Thông tin chung:
Công trình: Lâu đài Monte (Castel del Monte)
Địa điểm: Thị trấn Andria, tỉnh Barletta-Andria-Trani, vùng Puglia, Italia (N41 5 5,3 E16 16 15,4)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 3,1 ha; diện tích vùng đệm 10.847,3 ha
Năm hình thành: 1240
Giá trị: Di sản thế giới (năm 1996; hạng mục i, ii, iii)
Ý (Italia) là một quốc gia bao gồm một bán đảo được giới hạn bởi dãy Alps và một số hòn đảo xung quanh.
Ý nằm ở trung tâm Nam Âu và được coi là một phần của Tây Âu, có chung biên giới trên bộ với Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Slovenia và các khu vực bao quanh của Thành phố Vatican và San Marino. Ý còn có vùng lãnh thổ ở Campione, Thụy Sĩ và Lampedusa (vùng biển Tunisia).
Quốc gia này có diện tích 301.340 km2, dân số 60,317 triệu người (năm 2020), thủ đô là Rome.
Do vị trí địa lý trung tâm ở Nam Âu và Địa Trung Hải, Ý là nơi sinh sống của vô số dân tộc và nền văn hóa.
Vào thời Cổ đại (năm 750 - 200 trước Công nguyên/TCN), đây là nơi cư trú chủ yếu của các dân tộc nói ngôn ngữ Ấn-Âu (Indo-European language, có nguồn gốc từ từ Tây và Nam Á - Âu).
Bắt đầu từ thời Cổ điển (thế kỷ 8 TCN - thế kỷ 6 sau Công nguyên, chủ yếu gồm nền văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại), người Phoenicia (tồn tại năm 2500 TCN – 539 TCN) và người Carthage (Đế chế Carthage, tồn tại năm 814 TCN – 146 TCN) đã thành lập các thuộc địa chủ yếu ở khu vực nội địa Ý.
Người Hy Lạp (Ancient Greece) đã thành lập các khu định cư Magna Graecia tại miền nam nước Ý, trong khi người Etruscans (tồn tại năm 900 TCN –27 TCN) và người Celt lần lượt sinh sống ở miền trung và miền bắc nước Ý.
Một bộ tộc người Ý, được gọi là người Latins (Italic tribe), đã thành lập Vương quốc La Mã (Roman Kingdom, tồn tại năm 753 TCN – 509 TCN) vào thế kỷ thứ 8 TCN, sau này trở thành nước Cộng hòa La Mã (Roman Republic, tồn tại năm 509 TCN – 27 TCN).
Cộng hoà La Mã ban đầu chinh phục và đồng hóa các nước láng giềng trên bán đảo Ý, cuối cùng mở rộng và chinh phục các vùng đất của Châu Âu, Bắc Phi và Châu Á.
Vào thế kỷ 1 TCN, Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN - 476 sau Công nguyên) nổi lên như một quyền lực thống trị khu vực Địa Trung Hải và trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị và tôn giáo hàng đầu, hình thành nền văn minh La Mã Cổ đại (Pax Romana), một giai đoạn hơn 200 năm phát triển của luật pháp, công nghệ, kinh tế nghệ thuật và văn học Ý.
Trong suốt thời kỳ Trung Cổ, Ý vẫn là quê hương của con người và Đế chế La Mã, mà di sản của nó về văn hóa, thể chế, Kitô giáo và tiếng Latinh lan truyền khắp toàn cầu.
Vào đầu thời kỳ Trung Cổ, Ý phải chịu đựng sự sụp đổ của Đế chế Tây La Mã (Western Roman Empire, tồn tại vào năm 395–476/480), với việc lãnh thổ bị phân chia thành các tiểu quốc và các cuộc di dân của các bộ tộc Germanic, Huns, Slavs (Early Slavs) và Pannonian Avars.
Tại miền bắc và một phần miền trung nước Ý, vào thế kỷ 11, nhiều thị quốc (Italian City-states) và nước cộng hòa hàng hải (Maritime Republics) đã vươn lên thịnh vượng thông qua thương mại và ngân hàng, đặt nền móng cho chủ nghĩa tư bản hiện đại. Các thị quốc độc lập này đóng vai trò là trung tâm giao lưu thương mại chính của châu Âu với châu Á và Cận Đông, thường được hưởng một mức độ dân chủ cao hơn so với các quốc gia phong kiến trong các chế độ quân chủ đang thịnh hành khắp châu Âu thời bấy giờ. Một phần miền trung nước Ý nằm dưới sự kiểm soát của các quốc gia Giáo hoàng (Papal States; thần quyền Nhà nước của Giáo hội).
Phần lớn miền nam nước Ý vẫn là chế độ phong kiến cho đến thế kỷ 19. Đây là kết quả của sự kế thừa nền văn minh của người Byzantine, Arab, Norman, Angevin, Aragonese và từ các cuộc chinh phục của các quốc gia bên ngoài.
Tại miền đông nước Ý, tồn tại Đế quốc Byzantine hay Đế chế Đông La Mã (Byzantine Empire/ Eastern Roman Empire, tồn tại năm 330/395–1453), là sự tiếp nối của Đế chế La Mã trong thời kỳ Hậu Cổ đại và Trung cổ, khi thủ đô của nó là Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ). Trong khi phần phía tây của Đế chế La Mã đã trải qua quá trình Latinh hóa, thì phần phía đông của Đế chế (Byzantine) vẫn duy trì ở mức độ lớn nền văn hóa Hy Lạp. Sự sụp đổ của Đế chế Byzantine vào tay người Ottoman (Ottoman Empire, tồn tại năm 1299 – 1922) đôi khi được dùng để đánh dấu sự kết thúc của thời Trung cổ và sự khởi đầu của thời kỳ Hiện đại.
Thời kỳ Phục hưng (Renaissance, một giai đoạn lịch sử châu Âu, chuyển đổi từ thời Trung cổ sang Hiện đại, vào thế kỷ 15, 16) bắt đầu ở Ý và lan sang phần còn lại của châu Âu, mang lại mối quan tâm mới về chủ nghĩa nhân văn, khoa học, văn học và nghệ thuật.
Nền văn hóa Ý phát triển mạnh mẽ, sản sinh ra các nhà khoa học, nghệ sĩ và tư tưởng nổi tiếng.
Trong thời Trung cổ, các nhà thám hiểm người Ý đã khám phá ra những tuyến đường mới đến Viễn Đông và Tân thế giới, mở ra Kỷ nguyên Khai sáng (Age of Discovery) của Châu Âu.
Sau nhiều thế kỷ can thiệp và chinh phục từ bên ngoài cùng với sự cạnh tranh giữa các thị quốc nội bộ, nước Ý bị chia rẽ về mặt chính trị, tiếp tục bị chinh phục và phân chia bởi nhiều cường quốc châu Âu.
Vào giữa thế kỷ 19, chủ nghĩa dân tộc của Ý đã trỗi dậy.
Sau nhiều thế kỷ bị ngoại bang thống trị và chia rẽ, Ý gần như hoàn toàn thống nhất vào năm 1861, cùng với việc thành lập Vương quốc Ý (Kingdom of Italy, tồn tại năm 1861–1946).
Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, miền bắc nước Ý nhanh chóng công nghiệp hóa, giúp quốc gia này trở thành một Đế quốc thuộc địa. Trong khi đó, tại miền nam nước Ý, phần lớn vẫn là cảnh nghèo đói. Sau Chiến tranh thế giới 2, Ý bãi bỏ chế độ quân chủ, thành lập chính thể cộng hòa dân chủ và trở thành một quốc gia phát triển.
Ý ngày nay được phân thành 20 khu vực (vùng) và 107 tỉnh, thành phố.

Bản đồ Italia và vị trí của thành phố Andria
Andria là một thị trấn ở Apulia (Puglia), tỉnh Barletta-Andria-Trani, miền nam nước Ý, gần Biển Adriatic.
Thành phố có diện tích 402,89km2, dân số 99,8 ngàn người (năm 2018), tại cao độ 151m so với mực nước biển.
Có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của Andria.
Năm 915, địa danh này được nhắc đến như một khu định cư nhỏ.
Vào thế kỷ 14, dưới thời gia tộc Angevins (Capetian House of Anjou, tồn tại năm 1246- 1435) nơi đây trở thành thủ phủ của một Công quốc (thị quốc).
Năm 1431, người cai trị Công quốc Andria là Francesco II Del Balzo (năm 1410- 1428) đã tìm thấy hài cốt Thánh Richard của Andria, vị thánh bảo trợ hiện tại, và thành lập Hội chợ Andria (diễn ra vào 23–30 tháng 4 hàng năm).
Năm 1487, thành phố được người Aragon (Cộng đồng tự trị) mua lại. Công quốc được trao cho vị vua tương lai Frederick IV của Napoli (trị vì năm 1496- 1501).
Sau đó, vào năm 1552, thành phố bị người Tây Ban Nha sở hữu và bán cho Fabrizio Carafa (giám mục Công giáo La Mã, năm 1588- 1651).
Giám mục Carafas cai trị thành phố cho đến năm 1799, khi quân đội Pháp chiếm thành phố, trong cuộc Chiến tranh Napoléon Napoleonic Wars, năm 1803- 1815.
Sau khi phục hồi Nhà Bourbon (House of Bourbon, một triều đại bắt nguồn từ Vương quốc Pháp), đô thị Andria là một địa điểm khởi đầu của Nước Ý thống nhất (Risorgimento, sự hợp nhất các thị quốc thành một quốc gia duy nhất vào năm 1861- Vương quốc Ý) và mở ra một kỷ nguyên mới sau khi nước Ý thống nhất (Brigandage / Unification of Italy).
Thị trấn Andria là nơi ở yêu thích của Frederick II (năm 1194- 1250), vua của các thị quốc Sicily từ năm 1198, vua nước Đức (German kingdom) từ năm 1212, vua Ý (King of Italy) và hoàng đế La Mã Thần thánh (Holy Roman Emperor) từ năm 1220 và vua của Jerusalem (King of Jerusalem) từ 1225. Ông được nhiều nhà sử học coi là nhà cai trị hiện đại đầu tiên qua việc quản lý tập trung với bộ máy hành chính hiệu quả. Frederick còn nổi tiếng là một người tiên phong thời Phục hưng, là nhà khoa học, học giả, kiến trúc sư, nhà thơ và nhà soạn nhạc. Sau khi ông qua đời, Vương triều Hohenstaufen kết thúc (tồn tại từ năm 1079- 1318).

Đế chế La Mã thần thánh ở mức độ lớn nhất vào giữa thế kỷ 12 dưới thời Hoàng đế Hohenstaufen Frederick I (trị vì năm 1155- 1190)

Hoàng đế Frederick II và con chim ưng của ông, minh họa trong sách De arte venandi cum avibus ("The art of hunting with birds") do ông viết, cuối thế kỷ XIII
Tại Thị trấn Andria, Hoàng đế Frederick II đã xây dựng Lâu đài Monte (Castel del Monte), một trong những lâu đài nổi tiếng nhất của Ý.
Lâu đài Monte nằm cách trung tâm thành phố khoảng 15 km về phía nam, trên một ngọn đồi đá bao trùm vùng nông thôn xung quanh.
Đây là một công trình kiến trúc thời Trung cổ độc đáo, được hoàn thành vào năm 1240. Vị trí của lâu đài, hình dạng bát giác cũng như sự chính xác về mặt toán học và thiên văn trong bố cục, tất cả đều phản ánh tầm nhìn văn hóa rộng lớn của người sáng lập, Hoàng đế Frederick II của Vương tộc Hohenstaufen (Frederick II of Hohenstaufen).
Là một nhà lãnh đạo của chủ nghĩa nhân văn hiện đại, Hoàng đế đã tập hợp trong vương triều của mình các học giả từ khắp Địa Trung Hải, qua đó kết hợp được văn hóa truyền thống phương Đông và phương Tây.
Thiết kế độc đáo của lâu đài, mặt bằng hình bát giác với các tháp hình bát giác ở mỗi góc, thể hiện sự hoàn hảo. Các đặc điểm nội thất phản ánh những ảnh hưởng của phương Đông, chẳng hạn như hệ thống lắp đặt thủy lực sáng tạo được Frederick II sử dụng để tắm theo phong tục Ả Rập điển hình.
Địa điểm này có giá trị phổ quát nổi bật về mặt hình thức và sự pha trộn hài hòa giữa các yếu tố văn hóa Bắc Âu, Hồi giáo và thời Cổ điển.
Lâu đài Monte tại thị trấn Andria, tỉnh Barletta-Andria-Trani, vùng Puglia, Italia được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1996) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Với sự hoàn hảo về mặt hình thức, sự pha trộn hài hòa giữa các yếu tố văn hóa Bắc Âu, Hồi giáo (Muslim) và sự cổ kính Cổ điển, Lâu đài Monte là một tuyệt tác độc đáo của kiến trúc quân sự thời Trung cổ, phản ánh tư tưởng nhân văn của người sáng lập, Hoàng đế Frederick II của Vương triều Hohenstaufen.
Tiêu chí (ii): Gắn với Hoàng đế Frederick II của Vương triều Hohenstaufen, Lâu đài Monte thể hiện tinh thần giao lưu quốc tế của Hoàng đế, người đã tập hợp các học giả Hy Lạp, Ả Rập, Ý và Do Thái đến triều đình của ông ở Palermo. Điều này cho thấy ông là một trong những tiền thân của những người theo chủ nghĩa nhân văn hiện đại.
Tiêu chí (iii): Tượng trưng cho chính sách Địa Trung Hải của một Hoàng đế Đức (Germanic Emperor) sinh ra ở Iesî (Ý), lớn lên ở Sicily (Ý) và bị thu hút từ rất sớm bởi thế giới phương Đông, Lâu đài Monte là một bằng chứng sáng tạo độc đáo bởi sự kết hợp những yếu tố trí tuệ và đạo đức từ các nền văn minh vĩ đại tại Địa Trung Hải.

Sơ đồ phạm vi Di sản Lâu đài Monte, Puglia, Ý

Sơ đồ phạm vi vùng đệm Di sản Lâu đài Monte, Puglia, Ý
Lâu đài Monte là niềm tự hào của Hoàng đế Frederick II.
Lâu đài Monte nằm trên một ngọn đồi nhỏ gần tu viện Santa Maria del Monte (Monastery of Santa Maria del Monte), ở độ cao 540m.
Khi Lâu đài được xây dựng, khu vực này nổi tiếng là màu mỡ với nguồn cung cấp nước dồi dào và thảm thực vật tươi tốt.
Lâu đài Monte, xét về quan điểm thực chứng, có vẻ như bị cô lập và cách xa các địa điểm quan trọng trên một tuyến đường chiến lược nào đó.
Lâu đài có kích thước tương đối nhỏ, có bố cục là một khối lăng trụ hình bát giác; mỗi góc có một tháp canh cũng hình bát giác; chính giữa là sân trong hình bát giác. Mặt bằng hình bát giác là không bình thường trong thiết kế lâu đài.
Các nhà sử học luôn tranh luận về mục đích của tòa nhà.
Có ý kiến cho rằng nó là một nhà nghỉ săn bắn.
Có giả thuyết khác lại cho rằng công trình bằng đá này được xây dựng như một biểu tượng của Vương quốc với hình bát giác là hình tượng trung gian giữa hình vuông (tượng trưng cho trái đất) và hình tròn (tượng trưng cho bầu trời). Hoàng đế Frederick II có thể đã được truyền cảm hứng để xây dựng theo hình dạng này bởi Mái vòm Đá (Dome of the Rock) ở Jerusalem, mà ông đã nhìn thấy trong cuộc Thập tự chinh thứ sáu (Sixth Crusade), hoặc bởi Nhà nguyện Palatine của Nhà thờ Aachen, Đức.
Công trình tràn ngập ánh sáng suốt cả ngày, điều này khiến công trình có tầm quan trọng đặc biệt thời Trung cổ với nhận thức rằng ánh sáng có nghĩa là sự hiện diện của Chúa.
Có quan điểm cho rằng, Lâu đài giống như một đài thiên văn, đặt nghiêng một góc 23,44° để vào ngày Hạ chí (21/6- 22/6, ngày mà khoảng thời gian ban ngày dài nhất và ban đêm ngắn nhất) mặt trời mọc và lặn đi qua chính giữa trục trung tâm của Lâu đài (tương tự như Di sản thế giới Vòng tròn đá Stonehenge, Avebury, tại Wiltshire, Anh, có từ khoảng năm 3700 đến 1600 TCN; hay như Chùa Một Cột, Hà Nội, Việt Nam, có từ thế kỷ 11).
Lâu đài Monte có thể là một điểm mốc hay một biểu tượng thần bí về một không gian nhiều chiều nào đó, mà thế hệ tiếp sau vẫn tiếp tục cần khám phá.

Tổng mặt bằng Lâu đài Monte, Puglia, Ý

Sơ đồ mặt bằng Lâu đài Monte, Puglia, Ý

Sơ đồ mặt cắt Lâu đài Monte, Puglia, Ý

Sơ đồ cấu trúc xây dựng Lâu đài Monte, Puglia, Ý
Vào thế kỷ 18, Lâu đài đã bị cướp phá.
Các thành viên của Vương triều Bourbon (House of Bourbon, thành lập năm 1272, là một khu vực thuộc Pháp, Tây Ban Nha, Luxembourg, Ý) đã lấy các cột và khung cửa sổ bằng đá cẩm thạch và tái sử dụng chúng tại cung điện của họ ở Caserta (Royal Palace of Caserta).
Sau khi bị bỏ hoang trong một thời gian dài, Lâu đài được Nhà nước Ý mua lại vào năm 1876 và bắt đầu quá trình trùng tu vào năm 1928.
Lâu đài Monte được mô tả trên mặt trái của đồng 1 xu Euro do Ý phát hành.

Phối cảnh tổng thể Lâu đài Monte, Puglia, Ý

Phối cảnh mặt tiền phía đông nam Lâu đài Monte, Puglia, Ý

Phối cảnh mặt tiền phía đông bắc Lâu đài Monte, Puglia, Ý
Lâu đài có hai lối vào, một lối vào dịch vụ kín đáo và một lối vào chính trang trí công phu từ phía đông nam. Lối vào này có các yếu tố từ thiết kế cổ điển và có thể đã bị ảnh hưởng bởi sự quan tâm của Hoàng đế Frederick đối với kiến trúc Hy Lạp-La Mã.
Lâu đài có đường kính 56 m. Các cạnh của hình bát giác, 8 cạnh, dài 16,5m và của các tháp canh dài 3,1m.
Lâu đài cao 2 tầng, mỗi tầng 8 phòng. Mỗi phòng chính đều có trần hình vòm.
Lâu đài có 8 tháp canh, ba trong số đó có cầu thang.
Bức tường chính của Lâu đài cao 25 m; Tường của tháp canh cao 26 m, có thể có thêm tầng thứ 3.
Lâu đài Monte, liên quan nhiều đến số 8, ngoài tàn tích xây dựng, còn bao gồm các mảnh vỡ của các bức tượng hiệp sĩ, phù điêu La Mã…

Cổng chính phía đông nam Lâu đài Monte, Puglia, Ý

Chi tiết trang trí phía trên Cổng chính phía đông nam Lâu đài Monte, Puglia, Ý

Trang trí cửa sổ mặt tiền Lâu đài Monte, Puglia, Ý


Sân trong Lâu đài Monte, Puglia, Ý

Trang trí cửa sổ tường sân trong Lâu đài Monte, Puglia, Ý

Chi tiết phòng Ngai vàng, Lâu đài Monte, Puglia, Ý

Chi tiết phòng vệ sinh, Lâu đài Monte, Puglia, Ý

Tàn tích lò sưởi, Lâu đài Monte, Puglia, Ý

Cầu thang lên Tháp góc, Lâu đài Monte, Puglia, Ý

Trang trí trần mái Tháp góc, Lâu đài Monte, Puglia, Ý

Biểu tượng thần bí - Lâu đài Monte, Puglia, Ý
Lâu đài Monte tại thị trấn Andria, tỉnh Barletta-Andria-Trani, vùng Puglia, Italia là một kiệt tác kiến trúc độc đáo thời Trung cổ, phản ánh tư tưởng văn hóa của người sáng lập, Hoàng đế Frederick II của Vương tộc Hohenstaufen.
Lâu đài Monte có ảnh hưởng không ngừng đối với kiến trúc sư, nhà khảo cổ, nhà sử học và hiệp hội tâm linh.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://whc.unesco.org/en/list/398/
https://en.wikipedia.org/wiki/Italy
https://en.wikipedia.org/wiki/Andria
https://en.wikipedia.org/wiki/Frederick_II,_Holy_Roman_Emperor
https://en.wikipedia.org/wiki/Castel_del_Monte,_Apulia
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|