Phế tích Tu viện Phật giáo Somapura Mahavihara tại Paharpur, Naogaon, Bangdalesh
07/11/2015
Thông tin chung: Công trình: Phế tích Tu viện Phật giáo tại Paharpur (Ruins of the Buddhist Vihara at Paharpur) Địa điểm: huyện Badalgachhi Upazila, tỉnh Naogaon, vùng Rajshahi, Bangladesh (N25 1 60 E88 58 60) Thiết kế kiến trúc: Quy mô: Diện tích khoảng 11ha Năm thực hiện: 770 - 810 Giá trị: Di sản thế giới (1985, hạng mụci, ii, vi)
Bangladesh là một quốc gia ở Nam Á, có chung biên giới đất liền với Ấn Độ ở phía tây, bắc và đông, Myanmar về phía đông nam và vịnhBengal ở phía nam. Bangladesh có diện tích 148.460 km2, dân số 161,4 triệu người (năm 2018); Dhaka là thủ đô và là thành phố lớn nhất. Tôn giáo chính là Hồi giáo.
Bangladesh có nghĩa là "Đất nước Bengal". Theo các văn bản thiêng liêng cổ Rāmāyana và Mahābhārata của Ấn Độ, vùng Bengal (một phần Ấn Độ và Bangladesh ngày nay) thuộc Vương quốc Vanga (Vanga Kingdom) và Vương quốc Gauda (Gauda Kingdom).
Trong thời kỳ Cổ đại và Cổ điển, lãnh thổ Bangladesh bị chia cắt bởi các vương quốc khác nhhau: Pundravardhana; Vanga; Anga; Suhma; Radha; Samatata; Harikela, Pragjyotisa. Vùng Bengal cũng đã từng thuộc các đế chế Ấn Độ như Đế chế Mauryan (Maurya Empire, tồn tại năm 323 TCN - 184 TCN), Đế chế Gupta (Gupta Empire, tồn tại thế kỷ thứ 3 – 543). Các triều đại tại vùng Bengal với tư cách là quốc gia độc lập bắt đầu từ Vương quốc Gauda (Gauda Kingdom, tồn tại năm 320 - 626) dưới triều vua Shashanka (trị vì năm 590 - 625), được coi là vị vua tiên phong của một nhà nước Bengali thống nhất; lịch Bengali bắt nguồn từ triều đại của Shashanka; Vương quốc Varman (Varman Dynasty, tồn tại năm 350 - 655); Vương quốc Khadga (triều đại Phật giáo ở miền đông Bengal, tồn tại giữa thế kỷ 7 đến đầu thế kỷ 8); Đế chế Pala (Pala Empire, tồn tại năm 750-1120); Vương triều Chandra (Chandra Dynasty, tại miền nam Bengal, tồn tại từ thế kỷ 3- thế kỷ 11, là một trong những thành trì Phật giáo cuối cùng ở Tiểu lục địa Ấn Độ cùng với Đế chế Pala); Vương triều Sena (Sena Dynasty, triều đại Hindu giáo, tồn tại năm 1070- 1230); Vương triều Deva (Deva Dynasty, triều đại Hindu giáo, tồn tại từ thế kỷ 12 - thế kỷ 13). Các quốc gia trên được gọi là các quốc gia thuộc giai đoạn tiền Hồi giáo tại vùng Bengal.
Vào thời Trung cổ và thời kỳ Đầu hiện đại, vùng Bengal thuộc Vương quốc Hồi giáo Delhi (tồn tại năm 1204–1352); Vương quốc Hồi giáo Bengal (tồn tại năm 1352–1576). Tới thế kỷ 16, Đế chế Hồi giáo Mughal (Mughal Empire, tồn tại năm 1526 - 1857) kiểm soát Bengal và Dhaka trở thành một trung tâm tỉnh lỵ quan trọng của chính quyền Mughal.
Những thương nhân châu Âu tới đây từ cuối thế kỷ 15 và ảnh hưởng của họ dần tăng lên tới khi Công ty Đông Ấn (East India Company) của Anh giành quyền kiểm soát Bengal vào năm 1757.
Vào năm 1947, Bengal được chia theo vùng tôn giáo; vùng phía tây thuộc Ấn Độ và vùng phía đông thuộc Pakistan với tên gọi là tỉnh Đông Bengal (sau này được đổi tên thành Đông Pakistan, thủ phủ tại Dhaka). Sau một thời gian dài đấu tranh giành độc lập, Bangladesh trở thành quốc gia có chủ quyền vào năm 1971.
Bangladesh ngày nay được chia thành 8 vùng hành chính; Mỗi phân khu được đặt tên theo thành phố thủ phủ: Barisal, Chittagong, Dhaka, Khulna, Mymensingh, Rajshahi, Sylhet và Rangpur. Các vùng phân thành 66 tỉnh.
Bản đồ Bangladesh và vị trí tỉnh Naogaon
Vào thế kỷ thứ 8, Vương triều Pala (Pala Empire, tồn tại năm 750-1120) đã mở ra một thời kỳ ổn định và thịnh vượng ở Bengal. Vị vua đầu tiên của vương triều là vua Gopala I (750–770), là tín đồ của trường phái Phật giáo Đại thừa và Kim Cương thừa. Lãnh thổ Đế chế Pala gồm miền đông Pakistan, đông bắc Ấn Độ, Nepal và Bangladesh ngày nay. Vương triều Pala có quan hệ với các Đế chế Srivijaya (Srivijaya Empire, tồn tại năm 650–1377, Java, Indonesia); Đế chế Tây Tạng (Tibetan Empire, tồn tại 618–842) và Abbasid Caliphate Ả Rập (ArabAbbasid Caliphate, tồn tại 750 - 1517) về thương mại, tri thức (như toán học, thiên văn học…). Thời kỳ Pala được coi là một trong những thời kỳ hoàng kim của Bengal, là đế chế Bengali lớn nhất được biết đến ở Ấn Độ thời Cổ đại và Cổ điển. Vương triều Pala còn có vai trò chính trong việc giới thiệu Phật giáo Đại thừa ở Tây Tạng, Bhutan và Miến Điện. Trong thời kỳ Pala, Bengal trở thành trung tâm chính của việc truyền bá tri thức Phật giáo cũng như tri thức thế tục. Những người Pala nổi tiếng là những nhà ngoại giao sắc sảo; những nhà chinh phục quân sự với những binh đoàn voi chiến khổng lồ và chiến thuyền trên vịnh Bengal. Những người Pala đã tạo ra nhiều đền thờ, các tác phẩm nghệ thuật cũng như các cơ sở đào tạo bậc cao, một trong số đó là Tu viện Somapura Mahavihara.
Tu viện Somapura Mahavihara là tu viện Phật giáo lớn nhất trong tiểu lục địa Ấn Độ được xây dựng trong thời kỳ Vương triều Pala, dưới triều vua Dharmapala (Dharmapala Eemperor, trị vì năm 770- 810, kế tục vua Gopala I).
Tu viện Somapura Mahavihara nằm ở làng Paharpur, huyện Badalgachhi Upazila, tỉnh Naogaon, vùng Rajshahi, tại tây bắc Bangladesh. Đây là điện thờ, nơi tu tập, ở và làm việc của các nhà truyền bá Phật giáo, tu sĩ, học giả. Các bản ghi chép bằng văn tự ghi lại hoạt động tôn giáo và văn hóa của Tu viện vĩ đại này, trong đó có mối liên kết chặt chẽ với các trung tâm Phật giáo nổi tiếng đương thời tại Bohdgaya (Quần thể chùa Mahabodhi tại Bodh Gaya, bang Bihar, Ấn Độ; địa điểm liên quan đến nơi Đức Phật đạt được giác ngộ dưới cây Bồ đề) và Nalanda (một tu viện Phật giáo, trung tâm học vấn nổi tiếng vương quốc cổ đại Magadha, Bihar, Ấn Độ)...
Vào thế kỷ 11, Tu viện bị thiêu hủy trong một cuộc chiến tranh. Phải một thời gian khá lâu sau đó, Tu viện mới được phục hồi lại. Dưới thời Đế chế Sena (1070- 1230), Tu viện dần bị suy thoái, bị bỏ rơi vào thế kỷ 13 và sau đó là bị chiếm đóng bởi những người Hồi giáo. Mặc dù vậy, quy mô kiến trúc của Tu viện còn khá nguyên vẹn. Ngày nay, Quần thể tu viện Phật giáo tại Paharpur là di tích ngoạn mục và tráng lệ nhất ở Bangladesh và là phế tích tu viện Phật giáo lớn thứ hai ở phía nam của dãy Himalaya.
Phối cảnh tổng thể Phế tích Tu viện Phật giáo tại Paharpur, Naogaon, Bangladesh
Phối cảnh mô hình phục dựng Tháp Trung tâm, Phế tích Tu viện Phật giáo tại Paharpur, Naogaon, Bangladesh
Quần thể Tu viện Phật giáo Somapura Mahavihara tại Paharpur, huyện Badalgachhi Upazila, tỉnh Naogaon, vùng Rajshahi là di tích tiền Hồi giáo ngoạn mục và là địa điểm khảo cổ học quan trọng nhất tại Bangladesh, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới (năm 1985) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Tu viện Phật giáo tại Paharpur đại diện cho một thành tựu nghệ thuật độc đáo. Bố cục đối xứng và cách bố trí rất nhiều ô phòng điển hình bao quanh điện thờ thể hiện chức năng rộng lớn của Tu viện. Các đường nét đơn giản, hài hòa và sự phong phú của trang trí chạm khắc bằng đá, đất nung là những tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người.
Tiêu chí (ii): Tu viện Phật giáo tại Paharpur với hình thức kiến trúc nổi bật, lần đầu tiên được xây dựng với quy mô lớn ở châu Á, đã có ảnh hưởng sâu sắc đến xây dựng các đền thờ tại Pagan, Myanmar, đền thờ Loro-Jongrang và Chandi Sewer, miền trung Java, Indonesia và kiến trúc Phật giáo ở tận Campuchia. Nghề xây dựng bằng vật liệu đất nung từ làng Paharpur, tồn tại từ thế kỷ thứ 8, đã lan truyền đến các vùng xung quanh.
Tiêu chí (vi): Tu viện Phật giáo Somapura Mahavihara tại Paharpur là minh chứng cho sự trỗi dậy của Phật giáo ở Bengal từ thế kỷ thứ 7. Tu viện trở thành một trong những trung tâm nổi tiếng về tôn giáo và văn hóa Phật giáo trong sự bảo trợ của hoàng gia triều đại Pala; là một trung tâm học vấn danh tiếng cho đến thế kỷ 17.
Di sản Phế tích Tu viện Phật giáo Somapura Mahavihara tại Paharpur nằm trên một khu đất diện tích khoảng 11ha, có tường bao quanh dày 5m, cao 3- 5m.
Tu viện có mặt bằng là một hình tứ giác khổng lồ, mỗi cạnh dài 275 m, diện tích khoảng 7,5ha, bố cục gần theo hướng đông – tây và nam bắc. Bao quanh Tu viện là một dãy công trình được phân thành các ô: 45 ô tại mặt bắc, 44 ô tại 3 mặt còn lại, tổng cộng là 177 ô phòng. Đây là các phòng nhỏ để bố trí các nơi tu tập, ở, làm việc của các nhà truyền bá Phật giáo, tu sĩ, học giả và các phòng phụ trợ.
Bên trong sân, xung quanh Tháp trung tâm vẫn còn tàn tích của một số công trình bảo tháp nhỏ, các tòa nhà phụ trợ cho các hoạt động của Tu viện.
Tổng mặt bằng Di sảnPhế tích Tu viện Phật giáo tại Paharpur, Naogaon, Bangladesh
Mặt bằng tổng thể Phế tích Tu viện Phật giáo tại Paharpur, Naogaon, Bangladesh
Tàn tích của dãy các ô phòng nhỏ, bao quanh Tòa tháp chính, Tu viện Phật giáo tại Paharpur, Naogaon, Bangladesh
Tàn tích của các công trình tại sân bao quanh Tòa tháp chính, Tu viện Phật giáo tại Paharpur, Naogaon, Bangladesh
Trung tâm của Tu viện là điện thờ dạng chùa tháp với mặt bằng hình chữ thập đặt trên nền dật bậc với 3 bậc thềm.
Tháp trung tâm hiện đã bị phá hủy, chỉ còn lại các tầng bậc tháp và thang dẫn lên bậc thềm trên cùng với chiều cao 24m so với xung quanh.
Tàn tích của Tháp trung tâm vẫn còn lưu giữ được các tác phẩm nghệ thuật đất nung vô cùng ấn tượng, đại diện cho nghệ thuật trang trí Phật giáo thời kỳ Pala.
Mặt bằng tổng thể Tháp Trung tâm, Tu viện Phật giáo tại Paharpur, Naogaon, Bangladesh
Mặt đứng tàn tích Tháp Trung tâm, Tu viện Phật giáo tại Paharpur, Naogaon, Bangladesh
Phối cảnh tổng thể tàn tích Tháp Trung tâm, Tu viện Phật giáo tại Paharpur, Naogaon, Bangladesh
Chi tiết các dật góc tại bậc nền của Tháp Trung tâm,Tu viện Phật giáo tại Paharpur, Naogaon, Bangladesh
Phế tích còn lại của cổng vào Tháp Trung tâm, Tu viện Phật giáo tại Paharpur, Naogaon, Bangladesh
Ngoài số lượng lớn các bảo tháp và đền thờ với hình dạng và các kích cỡ khác nhau, các tác phẩm điêu khắc đá, đất nung, tại đây còn phát hiện những đồng xu, gốm sứ...
Cấu trúc xây dựng và hình thức kiến trúc của Tu viện Phật giáo Somapura Mahavihara, cùng các trang trí chạm khắc bằng đá và đất nung đã ảnh hưởng không nhỏ tới các kiến trúc Phật giáo khác ở Miến Điện, Campuchia và Indonesia.
Di tích tượng Phật còn lại tại Tháp Trung tâm, Tu viện Phật giáo tại Paharpur, Naogaon, Bangladesh
Các bức chạm khắc trang trí còn lại bên trong Tòa tháp trung tâm, Tu viện Phật giáo tại Paharpur, Naogaon, Bangladesh
Ngày nay, Phế tích đạo Phật ở Somapura Mahaviharatại Paharpur, huyện Badalgachhi Upazila, tỉnh Naogaon,
là tượng đài văn hóa hoành tráng ở Bangladesh, là địa điểm tham quan hấp dẫn khách du lịch khi tới Bangladesh.