Thông tin chung:
Công trình: Khu Khảo cổ Las Médulas (Las Médulas)
Địa điểm: Cộng đồng tự trị Castile và León, Spain (N42 28 9,804 W6 46 14,7)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 2.208,2 ha
Năm hình thành:
Giá trị: Di sản thế giới (năm 1997, hạng mục i, ii, iii, iv)
Tây Ban Nha (Spain) là một quốc gia ở Tây Nam Châu Âu với một số vùng lãnh thổ tại eo biển Gibraltar và Đại Tây Dương.
Lãnh thổ lục địa Châu Âu của Tây Ban Nha nằm trên Bán đảo Iberia (Iberian Peninsula, góc tây nam châu Âu, gồm Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Andorra, một phần nhỏ của Pháp và Gibraltar, lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland).
Tây Ban Nha cũng bao gồm hai quần đảo: Quần đảo Canary ngoài khơi Bắc Phi và Quần đảo Balearic ở Địa Trung Hải. Các vùng đất châu Phi gồm Ceuta, Melilla và Peñón de Vélez de latylesra khiến Tây Ban Nha trở thành quốc gia châu Âu duy nhất có biên giới thực với một quốc gia châu Phi (Maroc).
Một số hòn đảo nhỏ ở Biển Alboran cũng là một phần của lãnh thổ Tây Ban Nha.
Đất liền của Tây Ban Nha giáp với phía nam và đông biển Địa Trung Hải; về phía bắc và đông bắc giáp Pháp, Andorra và Vịnh Biscay; về phía tây và tây bắc lần lượt là Bồ Đào Nha và Đại Tây Dương.
Tây Ban Nha có diện tích 505.990 km2; dân số 47,43 triệu người (năm 2020); Thủ đô và thành phố lớn nhất là Madrid.
Con người hiện đại đầu tiên đến Bán đảo Iberia vào khoảng 35.000 năm trước.
Các nền văn hóa Iberia cùng với các nền văn hóa Phoenicia, Hy Lạp (Ancient Greece), Celts và Carthage (Carthaginian Iberia) cổ đại đã phát triển trên bán đảo cho đến khi nằm dưới sự cai trị của La Mã vào khoảng năm 200 trước Công nguyên (TCN).
Vào cuối thời kỳ Đế chế Tây La Mã (Western Roman Empire, tồn tại năm 395–476/480), người Germanic và các bộ tộc liên minh đã di cư từ Trung Âu đến xâm chiếm Bán đảo Iberia và thiết lập các vương quốc tương đối độc lập ở phía tây của bán đảo. Một trong số họ là người Visigoth, đã hợp nhất tất cả các lãnh thổ độc lập còn lại trên bán đảo, bao gồm cả tỉnh Byzantine của Spania vào Vương quốc Visigothic (Visigothic Kingdom, tồn tại năm 418 – 721).
Vào đầu thế kỷ 8, Vương quốc Visigothic đã bị chinh phục bởi Vương quốc Hồi giáo Umayyad (Umayyad Caliphate, tồn tại năm 661–750, thủ đô là Damascus, Syria, Tây Á ngày nay).
Một số vùng đất Cơ đốc giáo ở phía bắc Bán đảo Iberia nằm ngoài sự cai trị của người Hồi giáo, cùng với sự xuất hiện của Đế chế Carolingian (Carolingian Empire, tồn tại năm 800–888) đã dẫn đến sự hình thành các tiểu vương quốc Cơ đốc giáo như León, Castile, Aragon, Navarre và Bồ Đào Nha.
Hơn bảy thế kỷ, sự mở rộng về phía nam Bán đảo Iberia của các vương quốc này lên đến đỉnh điểm với việc Cơ đốc giáo xóa bỏ chính thể Hồi giáo cuối cùng, Vương quốc Granada (Emirate of Granada, tồn tại năm 1230–1492) vào năm 1492, cùng năm Christopher Columbus (nhà thám hiểm người Ý, 1451- 1506) đến Tân Thế giới.
Quá trình tập hợp chính trị giữa các tiểu vương quốc Cơ đốc giáo cũng diễn ra ngày sau đó. Vào cuối thế kỷ 15, chứng kiến sự hợp nhất giữa các tiểu vương quốc Castile và Aragon thành Vương quốc Công giáo Tây Ban Nha (Catholic Monarchs of Spain). Sự thống nhất với tiểu vương quốc Navarre diễn ra vào năm 1512.
Đế chế Tây Ban Nha (Spanish Empire/ Chế độ quân chủ Thiên chúa giáo Tây Ban Nha, tồn tại năm 1492–1976) đã liên minh với Vương quốc Bồ Đào Nha (Kingdom of Portugal, tồn tại năm 1139–1910) để thành lập Vương triều Hapsburg (Habsburg Spain, tồn tại năm 1516–1700).
Các nhà cai trị Habsburg đã đạt đến đỉnh cao về ảnh hưởng và quyền lực: Kiểm soát lãnh thổ bao gồm Châu Mỹ, Đông Ấn; các nước Spanish Netherlands, Bỉ, Luxembourg và một phần lãnh thổ hiện thuộc Ý, Pháp và Đức ở Châu Âu; Vương quốc Bồ Đào Nha (từ năm 1580 - 1640) và nhiều vùng lãnh thổ nhỏ khác như Ceuta và Oran ở Bắc Phi.
Giai đoạn lịch sử Tây Ban Nha này còn được gọi là " Thời đại khám phá " (Age of Discovery).
Vào đầu thời kỳ hiện đại, Tây Ban Nha là một trong những đế chế lớn nhất trong lịch sử, cũng như là một trong những đế chế toàn cầu đầu tiên; tạo ra một di sản văn hóa và ngôn ngữ lớn với hơn 570 triệu người Hispanophones), khiến tiếng Tây Ban Nha trở thành ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ), được nói nhiều thứ hai trên thế giới sau tiếng Quan Thoại Trung Quốc (Mandarin Chinese).
Tây Ban Nha là nơi có số lượng Di sản Thế giới được UNESCO công nhận lớn thứ ba thế giới. Tính đến tháng 7 năm 2019, Tây Ban Nha có tổng số 48 địa điểm được ghi trong danh sách, chỉ đứng sau Trung Quốc (55) và Ý (55).
Ngày nay, Tây Ban Nha được chia thành 17 cộng đồng tự trị và 2 thành phố tự trị. Các cộng đồng tự trị (vùng, bang) được chia thành 50 tỉnh (khu vực).
Bản đồ Tây Ban Nha và vị trí của tỉnh León, Cộng đồng tự trị Castile và León
Las Médulas là một địa điểm khai thác vàng lịch sử của người La Mã, nằm gần thành phố Ponferrada thuộc tỉnh León, vùng tự trị Castile và León, tây bắc Tây Ban Nha.
Ponferrada là đô thị đông dân thứ hai của tỉnh León, thủ phủ của khu vực El Bierzo. Thành phố nằm dọc theo dòng sông Sil, được bao quanh bởi những ngọn núi, có diện tích 283,17km2, tại độ cao 544m so với mực nước biển; dân số khoảng 64 ngàn người (năm 2021).
Vào thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên, Đế chế Tây La Mã bắt đầu khai thác các mỏ vàng ở khu vực Las Médulas, sử dụng công nghệ khai thác dựa trên sức nước. Las Médulas là mỏ vàng quan trọng nhất cũng như mỏ vàng lộ thiên lớn nhất trong toàn bộ Đế chế.
Sau hai thế kỷ khai thác, người La Mã rút đi, để lại một cảnh quan hoang tàn. Vì không có hoạt động công nghiệp nào tiếp theo, nên tàn tích của mỏ vàng cổ xưa này có thể nhìn thấy ở khắp mọi nơi với những hình dạng gò, vách, tháp núi tuyệt đẹp và những khu vực rộng lớn chứa chất thải, hiện được sử dụng cho nông nghiệp.
Khu Khảo cổ Las Médulas có diện tích hơn 2000 ha, bao gồm tàn tích các mỏ, những khu vực rộng lớn được bao phủ bởi chất thải từ quá trình này, những con đập được sử dụng để thu gom lượng nước khổng lồ cần thiết cho quá trình khai thác và các kênh đào phức tạp vận chuyển nước đến các mỏ.
Trong Khu Khảo cổ Las Médulas có cả những ngôi làng của cư dân bản địa, dân cư khai mỏ, nhân viên hành chính và hỗ trợ của Đế chế (bao gồm cả các đơn vị quân đội), cũng như một con đường chính và một số lượng lớn các tuyến đường nhỏ, được sử dụng cho hoạt động khai thác mỏ.
Pliny the Elder (năm 23/24 – 79 sau Công nguyên, nhà tự nhiên học, triết gia tự nhiên, chỉ huy quân đội La Mã, tác giả của bộ bách khoa toàn thư Lịch sử tự nhiên, được coi là hình mẫu biên tập cho các bộ bách khoa toàn thư sau này) đã gọi công nghệ khai thác mỏ của người La Mã tại đây là Phương pháp phá núi (Ruina Montium/wrecking of the mountains) bằng sức nước.
Nước từ các suối, mưa và tuyết tan được thu vào các hồ chứa lớn, nối với các mỏ bằng hệ thống kênh tự chảy, được xây dựng chắc chắn.
Núi được đào, cắt thành các lớp bởi những đường hầm theo chiều dọc và ngang trong lòng núi. Khi các cống của đập được mở, một lượng nước khổng lồ chảy vào các đầu đường hầm, nén khối không khí bị mắc kẹt bên trong và phát nổ. Đất, đá bị phá hủy và bị nước cuốn trôi, tạo thành những vùng đất bùn khoáng sản khổng lồ dài vài km.
Khối lượng bùn thu được được chuyển tới kênh rửa và kênh lọc hay bàn sàng tuyển quặng (tables riffle) để có thể thu thập các hạt vàng nặng nằm tại đáy kênh. Những viên đá được loại bỏ bằng tay và bùn thải được đổ ra thành đống xung quanh.
Quá trình này được thể hiện rõ ràng một cách sống động trên bề mặt của các di tích chính tại Las Médulas, nơi một phần của các đường hầm vẫn còn tồn tại.
Mỏ Las Médulas chính có diện tích hơn 10 km2 và bề mặt khai thác có chiều ngang hơn 600m (tại mỏ La Frisga phụ /subsidiary La Frisga pit). Tàn tích của hệ thống kênh mương và ống dẫn nước kéo dài ít nhất 100 km. Các tuyến kênh được xây dựng một cách khéo léo để duy trì độ dốc đồng đều trên một khoảng cách dài nhằm tạo ra sự tích tụ nước ổn định khi các cống được mở. Hiện, tàn tích nhiều đoạn kênh có thể nhìn thấy ở nhiều nơi trên Khu vực khảo cổ.
Việc khảo sát khảo cổ Mỏ Las Médulas đã diễn ra trong nhiều năm, cả trên mặt đất lẫn sử dụng quan sát và chụp ảnh trên không. Người ta đã xác định được tàn tích của một số khu định cư trong khu vực. Việc khai quật tại một vài địa điểm đã chứng minh sự khác biệt cơ bản giữa lối sống của dân cư bản địa và cộng đồng dân cư khai mỏ.
Khu Khảo cổ Las Médulas, Cộng đồng tự trị Castile và León, Tây Ban Nha được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Las Médulas là công trình vĩ đại, một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người trong lĩnh vực khai thác mỏ; cụ thể là công nghệ Phá núi (Ruina montium) ứng dụng sức nước cùng hệ thống tuyển quặng vàng lớn về quy mô và hiệu quả. Khu mỏ có tầm quan trọng kinh tế quyết định đối với Đế chế La Mã trong hai thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên.
Tiêu chí (ii): Las Médulas là ví dụ điển hình về việc ứng dụng công nghệ khai mỏ của người La Mã để khai thác kim loại quý. Điều đặc biệt là những di tích tại đây được bảo tồn tốt nhất và tiêu biểu nhất cho tất cả các khu mỏ của thế giới Hy Lạp-La Mã trong thời Cổ điển.
Tiêu chí (iii): Hoạt động khai thác vàng của người La Mã ở Khu mỏ Las Médulas là hoạt động điển hình nhất thời Cổ đại. Những di tích ngoạn mục tại đây là một bằng chứng độc đáo minh họa công nghệ khai thác khoáng sản vượt trội và cách quản lý khu mỏ Hoàng gia này đến từng chi tiết.
Tiêu chí (iv): Khu mỏ khai thác vàng Las Médulas là một ví dụ nổi bật về công nghệ khai mỏ mới của người La Mã. Trong đó, tất cả các yếu tố của cảnh quan cổ xưa, cả công nghiệp và sinh hoạt, đều được bảo tồn ở mức độ đặc biệt.
Sơ đồ vị trí Di sản Khu khảo cổ Las Médulas, Tây Ban Nha
Tổng mặt bằng Di sản Khu khảo cổ Las Médulas, Tây Ban Nha
Phối cảnh tổng thể Di sản Khu khảo cổ Las Médulas, Tây Ban Nha
Một trong những tuyến đường tại Khu Di sản Khu khảo cổ Las Médulas, Tây Ban Nha
Trước cuộc chinh phục của người La Mã (vào năm 25 TCN), cư dân bản địa đã khai thác vàng từ các mỏ lộ thiên nhỏ tại Las Médulas.
Las Médulas là mỏ vàng lớn nhất trong toàn bộ Đế chế La Mã. Cũng theo tác giả Pliny the Elder, các mỏ vàng tại Las Médulas đã mang lại 6,560 tấn vàng mỗi năm cho người La Mã. Với sự tham gia của 6 vạn lao động, trong 250 năm đã khai thác được 1.640 tấn vàng.
Việc khai mỏ theo quy mô lớn bắt đầu vào nửa sau của thế kỷ 1 sau Công nguyên. Công nghệ khai mỏ được sử dụng là khai phá núi bằng một lượng lớn nước (Ruina montium).
Thời bấy giờ, các tuyến kênh, cống dẫn nước (Roman Aqueduct) được người La Mã xây dựng trên khắp Đế chế của họ, để cấp nước sinh hoạt, cho đài phun nước tại thành phố và thị trấn. Các tuyến kênh, cống này cũng hỗ trợ cho hoạt động khai thác mỏ, xay xát, trang trí và tưới tiêu.
Tại Mỏ vàng Las Médulas, nước cung cấp cho việc phá núi bằng cách chuyển giữa các lưu vực tại quận La Cabrera (nơi có lượng mưa ở vùng núi tương đối cao) ở nhiều độ cao khác nhau. Một trong số đó là hồ chứa tại phía đông bắc núi Teleno. Ở độ cao 2000m, tuyết tích tụ và sau đó, sau khi biến thành nước, chảy đến sông Cabo (một nhánh của Cabrera), từ đó cấp nước cho 8 con kênh giáp núi, chảy đến các hồ chứa của các mỏ và trang trại nông nghiệp. Bao gồm: Tuyến kênh ký hiệu CN- 1 dài 71,7km; CN-2 dài 51,7km; Kênh C-0 dài 45km; Kênh C-1 dài 95km, cùng với Kênh CN-1 là nguồn cấp nước chính cho giai đoạn khai thác đầu tiên; Kênh C-2 dài 35km; Kênh C-3 dài 143km, là tuyến kênh dài thứ hai vào thời Cổ đại, sau tuyến kênh dài 246km dẫn nước cho Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ; Kênh C-4 dài 81km, nằm ở nơi cao nhất của Mỏ với cao độ 978m; Kênh C -5 dài 41km.
Các kênh này có tổng chiều dài 563,4km, độ dốc từ 0,6 đến 1%; rộng là 1,28 – 1,6m, sâu 90 cm (chiều dày lớp nước 0,5 – 0,6m). Một số tuyến kênh chạy qua địa hình dốc, được tạo thành các kênh dạng bậc, có trường hợp chênh cao đến 5m. Một số tuyến cống chạy xuyên qua núi đá tạo thành các đường hầm. Hàng triệu m3 vật liệu đá được sử dụng để xây dựng công trình thủy lực này.
Sau này, hệ thống cấp nước còn được bổ sung bể chứa nước.
Các nghiên cứu khảo cổ về Las Médulas bắt đầu thực hiện có hệ thống từ năm 1988, bởi nhóm nghiên cứu Cấu trúc xã hội và Khảo cổ học cảnh quan lãnh thổ của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Tây Ban Nha (CSIC).
Las Médulas không chỉ là một mỏ vàng với công nghệ khai thác bằng sức nước mà còn trở thành một địa điểm cảnh quan văn hóa. Việc khảo sát và khai quật các khu định cư thời tiền La Mã và La Mã trên khắp khu vực đã cung cấp những diễn giải lịch sử mới làm phong phú thêm về hoạt động khai thác mỏ của người La Mã.
Quy mô khai thác khổng lồ tại Las Médulas đã có tác động đáng kể đến môi trường sinh thái và cảnh quan thời bấy giờ. Sau khi việc khai thác dừng lại vào thế kỷ thứ 3, thảm thực vật bản địa mới phục hồi. Những điều này dẫn đến sự xuất hiện một môi trường cảnh quan ngoạn mục, được đặc trưng bởi hình dạng kỳ lạ của địa hình với màu đá đỏ (đá phiến và sa thạch có màu đỏ) hòa với thảm xanh thực vật của các khu rừng Địa Trung Hải.
Một số sơ đô mô tả Công nghệ phá núi bằng sức nước, Las Médulas, Tây Ban Nha
Tàn tích một tuyến kênh dẫn nước, Las Médulas, Tây Ban Nha
Tàn tích một khu vực luyện kim, Las Médulas, Tây Ban Nha
Di sản Khu Khảo cổ Las Médulas, Cộng đồng tự trị Castile và León, Tây Ban Nha được phân thành 4 khu vực:
Vùng chính của Mỏ vàng Las Médulas
Vùng chính của Mỏ vàng Las Médulas (Zona principal de la mina de oro de Las Médulas) nằm tại phía bắc Khu vực Di sản (N42 28 9.8 W6 46 14.7), có diện tích 1879,2 ha.
Cảnh quan của Vùng là các gò núi, thung lũng núi với các hồ nước, rừng và khu dân cư.
Khu vực Las Médulas được bao quanh bởi các gò với vách núi và tháp núi màu đá đỏ, còn sót lại trong quá trình khai thác mỏ, tạo thành các đường viền cảnh quan độc đáo.
Khu dân cư Las Médulas nằm tại trung tâm của Khu vực Di sản. Các công trình bên trong Khu dân cư là những ngôi nhà nhỏ, xây dựng bằng đá, phục vụ chủ yếu cho khách du lịch.
Phối cảnh Khu dân cư Las Médulas, nằm trong thung lũng vách và tháp núi nhân tạo bao quan, Tây Ban Nha
Nhà nguyện bên trong Khu dân cư Las Médulas, Tây Ban Nha
Nhà ở bên trong Khu dân cư Las Médulas, Tây Ban Nha
Xung quanh Khu dân cư Las Médulas có vài vách, tháp núi và cửa hang nhân tạo nổi tiếng như:
Các vách và tháp núi nhân tạo Orellán (Mirador de Orellán): Nằm tại phía đông của thung lũng Las Médulas.
Vách núi và Cửa đường hầm Cuevona (La Cuevona): Nằm tại phía đông bắc của thung lũng Las Médulas. Kề liền là Vách núi và Cửa đường hầm Encantada (La Encantada). Tạo thành địa điểm nổi bật, thu hút nhiều du khách nhất khi đến thăm Di sản.
Vách núi và Cửa đường hầm Reirigo (Cuevas de Reirigo): Nằm tại phía nam của thung lũng bao quanh Las Médulas. Cửa đường hầm nằm lưng chừng núi, nối với một hệ thống các đường hầm dẫn nước bên trong lòng núi.
Các vách và tháp núi nhân tạo Pedrices (Mirador de las Pedrices): Nằm tại phía tây nam của thung lũng Las Médulas.
Xa hơn tại phía bắc của Las Médulas là vách núi và tháp núi Jardines del Rey (Mirador de los Jardines del Rey).
Các vách và tháp núi nhân tạo Orellán, Vùng chính của Mỏ vàng Las Médulas, Tây Ban Nha
Vách núi và Cửa đường hầm Cuevona, Vùng chính của Mỏ vàng Las Médulas, Tây Ban Nha
Cửa đường hầm Cuevona, bên trong nhìn ra; Vùng chính của Mỏ vàng Las Médulas, Tây Ban Nha
Vách núi và Cửa đường hầm Encantada, nhìn từ trong ra; Vùng chính của Mỏ vàng Las Médulas, Tây Ban Nha
Cửa đường hầm Reirigo, nhìn từ trong ra; Vùng chính của Mỏ vàng Las Médulas, Tây Ban Nha
Cửa đường hầm Reirigo, nhìn từ bên ngoài; Vùng chính của Mỏ vàng Las Médulas, Tây Ban Nha
Đường hầm dẫn nước bên trong Reirigo; Vùng chính của Mỏ vàng Las Médulas, Tây Ban Nha
Các vách và tháp núi nhân tạo Pedrices, Vùng chính của Mỏ vàng Las Médulas, Tây Ban Nha
Xung quanh Las Médulas có một số hồ, là nơi cấp nước và trữ các bùn khoáng sản sau phá núi:
Hồ Carucedo (Lago de Carucedo): Nằm tại phía bắc của Las Médulas (nằm ngoài Khu vực Di sản). Hồ được hình thành do việc khai thác mỏ vàng. Hồ có chu vi 5km; diện tích 56,5 ha; độ sâu tối đa 9m.
Hồ Somido hoặc Sumido (Lago Somido): Nằm tại phía tây của Las Médulas. Đây là hồ liên quan đến việc chứa nước và bùn sau khi phá núi. Hồ có hình thon dài; trước kia là kênh rửa quặng.
Tại đây người ta đã khai quật được tàn tích của một khu vực luyện kim (vàng).
Hồ Carucedo, phía bắc Vùng chính của Mỏ vàng Las Médulas, Tây Ban Nha
Hồ Somido, phía bắc Vùng chính của Mỏ vàng Las Médulas, Tây Ban Nha
Vùng Estéiles de la Balouta
Vùng Estéiles de la Balouta nằm tại phía tây Khu vực Di sản (N42 26 51.10 W6 48 45.20) có diện tích 203,6 ha.
Balouta nằm ở cửa một hẻm núi hẹp, trong một thung lũng cách Las Médulas 2,5km về phía tây.
Hiện tại đây cũng có một điểm dân cư sinh sống với khoảng 5 – 6 ngôi nhà.
Tại đây có hang Palomera còn gọi là hang Palombera hay Palombeira (Cueva de la Palombeira), một đường hầm được người La Mã đào trong núi để dẫn nước phá núi và vận chuyển bùn quặng ra khỏi mỏ.
Vách núi và mảng thực vật Địa Trung Hải tại Palomera, Balouta, Las Médulas, Tây Ban Nha
Cổng và bên trong hang Palomera, Balouta, Las Médulas, Tây Ban Nha
Nhà cư dân tại Balouta, Las Médulas, Tây Ban Nha
Vùng Estéiles de Valdebría
Vùng Estéiles de Valdebría nằm tại phía tây nam Khu vực Di sản (N42 25 44.4 W6 47 56.4) có diện tích 48,3 ha. Đây là thung lũng Valdebría (Arroyo de Valdebría), một thung lũng hẹp, chạy chếch theo hướng đông bắc – tây nam. Xưa kia đây là nơi chứa bùn quặng sau khi phá núi.
Phối cảnh tổng thể thung lũng Valdebría, Tây Ban Nha
Vùng Estéiles de Yeres
Vùng Estéiles de Yeres nằm tại phia nam Khu vực Di sản (N42 25 43.70 W6 46 34.10) có diện tích 77,1 ha.
Đây là thung lũng Reberdelo (Arroyo de Reberdelo), nằm giữa hai dãy núi, chạy theo hướng bắc nam. Thung lũng đổ vào sông Cabreira (Rio Cabreira). Sông dài 63,3km.
Vào thời La Mã, nước của các nhánh chính của bờ trái sông bị chiếm giữ để cung cấp nước phá núi và rửa quặng cho Mỏ vàng Las Médulas.
Phối cảnh tổng thể thung lũng Yeres, Tây Ban Nha
Di sản Khu Khảo cổ Las Médulas, Cộng đồng tự trị Castile và León, Tây Ban Nha là ví dụ tiêu biểu nhất cho tất cả các khu vực khai thác mỏ vàng bằng thủy lực của thế giới Hy Lạp-La Mã trong thời Cổ điển.
Di sản vẫn đang tiếp tục được khám phá.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://whc.unesco.org/en/list/803/
https://en.wikipedia.org/wiki/Spain
https://en.wikipedia.org/wiki/Las_M%C3%A9dulas
https://es.wikipedia.org/wiki/Lago_de_Carucedo
https://es.wikipedia.org/wiki/La_Balouta
https://gl.wikipedia.org/wiki/R%C3%ADo_Cabreira
https://es.wikipedia.org/wiki/Canales_romanos_de_Las_M%C3%A9dulas
https://porsolea.com/las-medulas-parques-y-reservas-naturales/
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|