Thông tin chung:
Công trình: Đại thánh đường Hồi giáo và Bệnh viện Divriği (Great Mosque and Hospital of Divriği)
Địa điểm: Thị trấn Divriği, tỉnh Sivas, Eastern Anatolia, Turkey (N39 22 16,576 E38 7 18,574)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích di sản 2,016 ha
Năm hoàn thành: Thế kỷ 13
Giá trị : Di sản thế giới (1985; hạng mục i, iv)
Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia xuyên lục địa Á - Âu, nằm chủ yếu trên bán đảo Anatilian ở Tây Á, với một phần nhỏ hơn trên bán đảo Balkan ở Đông Nam Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ có biên giới với các quốc gia Bulgaria ở phía Tây Bắc; Hy Lạp ở phía Tây; Gruzia ở phía Đông Bắc; Armenia, Iran và Azerbaijan ở phía Đông; Iraq và Syria ở phía Đông Nam; Địa Trung Hải ở phía Nam; biển Aegea ở phía Tây; và biển Đen ở phía Bắc.
Thổ Nhĩ Kỳ có diện tích 783.356 km2; dân số khoảng 83,2 triệu người (năm 2019).
Khoảng trên 70 - 80% dân số là người Thổ Nhĩ Kỳ; người Kurd là thiểu số lớn nhất, chiếm từ 15 - 20% dân số.
Thành phố lớn nhất là Istanbul, thành phố thủ đô là Ankara. Về mặt hành chính, Thổ Nhĩ Kỳ chia thành 81 tỉnh.
Thổ Nhĩ Kỳ là vùng đất có người cư trú từ thời đại Đồ đá cũ và trải qua nhiều nền văn minh của các dân tộc khác nhau, gồm Anatilian, Assyria, Hy Lạp, Thracian, Phrygian, Urartian và Armenia.
Thời kỳ Hy Lạp hóa (Hellenization/ Hellenism) tại vùng đất này bắt đầu vào thế kỷ 8 trước Công nguyên (TCN) với sự cai trị của Vương quốc Macedon (tồn tại năm 808 TCN - 168 TCN).
Thời kỳ Hy Lạp hóa tiếp tục vào thời đại Byzantine (Byzantine Empire), còn gọi là Đế chế Đông La Mã (Eastern Roman Empire, tồn tại năm 395- 1453).
Vào thế kỷ 11, Đế chế Seljuk Turks (Seljuk Empire, tồn tại 1037 - 1194) đánh bại Vương triều Byzantine, khởi đầu quá trình Thổ Nhĩ Kỳ hóa (Turkish Nationalists) tại khu vực.
Vào thế kỷ 12, Vương quốc Hồi giáo Rum (Sultanate of Rum, tồn tại 1077 - 1308) tách ra từ Đế chế Seljuk Turks đã thống nhất vùng Tiểu Á (Anatolia, chiếm phần lớn Thổ Nhĩ Kỳ thời hiện đại). Vương quốc này thất bại trước các cuộc tấn công của Đế chế Mông Cổ (Mongol Empire, tồn tại 1206–1368) vào năm 1234 và tan rã thành các tiểu quốc nhỏ (Anatolian Beyliks).
Cuối thế kỷ 13, Vương triều Ottoman (Ottoman Dynasty, tồn tại 1299 đến 1922) đã thống nhất các tiểu quốc Beyliks và chinh phục vùng Balkan. Vùng đất của người Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng trong thời kỳ Vương triều Ottoman.
Đế chế Ottoman bao trùm phần lớn Đông Nam Âu, Tây Á và Bắc Phi và trở thành một cường quốc thời bấy giờ. Cuối thế kỷ 18, sức mạnh của Đế chế Ottoman suy giảm và mất dần các vùng lãnh thổ do chiến tranh.
Năm 1923, nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập.
Bản đồ Thổ Nhĩ Kỳ và vị trí của tỉnh Sivas và huyện Divrigi
Divriği là một thị trấn huyện lỵ của huyện Divriği, thuộc tỉnh Sivas, Thổ Nhĩ Kỳ. Thị trấn nằm trên sườn dốc thoải ở bờ nam của sông Çaltısuyu. Huyện có diện tích 2723,77km2, dân số vào khoảng 27 ngàn người (năm 2012).
Vào năm 1071, trong trận chiến Manzikert (Battle of Manzikert), Đế chế Seljuk (Seljuk Empire, tồn tại 1037 – 1194) đã giành chiến thắng trước Đế chế Byzantine, mở ra quá trình Thổ Nhĩ Kỳ hóa (Turkish Nationalists) tại khu vực Tiểu Á (Anatolia).
Sau thời điểm này, Divriği nằm dưới sự kiểm soát của Tiểu quốc Mengujekids (House of Mengüjek/ Mengüjek Dynasty). Đây là Tiểu quốc cai trị các vùng Erzincan, Kemah, Şebinkarahisar và Divriği ở Eastern Anatolia vào thế kỷ 12 và 13.
Năm 1142, Tiểu quốc Mengujekids chia thành 2 tiểu quốc nhỏ: Erzincan và Divriği. Erzincan bị Vương quốc Hồi giáo Rum (Sultanate of Rum, tồn tại năm 1077–1308) khuất phục vào năm 1228. Divriği bị Vương quốc Ilkhanate (Hãn quốc Y Nhi, tồn tại năm 1256–1335) kết thúc vào năm 1277.
Thành tựu của Vương triều Mengüjek được ghi nhớ chủ yếu nhờ các di tích ở Divriği: Đại Thánh đường Hồi giáo Divriği, được xây dựng vào năm 1228, hoàn thành vào năm 1243 bởi vua của vùng Divriği là Ahmed Shah (trị vì năm 1227-1251); Bệnh viện liền kề (Darüşşifa), được xây dựng cùng năm 1228, bởi Turan Melik, vợ vua Ahmed Shah và là con gái vua vùng Erzincan là Fahreddin Behram Shah (trị vì năm 1162- 1225).
Nằm trên sườn núi bên dưới lâu đài Divriği, tỉnh Sivas, Thổ Nhĩ Kỳ, Đại thánh đường Hồi giáo và Bệnh viện Divriği đặt kề liền nhau tạo thành một tổ hợp.
Công trình có mặt bằng hình chữ nhật với kích thước 64m x 32m, được thiết kế bởi kiến trúc sư Hurrem Shah.
Đại thánh đường Hồi giáo có hình ảnh bên ngoài được khắc họa bởi: 3 Cổng (Portal) bằng đá hoàng tráng, được chạm khắc công phu ở phía mặt phía bắc, phía tây và phía đông; Tháp giáo đường (Minaret) tại góc tây bắc; Mái vòm lục giác trên khu vực Nghi lễ (Ablutions) tại trung tâm của Không gian cầu nguyện (Prayer Hall); Mái nhọn trên không gian (Dome) phía trước Hốc cầu nguyện (Mihrab).
Bệnh viện Divriği (Darush-shifa) có hình ảnh bên ngoài như là một phần kéo dài của Đại thánh đường Hồi giáo, được khắc họa bởi: Cổng (Portal) bằng đá hoàng tráng được chạm khắc công phu tại mặt phía tây; Mái vòm lục giác trên không gian trung tâm; Mái nón nhọn phía trên không gian phòng mộ.
Đại thánh đường Hồi giáo và Bệnh viện Divriği được xây dựng bằng đá màu vàng nhạt với kỹ thuật xây dựng cực kỳ tinh vi, phức tạp và kiểu điêu khắc trang trí 3 chiều đầy sáng tạo, đặc biệt là trên 3 cửa chính ra vào. Sự đặc sắc của trang trí chạm khắc tại cổng, cột, vòm cuốn, mái vòm, tường cho thấy công trình mặc dù được thực hiện bởi các nhóm thợ thủ công khác nhau song lại thống nhất nhờ một triết lý mang tính tổng thể.
Đại thánh đường Hồi giáo và Bệnh viện Divriği được đánh giá là “Điều kỳ diệu của Divriği”.
Phối cảnh tổng thể Đại thánh đường Hồi giáo và Bệnh viện Divriği, Sivas, Thổ Nhĩ Kỳ
Sơ đồ mặt bằng và mặt cắt Đại thánh đường Hồi giáo và Bệnh viện Divriği, Sivas, Thổ Nhĩ Kỳ
Đại thánh đường Hồi giáo và Bệnh viện Divriği tại thị trấn Divriği, tỉnh Sivas, Eastern Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ, được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1985) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Tài sản văn hóa này đại diện cho một trong những không gian được xây dựng đẹp nhất của kiến trúc Hồi giáo, một thành tựu nghệ thuật độc đáo và là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người.
Tiêu chí (iv): Nhà thờ Hồi giáo Divriği là một ví dụ nổi bật của một kiểu kiến trúc nhà thờ Hồi giáo Seljuk ở vùng Tiểu Á (Anatolia). Công trình không có sân trong không mái che với hàng cột và bể nước, mà có bố cục với các không gian chức năng tôn giáo trong một khu vực khép kín. Một bệnh viện từ thiện bố trí kề liền làm cho Quần thể vốn đã đặc biệt càng trở nên đặc sắc hơn.
Sơ đồ phạm vi Di sản Đại thánh đường Hồi giáo và Bệnh viện Divriği, Sivas, Thổ Nhĩ Kỳ
Đại Thánh đường Hồi giáo Divriği
Đại Thánh đường Hồi giáo Divriği (Great Mosque of Divriği/ Ulu Cami) nằm tiếp giáp với Bệnh viện Divriği, cùng chung Bức tường cầu nguyện (Qibla) tại phía nam.
Nhà thờ có 3 cổng được xây dựng bằng đá tại phía bắc, tây và đông.
Cổng phía bắc của Nhà thờ Hồi giáo là một cổng với các trang trí chạm khắc nổi trội về chất lượng và mật độ chạm khắc trên đá, được cho là tích hợp của phong cách nghệ thuật Vương triều Byzantine và Vương triều Seljuk.
Mái vòm trên cổng là một dạng vòm trang trí phức tạp với rất nhiều chi tiết khác nhau.
Phía trên Cổng ghi năm xây dựng 1228 và tên người bảo trợ là vua của tiểu vương quốc Ahmed Shah (trị vì năm 1227-1251).
Phối cảnh Cổng phía bắc Đại thánh đường Hồi giáo Divriği, Sivas, Thổ Nhĩ Kỳ
Trang trí trên vòm Cổng phía bắc Đại thánh đường Hồi giáo Divriği, Sivas, Thổ Nhĩ Kỳ
Cổng phía tây nhỏ hơn Cổng phía bắc, được cho là xây dựng lại cùng với bệ tròn bao quanh Tháp giáo đường (Minaret) tại góc tây bắc. Tương tự như Cổng phía bắc, các trang trí bằng đá trên bề mặt cổng rất phực tạp và tinh xảo với nhiều chi tiết dạng không gian ba chiều (3D).
Một hình ảnh gây nhiều phỏng đoán là bóng đổ của các khối trang trí trên Cổng tạo thành hình dáng của một người đàn ông đang cầu nguyện.
Phối cảnh Cổng phía tây Đại thánh đường Hồi giáo Divriği, Sivas, Thổ Nhĩ Kỳ; Bóng đổ trên Cổng có hình tượng một người đang cầu nguyện.
Trang trí trên vòm Cổng phía tây Đại thánh đường Hồi giáo Divriği, Sivas, Thổ Nhĩ Kỳ
Cổng phía đông là một cổng phụ, dành riêng cho hoàng gia và tùy tùng, tiếp cận trực tiếp với bục gỗ nghe giảng kinh và cầu nguyện tại góc đông nam của Nhà thờ. Cổng này có mái vòm tương tự như cấu trúc vòm Muqarnas với vai trò chuyển đổi bề mặt từ tường theo phương đứng sang trần nhà theo phương ngang, đôi khi còn gọi là “Vòm tổ ong” hay “ Vòm thạch nhũ” trong kiến trúc Hồi giáo.
Phối cảnh Cổng phụ phía đông Đại thánh đường Hồi giáo Divriği, Sivas, Thổ Nhĩ Kỳ
Trang trí trên vòm Cổng phụ phía đông Đại thánh đường Hồi giáo Divriği, Sivas, Thổ Nhĩ Kỳ
Nhà thờ có mặt bằng hình chữ nhật gồm 5 nhịp, 5 gian và 16 cột với các trụ tường đỡ các vòm cuốn bằng đá bên trên.
Cùng với kỹ năng chế tác đá, những cột, vòm cuốn, mái vòm độc đáo này trở thành đặc trưng tiêu biểu của các tòa nhà vùng Anatolian và gợi lại sự đặc sắc của kiến trúc Ba Tư (Iran).
Tương tự như khác biệt tại mỗi cổng ra vào, mỗi cột trong Nhà thờ đều có mỗi trang trí khác nhau, từ bệ cột, thân cột đến đỉnh cột. Trang trí vòm mái cũng như vậy, mỗi vòm mái mỗi kiểu trang trí. Phong cách này góp phần cụ thể hóa triết lý về một thế giới tưởng tượng (thần bí) phức tạp và phong phú, được áp dụng cho toàn bộ công trình.
Bên trên không gian nội thất có 2 mái vòm đặc biệt nhô cao: Mái vòm lục giác với cửa lấy ánh sáng tại đỉnh vòm phía trên khu vực Nghi lễ (Ablutions) và mái vòm nhọn trên không gian (Dome) phía trước Hốc cầu nguyện (Mihrab).
Hốc cầu nguyện (Mihrab) nằm tại Bức tường cầu nguyện (Qibla) tại phía nam Nhà thờ. Bên trong Hốc cầu nguyện bằng đá có các điêu khắc trang trí với họa tiết phức tạp.
Dọc theo Bức tường cầu nguyện (Qibla) có một vách ngăn tường bằng gỗ (Maqsura) nguyên bản, được thực hiện vào thế kỷ 13.
Bục giảng (Minbar, nơi các giáo sĩ đứng để thuyết giáo) bên trong Nhà thờ làm bằng gỗ mun với các trang trí thể hiện đặc trưng thiết kế hình học, thực vật và đồ họa thời bấy giờ. Trên bục có khắc chữ ký của một thợ thủ công người Gruzia.
Tại góc tây nam Nhà thờ có một Tháp cầu nguyện (Miranet). Tháp có mặt bằng hình tròn. Lõi Tháp có một cầu thang lên đỉnh Tháp. Xung quanh Tháp cầu nguyện có một bệ tròn lớn, được xây dựng bổ sung, tạo thành một phòng bao quanh Tháp.
Bên trong Đại thánh đường Hồi giáo Divriği với hệ thống cột, vòm cuốn và mái vòm bằng đá; mỗi cột mỗi kiểu trang trí
Bệnh viện Divriği
Bệnh viện Divriği (Hospital of Divriği) nằm tiếp giáp với Đại Thánh đường Hồi giáo Divriği, cùng chung Bức tường cầu nguyện (Qibla).
Cổng của Bệnh viện Divriği nằm tại mặt tiền phía tây. Cổng Bệnh viện được bao quanh bởi một vòm kép hoành tráng. Tại bề mặt tường dưới mái vòm (Tympanum) của Cổng có một ô cửa sổ ở với một cột trang trí đặt ở chính giữa. Các tác phẩm chạm khắc trên đá ở đây cũng có chất lượng tương đương với Cổng chính của Đại thánh đường Hồi giáo nhưng ít dày đặc hơn và một số trang trí còn chưa hoàn thiện. Phía trên Cổng có dòng chữ về người bảo trợ xây dựng là Turan Melik, vợ vua Ahmed Shah và là con gái vua vùng Erzincan.
Phối cảnh Cổng phía tây Bệnh viện Divriği, Sivas, Thổ Nhĩ Kỳ
Trang trí trên vòm Cổng phía tây Bệnh viện Divriği, Sivas, Thổ Nhĩ Kỳ
Bố trí bên trong Bệnh viện tương tự như các tòa nhà công cộng vùng Anatolian và theo phong cách kiến trúc Ba Tư (Iran).
Sảnh (Iwans) nằm phía sau Cổng, có mặt bằng hình chữ nhật. Vòm cuốn và mái vòm của Sảnh được xây dựng bằng các viên đá, bề mặt chạm khắc phức tạp, tinh vi. Tại vị trí cao của Sảnh có khắc tên kiến trúc sư đã thiết kế công trình. Tường bao quanh Sảnh được trang trí bằng các dải thư pháp và ký hiệu hình học.
Không gian trung tâm nằm phía sau Sảnh, có mặt bằng hình vuông với 4 cột ở ở chính giữa. Mỗi cột mỗi kiểu trang trí, khác biệt từ chân cột, thân cột đến đầu cột đỡ vòm mái, tương tự như trong nội thất Thánh đường Hồi giáo Divriği. Không gian Trung tâm như một sân trong có mái che, là một mái vòm lục giác với cửa lấy ánh sáng tại đỉnh vòm. Chính giữa Không gian trung tâm là một bể nước nhỏ. Những bài kinh thánh, âm nhạc thiêng liêng và âm thanh của vòi phun trong bể nước được sử dụng để xoa dịu tinh thần các bệnh nhân.
Bệnh viện có 7 phòng bệnh, bố trí xung quanh Không gian trung tâm. Tại dãy phía nam của Bệnh viện có thêm tầng hai với một cầu thang dựa vào bức tường phía tây.
Nằm tại phía đông bắc của Bệnh viện là Phòng mộ, nơi đặt mộ của hoàng gia. Phòng mộ có cửa sổ mở ra Đại thánh đường Hồi giáo. Phía trên phòng mộ là một mái vòm dạng nón nhọn. Trang trí của các ngôi mộ được cho là sự kết hợp các kiểu xây dựng của kiến trúc vùng Tiểu Á thời vương triều Seljukid.
Bên trong Bệnh viện Divriği, Sivas, Thổ Nhĩ Kỳ; mỗi cột mỗi kiểu trang trí
Trang trí
Trang trí của Đại thánh đường Hồi giáo và Bệnh viện Divriği như một thế giới của nghệ thuật biểu tượng: Hình người (đầu người); Động vật như sư tử, đại bàng, hạc; Thực vật như lá cây kết hợp thân cây xoắn ốc (Arabesque), hoa sen và hoa cải; Vũ trụ và triết học như ngôi sao, vòng tròn (tượng trưng cho Mặt trời, Mặt trăng), nhân sư, rồng; Hình học và chữ viết.
Nội dung miêu tả phức tạp của các trang trí này trùng hợp với sự định hình của Thuyết thần bí Hồi giáo (Tasavvuf) ở vùng Tiểu Á vào thế kỷ thứ 13, thường thể hiện qua các biểu tượng trang trí trong công trình tôn giáo. Điều này được cho là tương tự như việc đã tạo ra nghệ thuật kiến trúc Gothic tại châu Âu thế kỷ 12.
Trang trí các tòa nhà thuộc Di sản là sự tích hợp của các phong cách, từ phong cách Gothic (thế kỷ 12- 16), phong cách vùng Trung Á (đặc biệt là Ba Tư) đến phong cách bản địa của vương triều Seljuk. Trang trí này thể hiện trên các mảng điêu khắc đá, điêu luyện như kiến trúc gạch ốp tráng men Iznik và vữa phủ của kiến trúc Ba Tư, từ Cổng ra vào đến nội thất bên trong.
Hầu hết các hình chạm khắc trên cổng và tường đều không đối xứng (theo triết lý về một thế giới phức tạp và phong phú). Mỗi một mảng trang trí có hàng nghìn chi tiết chạm khắc, là một tuyệt tác độc đáo của nghệ thuật và kiến trúc, cũng như một kỳ công của kỹ thuật xây dựng và điêu khắc đá.
Trang trí chạm khắc động vật - chim, Đại thánh đường Hồi giáo và Bệnh viện Divriği, Sivas, Thổ Nhĩ Kỳ
Trang trí chạm khắc thực vật phức tạp và không đối xứng, Đại thánh đường Hồi giáo và Bệnh viện Divriği, Sivas, Thổ Nhĩ Kỳ
Trang trí chạm khắc chữ và biểu tượng hình học không đối xứng, Đại thánh đường Hồi giáo và Bệnh viện Divriği, Sivas, Thổ Nhĩ Kỳ
Đặc điểm trang trí nổi bật nhất tại khu vực Di sản là trang trí tại 3 cổng ra vào. Mỗi Cổng là mỗi sự khác biệt, thể hiện một thế giới tưởng tượng (thần bí) phong phú của người thợ thủ công và người đặt hàng cho người thợ thao tác. Các khối trang trí dường như không nằm trên một mặt phẳng (2D) theo kiểu trang trí phù điêu mà chuyển dịch ra khỏi bề mặt (3D) theo kiểu tượng đài. Điều đặc sắc này đưa Di sản trở thành một trong những ví dụ nổi bật nhất theo phong cách trang trí hình học ba chiều của kiến trúc nhà thờ Hồi giáo.
Một trong những chi tiết trang trí chân trụ vòm cổng, Đại thánh đường Hồi giáo và Bệnh viện Divriği, Sivas, Thổ Nhĩ Kỳ
Một trong những chi tiết trang trí thân trụ vòm cổng, Đại thánh đường Hồi giáo và Bệnh viện Divriği, Sivas, Thổ Nhĩ Kỳ
Một trong những chi tiết trang trí đỉnh trụ vòm cổng, Đại thánh đường Hồi giáo và Bệnh viện Divriği, Sivas, Thổ Nhĩ Kỳ
Một trong những chi tiết trang trí vòm cổng theo kiểu 3D, Đại thánh đường Hồi giáo và Bệnh viện Divriği, Sivas, Thổ Nhĩ Kỳ
Ngoài khối cổng ra vào, tất cả chân đế, thân, đỉnh các cột, vòm đỡ mái cũng như bề mặt mái vòm, hốc tường bên trong Di sản đều được trang trí với một phong cách độc đáo và khác biệt từ tổng thể đến chi tiết.
Phía trước các Hốc cầu nguyện (Mihrab) tại Bức tường Cầu nguyện (Qibla) có các bức vách ngăn che bằng gỗ với các trang trí (Maqsura), là sự kế thừa của các nhà thờ Hồi giáo Ba Tư (Iran).
|
|
Trang trí trên vách tường gỗ, Đại thánh đường Hồi giáo, Sivas, Thổ Nhĩ Kỳ
Di sản Đại thánh đường Hồi giáo và Bệnh viện Divriği tại thành phố Divriği, tỉnh Sivas, Eastern Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, đại diện cho một trong những không gian được xây dựng đẹp nhất và độc đáo nhất của kiến trúc Hồi giáo. Công trình không chỉ đáp ứng chức năng của một nhà thờ và bệnh viện mà còn có vai trò truyền tải những tư tưởng của đức tin Hồi giáo; có một vị thế đặc biệt trong vai trò kết nối giữa các vùng văn hóa khu vực Tiểu Á và giữa Văn hóa phương Đông với phương Tây vào thế kỷ 13.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/358/
https://en.wikipedia.org/wiki/Turkey
https://en.wikipedia.org/wiki/Divri%C4%9Fi
https://en.wikipedia.org/wiki/Divri%C4%9Fi_Great_Mosque_and_Hospital
https://en.wikipedia.org/wiki/House_of_Meng%C3%BCjek
https://www.transanatolie.com/english/turkey/turks/Selcuks/seljuks_architecture.htm
http://www.turkishculture.org/general/unesco-world-heritage/great-mosque-and-1037.htm
https://www.gettyimages.ie/photos/divrigi
https://interestingengineering.com/uncovering-architectural-mysteries-miracle-divrigi
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|