Thông tin chung
Công trình: Đền Vat Phou và các khu định cư cổ liên quan trong cảnh quan văn hóa Champasak (Vat Phou and Associated Ancient Settlements within the Champasak Cultural Landscape)
Địa điểm: Tỉnh Champasak, Lào (N14 50 54 E105 49 20)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 39000ha
Năm thực hiện:
Giá trị: Di sản thế giới (2001; hạng mục iii, iv, vi)
Lào nằm ở trung tâm bán đảo Đông Dương, giáp với Myanmar (Miến Điện) và Trung Quốc phía Tây Bắc, Việt Nam ở phía Đông, Campuchia ở phía Tây Nam và Thái Lan ở phía Tây và Tây Nam. Lào là quốc gia không giáp biển duy nhất ở Đông Nam Á.
Lào có diện tích 237.955 km2, dân số khoảng 6,8 triệu người (2015).
Lào được phân thành 17 tỉnh và thành phố thủ đô Viên Chăn (Vientiane).
Vào năm 2009, tại Động Tam Pa Ling trên dãy Trường Sơn ở Bắc Lào người ta đã phát hiện được một hộp sọ người Cổ đại, ít nhất 46.000 năm tuổi, trở thành hóa thạch người hiện đại cổ nhất được tìm thấy cho đến nay ở Đông Nam Á.
Các đồ tạo tác bằng đá thuộc nền văn hóa Hòa Bình (Hoabinhian), thời Đồ đá cũ (12000 – 10000 trước Công nguyên) đã được tìm thấy tại Bắc Lào. Lào cũng là quốc gia có Di sản Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng (Megalithic Jar Sites in Xiengkhuang – Plain of Jars; Di sản thế giới năm 2019), một khu vực khảo cổ cự thạch có niên đại từ thời Đồ sắt (500 năm TCN đến 500 sau Công nguyên) và là một trong những địa điểm thời tiền sử quan trọng nhất ở Đông Nam Á.
Giai đoạn tiền lịch sử của Lào được đặc trưng bởi sự tiếp xúc với các nền văn minh Trung Quốc và Ấn Độ. Theo các bằng chứng ngôn ngữ và lịch sử, các bộ lạc nói tiếng Tai tại phía Bắc đã di cư về phía Tây Nam đến các vùng lãnh thổ hiện đại của Lào và Thái Lan vào khoảng giữa thế kỷ 8- 10.
Quốc gia Lào hiện tại có nguồn gốc lịch sử và văn hoá từ Vương quốc Triệu Voi (Lan Xang), được thành lập vào thế kỷ 14, là một vương quốc có diện tích lớn tại Đông Nam Á, tồn tại trong 4 thế kỷ.
Vào thế kỷ thứ 9, Đế chế Khmer (Khmer Empire, tồn tại 802- 1431) khởi nguồn từ vương quốc Phù Nam (Funan, khu vực Đông Nam Á, thủ phủ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tồn tại năm 50 – 550) và vương quốc Chân Lạp (Chenla, một phần của Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam ngày nay, tồn tại năm 550 – 802) đã cai trị và hoặc chư hầu hầu hết lục địa Đông Nam Á và một phần miền Nam Trung Quốc.
Đế chế Khmer còn gọi là Đế chế Angkor, là một đế quốc Hindu giáo - Phật giáo ở Đông Nam Á.
Bản đồ Đông Nam Á năm 900; Đế chế Khmer màu đỏ, Đế chế Champa màu vàng
Vương quốc Triệu Voi (Lan Xang) được khởi dựng từ một vùng đất thuộc Đế chế Khmer.
Do vị trí địa lý trung tâm ở Đông Nam Á, Vương quốc Triệu Voi trở thành trung tâm thương mại trên đất liền, trở nên giàu có về mặt kinh tế cũng như văn hóa.
Sau một giai đoạn xung đột nội bộ, Lan Xang phân chia thành ba vương quốc riêng biệt: Luang Phrabang, Viêng Chăn và Champasak.
Năm 1893, ba vương quốc hợp thành một lãnh thổ bảo hộ thuộc Pháp, tiền thân của quốc gia Lào hiện nay.
Lào giành được độc lập trong thời gian ngắn vào năm 1945, sau khi Nhật Bản chiếm đóng. Sau đó người Pháp áp đặt lại quyền cai trị cho đến khi Lào được tự trị vào năm 1949.
Lào độc lập vào năm 1953 với chính thể quân chủ lập hiến. Cuộc nội chiến Lào kết thúc vào năm 1975, chấm dứt chế độ quân chủ, lập nên nhà nước hiện tại.
Bản đồ Lào và vị trí tỉnh Champasak (phía Nam Lào)
Vat Phou nằm trên bờ sông Mekong ngay phía Đông của núi Phou Khao.
Vào thế kỷ thứ 5, vùng đất này là thuộc thành phố Shrestapura, kinh đô của một tiểu quốc có các văn bản và chữ khắc kết nối với Vương quốc Chân Lạp và và Vương quốc Champa. Một số công trình kiến trúc trên núi Phou Khao được xây dựng trong thời gian này, trong đó có đền Wat Phou. Đây trở thành trung tâm của đạo Hindu, thờ thần Shiva.
Dưới thời Đế chế Khmer, là một đế quốc Hindu giáo - Phật giáo, khi Phật giáo trở thành Quốc giáo thì Wat Phoutrở thành đền thờ Phật và tồn tại cho đến ngày nay, trở thành một trong những nơi lưu giữ các giá trị về lịch sử và văn hóa Lào.
Các công trình kiến trúc còn sót lại đến ngày nay chủ yếu có niên đại từ thế kỷ 11 - 13.
Wat Phou là nơi tích tụ lại các giá trị văn hóa tạo thành Cảnh quan văn hóa Champasak, là một cảnh quan được quy hoạch rất tốt, được bảo tồn với hơn 1.000 năm tuổi.
Quần thể đền thể hiện tầm nhìn theo triết lý Hindu giáo về mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người, sử dụng một trục từ đỉnh núi đến bờ sông để tạo ra một mô hình hình học của các ngôi đền, đền thờ và công trình nước kéo dài hơn 10 km. Hai thị trấn được quy hoạch bên bờ sông Mekong gắn liền với cảnh quan núi Phou Kao cũng là một phần của quần thể này.
Quần thể đền là một trong những đại diện cho sự hình thành và phát triển văn hóa Đông Nam Á từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 15, chủ yếu gắn liền với Đế chế Khmer.
Đền thờ Wat Phou và các khu định cư cổ liên quan tại tỉnh Champasak, Lào được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 2001 với tiêu chí:
Tiêu chí (iii): Quần thể đền Vat Phou là bằng chứng độc đáo về nền văn hóa Đông Nam Á, và đặc biệt là nền văn hóa của Đế chế Khmer, vương quốc đã thống trị khu vực từ thế kỷ thứ 10 -14.
Tiêu chí (iv): Quần thể đền Vat Phou là một ví dụ nổi bật của một quần thể kiến trúc cảnh quan, mang tính biểu tượng tinh thần cho môi trường cảnh quan tự nhiên xung quanh.
Tiêu chí (vi): Quần thể đền Vat Phou như là một phiên bản của văn hóa, tín ngưỡng Hindu về mối quan hệ giữa thế giới tự nhiên và thế giới con người. Đền là phức hợp các di tích, cấu trúc xây dựng trên một khuôn viên rộng rãi giữa sông và núi; là nơi lưu giữ một số công trình kiến trúc xuất sắc, các tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời…thể hiện niềm tin và cam kết tôn giáo mãnh liệt.
Sơ đồ phạm vi Di sản đền Wat Phou và các khu định cư cổ liên quan tại Champasak, Lào
Bức vẽ đền Vat Phou (Henri Parmentier - EFEO – 1914)
Mặt bằng tổng thể Di sản đền Wat Phou, Champasak, Lào
Di sản Đền Wat Phou (Vat Phou tiếng Lào nghĩa là đền núi) và các khu định cư cổ liên quan nằm dưới chân núi Phou Khao, cách sông Mekong khoảng 6km, thuộc tỉnh Champasak, Lào.
Núi Phou Khao (Phú Kao), vào thời Cổ đại của người Khmer, còn có tên là Lingaparvata, có nghĩa là “Núi Linga”, bởi vì trên đỉnh núi có trụ đá giống như một linga, tượng trưng cho Thần Shiva của đạo Hindu. Nước suối chảy từ trên núi xuống được coi là nước thiêng.
Đền thờ Wat Phou được xây dựng giống như một ngôi đền, chùa Khmer.
Ngôi đền quay về hướng Đông, trải trên một trục dài 1,4km, bắt đầu từ vùng đồng bắng và kết thúc tại độ cao 100 so với xung quanh. Theo chiều dài, toàn bộ ngôi đền chia thành 3 khu vực theo 3 bậc thềm:
Khu vực đền Hạ
Khu vực đền Hạ hay Bậc thềm thấp nhất (Lower Level) là nơi bố trí cổng vào đền (Ornamental Entranceway). Phía trước cổng đền là hồ nước (Baray) rộng 600m x 200m.
Đây là nơi diễn ra các nghi lễ Phật giáo, Ấn Độ giáo, tín ngưỡng vật linh và tổ chức lễ hội đua thuyền, đua voi, chọi trâu…
Qua cổng đền, là một tuyến đường trục chính (Promenade) đắp cao, lát đá, được giới hạn bởi các hàng cột đá
dẫn lên bậc thềm giữa. Hai bên trục đường chính là hồ nước (Former Baray), hiện một phần bị bồi lấp như một bãi đất phẳng.
Phối cảnh nhìn từ khu vực đền Trung ra phía ngoài khu vực đền Hạ, Di sản đền Wat Phou, Champasak, Lào
Khu vực đền Hạ; đường dẫn vào khu vực đền Trung, Di sản đền Wat Phou, Champasak, Lào
Khu vực đền Trung
Khu vực đền Trung hay Bậc thềm giữa (Middle Level) là nơi bố trí một cụm công trình.
Hai bên trục chính là hai cung điện (Quadrangular Pavilions), được gọi là Cung điện phía Bắc và Cung điện phía Nam.
Hai cung điện có có mặt bằng tương tự nhau, bố cục theo dạng chu vi tạo thành sân trong. Lối vào cung điện từ trục đường chính. Có các cửa giả tại mặt phía Đông và Tây.
Sân của cả hai tòa cung điện lát bằng đá ong.Các bức tường của hành lang Cung điện phía Bắc là đá ong; Các bức tường của Cung điện phía Nam là đá sa thạch. Hình dáng của hai cung điện mang phong cách kiến trúc Angkor Wat thời kỳ đầu.
Tại đây có các bức điêu khắc và phù điêu tinh xảo bằng đá sa thạch, một phần có thể đã có từ thế kỷ thứ 6.
Tiếp sau hai tòa cung điện là trục giữa (Galleries) được nhấn mạnh bởi hai dãy hành lang hai bên dẫn đến bậc thang lên cổng vào khu vực đền Thượng.
Tại phía Nam của trục giữa (Galleries) có một ngôi đền nhỏ thờ Nandi (Nandi Hall), hình tượng con bò, vật cưỡi của vị thần Hindu giáo Shiva.
Tại phía Bắc của trục giữa (Galleries) có tượng một vị thần giám hộ (Khmer – er Dvarapala).
Khu vực đền nhìn từ đền Thượng, Di sản đền Wat Phou, Champasak, Lào
Tàn tích cung điện phía Bắc tại khu vực đền Trung, Di sản đền Wat Phou, Champasak, Lào
Khu vực đền Trung - Tàn tích hai cung điên hai bên trục đường, Di sản đền Wat Phou, Champasak, Lào
Đường lát đá lên khu vực đền Thượng Di sản đền Wat Phou, Champasak, Lào
Bậc đá lên khu vực đền Thượng, Di sản đền Wat Phou, Champasak, Lào
Khu vực đền Thượng
Khu vực đền Thượng hay Bậc thềm cao nhất (Upper Level) nằm lưng chừng núi, sát vách đá. Đây là nơi bố trí đền thờ chính, là trung tâm của quần thể đền, cạnh đó là nơi có dòng suối thiêng chảy qua.
Trước đền Thượng là một tòa tháp cổng (Gopura Gate) hai bên cổng có 3 ngôi đền nhỏ, hiện đã bị phá hủy hoàn toàn.
Trung tâm của đền Thượng là đền thờ thần Shiva (Shiva – lingam Sanctuary), sau này là chùa thờ Phật, đặt trên một bệ nền kích thước 60m x60m. Đền có bố cục của một ngôi đền Hindu giáo, gồm 3 không gian, theo hướng Đông- Tây: Tiền đường, nơi đặt lễ vật, Bái đường và Chính điện đặt ban thờ linh vật.
Phía sau đền thờ, trên vách núi tạc tượng thờ Trimurti hay 3 vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo, gồm Brahma là đấng tạo hóa, Vishnu là đấng bảo hộ và Shiva là đấng hủy diệt.
Xung quanh đền chính có nhiều di tích: Dấu chân Phật (Buddha Footprint); Viên đá hình cá sấu (Crocodile Stone); Viên đá hình con voi (Elephant Stone) và một hang thiền (Meditation Cella)….
Tàn tích đền chính thờ thần Shiva, khu vực đền Thượng, Di sản đền Wat Phou, Champasak, Lào
Chạm khắc tượng thờ 3 vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo tại vách núi phía sau đền chính,
khu vực đền Thượng, Di sản đền Wat Phou, Champasak, Lào
Chạm khắc Dấu chân Phật, khu vực đền Thượng, Di sản đền Wat Phou, Champasak, Lào
Viên đá chạm khắc hình cá sấu, khu vực đền Thượng, Di sản đền Wat Phou, Champasak, Lào
Chạm khắc hình con voi, khu vực đền Thượng, Di sản đền Wat Phou, Champasak, Lào
Các ngôi đền, tháp, hành lang…trong khu vực Di sản đều xây dựng bằng đá không dùng vữa, theo phong cách kiến trúc tại Angkor Wat.
Hầu hết các công trình trong khu đền đã bị phá hủy, hiện chỉ còn phần móng và tường. Trên bề mặt các phế tích tường đá, cột đá được chạm trổ hoa văn, hình người cầu kỳ, tinh xảo và sống động.
Trang trí trên lối ra vào, Di sản đền Wat Phou, Champasak, Lào
Trang trí trên tường, Di sản đền Wat Phou, Champasak, Lào
Hai thị trấn cổ bên bờ sông Mekong gắn liền với cảnh quan núi Phou Kao hiện chỉ còn tàn tích tường, móng gạch bằng đất, phấn lớn bị đất bao phủ. Hiện tại đây đang tiến hành các nghiên cứu khảo cổ.
Di sản đền Vat Phou và các khu định cư cổ liên quan trong cảnh quan văn hóa Champasak là một địa điểm văn hóa và tâm linh quan trọng hàng đầu của quốc gia Lào, là điểm đến hết sức hấp dẫn đối với du khách.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/481
https://en.wikipedia.org/wiki/Laos
https://en.wikipedia.org/wiki/Vat_Phou
http://www.visit-laos.com/champasak/wat-phu.htm
https://www.vatphou-champassak.com/
Xem video giới thiệu công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|