sức mạnh và sự bền bỉ của Cơ đốc giáo châu Âu; Công trình là một trong những kiệt tác của kiến trúc Gothic.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/292/
https://en.wikipedia.org/wiki/Germany
https://en.wikipedia.org/wiki/Cologne_Cathedral
https://en.wikipedia.org/wiki/Shrine_of_the_Three_Kings
https://en.wikipedia.org/wiki/Cologne_Cathedral_Window
https://shop.greven-verlag.de/pub/media/pdf/Leseprobe-Cologne-Cathedral.pdf
https://en.wikipedia.org/wiki/Dombild_Altarpiece
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|