Thông tin chung:
Công trình: Quần thể danh thắng Tràng An (Trang An Landscape Complex)
Địa điểm: tỉnh Ninh Bình, Việt Nam (N20 15 24 E105 53 47)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản: 6226 ha; Vùng đệm: 6026 ha (sửa đổi vào năm 2016)
Thời gian hình thành: Kinh đô Hoa Lư - từ thế kỷ thứ 10
Giá trị: Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (2014; hạng mục v, vii, viii)
Quần thể danh thắng Tràng An nằm ở khu vực ranh giới giữa huyện Hoa Lư với huyện Gia Viễn, Nho Quan, thành phố Tam Điệp và thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam.
Quần thể nằm cạnh quốc lộ 1A, QL38B, QL12B, trong tứ giác nước, được giới hạn bởi: Sông Hoàng Long tại phía Bắc, là sông lớn nhất; Sông Chanh tại phía Đông; Sông Hệ Dưỡng, sông Vân tại phía Nam; Sông Bến Đang, sông Rịa tại phía Tây. Ngoài ra, tại đây còn nhiều hệ thống đường thủy bên trong khác như: Sông Sào Khê, nối sống Hoàng Long với sông Vạc, là phụ lưu của sông Đáy; Sông Ngô Đồng nối với sông Vạc; Sông Tràng An; Sông Đền Vối.
Tràng An là nơi có kiến tạo địa chất độc đáo, đại điện cho những giai đoạn lớn trong lịch sử Trái Đất, là giai đoạn cuối cùng của một quá trình phát triển cảnh quan các tháp đá vôi karst (là hiện tượng phong hóa, do sự hòa tan khí CO2 trong không khí vào nước tạo thành axít cacbonic ăn mòn đá vôi) trong một môi trường nhiệt đới ẩm.
Tràng An là một vùng núi đá vôi trồi lên giữa đồng bằng ven biển tương đối bằng phẳng của miền Bắc Việt Nam, tạo nên những cảnh quan thiên nhiên vô cùng đẹp đẽ và quyến rũ tầm thế giới với những ngọn núi, dãy núi, hang động huyền bí, sông nước thanh tĩnh.
Nơi đây, con người và văn hóa do được tiếp xúc với các bí ẩn và hùng vĩ của thế giới tự nhiên, cũng trở lên rất đặc biệt. Đây là vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố địa linh, nhân kiệt theo quan niệm dân gian Việt Nam: Nơi đất sinh vua - sinh thánh và sinh thần (đất sinh ra vua đã hiếm; song đất sinh vua, sau khi mất được người dân tôn là thánh, là thần còn hiếm hơn).
Vào năm 905, Khúc Thừa Dụ đã xây dựng chính quyền tự chủ của người Việt nhân khi nhà Đường suy yếu, đặt nền móng cho nền độc lập của Việt Nam. Từ đây, nhà nước phong kiến độc lập Việt Nam trải qua các quốc hiệu và vương triều: Đại Cồ Việt thời nhà Đinh – nhà Tiền Lê và đầu thời nhà Lý (từ năm 968–1054); Đại Việt thời nhà Lý – nhà Trần (từ năm 1054–1400); Đại Ngu thời nhà Hồ (từ năm 1400–1407); Đại Việt thời nhà Hậu Lê, nhà Tây Sơn và 3 năm đầu thời nhà Nguyễn (từ năm 1428–1804; Việt Nam thời nhà Nguyễn (từ năm 1804–1839); Đại Nam thời Nhà Nguyễn (từ năm 1839–1945).
Tràng An hay Hoa Lư là kinh đô của 2 vương triều Việt Nam đầu tiên: Vương triều Đại Việt với nhà Đinh và Tiền Lê và đầu vương triều Đại Việt thời nhà Lý.
Quần thể danh thắng Tràng An tại Ninh Bình, Việt Nam được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa và thiên nhiên (năm 2014) với tiêu chí:
Tiêu chí (v): Tràng An là một địa điểm nổi bật ở Đông Nam Á, là một ví dụ tiêu biểu về sự định cư của con người trong mối quan hệ tương tác với thiên nhiên và thích nghi với những thay đổi lớn của điều kiện khí hậu, địa lý và môi trường trong khoảng thời gian hơn 30.000 năm. Lịch sử văn hóa lâu đời tại đây gắn liền với sự tiến hóa địa chất của khối đá vôi Tràng An vào cuối thời kỳ Pleistocene (thời đại địa chất kéo dài khoảng 2.588.000 đến 11.700 năm trước) và Holocen sớm (bắt đầu từ khoảng 11.700 năm trước), khi cư dân trải qua một số thay đổi khí hậu và môi trường hỗn loạn nhất trong lịch sử Trái đất, bao gồm cả sự ngập nước do dao động của mực nước biển. Trong một khu vực cảnh quan nhỏ gọn, Tràng An là nơi có nhiều địa điểm trải qua nhiều thời kỳ với các chức năng khác nhau, trong đó có các hệ thống định cư ban đầu của con người.
Tiêu chí (vii): Phong cảnh núi đá có vẻ đẹp tự nhiên độc đáo và tuyệt đẹp của Tràng An được tạo bởi một loạt các tháp đá vôi phủ đầy rừng cao đến 200m, gắn với những rặng núi xung quanh và những vùng thung lũng được nối với nhau bởi vô số các hang động ngầm.
Những đặc điểm này mang lại nhận thức rất đa dạng cho khách du lịch, đặc biệt bởi màu sắc tương phản và luôn thay đổi: Rừng mưa nhiệt đới xanh thẳm; Đá và vách đá vôi xám; Nước xanh xanh và màu xanh rực rỡ của bầu trời; Khu vực canh tác của con người với các cánh đồng lúa xanh và vàng.
Du khách thăm quan, dưới sự hướng dẫn của những người lái đò truyền thống, có được các trải nghiệm về một sự kết nối mật thiết với môi trường tự nhiên; cảm giác thư giãn về sự thanh thản và an bình.Những ngọn núi hùng vĩ, những hang động bí ẩn và những nơi linh thiêng ở Tràng An đã truyền cảm hứng thẩm mỹ và đức tin cho nhiều thế hệ con người sinh ra và lớn lên tại đây.
Tiêu chí (viii): Tràng An là một ví dụ nối bật về địa chất, đại diện cho giai đoạn lớn trong lịch sử Trái Đất, là giai đoạn cuối cùng của một quá trình phát triển cảnh quan các tháp đá vôi bị phong hóa (karst), trong một môi trường nhiệt đới ẩm. Các khối đá vôi được nâng lên trong khoảng thời gian năm triệu năm đã tạo ra một loạt địa hình phong hóa cổ điển, bao gồm các khối đá vôi hình nón, tháp, vách dựng đứng hoặc rất dốc, hang động và hang ngầm bên trong được nối với nhau. Đây là nơi có sự chuyển tiếp giữa tháp đá vôi phong hóa tập trung tạo thành các dãy núi và tháp đá vôi phong hóa phân bố rời rạc với các ngọn núi đứng tách biệt, nổi bật trên các vùng đất bằng phẳng.
Tại Tràng An, hệ thống tháp đá vôi phong hóa tự sinh bất thường, chỉ chịu tác động của mưa và cách ly thủy văn với các con sông xung quanh. Nước biển dâng trước đây đã biến khối núi thành một quần đảo trong một số thời kỳ, mà ngày nay hoàn toàn nằm trên đất liền. Biến động mực nước biển được chứng minh bằng một loạt vết xói mòn theo chiều cao trong các vách đá tại hang động liên quan, các ngấn vệt sóng, các trầm tích bãi biển và vỏ sò biển.
Bản đồ ranh giới của Quần thể danh thắng Tràng An, tình Ninh Bình, Việt Nam (sửa đổi vào năm 2016); Khu vực khu vực Di sản, diện tích 6226ha: màu đỏ; Khu vực vùng đệm, diện tích 6026ha: màu xanh
Sơ đồ ranh giới của Quần thể danh thắng Tràng An, tình Ninh Bình (thời điểm trước năm 2016) gắn với một số công trình di tích đặc biệt và các điểm thăm quan du lịch chính.
Núi, hang động và mặt nước Tràng An
Di sản Quần thể danh thắng Tràng An tại Ninh Bình, Việt Nam là Di sản văn hóa và thiên nhiên. Đây là Di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Di sản có ranh giới bao gồm các dãy núi đá vôi với đầy đủ dạng địa hình tháp phong hóa cổ điển và quá trình địa mạo liên quan. Địa hình rất phức tạp đã cách ly khu vực Di sản khỏi sự khai thác kinh tế và về cơ bản vẫn giữ được trạng thái tự nhiên, duy trì được cảnh quan và sự hấp dẫn về thẩm mỹ.
Các khu vực khai thác hiện này chủ yếu là các thôn làng truyền thống nhỏ, ruộng, vườn của người dân bản địa và một số khu du lịch. Khu vực Di sản hiện thu hút lượng khách du lịch ngày một lớn.
Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích khoảng 12.252ha, gồm:
- Phần lõi Di sản Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 6.226 ha, bao gồm một phần diện tích của 12 xã thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Ninh Bình là: Trường Yên, Ninh Xuân, Ninh Vân, Ninh Thắng, Ninh Hải, Ninh Hòa (huyện Hoa Lư); Gia Sinh (huyện Gia Viễn); Sơn Lai, Sơn Hà (huyện Nho Quan); Yên Sơn (thị xã Tam Điệp); Ninh Nhất, Ninh Tiến (thành phố Ninh Bình).
- Vùng đệm bao quanh Di sản Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 6.026 ha, bao gồm một phần diện tích của 20 xã, phường của 5 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Ninh Bình là: Trường Yên, Ninh Xuân, Ninh Vân, Ninh Thắng, Ninh Hải, Ninh Hòa, Ninh Giang, Ninh Mỹ, Ninh An (huyện Hoa Lư); Gia Sinh, Gia Trung, Gia Tiến (huyện Gia Viễn); Sơn Lai, Sơn Hà, Quỳnh Lưu (huyện Nho Quan); Yên Sơn, Yên Bình (thị xã Tam Điệp); Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phong (thành phố Ninh Bình). Toàn bộ không gian vùng đệm chia thành 4 khu vực, gồm: Khu Bái Đính (phía Tây), Khu Trường Yên - Ninh Hòa (phía Bắc), Khu Ninh Nhất - Ninh Tiến (phía Đông), Ninh Thắng - Ninh Hải (phía Nam).
Phần lõi Quần thể danh thắng Tràng An với diện tích 6.226 ha, bao gồm 3 khu: Cố đô Hoa Lư (diện tích 314 ha); Khu du lịch Tràng An - Tam Cốc - Bích Động (2483 ha); Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư (3.429ha).
Vào thời điểm năm 2014, tại vùng lõi Tràng An có khoảng 1,4 vạn dân cư sinh sống với nghề nghiệp chủ yếu là nông nghiệp và dịch vụ du lịch. Người Tràng An ngày nay được coi là hậu duệ của những cư dân cổ của nền văn hóa Tràng An, vốn là nền văn hóa cổ nhất ở Việt Nam. Đây cũng là nơi còn duy trì được các lễ hội xưa, tiêu biểu nhất là lễ hội Hoa Lư, lễ hội Tràng An và lễ hội chùa Bái Đính.
Sơ đồ minh họa các Khu vực trong đô thị Ninh Bình (2016); Quần thể danh thắng Tràng An gồm: Cố đô Hoa Lư (trong hình vẽ ký hiệu 3-1); Khu du lịch Tràng An - Tam Cốc - Bích Động (3-2); Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư (3-3)
Khu vực Di sản Quần thể danh thắng Tràng An có một hệ thống đa dạng các công trình di tích, gồm các Di tích quốc gia đặc biệt; Di tích quốc gia và Di tích cấp tỉnh. Phần dưới đây chủ yếu giới thiệu các công trình di tích thuộc nhóm Di tích quốc gia đặc biệt.
Cố đô Hoa Lư
Cố đô Hoa Lư (trong Sơ đồ minh họa các Khu vực trong đô thị Ninh Bình ký hiệu khu 3- 1) là Di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam, đồng thời là 1 trong 3 vùng lõi của Di sản Quần thể danh thắng Tràng An (cùng với Khu du lịch Tràng An - Tam Cốc – Bích Động; và Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư).
Cố đô Hoa Lư nằm tại phía Bắc của Di sản Quần thể danh thắng Tràng An, trên địa bàn giáp ranh giới 2 huyện Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình của tỉnh Ninh Bình.
Hoa Lư xưa kia là vùng đất phù sa cổ ven chân núi, nơi có con người cư trú từ rất sớm. Tại đây còn lưu giữ nhiều di vật của người tiền sử từ 30.000 năm trước.
Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam và là một trong những đô thị đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, được xây dựng vào thế kỷ 10, liên quan đến triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý; bắt đầu từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ.
Đinh Bộ Lĩnh (22/3/924- 10/979) sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi hiệu là Đinh Tiên Hoàng. Vua cho xây dựng kinh đô Hoa Lư, bằng cách đắp thành, nối liền những ngọn núi, khép kín thung lũng đá vôi để phục hưng văn hóa, mở ra các triều đại đầu tiên của phong kiến Việt Nam với quốc hiệu Đại Cồ Việt (nhà Đinh – nhà Tiền Lê và đầu thời nhà Lý, từ năm 968–1054).
Hoa Lư là kinh đô của nhà Tiền Lê với vị vua sáng lập Lê Đại Hành (Lê Hoàn, 10/8/941- 3/1005), là vị vua với nhiều công tích đánh Tống dẹp Chiêm Thành.
Năm 1010 vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn, 8/3/974- 31/3/1028, vị hoàng đế sáng lập vương triều Lý, trị vì từ năm 1009- 1028), rời đô về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành Cố đô.
Các triều vua kế tiếp vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở Cố đô Hoa Lư nhiều công trình kiến trúc như lăng, đền, chùa, đình, phủ…
Tại đây, có nhiều địa danh gắn liền với lịch sử hình thành đô thị Hoa Lư cũng như Thăng Long sau này: Phố Chợ, núi Chợ, phủ Chợ, tường Dền, thành Dền, cầu Dền, cầu Đông, tường Đông, cửa Đông…Vào thời bấy giờ, đô thị Hoa Lư với mức độ sầm uất, phong cảnh hữu tình còn được so sánh với đô thị Tràng An của nhà Hán, Trung Quốc.
Ngay sau khi nhà Lý dời đô về Thăng Long, dân chúng từ bên ngoài kéo vào kinh thành sinh sống. Vì vậy, ngoại trừ khu trung tâm cung điện, rất nhiều các công trình kiến trúc của Cố đô Hoa Lư xưa đã nằm trọn trong các trong khu dân cư.
Đến thế kỷ 15, thời vương quốc Đại Việt, triều đại nhà Trần (trị vì trong giai đoạn năm 1225–1400) đã chọn núi Tràng An để xây dựng hành cung Vũ Lâm với vai trò là một căn cứ quân sự để củng cố lực lượng góp phần chiến thắng quân Nguyên – Mông (một vương triều tại Trung Quốc, trị vì trong giai đoạn năm 1271- 1368) và là nơi các vua Trần xuất gia tu hành, mở mang Phật giáo.
Khu vực Cố đô Hoa Lư bao gồm toàn bộ khu vực thành nội, thành ngoại, các di tích lịch sử…, là khu vực có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khảo cổ, cảnh quan thiên nhiên, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, lối sống địa phương.
Sơ đồ các khu vực trong Cố đô Hoa Lư
Kiến trúc kinh thành
Kinh thành Hoa Lư được hình thành một cách tự nhiên bởi các thung lũng trong lòng các dãy núi. Các dãy núi tạo ra các vòng thành tự nhiên, đoạn không có núi được bổ sung bằng tường thành.
Kinh thành có 3 vòng thành: Thành Đông (thành Ngoài), thành Tây (thành Trong) và thành Nam. Thành Đông và Thành Tây có các thung lũng rộng, là nơi đặt cung điện, gọi là thành Hoa Lư. Thành Nam là khu vực thung lũng nhỏ hẹp, chỉ thuận tiện cho việc phòng thủ, hỗ trợ mặt sau nên được gọi là thành Tràng An.
- Thành Đông (thành Ngoài hay thành phía ngoài) rộng khoảng 140 ha, thuộc địa phận hai thôn Yên Thượng và Yên Thành xã Trường Yên với các đoạn tường thành nối các dãy núi tạo nên vòng thành khép kín. Ðây là khu vực bố trí cung điện chính của hoàng gia. Trong thành Đông hiện còn rất nhiều địa danh nổi tiếng như: đền vua Ðinh Tiên Hoàng, đền vua Lê Đại Hành nằm ở trung tâm; phủ Đông Vương, phủ Vườn Thiên, chùa Nhất Trụ, chùa Cổ Am, đình Yên Trạch, chợ cầu Đông và cầu Dền, núi Mã Yên, núi Cột Cờ (nơi treo quốc kỳ Đại Cồ Việt), sông Sào Khê (một nhánh sông Hoàng Long gắn với truyền thuyết về Đinh Bộ Lĩnh thuở nhỏ được rồng vàng cõng qua sông; Bến sông Sào Khê là nơi vua Lý Thái Tổ hạ chiếu rời đô, xuống thuyền tiến về Thăng Long)…Mỗi một địa danh lịch sử nơi đây là mỗi truyền thuyết về lịch sử dựng nước và giữ nước của tiền nhân.
- Thành Tây (thành Trong hay thành phía trong) có diện tích tương đương thành thành Đông, thuộc thôn Chi Phong, xã Trường Yên. Tại đây cũng có các đoạn tường thành nối liền các dãy núi. Khu thành Tây là nơi ở của gia đình hoàng gia và quan lại. Hiện tại đây còn lưu ại các di tích như: chùa Kim Ngân, là nơi cất vàng bạc và ngân khố quốc gia; chùa Duyên Ninh là ngôi chùa cầu duyên; đền Bim; đền Vực Vông…Trong thành Đông và Tây còn có các doanh trại của quân cấm vệ bảo vệ vua và triều đình.
Dân chúng sống ngoài thành. Việc qua lại giữa hai tòa thành và ra bên ngoài thông qua nhánh sông Sào Khê chảy dọc thành, vừa là hào nước tự nhiên, vừa là đường thủy.
- Thành Nam nằm ở phía Nam kinh thành Hoa Lư, có núi cao bao bọc xung quanh, bảo vệ mặt sau kinh thành với địa thế vững chắc. Đoạn sông Trường chảy qua thành Nam có một hệ thống khe ngòi chằng chịt đổ ra từ các ngách núi. Thành Nam có nhiều giá trị về mặt quân sự, là nơi dự trữ, phòng thủ. Từ đây có thể nhanh chóng rút ra ngoài bằng đường thủy. Vào thời Trần sau này, đây tiếp tục là căn cứ địa chống quân Nguyên Mông.
Tại khu vực đền vua Lê Đại Hành, các kết quả khai quật một phần nền cung điện thế kỷ 10 đã tìm thấy hàng trăm hiện vật cổ. Trong đó có những viên gạch lát nền có trang trí hình hoa sen tinh xảo, đặc biệt loại lớn có kích thước 0,78m x 0,48m. Có những viên gạch vẫn còn dòng chữ "Ðại Việt quốc quân thành chuyên" (gạch chuyên xây dựng thành nước Ðại Việt)… hé mở phần nào diện mạo của cố Hoa Lư với thành quách kiên cố, nhiều kiến trúc lớn và trang trí cầu kỳ, mang đậm phong cách nghệ thuật riêng thời Đinh – Lê.
Thành hào thiên tạo vẫn còn, nổi bật là núi Mã Yên, núi Cột Cờ, Ghềnh Tháp, sông Hoàng Long và nhánh sông Sào Khê.
Cổng kinh thành và cổng cung điện
Kinh thành Hoa Lư có 3 cổng thành: Cổng phía Nam và Đông vào Khu vực thành Ngoài; cổng phía Bắc vào Khu vực thành Trong.
Khu vực cung điện tại thành Đông (thành Ngoài) có 3 cửa: Cửa Bắc, cửa Đông và cửa Nam.
Hiện nay, các lớp thành nhân tạo chỉ còn là những tàn tích. Các kết quả khai quật cho thấy, tường thành có 2 lớp: Lớp trong bằng gạch dày 0,4m, cao 8-10m với chân tường kè đá tảng, gạch bó và đóng cọc gỗ; Lớp ngoài tường gạch là tường đất đắp dày.
Cổng thành phía Nam
Cổng thành phía Đông
Cổng thành phía Tây
Kiến trúc cung điện
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm 984, tại đây dựng nhiều cung điện, làm nơi coi chầu: bên Đông là điện Phong Lưu, bên Tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc, lầu Đại Vân; dựng điện Trường Xuân làm nơi vua ngủ, cạnh đó là điện Long Lộc... Các cung điện có cột dát vàng bạc, lợp bằng ngói bạc…Sau ngàn năm, các cung điện chỉ còn lại tàn tích nền móng.
Kiến trúc đền thờ
- Đền Vua Đinh Tiên Hoàng, thuộc xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình, được xây dựng từ thời nhà Lý và xây dựng lại từ thời Hậu Lê, nằm trên nền cung điện xưa, quay về hướng Đông. Trước mặt đền là núi Mã Yên có hình dáng giống cái yên ngựa, trên núi có lăng mộ vua Đinh.
Mặt bằng tổng thể của Đền theo dạng: Khối trung tâm có mặt bằng hình chữ H, bao quanh là các công trình tạo thành hình vuông (kiểu “nội công ngoại quốc” - theo Hán tự).
Khối trung tâm của đền gồm: Tòa bái đường phía trước rộng 5 gian, là nơi chuẩn bị thờ, làm lễ; Tòa thiêu hương tiếp theo, là nơi đặt lễ và cũng là nơi thờ tứ trụ triều đình nhà Đinh; Tòa chính điện phía sau rộng 5 gian, nơi đặt ngai thờ vua Đinh Tiên Hoàng và 3 hoàng tử. Bao quanh khối trung tâm là các dãy nhà tạo thành các sân trong. Trong đó có công trình thờ cha mẹ vua Đinh Tiên Hoàng.
Đền là một công trình kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ của Việt Nam ở thế kỷ 17.
Tại đây có một Bảo vật quốc gia là 2 chiếc sập đá được chạm khắc trước Nghi môn ngoại (cổng ngoài) và trước tòa Bái đường (cùng với Cột kinh Phật tại chùa Nhất trụ là hai Bảo vật quốc gia tại Quần thể danh thắng Tràng An). Hai sập đá này không đặt nghiêng hay đứng mà đặt phẳng, có lẽ không phải cho người đọc bia, mà hướng về bầu trời, tuân theo thần linh pháp quyền. Đây cũng là bảo vật hàng đầu của mỹ thuật Việt Nam.
Phối cảnh Quần thể đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng
Đền thờ Đinh Tiên Hoàng
Long sàng hay sập đá trước cổng ngoài đền Vua Đinh Tiên Hoàng
Long sàng hay sập đá trước tòa bái đường, đền Vua Đinh Tiên Hoàng
Gian thờ vua Đinh Tiên Hoàng
- Đền Vua Lê Đại Hành nằm cách đền vua Đinh Tiên Hoàng 300 mét. Đền có mặt bằng kiểu “nội công ngoại quốc” tương tự như đền vua Đinh Tiên Hoàng, gồm tòa Bái đường, toà giữa là Thiêu hương thờ Phạm Cự Lượng, người có công với vua Lê Ðại Hành; tòa Chính điện thờ vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn), thái hậu Dương Vân Nga và vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê là Lê Long Đĩnh.
Nét độc đáo ở đền thờ vua Lê Đại Hành là nghệ thuật chạm gỗ thế kỷ 17 đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo.
Đền vua Lê Đại Hành dựng trên nền cũ của cung điện thuộc Cố đô Hoa Lư.
Cổng Đền thờ Lê Đại Hành
Đền thờ vua Lê Đại Hành
Tượng thờ vua Lê Đại Hành
- Đền thờ công chúa Phất Kim (còn gọi là phủ Bà Chúa, là một trong những con gái của vua Đinh Tiên Hoàng), được xây dựng từ thời nhà Tiền Lê, nằm gần đền thờ Lê Hoàn và chùa Nhất Trụ. Đây là một ngôi đền cổ suy tôn người phụ nữ thế kỷ 10, hiền lành, trung hậu và chịu nhiều sóng gió cuộc đời. Đền nằm gần cửa Bắc vào khu Cố đô Hoa Lư, gồm 3 tòa xếp kiểu chữ U, hướng vào sân chính giữa. Tương truyền, vị trí này nằm trên nền nhà của cung Vọng Nguyệt, dinh thự của công chúa Phất Kim. Phía trước sân còn một cái giếng lớn, hình lục lăng, được cho là nơi công chúa đã tự vẫn.
Đền thờ công chúa Phật Kim
Ngoài ra tại đây còn có các đền thờ các vị thần trấn giữ hướng thành: Động Thiên Tôn thờ vị thần trấn Đông. Động Cao Sơn Đại vương thờ vị thần trấn Bắc; Đền Nội Lâm (Động Quý Minh) thờ vị thủy thần trấn Nam.
Động Thiên Tôn thờ vị thần trấn Đông
Động Cao Sơn Đại vương thờ vị thần trấn Bắc
Đền Quý Minh Đại Vương thờ vị thần trấn Nam
Kiến trúc đình làng
Ngoài các đền thờ 2 vua Đinh, Lê thuộc sở hữu cộng đồng thì ngay trong kinh thành Hoa Lư, người dân cố đô vẫn lập những ngôi đình riêng của mỗi làng để thờ 2 vị vua này. Đó là các di tích thuộc sở hữu của 7 làng cổ thuộc xã Trường Yên, ví dụ như:
- Đình Yên Trạch thờ vua Đinh Tiên Hoàng, nằm ở làng cổ Yên Trạch, cách trung tâm quảng trường cố đô 2 km. Đình được xây dựng theo khuôn mẫu của đền vua Đinh Tiên Hoàng.
- Đình Yên Thành nằm cạnh chùa Nhất Trụ, thuộc làng cổ Yên Thành là nơi trung tâm nhất của cung điện Hoa Lư xưa, nằm cách đền vua Đinh Tiên Hoàng khoảng 300m. Đình làng Yên Thành thờ cả vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Hoàn làm thành hoàng.
- Đình Trung Trữ nằm tại làng cổ Trung Trữ. Đình thờ vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành, Thái hậu Dương Vân Nga, Hoàng gia triều Đinh, Hoàng gia triều Lê, Tứ trụ triều đình. Tôn các vị là thần thành hoàng làng.
Đình Yên Thành
Kiến trúc chùa, bia
Sau khi đã là kinh đô, Hòa Lư dần trở thành trung tâm Phật Giáo. Theo chính sử, vua Đinh Tiên Hoàng là người đầu tiên đặt chức tăng thống phật giáo trong lịch sử mà quốc sư đầu tiên của Việt Nam là Khuông Việt (Ngô Chân Lưu, năm 933- 1011).
Tại đây có khá nhiều chùa như: Chùa Nhất Trụ, Chùa Am Tiên, chùa Kim Ngân, chùa Cổ Am, chùa Duyên Ninh, chùa Bà Ngô, chùa Tháp, chùa Bàn Long, chùa động Thiên Tôn, chùa Hoa Sơn, chùa Đẩu Long.
Nhiều chùa được xây dựng trong các hang núi hoặc dựa vào núi, ví dụ như động chùa Hoa Sơn, Thiên Tôn, Bích Động, Địch Long, Bái Đính, Linh Cốc. Các chùa nổi bật trong khu vực gồm:
- Chùa Nhất Trụ thuộc làng cổ Yên Thành, xã Trường Yên, Ninh Bình.
Chùa Nhất Trụ còn gọi là Chùa Một Cột được vua Lê Đại Hành xây dựng để mở mang Phật giáo, nằm ở vị trí trung tâm thành Đông, là một trong những di tích chùa cổ và quan trọng nhất. Chùa được xây dựng theo kiểu chữ T (hay kiểu "đinh" theo Hán Tự), hướng chính Tây, gồm có cột kinh Phật, chính điện, nhà tổ, nhà khách, nhà ăn và các tháp. Đây là nơi còn lưu giữ được nhiều cổ vật gắn với lịch sử hình thành kinh đô Hoa Lư, nổi bật nhất là cột kinh Phật bằng đá (thạch kinh/cột kinh Lăng Nghiêm) cổ nhất Việt Nam trước sân chùa. Cột kinh Phật là một trong hai Bảo vật quốc gia tại Quần thể danh thắng Tràng An (Bảo vật kia là Long sàng trước Nghi môn ngoại và trước Bái đường Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng). Cột kinh Phật cao hơn 4m, có 8 mặt, rộng 65cm. Trên đỉnh cột là hình tượng bông sen đỡ một tháp nhọn. Trên 8 mặt của thần cột khắc đầy chữ Hán (khoảng 2500 chữ với số chữ còn đọc được khoảng 1200 chữ). Cột được dựng vào năm 995.
Chùa Nhất Trụ tại Cố đô Hoa Lư
Cột kinh Phật bằng đá tại chùa Nhất Trụ, tại Cô đô Hoa Lư
- Chùa động Am Tiên như một thế giới riêng biệt, là nơi vua Đinh Tiên Hoàng nuôi hổ báo để trừng trị những người phạm tội nặng. Đến thời Lý, nhà sư Nguyễn Minh Không đã ở trong hang tụng kinh thuyết pháp, xây bệ thờ Phật ở trong hang.
Cửa động Am Tiên nhìn ra ngoài
- Chùa Kim Ngân là một ngôi chùa cổ nằm ở thôn Chi Phong, thuộc thành Trong, là nơi cất giữ vàng bạc từ khi vua Lê Đại Hành cày tịch điền ở ruộng Kim Ngân. Chùa còn là nơi vui chơi của Hoàng Gia.
- Chùa Am thuộc thôn Yên Trung, nằm ở phía Tây Bắc núi Đìa và chùa Đìa thuộc thôn Yên Thành, nằm ở phía Đông Nam núi Đìa, xã Trường Yên. Đây là hai chùa cổ thời Đinh, được xây dựng theo theo kiểu động chùa, lưng tựa và núi, có một phần nằm vào trong núi.
- Bia Cửa Đông (còn gọi là bia hang Thầy Bói) được tạc dưới chân núi Đầm, gọi cửa thành này là Đông Môn, là nơi bá quan văn võ qua lại mỗi khi vào triều bệ kiến. Nay còn địa danh xóm Đông Môn thuộc xã Trường Yên, và núi Thanh Lâu nằm cạnh đường còn gọi là Núi Cổng, nhưng vết tích của cửa thành thì hoàn toàn không còn.
(Xem thêm video Chùa cổ tai Ninh Bình)
Hệ thống lăng, phủ
- Lăng vua Đinh và lăng vua Lê đều xây từ năm 1840 và được trùng tu vào năm 1885.
Lăng vua Đinh xây bằng đá, được đặt trên đỉnh núi Mã Yên, tại nơi trũng thấp như hình tượng yên ngựa. Núi Mã Yên hiện thuộc địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.
Lăng vua Lê Đại Hành cũng xây bằng đá nhưng nằm dưới chân núi Mã Yên.
Núi Mã Yên bên trong Cố đô Hoa Lư
Nằm rải rác trong các khu dân cư cố đô Hoa Lư còn có rất nhiều các công trình lăng, phủ cổ kính thờ các quan thời Đinh - Lê và các thái tử, công chúa ở 2 triều đại này. Phủ là nơi làm việc của quan lại thời Đinh Lê, khi kinh đô Hoa Lư trở thành cố đô thì phủ trở thành nơi thờ phụng:
- Phủ Vườn Thiên (phủ Kinh Thiên vương) nằm cách quảng trường trung tâm khu di tích Cố đô Hoa Lư 600m. Phủ có kiến trúc như một ngôi đền với 3 tòa chầu vào sân giữa. Phủ Vườn Thiên thờ thái tử Lê Long Thâu, con cả vua Lê Đại Hành, là người cai quản Tháp Tư thiên. Tháp có nhiệm vụ quan sát thiên tượng, dự đoán thời tiết hàng ngày để tâu lên vua.
- Phủ Đông Vương thuộc thôn Đông Thành, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Đền thờ Đông Thành Vương, tức hoàng tử Lê Long Tích con thứ 2 của Vua Lê Đại Hành.
Ngoài ra tại đây còn có nhiều phủ thờ khác.
Phủ Vườn Thiên
Phủ Đông Vương
Khu du lịch Tràng An - Tam Cốc - Bích Động
Khu du lịch Tràng An – Tam Cốc – Bích Động (trong Sơ đồ minh họa các Khu vực trong đô thị Ninh Bình ký hiệu khu 3-2) là 1 trong 3 vùng lõi của Di sản Quần thể danh thắng Tràng An (cùng với Cố đô Hoa Lư và Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư).
Khu du lịch Tràng An – Tam Cốc – Bích Động nằm tại phía Đông, một phần phía Nam và Tây của Di sản Quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình, được kết nối với nhau thông qua Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư.
Đây là khu vực có giá trị đặc biệt về địa chất, địa hình, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa và di vật, hiện vật có giá trị nghiên cứu, khảo cứu khoa học, thăm quan phục vụ mục đích du lịch. Hệ thống cảnh quan tự nhiên và văn hóa trong khu vực được bảo tồn, tôn tạo.
Khu du lịch Tràng An
Khu du lịch sinh thái Tràng An nằm cách thành phố Ninh Bình 7 km, gồm hệ thống cảnh quan tự nhiên như hang động, thung nước, rừng cây trên núi đá vôi và các di tích lịch sử gắn với kinh thành của Cố đô Hoa Lư.
- Hang động: Hang động Tràng An như một bảo tàng địa chất ngoài trời, có những nét đặc trưng nổi bật với bốn loại hang động chính: Hang ngầm cổ, hang nền phong hóa cổ (hang không có mái đá), hang mái đá và hang hàm ếch.
Nơi đây có tới 31 hồ, đầm nước được nối thông bởi 48 hang động đã được phát hiện, trong đó có những hang xuyên thủy dài 2 km như hang Địa Linh, hang Sinh Dược, hang Mây...
Tại đây có nhiều hang động còn lưu giữ nhiều di vật, dấu tích của người tiền sử. Các di tích khảo cổ hang động này phân bố với với mật độ cao và chia thành 5 nhóm, mỗi nhóm từ 4-6 di tích gồm: Nhóm hang Bói nằm ở khu trung tâm khối đá vôi Tràng An có diện tích khoảng 3 km2, tiêu biểu là hang Bói, hang Trống, hang Mòi; Nhóm mái đá Vàng nằm ở khu trung tâm khối đá vôi Tràng An có diện tích khoảng 4 km2, tiêu biểu là Mái đá Ông Hay, Mái đá Chợ và Mái đá Vàng; Nhóm thung Bình nằm ở rìa phía Tây khối đá vôi Tràng An trên diện tích khoảng 2 km2, tiêu biểu là 4 hang ở núi thung Bình và hang Chùa; Nhóm mái đá Ốc nằm ở rìa Tây Nam khối đá vôi Tràng An trên diện tích khoảng 3 km2, tiêu biểu là mái đá Ốc, núi Tướng 1,2, mái đá Ốc 2 và hang Vàng; Nhóm hang Áng Nồi nằm ở phía Bắc khu di sản trên diện tích khoảng 4 km2, tiêu biểu là các hang Áng Nồi, hang Ông Mi và hang Son. Hiện tại việc nghiên cứu khảo sát các hang động vẫn đang tiếp tục.
Tại đây có nhiều hang động gắn với các truyền thuyết lịch sử, văn hóa như: Hang Nấu Rượu, có mạch nước ngầm sâu hơn 10m, tương truyền xưa kia các bậc tiền bối đã vào đây lấy nước để nấu rượu tiến vua; Hang Bói gắn với truyền thuyết vua quan nhà Trần từng gieo quẻ bói tại đây…
Các hang tiêu biểu về cảnh quan với các nhũ đá rủ xuống kỳ ảo như: Hang Địa Linh; hang Ba Giọt…
- Non nước: Tại Khu du lịch sinh thái Tràng An, các dãy núi, hang động và mặt nước liên kết với nhau tạo thành vô số các bức tranh thủy mặc khác nhau về dáng núi, hang động, mặt nước, cây xanh và bầu trời. Hệ thống mặt nước không chỉ là sông, hồ mà còn là các động xuyên thủy với độ dài ngắn khác nhau.
- Đa dạng sinh học: Hệ sinh thái Khu du lịch Tràng An có 2 dạng hệ sinh thái chính: Hệ sinh thái trên núi đá vôi và Hệ sinh thái trên các vùng đất thấp tại các thung lũng, gắn với Hệ sinh thái của Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư kề liền.
- Di tích lịch sử văn hóa: Tại đây có nhiều di tích lịch sử văn hóa, tiêu biểu: Đền Trình và Đền Tứ Trụ (nằm cạnh đền Trình) là nơi thờ các đại thần nhà Đinh; Đền Trần là nơi vua Trần Thái Tông về đây lập hành cung Vũ Lâm, được xây dựng trên một ngôi đền cũ thời vua Đinh; Phủ Khống là nơi thờ 7 vị quan trung thần triều Đinh; Hành cung Vũ Lâm là nơi thờ vua quan nhà Trần và danh nhân Trương Hán Siêu; Đền Cao Sơn là nơi thờ thần Cao Sơn trấn Tây (một trong Hoa Lư tứ trấn); Đền Suối Tiên là nơi thờ thần Quý Minh trấn Nam.
Hệ thống cảnh quan tự nhiên: hang động, thung nước, hệ sinh thái trên núi đá vôi và hệ sinh thái trên các vùng đất thấp tại Khu du lịch Tràng An, Ninh Bình
Khu du lịch Tràng An, Ninh Bình
Khu Tam Cốc - Bích Động
Khu Tam Cốc – Bích Động nằm tại phía Nam của Khu du lịch Tràng An – Tam Cốc – Bích Động, chủ yếu thuộc xã Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình. Khu Tam Cốc – Bích Động bao gồm hệ thống hang động đá vôi và các di tích lịch sử liên quan đến hành cung Vũ Lâm của triều đại nhà Trần.
Hang động: Các hang động nổi tiếng trong khu vực gồm:
- Tam Cốc, có nghĩa là "ba hang", gồm hang Cả, hang Hai và hang Ba. Cả ba hang đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng đâm xuyên qua núi. Tam Cốc là tuyến du thuyền được khai thác đầu tiên ở khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Hang Cả dài 127 m, xuyên qua một quả núi lớn, cửa hang rộng trên 20 m. Hang Hai, cách hang Cả gần 1 km, dài 60 m. Hang Ba, gần hang Hai, dài 50 m. Trong hang có nhiều nhũ đá rủ xuống với muôn hình vạn trạng. Các du khách đến thăm hang đi bằng thuyền, bắt đầu từ sông Ngô Đồng, lượn qua các vách núi, cánh đồng lúa và hang ngầm. Màu sắc hai bên tuyến du lịch thay đổi theo mùa lúa và màu nước trên cách đồng.
- Động Thiên Hương nằm trên đường từ sông Ngô Đồng vào đền Thái Vi, là một động khô và sáng nằm ở lưng chừng núi có độ cao so với mặt đất khoảng 15 m. Động có chiều cao khoảng 60 m, sâu 40 m, rộng 20 m. Đỉnh động rỗng nên động còn có tên là Động Trời. Nằm gọn trong động là miếu thờ bà Trần Thị Dung ( mất năm 1259, hoàng hậu cuối cùng của nhà Lý, vợ vua Lý Huệ Tông), là người đã truyền cho dân xã Ninh Hải nghề thêu ren.
- Bích Động nằm cách bến Tam Cốc 2 km, có nghĩa là "động xanh", là tên do Nguyễn Nghiễm (tể tướng thời Lê trung hưng, cha của đại thi hào Nguyễn Du) đặt cho động vào năm 1773. Đây là một trong những thắng cảnh nằm trong nhóm được người xưa gọi là "Nam thiên đệ nhất động" (động Hương Tích ở Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội là Nam thiên đệ nhất động; Bích Động là Nam thiên đệ nhị động; Địch Lộng ở Kẽm Trống, nằm giữa xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam và xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, là Nam thiên đệ tam động). Bích Động gồm một động khô nằm trên lưng chừng núi (làm chùa Bích Động) và một hang động nước đâm xuyên qua lòng núi (gọi là Xuyên Thủy Động). Phía trước động là một nhánh sông Ngô Đồng uốn lượn bên sườn núi, bên kia sông là cánh đồng lúa.
- Xuyên Thủy động là một động tối và ngập nước nằm dọc theo chiều dài khối núi Bích Động, như 1 đường ống rộng 6m- 15m, hình bán nguyệt bằng đá dài khoảng 350m uốn lượn từ phía Đông sang phía Tây. Trần và vách bằng phẳng, tạo hoá như xếp từng phiến đá lớn thành mái vòm cung, bán nguyệt với muôn hình muôn vẻ.Lối vào Xuyên thủy động ở phía sau núi, đối diện với đường vào chùa Bích Động. Tại điểm kết thúc hành trình xuyên thủy động, du khách có thể leo núi để tới động và chùa Bích Động.
- Động Tiên là động khô đẹp của khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Động nằm cách chùa Bích Động gần 1 km. Phạm vi động gồm có ba hang lớn, rộng và cao. Trần động có nhiều vân đá, nhũ đá rủ xuống.
Tam Cốc- ba hang xuyên thủy, tại Khu Tam Cốc - Bích Động
Sắc màu cảnh quan tự nhiên tại khu Tam Cốc - Bích Động, Ninh Bình
Di tích lịch sử văn hóa
- Chùa Bích Động là một ngôi chùa cổ gắn với dãy núi đá vôi Trường Yên thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Chùa được dựng từ đầu đời nhà Hậu Lê, năm 1428. Trong chùa có quả chuông lớn đúc từ thời vua Lê Thái Tổ và mộ tháp các vị hòa thượng có công xây dựng chùa. Thời Lê Hiển Tông (1740-1786) chùa được trùng tu mở rộng thêm, bao gồm Chùa Hạ, Chùa Trung, Chùa Thượng, trải ra trên ba tầng núi. Chùa Bích Động là một kiểu chùa hang rất phổ biến ở Ninh Bình. Trong khu vực chùa có các hang động như: Động Tối; Xuyên Thủy động là một động tối xuyên qua gầm núi chùa Bích Động.
Chùa Bích Động (chùa Trung)
- Chùa Linh Cốc thuộc thôn Gôi Khê, xã Ninh hải, cách chùa Bích Động khoảng 500m về phía Đông Nam. Chùa được xây dựng vào năm 1258 và nhiều lần được tu sửa lại. Sân chùa rộng ở ngay chân núi. Chùa nằm tại lưng chừng núi, cao hơn so với sân khoảng 30m. Chùa được xây dựng theo kiểu “Tiền Phật – Hậu Thánh” với các tòa trước thờ Phật. Các tòa phía sau thờ Tam tòa Thánh mẫu (Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Liễu Hạnh).
- Đền Thái Vi nằm ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đền thờ 4 đời vua nhà Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, các tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải và hoàng hậu Thuận Thiên.
Vào năm 1285, tại đây hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đã chỉ huy đánh tan một bộ phận quân Mông- Nguyên trong trận đánh diễn ra tại thung lũng đá vôi Thiện Dưỡng (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư).
Đền có quy mô lớn, từ ngoài vào trong gồm: Nghi môn và ngựa đá hai bên; Gác chuông và tháp bia; Sân trong lát bằng đá xanh với hai dãy nhà vọng (bàn việc tế lễ) đặt tại hai bên sân; Ngũ đại môn (5 cửa) với hàng 6 cột đá tròn; Tòa Bái đường 5 gian với hàng 6 cột đá vuông; Tòa Trung đường 3 gian với hai hàng cột đá tròn, mỗi hàng 4 cột được chạm khắc; Tòa Chính điện 7 gian với hàng 8 cột đá tròn. Các cột đá tại các tòa đều được làm bằng đá nguyên khối; cột và xà hiên đá đều được chạm khắc các hình tượng long, ly, quy, phượng, cá chép hoá long…
Đền Thái Vi còn có một am nhỏ là nơi vua Trần Thái Tông tu hành trong thời gian cuối đời.
Phối cảnh Đền Thái Vi
Khu Tam Cốc – Bích Động hiện có các tuyến du lịch chính : Tam Cốc - Đền Thái Vi - Động Thiên Hương; Bích Động – Xuyên Thủy Động; Động Tiên – Chùa Linh Cốc. Ngoài ra tại đây còn có các tuyến du lịch có liên quan như: Thạch Bích - Thung Nắng; Thung Nham - Vườn chim; Sông Bến Đang - Động Thiên Hà; Hang Bụt; Hang Múa.
Khu Tam Cốc - Bích Động
Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư
Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư (trong Sơ đồ minh họa các Khu vực trong đô thị Ninh Bình ký hiệu khu 3-2) là 1 trong 3 vùng lõi của Di sản Quần thể danh thắng Tràng An (cùng với Cố đô Hoa Lư và Khu du lịch Tràng An – Tam Cốc – Bích Động). Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư nằm tại phía Nam của Di sản Quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình.
Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư có quy mô diện tích khoảng 2859ha (năm 2016), là khu vực bảo tồn các khu rừng gắn liền với di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan môi trường Hoa Lư, bao gồm phần đất thuộc 6 xã: Ninh Vân, Ninh Hải, Ninh Xuân, Ninh Hòa, Trường Yên huyện Hoa Lư và xã Ninh Nhất thuộc thành phố Ninh Bình.
Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư được phân thành hai phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, nguyên trạng giá trị, tính toàn vẹn và xác thực của di sản có diện tích: 669,5 ha, nằm trên địa bàn 3 xã: Trường Yên, Ninh Hải và xã Ninh Xuân; Phân khu phục hồi sinh thái là phần diện tích còn lại, nằm trên địa bàn cả 6 xã.
Địa hình điển hình của khu vực này là một vùng đá vôi bị phong hóa trồi lên giữa vùng đồng bằng ven biển tương đối bằng phẳng của miền Bắc Việt Nam. Vùng đá vôi này nằm xen kẽ với các khe suối có nước thường xuyên và các thung lũng ngập nước theo mùa. Độ cao tuyệt đối của vùng từ 10 đến 281m (so với mực nước biển).
Thảm thực vật tự nhiên tại đây là rừng trên núi đá vôi và trên vùng đất thấp tại các thung lũng với gần 600 loại thực vật bậc cao được ghi nhận, 200 loài động vật, mà trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam.
Ngoài ra tại đây còn có rất nhiều địa điểm có giá trị lịch sử, văn hóa và du lịch.
Hình ảnh điển hình của Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư
Năm 1770 chúa Trịnh Sâm (9/2/1739- 13/9/1782) đi tuần thú cõi Tây, lúc quay thuyền trở về, đi tắt tới đất Tràng An thăm cảnh Hoa Lư. Bốn phía non sông hùng tráng, khiến ông cảm khái làm một bài thơ tạc lên vách đá hang Luồn:
“Quay thuyền về tới bến Trường Yên,
Nhác thấy Hoa Lư cũng thuận miền.
Như tấm lụa chăng, hang giội nước,
Có từng núi mọc, cửa chồng then.
Cố đô đã mấy hồi thay đổi,
Thiên phủ còn nguyên dấu vững bền.
Hưng phế xưa nay bao chuyện cũ
Lòng dân đáng sợ chớ nên quên."
Quần thể danh thắng Tràng An, là một hệ thống tài nguyên to lớn, giá trị đặc biệt cho phát triển công nghiệp du lịch và văn hóa tại Ninh Bình, góp phần đưa Việt Nam ra với thế giới và đưa thế giới đến Việt Nam.
Quần thể danh thắng Tràng An là nơi con người có thể tận hưởng những giờ phút tĩnh tại hòa quyện với tự nhiên và cảm nhận được những giá trị lịch sử vàng son một thời.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/1438
https://en.wikipedia.org/wiki/Pleistocene
https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BA%A7n_th%E1%BB%83_
danh_th%E1%BA%AFng _Tr%C3%A0ng_An
https://vi.wikipedia.org/wiki/Hoa_L%C6%B0
https://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BB%91_%C4%91%C3%B4_Hoa_L%C6%B0
http://vietnamtourism.com/disan/index.php?catid=44
http://www.trangandanhthang.vn/danh-lam-thang-canh/khu-danh-thang-trang-an.html
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_Nh%E1%BA%A5t_Tr%E1%BB%A5
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%99ng_Am_Ti%C3%AAn
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tam_C%E1%BB%91c_-_B%C3%ADch_%C4%90%E1%BB%99ng
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_B%C3%ADch_%C4%90%E1%BB%99ng
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81n_Vua_%C4%90inh
Ti%C3%AAn_Ho%C3%A0ng
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81n_Vua_L%C3%AA_
%C4%90%E1%BA%A1i_H%C3%A0nh
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81n_th%E1%BB%9D
_C%C3%B4ng_ch%C3%BAa_Ph%E1%BA%A5t_Kim
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%A0nh_cung_V%C5%A9_L%C3%A2m
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BB%A7_V%C6%B0%E1%BB%9Dn_Thi%C3%AAn
https://vi.wikipedia.org/wiki/Hoa_L%C6%B0_(huy%E1%BB%87n)
http://www2.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/noidungquyhoachvung?_piref33_14751_33_14748_14748.strutsAction=ViewDetailAction.do&_piref33
_14751_33_14748_14748.docid=4056&_piref33_14751_33_14748_14748.substract=
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/xay-dung-do-thi/quyet-dinh-1266-qd-ttg-2014-quy-hoach-chung-do-thi-ninh-binh-2030-tam-nhin-2050-241308.aspx
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi/Quyet-dinh-25-2016-QD-UBND-Quy-che-Quan-ly-quy-hoach-kien-truc-do-thi-Ninh-Binh-364357.aspx
Quyết định số 230/QĐ-TTg, ngày 04/02/2016 của Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|