Thông tin chung:
Công trình: Trung tâm lịch sử Avignon: Cung điện Giáo hoàng, Trụ sở Tổng giám mục và Cầu Avignon (Historic Centre of Avignon: Papal Palace, Episcopal Ensemble and Avignon Bridge)
Địa điểm: Tỉnh Vacluse (Department of Vacluse), vùng Provence-Alpes-Côte-d’Azur (Region of Provence-Alpes-Côte-d’Azur), Pháp (N43 57 10 E4 48 22)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 8,2ha
Năm hình thành: Thế kỷ 14, 15
Giá trị: Di sản thế giới (1995; hạng mục i, ii, iv)
Pháp (France) là một quốc gia có lãnh thổ chính nằm tại Tây Âu cùng một số vùng và lãnh thổ hải ngoại.
Pháp có tổng diện tích 643.801 km2, dân số gần 67,3 triệu người (năm 2018), thủ đô là thành phố Paris.
Trong thời đại đồ sắt (Iron Age), bắt đầu vào thế kỷ 12 trước Công nguyên (TCN), nước Pháp (không kể phần lãnh thổ hải ngoại) là nơi cư trú của bộ tộc người Gaulois thuộc Celt, là nhóm các bộ tộc đa dạng ở châu Âu.
Người La Mã (Roma) thống trị khu vực từ năm 51 TCN đến năm 476 sau Công nguyên. Từ năm 476, người Frank thuộc nhóm bộ tộc Germain, sống tại hạ lưu và trung lưu sông Rhine đã chinh phục vùng đất, thành lập Vương quốc Pháp (Kingdom of Francia).
Pháp nổi lên thành một đế chế hùng mạnh tại châu Âu vào cuối thời Trung cổ, thế kỷ 14 và 15. Việc giành thắng lợi trong cuộc Chiến tranh Trăm năm (1337-1453, giữa Anh và Pháp) giúp Pháp củng cố quốc gia và tập trung hóa chính trị.
Trong thời kỳ Phục Hưng (thế kỷ 15 đến 17) văn hóa Pháp phát triển mạnh mẽ và nước Pháp dần trở thành một trong những đế quốc thực dân toàn cầu (Grande France).
Dưới thời vua Louis 14 (trị vì 1643 – 1715, còn gọi là Vua Mặt trời) Pháp trở thành thế lực chi phối văn hoá, chính trị và quân sự tại châu Âu.
Đến cuối thế kỷ 18, Cách mạng Pháp lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, lập nên một trong các nền cộng hoà sớm nhất trong lịch sử hiện đại. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền, nền tảng của cuộc Cách mạng và biểu thị ý thức hệ của nước Pháp thời bấy giờ vẫn tiếp tục là đức tin mãnh liệt cho đến ngày nay.
Trong thế kỷ 19, Hoàng đế Napoléon Bonaparte (trị vì năm 1804- 1814) lập ra Đệ nhất Đế chế Pháp (First French Empire) và tiến hành các cuộc chiến tranh tại châu Âu. Sau khi Đế chế Pháp sụp đổ, Pháp trải qua giai đoạn các chính phủ kế tiếp nhau với đỉnh cao là thành lập Đệ tam Cộng hòa Pháp (French Third Republic) vào năm 1870. Trong thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, Pháp đã trở thành đế quốc thực dân lớn thứ 2 thế giới sau đế quốc Anh.
Nước Pháp là một bên tham chiến chính trong Chiến tranh Thế giới I, và giành được phần thắng. Trong Chiến tranh Thế giới II, Pháp thuộc khối Đồng Minh, bị phe Trục (Đức, Ý, Nhật) chiếm đóng vào năm 1940 và được giải phóng vào năm 1944. Đệ tứ Cộng hòa Pháp (French Fourth Republic) được thành lập năm 1946, song sau đó bị giải thể trong chiến tranh Algérie vào năm 1958. Nền Đệ ngũ Cộng hoà (Fifth Republic) dưới quyền của tổng thống Charles de Gaulle (tại vị năm 1959 – 1969) được thành lập vào năm 1958 và tồn tại cho đến ngày nay.
Hiện tại, Pháp được phân thành thành 18 vùng hành chính, gồm 13 vùng tại chính quốc và 5 vùng hải ngoại. Mỗi vùng chia thành 2 đến 18 tỉnh. Mỗi vùng hải ngoại tương đương 1 tỉnh.
Pháp thuộc nhóm Quốc gia phát triển và từ lâu đã có vị thế là một trung tâm của thế giới về nghệ thuật, khoa học và triết học, có số Di sản thế giới nhiều thứ 4 tại châu Âu (số liệu đến năm 2019: Ý 55 Di sản; Tây Ban Nha 48, Đức 46, Pháp 45).
Bản đồ nước Pháp và vị trí thành phố Avignon
Avignon là một đô thị thuộc tỉnh Vaucluse ở vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur, đông nam của nước Pháp. Thành phố nằm tại tả ngạn sông Rhone, có diện tích khoảng 64,78km2, dân số khoảng 90,6 ngàn người (năm 2020).
Vào thế kỷ 14, thành phố ở miền Nam nước Pháp này là nơi ngự trị của Giáo hoàng. Cung điện Giáo hoàng (Palais des Papes), một pháo đài trông khắc khổ, bên trong được trang trí xa hoa bởi Simone Martini (họa sĩ người Ý, năm 1284- 1344) và Matteo Giovanetti (họa sĩ người Ý, năm 1322 – 1368), thống trị thành phố và phần còn lại của cây cầu thế kỷ 12 (Avignon Bridge/Pont Saint-Bénézet) bắc qua sông Rhone. Cạnh Cung điện Giáo hoàng là Bảo tàng Petit Palais, theo phong cách Gothic và Nhà thờ Đức Bà Doms (Cathédrale Notre-Dame des Doms d'Avignon), theo phong cách La Mã. Tất cả tạo thành một nhóm di tích đặc biệt minh chứng cho vai trò hàng đầu của thành phố Avignon ở Châu Âu theo đạo Cơ đốc thế kỷ 14.
Phối cảnh tổng thể nhóm di tích: 1) Cung điện Giáo hoàng; 2) Nhà thờ Đức Bà Doms; 3) Cầu Saint-Bénézet; 4) Bảo tàng Petit Palais, Avignon, Pháp
Nằm bên bờ sông Rhône thuộc vùng Provence-Alpes-Côte-d'Azur, Avignon được mệnh danh là “Thành phố của các Giáo hoàng”. Trung tâm lịch sử của Thành phố Avignon bao gồm Cung điện Giáo hoàng, Trụ sở Tổng giám mục (Nhà thờ Đức Bà Doms) và Cầu Avignon, là một ví dụ nổi bật về kiến trúc thời Trung cổ.
Xuất phát từ một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử, liên quan đến việc trụ sở của Giáo hoàng rời khỏi Rome, Ý tới Avignon, Pháp trong một thế kỷ, Trung tâm lịch sử của Thành phố Avignon đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển và phổ biến một hình thức văn hóa cụ thể trên một khu vực rộng lớn của Châu Âu, tại một thời kỳ có tầm quan trọng trong việc thiết lập mối quan hệ bền vững giữa Giáo hoàng và chính quyền dân sự.
Cung điện Giáo hoàng đồ sộ, “ngôi nhà kiên cố nhất trên thế giới” theo mô tả của nhà văn Jean Froissart (Nhà văn nổi tiếng nói tiếng Pháp, năm 1337- 1405), tạo thành một quần thể đồng nhất và cảnh quan nổi bật cùng với thành phố và gò núi đá mang tên Rocher des Doms.
Bên trong Cung điện Giáo hoàng, lối trang trí bằng sơn phức tạp của thế kỷ 14 phản ánh sự rực rỡ của trụ sở Giáo hoàng và tham vọng nghệ thuật của công trình. Đây là một trong những quần thể tráng lệ nhất của kiến trúc Gothic thế kỷ 14.
Phía bắc Quần thể là Cung điện cũ (Palais Vieux) được xây dựng dưới triều đại của Giáo hoàng Benedict XII (trị vì năm 1334 – 1342).
Phía nam Quần thể là Cung điện mới (Palais Neuf) được xây dựng bởi người kế vị của ông, Giáo hoàng Clement VI (trị vì năm 1342 – 1352), nơi có nhà nguyện của Giáo hoàng.
Các yếu tố đặc trưng nhất của Cung điện cũ (Palais Vieux) là Sảnh Consistory (Consistory Hall/ Phòng Hội đồng) rộng lớn, tại tầng trệt, dẫn đến Nhà nguyện St Jean (Chapel of St- Jean), được trang trí bởi Matteo Giovannetti (họa sĩ người Ý, năm 1322- 1368). Phía trên Sảnh Consistory, tại tầng 1, là Sảnh lễ hay Sảnh tiệc (Banqueting Hall/ Grand Tinel/ Feast Hall), cũng được trang trí bởi Matteo Giovannetti.
Cánh phía bắc của Cung điện cũ được nhấn mạnh bởi hai tòa tháp, trong đó có Tháp Trouillas (Tour de Trouillas), cao 52 m, một trong những tòa tháp cao nhất thời Trung cổ.
Cung điện có các căn hộ riêng của Giáo hoàng. Căn phòng ban ngày của Giáo hoàng Clement VI, Phòng Stag (Stag Room/ Chamber of the Stag/ Phòng Hươu), được trang trí bằng những bức bích họa đặc sắc, thể hiện những cảnh tự nhiên chân thật.
Phòng này có lối đi tới Nhà nguyện Lớn (Great Chapel/ Great Audience Champer, hình vẽ ký hiệu 7) của Cung điện mới (Palais Neuf). Mái vòm nặng nề của Nhà nguyện được chống đỡ bởi một trụ tường lớn (Flying Buttress) bằng đá nhô ra tới con phố lân cận để nhận tải trọng xiên từ mái vòm chuyển thành tải trọng đứng truyền xuống móng.
Cánh phía tây nam của Cung điện là Cánh nhà của các chức sắc lớn (Wing of the Great Dignitaries) được chiếm giữ bởi Đại thính phòng (Grande Audience) hay Hội trường Công lý (Hall of Justice).
Nhà thờ Notre-Dame des Doms, nằm ở phía bắc của Cung điện Giáo hoàng, có từ năm 1150. Các nhà nguyện kiểu Gothic đã được xây dựng thêm vào giữa thế kỷ 14 và 17; Phần Hậu đường đã bị phá bỏ và xây dựng lại ở dạng mở rộng vào năm 1671-1672.
Phía tây bắc của Nhà thờ là tu viện hay nơi ở của các giám mục Avignon, còn gọi là Cung điện nhỏ (Petit Palais/ Small Palace), được xây dựng vào năm 1317. Sau đó công trình được mở rộng trong thế kỷ 14 và 15. Việc mở rộng Hậu đường của Nhà thờ vào thế kỷ 17 đã phá bỏ một phần tu viện thời Trung cổ này.
Ở chân phía bắc của gò núi đá Rocher des Doms, là Tháp chó (Tour des Chiens/ Dog Tower) và Tháp cổng nhà (Châtelet/ Gatehouse) cùng với hệ thống thành lũy tạo thành hệ thống phòng thủ của thành phố.
Cầu Avignon (Avignon Bridge/Pont Saint-Bénézet) nằm tại tây bắc của Trung tâm lịch sử Avignon. Chỉ có 4 trong số 22 trụ ban đầu còn tồn tại. Di tích Nhà nguyện St Nicolas, một phần theo kiến trúc La Mã và một phần có từ thế kỷ 15, hiện vẫn còn lưu lại, nằm trên trụ cầu thứ hai.
Trung tâm lịch sử của Avignon: Cung điện Giáo hoàng, Episcopal Ensemble và Cầu Avignon, tại tỉnh Vacluse, vùng Provence-Alpes-Côte-d’Azur, Pháp được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1995) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Quần thể di tích của Trung tâm Lịch sử Avignon là một ví dụ nổi bật về kiến trúc giáo hội, hành chính và quân sự thời Trung cổ.
Tiêu chí (ii): Trung tâm Lịch sử Avignon là minh chứng cho sự giao lưu quan trọng, lan tỏa khắp khu vực rộng lớn của Châu Âu trong thế kỷ 14 và 15, đặc biệt là trong lĩnh vực nghệ thuật và kiến trúc.
Tiêu chí (iv): Trung tâm Lịch sử Avignon là một quần thể kiến trúc cảnh quan nổi bật gồm các tòa nhà cuối thời Trung cổ gắn liền với một giai đoạn quan trọng trong lịch sử của Giáo hoàng.
Vị trí, phạm vi Di sản và vùng đệm Trung tâm Lịch sử Avignon, Pháp
Phối cảnh tổng thể Di sản Trung tâm Lịch sử Avignon, Pháp
1. Cung điện Giáo hoàng
Cung điện Giáo hoàng (Papal Palace) nằm tại phía nam Khu vực Di sản. Phía bắc là Nhà thờ Notre- Dame Des Doms. Phía tây là Quảng trường Cung điện (Place du Palais).
Đây từng là một pháo đài và cung điện, nơi ở của Giáo hoàng, trụ sở của Cơ đốc giáo phương Tây (Western Christianity, gồm Nhà thờ Latin/ Latin Church và Đạo Tin lành/ Protestantism), là một trong hai bộ phận của Cơ đốc giáo, cùng Cơ đốc giáo phương đông (Eastern Christianity) trong thế kỷ 14.
Cung điện Giáo hoàng là một công trình kiến trúc hoành tráng, thể hiện sự giàu có và quyền lực của các vị Giáo hoàng. Triều đại Giáo hoàng tại Avignon (Avignon Papacy) kéo dài từ năm 1309 đến năm 1376, trong đó 7 vị Giáo hoàng (tất cả đều là người Pháp và chịu ảnh hưởng của Hoàng gia Pháp) kế tiếp cư trú tại Avignon. Đây là nơi đã diễn ra 6 mật nghị bầu Giáo hoàng (năm 1334, 1342, 1352, 1362, 1370 và 1394).
Việc Giáo hoàng rời Avignon, quay trở về Rome vào năm 1377 đã thúc đẩy Chủ nghĩa Ly giáo Giáo hoàng (Western Schism). Đây là sự kiện chia rẽ trong Giáo hội Công giáo kéo dài từ năm 1378 – 1417, trong đó các tổng giám mục cư trú tại Rome (Ý) và Avignon (Pháp), sau đó tại cả Pisa (Ý) vào năm 1409, đều tuyên bố mình là Giáo hoàng (tại Avignon trong giai đoạn này có 2 Giáo hoàng).
Vai trò của Cung điện Giáo hoàng tại Avignon, Pháp giảm dần khi Giáo hoàng quay trở lại Rome, Ý. Cung điện Giáo hoàng vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Giáo hoàng, nhưng đã dần xuống cấp mặc dù đã được trùng tu vào năm 1516. Khi Cách mạng Pháp nổ ra vào năm 1789, Cung điện bị chiếm giữ và cướp phá.
Vào thời kỳ hoàng kim, đây là cơ quan trung tâm quản lý Giáo hội và Giáo triều với số người làm việc từ 200 người vào cuối thế kỷ 13, tăng lên 500 người vào năm 1316 và có tới 1000 quan chức làm việc trong Giáo triều.
Thư viện của Giáo hoàng tại Cung điện có tới 2000 đầu sách, là thư viện lớn nhất Châu Âu thời bấy giờ, đã thu hút được đông đảo các nhóm giáo sĩ, người tài đam mê nghiên cứu văn học, nghệ thuật.
Cung điện Giáo hoàng Avignon được xây dựng trên một mỏm đá tự nhiên (Rocher des Doms) ở rìa phía bắc của thành phố Avignon, nhìn ra sông Rhône. Đây là một trong những quần thể Gothic thời Trung cổ lớn nhất và quan trọng nhất ở châu Âu.
Quần thể gồm nhiều hạng mục công trình bố cục bao quanh hai sân trong. Sân trong lớn (Cour d'honneur) tại phía nam là và Sân trong Tu viện (Cloitre de Benoit XII) tại phía bắc.
Quần thể Cung điện được xây dựng theo hai giai đoạn chính với hai khu vực riêng biệt: Cung điện cũ thời Giáo hoàng Benedict XII (trị vì năm 1334 – 1342) và Cung điện mới thời Giáo hoàng Clêmentê VI (trị vì năm 1342 – 1352).
Cung điện cũ (Palais Vieux/ Old Palace) được hình thành vào năm 1252 và trở thành nơi ở của Giáo hoàng vào năm 1309, thời Giáo hoàng Clement V (trị vì năm 1305- 1314), khi ông chuyển Giáo triều từ Rome, Ý đến Avignon, Pháp. Người kế vị của ông là Giáo hoàng John XXII (trị vì năm 1316- 1334) đã thiết lập một Cung điện tráng lệ tại đây.
Việc tái thiết Cung điện cũ được Giáo hoàng Benedict XII (trị vì năm 1334–1342) thực hiện và được tiếp tục bởi những người kế vị ông vào năm 1364. Giáo hoàng Benedict XII đã cho san bằng tòa giám mục ban đầu và thay thế bằng một tòa nhà lớn hơn nhiều và được gia cố nghiêm ngặt để chống lại những kẻ tấn công. Bốn cánh của Cung điện được bao bọc bởi những tháp phòng thủ cao. Vào thời điểm hoàn thành, Cung điện cũ có diện tích 11.000 m2. Tòa nhà cực kỳ tốn kém, tiêu tốn phần lớn thu nhập của Giáo hoàng, được xây dựng bởi kiến trúc sư Pierre Poisson.
Cung điện mới (Palais Neuf/ New Palace), là phần mở rộng của Cung điện cũ dưới thời Giáo hoàng Clêmentê VI (trị vì năm 1342 – 1352) bởi kiến trúc sư Jean de Louvres. Công trình tiếp tục được hoàn thiện. Dưới thời Giáo hoàng Innocent VI (trị vì năm 1352- 1362, công trình được bổ sung thêm 2 tòa tháp). Dưới thời Giáo hoàng Urban V (trị vì năm 1362- 1370), được bổ sung thêm Sân trong chính /Court of Honor/ Cour d'honneur/ Grand Courtyard và tòa nhà xung quanh.
Cung điện mới có Nhà nguyện lớn (Grand Chapel) dành cho các hoạt động thờ phụng của Giáo hoàng. Nội thất của tòa nhà được trang trí lộng lẫy với những bức bích họa, thảm trang trí, tranh vẽ, tác phẩm điêu khắc và trần nhà bằng gỗ.
Cung điện Giáo hoàng đã bị nhà nước Pháp thời Napoléon tiếp quản để sử dụng làm doanh trại quân đội và nhà tù. Công trình ngày càng xuống cấp, bị bỏ trống vào năm 1906. Sau đó, Cung điện được phục hồi.
Ngày nay, đây là một địa danh lịch sử và kiến trúc, một địa điểm thu hút khách du lịch. Tại đây có một trung tâm hội nghị, trung tâm nghiên cứu về Giáo hoàng, viện nghiên cứu văn bản và lịch sử, nơi tổ chức triển lãm.
Với tổng diện tích sàn 15.000m2, Cung điện Giáo hoàng là một trong những cung điện Gothic lớn nhất ở châu Âu và là một trong những cung điện quan trọng nhất trên thế giới về giá trị kiến trúc với những đặc điểm nổi bật như độ dày và chiều cao của các tòa tháp, hệ thống lỗ châu mai trên đỉnh tường, mái vòm hỗ trợ mặt tiền và khả năng chịu các cuộc vẫy hãm nặng nề, kéo dài và các trang trí bên trong.
Sơ đồ mặt bằng Cung điện Giáo hoàng, Avignon, Pháp
Tổng mặt bằng Cung điện Giáo hoàng, Avignon, Pháp
Mặt tiền phía tây Cung điện Giáo hoàng, Avignon, Pháp; bên trái ảnh là Trụ sở Tổng giám mục
Mặt tiền phía bắc Cung điện Giáo hoàng, Avignon, Pháp
Mặt tiền phía đông Cung điện Giáo hoàng, Avignon, Pháp
Mặt tiền phía nam Cung điện Giáo hoàng, Avignon, Pháp
Một số hạng mục di tích chính trong Cung điện gồm:
Cổng vào
Công trình có hai cổng vào (Entrance) chính:
Cổng Champeaux (Porte Champeaux, hình vẽ ký hiệu 9) nằm tại phía tây.
Cổng Notre – Dame (Porte Notre – Dame, hình vẽ ký hiệu 10) nằm tại phía bắc.
Ngoài ra tại đây còn có nhiều cổng phụ như Cổng Peyrolerie (Porte de la Peyrolerie) ở phía đông nam và nhiều cổng phụ nhỏ khác.
Cổng Champeaux, tại mặt tiền phía tây, Cung điện Giáo hoàng, Avignon, Pháp; góc bên trái ảnh là Cổng Notre – Dame
Cổng Notre – Dame, Cung điện Giáo hoàng, Avignon, Pháp
Sân trong
Cung điện Giáo hoàng là một quần thể các hạng mục công trình bao quanh 2 sân trong:
Sân trong chính (Grand Courtyard/ Cour d'honneur, hoàn thành vào năm 1347, rộng 1800m2. Chính giữa Sân trong chính có một giếng nước (Puits). Đây là nơi diễn ra Lễ hội Festival d'Avignon.
Sân trong của Tu viện mang tên Benoit XII (Cloister de Benoit XII).
Hình ảnh Sân trong chính, Cung điện Giáo hoàng, Avignon, Pháp
Hình ảnh Sân trong chính tại Lễ hội Festival d'Avignon, Cung điện Giáo hoàng, Avignon, Pháp
Hình ảnh Sân trong Tu viện, Cung điện Giáo hoàng, Avignon, Pháp
Các tòa tháp
Các tòa tháp tại Cung điện Giáo hoàng có vai trò là các tháp phòng thủ và tháp chuông, gồm 12 tháp. Vị trí các Tháp nhìn từ phía đông:
- Tháp Trouillas (Tour de Trouillas, hình vẽ ký hiệu A): Tháp có tên của một ngôi làng ở dãy núi Pyrenees mà các Hiệp sĩ Templar (Knights Templar) thường lui tới. Tháp có chiều cao 52m, tường dày 4,5m, gồm 1 tầng trệt và 5 tầng lầu;
- Tháp hố băng (Tour de la Glacière, hình vẽ ký hiệu B): Mang tên hố thu nước mưa, được sử dụng làm mát. Tháp còn gọi là Tháp nhà vệ sinh bởi có 2 tầng vệ sinh tương ứng với 2 hành lang của Tu viện. Trên đỉnh tháp là nơi ở của Đội trưởng bảo vệ Cung điện;
- Tháp Nhà bếp (Tour des Cuisines, hình vẽ ký hiệu C): Nơi chứa những căn bếp;
- Tháp Saint John (Tour Saint-Jean, hình vẽ ký hiệu D): Còn được gọi là Tháp của các nhà nguyện, có bố cục nhô hẳn ra khỏi tường Cung điện;
- Tháp Nghiên cứu (Tour de l'Étude, hình vẽ ký hiệu E): Có chiều các các tầng tương ứng với hành lang của các căn hộ;
- Tháp Thiên thần (Tour des Anges, hình vẽ ký hiệu F): Còn gọi là Tháp Giáo hoàng, Tháp Kho bạc. Đây là một tòa nhà hình vuông rộng 17,5m, cao 46m, tường dày 3m. Trên đỉnh Tháp là một sân thượng với hàng lan can có lỗ châu mai bao quanh. Tầng 5 của Tháp là nơi ở của lực lượng bảo vệ. Tháp còn là nơi ở và làm việc của Giáo hoàng (Pope's Bedroom). Nhiều hiện vật liên quan đến Giáo hoàng đã được lưu giữ cẩn thận trong Tháp;
- Tháp trong vườn (Tour du Jardin): Nằm trong Khu vườn phía đông của Tu viện, hiện đã không còn;
- Tháp Tủ quần áo (Tour de la Garde-Robe, hình vẽ ký hiệu G): Là một công trình gắn liền với mặt phía nam của Tháp Thiên thần;
- Tháp Saint Lawrence (Tour Saint-Laurent, hình vẽ ký hiệu H): Cao 6 tầng, bảo vệ góc đông nam của Cung điện. Tháp còn gọi là Tháp Phòng thay đồ, nơi các Hồng y chuẩn bị lễ phục;
- Tháp Gache (Tour de la Gache, hình vẽ ký hiệu I): Là tháp phát tín hiệu bằng kèn, cảnh báo trường hợp có hỏa hoạn hoặc báo động;
- Tháp góc (Tour d'Angle", hình vẽ ký hiệu K): Còn gọi là Tháp Đại nội, nằm tại góc tây bắc, nhô ra khỏi tường Cung điện, là nơi ở của quản gia của Giáo hoàng;
- Tháp chuông (Tour de la Campane, hình vẽ ký hiệu L): Nằm tại góc phía tây bắc, là nơi ở của quản gia của Giáo hoàng.
Hình ảnh các tòa tháp tại mặt tiền phía tây, Cung điện Giáo hoàng, Avignon, Pháp
Tháp Thiên thần (nằm chính giữa ảnh) tại mặt tiền phía đông, Cung điện Giáo hoàng, Avignon, Pháp
Cấu trúc xây dựng bề mặt tháp, Cung điện Giáo hoàng, Avignon, Pháp
Một số phòng chính của Cung điện
Phòng Bảo vệ hay Tiền sảnh (Guard room/ Chambre de Parement/ Antechamber, hình vẽ ký hiệu 15): Nằm tại phía đông của Cung điện, tại tầng trệt, phía dưới của Phòng Thủ quỹ. Phòng có diện tích 170m2 (17m x 10m).
Phòng Thủ quỹ (Treasury, hình vẽ ký hiệu 5): Nằm tại phía đông của Cung điện, tại tầng 1, phía trên của Phòng Bảo vệ. Phòng Thủ quỹ có diện tích rộng 170m2.
Phòng Hội đồng (Consistory Hall, hình vẽ ký hiệu 2): Nằm tại tầng trệt, phía đông của Cung điện, kề liền Tháp Saint John. Tầng trên là Sảnh tiệc. Phòng Hội đồng dài 48m, rộng 10,25m, là nơi Giáo hoàng tiếp đón các đại sứ, quan chức và các Hồng y… Hội trường có một bảo tàng, nơi lưu giữ một bộ sưu tập hiện vật bao gồm các tác phẩm điêu khắc, bích họa, mô hình của toàn bộ Cung điện. Vào thế kỷ 15, một trận hỏa hoạn đã phá hủy hầu hết các tác phẩm nghệ thuật trên tường.
Ghế của Giáo hoàng trưng bày tại Phòng Hội đồng, Cung điện Giáo hoàng, Avignon, Pháp
Tác phẩm điêu khắc bằng đất nung trưng bày tại Phòng Hội đồng, Cung điện Giáo hoàng, Avignon, Pháp
Sảnh tiệc (Banqueting Hall/ Grand Tinel, hình vẽ ký hiệu 14): Nằm tại tầng 1, phía đông của Cung điện, phía dưới là Phòng Hội đồng. Sảnh có diện tích khoảng 480m2 được sử dụng như một phòng khách. Đây là một căn phòng hình vòm, được bao phủ bởi những tấm thảm màu xanh lam điểm xuyến các ngôi sao tượng trưng cho vòm trời.
Một trận hỏa hoạn đã phá hủy Cung điện vào thế kỷ 14, trong đó có các đồ trang trí của Sảnh tiệc. Một số phần đã được khôi phục lại. Trong các cuộc Mật nghị, chính tại căn phòng này, các Hồng y đã gặp nhau để bầu chọn Giáo hoàng mới. Trong dịp này, căn phòng có tường tạm thời bao quanh và chỉ hở một lỗ nhỏ để cung cấp thực phẩm cần thiết. Sau mỗi Mật nghị, những bức tường tạm thời bị dỡ bỏ.
Nội thất Sảnh tiệc, Cung điện Giáo hoàng, Avignon, Pháp
Phòng làm việc của Giáo hoàng Clément VI (Clément VI studium): Thường được gọi là Phòng Hươu (Chambre du cerf / Stag Room/ Chamber of the Stag, hình vẽ ký hiệu 18), do bên trong phòng có những bức bích họa nổi tiếng từ thế kỷ 14, mô tả cảnh săn bắn hươu, trang trí các bức tường và hầm. Chủ đề này, mặc dù phổ biến trong nghệ thuật thế tục đương đại, nhưng lại bất ngờ xuất hiện trong một phòng làm việc của Giáo hoàng. Các bức bích họa có thể được vẽ bởi các nghệ sĩ người Pháp, những người chịu ảnh hưởng lớn của trường phái Siena (School of Siena, là thành phố thủ phủ của tỉnh Siena, vùng Tuscany, Ý; một trong những thành phố quan trọng nhất ở châu Âu thời Trung cổ).
Bức tranh bên trong Phòng làm việc của Giáo hoàng Clément VI, Cung điện Giáo hoàng, Avignon, Pháp
Phòng Hội trường lớn (Đại thính phòng/ Hall of the great audience/ Great Audience Chamber, hình vẽ ký hiệu 7): Nằm tại tầng trệt của cánh phía tây phía nam của Cung điện, Cánh nhà của các chức sắc lớn (Wing of the Great Dignitaries). Phía trên là Nhà nguyện lớn Clementine (Great Clementine Chapel) hay Nhà nguyện Giáo hoàng (Pontifical Chapel). Hội trường lớn rộng 52m, rộng 15m, cao 11m. Đây được sử dụng cho Tòa án tôn giáo (Hội trường Công lý / Hall of Justice).
Phòng Hội trường lớn, Cung điện Giáo hoàng, Avignon, Pháp
Các nhà nguyện
Cung điện có 3 nhà nguyện chính gồm:
Nhà nguyện Saint-Jean (Chapel of St- Jean, hình vẽ ký hiệu 4): Nằm tại tầng trệt của Tháp Saint Jean (Tour Saint-Jean, hình vẽ ký hiệu D).
Nhà nguyện Saint-Martial: Nằm trên tầng hai của Tháp Saint-Jean.
Những bức bích họa trang trí tường và mái vòm của nhà nguyện Saint Jean và Saint-Martial là tác phẩm của một số nghệ sĩ tài năng nhất đến từ trường phái Siena, Ý, trong đó có Matteo Giovannetti (họa sĩ người Ý, năm 1322- 1368).
Nhà nguyện lớn Clementine (Great Clementine Chapel) hay Nhà nguyện Giáo hoàng (Pontifical Chapel, hình vẽ ký hiệu 19): Là một hội trường hình chữ nhật dài 52m, rộng 15m, mái vòm thùng cao 20m, được dành riêng cho Thánh Peter và Paul.
Bức bích họa trong Nhà nguyện Saint Jean; Matteo Giovannetti vẽ năm 1347- 1348, Cung điện Giáo hoàng, Avignon, Pháp
Bức bích họa trong Nhà nguyện Saint Martial; Matteo Giovannetti vẽ năm 1344- 1346, Cung điện Giáo hoàng, Avignon, Pháp
Nội thất Nhà nguyện lớn Clementine Cung điện Giáo hoàng, Avignon, Pháp
2. Trụ sở Tổng giám mục
Trụ sở Tổng giám mục (Episcopal Ensemble) và là một Nhà thờ công giáo La Mã (Avignon Cathedral), còn có tên gọi là Nhà thờ Đức Bà Doms (Cathédrale Notre-Dame des Doms d'Avignon). Công trình nằm cạnh Cung điện Giáo hoàng.
Nhà thờ được xây dựng chủ yếu vào nửa sau của thế kỷ 12, theo phong cách La Mã (Romanesque architecture). Tháp chuông bị sụp đổ vào năm 1405 và được xây dựng lại vào năm 1425. Vào năm 1670–1672, mái vòm hình bán cầu bao phủ hốc hình bán nguyệt (Apse) phía sau Ban thờ được xây dựng lại và mở rộng. Điều này dẫn đến việc phá hủy tu viện thời Trung cổ. Tòa nhà đã bị bỏ hoang và xuống cấp trong cuộc Cách mạng Pháp (French Revolution), được thánh hiến lại vào năm 1822 và được Tổng giám mục Célestin Dupont trùng tu vào năm 1835–1842.
Điểm nổi bật nhất của Nhà thờ là bức tượng Đức mẹ Mary mạ vàng trên đỉnh Tháp chuông được dựng lên vào năm 1859.
Bên trong Nhà thờ chứa nhiều tác phẩm nghệ thuật. Nổi tiếng nhất trong số này là lăng mộ của Giáo hoàng John XXII (mất năm 1334), một công trình kiến trúc Gothic thế kỷ 14. Lăng được chuyển đi vào năm 1759, bị hư hại trong cuộc Cách mạng Pháp và được khôi phục lại vị trí ban đầu vào năm 1840.
Năm 1854, Nhà thờ được Đức Giáo hoàng ban tặng danh hiệu Tiểu Vương cung thánh đường và là trụ sở của Tổng giáo phận Avignon.
Bức vẽ mặt bằng Nhà thờ Đức Bà Doms, Avignon, Pháp, năm 1890, (Archives Nationales France)
Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ Đức Bà Doms, Avignon, Pháp,
Trụ sở Tổng giám mục hay Nhà thờ Đức Bà Doms nằm trên một bệ nền cao so với Quảng trường Cung điện (Place du Palais). Tòa nhà có bố cục theo hướng đông tây. Lối vào chính từ phía tây.
Trước lối vào chính là một sân rộng, như một bệ nền nhô cao so với bề mặt Quảng trường. Giữa sân là một tường đài, đặt trên một bệ tròn với các bậc bao quanh.
Khối Hiên (Perche) nhô ra khỏi tòa nhà. Hiên có một lối vào chính từ phía tây và một lối vào nhỏ từ phía nam, hướng về phía Cung điện Giáo hoàng. Hiên được trang trí theo phong cách Cổ điển với hai các cột có rãnh, đầu cột được bọc bởi các lá ô rô, tương tự như các thức cột Corinth từ các đền thờ thần Zeus ở Athens, Hy Lạp. Cửa vào là một mái vòm được trang trí bằng một diềm với chi tiết hình bầu dục (ove).
Tiền đình (Nathex) nằm giữa Hiên và Gian Hội trường. Bên trên Tiền đình là một Tháp chuông lớn, có mặt bằng hình vuông.
Gian Hội trường (Atrium) được phân định bởi các khối trụ tường lớn tạo thành 3 nhịp nhà với 4 bước cột. Nhịp chính giữa cao, nhịp hai bên thấp. Các nhịp bên được phân chia thành các gian tạo thành các nhà nguyện chạy dọc theo chiều dài nhà.
Nhà thờ Đức Bà Doms đáng chú ý bởi sự đơn giản trong mặt bằng, không có Gian ngang (Transept).
Phía sau Gian Hậu đường hay Ban thờ (High Altar) là Nhà nguyện (Chevet/ Apse) dạng bán tròn.
Phía nam Gian Hậu đường là Kho đồ lễ thánh (Sacristy) cao 2 tầng.
Nhà thờ Đức Bà Doms là nơi yên nghỉ của hai Giáo hoàng: Lăng mộ của Giáo hoàng Jean XXII (trị vì năm 1316- 1334), đặt tại phía nam của Gian Hậu đường; Lăng mộ của Giáo hoàng Benedict XII (trị vì năm 1334 – 1342), đặt tại phía bắc của Gian Hội trường.
Phía đông bắc của Gian Hậu đường là dãy nhà phục vụ cao 2 tầng.
Sân trước Nhà thờ Đức Bà Doms, nhìn từ Quảng trường Cung điện, Avignon, Pháp
Sân trước Nhà thờ Đức Bà Doms, nhìn từ Cung điện Giáo hoàng, Avignon, Pháp
Mặt tiền phía bắc Nhà thờ Đức Bà Doms, Avignon, Pháp
Phối cảnh Hiên, Nhà thờ Đức Bà Domsws, Avignon, Pháp
Nội thất Nhịp chính giữa Nhà thờ Đức Bà Doms, Avignon, Pháp
Nội thất Nhịp bên phía bắc Nhà Đức Bà Doms, Avignon, Pháp
Mộ Giáo hoàng Jean XXII, Nhà thờ Đức Bà Doms, Avignon, Pháp
Mộ Giáo hoàng Benedict XII, Nhà thờ Đức Bà Doms, Avignon, Pháp
3. Cầu Avignon
Cầu Avignon (Avignon Bridge/Pont Saint-Bénézet) là một cây cầu thời Trung cổ bắc qua sông Rhône, nằm tại phía tây bắc Khu vực Di sản.
Ban đầu đây là cây cầu gỗ (đặt trên các trụ đá), xây dựng vào năm 1177- 1185, sau đó bị phá hủy do chiến tranh. Bắt đầu từ năm 1234, cây cầu được xây dựng lại.
Cầu không chạy thẳng giữa hai Tháp cổng ở hai đầu mà theo một con đường cong nhằm thích nghi với vị trí của các hòn đảo nhỏ (hay bãi giữa) trên sông vào thời điểm đó. Cây cầu bị bỏ hoang vào giữa thế kỷ 17. Các vòm bị sụp đổ sau các trận lụt và hiện chỉ còn lại 4 vòm.
Cầu dài khoảng 900m, rộng 4,9m bao gồm cả lan can hai bên với 22 vòm đá và 21 trụ. Khoảng cách giữa hai trụ thay đổi từ 37- 52m (phụ thuộc vào vị trí của các hòn đảo trên sông).
Trong số các vòm còn lại, vòm lớn nhất có nhịp là 35,8m, giữa trụ thứ 3 và 4. Trụ cầu có mặt bằng nhọn cả về 2 phía thượng và hạ lưu.
Thời bấy giờ Cầu Avignon có tầm quan trọng chiến lược to lớn vì là cây cầu đầu tiên vượt qua sông Rhône, nối liền giữa Lyon, Pháp và biển Địa Trung Hải; là một phần của một trong những tuyến đường hành hương quan trọng nhất giữa Ý và Tây Ban Nha; trở nên thiết yếu đối với triều đình Giáo hoàng tại Avignon vào thế kỷ 14. Đây còn là trục đường liên kết trực tiếp nhất giữa nhiều dinh thự mà các Hồng y đã xây dựng và Cung điện của Giáo hoàng nằm bên trong các bức tường thành Avignon. Vì vậy, Cầu Avignon được bảo vệ chặt chẽ ở cả hai bên bờ sông.
Cầu Avignon có hai tháp cổng tại hai đầu.
Đầu cầu phía bắc (chếch tây bắc) là Tháp mang tên Tour Philippe-le-Bel (Tower of Philip the Fair), hiện đang được bảo tồn (nằm ngoài phạm vi Di sản).
Đầu cầu phía nam (về phía Avignon) là Nhà cổng lớn (Gatehouse) được xây dựng vào thế kỷ 14 và cải tạo lại vào thế kỷ 15. Từ đây có một lối đi xuyên qua bức tường thành, qua một đoạn được dốc (hiện đã bị phá hủy) dẫn vào thành phố.
Tranh vẽ Cầu Avignon, Pháp vào năm 1575
Bản đồ từ năm 1685 hiển thị các trụ của Cầu Avignon tại phần phía nam; không thể hiện phần phía bắc với Tháp đầu cầu mang tên Philippe-le-Bel (Tour Philippe-le-Bel/ Tower of Philip the Fair)
Sơ đồ mặt đứng và mặt bằng một trụ Cầu Avignon, Pháp
Phối cảnh tổng thể di tích Cầu Avignon, tại góc bên trái, phía trên ảnh là Tour Philippe-le-Bel
Phối cảnh tổng thể di tích Cầu Avignon, Pháp; nhìn từ sông Rhône
Cầu rút nối cây cầu với Nhà cổng gắn với tường thành, Avignon, Pháp
Trên Cầu Vignon, Pháp; phía trước là Nhà nguyện Saint Nicholas
Trên cầu có Nhà nguyện Saint Nicholas (Saint Nicholas Chapel). Nhà nguyện nằm tại vị trí giữa mái vòm thứ hai và thứ ba (tính từ phía nam lên bắc). Nhà nguyện được xây dựng vào nửa sau thế kỷ 12 và được xây dựng lại nhiều lần sau đó. Công trình cao 2 tầng. Mỗi tầng đều có Gian giữa và Hậu đường là không gian (Apse) đa giác, mái bằng.
Nhà nguyện còn là nơi an táng của Thánh Bénézet (năm 1165- 1184), là vị thánh bảo trợ của những người xây cầu. Ông được cho là đã nhận lệnh từ Đức Chúa Giêsu để tổ chức xây dựng một cây cầu tại sông Rhône tại địa điểm mà khiến ngay cả các kỹ sư La Mã cũng phải nản lòng. Ông qua đời 4 năm trước khi cây cầu hoàn thành. Lăng mộ của ông đã chuyển đến một nơi khác khi cây cầu bị bỏ hoang.
Nhà nguyện Saint Nicholas trên Cầu Avignon, Pháp
Bên trong Nhà nguyện Saint Nicholas trên Cầu Avignon, Pháp
Di sản Trung tâm lịch sử của Avignon: Cung điện Giáo hoàng, Trụ sở Tổng giám mục và Cầu Avignon, là minh chứng về vai trò hàng đầu của thành phố Avignon, trong triều đại Giáo hoàng vào thế kỷ 14 và 15 tại Pháp và châu Âu.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://whc.unesco.org/en/list/228/
https://en.wikipedia.org/wiki/France
https://en.wikipedia.org/wiki/Avignon
https://en.wikipedia.org/wiki/Palais_des_Papes
https://fr.wikipedia.org/wiki/Palais_des_papes_d%27Avignon
http://www.maquetland.com/article-2584-avignon-le-palais-des-papes
https://en.wikipedia.org/wiki/Avignon_Cathedral
https://fr.wikipedia.org/wiki/Cath%C3%A9drale_Notre-Dame-des-Doms_d%27Avignon
https://en.wikipedia.org/wiki/Pont_Saint-B%C3%A9n%C3%A9zet
https://en.wikipedia.org/wiki/Tour_Philippe-le-Bel
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|