Thông tin chung:
Công trình: Các phế tích của thành phố cổ Aksum (Aksum)
Địa điểm: Tigray, Ethiopia; N14 7 48.684 E38 43 6.996
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản
Năm thực hiện: Thế kỷ 1 đến thế kỷ 10 sau Công nguyên
Giá trị: Di sản thế giới (1980; hạng mục i, iv)
Ethiopia là một quốc gia nằm tại vùng Sừng Châu Phi, có chung biên giới với Eritrea tại phía Bắc và Đông Bắc, Djibouti và Somalia ở phía Đông, Sudan và Nam Sudan về phía Tây và Kenya về phía Nam.
Với hơn 102 triệu dân (năm 2016), Ethiopia là quốc gia không giáp biển đông dân nhất thế giới, có diện tích khoảng 1.104.300 km2. Thủ đô và thành phố lớn nhất là Addis Ababa. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Amharic.
Ethiopia sử dụng hệ thống chữ Ge'ez cổ đại, là một trong những bảng chữ cái cổ nhất còn được sử dụng trên thế giới. Lịch Ethiopia, muộn hơn lịch phổ biến (Gregorian Calendar) khoảng 7 năm 3 tháng.
Bắt nguồn từ thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên (TCN), hệ thống chính quyền của Ethiopia là chế độ quân chủ trong phần lớn lịch sử của nó. Truyền thuyết kể rằng chế độ quân chủ được thành lập bởi Triều đại Solomonic (Solomonic Dynasty) với vị vua đầu tiên là Menelik I (vào thế kỷ 10 TCN).
Trong những thế kỷ đầu tiên, Vương quốc Aksum (Kingdom of Aksum, tồn tại năm 80 TCN - 940 sau Công nguyên) duy trì được một nền văn minh thống nhất trong khu vực.
Tiếp đó là triều đại Zagwe (Zagwe Dynasty, tồn tại 940 - 1270) khởi nguồn từ miền bắc Ethiopia. Vương quốc còn có tên là Begwena, kinh đô đặt tại thành phố Lalibela. Vị vua nổi tiếng nhất của Vương triều Zagwe là hoàng đế Gebre Mesqel Lalibela (trị vì năm 1181 - 1221), người đã xây dựng Quần thể các nhà thờ bằng đá nguyên khối ở Lalibela (Di sản thế giới).
Tiếp theo là Đế chế Ethiopia (Ethiopian Empirem, tồn tại năm 1270–1974) thống trị Ethiopia.
Trong cuộc tranh giành cuối thế kỷ 19 ở châu Phi, Ethiopia là một trong những quốc gia duy trì được chủ quyền, thoát khỏi ách thực dân châu Âu. Sức mạnh của Ethiopia dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc gắn với vai trò lịch sử và đương đại của Cơ đốc giáo và Hồi giáo, cũng như truyền thống mạnh mẽ từ các vương quốc Ethiopia cổ xưa.
Ngày nay, Ethiopia được phân thành 10 bang và 2 thành phố đặc biệt.
Bản đồ Ethiopia và vị trí thành phố cổ Aksum, bang Tigray
Vào giai đoạn từ năm 80 TCN đến năm 940 sau Công nguyên, tại miền Bắc Ethiopia tồn tại Vương quốc Aksum (Empire Aksumite). Vương quốc có diện tích khoảng 1.250.000 km2; thủ đô là Aksum (còn gọi là Axum); ngôn ngữ chính là Ge'ez; Tôn giáo đa thần cho đến đầu thế kỷ thứ 4, tiếp đó là Do Thái giáo và Kito giáo.
Vương quốc này nằm ở ngã ba của Châu Phi, Ả rập và Thế giới Hy Lạp-La Mã, là quốc gia hùng mạnh giữa Đế chế La Mã và Ba Tư. Vương quốc Aksum kiểm soát tuyến thương mại vận chuyển hàng hóa giữa Đế quốc La Mã và Ân Độ, xuất khẩu ngà voi, mai rùa, vàng, ngọc lục bảo và nhập khẩu lụa, gia vị. Vị trí gần Biển đỏ (Red Sea) và vùng Thượng sông Nile (Upper Nile) đã tạo điều kiện cho Vương quốc này phát triển một lực lượng hải quân hùng mạnh để kiểm soát dòng hàng hóa lưu thông trên sông, biển và trở thành một đế chế thương mại, được cho là một trong 4 đế chế hùng mạnh trên thế giới thời bấy giờ: Ba Tư, Roma và Trung Quốc.
Đế chế Aksum là một trong những quốc gia châu Phi đầu tiên có kinh nghiệm và đầy tham vọng về chính trị, đủ để phát hành đồng tiền của mình. Tiền được đúc bằng vàng, bạc và đồng. Sự hiện diện của đồng tiền làm đơn giản hóa thương mại, là công cụ hữu ích cho việc tuyên truyền và một nguồn lợi nhuận cho Đế chế.
Vương quốc Aksum có ngôn ngữ và chữ viết riêng, tiếng Ge'ez. Ngày nay Ge'ez vẫn là ngôn ngữ chính được sử dụng trong các giáo hội chính thống Ethiopia và một số cộng đồng dân tộc bản địa.
Vương quốc Aksum đạt tới đỉnh cao thời vua Ezana, cai trị Vương quốc Aksum vào những năm 320 – 360 sau Công nguyên. Đây cũng là vị vua đầu tiên của Vương quốc theo Cơ đốc giáo.
Có nhiều nguyên chỉ ra sự sụp đổ của Vương quốc Aksum, một trong số đó là do khí hậu thay đổi và sự chuyển hướng của các tuyến thương mại.
Vương quốc Aksum (Axum) và các chính thể khác vào thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên
Tuyến đường tơ lụa (Silk Road) trên đất liền và trên biển. Tuyến trên biển đi qua Vương quốc Aksum
Đế chế Aksum đã phát triển một nền kiến trúc và nghệ thuật độc đáo với các bia đá, cung điện, đền thờ, nhà thờ…tạo thành phong cách kiến trúc Aksum (Aksumite architecture). Phong cách nghệ thuật, kiến trúc này chuyển tiếp sang triều đại Zagwe kế tiếp vào thế kỷ 12 (Zagwe dynasty, tồn tại vào năm 900 – 1270) và các triều đại tiếp theo tại Ethiopia.
Một trong những đặc trưng tiêu biểu nhất của di sản kiến trúc Aksumite là các bia đá và cột đá nguyên khối.
Bia đá (stelae) là một phiến đá hoặc cột đá có chức năng đánh dấu vị trí mộ, hầm mộ. Quy mô, chiều cao, trang trí của tấm bia tương xứng với mức độ hoành tráng của mộ, hầm mộ dưới lòng đất và thể hiện vị thế của người chôn trong mộ.
Cột đá (obelisk) là một cấu trúc thường có mặt cắt ngang hình chữ nhật và đầu kim tự tháp, được thiết kế như một tượng đài hoặc cột mốc đánh dấu sự kiện lịch sử.
Tại đây có nhiều cấu trúc đá có vai trò vừa là cột đá biểu tượng vừa là bia mộ. Nhiều cột đá có trang trí theo kiểu một tòa tháp nhiều tầng với cánh cửa ra vào (giả) đặt tại tầng dưới tháp, tầng trên là các cửa sổ (giả). Trên các bia đá hoặc cột đá được trang trí hoa văn, biểu tượng và chữ viết.
Hầu hết các công trình kiến trúc mang phong cách Aksumite, như cung điện, nhà thờ, nhà ở được xây dựng kết hợp giữa đá và gỗ. Các công trình thường được xây dựng trên một bệ, bằng đá mềm với vữa bùn. Các góc nhà được làm bằng đá granite đẽo gọt công phu. Các bức tường được xây bằng các lớp đá to nhỏ xen kẽ, và nhỏ dần lại theo chiều cao. Trên bề mặt tường có các dấm gỗ nhô ra. Đầu dầm được trang trí. Cấu trúc này còn được đặt tên là đầu khỉ - "monkey heads".
Đá granite còn được sử dụng cho các chi tiết kiến trúc đặc biệt: móng, cột, không gian trung tâm, khuôn cửa, nền, vòi nước (thường có hình dạng sử tử) cũng như lan can cầu thang.
Cửa và cửa sổ dạng vòm, có khung cửa bằng đá hoặc gỗ, được liên kết tại các góc bằng chốt vuông hình đầu khỉ. Cung điện thời Aksumite thường có một không gian trung tâm, được bao quanh bởi sân và các phòng phụ.
Cấu trúc xây dựng tường đá với hệ thống các khung gỗ có đầu dầm nhô ra, được trang trí gọi là " đầu khỉ"
Thành phố cổ Aksum, thủ đô của Vương quốc Aksum, nằm tại phía Bắc của Ethiopia; ngày nay thuộc khu vực Mehakelegnaw, bang Tigray, gần chân núi lửa Adwa, có độ cao 2131m. Thành phố tượng trưng cho sự giàu có và tầm quan trọng của nền văn minh Aksumite cổ xưa; là trung tâm nghi lễ với các khu dân cư và nghĩa trang nhỏ bao quanh.
Đây cũng là nơi còn lưu giữ lại nhiều nhất các công trình kiến trúc nổi bật của nền văn minh Aksumite.
Phía Đông của thành phố cổ là một trung tâm tôn giáo và nghĩa địa hoàng gia với các cột đá, bia đá khổng lồ và các hầm mộ. Các tàn tích này tập trung tại Công viên Northern Stelae (Northern Stelae Park) với 120 di tích.
Các cung điện, ví dụ như:Enda Mikael, Ta'akha Maryam, Dungur, và Enda Sem'on, tất cả được xây dựng trước thế kỷ thứ bảy, nằm tại khu dân cư phía Tây thành phố cổ. Các cung điện được xây dựng theo cấu trúc điển hình của kiến trúc Aksum. Ngoài ra còn có khoảng 600 di tích nằm tại phía Tây thành phố, tại Cánh đồng Gudit (Gudit Field) một nghĩa địa của thế kỷ thứ 2 đến thứ 4.
Quảng trường trung tâm tại đô thị cổ Aksum, Tigray, Ethiopia
Khu phố và đường lát đá tại đô thị cổ Aksum, Tigray, Ethiopia
Công viên Northern Stelae, nơi tập trung các tàn tích Di sản đô thị cổ Aksum, Tigray, Ethiopia
Phế tích các cột đá, bia đá nằm xen kẽ với khu dân cư, Di sản đô thị cổ Aksum, Tigray, Ethiopia
Tập hợp các phế tích kiến trúc đài tưởng niệm, bia mộ, lăng mộ hoàng gia, nhà thờ, lâu đài, biệt thự…tại thành phố cổ Aksum, vùng Tigrai, Ethiopia được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1980) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Các cột đá được chạm khắc tinh xảo vào thế kỷ thứ 3 và 4 là những tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người.
Tiêu chí (iv): Khu đô thị cổ với các lăng mộ, lâu đài hoàng gia, nhà thờ…là một trong những ví dụ nổi bật về một quần thể kiến trúc cảnh quan, thể hiện sự phát triển vượt bậc phản ánh sự giàu có và sức mạnh của nền văn minh Aksumite trong thiên niên kỷ đầu tiên sau Công nguyên.
Cột đá và bia đá
Nổi tiếng nhất trong số các cột đá tại đô thị cổ Aksum là 3 cột đá mang tên: Cột đá lớn (Great Stela); cột đá Aksum (Obelisk of Axum) và cột đá của vua Ezana (King Ezana's Stela); 3 cột đá này nằm tại Công viên Northern Stelae (Northern Stelae Park), thành phố cổ Aksum.
Cột đá lớn
Cột đá lớn (Great Stela – Stela 1) được phân thành 13 tầng với chiều cao đến 33m, tiết diện lớn nhất rộng 3,84m, dài 2,35m, nặng 520 tấn. Cột do vua Remhai (King Remhai) xây dựng vào thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên. Great Stela là một trong những tảng đá nguyên khối lớn nhất mà con người dựng đứng thẳng.
Cột hiện chỉ còn tàn tích với các khối cột, gãy rời nằm trên mặt đất. Nguyên nhân được cho là bị hư hại trong quá trình xây dựng hoặc bị phá đổ khi vương quốc suy giảm vị thế vào cuối thế kỷ thứ 6.
Kề liền Great Stela là một lăng mộ đá mang tên Nefas Mawcha (tomb of Nefas Mawcha), bao gồm phần nổi với các tấm đá khổng lồ che bên trên, các giếng để lấy ánh sáng và không khí cho 10 phòng bên dưới mộ, nơi đặt mộ và kho chứa các vật phẩm quý giá chôn cùng.
Tàn tích cột đá lớn (Great Stela), Di sản đô thị cổ Aksum, Tigray, Ethiopia
Hầm mộ bên dưới Great Stela, Di sản đô thị cổ Aksum, Tigray, Ethiopia
Sơ đồ vị trí Great Stela và khu vực hầm mộ, Di sản đô thị cổ Aksum, Tigray, Ethiopia
Cột đá Aksum
Cột đá Aksum (Obelisk of Axum - Stela 2) có chiều cao 24,6m, tiết diện lớn nhất rộng 2,32m, dài 1,36m, nặng khoảng 170 tấn. Obelisk of Axum cũng được trang trí phân thành các tầng. Tầng 1 có cửa giả, các tầng trên có cửa sổ giả. Cột được kết thúc bởi một phần bán tròn, trên mặt trang trí biểu tượng mặt trăng.
Cột bị đổ, gãy thành nhiều đoạn do những người tìm kho báu dưới lòng đất đã đào làm hư hại móng của cột.
Năm 1935, người Ý chiếm đóng nơi đây. Năm 1937, thực dân Ý đã chuyển các phần của cột đá về Ý và lắp dựng tại Rom với ý nghĩa như một thành tựu của việc chinh phục thuộc địa. Năm 1947, người Ý chấp thuận trả lại cột đá cho Ethiopia. Song đến mãi năm 2005, các mảnh vỡ của cột đá 1700 năm tuổi mới được chuyển trả lại cho Ethiopia và được lắp dựng lại tại vị trí ban đầu vào năm 2008.
Hình ảnh lắp dựng lại Cột đá Aksum, Di sản đô thị cổ Aksum, Tigray, Ethiopia
Cột đá Aksum sau khi phục dựng, Di sản đô thị cổ Aksum, Tigray, Ethiopia
Chi tiết tầng dưới của Cột đá Aksum, trang trí cửa ra vào giả, Di sản đô thị cổ Aksum, Tigray, Ethiopia
Cột đá của vua Ezana
Cột đá to lớn cuối cùng được dựng lên ở Aksum có lẽ là cột đá mang tên vua Ezana (King Ezana's Stela - Stela 3). Vua Ezana cai trị Vương quốc Aksum vào những năm 320 – 360 sau Công nguyên, là vị vua đầu tiên của Vương quốc theo Cơ đốc giáo. Cột đứng trên một bệ thấp, có chiều cao khoảng 20,6m, tiết diện lớn nhất rộng 2,65m, dài 1,18m, nặng 160 tấn. Cột cũng được trang trí phân thành câc tầng và có các cửa giả.
Cột đá của vua Ezana, Di sản đô thị cổ Aksum, Tigray, Ethiopia
Bia đá Ezana
Ngoài ba cột đá nổi tiếng trên, tại Công viên Northern Stelae còn có bia đá mang tên Ezana (Ezana Stone), được dựng vào thời vua Ezana trị vì. Từ năm 330 đến năm 356, vua Ezana đã chiến đấu chống lại người Nubians. Để kỷ niệm chiến thắng, vua đã cho khắc trên bia đá những lời ca ngợi Thiên chúa. Ngôn ngữ trên bia bao gồm cả tiếng Ge'ez, Sabaean (Nam Ả Rập) và Hy Lạp .
Bia đá Ezana, Di sản đô thị cổ Aksum, Tigray, Ethiopia
Các công trình kiến trúc khác
Nhà thờ Debre Damo
Nhà thờ Debre Damo (Debre Damo Church) được hình thành vào thế kỷ thứ 6, thuộc triều đại vua Gebre Meskel. Công trình nằm trên một ngọn núi nhỏ có kích thước mặt bằng 1000m x 400m, tại độ cao 2216m so với mực nước biển. Tiếp cận nhà thờ (chỉ dành cho nam giới ) phải trèo qua vách đá cao 15m.
Nhà thờ nổi tiếng với bộ sưu tập các bản thảo để xây dựng nhà thờ sớm nhất châu Âu.
Nhà thờ hiện vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay với tu viện có khoảng 150 tu sĩ, sống hoàn toàn tự túc, qua việc trồng cây, chăn nuôi gia súc. Nguồn nước từ các hồ chứa nước sâu vào trong đá.
Nhà thờ Debre Damo, công trình tiêu biểu của phong cách kiến trúc Aksum, Di sản đô thị cổ Aksum, Tigray, Ethiopia
Leo lên Nhà thờ Debre Damo, Di sản đô thị cổ Aksum, Tigray, Ethiopia
Nhà thờ Đức Mẹ Mary Zion
Nhà thờ Đức Mẹ Mary Zion (Old Church of Our Lady Mary of Zion) được xây dựng dưới triều đại vua Ezana, thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên. Tương truyền, đây là địa điểm cất giấu Rương thánh (Ark of the Covenant), bên trong chứa 2 phiến đá khắc 10 điều răn của Đấng tối cao.
Công trình bị phá hủy vào thế kỷ thứ 10, được xây dựng lại. Sau đó lại bị phá hủy vào thế kỷ 16. Dưới thời Hoàng đế Fasilides, trị vì trong giai đoạn 1632- 1667, nhà thờ Đức Mẹ Maria Zion được xây dựng lại và mở rộng thêm nhà nguyện. Đây trở thành địa điểm tổ chức trao vương miện cho các hoàng đế Ethiopia. Năm 1950, hoàng đế Haile Selassie đã xây dựng một Nhà thờ Đức Mẹ Maria Zion mới hiện đại, mở cửa cho cả nam và nữ bên cạnh Nhà thờ Đức Mẹ Maria Zion cũ.
Nhà thờ Đức Mẹ Mary Zion (nhà thờ cũ), Di sản đô thị cổ Aksum, Tigray, Ethiopia
Nhà nguyện của nhà thờ Đức Mẹ Mary Zion, được cho là nơi cất giấu Rương thánh (Ark of the Covenant)
Quần thể nhà thờ Đức Mẹ Mary Zion, từ trái sang: Nhà thờ cũ, Nhà nguyện và Nhà thờ mới với tháp chuông
Tàn tích cung điện Dungur
Dungur là một tòa lâu đài (Dungur palace) nổi tiếng tại Aksum. Đây là một dinh thự của một quan chức cao cấp, được xây dựng vào giai đoạn thế kỷ thứ 4- 6. Công trình chỉ còn lại tàn tích với các bức tường tầng 1 và phần bệ của nhà. Tổ hợp công trình có diện tích khoảng 3250m2. Các công trình trong tổ hợp bố cục bao quanh sân và một công trình trung tâm.
Tàn tích lâu đài Dungur, Di sản đô thị cổ Aksum, Tigray, Ethiopia
Hình vẽ mặt bằng và phối cảnh lâu đài Dungur, Di sản đô thị cổ Aksum, Tigray, Ethiopia
Ngôi mộ của vua Kaleb & Gebre Meskel
Ngôi mô của vua Kaleb và con trai ông là Gebre Meskel (Tombs of Kings Kaleb & Gebre Meskel), được xây dựng vào thể kỷ thứ 6.
Ngôi mộ Gebre Meskel là một ngôi mộ được xây dựng bằng đá không cần vữa, là cấu trúc xây dựng độc đáo không có tại bất cứ nơi nào trong thành phố cổ Aksum. Ngôi mộ gồm một không gian trung tâm và năm phòng nhỏ. Bên trong hầm mộ có 3 chiếc quan tài (sarcophagi), trong đó có một chiếc được trang trí bằng một cây thánh giá.
Mộ vua Kaleb cũng tương tự như lăng mộ Gebre Meskel, vào bên trong thông qua một cầu thang thẳng và dài.
Lối vào hầm mộ vua Kaleb, Di sản đô thị cổ Aksum, Tigray, Ethiopia
Bên trong ngôi mộ Gebre Meskel, Di sản đô thị cổ Aksum, Tigray, Ethiopia
Lăng mộ với vòm gạch
Lăng mộ (Tomb of the Brick Arches) là một ngôi mộ của tầng lớp thượng lưu Aksumite.
Lối vào hầm mộ là một cầu thang với 18 bậc đá. Các cửa ra vào hầm mộ được xây dựng bởi vòm gạch. Ngôi mộ có ý nghĩa khảo cổ học to lớn, vì chứa một lượng lớn vật liệu khảo cổ như thủy tinh, kim loại, ngà voi, gốm, tiền xu...thể hiện các hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài.
Tàn tích của một lăng mộ với cửa vào dạng vòm, Di sản đô thị cổ Aksum, Tigray, Ethiopia
Ngôi mộ với cửa giả
Ngôi mộ (Tomb of False Door) nằm tại cuối phía Tây của Công viên Northern Stelae. Ngôi mộ được đặt theo tên của một tấm bia phía trên mộ có chạm khắc một cửa giả tương tự như cửa giả của các cột đá khổng lồ.
Ngôi mộ được cho là xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 4, đầu thế kỷ thứ 5, có nhiều điểm tương đồng với lăng mộ đá Nefas Mawcha. Lăng mộ gồm hai phòng và một hành lang riêng biệt. Phòng đặt mộ có kích thước 4m x 2,3m. Ngôi mộ hiện đã trống rỗng do bị cướp phá.
Tàn tích Ngôi mộ với bia mộ trang trí một cánh cửa giả, Di sản đô thị cổ Aksum, Tigray, Ethiopia
Di sản Các tàn tích tại thành phố cổ Aksum, tại Tigray, cùng với Di sản Nhà thờ tạc vào đá tại Lalibela; Các tàn tích Tiya, tại Sodo là những tuyệt tác về tài năng sáng tạo của loài người, niềm tự hào to lớn của người dân quốc gia Ethiopia.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/15
https://en.wikipedia.org/wiki/Ethiopia
https://en.wikipedia.org/wiki/Silk_Road
https://en.wikipedia.org/wiki/Architecture_of_Ethiopia
https://en.wikipedia.org/wiki/Axum
https://en.wikipedia.org/wiki/Kingdom_of_Aksum
https://en.wikipedia.org/wiki/Obelisk_of_Axum
https://en.wikipedia.org/wiki/King_Ezana%27s_Stela
https://en.wikipedia.org/wiki/Debre_Damo
https://en.wikipedia.org/wiki/Tablets_of_Stone
https://en.wikipedia.org/wiki/Dungur
https://en.wikipedia.org/wiki/Ezana_Stone
https://www.metmuseum.org/toah/hd/aksu_3/hd_aksu_3.htm
https://en.wikipedia.org/wiki/Gudit
https://debanderic.wordpress.com/2014/03/18/travelling-through-history-1-axum/
https://new-faces-new-places.com/2017/04/17/tomb-raiding-in-axum-aksum-travel-blog/
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|