Thông tin chung:
Công trình: Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Central Sector of the Imperial Citadel of Thang Long - Hanoi)
Địa điểm: Hà Nội, Việt Nam (N21 2 22 E105 50 14)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản: 18,395 ha; Vùng đệm: 108 ha
Giá trị: Di sản thế giới (2010; hạng mục ii, iii, vi)
Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long, Đông Kinh, tỉnh thành Hà Nội và Thủ đô Hà Nội, bắt đầu từ thời tiền Thăng Long vào thế kỷ 7 qua thời Đinh – Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn.
Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam với các giá trị nổi bật toàn cầu:
- Những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thủy, mô hình vương thành phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng. Kết quả giao thoa, tiếp biến văn hóa đó được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, quy hoạch các khu cung điện, trong nghệ thuật kiến trúc và trang trí cung đình với diễn biến văn hóa đa dạng qua các thời kỳ lịch sử.
- Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt lịch sử liên tục 13 thế kỷ và vẫn được tiếp nối cho đến ngày nay. Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của Di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hoá.
- Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là minh chứng rõ nét về một di sản có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử của một quốc gia dân tộc vùng Đông Nam Á trong mối quan hệ khu vực và thế giới. Di sản là bằng chứng thuyết phục về sức sống và khả năng phục hưng của một quốc gia sau hơn mười thế kỷ bị nước ngoài đô hộ; Ghi đậm dấu ấn thắng lợi của một nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới tại thế kỷ 20.
Sơ đồ Kinh thành Thăng Long
Sơ đồ vị trí Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Khu Di sản thế giới
Các giai đoạn hình thành và phát triển
Giai đoạn tiền Thăng Long
Thời kỳ nhà Đường, An Nam được chia thành 12 châu, 50 huyện với Tống Bình là trung tâm. Lần đầu tiên vùng đất sau này là kinh thành Thăng Long nắm giữ vai trò một trung tâm quyền lực chính trị. Năm 866, viên tướng nhà Đường Cao Biền xây dựng một thành trì mới, Tống Bình được đổi tên thành Đại La. Theo truyền thuyết, khi đắp thành, Cao Biền thấy một vị thần hiện lên tự xưng là thần Long Đỗ, vì vậy Thăng Long còn được gọi là đất Long Đỗ. Cuối thế kỷ 9 đầu thế kỷ 10, nhà Đường suy yếu, Khúc Thừa Dụ chiếm thành Đại La, tự xưng là Tiết độ sứ. Ông đã cho xây dựng chính quyền dựa trên danh xưng của chính quyền đô hộ nhà Đường, nhưng thực chất là một chính quyền độc lập do người Việt quản lý.
Năm 913, Dương Đình Nghệ đem quân từ Ái châu ra Đại La đánh đuổi thứ sử của nước Nam Hán, giành quyền tự chủ cho đất nước Việt. 6 năm sau ông bị Kiều Công Tiễn giết hại. Năm 938 Ngô Quyền hạ thành Đại La, diệt Kiều Công Tiễn và cũng là người chỉ huy trận Bạch Đằng đánh bại quân Nam Hán. Mùa xuân năm 939, ông xưng là Ngô Vương, không đóng đô ở Đai La mà về Cổ Loa. Sau loạn 12 sứ quân, các triều đại Đinh, Tiền Lê đóng đô ở Hoa Lư.
Giai đoạn Lý - Trần từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV
Năm 1010, tại Kinh đô Hoa Lư, vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô để chuyển kinh đô về thành Đại La và đổi tên kinh thành là Thăng Long. Trong Chiếu dời đô có viết: “Thành Đại La, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp đất Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương”.
Kinh thành Thăng Long được xây dựng theo mô hình Tam trùng thành quách gồm: vòng ngoài cùng gọi là La thành hay Kinh thành, vòng thành thứ hai là Hoàng Thành, giữa hai lớp thành này là nơi sinh sống của cư dân, lớp thành còn lại là Tử cấm thành hay Cấm thành là nơi ở của nhà vua.
Ngay từ năm 1010, khi mới định đô Thăng Long, Lý Thái Tổ đã khởi công xây dựng Hoàng thành và hàng loạt cung điện ở trong Hoàng thành.
Hoàng thành đắp bằng đất, phía ngoài có hào, mở 4 cửa:
- Cửa Tường Phù mở ra phía Chợ Đông và khu phố buôn bán tấp nập của phường Giang Khẩu và đền Bạch Mã.
- Cửa Quảng Phúc mở ra phía chùa Một Cột và chợ Tây Nhai (chợ Ngọc Hà).
- Cửa Đại Hưng ở khoảng gần Cửa Nam hiện nay.
- Cửa Diệu Đức nhìn ra trước sông Tô Lịch, khoảng đường Phan Đình Phùng hiện nay.
Theo miêu tả trong sử sách, các cung điện chính xây dựng tại đây tầng tầng, lớp lớp như: Điện Càn Nguyên là nơi thiết triều đặt trên núi Nùng tức núi Long Đỗ, hai bên tả hữu là điện Tập Hiền và điện Giảng Võ. Bên trái mở cửa Phi Long thông với cung Nghinh Xuân, bên phải mở cửa Đan Phượng thông với cửa Uy Viễn, chính Bắc dựng điện Cao Minh. Thềm các quan chầu vua gọi là Long Trì có hành lang chạy xung quanh. Đằng sau điện Càn Nguyên là điện Long An và điện Long Thụy làm nơi nhà vua nghỉ ngơi. Bên trái xây điện Nhật Quang, bên phải xây điện Nguyệt Minh, đằng sau là cung Thúy Hoa là nơi ở của các phi tần.
Năm 1029, Lý Thái Tông xây dựng lại toàn bộ khu cấm thành sau khi nơi đây bị tàn phá bởi vụ Loạn tam vương. Trên nền cũ điện Càn Nguyên, Lý Thái Tông cho dựng điện Thiên An làm nơi thiết triều. Hai bên tả hữu là điện Tuyên Đức và điện Thiên Phúc. Phía trước điện Thiên An là sân Rồng có đặt một quả chuông lớn. Hai bên tả hữu sân rồng có đặt gác chuông. Phía đông, tây sân Rồng là điện Văn Minh và điện Quảng Vũ, phía trước sân rồng là điện Phụng Tiên, trên điện có lầu Chính Dương là nơi báo canh. Sau điện Thiên An là điện Thiên Khánh hình Bát Giác. Sau điện Thiên Khánh là điện Trường Xuân. Trên điện Trường Xuân có gác Đồ Long. Từ điện Thiên Khánh nối với điện Thiên An ở phía sau đều có cầu gọi là cầu Phượng Hoàng.
Năm 1203, vua Lý Cao Tông bắt đầu một đợt xây dựng mới. Cung điện mới được xây ở phía tây tẩm điện. Bên trái dựng điện Dương Minh, bên phải dựng điện Chính Nghi, ở trên xây điện Kính Thiên, thềm gọi là Lệ Giao. ở giữa mở cửa Vĩnh Nghiêm, bên phải mở cửa Việt Thành, thềm gọi là Ngân Hồng. Đằng sau xây điện Thắng Thọ. Bên trái xây gác Nhật Kim, bên phải xây gác Nguyệt Bảo, xung quanh dựng hành lang gọi là Kim Tinh. Bên trái gác Nguyệt Bảo là tòa Lương Thạch, phía tây xây gác Dục Đường. Phía sau xây gác Phú Quốc, thềm gọi là Phượng Tiêu. Tiếp phía sau dựng cửa Thấu Viên, ao Dưỡng Ngư với đình Ngoạn Y. Ba mặt đình có trồng hoa thơm cỏ lạ nước thông với sông. Ngoài ra các cung điện khác cũng được xây dựng tiếp nối. Mỗi cung điện đều có tường bao xung quanh và làm cửa thông với cung điện khác.
Ngoài cung điện, các vị vua nhà Lý còn cho xây dựng nhiều công trình văn hóa tín ngưỡng khác để phục vụ cho vua và hoàng tộc như:
- Đền Quán Thánh, chùa Chân Giáo (nơi vua Lý Huệ Tông đã tu hành), đài Chúng Tiên dựng năm 1161 tầng trên lợp ngói bạc, hồ ao làm cảnh cũng được lập khá nhiều trong Hoàng thành.
- Năm 1049, đào hồ Kim Minh Vạn Tuế, đắp núi đá cao ba ngọn trên mặt hồ và xây cầu Vũ Phượng đi vào, 10 năm sau lại xây thêm điện Hồ Thiên bát giác ở đó.
- Năm 1051 đào hồ Thụy Thanh, hồ Ứng Minh.
- Năm 1098, đào hồ Phượng Liên và xây tại đây điện Sùng Uyên, bên trái lập điện Huy Dương, đình Lai Phượng, bên phải dựng điện Ánh Thiềm, đình Át Vân, phía trước xây lầu Trường Minh, phía sau bắc cầu Ngoạn Hoa. Nhiều vườn ngự cũng được dựng nên trong Hoàng thành.
- Mùa thu năm 1048, mở luôn 3 vườn ngự: vườn Quỳnh Lâm, vườn Thắng Cảnh và vườn Xuân Quang.
- Năm 1065, mở thêm vườn Thượng Lâm.
- Giữa thế Kỷ 14 lại dựng một vườn ngự nữa nối liền với hậu cung. Giữa vườn có đào một cái hồ lớn, trong hồ chất đá làm núi, trên bờ hồ trồng thông, trúc và nhiều thứ kỳ hoa diệu thảo khác, thêm vào đấy là chim quý thú lạ. Bốn mặt khai cho sông nước thông vào, gọi hồ là Lạc Thanh Trì. Về phía tây hồ trồng hai cây quế, dựng một tòa điện gọi là điện Lạc Thanh. Lại đào các hồ nhỏ khác, bắt người ở Hải Đông chở nước mặn chứa vào hồ để nuôi các loài hải sản. Rồi bắt người Hóa Châu bắt cá sấu thả vào đấy. Lại có hồ Thanh Ngư dể nuôi cá Thanh Phụ (cá diếc đuôi đỏ vảy biếc)... Lại làm dãy hành lang ở tây điện thẳng đến cửa Hoàng Phúc, dựng dãy Trường Lang từ gác Nguyên Huyền đến cửa Đại Triều phía tây…
Giai đoạn Lê - Mạc từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII
Sau khi chiến thắng giặc Minh, Lê Thái Tổ vẫn đóng đô ở Thăng Long nhưng đổi tên là Đông Kinh. Về cơ bản Đông Kinh thời Lê không khác nhiều Thăng Long đời Lý, Trần, Hồ.
Từ năm 1490 cho đến thế kỷ 16 Kinh thành mới có nhiều thay đổi. Trong thời gian này, tường Hoàng thành cũng như Đại La thành luôn được xây đắp mở rộng thêm ra.
Năm 1490, Lê Thánh Tông cho mở rộng Hoàng thành thêm 8 dặm nữa. Công việc xây dựng trong 8 tháng mới xong. Trong Hoàng thành, Lê Thánh Tông cũng cho xây thêm cung điện và lập vườn Thượng Lâm để nuôi bách thú.
Năm 1512, vua Lê Tương Dực giao Vũ Như Tô đứng ra trông nom việc dựng hơn 100 nóc cung điện nguy nga, lại khởi công làm Cửu Trùng Đài, như sử cũ miêu tả là tuy chưa hoàn thành mà bóng rợp nửa hồ Tây.
Năm 1514, Lê Tương Dực mở rộng Hoàng Thành thêm mấy nghìn trượng, bao bọc cả điện Tường Quang, Quán Trấn Vũ và chùa Kim Cổ Thiên Hoa.
Từ năm 1516 đến năm 1527 là năm nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, Đông Kinh chìm trong loạn lạc. Hầu hết các cung điện, kho tàng, đền chùa cũng như phường phố bị thiêu đốt, tàn phá nhiều lần. Trong nửa cuối thế kỷ 16, chiến tranh giữa nhà Mạc và Lê – Trịnh diễn ra ngay tận Thăng Long. Đông Kinh ngày một điêu tàn.
Năm 1599, chiến tranh kết thúc. Hoàng thành được tu sửa lại. Những năm sau này, những cung điện mới xây dựng đều nằm trong phủ Chúa Trịnh.
Sơ đồ Thăng Long thời Lê
Giai đoạn từ kinh thành Thăng Long sang tỉnh Hà Nội
Năm 1788, Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh, Tôn Sĩ Nghị đem đại quân 29 vạn người sang chiếm Thăng Long. Dựa thế quân Thanh, Lê Chiêu Thống điên cuồng trả thù họ Trịnh. Phủ chúa bị đốt trụi cháy ròng rã một tuần mới hết. Tất cả những gì liên quan đến chúa Trịnh ở Thăng Long bị phá sạch. Kinh thành lại một lần nữa trở thành tro tàn.
Đầu năm 1789, Quang Trung Nguyễn Huệ ra Bắc đánh tan quân Thanh, Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, triều Hậu Lê kết thúc. Hoàng đế Quang Trung định đô ở Phú Xuân. Thăng Long chỉ còn là Bắc Thành. Năm 1802 sau khi tiêu diệt xong Tây Sơ, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng Đế. Kinh đô vẫn được đặt ở Phú Xuân. Những gì còn sót lại của Hoàng thành Thăng Long cũng lần lượt bị các đời vua nhà Nguyễn chuyển nốt vào Phú Xuân phục vụ cho công cuộc xây dưng kinh thành mới. Chỉ duy có điện Kính Thiên và Hậu Lâu được giữ lại làm hành cung cho các vua Nguyễn mỗi khi Ngự giá Bắc thành.
Năm 1805, Gia Long cho phá bỏ tường của Hoàng thành cũ, xây dựng theo thể thức của các tỉnh thành khác trong cả nước và điều chủ yếu là không được to rộng hơn Kinh đô Phú Xuân.
Thành được xây theo kiểu Vauban của Pháp, hình vuông mỗi bề chừng một cây số, xung quanh là hào nước sâu. Bốn bức tường thành tương ứng với bốn con phố hiện nay: phố Phan Đình Phùng ở phía Bắc, phố Lý Nam Đế ở phía Đông, phố Trần Phú ở phía Nam, đường Hùng Vương ở phía Tây.
Tường thành xây bằng gạch hộp, chân thành xây bằng đá xanh và đá ong. Tường cao 1 trượng 1 thước, dày 4 trượng. Thành mở ra 5 cửa: cửa Đông (tương ứng với phố cửa Đông bây giờ), cửa Tây (tương ứng với phố Bắc Sơn), cửa Bắc (nay vẫn còn), cửa Tây Nam (tương ứng với đoạn giao phố Chu Văn An và Nguyễn Thái Học), cửa Đông Nam (tương ứng với đoạn giao phố Điện Biên Phủ và Nguyễn Thái Học). Đường vào cửa xây vòm. Trên mỗi cửa có lầu canh gọi là thú lâu.
Xung quanh tường thành là một dải đất rộng 6-7m rồi đến một con hào rộng 15–16 m, sâu 5 m thông với sông Tô Lịch và sông Hồng.Hào lúc nào cũng có nước nhưng thường chỉ cao khoảng 1m. Phía ngoài các cổng thành có xây một hàng tường đắp liền trên bờ hào gọi là Dương Mã thành, dài 2 trượng 9 thước, cao 7 thước 5 tấc. Các Dương Mã thành đều có một cửa bên gọi là Nhân Môn. Từ ngoài thành đi vào đều phải đi qua Nhân Môn rồi mới đến cổng thành.
Phía trong thành, ở trung tâm là điện Kính Thiên, được xây dựng từ thời Lê trên núi Nùng. Điện dựng trên những cột gỗ lim lớn người ôm không xuể. Thềm điện có hai đôi rồng đá rất đẹp cũng từ thời Lê. Sau điện này bị người Pháp phá hủy và xây trên nền cũ tòa nhà Con Rồng để làm trụ sở pháo binh Pháp. Sau năm 1954 nhà Con Rồng lại trở thành trụ sở của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.
Phía đông thành là nhiệm sở của Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành.
Phía tây là kho thóc, kho tiền, và dinh bố chính là viên quan phụ trách những kho ấy.
Năm 1812 dựng Cột cờ Hà Nội ở phía nam thành.
Năm 1831, trong cuộc cải cách hành chính lớn, Minh Mạng đã cho đổi tên Thăng Long thành tỉnh Hà Nội.
Năm 1835, vì cho rằng thành Hà Nội cao hơn kinh thành Huế, Minh Mạng cho xén bớt 1 thước 8 tấc, thành Hà Nội chỉ còn cao chừng 5 m.
Năm 1848, vua Tự Đức cho tháo dỡ hết những cung điện còn lại ở Hà Nội chuyển vào Huế.
Bản đồ Hoàng thành Hà Nội được xây theo kiểu Vauban của Pháp
Giai đoạn từ tỉnh Hà Nội sang thành phố Hà Nội
Năm 1888 nhà Nguyễn chính thức nhượng hẳn Hà Nội cho Pháp. Người Pháp đổi Hà Nội thành thành phố. Đến khi chiếm xong toàn Đông Dương, họ chọn đây là thủ đô của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp.
Thành Hà Nội bị phá đi hoàn toàn để lấy đất làm công sở và trại lính cho người Pháp. Ngoại trừ cửa Bắc và cột cờ, những gì còn sót lại của thành Hà Nội đến hôm nay chỉ là di chỉ khảo cổ và phục dựng.
Từ năm 1954, sau khi tiếp quản giải phóng thủ đô, khu vực Thành Hà Nội trở thành trụ sở của Bộ quốc phòng.
Bản đồ Hà Nội năm 1873
Bản đồ Hà Nội năm 1890 (chưa xuất hiện đường cắt chéo Cấm Thành - đường Điện Biên Phủ)
Bản đồ Hà Nội năm 1936
Sơ đồ Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long trên bản đồ thời nay
Trung tâm của Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội nằm ở trung tâm thủ đô của Việt Nam, là phần quan trọng nhất và được bảo tồn tốt nhất của Hoàng thành cổ Thăng Long, được xây dựng vào thế kỷ 11 bởi nhà Lý Việt Nam, đánh dấu sự độc lập của Đại Việt.
Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được xây dựng trên một phần còn lại của một pháo đài thời Bắc thuộc, có niên đại từ thế kỷ thứ 7, trên khu đất đồng bằng sông Hồng ở Hà Nội.
Đây là trung tâm quyền lực chính trị của Việt Nam trong gần 13 thế kỷ mà không bị gián đoạn.
Các tòa nhà và tàn tích tại Trung tâm Hoàng thành và Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu phản ánh một nền văn hóa Đông Nam Á độc đáo, đặc trưng cho vùng Đồng bằng sông Hồng, nơi giao thoa của những ảnh hưởng đến từ Trung Quốc tại phương Bắc và vương quốc Champa tại phía Nam.
Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, Việt Nam được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 2010) với các tiêu chí:
Tiêu chí (ii): Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là minh chứng cho việc hội tụ các ảnh hưởng đến từ Trung Quốc tại phía Bắc và Vương quốc Champa tại phía Nam; Thể hiện một tập hợp các giao lưu văn hóa, để định hình một nền văn hóa độc đáo tại vùng đồng bằng sông Hồng.
Tiêu chí (iii): Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là minh chứng về truyền thống văn hóa lâu đời của cư dân Việt tại vùng đồng bằng sông Hồng; là trung tâm của quyền lực từ thế kỷ thứ 7 đến tận ngày nay.
Tiêu chí (vi): Hoàng thành Thăng Long Hà Nội với chức năng chính trị và biểu tượng của quốc gia, là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện văn hóa và lịch sử quan trọng; nơi khởi nguồn ý tưởng nghệ thuật, đạo đức, triết học và tôn giáo; nơi đánh dấu quá trình hình thành và phát triển của một quốc gia trong hơn một ngàn năm, bao gồm cả thời kỳ thuộc địa và hai cuộc chiến tranh đương đại dành độc lập và thống nhất đất nước của Việt Nam.
Bản đồ ranh giới Khu vực Di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội (vùng lõi: màu da cam; vùng đệm: màu vàng nhạt)
1) Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội (Central Sector of the Imperial Citadel of Thang Long Hanoi); 2) Trung tâm chính trị Ba Đình (Ba Dinh political centre); 3) Bộ Quốc phòng (Ministry of Defence)
Vị trí Di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội trong Sơ đồ phân bố Di sản thế giới và các Di sản UNESCO khác tại Việt Nam (thời điểm năm 2015) - kí hiệu ô tròn 6
Các di tích
Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội với diện tích vùng lõi của Di sản là 18,39ha (bao gồm Khu di tích thành cổ Hà Nội và Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) và diện tích vùng đệm là 108ha. Hai khu vực thuộc vùng lõi di sản là một phần nằm trong Cấm thành Thăng Long và cũng chính là trung tâm của Hoàng thành Thăng Long.
Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu
Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu nằm ở phía Tây điện Kính Thiên và là một phần cấu thành của Cấm Thành từ thời Lý cho đến cuối thời Lê Trung Hưng..
Khu khảo cổ rộng 4,53 ha, được khai quật từ tháng 12/2002, phân định làm 4 khu, đặt tên là A, B, C, D. Tại đây đã phát hiện rất nhiều dấu tích nền móng của các công trình kiến trúc gỗ có quy mô bề thế và nhiều loại hình di vật có giá trị, bao gồm vật liệu trang trí kiến trúc, đồ gốm sứ, đồ kim loại, đồ gỗ, di cốt động vật… có niên đại từ thế kỷ 7 – 9 đến thế kỷ 19, với hàng trăm kiểu mẫu khác nhau.
Khu khảo cổ này bao gồm các tầng di tích:
- Tầng dưới cùng là một phần bên phía đông của thành Đại La dưới thời Cao Biền nhà Đường, thể hiện rõ qua hệ thống các cột gỗ, các nền móng kiến trúc, đường cống tiêu thoát nước, giếng nước và di vật như gạch "Giang Tây quân", đầu ngói ống trang trí hình thú thần, mặt hề và nhiều đồ gốm sứ có niên đại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 9.
- Tầng di tích Lý Trần ở tầng thứ hai (từ dưới lên) có rất nhiều hiện vật được phát hiện, như những nền cung điện, có kích thước một chiều hơn 60m, chiều kia 27m; 40 chân cột, giếng cổ, gạch, phù điêu; tượng rồng, phượng…
- Tầng di tích thời Lê Nguyễn cũng có nhiều hiện vật, ví dụ như tòa lâu đài to lớn vớ 3 tầng lầu, 4 mái, dạng hình tháp tọa lạc trên diện tích khoảng 1000m2; hệ thống giếng nước, đặc biệt là các loại ngói thanh lưu ly, hoàng lưu ly trang trí rồng 5 móng chuyên dùng để lợp trên mái cung điện của nhà vua và các loại đồ sứ ngự dụng dành riêng cho nhà vua…
- Tầng di tích trên cùng là một phần của trung tâm tòa thành tỉnh Hà Nội thế kỷ 19.
Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu
Khu di tích thành cổ Hà Nội
Khu di tích thành cổ Hà Nội có diện tích rộng 13,86ha, được giới hạn: Phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương, phía Tây là đường Hoàng Diệu, phía Nam là đường Điện Biên Phủ và phía Bắc là đường Nguyễn Tri Phương. Hiện tại, trong khu vực trung tâm còn lại 5 điểm di tích nổi trên mặt đất phân bố theo trục Bắc – Nam gồm có: Kỳ Đài, Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn. Ngoài ra còn có hệ thống tường bao và kiến trúc cổng hành cung thời Nguyễn, di tích nhà và hầm D67, các công trình kiến trúc Pháp…
- Cột cờ Hà Nội : được xây dựng năm 1812 dưới triều Gia Long cùng lúc xây thành Hà Nội theo kiểu Vauban. Cột cao 60 m, gồm có chân đế, thân cột và vọng canh. Chân đế hình vuông có diện tích khoảng 2007m2, gồm 3 bậc Mỗi cấp bậc đều có tường hoa với hoa văn bao quanh.
Cột cờ Hà Nội
- Đoan Môn: là cổng phía Nam, lối đi chính để vào bên trong Cấm thành, nơi có điện Kính Thiên và các cung điện khác của vua. Từ thời Lý đã xây cổng ở đây, nhưng cổng Đoan Môn hiện còn là do nhà Lê sơ xây dựng (thế kỷ 15) và được sửa sang, tu bổ dưới thời Nguyễn (thế kỷ 19). Giữa Đoan Môn và điện Kính Thiên là khu Long Trì - một không gian mang ý nghĩa chính trị, văn hoá tâm linh rất quan trọng của Cấm thành, là nơi cử hành các nghi lễ chính trị và tôn giáo thiêng liêng, như sự kiện mở hội Nhân Vương, mở hội đèn Quảng Chiếu (năm 1136), duyệt Cấm quân (năm 1351), quốc nhân hội thề (năm 1128)...Đoan Môn gồm năm cổng vòm xây bằng đá. Phía ngoài là cửa Tam Môn, vào khoảng 1812 - 1814, triều Nguyễn Gia Long cho phá đi để xây Cột Cờ.
Phía trước Đoan Môn
Phía sau Đoan Môn
- Điện Kính Thiên: là di tích trung tâm trong tổng thể các địa danh lịch sử của thành cổ Hà Nội. Điện được xây dựng thời Lê sơ (1428) trên nền điện Càn Nguyên (sau đổi tên là điện Thiên An) thời Lý, Trần. Địa điểm này vốn là vị trí của núi Nùng (Long Đỗ - Rốn Rồng), được coi là tâm điểm của Cấm thành và Hoàng thành, nơi chung đúc khí thiêng của non sông đất nước theo quan niệm phong thuỷ cổ truyền. Trước điện Kính Thiên là Đoan Môn rồi tới Cột Cờ Hà Nội, phía sau có Hậu Lâu, Cửa Bắc, hai phía đông và tây có tường bao và mở cửa nhỏ. Dấu tích điện Kính Thiên hiện nay chỉ còn là khu nền cũ. Phía nam nền điện còn có hàng lan can cao hơn một mét. Mặt trước, hướng chính nam của điện Kính Thiên xây hệ thống bậc lên bằng những phiến đá hộp lớn. Thềm điện gồm 10 bậc, 4 rồng đá chia thành 3 lối lên đều nhau tạo thành thềm rồng. Bốn con rồng đá được tạo tác vào thế kỷ 15 thời nhà Lê.
- Bắc môn: là cổng thành phía Bắc, một trong 5 cổng thành duy nhất còn lại của Thành Hà Nội thời Nguyễn, xây dựng năm 1805. Bắc Môn được xây bằng gạch với cổng vòm bằng đá. Khi Pháp phá thành Hà Nội, họ giữ lại cửa Bắc vì nơi đây còn hai vết đại bác do pháo thuyền Pháp bắn từ sông Hồng năm 1882 khi Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai. Trên cổng thành hiện là nơi thờ hai vị tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu.
Cổng thành phía Bắc xưa với hào nước dọc theo thành
Cổng thành phía Bắc ngày nay
- Hậu lâu: còn gọi là Tĩnh Bắc Lâu, lầu Công chúa, hay tòa Hậu Điện, là một tòa lầu xây dựng phía sau cụm kiến trúc điện Kính Thiên. Công trình được xây dựng vào thời Nguyễn (1821), là nơi nghỉ ngơi của các cung tần mỹ nữ trong đoàn tùy tùng của nhà vua khi tuần du từ Huế ra Bắc thành. Công trình này đã bị phá huỷ vào khoảng cuối thế kỷ 19. Phần kiến trúc hiện còn là công trình do người Pháp xây dựng lại.
- Nhà D67: là Tổng hành dinh của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương trong thời gian của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giành độc lập dân tộc. Tại đây có hệ thống hầm ngầm dẫn xuống các phòng làm việc sâu 10m dưới lòng đất.
Nhà D67
Rồng Đá trên thềm bậc của điện Kính Thiên
Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long Hà Nội là niềm tự hào to lớn của dân tộc Việt Nam. Đây sẽ được phục dựng để trở thành Trung tâm văn hóa và Bảo tàng lịch sử Quốc gia; nơi tiến hành các nghi lễ Quốc gia.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/1328
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ho%C3%A0ng_th%C3%A0nh_Th%C4%83ng_Long http://www.hoangthanhthanglong.vn/
http://www.vietnamtourism.com/disan/index.php?catid=18
http://thanglong.chinhphu.vn/Home/Khu-di-tich-Trung-tam-Hoang-thanh-Thang-Long-va-nhung-gia-tri-noi-bat-toan-cau/20098/4478.vgp
Xem video giới thiệu Hoàng thành Thăng Long tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|