Thông tin chung:
Công trình: Khu vực Tu viện Saint Catherine (Saint Catherine Area)
Địa điểm: Janub Sina, Ai Cập; N28 33 22.428 E33 58 31.548
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 60.100 ha
Năm thực hiện:
Giá trị: Di sản thế giới (2002; hạng mục i, iii, iv, vi )
Ai Cập (Egypt ) là một quốc gia nằm bên bờ Địa Trung Hải, phía Đông Bắc là dải Gaza và Israel, phía Đông là vịnh Aqaba (Gulf of Aqaba), phía Đông Nam là Biển Đỏ (Red Sea), phía Nam là Sudan, phía Tây là Libya.
Ai Cập có diện tích 1.010.408 km2, dân số khoảng 94,6 triệu người (năm 2017). Thủ đô và thành phố lớn nhất là Cairo. Ngôn ngữ chính thức là tiếng A- Rập.
Ai Cập được biết đến trên toàn thế giới từ thiên niên kỷ thứ 10 trước Công nguyên, được coi là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại. Tại đây đã có sự phát triển từ rất sớm của văn chương, nông nghiệp, đô thị, tôn giáo có tổ chức và chính quyền trung ương. Những công trình Quần thể Kim tự tháp Giza (Necropolis Giza) và tượng Nhân sư vĩ đại (Great Sphinx), cũng như những tàn tích của các thành phố Ai Cập Cổ đại Memphis và Thebes luôn thu hút sự quan tâm của giới khoa học và được biết đến trên toàn cầu.
Di sản văn hóa lâu đời của Ai Cập là một phần không thể tách rời của bản sắc dân tộc, đã tồn tại và hòa nhập với các ảnh hưởng từ bên ngoài, gồm Hy Lạp, Ba Tư, La Mã, Ả Rập, Ottoman và Châu Âu.
Ai Cập là một trung tâm đầu tiên của Kitô giáo, nhưng phần lớn đã được Hồi giáo hóa vào thế kỷ thứ bảy và nay là một quốc gia với tôn giáo chính là Hồi giáo.
Ai Cập được hình thành từ sự thống nhất Thượng và Hạ Ai Cập vào năm 3150 trước Công nguyên. Từ đây mở ra một loạt các triều đại của giai đoạn Ai Cập Cổ đại (Ancient Egypt) trong ba thiên niên kỷ tiếp theo. Văn hóa Ai Cập phát triển rực rỡ trong thời gian này và duy trì được thống nhất trong tôn giáo, nghệ thuật, ngôn ngữ và phong tục.
Vào năm 2700 – 2200 trước Công nguyên, các triều đại Ai Cập Cổ đại đã xây dựng rất nhiều kim tự tháp, trong đó đáng chú ý nhất là Kim tự tháp Djoser (Pyramid of Djoser, là một kim tự tháp đầu tiên của Ai Cập, dạng bậc được xây dựng vào năm 2700 BC - trước Công nguyên) và Quần thể Kim tự tháp Giza (Giza pyramid complex, gồm 3 kim tự tháp và tượng Nhân sư, được xây dựng vào năm 2560- 2540 BC).
Các triều đại Ai Cập Cổ đại kéo dài đến Vương triều thứ 30.
Năm 332 trước Công nguyên, Alexander Đại đế, vua của Macedon xâm chiếm Ai Cập. Từ đây hình thành triều đại cuối cùng của Ai Cập Cổ đại, triều đại Ptolemaic (năm 332 –30 BC), một Đế chế Hy Lạp - Ai Cập (Macedonian and Ptolemaic Egypt) hùng mạnh, cai trị một vùng rộng lớn với thành phố thủ đô là Alexandria.
Vào thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên, Ai Cập bị Đế quốc Byzantine chinh phục, tiếp đó là Đế quốc Hồi giáo của người Hồi giáo Ả Rập. Người Ả Rập đã đưa Hồi giáo đến đất nước này. Người Ai Cập bắt đầu tiếp nhận đức tin mới kết hợp với đức tin bản địa. Một số người theo Kito giáo trước đó chuyển đổi dần sang Hồi giáo. Năm 1517, Ai Cập bị bị Đế chế Ottoman chiếm đoạt, sau đó trở thành một tỉnh của Vương quốc Ottoman. Người Pháp xâm nhập vào khu vực này từ năm 1798. Trong thời gian này, kênh đào Suez được xây dựng với sự hợp tác của người Pháp, hoàn thành vào năm 1869.
Năm 1914, Ai Cập thuộc sự bảo hộ của Đế quốc Anh.
Ngày 28/2/1922, Ai Cập tuyên bố độc lập từ Vương quốc Anh.
Ai Cập ngày nay được chia thành 27 tiểu bang, mỗi bang có một thành phố thủ phủ, cùng tên với bang.

Bản đồ Ai Cập
Saint Catherine là một thị trấn nằm tại phía Nam bán đảo Sinai, bán đảo có hình tam giác, phía Bắc là Địa Trung Hải và phía Nam là Biển Đỏ, thuộc tiểu bang Janub Sina, Ai Cập.
Thị trấn nằm dưới chân núi Sinai (độ cao 2285m) và Tu viện Saint Catherine, tại khu vực núi đá gồ gề, có cao độ khoảng 1586m.
Vào năm 3000 trước Công nguyên, đây là nơi định cư của những bộ tộc bản địa. Vào thế kỷ 16 trước Công nguyên, các Pharaoh Ai Cập đã xây dựng tuyến đường Shur (“'way of Shur”, một địa điểm được đề cập nhiều đến trong Kinh thánh Hebrew) qua Sinai tới Beersheba (thành phố sa mạc và thảo nguyên tại miền Nam Israel) và Jerusalem, vận tải ngọc màu lam, vàng và đồng cung cấp cho Đế chế Ai Cập.
Ngày nay thị trấn có dân số vào khoảng 5 ngàn người, gồm các dân tộc: Jebeliya Bedouins, Ai Cập, Hy Lạp và Nga.
Thị trấn được cho là hình thành vào thời điểm xây dựng Tu viện Saint Catherine, theo lệnh lệnh của Hoàng đế Justinian I (trị vì năm 527 – 565 sau Công nguyên). Khu định cư lâu đời nhất của thị trấn là khu vực Wadi El Sybaiya, nằm tại phía Đông của Tu viện Saint Catherine Catherine.
Saint Catherine là một vùng đất thánh tại Ai Cập với ba tôn giáo lớn của thế giới: Kito giáo, Hồi giáo, Do thái giáo.
Đây cũng là nơi nhà tiên tri, lãnh tụ tôn giáo Moses đã nhận được 10 Điều răn (Ten Commandments/ Decalogue) từ Đấng tối cao, là một tập hợp kinh thánh liên quan đến đạo đức và đức tin, đóng vai trò cơ bản trong Do Thái giáo và Kito giáo.
Tại Ai Cập, Saint Catherine là nơi phát triển Kito giáo thời kỳ đầu. Về sau các tín đồ Kito giáo đã dần chuyển đổi sang Hồi giáo. Song Tu viện Saint Catherine vẫn tiếp tục hoạt động và tồn tại cho đến ngày nay.
Nơi đây hình thành phương pháp canh tác nông nghiệp là sự hợp tác giữa người bản địa Bedouin (một nhóm người Ả Rập du mục, cư ngụ tại vùng sa mạc Bắc Phi, bán đảo Ả Rập, Iraq và khu vực Levant phía Đông Địa Trung Hải) và các tu sĩ trong Tu viện. Các tu sĩ cung cấp cho người dân hạt giống. Người dân trông rau, cây ăn quả trong các ngôi vườn dạng bậc trên các sườn núi đá. Khu vực đất thấp được trồng lúa.
Bao quanh các khu vườn là các bức tường đá để ngăn các dòng lũ quét và bảo vệ khỏi sự phá hoại của động vật. Trong vườn có hệ thống giếng cấp nước hoặc các hồ chứa được tạo thành bởi các con đập nhỏ trong các hẻm núi. Nước từ đây được dẫn đến các vườn bằng các kênh, mương dẫn nước xây dựng bằng đá.
Ngôi nhà của người Bedouin là những công trình kiến trúc đơn giản với mái lợp bằng lá mía, được xây dựng cạnh các tảng đá lớn, là nơi tạo thành các hang để cất giấu lương thực.

Bản đồ Ai Cập và vị trí của khu vực Saint Catherine, Janub Sina, Ai Cập

Khu vực núi Sinai, Janub Sina, Ai Cập

Khu vực Tu viện Saint Catherine gắn với núi Sinai, Janub Sina, Ai Cập
Khu vực bao quanh ngọn núi Sinai (Mount Sinai) và Tu viện Saint Catherine (Saint Catherine's Monastery) được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 2002 với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Kiến trúc của Tu viện Thánh Catherine là kho báu nghệ thuật về công trình và sự hòa nhập của công trình vào cảnh quan tự nhiên xung quanh, là một ví dụ nổi bật về tài năng sáng tạo của con người.
Tiêu chí (iii): Tu Viện Thánh Catherine là một trong những ví dụ đầu tiên tại phương Đông về một khu định cư của người Kito giáo tại một khu vực xa xôi. Công trình thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa hoạt động của con người với môi trường tự nhiên.
Tiêu chí (iv): Tu viện tại những vùng hẻo lánh chiếm ưu thế trong giai đoan phát triển Cơ đốc giáo ban đầu và kết quả là việc hình thành các cộng đồng dân cư gắn với tu viện ở những nơi xa xôi. Tu viện Thánh Catherine là một trong những tu viện đầu tiên và lâu đời nhất vẫn còn nguyên vẹn, được sử dụng đúng như chức năng ban đầu mà không bị gián đoạn kể từ thế kỷ thứ 6.
Tiêu chí (vi): Khu vực Saint Catherine, tập trung vào ngọn núi linh thiêng của núi Sinaï (Jebel Musa, Núi Horeb), được coi tương tự như thành phố cổ Jerusalem, là thánh địa của ba tôn giáo trên thế giới: Kitô giáo, Hồi giáo và Do thái giáo.

Sơ đồ phạm vị Khu vực Di sản Saint Catherine, Janub Sina, Ai Cập
Khu vực Di sản có diện tích rộng khoảng khoảng 60.100 ha nằm trong vùng lõi của Công viên quốc gia Ai Cập mang tên Saint Katherine Protectorate, bao gồm ngọn núi Sinai (Mount Sinai) và Tu viện Saint Catherine (Saint Catherine's Monastery).
Tu viện Saint Catherine
Tu viện Saint Catherine (Saint Catherine's Monastery) nằm tại miệng một hẻm núi, dưới chân núi linh thiêng Sinaï. Tu viện được xây dựng vào năm 548 – 565, vào thời kỳ Cổ điển Ai Cập, giai đoạn Roman và Byzantine Ai Cập (Roman and Byzantine Egypt, năm 30 trước Công nguyên đến năm 641 sau Công nguyên). Đây là một trong những tu viện Kito giáo cổ nhất, hiện vẫn đang sử dụng.
Vào thế kỷ thứ 7, Tu viện đã phải đối mặt với sự sinh tồn do các cuộc chinh phục từ thế giới Hồi giáo Ả Rập. Những năm đầu thế kỷ thứ 9, số lượng tu sĩ trong Tu viện chỉ còn khoảng 30 người, cùng với việc biến mất đời sống Kito giáo trên bán đảo Sinai. Vào thời kỳ Fatimid Egypt (năm 969–1171), Tu viện bị biến một phần thành nhà thờ Hồi giáo và được sử dụng thường xuyên cho đến thời kỳ Mamluk Egypt (năm 1250–1517). Vào thời kỳ Ottoman Egypt (năm 1517–1867), Tu viện trong tình trạng hoang vắng. Tổ hợp công trình được phục hồi như hiện tại vào đầu thế kỷ 20.
Cấu trúc của các tòa nhà hiện vẫn còn có ý nghĩa lớn trong việc nghiên cứu về kiến trúc Byzantine (Đế chế Đông La Mã - Byzantine Empire, thủ đô là Constantinople).
Tu viện như một pháo đài với các bức tường thành bao quanh bằng đá vôi.
Tu viện có mặt bằng gần vuông: Dài 75m về phía Tây, 88m về phía Bắc; 75m về phía Đông và 89m về phía Nam.
Chiều cao của bức tường thành bao quanh tu viện từ 8m tại phía Nam đến 35m về phía Bắc. Tường dày 2- 3m. Tu viện có một lối vào tại phía Tây. (Hiện có một lối vào mới tại phía Bắc).
Bên trong Tu viện có nhiều công trình xây dựng theo thời gian khác nhau, từ thế kỷ thứ 6 cho đến ngày nay. Ví dụ như Tháp chuông có niên đại vào thế kỷ 18, Thư viện được xây dựng vào năm 1951.Do mặt đất dốc, nên nền bên trong Tu viện được san tạo thành các bậc và tạo thành các khối công trình cao thấp khác nhau.

Sơ đồ mặt bằng Tu viện Saint Catherine và khu vườn cây xung quanh

Sơ đồ mặt bằng Tu viện Saint Catherine, Janub Sina, Ai Cập


Phối cảnh Tu viện Saint Catherine, Janub Sina, Ai Cập
Công trình chính tên trong Tu viện là Nhà thờ Saint Catherine, được xây dựng cùng lúc với các bức tường thành bao quanh, vào năm 542 sau Công nguyên, hoàn thành 9 năm sau đó và tiếp tục bổ sung trong những thế kỷ tiếp sau.
Nhà thờ Saint Catherine nằm tại phía Bắc của Tu viện, có mặt bằng dạng Basillica (một gian chính ở giữa và hai gian phụ hai bên) và một vòm bán nguyệt (Apse) tại phía Đông Bắc. Công trình dài 40m, rộng 19,20m.
Mái nhà hiện nay bổ sung bởi một trần nhà có niên đại vào thế kỷ 18. Sàn nhà, đồ trang trí nội thất và các bức tường ngăn (Iconostasis, trang trí bởi các biểu tượng, tranh tôn giáo) được hoàn thiện vào thế kỷ 17,18.
Cửa vào hiên của nhà thờ có từ thế kỷ 11, bằng gỗ hương từ Lebanon, được chạm khắc tinh xảo hình tượng động vật, hoa lá. Tháp chuông được xây dựng vào năm 1871.

Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ Saint Catherine, khu vực Tu viện Saint Catherine, Janub Sina, Ai Cập
Phía Đông Bắc của Nhà thờ Saint Catherine là đền thờ Burning Bush (liên quan đến sự tích về bụi cây cháy, nơi Nhà tiên tri Moses được Đức chúa bổ nhiệm để lãnh đạo dân Do Thái). Đền dài 40m, rộng 19,20m.
Phía Tây của Nhà thờ Saint Catherine là một nhà thờ Hồi giáo (Mosque) với một tháp cầu nguyện (Minaret) tách khỏi nhà thờ. Công trình được xây dựng vào thế kỷ 11.
Bao xung quanh Tu viện, sát tường thành là các tòa nhà phụ (nhà ở của tu sĩ, nhà hàng, thư viện, nhà thương). Giữa sân Tu viện còn có nhiều đền thờ, ví dụ như đền thờ St. Stephen; St. Antony; St. John…Nhà ép dầu, giếng.

Gian thờ bên trong đền thờ Burning Bush, khu vực Tu viện Saint Catherine, Janub Sina, Ai Cập

Tháp chuông Nhà thờ Saint Catherine và tháp cầu nguyện của nhà thờ Hồi giáo bên trong Tu viện
Tu viện Saint Catherine có một hệ thống thư viện hoạt động liên tục lâu đời nhất trên thế giới, được cho là nơi bảo tồn các bộ sưu tập các bản thảo lớn thứ hai trên thế giới sau Thư viện Vatican. Các bản thảo tại đây bao gồm các bản thảo chép tay bằng tiếng Hy Lạp, Ả Rập, Armenia, Coptic, Hebrew, Georgian, Aramaic và Cauca Albania . Trong đó nổi bật nhất là Syriac Sinaiticus, là một bản dịch kinh Phúc Âm dày 358 trang, có từ thế kỷ thứ 4; Bản viết tay Codex Sinaiticus, được viết vào thế kỷ thứ 4, là một trong những bản thảo được bảo tồn hoàn hảo nhất về kinh Tân Ước. Tu viện còn có một bản sao giao ước (Ashtiname) của nhà tiên tri, lãnh tụ quốc gia Hồi giáo Muhammad (khoảng năm 570 – 632), trong đó Ngài tuyên bố ban sự bảo vệ của mình cho Tu viện với ấn xác nhận là dấu bàn tay của Muhammad. Hiện nay, các bản thảo quan trọng nhất đã được chụp ảnh hoặc số hóa, tạo điều kiện cho việc tiếp cận của các học giả. Ngay từ năm 1917, tại đây đã phục hồi được khoảng 130 bản thảo (palimpsests) chứa hàng chục ngàn trang văn bản, trong đó có cả 108 trang các bài thơ Hy Lạp chưa từng được biết tới của nhà y học vĩ đại Hippocrates.
Tu viện còn là một trong những bảo tàng nghệ thuật tranh tầm cỡ thế giới về tranh khảm (mosaic) và tranh nghệ thuật tôn giáo (Icon). Nhiều bức tranh có niên đại từ thế kỷ thứ 5, 6, vào loại sớm nhất trên thế giới.
Tại đây có nhiều bức tranh vẽ bằng sơn dầu dạng sáp nóng (encaustic, liên quan đến việc sử dụng sáp ong nóng để pha màu). Tu viện lưu giữ được 120 bức tranh tôn giáo phong cách nghệ thuật Crusader (Giai đoạn Thập tự chinh thời Trung cổ). Nhiều bức tranh được cho bắt nguồn từ khu vực Latinh (La Mã), hoặc do các tu sĩ sống xung quanh thu viện thực hiện vào thế kỷ 13.
Ngoài ra, trong Tu viện còn bảo tồn được các hiện vật như đồ phục vụ, bình rượu, hộp chứa các di tích reliquarie) và các công trình phục vụ nghi lễ.
Từ thế kỷ 14, hàng năm có hàng ngàn người hành hương đến Tu viện.

Bên trong thư viện tại Tu viện Saint Catherine, Janub Sina, Ai Cập

Bản sao Giao ước của nhà tiên tri Muhammad ban sự bảo vệ của mình cho Tu viện

Bức tranh tôn giáo về Đức Trinh nữ với các vị thánh, có từ thế kỷ thứ 6

Bức tranh tôn giáo bằng sơn sáp nóng (encaustic) về thánh Saint Peter (một trong 12 thánh tông đồ của Chúa Jesus), có từ thế kỷ thứ 6

Bức tranh tôn giáo được biết đến lâu đời nhất về Đức chúa Jesus Christ, có từ thế kỷ thứ 6.

Bức tranh tôn giáo về Nhà tiên tri Moses và Bụi cây cháy (burning bush), thế kỷ 12
Bên ngoài Tu viện, tại phía Tây, là một khu vườn cây, như một ốc đảo giữa cảnh hoang vắng của núi đá sa mạc. Vườn được cho là hình thành vào thế kỷ thứ 4. Các tu sĩ đã mang đất màu từ nơi xa đến và xây dựng bể chứa nước mưa và nước từ tuyết tan chảy từ trên núi xuống.
Cây trồng trong vườn gồm: ô liu, mơ mơ, mận và anh đào. Trong vườn có một khu nghĩa trang nhỏ.

Khu vườn cây bên cạnh Tu viện Saint Catherine
Ngọn núi linh thiêng Sinai
Núi Sinai (Jebel Musa) có cao độ 2285m, cao so với khu vực xung quanh khoảng 332m. Đây là ngọn núi thiêng cho người Do thái, Cơ đốc giáo và Hồi giáo.
Trên đỉnh núi Sinaï còn có một nhà nguyện nhỏ của Thiên chúa giáo, được xây dựng vào năm 1934 trên tàn tích của một nhà thờ thế kỷ 16 và một nhà thờ Hồi giáo nhỏ. Kề liền đó là một hốc đá, được cho là nơi mà nhà tiên tri, lãnh tụ tôn giáo Moses đã nhận được 10 Điều răn (Ten Commandments/ Decalogue) từ Đấng tối cao.

Nhà nguyện nhỏ của Thiên chúa giáo trên núi Sinai, Janub Sina, Ai Cập

Nhà thờ Hồi giáo nhỏ trên núi Sinai, Janub Sina, Ai Cập
Di sản Khu vực Saint Catherine, tại Janub Sina, Ai Cập là địa điểm hành hương của tín đồ Công giáo và hiện là nơi thu hút đông đảo du khách.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/954
https://en.wikipedia.org/wiki/Saint_Catherine,_Egypt
https://en.wikipedia.org/wiki/Saint_Catherine%27s_Monastery
https://en.wikipedia.org/wiki/Mount_Sinai
http://www.touregypt.net/featurestories/catherines1.htm
http://keepcalmandwander.com/st-catherine-monastery-mt-sinai-oldes-world/
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi |