Thông tin chung:
Công trình: Nhà thờ tại Moldavia (Churches of Moldavia)
Địa điểm: Tỉnh Suceava, Romania (N47 46 42 E25 42 46)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: 8 Di sản
Năm thực hiện:
Giá trị: Di sản thế giới (1993; Sửa đổi ranh giới năm 2010; hạng mục i, iv)
Romania là một quốc gia nằm tại ngã tư của Trung Âu, Đông và Đông Nam Châu Âu; có chung biên giới đất liền với Bulgaria ở phía nam, Ukraine ở phía bắc, Hungary ở phía tây, Serbia ở phía tây nam, và Moldova ở phía đông; có cửa ra Biển Đen.
Romania có diện tích 238.397 km2; dân số 19,3 triệu người (năm 2020). Thủ đô và thành phố lớn nhất là Bucharest.
Romania được chia thành 41 tỉnh /hạt (counties) và thành phố Bucharest.
Vùng đất Romania ngày nay đã có những nhóm người khác nhau đến sinh sống từ thời Tiền sử.
Trong thời Cổ đại, vùng đất Romania nằm dưới quyền thống trị của Đế chế Hy Lạp, La Mã.
Vào thời Trung cổ, vùng đất Romania trải qua sự thống trị của người Goths (năm 230), người Huns (năm 276), người Gepids (năm 454), người Avars (năm 570), người Bulgars (năm 680), người Magyar (Hungary, tới đây vào năm 830)…Các nhà truyền giáo Byzantine (Byzantine Empire/Đông La Mã) và quân đội của họ đến đây vào năm 940; người Thổ Nhĩ Kỳ Oghuz vào năm 1060.
Vào đầu thế kỷ 13, tại đây đã xuất hiện các Cộng đồng Romania tự trị (Romanian district) phụ thuộc vào Vương quốc Hungary (Kingdom of Hungary, tồn tại năm 1000- 1950).
Người Mông Cổ tràn sang đây năm 1241- 1242.
Công quốc thứ nhất của người Romania là Wallachia (Principality of Wallachia, tồn tại năm 1330–1859), thời Lãnh chúa Basarab I (trị vì 1310/1324 – 1351/1352) đã thống nhất một số vùng đất Romania vào những năm 1310, đánh bại quân đội Vương quốc Hungary, giành độc lập cho Wallachia vào năm 1330.
Công quốc thứ hai của người Romania là Moldavia (Principality of Moldavia, tồn tại năm 1346–1859), đã đạt được quyền tự trị hoàn toàn dưới thời Lãnh chúa Bogdan I (trị vì năm 1359–1365; 1365–1367) vào khoảng năm 1360.
Đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ (Ottoman Empire, tồn tại năm 1299–1922) thống trị Romania sau năm 1388.
Thời đại sơ khai và sự thức tỉnh của dân tộc Romania bắt đầu khi Vương quốc Hungary suy yếu và người Ottoman chiếm một phần đất Banat và Crișana vào năm 1541. Xuất hiện Công quốc thứ ba của người Romania là Transylvania (Principality of Transylvania, tồn tại năm 1570–1711).
Năm 1600, ba Công quốc Wallachia, Moldavia và Transylvania được thống nhất lại dưới quyền của Mihai Viteazul (Michael the Brave/Michae Dũng cảm, lãnh chúa của Công quốc Wallachia từ năm 1593- 1600). Sự thống nhất chỉ kéo dài một năm sau đó. Michael the Brave bị quân của Đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ và Đế chế Hapsburg (Habsburg Monarchy, tồn tại năm 1282–1918) đánh bại. Song ông đã trở thành một trong những biểu tượng của sự thống nhất các vùng đất Romania vào thế kỷ 19.
Wallachia và Moldavia lại nằm dưới quyền thống trị của Đế chế OttomanThổ Nhĩ Kỳ còn Transylvania nằm dưới sự cai trị của Đế chế Habsburg.
Đế chế Habsburg sát nhập một phần đất của Romania vào năm 1775 và Đế quốc Nga (Russian Empire, tồn tại 1721–1917) chiếm một phần đất của Romania vào năm 1812.
Thời hiện đại của nhà nước Romania bắt đầu vào năm 1859 thông qua việc thành lập một Liên minh giữa Công quốc Moldavia và Wallachia mang tên Liên minh Danubian (Danubian Principalities). Liên minh này cùng với Công quốc Transylvania trở thành tiền đề cho việc thành lập Vương quốc Romania (Kingdom of Romania, tồn tại năm 1881–1947) và trở thành nhà nước Romania ngày nay.
Moldavia của Romania (Romanian Moldavia) là phần lịch sử và địa lý cốt lõi của Công quốc Moldavia cũ nằm ở phía đông và đông bắc Romania. Công quốc này tồn tại từ năm 1346–1859, sau đó hợp nhất với Công quốc Wallachia. Moldavia ngày nay bao gồm 8 tỉnh (counties), có diện tích 46173km2, dân số khoảng 4,2 triệu người (2011).
Bản đồ Romania và vị trí vùng Moldavia,
Bản đồ Moldavia, Transylvania và Wallachia (năm 1600) dưới quyền của Michael the Brave (năm 1558 – 1601), Hoàng tử xứ Wallachia, Moldavia và Transylvania. Ông được coi là một trong những anh hùng dân tộc vĩ đại nhất của Romania.
Phía bắc của vùng Moldavia ở Romania bảo tồn nhiều tòa nhà tôn giáo, như một bằng chứng về phong cách kiến trúc Moldavia được phát triển ở Công quốc Moldavia bắt đầu từ thế kỷ 14.
Công quốc Moldavia có nhiều nhà thờ, tồn tại độc lập hoặc thuộc một tu viện. Các nhà thờ này phần lớn theo một cấu trúc tương tự:
Về cấu trúc mặt bằng, gồm các không gian:
Khu vực lối vào (Exonarthex): Luôn hướng về phía Tây; đôi khi nó giống như một hàng hiên mở hoặc đóng kín bởi những bức tường; không gian này là sự chuyển tiếp giữa thế giới thế tục của giáo dân và không gian thiêng liêng của nhà thờ. Lối vào có thể từ phía tây, bắc và nam của Hiên.
Hội trường (Pronaos): Không gian để người dân tham dự nghi lễ.
Ban thờ (Naos), thường là khoảng trống giữa hai Nhà nguyện (Apse; tại vị trí Gian ngang trong các Nhà thờ La Mã) nằm tại hướng bắc và nam, là gian Hợp xướng (Choir), dành cho người tham gia phục vụ.
Trong một số Nhà thờ lớn và quan trọng, giữa Hội trường và Ban thờ có một không gian phụ trợ. Đây thường có cầu thang xuống lên tầng chứa báu vật hoặc xuống hầm mộ (Burial Chamber), nơi chôn cất người bảo trợ của nhà thờ, nhà cai trị hoặc quý tộc cao cấp.
Hậu đường (Chancel) luôn nằm tại phía Đông; căn phòng quan trọng nhất của nhà thờ, chỉ linh mục mới được vào.
Về cấu trúc xây dựng: Được xây dựng bằng đá thô và gạch. Tường gạch xây dày như tầng hầm.
Cửa được định hình bởi các khung cửa bằng đá.
Mái của Nhà thờ dạng mái diềm tròn, vươn rộng ra xung quanh, có hình tượng như một cái mũ. Kết cấu đỡ mái bằng gỗ. Mái ban đầu thường làm bằng ván lợp bằng gỗ phủ chì, sau đó được thay thế bằng ngói tráng men và màu.
Nhà thờ (độc lập hoặc trong Tu viện) được bao quanh bởi các bức tường kiên cố, để bảo vệ cả công trình và người dân gần đó trong thời điểm khó khăn.
Trong số các nhà thờ Chính thống giáo tại Công quốc Moldavia có 8 di tích đặc biệt nổi bật, được xây dựng từ cuối thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 16, nằm ở đô thị lịch sử Suceava thuộc tỉnh Suceava (Suceava County).
Suceava là thủ đô của Công quốc Moldavian vào cuối thời Trung cổ.
Tại Công quốc này, do cách xa các cuộc chinh phạt của người Ottoman, nên những người cai trị Moldova phát triển một phong cách kiến trúc địa phương, phong cách Moldavian, thể hiện rõ nét ở các bức tranh trang trí, không chỉ trong nội thất mà cả mặt bên ngoài nhà.
Những nhà thờ này với những bức bích họa bên ngoài là những kiệt tác lấy cảm hứng từ nghệ thuật Byzantine.
Tám nhà thờ phía bắc Moldavia này là duy nhất ở châu Âu. Chúng là xác thực và được bảo quản đặc biệt tốt.
Không chỉ đơn thuần là đồ trang trí trên tường, các bức tranh tạo thành một hệ thống bao phủ trên tất cả các mặt tiền và thể hiện một hệ thống hoàn chỉnh của các chủ đề tôn giáo. Bố cục đặc biệt của các bức tranh, sự sang trọng của các nhân vật và sự hài hòa của màu sắc hòa hợp hoàn hảo với cảnh quan vùng nông thôn xung quanh.
Những nhà thờ tại miền bắc Moldavia, Romania được UNESCO tôn vinh là Di sản thể giới (năm 1993) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Các bức tranh bên ngoài của các nhà thờ ở Bắc Moldavia bao phủ tất cả mặt tiền, là hiện thân của một hiện tượng nghệ thuật độc đáo và đồng nhất, lấy cảm hứng trực tiếp từ nghệ thuật Byzantine. Những bức tranh này là tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người trong nghệ thuật vẽ tranh tường, có giá trị thẩm mỹ nổi bật xét về sự hoàn hảo và sang trọng đáng chú ý của các hình vẽ. Các bức tranh trình bày một cách hệ thống các sự kiện lấy từ Kinh thánh, theo truyền thống Cơ đốc giáo Chính thống.
Tiêu chí (iv): Ý tưởng bao phủ mặt tiền bên ngoài của nhà thờ bằng các bức tranh là ví dụ nổi bật về một kiểu kiến trúc xây dựng và trang trí nhà thờ được áp dụng ở Moldavia, thể hiện bối cảnh văn hóa và tôn giáo của vùng Balkan từ cuối thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 16.
Bản đồ các tu viện lịch sử ở tỉnh Suceava, Moldavia, Romania; Di sản Thế giới được đánh dấu màu đỏ.
Di sản gồm 8 hạng mục công trình:
1. Nhà thờ Arbore
Nhà thờ Arbore (Arbore Church/ Biserica Arbore) còn gọi là Nhà thờ dành riêng cho Lễ chặt đầu của Thánh St John the Baptist (Beheading of St John the Baptist Church), thuộc Chính thống giáo (Romania Romanian Orthodox monastery church), nằm tại xã Arbore, tỉnh Suceava (N47 43 60,00 E25 55 60,00).
Di sản có diện tích 2,54ha, diện tích vùng đệm 28,59ha.
Chính thống giáo Đông phương (Eastern Orthodoxy), là một trong ba nhánh chính của Cơ đốc giáo (Chalcedonian Christianity), bên cạnh Công giáo (Catholic Church) và Tin lành (Protestantism).
Nhà thờ được xây dựng vào năm 1502 – 1504 bởi Luca Arbore (chính khách người Moldavia, mất năm 1523), được dành riêng cho Lễ tưởng niệm sự kiện Thánh John the Baptist bị chặt đầu (là một sự kiện trong Kinh thánh).
Nhà thờ Arbore rơi vào tình trạng hư hỏng trong thế kỷ 17 và 18; trải qua một loạt sửa chữa, củng cố và phục hồi một phần mà không làm thay đổi kiến trúc ban đầu.
Bắt đầu từ năm 2005, các nghi lễ tôn giáo không còn được tổ chức trong Nhà thờ, mà tổ chức tại hai nhà thờ khác tại lân cận (Nhà thờ "Sf. Treime", xây dựng năm 1912, và Nhà thờ "Sf. Gheorghe", xây dựng năm 2003-2010).
Năm 1867, tháp chuông cổng vào bằng đá được dựng lên ở phía tây bắc của nhà thờ. Tầng 1 là lối vào khuôn viên Nhà thờ. Tháp là một trong hai di tích chính của Di sản cùng Nhà thờ.
Tổng mặt bằng Di sản Nhà thờ Arbore, Suceava, Romania
Tháp chuông, cổng vào nhìn từ phía ngoài đường, Nhà thờ Arbore, Suceava, Romania
Nhà thờ Arbore bố cục theo hướng đông tây. Lối vào chính từ phía nam.
Công trình dài 22,0m, rộng 9,1m, cao 8,5m.
Bên trong Nhà thờ được chia thành 4 không gian: Hiên, Hội trường, Ban thờ và Hậu đường; Không có Phòng mộ.
Hiên mở phía tây (Exonarthex), ban đầu được sử dụng làm tháp chuông.
Gian Hội trường (Pronaos/Nave) có mặt bằng hình chữ nhật. Không gian có 2 cửa sổ tại phía tây và phía bắc; 1 cửa vào tại phía nam và 1 cửa thông với Ban thờ (Naos) và Hậu đường (Chancel). Gian Hội trường phân cách với Ban thờ và Hậu đường bằng một bức tường dày 1,6m. Bên trong Hội trường có hai hốc rỗng để trang trí. Phủ lên trên Gian Hội trường là một mái vòm thấp hình trụ (vòm thùng).
Ban thờ (Naos) có mặt bằng hình vuông, không có tháp mái, được thắp sáng bởi 2 cửa sổ phía bắc và nam.
Hậu đường (Chancel) có mặt bằng hình bán nguyệt với một cửa sổ tại phía đông.
Các bức tường phía trong được nối với nhau bằng các vòm bán nguyệt.
Mái của Nhà thờ dạng mái diềm tròn, vươn rộng ra xung quanh, có hình tượng như một cái mũ.
Nhà thờ Arbore cũng như hầu hết các nhà thờ tại Moldavia nổi tiếng với các bức bích họa khổng lồ tô điểm cả bên trong và bên ngoài. Các bức tranh tường được thực hiện ngay sau khi xây dựng.
Các bức tranh tường tại đây nổi bật cả trên hai nội dung tôn giáo và nghệ thuật:
Về chủ đề miêu tả: Các bích họa này như những bức thông điệp truyền tải nội dung chi tiết về các sự tích tôn giáo và sự kiện lịch sử của Công quốc, như một cuốn sách hình ảnh để mỗi người dân đến đây có thể cảm nhận được. Ví dụ như Bức tranh “Ngày tận thế” (Sự phán xét cuối cùng / Last Judgment); “Cuộc vây hãm Constantinople” (cuộc chiến tranh Byzantine-Ottoman/ Siege of Constantinople, năm 1422). Các vị tu sĩ đóng vai trò như người hướng dẫn giải thích nội dung của các bức tranh.
Về nghệ thuật: Các bức bích họa này đặc sắc cả về màu sắc và bố cục. Các bức bích họa được thể hiện trên nền màu xanh lá cây. Trên nền màu sắc này là 47 sắc độ kết hợp giữa màu đỏ, xanh dương, vàng, hồng và màu đất son, tạo màu sắc sống động, được cho là sự tổng hợp giữa các yếu tố phương Đông và phương Tây, hòa hợp với truyền thống. Công nghệ tạo ra các màu sắc này được các họa sĩ bậc thầy người Moldavia (Dragoș Coman) giữ kín. Hiện nay, người ta vẫn tiếp tục nghiên cứu khám phá công nghệ tạo lập sắc màu tự nhiên của bức tranh, liên quan đến việc sử dụng các loại khoáng chất làm màu.
Bên cạnh những bức bích họa bên trong và bên ngoài, Nhà thờ còn được trang trí bằng những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng như tranh tôn giáo, tác phẩm điêu khắc, sách và thảm thủ công truyền thống.
Nhà thờ Arbore được xây dựng làm nơi chôn cất (Burial Chamber) của chính khách Luca Arbore. Mộ của ông và gia đình cùng một số ngôi mộ khác đặt trong Hội trường.
Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ Arbore, Suceava, Romania
Phối cảnh phía nam Nhà thờ Arbore, Suceava, Romania; bên trái ảnh là Tháp chuông, cổng vào
Phối cảnh phía tây Nhà thờ Arbore, Suceava, Romania
Cửa ra vào phía nam Nhà thờ Arbore, Suceava, Romania
Tranh tường bên trong Nhà thờ Arbore, Suceava, Romania
Tranh tường bên ngoài tại đầu hồi phía tây Nhà thờ Arbore, Suceava, Romania
2. Nhà thờ Giả định của Đức Trinh Nữ tại Tu viện Humor
Nhà thờ Giả định của Đức Trinh Nữ (Assumption of the Virgin Church) tại Tu viện Humor (Monastery of Humor) cổ xưa, hay còn gọi là Nhà thờ Assumption (Church of the Assumption) nằm tại xã Mănăstirea Humorului, tỉnh Suceava, cách thị trấn Gura Humorului khoảng 5 km về phía Bắc (N47 35 38,00 E25 51 15,00).
Di sản có diện tích 4,27ha, diện tích vùng đệm 27,9ha.
Tu viện Humor (Humor Monastery) là tu viện của nữ tu dành riêng cho Dormition of Virgin Mary, hay Theotokos, thuộc Giáo hội Chính thống giáo Đông phương.
Tu viện được xây dựng trên nền của một tu viện trước đó có từ khoảng năm 1415.
Tu viện Humor bị đóng cửa vào năm 1786 và mãi đến năm 1990 mới được mở cửa trở lại.
Tu viện là một quần thể với nhiều hạng mục công trình. Hiện Di sản có 4 di tích chính:
Nhà thờ Giả định của Đức Trinh Nữ, được xây dựng vào năm 1530;
Tháp phòng thủ mang tên Hoàng tử Vasile Lupu (trị vì năm 1634- 1653) nằm tại phía đông bắc của Nhà thờ, là một phần của bức tường bao quanh Tu viện. Tháp có mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh rộng 8m, cao 4 tầng. Vào tháp qua cửa tại phía nam. Tháp có một cầu thang ngoài trời dẫn trực tiếp lên tầng 2. Mái tháp cao với độ dốc lớn;
Tháp chuông được xây dựng vào thế kỷ 19, nằm tại phía đông của Tu viện, được làm bằng gỗ, cao 2 tầng. Tầng 1 là lối vào Tu viện, tầng 2 là tháp chuông;
Tòa nhà Toader Bubuiog là nơi ở của các tu sĩ, được xây dựng cùng thời với Nhà thờ. Vào thế kỷ 18, tòa nhà hầu như bị hủy hoại hoàn toàn, hiện chỉ còn lại tàn tích.
Tổng mặt bằng Di sản Nhà thờ Giả định của Đức Trinh Nữ tại Tu viện Humor cổ, Suceava, Romania
Phối cảnh tổng thể Tu viện Humor, Suceava, Romania; bên phải ảnh là Tháp phòng thủ Vasile Lupu
Tháp chuông, cổng vào tại Tu viện Humor, Suceava, Romania
Nhà thờ Assumption (Nhà thờ Giả định) là công trình chính của Tu viện, được xây dựng bởi Toader Bubuiog (là một nhà hùng biện người Moldova, mất năm 1539).
Nhà thờ Assumption tại Tu viện Humor là một trong những nhà thờ có các bức bích họa cả bên trong và ngoài nhà đầu tiên tại Moldavia. Cùng với Nhà thờ St George (Church of St George) tại Tu viện Voronet (Voronet Monastery), công trình là một trong những Di sản được bảo tồn tốt nhất.
Nhà thờ Assumption có bố cục theo hướng đông tây. Lối vào chính từ phía tây.
Nhà thờ được chia thành 5 không gian: Hiên, Hội trường, Phòng mộ, Ban thờ và Hậu đường.
Hiên bán mở phía tây (Exonarthex) với hai lối vào từ phía bắc và nam.
Gian Hội trường (Pronaos/Nave) có mặt bằng hình chữ nhật. Có một cửa vào từ Hiên phía tây và 1 cửa thông với Ban thờ (Naos) tại phía đông. Hội trường ngăn cách với Hiên bằng một bức tường dày, có một mái vòm tròn phía trên. Mảng tường phía bắc và nam, mỗi tường có 1 cửa sổ.
Phòng mộ (Burial Chamber) là một không gian nhỏ phía sau Hội trường, cao 2 tầng. Đây là nơi chôn cất những người sáng lập Tu viện và một số chức sắc của Moldova thời trung cổ. Phủ bên trên Phòng mộ là một mái vòm thùng. Tại đây có một cầu thang xoắn dẫn tới tầng trên, là kho chứa báu vật của Tu viện.
Ban thờ (Naos) gồm 1 gian có dạng bán tròn tại phía bắc và nam, không có tháp mái, được thắp sáng bởi 2 cửa sổ tại phía bắc và nam.
Hậu đường (Chancel) nằm tại phía đông, có mặt bằng dạng bán tròn với một cửa sổ tại chính giữa.
Mái của Nhà thờ dạng mái diềm tròn, vươn rộng ra xung quanh, có hình tượng như một cái mũ.
Nhà thờ Assumption có các bức bích họa với màu chủ đạo là màu nâu đỏ. Họa sĩ bậc thầy chịu trách nhiệm về các bức bích họa của Tu viện, được vẽ vào năm 1535 là họa sĩ Toma đến từ Suceava (không rõ năm sinh, mất).
Chủ đề của các bức bích họa tại Nhà thờ Assumption tương tự như các nhà thờ khác trong khu vực Di sản gồm sự tích kinh thánh, sự kiện tiêu biểu của Công quốc như “Sự phán xét cuối cùng”, “Cuộc vây hãm Constantinople”…Ngoài ra, trên các bức tranh tường còn thể hiện nhiều hình ảnh của địa phương như: Động vật, nhạc cụ, các loại vũ khí hoặc trang phục vải của Moldova.
Những người sáng lập và một số chức sắc của Moldova thời trung cổ đã được chôn cất trong nhà thờ của Tu viện Humor. Những ngôi mộ này được đặt trong Phòng mộ.
Sơ đồ mặt bằng, mặt cắt Nhà thờ Giả định của Đức Trinh Nữ tại Tu viện Humor, Suceava, Romania
Phối cảnh phía đông nam Nhà thờ Giả định của Đức Trinh Nữ tại Tu viện Humor, Suceava, Romania
Phối cảnh phía tây bắc Nhà thờ Giả định của Đức Trinh Nữ tại Tu viện Humor, Suceava, Romania
Cổng vào Nhà thờ tại Hiên phía tây, được đóng khung bằng các đường gờ kiểu Gothic
Bên trong Phòng mộ với mộ của vị sáng lập Tu viện, Nhà thờ Giả định của Đức Trinh Nữ tại Tu viện Humor, Suceava, Romania
Tranh tường trang trí bên trong Nhà thờ Giả định của Đức Trinh Nữ tại Tu viện Humor, Suceava, Romania
Tranh tường bên ngoài Nhà thờ Giả định của Đức Trinh Nữ tại Tu viện Humor, Suceava, Romania
3. Nhà thờ Truyền tin tại Tu viện Moldovita
Nhà thờ Truyền tin (Annunciation Church) của Tu viện Moldovita (Monastery of Moldovita) nằm tại xã Vatra Moldoviței thuộc tỉnh Suceava (N47 40 39,00 E25 32 50,00).
Di sản có diện tích 4 ha, diện tích vùng đệm 44ha.
Tu viện như một quần thể pháo đài với các bức tường bao quanh, như một hàng rào bảo vệ Công quốc chống lại những kẻ chinh phục Ottoman theo đạo Hồi từ phương Đông.
Quần thể Tu viện gồm 6 di tích chính:
Nhà thờ Truyền tin (Annunciation Church/ Biserica Buna Vestire) xây dựng từ năm 1532;
Tường bao quanh với các tháp canh tại các góc, xây dựng thế kỷ 16- 17;
Tháp chuông cổng vào, xây dựng thế kỷ 16 – 17;
Nhà nguyện Mùa Đông, xây dựng từ năm 1610- 1612;
Nhà thờ Clisiarniță, xây dựng năm 1610 – 1612;
Tòa nhà Phương nam, xây dựng thế kỷ 19- 20.
Lối vào chính của Tu viện từ phía đông, xuyên qua phía dưới Tháp chuông.
Chính giữa sân trong của Tu viện là Nhà thờ truyền tin, phía bắc và phía nam là các dãy nhà của Tu viện.
Tổng mặt bằng Di sản Nhà thờ Truyền tin của Tu viện Moldovita, Suceava, Romania
Phối cảnh tổng thể Tu viện Moldovita, Suceava, Romania; Phía dưới ảnh là Tháp chuông cổng vào.
Một góc tường bao quanh với tháp canh Tu viện Moldovita, Suceava, Romania
Một di tích công trình bên trong Tu viện Moldovita, hiện sử dụng làm bảo tàng,
Nhà thờ Truyền tin được xây dựng bởi Hoàng tử Voievod Petru Rareş (trị vì Công quốc Moldavia năm 1527 – 1538; 1541- 1546).
Nhà thờ Assumption có bố cục theo hướng đông tây. Lối vào chính từ phía tây.
Tương tự như các Nhà thờ khác tại Moldova, Nhà thờ được chia thành 5 không gian: Hiên, Hội trường, Phòng mộ, Ban thờ và Hậu đường.
Hiên bán mở tại phía tây (Exonarthex) với 3 lối vào từ phía tây, bắc và nam.
Gian Hội trường (Pronaos/Nave) mặt bằng hình chữ nhật, có một cửa vào từ Hiên phía tây và 1 cửa thông với Ban thờ (Naos) tại phía đông. Hội trường ngăn cách với Hiên bằng một bức tường dày, có một mái vòm tròn phía trên. Mảng tường phía bắc và nam, mỗi mảng tường có 2 cửa sổ.
Phòng mộ (Burial Chamber), một không gian nhỏ phía sau Hội trường, cao 2 tầng. Phủ bên trên là một mái vòm thùng. Tại đây có một cầu thang xoắn dẫn tới tầng trên là kho chứa báu vật của Tu viện.
Ban thờ (Naos) gồm 1 gian, có dạng bán tròn tại phía bắc và nam, được thắp sáng bởi 2 cửa sổ tại phía bắc và nam. Phía trên Ban thờ có một tháp mái nhô cao. Hai bên của Ban thờ là 2 trụ tường lớn tại mỗi mặt bắc và mặt nam.
Hậu đường (Chancel) nằm tại phía đông, có mặt bằng dạng bán tròn với một cửa sổ tại chính giữa.
Kiến trúc của Nhà thờ là sự kết hợp các yếu tố của nghệ thuật Byzantine và Gothic, song có quy mô lớn hơn, xu hướng cao lên và thanh mảnh hơn so với các di tích khác trong Khu vực Di sản.
Mái của Nhà thờ, tương tự như các nhà thờ khác tại Moldavia, có dạng mái diềm tròn, vươn rộng ra xung quanh, có hình tượng như một cái mũ.
Nhà thờ được bảo tồn tốt và nổi tiếng với các bức bích họa được vẽ trên các bức tường bên ngoài.
Các bức bích họa của Moldovița được vẽ bởi Toma đến từ Suceava (không rõ năm sinh, mất) vào năm 1537.
Các bức bích họa tại đây, cùng với các bức bích họa tại Nhà thờ St George (Church of St George) của Tu viện Voronet là minh chứng đặc biệt của thời đại rực rỡ về tinh thần trong thời kỳ trị vì của Hoàng tử Petru Rareș.
Các bức bích họa có xu hướng nhân bản hóa các nhân vật thần thánh và sự xuất hiện những cảm xúc sâu sắc của con người trong nhiều cảnh của các sự tích tôn giáo.
Các bức bích họa có điểm nhấn màu vàng, xanh lam rực rỡ và được bảo quản tốt, mô tả các chủ đề thường lặp lại trong Nghệ thuật Chính thống Cơ đốc giáo như: “Sự phán xét cuối cùng” (bao phủ toàn bộ mặt tường phía tây), “Cuộc vây hãm Constantinople”…Ngoài ra, tại đây còn có các bức tranh miêu tả đời sống thường nhật của Hoàng gia.
Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ Truyền tin của Tu viện Moldovita, Suceava, Romania
Phối cảnh phía tây nam Nhà thờ Truyền tin của Tu viện Moldovita, Suceava, Romania
Phối cảnh phía đông nam Nhà thờ Truyền tin của Tu viện Moldovita, Suceava, Romania
Bích họa bên trong Nhà thờ Truyền tin của Tu viện Moldovita, Suceava, Romania
Bức bích họa mặt ngoài Nhà thờ Truyền tin của Tu viện Moldovita, Suceava, Romania
4. Nhà thờ Holy Rood
Nhà thờ Holy Rood (Holy Rood Church) nằm tại xã Patrauti thuộc tỉnh Suceava (N47 43 58,00 E26 11 41,00), có diện tích 0,67ha, diện tích vùng đệm 26,64ha.
Công trình được xây dựng bởi Ștefan cel Mare (Stephen Đại đế/ Stephen the Great, Hoàng tử của Công quốc Moldavia, trị vì năm 1457–1504).
Ban đầu đây là tu viện dành cho các nữ tu và sau đó bị bỏ hoang. Hiện chỉ còn lại Nhà thờ của tu viện, nay trở thành nhà thờ của giáo xứ.
Nhà thờ Holy Rood là một quần thể công trình có tường thấp bằng đá bao quanh, gồm 2 di tích chính:
Nhà thờ Holy Rood, nằm chính giữa khu đất, được xây dựng vào năm 1487;
Tháp chuông bằng gỗ, nằm tại phía bắc, được xây dựng từ năm 1725.
Tổng mặt bằng Di sản Nhà thờ Holy Rood, Suceava, Romania
Phối cảnh tổng thể Nhà thờ Holy Rood, Suceava, Romania; bên trái ảnh là Tháp chuông
Nhà thờ Holy Rood có quy mô nhỏ, bố cục theo hướng đông tây. Lối vào chính từ phía tây.
Nhà thờ có quy mô nhỏ, được chia thành 3 không gian: Hội trường, Ban thờ và Hậu đường; Không có Hiên và Phòng mộ.
Gian Hội trường (Pronaos/Nave) có mặt bằng hình chữ vuông. Có một cửa vào từ phía tây và 1 cửa thông với Ban thờ tại phía đông. Mảng tường phía bắc và nam, mỗi mảng tường có 1 cửa sổ. Tại đây có một số mộ, được chôn vào thế kỷ 16, 17.
Ban thờ (Naos) gồm 1 gian nằm giữa Hội trường và Hậu đường. Phía bắc và nam nhô ra một không gian dạng bán vòm. Giữa bán vòm là một cửa sổ. Phủ bên trên Ban thờ là một tòa tháp nhọn vươn cao. Phủ bên trên hai không gian bán vòm là mái vòm nhọn.
Hậu đường (Chancel) có dạng bán tròn tại phía đông. Hậu đường được thắp sáng bởi 1 cửa sổ tại phía đông. Phủ bên trên Hậu đường là một mái vòm tròn nhọn.
Cửa của Nhà thờ được định hình bởi các khung cửa bằng đá theo phong cách Gothics.
Mái của Nhà thờ, tương tự như các nhà thờ khác tại Moldavia, có dạng mái diềm tròn, vươn rộng ra xung quanh, có hình tượng như một cái mũ.
Các bức bích họa trong Nhà thờ được thực hiện ngay sau khi công việc xây dựng hoàn thành. Các bức bích họa miêu tả nhiều sự tích kinh thánh và những sự kiên tiêu biểu của Công quốc.
Các bức bích họa bên ngoài nhà chỉ được thực hiện tại bức tường phía tây, trong đó có bức tranh “Sự phán xét cuối cùng”.
Các bức bích họa bên trong nhà có chất lượng nghệ thuật cao và có từ thời Hoàng tử Stephen Đại đế (Stephen the Great). Các bức tranh miêu tả nhiều chủ đề khác nhau từ sự tích trong Kinh thánh như Bức tranh “ Phục sinh”, được cho là một trong những bức tranh tường lâu đời nhất ở Romania; đến các sự kiện lịch sử của Công quốc.
Các bức tranh có màu chủ đạo là vàng đất.
Hiện tại, các bức bích họa đã xuống cấp và đang được phục hồi.
Bên trong Nhà thờ Holy Rood còn lưu giữ được cuốn Kinh thánh in vào thế kỷ 18 và nhiều bản thảo, là bản sao chép các cuốn Kinh thánh.
Sơ đồ mặt bằng, mặt cắt Nhà thờ Holy Rood, Suceava, Romania
Phối cảnh phía đông nam Nhà thờ Holy Rood, Suceava, Romania; bên trái ảnh là Tháp chuông gỗ
Phối cảnh phía tây nam Nhà thờ Holy Rood, Suceava, Romania; bên trái ảnh là Tháp chuông
Vật liệu lợp mái Nhà thờ Holy Rood, Suceava, Romania
Trang trí tranh tường bên trong Nhà thờ Holy Rood, Suceava, Romania
Trang trí tranh tường tại Đầu hồi phía tây, Nhà thờ Holy Rood, Suceava, Romania
5. Nhà thờ St Nicholas tại Tu viện Probota
Nhà thờ St Nicholas (Church of St Nicholas) của Tu viện Probota (Monastery of Probota) nằm tại Dolhasca (N47 22 60,00 E27 30 0,00), là một thị trấn thuộc tỉnh Suceava. Di sản có diện tích 1ha, diện tích vùng đệm 28,54ha.
Tu viện là một quần thể pháo đài có mặt bằng hình vuông, kích thước 90m x90m với các bức tường bao quanh. Tu viện có hai cổng: Cổng chính tại phía đông và cổng phụ tại phía nam.
Quần thể Tu viện gồm 6 di tích chính:
Nhà thờ St Nicholas nằm chính giữa khu đất, được xây dựng vào năm 1530 bởi Hoàng tử Voievod Petru Rareş (trị vì Công quốc Moldavia năm 1527 – 1538; 1541- 1546);
Bức tường bao quanh, được xây dựng từ năm 1550 bằng đá, cao 6m, dày 1 – 1,1m;
2 Tháp canh với mặt bằng hình vuông tại góc đông bắc, tây nam và 1 Tháp cổng tại chính diện bức tường phía đông. Tháp có niên đại từ thế kỷ 16;
Tòa nhà mang tên Clsiarnița, là một Thiền viện nhỏ kết hợp với tháp chuông, được xây dựng từ năm 1530. Thiền viện cao 2 tầng. Mỗi tầng có 2 phòng. Tháp chuông cao 3 tầng, gắn vào phía đông của Thiền viện. Công trình được kết hợp là một tháp canh. Hiện tại, đây được sử dụng làm bảo tàng, nơi lưu giữ các đồ vật từ thế kỷ 15 – 18: biểu tượng, mảnh đồ nội thất, lễ phục nhà thờ, bình phụng vụ, nến bạc, thánh giá chạm khắc, sách Kinh thánh cũ, cũng như các hiện vật (tiền xu, đồ trang sức, bình gốm, gạch trang trí…) được phát hiện do kết quả nghiên cứu khảo cổ học;
Tàn tích Dinh thự Hoàng gia, được xây dựng từ năm 1530, bao gồm nhà ăn, nhà bếp, nhà cầu nguyện;
Tàn tích móng, tường (cao 100 – 140cm) của các tòa nhà khác, được xây dừng vào thế kỷ 15 – 16, bao gồm nhà bếp, tiệm bánh và nhà ăn của cộng đồng tu viện.
Tổng mặt bằng Di sản Nhà thờ St Nicholas, Tu viện Probota, Suceava, Romania
Phối cảnh tổng thể Tu viện Probota, Moldavia, Romania
Bức tường bao quanh, Tháp canh tại góc và Tháp cổng, Tu viện Probota, Suceava, Romania
Thiền viện Clsiarnița kết hợp với Tháp chuông, Tu viện Probota, Suceava, Romania
Nhà thờ St Nicholas có bố cục theo hướng đông tây. Lối vào chính từ phía tây. Tương tự như các Nhà thờ khác tại Moldova, Nhà thờ mặt bằng dài và hẹp, dài 36,2m, rộng 9,5m.
Bên trong Nhà thờ được chia thành 5 không gian: Hiên, Hội trường, Hầm mộ, Ban thờ và Hậu đường:
Hàng hiên đóng tại phía tây (Exonarthex) với hai lối vào từ phía bắc và nam. Hiên có 8 cửa sổ. 4 cửa tại bức tường phía tây, 2 cửa sổ tại bức tường phía bắc và 2 cửa sổ tại bức tường phía nam.
Gian Hội trường (Pronaos/Nave) có mặt bằng hình chữ nhật. Có một cửa vào từ Hiên phía tây và 1 cửa thông với Ban thờ (Naos) tại phía đông. Hội trường ngăn cách với Hiên bằng một bức tường dày. Hội trường có 2 mái vòm tròn phía trên. Mảng tường phía bắc và nam, mỗi mảng tường có 2 cửa sổ.
Phòng mộ (Burial Chamber), một không gian nhỏ phía sau Hội trường, mỗi mảng tường phía bắc và nam có 1 cửa sổ.
Ban thờ (Naos) gồm 1 gian có dạng bán tròn tại phía bắc và nam, được thắp sáng bởi 2 cửa sổ tại phía bắc và nam. Phía trên Ban thờ có một tháp mái nhô cao. Hai bên của Ban thờ là 2 trụ tường lớn tại mỗi mặt bắc và mặt nam.
Hậu đường (Chancel) nằm tại phía đông, có mặt bằng dạng bán tròn với một cửa sổ tại chính giữa.
Mái của Nhà thờ, tương tự như các nhà thờ khác tại Moldavia, có dạng mái diềm tròn, vươn rộng ra xung quanh, có hình tượng như một cái mũ.
Cửa sổ và cửa ra vào của Nhà thờ được định hình bởi các khung cửa bằng đá, được xây dựng lại vào cuối thế kỷ 18 và được trùng tu vào thế kỷ 20.
Bên trong và mặt ngoài Nhà thờ cũng như tại mặt ngoài Tháp cổng có các bức bích họa miêu tả sự tích Kinh thánh, những vị thánh và các nhân vật thuộc gia đình Hoàng tử Voievod Petru Rareş.
Sơ đồ mặt bằng, mặt cắt Nhà thờ St Nicholas, Tu viện Probota, Suceava, Romania
Sơ đồ cấu trúc xây dựng, trang trí Nhà thờ St Nicholas, Tu viện Probota, Suceava, Romania
Phối cảnh phía đông bắc Nhà thờ St Nicholas, Tu viện Probota, Suceava, Romania
Phối cảnh phía tây nam Nhà thờ St Nicholas, Tu viện Probota, Suceava, Romania
Bên trong Nhà thờ St Nicholas, Tu viện Probota, Suceava, Romania
Tranh tường bên trong Nhà thờ St Nicholas, Tu viện Probota, Suceava, Romania
Tranh tường tại mặt tiền phía nam Nhà thờ St Nicholas, Tu viện Probota, Suceava, Romania
6. Nhà thờ St George tại Suceava
Nhà thờ St George (Church of St George) nằm tại Tu viện Saint John the New (Saint John the New Monastery) là một tu viện Chính thống giáo Romania ở Suceava. Suceava, thị trấn tỉnh lỵ của tỉnh Suceava (N47 40 0,00 E26 16 60,00).
Di sản có diện tích 1,34ha, diện tích vùng đệm 4,84ha.
Tu viện dành riêng cho Thánh John the New of Suceava, một tu sĩ người Moldova, được thành lập vào năm 1402.
Năm 1775, Suceava và phần phía tây bắc của Công quốc Moldavia bị Đế chế Habsburg (Habsburg Monarchy, tồn tại năm 1282–1918) sáp nhập, song Tu viện vẫn nằm dưới sự quản lý của chính quyền Suceava, kinh đô của Công quốc. Tu viện được nâng cấp và xây dựng bổ sung trong thế kỷ 16- 19.
Từ năm 1898 – 1910, Tu viện được trùng tu toàn bộ.
Tu viện là một quần thể được bao quanh bởi những bức tường bằng đá, được xây dựng từ đầu. Bên trong bức tường có hốc đặt mộ của các chức sắc Moldavian. Những bức tường này đã bị dỡ bỏ và được thay thế bằng các bức tường thấp.
Quần thể Tu viện gồm 5 di tích chính:
Nhà thờ “St. Gheorghe", có niên đại từ 1514-1522;
Tháp chuông, được xây dựng vào năm 1589, nằm cạch tường bao và cũng là lối vào Tu viện. Tháp được xây bằng đá, mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh dài 11,8m. Tháp hiện tại cao 34m, gồm 2 tầng và 1 tháp nhỏ phía trên;
Nhà nguyện Clsiarnița, được xây dựng vào năm 1626 – 1629, nằm tại phía đông bắc Tu viện. Công trình có vai trò là nhà nguyện mùa đông (có hệ thống sưởi) và có quy mô nhỏ: dài 13,65m, rộng 6,15m, cao 5,2m;
Nhà của Trụ trì Tu viện, có niên đại thế kỷ 19, trước đó đây là một trường giáo sĩ hoạt động từ năm 1786, sau đó là Viện Thần học từ năm 1826;
Nhà ở của tu sĩ, có niên đại thế kỷ 19.
Tổng mặt bằng Di sản Nhà thờ St George, Suceava, Suceava, Romania.
Phối cảnh tổng thể Tu viện Saint John the New, Suceava, Suceava, Romania; Nhà thờ nằm chính giữa, phía trên ảnh là Tháp chuông; Bên trái ảnh là Nhà của Trụ trì Tu viện; Bên phải ảnh là Nhà ở của tu sĩ.
Tháp chuông và lối vào Tu viện Saint John the New, Suceava, Romania
Nhà nguyện Mùa Đông với các bức tranh tường trang trí bên ngoài, Tu viện Saint John the New, Suceava, Romania
Nhà thờ St George của Tu viện Saint John the New được xây dựng bởi Bogdan III (Bogdan III the One-Eyed, Hoàng tử Công quốc Moldavia, trị vì năm 1504 – 1517) và bởi Petru Rareș (Hoàng tử Công quốc Moldavia, trị vì năm 1527- 1538 và 1521- 1546).
Nhà thờ từng là nhà thờ chính tòa của Moldavian cho đến năm 1677 và kể từ năm 1991, đóng vai trò là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Suceava và Rădăuți. Nhà thờ dành riêng cho Thánh George.
Nhà thờ St George nằm tại trung tâm của Tu viện, có bố cục theo hướng đông tây.
Bên trong Nhà thờ được chia thành 4 không gian: Hiên, Hội trường, Ban thờ và Hậu đường.
Hiên đóng tại phía tây (Exonarthex) với 1 lối vào từ phía bắc, được bao quanh bởi những bức tường và 2 trụ tường xiên tại hai góc tây bắc và tây nam.
Gian Hội trường (Pronaos/Nave) có mặt bằng hình chữ nhật, có một cửa vào từ Hiên phía tây và 1 cửa thông với Ban thờ tại phía đông. Hội trường ngăn cách với Hiên bằng một bức tường dày. Mảng tường phía bắc và nam, mỗi mảng tường có 2 cửa sổ.
Nhà thờ không có Phòng mộ (Burial Chamber).
Ban thờ (Naos) gồm 1 gian, có dạng bán tròn tại phía bắc và nam, được thắp sáng bởi 2 cửa sổ tại phía bắc và nam. Phía trên Ban thờ có một tháp bát giác nhô cao với 4 cửa sổ tại 4 mặt. Phía nam của Ban thờ có một cửa ra vào nhô ra như một khối hiên. Hai bên của Ban thờ là 2 trụ tường lớn tại mỗi mặt bắc và mặt nam.
Cửa sổ của Nhà thờ theo phong cách Gothic với mái vòm nhọn, tròn và khung cửa bằng đá chạm khắc lõm.
Diềm mái của Nhà thờ, tại phía đông có dạng mái diềm tròn, vươn rộng ra xung quanh, hình tượng như một cái mũ. Trên mái của Nhà thờ sơn màu trang trí như trên tường.
Nhà thờ có những bức bích họa theo phong cách Byzantine được vẽ ở mặt tường bên trong và bên ngoài. Không rõ tên thợ thủ công thực hiện các bức tranh.
Những bức tranh bên trong được thực hiện từ năm 1517-1527, miêu tả các vị thánh được Nhà thờ Chính thống tôn vinh và những cảnh trong lịch sử của Cơ đốc giáo.
Bức tranh trên các bức tường bên ngoài được thực hiện vào năm 1534, dưới thời Hoàng tử Petru Rareș, tương tự như các bức tranh của Nhà thờ Giả định của Đức Trinh Nữ (Assumption of the Virgin Church) tại Tu viện Humor và Nhà thờ Truyền tin (Annunciation Church) tại Tu viện Moldovita.
Các bức tranh trong Nhà thờ hiện đang được trùng tu.
Ngoài các bức tranh tường, Nhà thờ còn lưu nhiều đồ vật có giá trị nghệ thuật như: Đồ dùng bằng bạc, cây thánh giá, tranh khắc gỗ và các biểu tượng tôn giáo...
Phối cảnh phía tây bắc Nhà thờ St George, Tu viện Saint John the New, Suceava, Romania
Phối cảnh phía nam Nhà thờ St George, Tu viện Saint John the New, Suceava, Romania
Tranh tường bên trong tại cửa Gothic vào Gian Hội trường, Nhà thờ St George, Tu viện Saint John the New, Suceava, Romania
Tranh tường bên ngoài tại đầu hồi phía tây, Nhà thờ St George, Tu viện Saint John the New, Suceava, Romania
7. Nhà thờ St George của Tu viện Voronet
Nhà thờ St George (Church of St George) của Tu viện Voronet (Voronet Monastery) nằm tại làng Voroneț, hiện là một phần của thị trấn Gura Humorului, tỉnh Suceava (N47 31 60,00 E25 52 0,00), có diện tích 3,27ha, diện tích vùng đệm 37,71ha.
Tu viện được xây dựng vào năm 1488 bởi Ștefan cel Mare (Stephen Đại đế/ Stephen the Great, Hoàng tử của Công quốc Moldavia, trị vì năm 1457–1504), chỉ trong 3 tháng 3 tuần, một kỷ lục về thời gian xây dựng thời bấy giờ.
Năm 1775, Suceava và phần phía tây bắc của Công quốc Moldavia bị Đế chế Habsburg (Habsburg Monarchy, tồn tại năm 1282–1918) sáp nhập, Tu viện giảm dần vai trò, số lượng tu sĩ giảm dần và chỉ còn hoạt động như một nhà thờ của giáo xứ cho đến ngày nay.
Tu viện là một quần thể pháo đài có mặt bằng hình vuông với các bức tường bao quanh. Lối vào chính từ phía bắc và đông.
Quần thể Tu viện có 4 di tích chính:
Nhà thờ St George, được xây dựng vào năm 1488, bổ sung mái hiên vào năm 1547, nằm tại chính giữa Tu viện;
Tường bao, có niên đại từ thế kỷ 15- 18, đang được đầu tư xây dựng lại;
Tháp chuông và cũng là cổng vào của Tu viện, có từ năm 1488, nằm tại giữa bức tường bao phía đông, tiếp giáp với khu vực nghĩa trang;
Nhà ở của tu sĩ, có niên đại thế kỷ 15 – 18, nằm tại phía nam Tu viện.
Các tòa nhà của tu viện được thiết kế theo phong cách Moldavian (với những bức bích họa bên ngoài lấy cảm hứng từ nghệ thuật Byzantine) và sự nhiều nét đặc trưng cho phong cách Gothic và Phục hưng đương đại, ví dụ như các vòm cửa sổ với các đường gờ trang trí theo phong cách Gothic rực rỡ (Flamboyant Gothic).
Tổng mặt bằng Di sản Nhà thờ St George, tại Tu viện Voronet, Suceava, Romania
Phối cảnh tổng thể Tu viện Voronet, Suceava, Romania; Nhà thờ St George nằm chính giữa; Tháp chuông và cổng chính tại bên trái, phía dưới ảnh; Nhà ở của tu sĩ bên trái ảnh.
Mặt trước Tháp chuông và cổng, Tu viện Voronet, Suceava, Romania
Nhà thờ St George của Tu viện Voronet có bố cục theo hướng đông tây. Lối vào chính từ phía tây.
Tương tự như các Nhà thờ khác tại Moldova, Nhà thờ mặt bằng dài và hẹp, được chia thành 4 không gian: Hiên, Hội trường, Ban thờ và Hậu đường; Không có Phòng mộ.
Hàng hiên đóng tại phía tây (Exonarthex) với hai lối vào từ phía bắc và nam. Trong Hiên hiện có một ngôi mộ.
Gian Hội trường (Pronaos/Nave) có mặt bằng hình chữ nhật. Có một cửa vào từ Hiên phía tây và 1 cửa thông với Ban thờ tại phía đông. Hội trường ngăn cách với Hiên bằng một bức tường dày, có 1 mái vòm tròn phía trên. Mảng tường phía bắc và nam, mỗi mảng tường có 1 cửa sổ.
Ban thờ (Naos) gồm 1 gian, có dạng bán tròn tại phía bắc và nam, được thắp sáng bởi 2 cửa sổ tại phía bắc và nam. Phía trên Ban thờ có một tháp mái nhô cao.
Hậu đường (Chancel) nằm tại phía đông, mặt bằng dạng bán tròn với một cửa sổ tại chính giữa. Trên đỉnh của Hậu đường là một tòa tháp mảnh vươn cao. Phía bắc và nam của Hậu đường có hai trụ tường lớn.
Nhà thờ St George là một trong số ít kiến trúc tôn giáo tại Moldavia còn giữ được phần lớn hình thức ban đầu.
Mái của Nhà thờ, tương tự như các nhà thờ khác tại Moldavia, có dạng mái diềm tròn, vươn rộng ra xung quanh, có hình tượng như một cái mũ.
Các bức tranh tường trong Nhà thờ chủ yếu có từ thời Stephen Đại đế (Stephen the Great), năm 1496.
Tại mặt tiền phía tây của Nhà thờ có bức tranh tường đặc biệt lớn, do mặt tường không có cửa sổ.
Các bức tranh tường trong Nhà thờ thể hiện các nhân vật tôn giáo, nhưng đồng thời cũng mô tả đời sống văn hóa của người Moldavia, trong âm nhạc, trang phục. Một trong bức tranh đẹp nhất tại đây là bức tranh “Phán xét cuối cùng” (Last Judgment) tại đầu hồi phía tây. Tranh có màu sắc rất tươi sáng, sống động trên nền xanh.
Sơ đồ mặt bằng, mặt đứng Nhà thờ St George, tại Tu viện Voronet, Suceava, Romania
Phối cảnh phía đông nam Nhà thờ St George, tại Tu viện Voronet, Suceava, Romania
Phối cảnh phía tây nam Nhà thờ St George, tại Tu viện Voronet, Suceava, Romania
Tranh tường trang trí bên trong Nhà thờ St George, tại Tu viện Voronet, Suceava, Romania
Bức tranh tường " Phán xét cuối cùng" tại đầu hồi phía tây Nhà thờ St George, tại Tu viện Voronet, Suceava, Romania
8. Nhà thờ Phục sinh của Tu viện Suceviţa
Nhà thờ Phục sinh (Church of the Resurrection) của Tu viện Suceviţa (Suceviţa Monastery) nằm gần sông Suceviţa, tại xã Suceviţa, thuộc tỉnh Suceava (N47 46 42,00 E25 42 46,00) có diện tích 1,4ha, diện tích vùng đệm 36,4ha.
Các tu viện kiên cố tại Molavia không chỉ có vai trò về tôn giáo mà còn là một địa điểm phòng thủ.
Quần thể Tu viện Suceviţa là nơi hoàng tử ở, nên có bố cục như một hoàng cung với 3 lớp vòng thành bao quanh. Lớp trong cùng được xây dựng kiên cố với mặt bằng gần như hình vuông 100m x 104m và được bảo vệ bởi những bức tường cao 6m. 4 phía là 4 tháp canh. Chính giữa tường phía bắc là tháp cổng.
Quần thể Tu viện Suceviţa gồm 5 di tích chính:
Nhà thờ Phục sinh, có niên đại năm 1581-1585, nằm tại trung tâm của vòng thành trong, giữa sân của Tu viện;
Tường bao, niên đại thế kỷ 16 và 17;
Tháp đông bắc và tây bắc, niên đại thế kỷ 16-17 và Tháp cổng tại phía bắc với cầu thang lên phòng thờ phía trên mang tên Bậc thang lên Thiên đường (Ladder of Virtues, 30 bậc thang, mỗi bậc tượng trưng cho một đức tính của người Cơ đốc giáo; biểu tượng cho cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác trong mỗi người);
Nhà ở của tu sĩ, niên đại từ thế kỷ 16, nằm dọc theo bức tường phía đông;
Nhà nguyện niên đại năm 1583-1586, nằm dọc theo bức tường phía đông.
Ngoài ra tại đây còn có di tích của các ngôi nhà Hoàng gia và hầm rượu.
Tổng mặt bằng Di sản Nhà thờ Phục sinh, tại Tu viện Suceviţa, Suceava, Romania
Phối cảnh tổng thể Tu viện Suceviţa, Suceava, Romania
Tường bao và tháp tại Tu viện Suceviţa, Suceava, Romania; từ trái sang phải: Tháp Đông Bắc; Tháp cổng và Tháp tây bắc.
Nhà thờ Phục sinh (Church of the Resurrection) của Tu viện Suceviţa được xây dựng bởi Gheorghe Movilă (Hoàng tử xứ Moldavia, trị vì năm 1595- 1606) và được nâng cấp vào năm 1595 bằng cách thêm các mái hiên và sơn lại nội ngoại, thất. Kiến trúc của Nhà thờ chứa cả các yếu tố Byzantine và Gothic cũng như các yếu tố đặc trưng khác của nhà thờ tại Moldavia.
Nhà thờ nằm trên một bệ nền cao so với mặt sân, có bố cục theo hướng đông tây. Lối vào chính tại phía tây.
Bên trong Nhà thờ được chia thành 5 không gian: Hiên, Hội trường, Phòng mộ, Ban thờ và Hậu đường.
Hiên bán mở tại phía tây (Exonarthex) được bao quanh bởi những bức tường và 2 trụ tường xiên tại hai góc tây bắc và tây nam. Phía bắc và nam của Hiên là hai khối sảnh. Phía nam Sảnh có 4 cột chữ nhật. Phía bắc Sảnh có 7 cột tròn.
Hội trường (Pronaos) gồm 2 gian với 2 mái vòm phía trên. Hội trường ngăn cách với Hiên bằng một bức tường dày. Mảng tường phía bắc và nam có 2 cửa sổ cao với khung cửa kiểu Gothic.
Phòng mộ (Burial Chamber) là một không gian nhỏ phía sau Hội trường, cao 2 tầng. Phủ bên trên là một mái vòm thùng. Tại đây có một cầu thang xoắn dẫn tới tầng trên, là kho chứa báu vật của Tu viện.
Ban thờ (Naos) gồm 1 gian, có dạng bán tròn tại phía bắc và nam, được thắp sáng bởi 3 cửa sổ tại phía bắc và 3 cửa sổ tại phía nam. Các cửa sổ cao theo kiểu Gothic. Phía trên Ban thờ có một tháp mái nhô cao. Hai bên của Ban thờ là 2 trụ tường lớn tại mỗi mặt bắc và mặt nam.
Hậu đường (Chancel) nằm tại phía đông, có mặt bằng dạng bán tròn với 3 cửa sổ chiếu sáng vào bên trong.
Mái diềm tròn của phần Hậu đường vươn rộng ra xung quanh, có hình tượng như một cái mũ.
Các bức tường bên trong và bên ngoài đều được bao phủ bởi những bức tranh tường có giá trị nghệ thuật cao, mô tả các sự tích trong Kinh thánh từ Cựu Ước và Tân Ước; các sự kiện lịch sử có liên quan.
Các bức tranh có niên đại từ khoảng năm 1601, khiến Sucevița trở thành một trong những tu viện cuối cùng được trang trí theo phong cách tranh vẽ bên ngoài nổi tiếng của Moldavia.
Màu sắc chủ đạo của các bức bích họa là tím, đỏ và xanh lam. Các hình vẽ được vẽ trên nền màu xanh ngọc lục bảo, tạo một hiệu ứng màu sắc độc đáo.
Sơ đồ mặt bằng, mặt cắt Nhà thờ Phục sinh, tại Tu viện Suceviţa, Suceava, Romania
Phối cảnh phía đông Nhà thờ Phục sinh, tại Tu viện Suceviţa, Suceava, Romania
Phối cảnh phía nam Nhà thờ Phục sinh, tại Tu viện Suceviţa, Suceava, Romania
Bức bích họa bên trong và phía dưới mái vòm, Nhà thờ Phục sinh, tại Tu viện Suceviţa, Suceava, Romania
Bức bích họa bên mặt tường ngoài Nhà thờ Phục sinh, tại Tu viện Suceviţa, Suceava, Romania
Di sản Những Nhà thờ tại Moldavia, Suceava, Romania với các bức tranh bao phủ tất cả mặt tiền là những kiệt tác nghệ thuật vẽ tranh tường; là một ví dụ nổi bật về kiểu xây dựng và trang trí nhà thờ, thể hiện bối cảnh văn hóa và tôn giáo của vùng Balkan từ cuối thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 16.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/598/
https://en.wikipedia.org/wiki/Romania
https://en.wikipedia.org/wiki/Moldavia
https://en.wikipedia.org/wiki/Churches_of_Moldavia
https://ro.wikipedia.org/wiki/Bisericile_pictate_din_nordul_Moldovei
https://en.wikipedia.org/wiki/Arbore_Church
https://ro.wikipedia.org/wiki/Biserica_Arbore
https://en.wikipedia.org/wiki/Humor_Monastery
https://ro.wikipedia.org/wiki/M%C4%83n%C4%83stirea_Humor
https://en.wikipedia.org/wiki/Moldovi%C8%9Ba_Monastery
https://ro.wikipedia.org/wiki/M%C4%83n%C4%83stirea_Moldovi%C8%9Ba
https://en.wikipedia.org/wiki/Church_of_the_Holy_Cross,_P%C4%83tr%C4%83u%C8%9Bi
https://ro.wikipedia.org/wiki/M%C4%83n%C4%83stirea_Probota
https://en.wikipedia.org/wiki/Probota_Monastery
https://ro.wikipedia.org/wiki/M%C4%83n%C4%83stirea_Probota
https://en.wikipedia.org/wiki/Saint_John_the_New_Monastery
https://ro.wikipedia.org/wiki/M%C4%83n%C4%83stirea_Sf%C3%A2ntul_Ioan_cel_Nou_din_Suceava
https://en.wikipedia.org/wiki/Vorone%C8%9B_Monastery
https://ro.wikipedia.org/wiki/M%C4%83n%C4%83stirea_Vorone%C8%9B
https://en.wikipedia.org/wiki/Sucevi%C8%9Ba_Monastery
https://ro.wikipedia.org/wiki/M%C4%83n%C4%83stirea_Sucevi%C8%9Ba
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|