Thông tin chung:
Công trình: Thành nhà Hồ (Citadel of the Ho Dynasty)
Địa điểm: Huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam (N20 4 41 E105 36 17)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản: 155,5 ha; Vùng đệm: 5.078,5 ha
Năm hình thành: 1379 - 1402
Giá trị: Di sản thế giới (2011; hạng mục ii, iv)
Nhà Hồ, là triều đại quân chủ trong lịch sử Việt Nam, tồn tại trong vòng 7 năm, bắt đầu từ Hồ Quý Ly (trị vì 1400 - 1401) giành được quyền lực từ tay nhà Trần năm 1400 và chấm dứt khi Hồ Hán Thương (trị vì 1401- 1407) bị thất bại trước quân Minh vào năm 1407. Quốc hiệu là Đại Việt của vương triều trước đổi thành Đại Ngu.
Nhà Hồ chuyển kinh đô từ thành Thăng Long, Hà Nội vào thành Tây Đô, Thanh Hóa.
Mặc dù tồn tại trong thời gian ngắn, nhà Hồ đã tiến hành nhiều cải cách như: Phát hành tiền giấy; Đổi mới chính sách thuế; Ban hành các thước đo chuẩn quốc gia (cân, thước, thưng, đấu); Lập hệ thống kho dự trữ thóc; Thay đổi chế độ thi cử…Về tôn giáo, nhà Hồ không tôn sùng đạo Phật như trước mà tôn trọng Nho giáo hơn.
Về quan hệ ngoại giao với phương Bắc, nhà Hồ nhún nhường nhà Minh (thống nhất Trung Quốc vào năm 1368 và bắt đầu có ý định nhòm ngó Đai Việt), thậm chí năm 1405 đã phải cắt đất tại Lạng Sơn dâng cho Trung Quốc.
Về quan hệ ngoại giao với phương Nam, vua Hồ Hán Thương đã 2 lần tiến đánh vương quốc Chiêm Thành (vương triều kế tiếp vương quốc Lâm Ấp và vương quốc Hoàn Vương, tồn tại trong giai đoạn năm 875- 1471). Lãnh thổ Đại Ngu được mở rộng về phía Nam (đến Quảng Ngãi ngày nay);
Trước họa xâm lăng của nhà Minh, nhà Hồ đã phải lo củng cố quân sự: Trang bị súng thần công (bằng đồng) cho quân đội; Cho đóng cọc ở các cửa biển và những nơi xung yếu trên sông Hồng; Tăng cường số lượng binh lính, củng cố và xây dựng các thành lũy mới.
Việc quốc gia bao gồm cả phần gốc và phần ngọn, nhà Hồ mới chỉ tập trung lo được phần ngọn liên quan đến cải cách kinh tế và quân sự, mà không chú ý đến phần gốc là lòng dân.
Năm 1406, nhà Minh tấn công Đại Ngu và đánh bại hoàn toàn quân đội nhà Hồ chỉ sau 1 năm, bắt được Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương vào năm 1407. Từ đây Việt Nam bắt đầu thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 4, kéo dài từ năm 1407- 1427. Thời kỳ này kết thúc khi Lê Lợi với sự ủng hộ của toàn dân đã đánh bại nhà Minh, dành lại độc lập cho Đại Việt vào năm 1427.
Lãnh thổ vương quốc Đại Ngu vào cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15
Thành Tây Đô nằm trên địa phận huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Thành do Hồ Quý Ly tổ chức xây dựng vào năm 1397, dưới triều nhà Trần. Khi Tây Đô trở thành kinh thành của vương triều nhà Hồ (vương triều Đại Ngu), thành Thăng Long được đổi tên là Đông Đô. Thành Tây Đô được dân gian quen gọi là Thành nhà Hồ.
Thành nhà Hồ nằm giữa sông Mã và sông Bưởi (phụ lưu của sông Mã) tại phía Đông, Nam và Tây, phía Bắc là dãy núi Thổ Tượng. Vị trí xây thành có sông nước bao quanh, có núi non hiểm trở, vừa có ý nghĩa chiến lược phòng thủ, vừa phát huy được ưu thế giao thông thủy bộ.
Thành được xây dựng trong 3 tháng, từ tháng Giêng đến tháng 2 năm 1397. Các cấu trúc khác như các cung điện, La Thành phòng vệ bên ngoài, Đàn Nam Giao... còn được tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cho đến năm 1402.
Như mọi kinh thành thời bấy giờ, Thành nhà Hồ bao gồm Thành ngoại, Thành nội và các công trình phụ trợ xung quanh. Thành được tạo lập dựa trên những nguyên tắc của phong thủy, là minh chứng cho sự phồn thịnh Nho giáo vào thế kỷ 14 ở Việt Nam cũng như Đông Á.
Thành nhà Hồ được xây dựng từ những khối đá vôi lớn thể hiện sự phát triển mới của công nghệ kiến trúc và quy hoạch trong bối cảnh Đông Á và Đông Nam Á thời bấy giờ. Các yếu tố kiến trúc và bố cục không gian tập trung thể hiện quyền lực hoàng gia theo triết lý Nho giáo và văn hóa theo triết lý Phật giáo.
Đây là tòa thành kiên cố bằng đá có giá trị và độc đáo duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong số rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới.
Thành nhà Hồ Đây còn là một trong số ít các di tích kinh thành ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á chưa chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa. Cảnh quan và quy mô kiến trúc nơi đây còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn, cả trên mặt đất và trong lòng đất.
Thành nhà Hồ, tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa (năm 2011) với tiêu chí:
Tiêu chí (ii): Các di tích và cảnh quan Thành nhà Hồ là minh chứng về biểu tượng quyền lực tập trung của nhà nước phong kiến ảnh hưởng Nho giáo Trung Quốc trong những năm cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15; là đại diện cho sự phát triển phong cách kiến trúc mới, nhờ công nghệ và các nguyên tắc quy hoạch khởi nguồn từ sự giao lưu giữa các yếu tố Đông Á và Đông Nam Á, gắn với điều kiện môi trường tự nhiên và kết hợp với các yếu tố bản địa Việt Nam.
Tiêu chí (iv): Thành nhà Hồ là một ví dụ nổi bật về một quần thể kiến trúc cảnh quan minh họa cho một giai đoạn tư tưởng Nho giáo mới vào cuối thế kỷ 14 ở Việt Nam, tại thời điểm khi nó đã lan rộng khắp khu vực Đông Nam Á và có ảnh hưởng lớn tới tư tưởng nhà nước. Việc huy động được một khối lượng đá lớn để xây dựng thành đã chứng minh cho sức mạnh của tổ chức nhà nước Nho giáo mới tại đây, cũng như sự thay đổi bố cục trên trục chính tạo cho Thành nhà Hồ khác với cách bố trí thành lũy kiểu Trung Quốc.
Sơ đồ Di sản Thành nhà Hồ, Thanh Hóa, Việt Nam; Màu đỏ: khu vực Di sản; Màu vàng: vùng đệm
Vị trí Di sản Thành nhà Hồ, Thanh Hóa trong Sơ đồ phân bố Di sản thế giới và các Di sản UNESCO khác tại Việt Nam (thời điểm năm 2015) - kí hiệu ô tròn 7
Di sản Thành nhà Hồ có diện tích 155,5 ha, được bao quanh bởi vùng đệm 5078,5ha.
Theo thời gian, Thành nhà Hồ về cơ bản vẫn còn bảo tồn được được tính nguyên vẹn của 3 thành phần chính, đại diện cho đặc điểm kinh đô của vương triều nhà Hồ: Tường ngoài La Thành; Đàn tế Nam Giao, Nội thành.
Vùng xung quanh Thành cổ nhà Hồ ngày nay vẫn còn lưu lại được các yếu tố văn hóa, là một phần của một kinh thành lớn cuối thế kỷ 14 – đầu thế kỷ 15, bao gồm các di tích tôn giáo, làng chuyền thống, đình, đường làng, chợ, bến thuyền và các danh lam thắng cảnh.
Sơ đồ Thành nhà Hồ
Vị trí các hạng mục công trình chính có liên quan: 1. Trưng bày; 2. Thành Nội; 3. Đường Hoàng Gia; 4. Đàn Nam Giao; 5. La Thành; 6. Công trường khai thác đá cổ; 7. Đền nàng Bình Khương; 8. Đình Đông Môn; 9. Nhà cổ; 10. Mau An Tôn (hồ Mỹ Xuyên); 11. Động Eo Lê; 12. Hang Nàng; 13. Đình Yên Tôn Thượng; 14. Đình Yên Tôn Hạ; 15. Đền Cao Sơn; 16. Chùa Linh Giang; 17. Bến Ngự; 18. Đền Tam tổng; 19. Chùa Nhân Lộ; 20. Nhà thờ; 21. Chùa Tường Vân (chùa Giáng); 22. Đền Trần Khát Chân; 23. Núi Tiến sĩ; 24. Động Hồ Công; 25. Đình Hồ Nam; 26. Núi Thổ Tượng; 27. Sông Bưởi; 28. Sông Mã; 29. Bến Đá
Thành ngoại
La Thành
Thành ngoại có quy mô rộng lớn, thuộc địa phận xã Vĩnh Long, Thị trấn Vĩnh Lộc (tại phía Đông), xã Vĩnh Khang (tại phía Nam), xã Vĩnh Ninh, Vĩnh Yên, Vĩnh Quang (phía Bắc và Tây).
Thành ngoại được giới hạn bởi La Thành, đào đắp dựa theo địa hình tự nhiên, có đoạn thì nối liền với núi đá, có đoạn là đê của sông Mã, sông Bưởi và có đoạn đắp bằng đất.
Đoạn tường thành bằng đất cao khoảng 6m, mặt cắt dạng hình thang với bề mặt rộng 9,20m, chân thành rộng khoảng 37m. Mặt ngoài dốc đứng, phía trong thoai thoải kiểu bậc thang, mỗi bậc cao 1,50m, một số vị trí có trộn thêm sạn sỏi gia cố. Trên mặt thành trồng tre gai dày đặc cùng với hào sâu có bề mặt rộng tới 50 m chạy dọc theo tường thành.
Khi xây dựng kinh thành Tây Đô, nhà Hồ đã sử dụng sông Mã là tuyến giao thông đường thuỷ vận chuyển nguyên vật liệu, trao đổi buôn bán. Mặt khác, sông Mã và sông Bưởi cũng là tuyến phòng thủ tự nhiên phía ngoài kinh thành.
Nối liền khu vực Thành nội với sông Mã là một con sông đào mang tên Mau An Tôn, có vai trò như một tuyến giao thông thủy. Ngày nay chỉ còn lại một đoạn dài khoảng 2km, rộng 100m tạo thành hồ Mỹ Đàm (Mỹ Xuyên, Mau Rẹ).
La thành bằng đất, Quần thể Di sản Thành nhà Hồ, Thanh Hóa
Sông Mã, đoạn chảy qua khu vực Quần thể Di sản Thành nhà Hồ, Thanh Hóa
Sông Bưởi (phụ lưu sông Mã), đoạn chảy qua khu vực Quần thể Di sản Thành nhà Hồ, Thanh Hóa
Sông đào Mau An Ton nối Thành nội với sông Mã, Quần thể Di sản Thành nhà Hồ, Thanh Hóa
Núi Thổ Tượng - “Hậu chẩm” của Thành nội, Quần thể Di sản Thành nhà Hồ, Thanh Hóa
Núi Đốn Sơn - “Tiền án” của Thành nội, Quần thể Di sản Thành nhà Hồ, Thanh Hóa
Núi An Tôn là nơi khai thác đá xây thành, Quần thể Di sản Thành nhà Hồ, Thanh Hóa
Đàn tế Nam Giao
Đàn tế Nam giao xây dựng vào năm 1402 tại phía Nam Thành nội, dựa theo sườn Tây Nam núi Đốn Sơn. Đàn hiện nay chỉ còn lại tàn tích.
Đàn có mặt bằng hình vuông, theo hướng Bắc – Nam là 250m, hướng Đông – Tây là 150m với tổng diện tích 35.000m2. Đàn được chia làm nhiều tầng giật cấp cao dần lên. Vòng đàn ngoài cùng dài 145m, rộng 113m; Vòng đàn giữa gần hình vuông 65m x 65m; Vòng đàn trong cùng hình đa giác (60,60m x 52m) có hai cạnh trên vát chéo. Các vòng đàn chênh nhau khoảng 3-4m. Trong cùng là nền đàn tế hình chữ nhật 23,60m x 17m với đàn tế hình tròn, đường kính 4,75m.
Nền đàn được đầm nện bằng các loại đá dămi, móng và tường đàn được xây dựng bằng các loại đá xanh và gạch ở hai bên, ở giữa nhồi đất. Tường đàn có mái lợp các loại ngói mũi sen, ngói mũi lá và ngói âm dương. Mặt nền đàn được lát bằng loại gạch vuông cỡ lớn. Các đường đi trong đàn được lát đá. Trong khu vực đàn tế còn tìm thấy dấu tích của hàng chục nền móng của các kiến trúc phụ, 5 cửa, đường đi và cống tiêu thoát nước.
Tại góc Đông Nam của đàn có một giếng nước. Phần thành giếng được xây bằng các khối đá có mặt bằng hình vuông (13m x 13m) có bậc đi xuống nhỏ giật vào trong lòng theo lối "thượng thách hạ thu", phần lòng giếng hình tròn, mặt cắt hình phễu, phần miệng tròn có đường kính khoảng 6,50m, độ sâu tính từ miệng giếng vuông 4,90m.
Đàn tế Nam Giao, Quần thể Di sản Thành nhà Hồ, Thanh Hóa
Giếng Vua, Quần thể Di sản Thành nhà Hồ, Thanh Hóa
Các công trình kiến trúc
- Đền thờ nàng Bình Khương: là nơi thờ Bình Khương phu nhân của Cống sinh Trần Công Sỹ, một trong những người chỉ huy xây dựng tường thành Tây Đô.
Theo truyền thuyết, Trần Công Sỹ là đốc công xây cửa Đông thành, nhưng do cứ xây gần xong, thành lại bị sụt lún làm chậm tiến độ. Hồ Quý Ly nghi ông cố tình tạo phản nên đem chôn sống.
Nghe tin, nàng Bình Khương tìm về đến nơi, đập đầu vào thành đá nhà Hồ để kêu oan và chết cùng chồng.
Đến đời vua Đồng Khánh (hoàng đế thứ 9 triều Nguyễn, trị vì năm 1885- 1889), người ta đồn về về việc phát hiện dấu tay và đầu nàng Bình Khương qua 500 năm vẫn còn in rõ trên phiến đá tường thành. Khách xa gần hiếu kì tìm về rất đông. Viên hào lý trong làng lo ngại nên thuê thợ về đục cả phiến đá đem chôn. Sau đó thì người thợ và cả viên hào lý đều chết không rõ nguyên nhân. Quan Tri phủ nghe tin, sai lính tìm, đào phiến đá đó lên, đặt đúng vào chỗ cũ và cho khắc dòng chữ "Trần triều Cống Sinh - Bình Khương nương, phu nhân tri thạch" (nghĩa là: Tảng đá này ghi dấu vết của bà Bình Khương, là nương tử của ông Cống Sinh, triều nhà Trần). Tri phủ lại dựng thêm một phiến đá ở chân thành, nơi xưa Cống Sinh bị chôn lấp, trên đó khắc dòng chữ "Trần triều Cống Sinh - Bình Khương phu quân chi biếm" (nghĩa là: Nơi chôn lấp chồng bà Bình Khương, là Cống Sinh triều Trần). Người dân lập đền thờ bà ngay sát chân thành nhà Hồ về phía Đông, thuộc địa phần làng Đông Môn, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Năm 1903 bà được nhà Nguyễn phong cho 4 chữ "Tiết liệu khả phong" và giao cho 3 làng Đông Môn, Xuân Giai, Tây Giai xây dựng một ngôi đền kiên cố để thờ bà.
Các trí sĩ triều đình phong kiến sau này mượn câu chuyện về nàng Bình Khương để nói về chính thể nhà Hồ, một chính thể mạnh về kinh tế và quân sự, song tàn nhẫn, bất nhân, không được lòng dân và cuối cùng đã sụp đổ.
Đền có diện tích 600m2, kiến trúc gồm Tiền đường và Hậu cung.
Đền thờ Bình Khương, Quần thể Di sản Thành nhà Hồ, Thanh Hóa
Nơi chàng Cống Sinh bị chôn sống, dưới chân thành nhà Hồ
Phiến đá được cho là có hình đầu của nàng Bình Khương với hai vết tay hai bên.
- Đình Đông Môn: Đình nằm cách cổng Đông của Thành nội khoảng 150m về phía Đông, thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc. Đình được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng (1533- 1789), đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu. Đình là một tòa 5 gian, 2 chái, 4 mái. Phía sau đình là tòa hậu cung, 1 gian, 2 chái, 4 mái, đặt song song với đình. Trong đình lưu giữ một số hiện vật liên quan đến di tích Thành nhà Hồ và nhiều sinh hoạt truyền thống gắn với ngôi làng cổ của kinh đô xưa.
Đình Đông Môn, Quần thể Di sản Thành nhà Hồ, Thanh Hóa
Thành nội
Thành nội nằm theo trục Tây Bắc – Đông Nam, dựa lưng vào dãy núi lớn Thổ Tượng cao 117m (được xem là “Hậu chẩm” theo thuyết phong thủy, cách Thành nội 1,5km về phía Tây Bắc), hướng về núi Đốn Sơn (được xem là “Tiền án”, cách Thành nội 2,5km về phía Đông Nam).
Thành nội có mặt bằng gần như vuông, mỗi cạnh dài khoảng 870m – 880m với diện tích khoảng gần 80ha.
Thành nội, Quần thể Di sản Thành nhà Hồ, Thanh Hóa
Cổng thành và tường thành
Thành có 4 cổng theo chính hướng Nam - Bắc - Tây - Đông gọi là Cửa Tiền (Cửa Nam), Cửa Hậu (Cửa Bắc), cửa Đông Môn và cửa Tây Giai.
Thành nội được bao quanh bởi tường thành đá và có hào nước bao quanh với chiều rộng trung bình khoảng 50m. Các cổng thành đều xây kiểu vòm cuốn, đá xếp múi bưởi, trong đó to nhất là cửa chính Nam, dài 33,8m, cao 9,5m, rộng 15,17m. Cửa chính có 3 cổng ra vào, cửa giữa rộng 5,82 m, cao 5,75 m, hai cửa bên rộng 5,45 m, cao 5,35 m
Cổng Nam, Quần thể Di sản Thành nhà Hồ, Thanh Hóa
Cổng Đông , Quần thể Di sản Thành nhà Hồ, Thanh Hóa
Cổng Tây, Quần thể Di sản Thành nhà Hồ, Thanh Hóa
Cổng Bắc, Quần thể Di sản Thành nhà Hồ, Thanh Hóa
Đã xây vòm tạo cổng thành, Quần thể Di sản Thành nhà Hồ, Thanh Hóa
Tường thành bên ngoài xây bằng những khối đá có kích thước trung bình 2,2m x 1,5m x 1,2m, cá biệt có khối với kích thước tới 4,2m x 1,7m x 1,5m và 5,1m x 1m x 1,2m. Những khối đá lớn nhất nặng tới 26,7 tấn. Các khối đá được đẽo gọt khá vuông vắn và xây dựng không cần vữa. Đất đắp bên trong thoai thoải dần. Theo thời gian, tường thành đã bị bào mòn và có chỗ bị sạt lở, nhưng di tích tường thành chỗ còn lại vẫn dày khoảng 4-6m, chân thành rộng khoảng trên 20m.
Tại đây người ta tìm được rất nhiều viên bi đá, được sử dụng làm các con lăn vận chuyển đá, kết hợp với tời…
Về kỹ thuật xây dựng, kiến trúc Thành nhà Hồ là kết quả của sự kết hợp và sáng tạo các truyền thống xây dựng của cả Đông Á, Đông Nam Á và Việt Nam, được đánh giá là tạo nên các bước đột phá của công nghệ xây dựng các khối đá kích thước lớn.
Tường Thành nội bên ngoài xây bằng đá không vữa, phía trong đắp đất, Quần thể Di sản Thành nhà Hồ, Thanh Hóa
Những viên bi đá được cho là các con lăn vận chuyển đá, Quần thể Di sản Thành nhà Hồ, Thanh Hóa
Công trình kiến trúc
- Các cung điện, dinh thự: Đã bị phá huỷ hoàn toàn trong chiến tranh.
- Rồng đá: Tại trung tâm thành có một đôi rồng đá dài 3,62m, bị mất đầu. Rồng được chạm khắc rất tỉ mỷ, trau chuốt, được cho là cùng loại với rồng đá trên bậc thềm của điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long. Có giả thiết cho rằng, sau khi xâm chiếm nước Việt, quân Minh đã cho chặt đầu rồng nhằm thể hiện quyền uy của Thiên triều Trung Quốc.
Đôi rồng đá không còn đầu, Quần thể Di sản Thành nhà Hồ, Thanh Hóa
Di săn văn hóa Thành nhà Hồ, Thanh Hóa là một công trình kỳ vĩ bởi kỹ thuật, nghệ thuật xây dựng đá lớn và sự kết hợp các truyền thống xây dựng độc đáo có một không hai ở Việt Nam, khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong thời kỳ cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/1358
https://en.wikipedia.org/wiki/Citadel_of_the_H%E1%BB%93_Dynasty
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%8Bch_s%E1%BB%AD_Vi%E1%BB%87t_Nam
https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A0nh_nh%C3%A0_H%E1%BB%93
http://thanhnhaho.vn
http://www.vietnamtourism.com/disan/index.php?catid=35
http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/9935
Xem video giới thiệu Thành nhà Hồ tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|