Thông tin chung:
Công trình: Trung tâm lịch sử Siena (Historic Centre of Siena)
Địa điểm: Thành phố Siena, Vùng Tuscany, Italia (N43 19 7 E11 19 54)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 170ha; Vùng đệm 9907ha.
Năm hình thành:
Giá trị: Di sản thế giới (năm 1995; hạng mục i, ii, iv)
Ý (Italia) là một quốc gia bao gồm một bán đảo được giới hạn bởi dãy Alps và một số hòn đảo xung quanh.
Ý nằm ở trung tâm Nam Âu và được coi là một phần của Tây Âu, có chung biên giới trên bộ với Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Slovenia và các khu vực bao quanh của Thành phố Vatican và San Marino. Ý còn có vùng lãnh thổ ở Campione, Thụy Sĩ và Lampedusa (vùng biển Tunisia).
Quốc gia này có diện tích 301.340 km2, dân số 60,317 triệu người (năm 2020), thủ đô là Rome.
Do vị trí địa lý trung tâm ở Nam Âu và Địa Trung Hải, Ý là nơi sinh sống của vô số dân tộc và nền văn hóa.
Vào thời Cổ đại (năm 750 - 200 trước Công nguyên/TCN), đây là nơi cư trú chủ yếu của các dân tộc nói ngôn ngữ Ấn-Âu (Indo-European language, có nguồn gốc từ từ Tây và Nam Á - Âu), những người đã đặt tên cho bán đảo này.
Bắt đầu từ thời Cổ điển (thế kỷ 8 TCN - thế kỷ 6 sau Công nguyên, chủ yếu gồm nền văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại), người Phoenicia (tồn tại năm 2500 TCN – 539 TCN) và người Carthage (Đế chế Carthage, tồn tại năm 814 TCN – 146 TCN) đã thành lập các thuộc địa chủ yếu ở khu vực nội địa Ý.
Người Hy Lạp (Ancient Greece) đã thành lập các khu định cư Magna Graecia tại miền nam nước Ý, trong khi người Etruscans (tồn tại năm 900 TCN –27 TCN) và người Celt lần lượt sinh sống ở miền trung và miền bắc nước Ý.
Một bộ tộc người Ý, được gọi là người Latins (Italic tribe), đã thành lập Vương quốc La Mã (Roman Kingdom, tồn tại năm 753 TCN – 509 TCN) vào thế kỷ thứ 8 TCN, sau này trở thành nước Cộng hòa La Mã (Roman Republic, tồn tại năm 509 TCN – 27 TCN).
Cộng hoà La Mã ban đầu chinh phục và đồng hóa các nước láng giềng trên bán đảo Ý, cuối cùng mở rộng và chinh phục các vùng đất của Châu Âu, Bắc Phi và Châu Á.
Vào thế kỷ 1 TCN, Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN - 476 sau Công nguyên) nổi lên như một quyền lực thống trị khu vực Địa Trung Hải và trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị và tôn giáo hàng đầu, hình thành nền văn minh La Mã Cổ đại (Pax Romana), một giai đoạn hơn 200 năm phát triển của luật pháp, công nghệ, kinh tế nghệ thuật và văn học Ý.
Trong suốt thời kỳ Trung Cổ, Ý vẫn là quê hương của con người và Đế chế La Mã, mà di sản của nó về văn hóa, thể chế, Kitô giáo và tiếng Latinh lan truyền khắp toàn cầu.
Vào đầu thời kỳ Trung Cổ, Ý phải chịu đựng sự sụp đổ của Đế chế Tây La Mã (Western Roman Empire, tồn tại vào năm 395–476/480, với việc lãnh thổ bị phân chia thành các tiểu quốc) và các cuộc di dân của các bộ tộc Germanic, Huns, Slavs (Early Slavs) và Pannonian Avars.
Tại miền bắc và một phần miền trung nước Ý, vào thế kỷ 11, nhiều thị quốc (Italian City-states) và nước cộng hòa hàng hải (Maritime Republics) đã vươn lên thịnh vượng thông qua thương mại và ngân hàng, đặt nền móng cho chủ nghĩa tư bản hiện đại. Các thị quốc độc lập này đóng vai trò là trung tâm giao lưu thương mại chính của châu Âu với châu Á và Cận Đông, thường được hưởng một mức độ dân chủ cao hơn so với các quốc gia phong kiến trong các chế độ quân chủ đang thịnh hành khắp châu Âu thời bấy giờ.
Một phần miền trung nước Ý nằm dưới sự kiểm soát của các quốc gia Giáo hoàng (Papal States; thần quyền Nhà nước của Giáo hội).
Phần lớn miền nam nước Ý vẫn là chế độ phong kiến cho đến thế kỷ 19. Đây là kết quả của sự kế thừa nền văn minh của người Byzantine, Arab, Norman, Angevin, Aragonese và từ các cuộc chinh phục của các quốc gia bên ngoài.
Thời kỳ Phục hưng (Renaissance, một giai đoạn lịch sử châu Âu, chuyển đổi từ thời Trung cổ sang Hiện đại, vào thế kỷ 15, 16) bắt đầu ở Ý và lan sang phần còn lại của châu Âu, mang lại mối quan tâm mới về chủ nghĩa nhân văn, khoa học, văn học và nghệ thuật.
Nền văn hóa Ý phát triển mạnh mẽ, sản sinh ra các nhà khoa học, nghệ sĩ và tư tưởng nổi tiếng.
Trong thời Trung cổ, các nhà thám hiểm người Ý đã khám phá ra những tuyến đường mới đến Viễn Đông và Tân thế giới, mở ra Kỷ nguyên Khai sáng (Age of Discovery) của Châu Âu.
Sau nhiều thế kỷ can thiệp và chinh phục từ bên ngoài cùng với sự cạnh tranh giữa các thị quốc nội bộ, nước Ý bị chia rẽ về mặt chính trị, tiếp tục bị chinh phục và phân chia bởi nhiều cường quốc châu Âu.
Vào giữa thế kỷ 19, chủ nghĩa dân tộc của Ý đã trỗi dậy.
Sau nhiều thế kỷ bị ngoại bang thống trị và chia rẽ, Ý gần như hoàn toàn thống nhất vào năm 1861, cùng với việc thành lập Vương quốc Ý (Kingdom of Italy, tồn tại năm 1861–1946).
Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, miền bắc nước Ý nhanh chóng công nghiệp hóa, giúp quốc gia này trở thành một Đế quốc thuộc địa. Trong khi đó, tại miền nam nước Ý, phần lớn vẫn là cảnh nghèo đói. Sau Chiến tranh thế giới 2, Ý bãi bỏ chế độ quân chủ, thành lập chính thể cộng hòa dân chủ và trở thành một quốc gia phát triển.
Ý ngày nay được phân thành 20 khu vực (vùng) và 107 tỉnh, thành phố.

Bản đồ Italia và vị trí của thành phố Siena
Siena là thành phố thủ phủ của tỉnh Siena, vùng Tuscany, Ý. Thành phố có diện tích 11800 ha, dân số khoảng 54 ngàn người (2017), trên một địa hình tại cao độ 322m so với mực nước biển.
Thành phố có lịch sử gắn liền với các hoạt động thương mại và ngân hàng, từng là một trung tâm ngân hàng lớn cho đến thế kỷ 13 và 14.
Một số họa sĩ nổi tiếng thời Phục hưng đã sinh ra và làm việc tại Siena, trong số đó có Duccio di Buoninsegna (năm 1255/1260 đến 1318/1319, là một trong những họa sĩ người Ý vĩ đại nhất thời Trung cổ, người đã tạo ra phong cách hội họa của Trecento và Trường phái Sienese. Ông cũng đóng góp đáng kể cho phong cách Sienese Gothic); Ambrogio Lorenzetti (năm 1290 – 1348); Simone Martini (năm 1284- 1344, có ảnh hưởng đến phong cách Gothic quốc tế/International Gothic); Sassetta (Stefano di Giovanni di Consolo, năm 1392- 1450, là một nhân vật quan trọng của Trường phái Sienese).
Đại học Siena, ban đầu được gọi là Studium Senese, được thành lập vào năm 1240, là một trong những trường đại học lâu đời nhất còn hoạt động liên tục trên thế giới.
Siena là một trong những thành phố quan trọng nhất ở châu Âu thời Trung cổ. Trung tâm lịch sử của thành phố là nơi có một số tòa nhà từ thế kỷ 13 và 14. Thành phố nổi tiếng với ẩm thực, nghệ thuật, bảo tàng, cảnh quan đô thị thời Trung cổ và Palio (Palio di Siena), một cuộc đua ngựa được tổ chức hai lần một năm ở Quảng trường công cộng Piazza del Campo tại Trung tâm lịch sử Siena.
Siena có người định cư đầu tiên vào khoảng năm 900–400 TCN.
Siena không thịnh vượng dưới sự cai trị của La Mã (năm 27 TCN - 476 sau Công nguyên).
Vào thời Trung cổ, việc vùng đất bị chia thành nhiều khu vực tự trị đã dẫn đến thành lập Cộng hòa Siena (Republic of Siena), bao gồm thành phố Siena và lãnh thổ xung quanh ở Tuscany, miền trung nước Ý. Thị quốc này tồn tại hơn 400 năm, từ năm 1125 đến 1555. Trong thời gian này, Cộng hòa Siena dần mở rộng khắp miền nam Tuscany, trở thành một trong những cường quốc kinh tế lớn của thời Trung cổ và là một trong những trung tâm thương mại, tài chính và nghệ thuật quan trọng nhất ở Châu Âu.
Trong thời kỳ hoàng kim trước Cái chết đen (Black Death, diễn ra năm 1346- 1353, Đại dịch gây tử vong nhiều nhất được ghi nhận trong lịch sử loài người, gây ra cái chết của 75–200 triệu người), Siena là nơi sinh sống của 5 vạn người. Thành phố Siena trở thành một trung tâm kinh tế lớn và nằm trong số những thành phố quan trọng nhất ở châu Âu, đồng thời là đối thủ chính về kinh tế và nghệ thuật của thành phố láng giềng Florence.
Thành phố Siena gần như bị tiêu diện bởi Cái chết Đen (với khoảng nửa dân số đã chết). Nền kinh tế của nước Cộng hòa bị phá hủy và nhà nước nhanh chóng mất khỏi vị trí nổi bật ở Ý. Dòng tu Franciscan đã lên nắm quyền trong thành phố. Trong Chiến tranh Ý 1551–1559, Cộng hòa Siena bị đối thủ là Cộng hòa Florence thôn tính vào năm 1555.
Từ năm 1569- 1859, Siena thuộc Đại công quốc Tuscany (Grand Duchy of Tuscany, thay thế Cộng hòa Florence). Sau đó Đại công quốc Tuscany sát nhập vào Vương quốc Ý (Kingdom of Italy, tồn tại năm 1861–1946).
Hiện tại, Siena vẫn giữ lại một nền văn hóa lấy phường (contrada, cộng đồng) làm trung tâm, có từ thời Trung cổ. Mỗi phường (ban đầu có tới 59 phường, hiện còn 17 phường) được đại diện bởi một con vật hoặc linh vật, có ranh giới riêng và bản sắc riêng biệt. Ngày nay, sự ganh đua giữa các phường thông qua cuộc đua ngựa hàng năm Palio.
Trung tâm lịch sử của Siena là hiện thân của một thành phố thời Trung cổ. Trong lịch sử, cư dân của thành phố theo đuổi sự cạnh tranh với các thành phố lân cận Florence và Pisa ngay, trong cả trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.
Trong suốt nhiều thế kỷ, Siena vẫn giữ được vẻ ngoài Gothic có được từ thế kỷ 12 - 15. Trong thời kỳ này, các tác phẩm của Duccio di Buoninsegna, anh em nhà Lorenzetti và Simone Martini…đã có ảnh hưởng đến tiến trình của nghệ thuật Ý và rộng hơn là nghệ thuật châu Âu. Toàn bộ thành phố Siena được tạo ra như một tác phẩm nghệ thuật hòa quyện vào cảnh quan xung quanh.
Trung tâm lịch sử của Siena phát triển trên 3 ngọn đồi nối với nhau bằng 3 đường phố lớn tạo thành hình chữ Y và giao nhau trong một thung lũng, trở thành Quảng trường Campo (Piazza del Campo).
Trung tâm lịch sử của Siena rộng khoảng 170ha, được bao quanh bởi bức tường thành dài 7km.
Trên các tuyến tường thành này có các cổng bảo vệ. Tại các địa điểm chiến lược, cổng được xây dựng kiên cố, ví dụ như Cổng Camollia (Porta Camollia), nằm trên đường đến Florence (thị quốc đối địch).
Về phía tây, các bức tường ôm lấy Pháo đài Santa Barbara (Forte di Santa Barbara).
Bên trong bức tường thành, các tòa tháp, cung điện, nhà thờ và các công trình tôn giáo khác vẫn tồn tại. Các đài phun nước của thành phố hiện vẫn tiếp tục được cung cấp nước bởi một hệ thống đường hầm ban đầu rộng lớn.
Phong cách Gothic đặc biệt của Siena được minh họa bởi mái vòm tinh túy của những công trình nhà thờ, được du nhập vào từ phương Đông trong các cuộc Thập tự chinh. Ngay cả khi các tòa nhà được trùng tu lớn vào thế kỷ 17, 18 và 19, như Tòa thị chính (Palazzo Pubblico), Dinh thự Chigi-Saracini (Palazzo Chigi-Saracini) và Dinh thự Marsili (Palazzo Marsili), các yếu tố kiến trúc Gothic vẫn luôn được ưu tiên bảo tồn.
Thành phố là một kiệt tác của sự cống hiến và sáng tạo, trong đó các tòa nhà được thiết kế để phù hợp với cấu trúc đô thị được quy hoạch tổng thể và cũng để tạo thành một tổng thể với cảnh quan văn hóa xung quanh.
Trung tâm lịch sử của Siena, thành phố Siena, vùng Tuscany, Ý được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1995) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Thông qua các đặc điểm đô thị và kiến trúc, Trung tâm lịch sử của Siena là minh chứng cho tài năng sáng tạo của con người, thể hiện năng lực nghệ thuật và thẩm mỹ của con người dưới dạng vật chất.
Tiêu chí (ii): Nền văn minh nghệ thuật, đặc biệt là kiến trúc, hội họa, điêu khắc và quy hoạch đô thị đã có ảnh hưởng văn hóa rất mạnh mẽ không chỉ trên toàn bộ lãnh thổ của Cộng hòa Siena mà còn ở Ý và Châu Âu, đặc biệt vào giữa thế kỷ 13 và 17.
Tiêu chí (iv): Cấu trúc của thành phố và sự phát triển của nó, không bị gián đoạn qua nhiều thế kỷ, cùng với sự thống nhất trong thiết kế được bảo tồn, đã khiến Siena trở thành một trong những ví dụ quý giá nhất về đô thị thời Trung cổ và Phục hưng của Ý.

Phạm vi Di sản và Vùng đệm Trung tâm lịch sử Siena, Ý

Tổng mặt bằng Phạm vi Di sản Trung tâm lịch sử Siena, Ý

Sơ đồ vị trí các công trình chính tại Trung tâm lịch sử Siena, Ý
Các hạng mục công trình chính tại Di sản Trung tâm lịch sử của Siena, Tuscany, Ý gồm:
Thành, cổng thành và pháo đài
Tường và cổng thành
Thành cổ Siena có diện tích khoảng 170ha, nằm bên trong một bức tường thành kiên cố dài 7km.
Dọc theo tường thành có nhiều cổng. Trong đó có một cổng đặc biệt là Cổng Camollia.
Cổng Camollia (Porta Camollia) nằm tại phía bắc Trung tâm lịch sử Siena. Cổng gồm 3 vòm cổng. Vòm cổng hai bên nhỏ. Vòm cổng chính giữa to. Bên trong, phía trên của Vòm cổng chính có một bức phù điêu hình tròn bằng đá cẩm thạch với biểu tượng IHS Christogram của Công giáo La Mã. Bên ngoài, phía trên của Vòm cổng chính có tấm khiên huy hiệu gia tộc Medici.
Qua Qua nhiều thế kỷ, Cổng Camollia dẫn đến thị quốc Florence láng giềng này được bảo vệ cẩn mật nhất. Cổng ban đầu, được xây dựng vào thế kỷ 13, đã bị san bằng trong cuộc bao vây Siena năm 1555. Sau đó được xây dựng lại.

Một phần Bức tường thành bao quanh Trung tâm lịch sử Siena, Ý

Cổng Camollia, Trung tâm lịch sử Siena, Tuscany, Ý
Pháo đài Santa Barbara
Pháo đài Santa Barbara (Forte di Santa Barbara / Fortezza Medicea) nằm tại phía tây của Trung tâm lịch sử của Siena, kề liền sân vận động, được xây dựng bằng gạch và đá từ năm 1560- 1580, theo lệnh của Công tước xứ Florence Cosimo I de' Medici. Pháo đài nằm trên nền một pháo đài cũ của người Tây Ban Nha.
Pháo đài được phi quân sự hóa vào cuối thế kỷ 18, được chuyển đổi thành một khu vườn và là địa điểm sinh hoạt công cộng của người Sien.
Pháo đài gồm hai phần: Phần bên trong có mặt bằng hình chữ nhật, chạy dài theo hướng đông bắc – tây nam, kích thước 180m x 125m. Phần bên ngoài tại 4 góc là lũy thành dạng tam giác, tạo cho kích thước bên ngoài của Pháo đài 200m x 270m. Chu vi của Pháo đài khoảng 1500m.
Pháo đài có các bức tường bao quanh. Lối vào Pháo đài, từng được bảo vệ bằng cầu rút, nằm tại phía đông bắc.
Trên lũy thành tam giác có trang trí đầu sư tử.
Tại sân trung tâm của Pháo đài có một sân khấu và khán đài để tổ chức các buổi biểu diễn ngoài trời.

Phối cảnh tổng thể Pháo đài Santa Barbara, Siena, Ý

Lũy tam giác của Pháo đài Santa Barbara, Siena, Ý

Sân trong với khán đài của Pháo Santa Barbara, Siena, Ý
Quảng trường Campo
Quảng trường Campo (Piazza del Campo) nằm tại điểm giao của 3 trục đường chính, là không gian công cộng chính của Trung tâm lịch sử Siena và là một trong những quảng trường thời Trung cổ lớn nhất châu Âu.
Thành phố Siena có nhiều quảng trường. Song Quảng trường Campo có vai trò nổi bật, nổi tiếng trên toàn thế giới về vẻ đẹp và sự toàn vẹn về kiến trúc.
Quảng trường có hình vỏ sò. Bao xung quanh là các Tòa nhà công cộng (Palazzo Pubblico) và Tháp Mangia (Torre del Mangia), cũng như nhiều dinh thự (palazzi) khác nhau. Ở rìa phía tây bắc của Quảng trường là Đài phun nước Gaia (Fonte Gaia). Tại đây, hai lần một năm diễn ra các đua ngựa Palio di Siena.
Quảng trường được hình thành trên một khu chợ được thành lập trước thế kỷ 13.
Quảng trường được lát vào năm 1349, bằng gạch đỏ có hoa văn xương cá với 8 đường vạch bằng đá vôi, chia quảng trường thành 9 phần, tỏa ra từ miệng cống thoát nước trung tâm (gavinone) tại phía trước Dinh thự Pubblico.
9 phần này được coi là biểu tượng cho sự cai trị của The Nine (Noveschi, tổ chức ngân hàng), đã tạo ra thành phố và cai trị Siena ở đỉnh cao của thời kỳ huy hoàng thời Trung cổ, trong khoảng thời gian từ năm 1292-1355.
Hiện tại Quảng trường Campo vẫn là tâm điểm của đời sống công cộng của Thành phố Siena. Từ Quảng trường, tỏa ra 11 con đường của Thành phố.
Chạy dọc theo Quảng trường là các dinh thự (palazzi signorili), là nơi làm việc và ở của các gia đình quý tộc, thương nhân Sansedoni, Piccolomini và Saracini…Các công trình này có đường mái thống nhất, trái ngược với những ngôi nhà tháp (thể hiện sự đua tranh giữa các gia tộc) trước đó. Tại đây, không có tòa nhà nào nổi bật hơn tòa nhà nào. Tất cả được bố trí và sắp xếp đồng đều để mang lại vẻ đẹp lớn nhất cho thành phố. Tính đồng nhất này một phần được tạo bởi các viên gạch xây tường, được sản xuất theo tiêu chuẩn của địa phương.
Trên Quảng trường có Đài phun nước Gaia (Fonte Gaia/ Đài phun nước mang tên Niềm vui) được xây dựng vào năm 1419 như một điểm cuối của hệ thống ống dẫn nước đến trung tâm thành phố. Đài phun nước này thay thế một đài phun nước đã được xây dựng từ trước trên Quảng trường vào năm 1342. Đài phun nước có hình dạng của một hình hộp chữ nhật được trang trí ở ba mặt với các bức phù điêu Đức Mẹ Madonna và Đức chúa Hài đồng cùng các vị thánh thần liên quan đến những câu chuyện ngụ ngôn về Đức hạnh. Vòi nước phun ra từ miệng các con sói, thể hiện sự tích trong Thần thoại La Mã về Sói mẹ cho anh em sinh đôi Remus và Romulus bú (trở thành biểu tượng của thành phố Rome và người La Mã cổ đại).
Đài phun nước được làm bằng đá cẩm thạch trắng. Năm 1866, các bức phù điêu được thay thế bằng phiên bản mới.
Cấp nước cho Đài phun nước là hệ thống đường cống ngầm dẫn nước từ bể chứa trong Hệ thống thủy lực của thành phố cách xa 25km và cống ngầm thoát nước từ Đài phun nước ra các cánh đồng xung quanh.

Phối cảnh tổng thể nhìn từ phía nam Quảng trường Campo, Siena, Ý

Lễ hội đua ngựa tại Quảng trường Campo, Siena, Ý

Đài phun nước Gaia, Quảng trường Campo, Siena, Ý

Chi tiết trang trí tượng người và sói đá tại Đài phun nước, Quảng trường Campo, Siena, Ý
Tòa nhà công cộng
Tòa Thị chính
Tòa Thị chính (Palazzo Pubblico) nằm tại phía đông nam của Quảng trường Campo.
Palazzo Pubblico được xây dựng từ năm 1297 để làm trụ sở của chính phủ Cộng hòa Siena, bao gồm Thị trưởng (Podestà) và Hội đồng Chín người (Council of Nine), là các quan chức được bầu để thực hiện các chức năng hành pháp và tư pháp trong các vấn đề thế tục. Bên ngoài của công trình là một ví dụ tiêu biểu về kiến trúc thời Trung cổ của Ý với những ảnh hưởng của phong cách Gothic.
Tòa Thị chính có mặt bằng hình chữ L. Nhánh nhà nằm sát Quảng trường có bố cục tạo thành 3 khối như ôm lấy Quảng trường. Bên trong Tòa Thị chính có một sân trong.
Công trình cao 3 tầng và một khối mái. Diềm mái có các trang trí như lỗ châu mai.
Tầng trệt xây bằng đá, trong khi các tầng trên được làm bằng gạch.
Mặt tiền tầng 3 có một tấm đồng lớn hình tròn phẳng, bên trong có biểu tượng chữ Christogram (chữ lồng viết tắt tên của Chúa Giêsu Kitô), được đặt vào năm 1425.
Gần như mọi phòng chính trong Tòa Thị chính đều có những bức bích họa các chủ đề thế tục, khác với các bức bích họa phổ biến thời bấy giờ thiên về chủ đề tôn giáo.
Ngoài hình thức kiến trúc, Di tích Tòa Thị chính còn là một bảo tàng nghệ thuật quan trọng. Tại đây lưu giữ các bức bích họa của một số họa sĩ nổi tiếng người Ý, như Ambrogio Lorenzetti (năm 1290 – 1348), Simone Martini (năm 1248- 1344), Spinello Aretino (năm 1350 – 1410)...
Nổi tiếng nhất trong số các bức bích họa thế tục trong Dinh thự là: 3 tấm trong loạt tranh Câu chuyện ngụ ngôn về Chính phủ tốt và xấu (Allegory of Good and Bad Government), đặt tại Phòng Hội đồng (Sala dei Nove/ Salon of Nine), được vẽ bởi họa sĩ Ambrogio Lorenzetti vào năm 1338 – 1339; Bức tranh thờ Maestà tại Phòng Đại Hội đồng (Sala del Consiglio/Sala del Mappamondo) được vẽ bởi họa sĩ Simone Martini vào năm 1312 – 1315; Bức tranh Trận hải chiến Punta San Salvatore, được vẽ bởi họa sĩ của Spinello Aretino vào năm 1407- 1408.

Sơ đồ Mặt bằng tầng trệt Tòa Thị chính, Tháp Mangia và Nhà nguyện Quảng trường, Thành phố Siena, Ý

Phối cảnh mặt trước Tòa Thị chính thành phố Siena, Ý

Sân trong của Tòa Thị chính thành phố Siena, Ý

Bức tranh ngụ ngôn về Chính phủ tốt (trung tâm) và Chính phủ xấu (bên trái ảnh), Tòa Thị chính thành phố Siena, Ý

Bức tranh thờ Maestà, Tòa Thị chính thành phố Siena, Ý

Bức tranh Trận hải chiến Punta San Salvatore, Tòa Thị chính thành phố Siena, Ý
Tháp Mangia
Tháp Mangia (Torre del Mangia) được xây dựng từ năm 1338 đến 1348, nằm bên cạnh Tòa Thị chính, phía đông nam của Quảng trường Campo. Khi được xây dựng, công trình là một trong những tòa tháp thế tục cao nhất ở Ý thời Trung cổ với chiều cao 102m. Công trình hiện là tòa tháp cao thứ hai của Ý sau Tháp chuông Torrazzo (112 m) của Nhà thờ Cremona, Lambardy, Ý. Tòa tháp được xây dựng có cùng chiều cao với Nhà thờ Siena như một dấu hiệu cho thấy quan điểm rằng Nhà thờ và Nhà nước có quyền lực ngang nhau. Tháp được thiết kế bởi bởi Lippo Memmi (họa sĩ người Ý, năm 1291- 1356).
Các bức tường của Tháp dày khoảng 3m mỗi bên.
Theo chiều cao, Tháp Mangia được chia thành 5 phần:
Chân đế được xây dựng bằng đá cẩm thạch, là không gian nối liền với Tòa Thị chính;
Thân tháp cao được xây dựng bằng gạch đỏ; Trên bề mặt được trang bị đồng hồ vào năm 1360;
Khối nhô ra, được đỡ bằng các trụ xiên bằng đá. 4 trụ lớn tại 4 góc và 3 trụ nhỏ tại mỗi mặt;
Sân phía trên với hệ thống lang can bằng trụ đá, giống như lỗ châu mai;
Khối tháp chuông bằng đá cẩm thạch. Bên trong có 3 quả chuông.
Tòa tháp Mangia trở thành cảm hứng cho việc xây dựng nhiều tòa tháp chuông khác tại châu Âu và Hoa Kỳ.

Phối cảnh Tháp Mangia, Quảng trường Campo, Siena, Ý
Nhà nguyện Quảng trường
Nhà nguyện Quảng trường (Cappella di Piazza, hay một ngôi đền) nằm bên dưới Tháp Mangia, tựa lưng vào Tòa Thị chính.
Công trình được người Sienese dựng lên vào năm 1352 để cảm ơn Đức Trinh Nữ Maria vì đã cứu thành phố khỏi bệnh dịch Cái chết đen (Black Death) đã tấn công vào thành phố năm 1348.
Nhà nguyện là tòa nhà duy nhất có hình khối nhô hẳn ra Quảng trường.
Ban đầu Nhà nguyện xây dựng đơn sơ. Diện mạo hoành tráng của công trình với mái vòm thời Phục hưng và các tác phẩm điêu khắc chèn vào hốc giữa các cột được thực hiện vào năm 1376.
Trên bức tường phía sau Nhà nguyện hiện vẫn lưu giữ được bức bích họa từ thế kỷ 14.

Phối cảnh Nhà nguyện Quảng trường Campo, Siena, Ý
Dinh thự Salimbeni
Dinh thự Salimbeni (Palazzo Salimbeni) nằm tại phía bắc của Trung tâm lịch sử của Siena. Công trình nằm trên Quảng trường Salimbeni (Piazza Salimbeni), được xây dựng theo phong cách Gothic.
Tòa nhà gắn liền với một gia tộc buôn bán cổ xưa Salimbeni của Siena. Công trình hiện là trụ sở chính của Banca Monte dei Paschi di Siena, ngân hàng lâu đời nhất trên thế giới.
Dinh thự được xây dựng vào thế kỷ 14, cao 3 tầng, có thể nằm trên các cấu trúc có từ thế kỷ 12-13. Vào thế kỷ 19.
Công trình được tu sửa lại theo phong cách tân Gothic, lấy cảm hứng từ Tòa Thị chính của Siena với hình thức cửa sổ và diềm mái hình lỗ châu mai.

Phối cảnh tổng thể Dinh thự Salimbeni, Siena, Ý

Mặt tiền Dinh thự Salimbeni, Siena, Ý
Dinh thự Chigi-Saracini
Dinh thự Chigi-Saracini (Palazzo Chigi-Saracini) nằm tại phía tây nam Tòa Thị chính thành phố (Palazzo Pubblico), được xây dựng theo phong cách Gothic bởi gia tộc Marescotti vào thế kỷ 12. Sau đó Công trình chuyển qua nhiều chủ sở hữu. Chủ sở hữu cuối cùng của tòa nhà là Bá tước Guido Chigi-Saracini. Ông đã khôi phục lại bên ngoài và bên trong Dinh thự theo phong cách Gothic. Năm 1932, ông thành lập học viện âm nhạc Chigiana. Tòa nhà trở thành trụ sở của Nhạc viện Accademia Chigiana (Accademia Musicale Chigiana).
Tòa nhà có mặt tiền cong phù hợp với tuyến phố cong và nhỏ hẹp phía trước. Riêng Phòng hòa nhạc bên trong được cải tạo theo phong cách Rococo.
Công trình cao 2 tầng. Viền mái có các hàng lỗ châu mai, tạo cho công trình có hình thức như một pháo đài. Phía bắc của tòa nhà có một tháp như tháp canh. Phía đông là một sân trong.
Nhạc viện còn là nơi lưu giữ các tác phẩm âm nhạc và văn học với hơn 70.000 đầu mục, cũng như Bộ sưu tập Nghệ thuật Chigi Saracini và Bảo tàng Nhạc cụ.

Phối cảnh tổng thể Dinh thự Chigi-Saracini, Siena, Ý

Phối cảnh mặt tiền Dinh thự Chigi-Saracini, Siena, Ý

Phòng hòa nhạc tại Dinh thự Chigi-Saracini, Siena, Ý
Dinh thự Tolomei
Dinh thự Tolomei (Palazzo Tolomei) nằm tại phía bắc của Quảng trường Campo. Dinh thự là một trong những tòa nhà lâu đời nhất trong thành phố, được xây dựng từ năm 1270 đến 1275 bởi gia tộc Tolomei, trên tàn tích của một dinh thự cũ.
Dinh thự Tolomei được xây dựng theo phong cách Gothic, cao 3 tầng, bằng đá. Tầng trệt như một phần bệ với 3 cửa ra vào. Cửa chính giữa rộng. Cửa hai bên hẹp. Tại tầng 1 và 2, mỗi tầng có hàng 5 cửa sổ kép với vòm nhọn. Công trình được trùng tu vào những năm 1960, hiện là trụ sở của một ngân hàng (Banca CR Firenze).

Mặt tiền Dinh thự Tolomei, Siena, Ý
Dinh thự Piccolomini
Dinh thự Piccolomini (Palzzo Picolomini) nằm tại phía đông của Quảng trường Campo, được xây dựng từ năm 1460 – 1495 bởi gia tộc Piccolomini.
Tòa nhà có mặt bằng hình chữ U, phía sau là sân trong. Công trình cao 3 tầng được xây dựng theo phong cách Phục hưng gắn với sự sắp xếp có trật tự của hệ thống cửa và phân vị theo chiều đứng. Trên đỉnh mái là một diềm mái vươn rộng gắn với dãy cửa mái.
Tòa nhà được Ngân hàng Ý mua lại và tân trang vào năm 1884, hiện được sử dụng như một phòng trưng bày nghệ thuật đương đại và bảo tàng.

Phối cảnh mặt tiền Dinh thự Piccolomini, Siena, Ý
Bảo tàng Lịch sử Đại học Tổng hợp Siena
Bảo tàng Lịch sử Đại học Tổng hợp Siena (Museo storico dell'Università degli Studi di Siena) nằm tại phía đông của Quảng trường Campo, đối diện với Dinh thự Piccolomini.
Trường Đại học Tổng hợp Siena (University of Siena) là trường đại học lâu đời nhất và được tài trợ công đầu tiên ở Ý. Trường được thành lập vào năm 1240, hiện có khoảng 16 ngàn sinh viên (gần bằng 1/3 dân số thành phố). Năm 2012, trường bao gồm 14 khoa chia thành 4 lĩnh vực: Khoa học Y sinh và Y tế; Kinh tế, Luật và Khoa học Chính trị; Khoa học Thực nghiệm; Văn học, Lịch sử, Triết học và Nghệ thuật.
Bảo tàng Lịch sử Đại học Tổng hợp Siena là tòa nhà thuộc Đại học, được thành lập vào năm 1815, tại một nhà nguyện mang tên Palzzo del Rettorato. Tòa nhà cao 3 tầng, bao quanh một sân trong, được xây dựng vào đầu thế kỷ 18 trên cơ sở tái cấu trúc một tu viện cũ có từ thế kỷ 16.

Sân trong Bảo tàng Lịch sử Đại học Tổng hợp Siena, Ý
Nhà trưng bày Nghệ thuật Quốc gia
Nhà trưng bày Nghệ thuật Quốc gia (Pinacoteca Nazionale) nằm tại phía đông nam của Trung tâm lịch sử của Siena, gần Nhà thờ Sant Agostino. Đây là bảo tàng quốc gia quan trọng nhất trong thành phố, nơi lưu giữ một bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật của trường phái Sienese từ thế kỷ 13 – 17.
Hạt nhân ban đầu của Nhà trưng bày được hình thành từ thế kỷ 18, từ sự đóng góp của những học giả khai sáng của thành phố. Bộ sưu tập tiếp tục được mở rộng bởi sự quyên góp của những gia tộc giàu có trong thành phố.
Nhà trưng bày Nghệ thuật Quốc gia cao 3 tầng, được xây dựng từ thế kỷ 15 và trùng tu vào nửa sau thế kỷ 19.

Phối cảnh mặt tiền Nhà trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Siena, Ý
Bệnh viện Santa Maria dell Scala
Bệnh viện Santa Maria dell Scala (Ospedale di Santa Maria dell Scala) nằm tại phía nam của Nhà thờ lớn Siena, là một trong những bệnh viện lâu đời nhất và lớn nhất ở châu Âu.
Bệnh viện tồn tại từ thế kỷ 11, có thể lâu đời hơn. Ban đầu, Bệnh viện có vai trò hỗ trợ nơi ở và chữa bệnh cho người nghèo, chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi và là nơi đón các du khách hành hương. Việc quản lý Bệnh viện do các giáo sĩ của Nhà thờ lớn Siena.
Bệnh viện được thế tục hóa vào thế kỷ 15, được xây dựng lại vào năm 1467 – 1471, dưới quyền quản lý của thành phố. Bệnh viện duy trì hoạt động đến năm 1995, sau đó được thu hồi để thành lập bảo tàng, trở thành một trong những trung tâm văn hóa và bảo tàng quan trọng nhất của thành phố.
Mặt tiền Bệnh viện (Bảo tàng) được xây dựng bằng đá, cao 3 tầng. Tầng trệt có các cửa ra vào. Tầng 1 là dãy 10 cửa sổ nhỏ và một đồng hồ (được lắp đặt vào năm 1643) trang trí phía trên cửa ra vào. Tầng 2 là dãy 10 cửa sổ lớn. Hình thức cửa sổ theo phong cách Phục hưng. Tầng trệt công trình có nhiều không gian chức năng gồm:
Nhà nguyện Phụ nữ (Cappella delle Donne): Được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 14. Bên trong Nhà nguyện có nhiều bức bích họa theo các chủ đề về Kinh thánh;
Phòng Thánh tích (Sagrestia Vecchia): Là nơi chứa các di vật quý giá của Bệnh viện. Tại đây hiện lưu giữ các bức bích họa theo các chủ đề về Kinh thánh; tủ đựng Thánh tích…;
Nhà nguyện Đức Mẹ (Cappella della Madonna): Được hình thành vào năm 1680, là nơi lưu giữ các bức tranh lớn, bức bích họa theo các chủ đề về Kinh thánh. Ban thờ được xây dựng theo phong cách Baroque vào thế kỷ 15;
Nhà nguyện Santissima Annunziata (Chiesa della Santissima Annunziata): Tồn tại từ năm 1090, được xây dựng vào năm 1275 và hoàn toàn thay đổi vào nửa sau của thế kỷ 15.Nhà nguyện có Bàn thờ cao được xây dựng bằng đá cẩm thạch. Hai bên Ban thờ cao là hai ban thờ phụ được thêm vào đầu thế kỷ 18.

Phối cảnh tổng thể Bệnh viện Santa Maria dell Scala, Siena, Ý

Ban thờ tại Nhà nguyện Santissima Annunziata, Bệnh viện Santa Maria dell Scala, Siena, Ý
Nhà thờ
Thành phố có nhiều nhà thờ. Một trong số các nhà thờ chính gồm:
Nhà thờ lớn Siena
Nhà thờ lớn Siena (Duomo di Siena /Siena Cathedral) nằm tại phía tây của Quảng trường Campo, phía bắc của Quảng trường Duomo (Piazza del Duomo). Đây là một nhà thờ thời Trung cổ, là nhà thờ Đức Mẹ Công giáo La Mã (Roman Catholic Marian church) và hiện được dành riêng cho Lễ Đức Mẹ Lên Trời (Assumption of Mary); là tòa giám mục của Giáo phận Siena, và từ thế kỷ 15 là của Tổng giáo phận Siena, hiện là trụ sở của Tổng giáo phận Siena-Colle di Val d'Elsa-Montalcino.
Nhà thờ được thiết kế và hoàn thành từ năm 1215 đến 1263 trên địa điểm của một cấu trúc nhà thờ trước đó (thế kỷ thứ 9). Mái vòm được hoàn thành vào năm 1264. Phần thân chính của Nhà thờ được bổ sung vào năm 1339. Việc xây dựng chỉ tạm dừng vào giai đoạn Cái chết đen vào năm 1348. Công trình được tiếp tục hoàn thiện trong nhiều năm sau này và trở thành một trong những kiệt tác của kiến trúc Romanesque – Gothic của Ý.
Nhà thờ lớn Siena như một bảo tàng đặc biệt về nghệ thuật của Ý. Tại đây lưu giữ nhiều bức bích họa, điêu khắc có giá trị, miêu tả sự tích Kinh thánh và các sự kiện lịch sử. Ngoài ra tại đây cũng lưu giữ nhiều đồ đạc thánh tích có giá trị về tôn giáo, lịch sử và nghệ thuật.
Nhà thờ lớn Siena có quy mô lớn, nằm chếch theo hướng tây nam – đông bắc. Lối vào chính từ phía tây nam và đông nam, hướng ra Quảng trường Duomo (Piazza del Duomo).
Tòa nhà nằm trên một bệ nền cao so mặt sân Quảng trường Duomo, có chiều dài 89,4m, cao 77m.
Tại lối vào chính phía tây nam có bậc lên tại 3 mặt. Tại phía tây bắc cũng có bậc lên từ hai phía vào Nhà rửa tội (Baptistery).
Gian Hội trường (Atrium) được phân định bởi các khối trụ tường lớn tạo thành 3 nhịp nhà với 5 bước cột. Nhịp Gian giữa được ngăn cách với hai nhịp bên bằng các vòm hình bán nguyệt. Cuối phía đông nam của Gian Hội trường là Tháp chuông (Campanile). Tháp chuông có 6 quả chuông. Trong đó quả chuông cổ nhất được đúc vào năm 1149.
Gian Hợp xướng (Main Chor) được phân định bởi 6 cột lớn tạo thành hình lục giác và là không gian lớn nhất trong Quần thể. Gian Hợp xướng giao với Gian ngang (Transept) tạo thành khối nhà hình chữ thập (Crucero). Phủ lên trên điểm giao là một mái vòm hình lục giác khổng lồ với các hàng cột trang trí, tượng và một chiếc đèn lồng mạ vàng trên đỉnh vòm. Hai đầu của Gian ngang có hai Nhà nguyện (Chapel of John the Baptist; Chigi Chapel). Tại Gian Hợp xướng có Bục giảng (Pulpid), là một cấu trúc hình bát giác, được điêu khắc bởi Nicola Pisano (nhà điêu khắc người Ý, năm 1220/1225- 1248). Bục giảng được chạm khắc bằng đá cẩm thạch, gồm 9 cột trang trí (1 cột trung tâm và 8 cột tại các góc); 7 mảng lan can trang trí phù điêu với nội dung thuật lại sự tích Kinh thánh và 4 con sử tử mẹ và con tại phần bệ.
Gian Hậu đường hay Ban thờ (High Altar) nằm phía sau Gian Hợp xướng, được nhấn mạnh bởi 4 cột. Phía tây bắc của Gian Hậu đường Kho đồ lễ thánh (Sacristy).
Mặt tiền của Nhà thờ lớn Siena là một trong những mặt tiền nhà thờ hấp dẫn nhất ở Ý và chắc chắn là một trong những đặc điểm ấn tượng nhất ở Siena. Cả 4 mặt tiền tại 4 hướng đều khác biệt. Ấn tượng nhất là mặt tiền phía tây nam và cũng là lối vào chính của Nhà thờ. Mặt tiền tây nam, theo chiều cao, được phân thành 2 dải:
Dải dưới cùng được xây dựng theo phong cách Tuscan Romanesque, nhấn mạnh sự thống nhất theo chiều ngang của tất cả 4 mặt đứng (vệt phân vị màu đen) và phân chia theo chiều dọc của nhịp nhà. Tại đây có 3 cổng vào chính, phía dưới dạng vòm, phía trên dạng tam giác dạng đầu hồi nhà. Cửa vào nhịp giữa to hơn cửa vào nhịp bên và được làm bằng đồng thay thế cho cửa gỗ ban đầu;
Dải phía trên cũng là 3 tam giác dạng đầu hồi nhà. Tại hai nhịp bên là tam giác đầu hồi nhỏ. Tại nhịp giữa là một bức tường với một ô trống lớn hình tròn với một tam giác đầu hồi lớn ở phía trên. Cả 3 tam giác đầu hồi đều gây chú ý bởi bức bích họa bên ngoài nhà (thường được đặt bên trong nhà).
Tại hai góc tường của Mặt tiền phía tây là hai tháp trang trí với sự phong phú của các chi tiết tượng, phù điêu và chi tiết kiến trúc.
Mặt tiền được xây dựng bằng đá cẩm thạch (Marble Façade) trắng với sọc xen kẽ màu xanh đen và bổ sung các mảng đá cẩm thạch màu đỏ. Toàn bộ mặt tiền như một bức tường trang trí với các cột và chi tiết kiến trúc như cuộn lá trang trí (lá ô rô/Acanthus), tượng, phù điêu mô tả cảnh trong Kinh thánh, các nhân vật ngụ ngôn (người, động vật).
Mặt tiền của Nhà thờ lớn Siena là một minh chứng nổi bật về tay nghề bậc cao của các nghệ nhân người Sienese. Công việc được giám sát bởi Giovanni Pisano (kiến trúc sư, nhà điêu khắc, họa sĩ người Ý, năm 1250 – 1315) và có sự chỉ đạo tiếp sau của Giovanni di Cecco (kiến trúc sư và nhà điêu khắc người Ý).
Nội thất của Nhà thờ nổi bật bởi hiệu ứng hình ảnh của các sọc đá cẩm thạch đen và trắng trên tường và cột (Đen và trắng là màu của quốc huy của Siena). Bên trong Nhà thờ lưu giữ những chi tiết trang trí của nhiều thế hệ kiến trúc sư, nhà điêu khắc và họa sĩ nổi tiếng (được đặt tên cho các ô trang trí, ký hiệu trong hình vẽ từ 1 – 33).
Đầu của các cột tại các gian phía tây của Gian giữa được trang trí bằng các bức tượng bán thân và động vật trong chuyện ngụ ngôn. Mái vòm được trang trí màu xanh lam với những ngôi sao vàng, thay thế cho những bức bích họa trên trần nhà.
Cửa sổ tròn bằng kính màu trong Gian Hợp xướng được làm vào năm 1288. Đây là một trong những ví dụ sớm nhất còn lại của kính màu Ý. Tại Gian Hợp xướng có các hốc thờ. Bên trong đặt tượng bán thân của các vị thánh.
Bàn thờ cao làm bằng đá cẩm thạch được xây dựng vào năm 1532. Bàn thờ đặt một bình thờ khổng lồ bằng đồng và tượng các thiên thần. Các cây cột đặt nến của nhà thờ cũng được tạc dưới hình dạng của các thiên thần. Đằng sau Ban thờ là một bức tranh lớn Đức Mẹ lên trời của Bartolomeo Cesi (họa sĩ người Ý, năm 1556 – 1629) vẽ năm 1594.
Bục giảng đạo của Nhà thờ bằng đá cẩm thạch, được làm từ năm 1265- 1268 bởi nhiều nghệ sĩ.
Sàn của Nhà thờ được khảm bằng đá cẩm thạch, do nhiều nghệ nhân thực hiện, là một trong những sàn nhà thờ công phu nhất ở Ý. Công việc lát sàn được làm từ thế kỷ 14- 16 với sự đóng góp của khoảng 40 nghệ sĩ. Sàn bao gồm 56 tấm với các kích cỡ khác nhau, hình chữ nhật, lục giác hoặc hình thoi. Trang trí trên sàn là cảnh trong Kinh Cựu ước, câu chuyện ngụ ngôn, hiện hầu hết còn nguyên trạng.
Nhà thờ cũng là nơi đặt mộ của các vị giám mục nổi tiếng. Các lăng mộ bằng đá cẩm thạch được trang trí như một đài tưởng niệm với các bức tượng thánh thần.

Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ lớn Siena, Ý

Tổng mặt bằng Nhà thờ lớn Siena, Ý; góc bên trái ảnh là Quảng trường Campo


Phối cảnh phía tây nam, Nhà thờ lớn Siena, Ý

Phối cảnh phía tây bắc, Nhà thờ lớn Siena, Ý

Phần mở rộng chưa hoàn thành, Nhà thờ lớn Siena, Ý

Trang trí mặt tiền chính phía tây nam với bức bích họa, tượng, phù điêu và chi tiết kiến trúc, Nhà thờ lớn Siena, Ý

Phù điêu hình tượng người, động vật theo chuyện ngụ ngôn tại mặt tiền phía tây nam, Nhà thờ lớn Siena, Ý

Nội thất Ban thờ, Nhà thờ lớn Siena, Ý

Nội thất Gian ngang, Nhà thờ lớn Siena, Ý

Trang trí mái vòm, Nhà thờ lớn Siena, Ý

Bục giảng đạo, sàn trang trí, Nhà thờ lớn Siena, Ý

Cửa sổ kính màu với tranh kính “Bữa ăn tối cuối cùng (Last Supper) Nhà thờ lớn Siena, Ý
Bên dưới Gian Hợp xướng người ta đã phát hiện (vào năm 1999) tàn tích một Hiên (Narthex) chứa những bức bích họa quan trọng vào cuối thế kỷ 13, mô tả những cảnh trong Cựu Ước và cuộc đời của Chúa Kitô. Đây là một phần lối vào của một nhà thờ trước đó.
Phía đông nam của Nhà thờ lớn Sienalà một dãy nhà chưa hoàn thành khi mở rộng Nhà thờ. Hiện được sử dụng làm Bảo tàng của Nhà thờ (Cathedral Museum).
Tại mặt phía tây bắc của Gian Hội trường có Thư viện Picocolomini (Picocolomini Library), là một phòng với không gian rộng. Thư viện có các mái vòm, được trang trí bằng các bức chạm khắc tinh xảo. Bên trong Thư viện có tượng đài bằng đá cẩm thạch và bức bích họa trang trí trên các bức tường, được thực hiện bởi Pinturicchio (họa sĩ người Ý, năm 1454 – 1513) và các họa sĩ, nhà điêu khắc khác. Thư viện Piccolomini là nơi lưu giữ các cuốn sách, bộ sưu tập bản thảo, các bức bích họa và tượng của Ý có từ thế kỷ 16.

Trần Thư viện Picocolomini, Nhà thờ lớn Siena, Ý
Đầu phía tây bắc Gian ngang của Nhà thờ lớn Siena là Nhà nguyện John the Baptist (Chapel of John the Baptist). Nhà nguyện là nơi lưu giữ nhiều đồ trang trí phong phú Thời kỳ Phục hưng, nổi bật là bức tượng đồng Thánh John the Baptist nằm chính giữa và các bức bích họa được thực hiện vào năm 1504- 1505.

Bên trong Nhà nguyện John the Baptist, Nhà thờ lớn Siena, Ý
Đầu phía đông nam Gian ngang của Nhà thờ lớn Siena là Nhà nguyện Chigi (Chigi Chapel), được xây dựng vào thế kỷ 17 thay thế một nhà nguyện cũ thế kỷ 15. Nhà nguyện là nơi lưu giữ những đồ trang trí phong phú như cột đá cẩm thạch, các tác phẩm điêu khắc, bích họa có từ thế kỷ 16,17.

Bên trong Nhà nguyện Chigi, Nhà thờ lớn Siena, Ý
Nhà thờ San Domenico
Nhà thờ San Domenico (Basilica of San Domenico/ Basilica Cateriniana) nằm tại phía tây Trung tâm lịch sử của Siena, phía nam Sân vận động. Nhà thờ còn được gọi là Vương cung thánh đường Cateriniana, một trong những nhà thờ quan trọng nhất của Siena.
Nhà thờ được khởi công vào năm 1226–1265, nhưng đã được mở rộng vào thế kỷ 14 theo theo kiến trúc Gothic như hiện nay. Tuy nhiên, nhiều chi tiết kiến trúc Gothic đã bị phá hủy bởi các trận hỏa hoạn vào năm 1443, 1456 và 1531 và thiệt hại thêm sau đó do sự chiếm đóng của quân đội (năm 1548–1552).
Quần thể Nhà thờ San Domenico nằm trên một gò núi với sườn núi dốc tại phía tây với nhiều hạng mục công trình, chia thành hai khối chính. Khối Nhà thờ nằm tại phía đông bắc và Khối Tu viện nằm tại phía tây nam. Cả hai khối cùng chung một sân trong.
Nhà thờ có bố cục theo hướng tây bắc – đông nam. Lối vào chính từ phía tây, hướng ra Quảng trường San Domenico (Piazza San Domenico).
Nhà thờ có mặt bằng hình thánh giá. Đầu hồi phía tây bắc của Nhà thờ không có lối vào mà bố trí Nhà nguyện (Vault Chapel, hình vẽ ký hiệu 1) với lối vào từ phía Tu viện.
Gian Hội trường (Atrium) có 1 nhịp nhà với 6 bước gian. Phía tây nam của Gian Hội trường có Nhà nguyện Thánh Catherine của Siena (Chapel of Saint Catherine of Siena, hình vẽ ký hiệu 7) và Phòng để đồ Thánh lễ (Sacristy, hình vẽ ký hiệu 10). Dọc theo hai bên của Gian Hội trường là các ban thờ với những bức tranh tường miêu tả sự tích Kinh thánh (hình vẽ ký hiệu 4 - 6, 8 - 9, 17 – 21).
Gian Hợp xướng (Main Chor) giao với Gian ngang (Transept) tạo thành khối nhà hình chữ thập (Crucero). Đầu phía đông bắc của Gian ngang là tháp chuông với mặt bằng hình vuông và đỉnh là các đoạn tường dạng lỗ châu mai.
Gian Hậu đường (Apse): Nằm phía sau Gian Hợp xướng, phân cách bởi dãy bậc. Đây là nơi giảng đạo của linh mục và vị trí đặt Ban thờ (High Altar). Phía sau Ban thờ là 5 Nhà nguyện (hình vẽ ký hiệu 12- 16). Bên trong Nhà nguyện có các bức bích họa mô tả các sự tích trong Kinh thánh.
Khối Tu viện nằm tại phía tây nam của Nhà thờ với các tòa nhà 2 tầng bao quanh Sân trong.

Tổng mặt bằng Quần thể Nhà thờ San Domenico, Siena, Ý

Phối cảnh Quần thể Nhà thờ San Domenico, Siena, Ý

Sơ đồ mặt bằng Khối Nhà thờ San Domenico, Siena, Ý

Mặt đứng đông nam Nhà thờ San Domenico, Siena, Ý

Gian Hội trường của Nhà thờ Domenico, Siena, Ý

Bên trong Nhà nguyện Thánh Catherine, Nhà thờ Domenico, Siena, Ý

Sân trong của Khối Tu viện, Quần thể Nhà thờ San Domenico, Siena, Ý
Nhà thờ San Francesco
Nhà thờ San Francesco (Basilica of San Francesco) nằm tại phía đông bắc Trung tâm lịch sử của Siena, sát với Bức tường thành bảo vệ thành phố tại phía đông.
Vương cung thánh đường San Francesco được dựng từ năm 1228-1255 và sau đó được mở rộng vào thế kỷ 14-15. Tòa nhà theo kiến trúc La Mã ban đầu được biến thành tòa nhà theo phong cách Tân Gothic hiện nay. Công trình bị hỏa hoạn năm 1655 và được trùng tu lại. Lần trùng tu lớn vào năm 1885- 1892.
Quần thể Nhà thờ San Francesco với nhiều hạng mục công trình, chia thành hai khối chính. Khối Nhà thờ nằm tại phía bắc và Khối Tu viện nằm tại phía tây nam. Cả hai khối cùng chung một sân trong. Khối Tu viện còn có thêm 2 sân trong.
Nhà thờ có bố cục theo hướng tây nam – đông bắc. Lối vào chính từ phía tây nam, hướng ra Quảng trường San Francesco (Piazza San Francesco).
Nhà thờ có mặt bằng hình thánh giá. Đầu hồi phía tây nam của Nhà thờ chỉ có một cửa chính ra vào. Phía trên cửa là mảng tường trang trí hình tam giác và một cửa sổ hình tròn. Trên bề mặt tường có các hốc tường, bên trong đặt tượng người và động vật.
Gian Hội trường (Atrium) có 1 nhịp nhà với 6 bước gian. Mỗi một bước gian đều bố trí một ban thờ với các bức tranh tường miêu tả sự tích Kinh thánh. Đầu phía đông nam của Gian Hội trường là một Tháp chuông được xây dựng vào năm 1763.
Gian Hợp xướng (Main Chor) giao với Gian ngang (Transept) tạo thành khối nhà hình chữ thập (Crucero).
Gian Hậu đường (Apse): Nằm phía sau Gian Hợp xướng, là nơi giảng đạo của linh mục và vị trí đặt Ban thờ (High Altar). Phía sau Ban thờ là 9 Nhà nguyện. Bên trong Nhà nguyện có các bức bích họa mô tả các sự tích trong Kinh thánh.
Khối Tu viện nằm tại phía tây nam của Nhà thờ với các tòa nhà 1 – 3 tầng bao quanh 3 Sân trong (1 sân trong chung với Nhà thờ và 2 sân trong riêng).

Tổng mặt bằng Quần thể Nhà thờ San Francesco, Siena, Ý

Phối cảnh Quần thể Nhà thờ San Francesco, Siena, Ý

Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ San Francesco, Siena, Ý

Mặt đứng tây nam Nhà thờ San Francesco, Siena, Ý

Gian Hội trường của Nhà thờ San Francesco, Siena, Ý

Sân trong của Khối Tu viện, Quần thể Nhà thờ San Francesco, Siena, Ý
Nhà thờ Sant Agostino
Nhà thờ Sant Agostino (Sant'Agostino) nằm tại phía nam Trung tâm lịch sử của Siena, trên một sườn núi với một bức tường thành bao quanh tại phía đông.
Quần thể Nhà thờ được bắt đầu xây dựng vào năm 1258, kéo dài hơn 50 năm. Các công trình khác được cải tạo và bổ sung trong các thế kỷ tiếp theo. Từ năm 1747 – 1755, nội thất của công trình được thiết kế lại. Các bức tượng bên trong Nhà thờ được hình thành vào đầu thế kỷ 19.
Quần thể Nhà thờ Sant Agostino với nhiều hạng mục công trình, chia thành hai khối chính. Khối Nhà thờ nằm tại phía bắc và Khối Tu viện nằm tại phía tây nam. Cả hai khối cùng chung một sân trong. Khối Tu viện còn có thêm 2 sân trong.
Nhà thờ có bố cục theo hướng tây nam – đông bắc. Lối vào chính từ phía tây nam và tây bắc, hướng ra Quảng trường Sant Agostino (Piazza Sant Agostino).
Nhà thờ có mặt bằng hình chữ thập.
Đầu hồi phía tây nam của Nhà thờ là Tiền phòng (Ante- Room), là lối vào cho cả Khối Nhà thờ và Tu viện. Tiền phòng được xây dựng theo phong cách Tân cổ điển. Phía tây nam của Tiền phòng chỉ có một cửa chính ra vào, không có trang trí. Lối vào Tiền phòng từ phía tây bắc, hướng ra phía Quảng trường Sant Agostino gồm 3 cửa. Cửa chính giữa có vòm tròn như cửa tại mảng tường phía tây nam. 2 cửa bên được trang trí bằng hàng hai cột.
Gian Hội trường (Atrium) có 1 nhịp nhà. Mỗi một bước gian đều bố trí một ban thờ với các bức tranh tường và tượng miêu tả sự tích Kinh thánh.
Nhà thờ không có Tháp chuông.
Gian Hợp xướng (Main Chor) giao với Gian ngang (Transept) tạo thành khối nhà hình chữ thập (Crucero). Trên đỉnh của giao giữa Gian Hợp xường và Gian ngang là một tháp nhỏ vươn lên khỏi mái. Mỗi đầu Gian ngang có hai Nhà nguyện (Chapel).
Gian Hậu đường (Apse): Nằm phía sau Gian Hợp xướng, là nơi giảng đạo của linh mục và vị trí đặt Ban thờ (High Altar). Phía sau Ban thờ là các Nhà nguyện. Bên trong Nhà nguyện có các bức bích họa và tượng mô tả các sự tích trong Kinh thánh.
Nhà thờ là nơi trưng bày một số lượng lớn các tác phẩm nghệ thuật miêu tả sự tích trong Kinh thánh.
Khối Tu viện nằm tại phía đông nam của Nhà thờ với các tòa nhà 1 – 3 tầng bao quanh 3 Sân trong (1 sân trong chung với Nhà thờ và 2 sân trong riêng).

Tổng mặt bằng Quần thể Nhà thờ Sant Agostino, Siena, Ý

Phối cảnh mặt phía đông nam Quần thể Nhà thờ Sant Agostino, Siena, Ý

Phối cảnh mặt phía đông bắc Quần thể Nhà thờ Sant Agostino, Siena, Ý

Hiên vào từ phía tây bắc Quần thể Nhà thờ Sant Agostino, Siena, Ý

Nội thất Nhà thờ Sant Agostino, Siena, Ý
Di sản Trung tâm lịch sử Siena là một trong những ví dụ quý giá nhất về thị trấn thời Trung cổ và Phục hưng của Ý, có ảnh hưởng đáng kể đến nghệ thuật, kiến trúc và quy hoạch đô thị và là một trong những thành phố quan trọng nhất châu Âu thời Trung cổ.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/717/
https://en.wikipedia.org/wiki/Italy
https://en.wikipedia.org/wiki/Siena
https://en.wikipedia.org/wiki/Porta_Camollia,_Siena
https://en.wikipedia.org/wiki/Contrade_of_Siena
https://en.wikipedia.org/wiki/Piazza_del_Campo
https://it.wikipedia.org/wiki/Cappella_di_Piazza
https://en.wikipedia.org/wiki/Fonte_Gaia
https://en.wikipedia.org/wiki/Palazzo_Pubblico
https://en.wikipedia.org/wiki/The_Allegory_of_Good_and_Bad_Government
https://en.wikipedia.org/wiki/Torre_del_Mangia
https://it.wikipedia.org/wiki/Fortezza_Medicea_(Siena)
https://en.wikipedia.org/wiki/Palazzo_Tolomei
https://en.wikipedia.org/wiki/Palazzo_Piccolomini,_Siena
https://en.wikipedia.org/wiki/University_of_Siena
https://en.wikipedia.org/wiki/Palazzo_Chigi-Saracini
https://it.wikipedia.org/wiki/Pinacoteca_nazionale_(Siena)
https://it.wikipedia.org/wiki/Complesso_museale_di_Santa_Maria_della_Scala
https://en.wikipedia.org/wiki/Siena_Cathedral
https://en.wikipedia.org/wiki/Siena_Cathedral_Pulpit
https://en.wikipedia.org/wiki/Basilica_of_San_Domenico,_Siena
https://en.wikipedia.org/wiki/Basilica_of_San_Francesco,_Siena
https://en.wikipedia.org/wiki/Sant%27Agostino,_Siena
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|