Tuần 18 - Ngày 05/12/2024
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Đền Preah Vihear, Campuchia |
09/11/2015 |
Thông tin chung:
Công trình: Đền Preah Vihear (Prasat Preah Vihear)
Địa điểm: Preah Vihear, Campuchia (N14 23 18 E104 41 2)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích di sản 154,7 ha; Vùng đệm: 2642,5ha
Năm hình thành: Thế kỷ 9
Giá trị: Di sản thế giới (2008; hạng mục i)
Campuchia là quốc gia nằm ở vùng Đông Nam Á, phía Nam giáp vịnh Thái Lan, phía Tây giáp Thái Lan, phía Bắc giáp Lào, phía Đông giáp Việt Nam.
Campuchia có diện tích khoảng 181.035 km2, dân số khoảng 15,5 triệu người (năm 2014), ngôn ngữ chính thức là tiếng tiếng Khmer; thủ đô là thành phố Phnom Penh.
Nền văn minh đầu tiên được biết đến tại Campuchia xuất hiện vào khoảng thiên niên kỷ thứ nhất.
Vào năm thứ 1 đến năm 550 sau Công nguyên, nơi đây thuộc vương quốc cổ Phù Nam (Funan). Thời thịnh trị, vương quốc này có lãnh thổ chiếm phần lớn phía Nam bán đảo Đông Nam Á, bao gồm Campuchia, phần phía nam của Việt Nam và nam của Thái Lan ngày nay.
Lúc này, tại khu vực bắc Campuchia và nam Lào xuất hiện vương quốc Chân Lạp (Chenla, tồn tại năm 550 - 802). Vào thế kỷ thứ 7, Chân Lạp thoát khỏi sự phụ thuộc vào Phù Nam, rồi mở rộng chiếm toàn bộ lãnh thổ Phù Nam.
Vào đầu thế kỷ thứ 8, Chân Lạp bị phân chia thành hai phần, phụ thuộc vào bên ngoài và dần suy tàn.
Năm 802, Jayavarman II khởi nghiệp, lên làm vua (trị vì trong khoảng năm 802 – 850), đánh dấu sự khởi đầu của Đế chế Khmer (Khmer Empire, tồn tại năm 802–1431), đặt nền móng cho các vị vua kế tiếp nhau kiểm soát và gây ảnh hưởng đến nhiều quốc gia tại khu vực Đông Nam Á. Nền văn minh của Đế chế Khmer đã phát triển rất rực rỡ.
Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18 (thời kỳ hậu Angkor, năm 1432- 1836), Đế chế Khmer suy giảm ảnh hưởng. Campuchia dần bị thu hẹp bởi sự mở rộng các quốc gia láng giềng.
Năm 1863, Campuchia bị Pháp bảo hộ, nằm trong Liên bang Đông Dương.
Ngày 9/11/1953, Campuchia độc lập từ sự cai trị của Pháp.
Ngày nay, Campuchia được chia thành 25 đơn vị hành chính, gồm 21 tỉnh và 4 thành phố trực thuộc trung ương.
Bản đồ Campuchia và vị trí tỉnh Preah Vihear, nằm tại phía bắc Campuchia
Campuchia là quốc gia nổi tiếng trên thế giới với những di tích đền tháp, trong đó có Quần thể Angkor, Siem Reap; Quần thể đền Sambor Prei Kuk, Kampong Thom và Đền Prasat Preah Vihear.
Preah Vihear là một ngôi đền cổ Hindu, toạ lạc trên một chỏm núi Dangrek cao 525m (so với vùng đồng bằng) ở Campuchia, gần biên giới Thái Lan.
Ngôi đền này được lấy làm tên cho tỉnh Preah Viher, nơi nó toạ lạc.
Đền được bắt đầu xây dựng vào đầu thế kỷ 9 để thờ thần Shiva. Phần lớn ngôi đền được xây dựng dưới thời vua Suryavarman I (trị vì năm 1002-1050) và Suryavarman II (trị vì năm 1113–1150); trong giai đoạn địa điểm này là khu định cư quan trọng hàng đầu của Đế quốc Khmer.
Đền nằm cheo leo trên dãy núi Dangrek thuộc tỉnh Preah Vihear của Campuchia, kề liền với vườn Quốc gia Khao Phra Viharn thuộc huyện Kantharalak, tỉnh Sisaket, Thái Lan. Do đền nằm trên một vách đá dựng đứng và không thể tiếp cận từ phía Campuchia, nên trước đây du khách thăm đền phải đi từ phía cổng của vườn quốc gia Khao Phra Viharn của Thái Lan.
Vị trí Đền Preah Vihear trong mối quan hệ với Di sản Quần thể đền Sambor Prei Kuk và Quần thể Angkor, Campuchia
Đền Preah Vihear, Campuchia được UNESCO công nhận là Di sản thế giới (năm 2008) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Đền Preah Vihear là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người, là một công trình kiến trúc xuất sắc của Kiến trúc Khmer “ tinh khiết” về quy hoạch và trang trí.
Di sản Đền Preah Vihear là một quần thể đền, chạy theo trục Bắc Nam dài khoảng 650m (theo phương ngang, khoảng gần 800m theo đường dốc), hướng về phía đồng bằng tại phía bắc (hiện bị cắt ngang bởi biên giới giữa Campuchia và Thái Lan).
Sơ đồ bố trí các hạng mục công trình chính tại Đền Preah Vihear, Campuchia
Sơ đồ bố trí các hạng mục công trình theo mặt bằng và mặt cắt, Đền Preah Vihear, Campuchia
Phối cảnh tổng thể Đền Preah Vihear, Campuchia, nhìn từ bậc thềm cao nhất.
Quần thể đền chia theo 5 nhóm Tháp cổng (Gopura, là một dạng tháp cổng hoành tráng, đặt tại lối vào của một ngôi đền Hindu), phân bố theo 4 bậc thềm, cao dần lên theo sườn đồi và lên đến đỉnh đồi (tiếp đến là vực sâu).
Bố cục kéo dài và cao dần lên ở một phía của Quần thể này rất khác so với những ngôi đền núi (bố cục tập trung, cao dần lên tại trung tâm) được tìm thấy ở Angkor.
Hình vẽ thể hiện màu sắc theo thời gian xây dựng của công trình tại Quần thể Đền Preah Vihear, Campuchia
Từ thấp lên cao, Quần thể Đền Preah Vihear gồm:
Phía trước Quần thể đền
Phía trước Quần thể đền là khu vực thung lũng.
Vào Quần thể đền là bờ đường đắp cao và một dải bậc đá lớn (Monumental Stairway, hình vẽ ký hiệu 1) với 163 bậc, được làm bằng những phiến đá lớn, trong đó có nhiều bậc được khoét trực tiếp vào bề mặt đá. Dải bậc rộng 8m, dài 78,5m. Đoạn cuối cùng, dải bậc thu hẹp lại, chỉ còn rộng 4m.
Tại đây có một đoạn đường có lan can hai bên trang trí hình rắn Naga (Naga Platform- ký hiệu 2).
Bậc đá lên Bậc thềm thứ 1, Quần thể Đền Preah Vihear, Campuchia
Đoạn đường có lan can hai bên trang trí hình rắn Naga, Quần thể Đền Preah Vihear, Campuchia
Tháp cổng V
Tháp cổng V (Gopura V, hình vẽ ký hiệu E ) nằm tại Bậc thềm thứ 1, bậc thềm thấp nhất.
Tháp cổng V (Nghi môn) có mặt bằng hình chữ thập với lối đi xuyên qua, mở đầu cho lớp không gian đầu tiên của Quần thể đền.
Sau Tháp cổng V là Đoạn đường với hàng cột 1 (1 st Pillared Causeway/ Avenue 1 – ký hiệu 5) dẫn đến cầu thang lên Bậc thềm thứ 2.
Bên cạnh Đoạn đường với hàng cột 1 là một Hồ lớn (Large Reservoir – ký hiệu 4) hình chữ nhật, rộng khoảng 25m x50m.
Mô hình phục dựng Tháp cổng V, Bậc thềm thứ 1, Quần thể Đền Preah Vihear, Campuchia
Tần tích Tháp cổng V, Bậc thềm 1, Quần thể Đền Preah Vihear, Campuchia
Tháp cổng IV
Tháp cổng IV (Gopura IV, hình vẽ ký hiệu D ) nằm tại Bậc thềm thứ 2.
Tháp cổng IV có mặt bằng hình chữ thập với quy mô lớn hơn Tháp cổng V, mở đầu cho lớp không gian thứ hai của Quần thể đền.
Sau Tháp cổng IV là Đoạn đường với hàng cột 2 (2nd Pillared Causeway/ Avenue 2 – ký hiệu 7).
Bên cạnh Đoạn đường với hàng cột 2 là một Hồ nước đầu sư tử (Lion Head Reservoir – ký hiệu 8). Hồ hình vuông mỗi chiều rộng 9,4m. Mỗi bên của hồ có 12 bậc; mỗi bậc cao từ 20 đến 25cm. Phía nam của hồ có một đầu sư tử đá với miệng là cửa thoát nước. Hiện đầu sư tử đã bị mất.
Mô hình phục dựng Tháp cổng IV, Bậc thềm 2, Quần thể Đền Preah Vihear, Campuchia
Tàn tích Tháp cổng IV, Bậc thềm 2, Quần thể Đền Preah Vihear, Campuchia
Tháp cổng III
Tháp cổng III (Gopura III, hình vẽ ký hiệu C ) nằm tại Bậc thềm thứ 3.
Tháp cổng III có mặt bằng hình chữ thập với quy mô lớn hơn Tháp cổng IV, mở đầu cho lớp không gian thứ ba của Quần thể đền. Lớp không gian này gồm hai cụm công trình có bố cục bao quanh một sân trong.
Phía trước Tháp cổng III có tàn tích một tòa tháp có cây bao phủ (Tower with Tree – ký hiệu 10).
Hai bên của Tháp cổng III là 2 cụm công trình được tạo bởi 2 tòa tháp có mặt bằng hình chữ U (U- Shaped Extension – ký hiệu 11); phía sau của 2 tòa tháp chữ U là 2 cung điện (Palace – ký hiệu 12) có mặt bằng hình chữ nhật, đóng lại không gian chữ U, tạo thành sân trong cho cụm cụm công trình.
Phía sau Tháp cổng III là Đoạn đường với hàng cột 3 (Naga Balustrade/ Avenue 3 - ký hiệu 13) dẫn đến bậc thang lên Bậc thềm 4.
Mô hình phục dựng Tháp cổng III, Bậc thềm 3, Quần thể Đền Preah Vihear, Campuchia
Tháp cổng III, Bậc thềm 3 (nhìn từ sân trong), Quần thể Đền Preah Vihear, Campuchia
Bản vẽ xưa về Tháp cổng III, Bậc thềm 3, Quần thể Đền Preah Vihear, Campuchia
Tàn tích một tòa tháp có cây bao phủ (Tower with Tree), Bậc thềm 3, Quần thể Đền Preah Vihear, Campuchia
Tháp cổng II
Tháp cổng II (Gopura II, hình vẽ ký hiệu B ) nằm tại Bậc thềm thứ 4.
Tháp cổng II có mặt bằng hình chữ thập với quy mô nhỏ, mở đầu cho lớp không gian thứ tư của Quần thể đền. Lớp không gian thứ tư này chia thành không gian phía ngoài và không gian phía trong.
Tháp cổng II và hai tuyến hành lang hai bên bao quanh sân trong tạo thành không gian phía ngoài.
Hai bên Tháp cổng II là hai tuyến hành lang bao quanh một sân trong.
Phối cảnh tổng thể khu vực Bậc thềm thứ 4, Quần thể Đền Preah Vihear, Campuchia
Mô hình phục dựng Tháp cổng II, Bậc thềm 4, Quần thể Đền Preah Vihear, Campuchia
Tháp cổng I
Tháp cổng I (Gopura I, hình vẽ ký hiệu A ) có mặt bằng hình chữ T, cùng nằm trên Bậc thềm thứ 4, mở đầu cho không gian phía trong của lớp không gian thứ tư. Đây là không gian quan trọng nhất hay khu vực Thánh địa của Quần thể đền.
Tháp cổng I có mặt bằng hình chữ T. Hai bên phía trước Tháp cổng I là hai Tòa thư viện.
Sau Tháp cổng 1 là khu vực Thánh địa được bao quanh bởi hệ thống hành lang (Galleries – ký hiệu 17) tạo thành sân trong chính.
Trung tâm của sân trong là nơi đặt Chính điện (Sanctuary – ký hiệu 18).
Hai bên khu vực Chính điện là Tòa nhà phía Tây (Western Building – ký hiệu 15) và Tòa nhà phía Đông (Eastern Building – ký hiệu 16), là hai tòa Tu viện.
Mô hình phục dựng Tháp cổng I, Bậc thềm 4, Quần thể Đền Preah Vihear, Campuchia
Mô hình phục dựng Chính điện, Bậc thềm 4, Quần thể Đền Preah Vihear, Campuchia
Tàn tích Tháp cổng 1, Bậc thềm 4, Quần thể Đền Preah Vihear, Campuchia
Tàn tích góc hành lang cầu bao quanh Chính điện, Bậc thềm 4, Quần thể Đền Preah Vihear, Campuchia
Tàn tích sân trong với hành lang cầu bao quanh Điện thờ chính, Bậc thềm 4, Quần thể Đền Preah Vihear, Campuchia
Tàn tích Chính điện, Bậc thềm 4, Quần thể Đền Preah Vihear, Campuchia
Bản vẽ miêu tả Tòa thư viện, phía trước Chính điện, Bậc thềm thứ 4, Quần thể Đền Preah Vihear, Campuchia
Tàn tích của tòa Tu viện phía tây khu Chính điện, Quần thể Đền Preah Vihear, Campuchia
Các công trình đền tháp, tu viện, cổng tháp, hành lang trong Quần thể được xây dựng từ các khối đá sa thạch màu xám và vàng có sẵn tại địa phương. Gỗ được sử dụng rộng rãi để làm kết cấu đỡ mái nhà được lợp bằng ngói đất nung. Gạch cũng được sử dụng để xây dựng một số kết cấu vòm.
Trên các phế tích của Quần thể đền có nhiều điêu khắc trên đá sa thạch cục kỳ tinh xảo. Các chạm khắc bao gồm các bản khắc chữ tiếng Phạn,tiếng Khmer và các phù điêu trang trí.
Chi tiết trang trí trên cổng tháp, Quần thể Đền Preah Vihear, Campuchia
Chi tiết trang trí trên tường, Quần thể Đền Preah Vihear, Campuchia
Đền Preah Vihear là một quần thể kiến trúc độc đáo gồm một hệ thống các đền tháp, cổng tháp, tu viện, hành lang, bậc đá…, là một kiệt tác xuất sắc của kiến trúc Khmer, là một tạo tác tinh khiết từ quy hoạch, xây dựng đến trang trí và mối quan hệ với cảnh quan môi trường xung quanh.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/1224
https://en.wikipedia.org/wiki/Cambodia
https://en.wikipedia.org/wiki/Khmer_Empire
https://en.wikipedia.org/wiki/Suryavarman_I
https://en.wikipedia.org/wiki/Preah_Vihear_Temple
http://www.cambodia.org/Preah_Vihear/
https://www.orientalarchitecture.com/sid/40/cambodia/preah-vihear-province/preah-vihear
http://www.cambodiancommunityday.org/index.php/en/explore-
cambodia/attractions/other-temple/preah-vihear-temple
http://urbanterrains.com/project/preah-vihear-temple-border-masterplan/
https://www.youtube.com/watch?v=kGItJych0Ho
Xem video giới thiệu công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|
Cập nhật ( 17/09/2020 )
|
Tin mới đưa:- Samarkand – Ngã tư văn hóa, Uzbekistan
- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
Tin đã đưa:- Phế tích Tu viện Phật giáo Somapura Mahavihara tại Paharpur, Naogaon, Bangdalesh
- Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, Việt Nam
- Quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình, Việt Nam
- Thành nhà Hồ, Thanh Hóa, Việt Nam
- Phố cổ Hội An, Quảng Nam, Việt Nam
- Quần thể di tích Cố đô Huế, Việt Nam
- Đấu trường Colosseum, Roma, Italia
- Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc
- Cố đô Memphis và Quần thể Kim tự tháp từ Giza đến Dahshur, Ai Cập
- Quần thể Acropolis tại Athens, Hy Lạp
- Thành phố cổ Petra, Jordan
- Vườn quốc gia Tikal, Guatemala
- Phố cổ Djenné – Nhà thờ Hồi giáo Djenné, Mali
- Lăng Taj Mahal, Agra, Uttar Pradesh, Ấn Độ
- Khu bảo tồn lịch sử Inca Machu Picchu, Cusco, Peru
|