Thông tin chung:
Công trình: Lâu đài Quseir Amra (Quseir Amra, Jordan)
Địa điểm: Eastern Desert, vùng Zarqa, Jordan (N31 48 06,5 E36 35 14,3)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích: 0,0445 ha
Năm hoàn thành: Thế kỷ 8
Giá trị: Di sản thế giới (1985; hạng mục i, iii, iv)
Jordan là một quốc gia Ả Rập ở Tây Á, trên bờ Đông của sông Jordan.
Jordan giáp với Ả Rập Xê-út về phía nam và phía đông, Iraq về phía đông bắc, Syria về phía bắc, Israel và Palestine về phía tây; Biển Chết (Dead Sea) nằm dọc theo biên giới phía tây và vịnh Aqaba (Gulf of Aqaba) của Biển Đỏ (Red Sea) nằm ở phía tây nam.
Jordan có diện tích 89.342 km2, dân số khoảng 10,65 triệu người (năm 2020); thủ đô và thành phố lớn nhất là Amman; ngôn ngữ chính là tiếng Ả Rập; tôn giáo chiếm đa số là Hồi giáo Sunni.
Jordan có vị trí chiến lược nằm ở ngã tư của châu Á, châu Phi và châu Âu.
Jordan ngày nay là nơi sinh sống của con người kể từ thời kỳ Đồ đá cũ.
Vào thời kỳ Đồ đồng, Jordan nằm dưới sự ảnh hưởng của người Assyria (Assyrian Empire, tồn tại năm 2500 – 609 trước Công nguyên/TCN). Tiếp đó đã xuất hiện 3 vương quốc ổn định tại Jordan: Ammon (Kingdom of Ammon, tồn tại thế kỷ 10 – năm 332 TCN); Moab (Kingdom of Moab, tồn tại thế kỷ 13 – năm 400 TCN); Edom (Kingdom of Edom, tồn tại thế kỷ 13- năm 125 TCN).
Những vương quốc cai trị tiếp theo gồm: Vương quốc Nabataean (Nabataean Kingdom, tồn tại thế kỷ thứ 3 TCN – năm 106 sau Công nguyên); Đế chế Ba Tư (Achaemenid Empire, tồn tại năm 550 TCN – 330 TCN); Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN – năm 1453 sau Công nguyên); Vương quốc Rashidun (Rashidun Caliphate, tồn tại năm 632–661); Vương quốc Umayyad (Umayyad Caliphate, tồn tại năm 661–750); Vương quốc Abbasid (Abbasid Caliphate, tồn tại năm 750–1258 và năm 1261–1517); Đế chế Ottoman (Ottoman Empire, tồn tại năm 1299–1922).
Trong Thế chiến thứ nhất, Đế chế Ottoman bị chia cắt bởi Anh và Pháp.
Các Tiểu vương quốc của Transjordan (Emirate of Transjordan) được thành lập năm 1921 và trở thành một quốc gia dưới quyền bảo hộ của người Anh.
Năm 1946, Jordan đã trở thành một nhà nước độc lập.
Jordan ngày nay được chia thành 12 tỉnh.
Zarqa là thành phố thủ phủ của tỉnh Zarqa, nằm ở vùng Đông Bắc của thủ đô Amman.
Vị trí của thành phố Zarqa, Jordan
Tỉnh Zarqa đã có người sinh sống từ thời kỳ Đồ đồng (3300 TCN đến 1200 TCN), nổi bật nhất là vương quốc của người Ammon (Kingdom of Ammon, tồn tại thế kỷ 10 – năm 332 TCN) và người Nabateans (Nabataean Kingdom, tồn tại thế kỷ thứ 3 TCN – năm 106 sau Công nguyên). Đây là những người đã xây dựng lên một phức hợp công trình nổi tiếng trong sa mạc được gọi là Lâu đài sa mạc Qasr al Hallabat (có những ý kiến khác cho rằng: Lâu đài sa mạc này có thể do người La Mã xây dựng để bảo vệ biên giới phía đông của Đế chế).
Tiếp đó, người Umayyads (Umayyad Caliphate, tồn tại năm 661–750) đã xây dựng một loạt Lâu đài Sa mạc (Quseir/ Qasr) tại một số thành phố, nhưng chủ yếu ở các vùng bán khô hạn, dọc theo các tuyến đường giao thương quan trọng và nằm cạnh dòng sông cạn (Wadi, là những dòng sông, suối chảy không thường xuyên).
Những Lâu đài Sa mạc này có vai trò như một điền trang tại nông thôn hoặc nhà nghỉ săn bắn cho các gia đình quý tộc sử dụng trong mùa đông; chế biến các sản phẩm nông nghiệp (ví dụ như sản xuất dầu ô liu); pháo đài quân sự, tạo điều kiện cho người Umayyads kiểm soát các con đường, giám sát và đánh thuế sự di chuyển theo mùa của người dân và gia súc của họ, cũng như của các đoàn lữ hành theo Con đường Tơ lụa hoặc các tuyến hành hương.
Những Lâu đài sa mạc gây ấn tượng mạnh mẽ không chỉ với những người dân địa phương mà cả với du khách về sự xa hoa của những công trình kiến trúc với những bồn tắm và hồ giữa khung cảnh khô cằn.
Lâu đài Sa mạc thường đặt trong một khu vực có tường thành bao quanh, bao gồm các hạng mục công trình: Dinh thự, thường cao hai tầng, được bố trí xung quanh một sân trung tâm; Nhà tắm (Hammam); Nhà thờ Hồi giáo; Khu vực sản xuất nông nghiệp (có tường bao quanh cho động vật, các tòa nhà chuyên dụng để chế biến sản phẩm nông nghiệp) và hồ chứa nước.
Lâu đài Sa mạc đại diện cho một số ví dụ ấn tượng nhất của nghệ thuật và kiến trúc Hồi giáo sơ khai.
Trong một số Lâu đài Sa mạc có nhiều bức bích họa tượng hình và phù điêu mô tả người và động vật. Đây là những bức bích họa hiếm thấy trong nghệ thuật Hồi giáo sau này. Nhiều di tích của Lâu đài Sa mạc được trưng bày trong các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới.
Bản đồ vị trí 9 Khu vực Lâu đài sa mạc thời vương triều Umayyad tại Jordan
Ngoài Jordan với 18 địa điểm, tại một số quốc gia lân cận cũng tồn tại các kiểu Lâu đài sa mạc này: Syria (8 địa điểm); Israel và Palestine (4 địa điểm); Lebanon (1 địa điểm).
Một trong những lâu đài sa mạc nổi tiếng nhất tại Jordan là Lâu đài sa mạc Quseir Amra (Quseir nghĩa là lâu đài trong sa mạc; Amra nghĩa là cuộc sống, hình vẽ ký hiệu 7).
Lâu đài Quseir Amra được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 8, bên cạnh sông cạn Wadi Butum nằm ở phía đông Jordan ngày nay.
Quần thể được xây dựng vào năm 723 và 743 bởi Walid Ibn Yazid (Al-Walid II), vị vua tương lai của vương triều Umayyad Caliphate (trị vì năm 743- 744).
Lâu đài Quseir Amra vừa là một pháo đài vừa là cung điện, nơi vui chơi của các vị vua vương triều Umayyad.
Tàn tích của Lâu đài hiện chỉ còn lại một phần móng và một vài công trình nhỏ, trong đó có Sảnh tiếp tân và Nhà tắm hơi (Hammam).
Bên trong các di tích đều được trang trí lộng lẫy với những bức bích họa phản ánh nghệ thuật thế tục thời bấy giờ và là nét độc đáo của kiến trúc Hồi giáo thời kỳ vương triều Umayyad.
Các bức tranh tường thể hiện ảnh hưởng từ các chủ đề ngoại giáo cổ điển, chân dung theo phong cách Byzantine (La Mã, thời vương triều Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN – năm 1453 sau Công nguyên), cảnh săn bắn, cảnh khiêu vũ có phụ nữ khỏa thân, thợ thủ công làm việc, cảnh mô tả động vật và chim, kèm theo các dòng chữ bằng tiếng Hy Lạp và Ả Rập.
Biểu tượng của 12 Cung hoàng đạo (Representation of the Zodiac) vẽ trên vòm trần của Phòng nóng (Caldarium) thuộc Nhà tắm hơi (Hammam), là một trong những hình ảnh khắc họa sớm nhất, còn sót lại của bản đồ các thiên đường.
Tàn tích Lâu đài Sa mạc Quseir Amra không chỉ nổi bật bởi các bức bích họa mà còn nổi bật bởi vặn tự cổ tiếng Ả Rập và tiếng Hy Lạp gắn với các biểu tượng. Từ những văn tự cổ này, người ta tiếp tục tranh luận về những người xây dựng và tài trợ cho công trình.
Lâu đài Sa mạc Quseir Amra được coi là một trong những ví dụ quan trọng nhất của nghệ thuật và kiến trúc Hồi giáo sơ khai.
Di tích Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, tỉnh Zarqa, Jordan được UNESCO công nhận là Di sản thế giới với tiêu chí:
Tiêu chí (i) : Các bức tranh của Lâu đài Sa mạc Quseir Amra là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người, là một thành tựu nghệ thuật độc đáo trong Thời kỳ Umayyad.
Những bức tranh bích họa rộng lớn tại Sảnh lễ tân và Nhà tắm hơi, tạo ra một nơi thư giãn cho Hoàng gia tránh xa những lo lắng thế tục, cung cấp cái nhìn sâu sắc về nghệ thuật Hồi giáo sơ khai và nguồn gốc của nó từ các tiền lệ Cổ điển và La Mã (Byzantine). Mái vòm với các biểu tượng Hoàng đạo, chân dung con người, mô tả động vật và chim trong cảnh săn bắn chỉ được tìm thấy trong thời kỳ đầu của nghệ thuật Hồi giáo.
Tiêu chí (iii) : Lâu đài Sa mạc Quseir Amra là bằng chứng đặc biệt về nền văn minh Umayyad, nơi thấm nhuần nền văn hóa thế tục tiền Hồi giáo và môi trường tôn giáo khắc khổ của nó để lại ít dấu vết trong nghệ thuật thị giác.
Tiêu chí (iv) : Cùng với phần còn lại của các tòa nhà Pháo đài/ Đồn trú nằm cách vài trăm mét về phía bắc và dấu vết của các công trình thu nước nông nghiệp; Sảnh lễ tân và Nhà tắm với các bức bích họa; giếng liền kề, bể chứa nước, hệ thống thủy lực nâng nước và ống thoát nước là ví dụ nổi bật về một kiểu kiến trúc Lâu đài Sa mạc thời kỳ vương triều Umayyad.
Trong khi các trang trí phù điêu của mặt tiền hoành tráng của Lâu đài Sa mạc Qasr el Mushatta (Jordan) đã được gửi đến Bảo tàng Pergamon (Pergamon Museum) tại Berlin; các tàn tích của Lâu đài Sa mạc Qasr al Khayr al-Sharqui (Syria) và Qasr al-Khayr al-Gharbi (Syria) chứa ít yếu tố trang trí, thì phần còn lại của Lâu đài Sa mạc Qusair Amra (cùng với Qasr Hisham, Palestine và các đồ khảm của nó), được bảo tồn nguyên trạng nhất trong số những cung điện và lâu đài được trang trí thời vương triều Umayyad ở Jordan và Syria.
Sơ đồ phạm vi Di sản Lâu đài Qasr Amra, Zarqa, Jordan
Di sản Lâu đài Qasr Amra (Lâu đài Sa mạc) hiện tại chỉ là một phần nhỏ bé còn lại của tổ hợp rộng đến 25ha, được làm từ đá vôi, bazan.
Lâu đài Qasr Amra hiện gồm các tàn tích chính: Tường bao xung quanh; Sảnh; Nhà tắm hơi; Hệ thống cấp nước. Người ta đang tiến hành khai quật thêm để xác định nơi đặt nhà thờ Hồi giáo.
Ngay về phía đông nam của tòa nhà là một giếng sâu 40 m và dấu vết của cơ cấu nâng do động vật điều khiển cùng một con đập.
Phối cảnh tổng thể Di sản Lâu đài Sa mạc Qasr Amra, Zarqa, Jordan
Mặt bằng Di sản Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, Zarqa, Jordan
Mặt cắt qua Di tích, từ phải sang: Sảnh lễ tân với 3 vòm mái cao; Phòng ấm; Phòng nóng; Phòng nồi hơi; Tàn tích tường của Phòng dịch vụ; Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, Zarqa, Jordan
Di tích tường bao
Di tích tường bao chỉ còn lại một số đoạn tường thấp tại phía tây.
Tường bao cũng như các công trình trong Di sản được xây dựng bằng đá đá vôi và đá bazan; liên kết bằng vữa thạch cao - vôi.
Sảnh lễ tân
Sảnh lễ tân (Salle d'audience/ Reception hall) nằm tại phía tây nam của khu vực Di sản.
Lối vào Sảnh từ sân trong phía bắc. Sảnh có mặt bằng hình vuông. Khối Sảnh cao với mái là 3 vòm thùng.
Các bức tường, vòm cuốn và vòm trần trong Sảnh đều được trang trí bởi các bức tranh.
Bên trong Sảnh có các bức bích họa miêu tả cảnh các vị vua, săn bắn, tiêu thụ trái cây và rượu, phụ nữ khỏa thân đang tắm, múa... Việc mô tả các hình tượng phụ nữ khỏa thân tại đây dường như là ngoại lệ khi các hình tượng này vốn cấm kỵ trong văn hóa Hồi giáo.
Một số loài động vật được hiển thị không có nhiều trong khu vực nhưng phổ biến hơn ở Ba Tư, cho thấy một số ảnh hưởng từ khu vực đó.
Một bề mặt tường có bức tranh mô tả quá trình xây dựng tòa nhà...
Một số bức bính họa tại Di sản đã được mang tới trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo (Museum of Islamic Art) tại Berlin, Đức.
Sân trong và lối vào Sảnh lễ tân, Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, Zarqa, Jordan
Bên trong Sảnh lễ tân (nhìn về phía nam), Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, Zarqa, Jordan
Bức tường phía tây Sảnh lễ tân: Phần trung tâm của bức tường phía tây được chi phối bởi một người phụ nữ cao lớn đang đứng ở rìa của một hồ bơi. Người phụ nữ được ngưỡng mộ bởi những những đang quan sát từ phía sau lan can ở khu trò chơi bên trái. Phía sau là một nhân vật mặc áo choàng dài và với tay phải hướng về phía người phụ nữ. Ở hậu cảnh là một mái vòm hai tầng thể hiện kiến trúc hồ bơi.
Phần bên phải Bức tường phía tây miêu tả một nhóm vận động viên trong khung cảnh ngoài trời với cây cối tươi tốt.
Phần bên trái Bức tường phía tây là bức bích họa, được gọi là "Sáu vị vua" (Painting of the Six Kings), thể hiện quyền lực tối cao của vương quyền. Bức tranh miêu tả 6 vị vua đứng thành hai hàng. Chữ khắc bằng tiếng Ả Rập và tiếng Hy Lạp trong tranh xác định rõ tên tuổi của 4 vị vua. 2 vị còn lại chưa xác định được danh tính. Bức tranh hiện bị hư hỏng nặng. Đây là một trong những bức bích họa nổi tiếng nhất ở Lâu đài Qasr Amra.
Phần bên trên của Bức tường phía tây miêu tả cảnh săn bắn với một đàn chim ưng biển (đã tuyệt chủng) trong một khu vực có những người chăn ngựa và chó, xua đuổi những con thú mắc kẹt vào bẫy lưới.
Trang trí trên bức tường phía tây Sảnh lễ tân, Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, Zarqa, Jordan
Hình ảnh 6 vị vua và người phụ nữ tắm, góc trái và trung tâm bức tường phía tây Sảnh lễ tân, Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, Zarqa, Jordan
Hình ảnh các vận động viên, góc phải bức tường phía tây Sảnh lễ tân, Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, Zarqa, Jordan
Bức tường phía bắc Sảnh lễ tân: Gồm 3 mảng tường nằm giữa 3 nhịp hay 3 vòm tường đỡ mái. Tại đây có bức bích họa mô tả một người phụ nữ đang bơi và ngư dân. Bên cạnh là bức tranh mô tả một nhạc sĩ và một người phụ nữ đang múa trên bề mặt của vòm tường đỡ mái.
Hình ảnh người phụ nữ đang bơi và ngư dân, bức tường phía bắc Sảnh lễ tân, Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, Zarqa, Jordan
Bức tường phía nam Sảnh lễ tân: Tương tự như tường phía bắc, gồm 3 mảng tường nằm giữa 3 nhịp hay 3 vòm tường đỡ mái. Tại đây có bức tranh vẽ một người đàn ông ngồi trên ngai vàng, được cho là mô tả về Walid ibn Yazid, hoàng tử và vua vương triều Umayyad (trị vì năm 743- 744), người tổ chức xây dựng Lâu đài Sa mạc Qusayr Amra.
Hình ảnh vị vua ngồi trên ngai vàng, bức tường phía nam Sảnh lễ tân, Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, Zarqa, Jordan
Bức tường phía đông của Sảnh lễ tân: Các bức tranh tường hầu như bị hư hại nặng, đang được phục hồi.
Các trang trí không chỉ trên tường mà cả trên bề mặt của vòm tường đỡ mái.
Hình ảnh người phụ nữ múa trên bề mặt vòm tường, Sảnh lễ tân, Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, Zarqa, Jordan
Cả ba vòm mái của Sảnh lễ tân đều được trang trí.
Vòm phía đông của Sảnh lễ tân được trang trí đặc biệt, chia thành 32 ô theo 4 hàng. Các ô mô tả những ngành nghề khác nhau liên quan đến công việc xây dựng: thợ rèn, thợ mộc, thợ nề, thợ cắt đá mang theo các công cụ khác nhau như cưa, đục, búa và đục... Người lao động mặc áo chẽn có tay dài đến trên đầu gối.
Trang trí trên vòm trần phía đông Sảnh lễ tân với 32 ô mô tả hoạt động xây dựng, Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, Zarqa, Jordan
Phía nam của Sảnh lễ tân có 3 không gian nhỏ, một không gian hình chữ nhật kiểu hốc tường và hai không gian kiểu Hậu đường (Throne Apse, phần đường cong tại đầu của một tòa nhà). Cả 3 không gian này thấp hơn so với khối Sảnh và cũng có 3 vòm mái.
Bên trong hốc tường chính giữa được trang trí bằng hình ảnh một vị vua và hai hầu cận. Ngai vàng được định hình bởi hai cây cột. Đầu cột có 3 con chim trang trí. Trên vòm trần cũng có nhiều mảng trang trí.
Trang trí tại hốc tường phía nam Sảnh lễ tân với hình ảnh một vị vua và hai hầu cận, Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, Zarqa, Jordan
Trang trí trên nền nhà bằng các gạch khảm (Mosaic), tại hốc tường phía nam Sảnh lễ tân, Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, Zarqa, Jordan
Nhà tắm hơi
Nhà tắm hơi (Hammam) hiện còn các tàn tích:
Phòng thay đồ (Vestiaire/ Apodyterium, hình vẽ ký hiệu 1): Nằm tại phía đông của Sảnh lễ tân và có một lối vào chính từ Sảnh.
Nội thất bên trong được phân chia thành các dải hình thoi. Bên trong chứa các bức bích họa trang trí với cảnh động vật như nai, linh dương, lạc đà không bướu, chim cổ dài..tham gia vào các hoạt động của con người với các thế hệ khác nhau, đặc biệt là biểu diễn nhạc và một số hình ảnh hiện chưa được giải thích rõ.
Bên trong Phòng thay đồ thông sang Sảnh lễ tân, Nhà tắm hơi, Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, Zarqa, Jordan
Trang trí bên trong tường Phòng thay đồ, Nhà tắm hơi, Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, Zarqa, Jordan
Trang trí bên trong vòm trần Phòng thay đồ, Nhà tắm hơi, Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, Zarqa, Jordan
Phòng ấm (Salle tiède/ Tepidarium, hình vẽ ký hiệu 2): Nằm tại phía bắc của Phòng thay đồ. Tương tự như trong Sảnh lễ tân, trên các bức tường và trần nhà có những bức bích họa mô tả cảnh phụ nữ khỏa thân trong nhiều tư thế khác nhau; một số đang tắm cho một đứa trẻ, xen kẽ với cảnh vật, cây cối tự nhiên.
Ngoài ra, tại đây còn có các bức trang trí những cuộn nho và chùm nho; bức tranh với một con sư tử, hai thợ săn và một con thỏ rừng đang chạy với tốc độ tối đa.
Trang trí tường, trần Phòng ấm, Nhà tắm hơi, Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, Zarqa, Jordan
Bức tranh tại đầu hồi phía đông Phòng ấm: 1 phụ nữ khỏa thân và một đứa trẻ; Nhà tắm hơi, Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, Zarqa, Jordan
Bức tranh tại đầu hồi phía nam Phòng ấm: Những phụ nữ khỏa thân và một đứa trẻ; Nhà tắm hơi, Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, Zarqa, Jordan
Bức tranh tại đầu hồi phía tây Phòng ấm, Nhà tắm hơi, Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, Zarqa, Jordan
Phòng nóng (Salle chaude/ Caldarium/ Hot chamber, hình vẽ ký hiệu 3): Nằm tại chính giữa của Phòng tắm hơi. Trung tâm của Phòng nóng là một mái vòm bán cầu nhô cao. Mái vòm được trang trí bằng các chòm sao của bán cầu bắc cùng với 12 Cung Hoàng đạo (Representation of the Zodiac). Đây là hình ảnh đại diện sớm nhất được biết đến của Cung hoàng đạo trên một bề mặt hình cầu.
Các hình tượng thần thoại được sử dụng trong các trang trí tại đây cho thấy tính liên tục của truyền thống cổ điển. Ngoài ra, bên trong Phòng nóng còn được trang trí bằng các phiến đá cẩm thạch và đồ khảm mạ vàng.
Không gian nền Phòng nóng, Nhà tắm hơi, Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, Zarqa, Jordan
Mái vòm với 12 Cung Hoàng đạo tại Phòng nóng, Nhà tắm hơi, Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, Zarqa, Jordan
Phòng nồi hơi (Chaufferie, hình vẽ ký hiệu 4): Nằm kề liền Phòng nóng, cung cấp hơi cho Phòng nóng.
Phòng dịch vụ (Salle de service, hình vẽ ký hiệu 5): Nằm tại đầu hồi phía đông của Nhà tắm hơi, cạnh Phòng nồi hơi. Hiện chỉ còn tàn tích tường.
Phối cảnh Nhà tắm hơi, nhìn từ phía đông với tàn tích của Phòng dịch vụ; Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, Zarqa, Jordan
Hệ thống cấp nước
Hệ thống cấp nước (Système Hydraulique) nằm tại phía bắc của Khu vực Di sản, gồm các tàn tích: Bồn nước (Réseroir d'eau, hình vẽ ký hiệu 6); Hố nước (Puits, hình vẽ ký hiệu 7); Giếng tròn (Piste circulaire, hình vẽ ký hiệu 8); Kênh dẫn nước (Aqueduc, hình vẽ ký hiệu 9): Chạy ngầm qua sân dẫn đến Nhà tắm hơi (Hammam).
Tàn tích Hệ thống cấp nước, Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, Zarqa, Jordan
Tàn tích Giếng tròn, Hệ thống cấp nước, Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, Zarqa, Jordan
Di sản Lâu đài Sa mạc Quseir Amra, tỉnh Zarqa, Jordan được coi là một trong những ví dụ quan trọng nhất của nghệ thuật và kiến trúc Hồi giáo sơ khai.
Lâu đài Sa mạc Quseir Amra hiện trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn tại Jordan.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/327/
https://en.wikipedia.org/wiki/Jordan
https://en.wikipedia.org/wiki/Qusayr_%27Amra
https://en.wikipedia.org/wiki/Qasr_al-Hallabat
https://en.wikipedia.org/wiki/Desert_castles
https://en.wikipedia.org/wiki/Painting_of_the_Six_Kings
http://www.cousinieb.fr/Jordanie%202009/les%20chateaux%20du%20desert.html
https://madainproject.com/qusayr_amra
https://universes.art/en/art-destinations/jordan/desert-castles/qusayr-amra/caldarium
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|