Thông tin chung:
Công trình: Trung tâm lịch sử thành phố Florence (Historic Centre of Florence)
Địa điểm: thành phố Florence, vùng Tuscany, Ý (N43 46 23.016 E11 15 21.996)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 505ha; diện tích vùng đệm 10480 ha
Năm hình thành:
Giá trị: Di sản thế giới (năm 1982, sửa đổi ranh giới nhỏ vào năm 2015; hạng mục i, ii, iii, iv, vi)
Thành phố Florence là thủ phủ của vùng Tuscany tại miền trung nước Ý, dân số 383 ngàn người (2016).
Đây trở thành một trung tâm thương mại, tài chính châu Âu thời Trung cổ và là một trong những thành phố giàu nhất thời bấy giờ. Nhiều học giả cho rằng Florence là nơi ra đời của thời kỳ Phục hưng. Từ năm 1865 - 1871, thành phố đóng vai trò là thủ đô của Vương quốc Ý (Kingdom of Italy, tồn tại năm 1861– 1946).
Các phương ngữ Florentine hình thành nên cơ sở của tiếng Ý và đã trở thành ngôn ngữ văn hóa trên khắp nước Ý, do uy tín từ tác phẩm của các danh nhân văn hóa như Dante Alighieri (nhà thơ, nhà văn, nhà triết học người Florence, năm 1265- 1321, nổi tiếng với Thần khúc/La Divina Commedia, tác phẩm văn học vĩ đại nhất bằng tiếng Ý, vào thời điểm hầu hết thơ được viết bằng tiếng Latinh); Francesco Petrarca (học giả, nhà thơ Ý, năm 1304- 1374, là một trong những người khởi đầu cho thời kỳ Phục hưng Ý và Chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng); Giovanni Boccaccio (nhà văn, nhà thơ Ý, năm 1313 – 1375, là một trong những nhà văn châu Âu vĩ đại nhất thời bấy giờ. Tập chuyện ngắn The Decameron của ông được đánh giá là yếu tố quyết định văn học truyền thống Ý); Niccolò Machiavelli (nhà ngoại giao, triết học, nhà văn Florence, năm 1469- 1527; tên của ông còn được đặt cho lĩnh vực tâm lý học nhân cách - Machiavellianism với 3 đặc điểm: sự lôi kéo, nhẫn tâm và thờ ơ với đạo đức, đặc biệt trong lĩnh vực thực thi pháp luật, quản lý kinh doanh và tâm lý học lâm sàng); Francesco Guicciardini (nhà sử học và chính khách Florence, năm 1483- 1540)…
Florence được thành lập vào năm 59 TCN, trên địa điểm của một khu định cư thuộc nền văn minh của người Etruscan (Etruscan Civilization tồn tại năm 900 TCN –27 TCN, sinh sống tại miền trung và miền bắc Ý) và trở thành thuộc địa sau này của Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN - 476 sau Công nguyên).
Thành phố Florence trở thành biểu tượng của thời kỳ Phục hưng trong giai đoạn cai trị của Gia tộc Medici (House of Medici) vào giữa thế kỷ 15, 16 với mức độ phát triển kinh tế và văn hóa phi thường.
Thành phố Florence ngày nay được phân thành 5 quận.
Quận Trung tâm lịch sử (Historic Centre of Florence- Q1) có diện tích 505 ha, dân số khoảng 67,170 ngàn người; nằm tại hai bờ sông Arno (chảy từ đông sang tây). Nối hai bên bờ là một loạt các cây cầu, trong đó có cầu nổi tiếng Ponte Vecchio và Ponte Santa Trinita.
Trung tâm lịch sử của thành phố Florence được bao bọc bởi những bức tường thành có từ thế kỷ 14. Những bức tường này thể hiện qua cổng, tháp còn sót lại và 2 pháo đài của Gia tộc Medici: Pháo đài Saint John the Baptist ở phía bắc, thường được gọi là "da Basso" và Pháo đài San Giorgio del Belvedere nằm giữa những ngọn đồi ở phía nam.
Trung tâm lịch sử của thành phố Florence được xây dựng nhờ vào sức mạnh kinh tế và thương mại có được từ thế kỷ 14 và đạt đến sự huy hoàng trong 2 thế kỷ sau đó.
Sáu trăm năm văn hóa và nghệ thuật nở rộ của thành phố Florence đến tận ngày nay vẫn có thể thấy rõ thông qua các công trình như Nhà thờ Santa Maria del Fiore, Nhà thờ Santa Croce, Dinh thự Palazzo Vecchio, Cung điện Palazzo Pitti và Bảo tàng Uffizi.
Lịch sử vinh quang của thành phố còn được thể hiện qua tác phẩm nghệ thuật của các bậc thầy vĩ đại như Giotto di Bondone (họa sĩ, kiến trúc sư người Florence, năm 1267- 1337); Filippo Brunelleschi (kiến trúc sư, nhà thiết kế, nhà điêu khắc Florence, cha đẻ của kiến trúc thời Phục hưng, năm 1377 – 1446); Sandro Botticelli (họa sĩ Ý, năm 1445 – 1510); Michelangelo (nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc sư, nhà thơ Florence, năm 1475- 1564; là một trong những người gây ảnh hưởng lớn nhất đến phát triển nghệ thuật phương Tây, sáng lập thời kỳ High Renaissance)…
Trung tâm Lịch sử của Florence là một thành tựu xã hội và đô thị độc đáo, kết quả của sự sáng tạo bền bỉ và lâu dài, bao gồm nhà thờ, tu viện, cung điện, dinh thự, biệt thự, bảo tàng, quảng trường và các tác phẩm nghệ thuật vô giá.
Florence có ảnh hưởng to lớn đến phát triển kiến trúc và mỹ thuật, đầu tiên là ở Ý và sau đó ở châu Âu. Chính trong bối cảnh của Florence đã hình thành khái niệm về thời kỳ Phục hưng, một thời kỳ rực rỡ trong lịch sử phát triển loài người.
Trung tâm lịch sử của thành phố Florence, vùng Tuscany, Ý được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1982, sửa đổi ranh giới nhỏ vào năm 2015) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Quần thể đô thị lịch sử Florence tự nó là một hiện thực nghệ thuật độc đáo, một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người không ngừng trong hơn sáu thế kỷ. Ngoài các bảo tàng (Bảo tàng Khảo cổ học, Uffizi, Bargello, Pitti, Galleria dell'Accademia), sự tập trung lớn nhất các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới được tìm thấy ở đây: Nhà thờ Santa Maria del Fiore và tháp chuông Campanile of Giotto; Nhà thờ Baptistery; Quảng trường Piazza della Signoria với Palazzo Vecchio và Palazzo Uffizi; San Lorenzo, Santa Maria Novella, Santa Croce và Nhà nguyện Pazzi, Santo Spirito, San Miniato và Tu viện San Marco, nơi có các bức tranh của Fra Angelico (họa sĩ người Ý, năm 1395- 1455; được đánh giá là một tài năng hiếm có và hoàn hảo).
Tiêu chí (ii) : Kể từ thời Quattrocento (giai đoạn 1400 – 1499, gồm các phong cách nghệ thuật cuối thời Trung cổ, nổi bật nhất là Gothics, thời kỳ đầu Phục hưng và sự khởi đầu Hậu Phục hưng), Florence đã có ảnh hưởng lớn đến phát triển kiến trúc và nghệ thuật tượng đài - đầu tiên là ở Ý và trên toàn châu Âu. Nguyên tắc nghệ thuật của thời kỳ Phục hưng được xác định ở đây từ đầu thế kỷ 15 bởi các nghệ sĩ người Florence như Brunelleschi (kiến trúc sư, nhà thiết kế, nhà điêu khắc, năm 1377 – 1446, Donatello (nhà điêu khắc, năm 1386- 1466) và Masaccio (nghệ sĩ, năm 1401 – 1428). Và cũng chính vùng đất Florentine này đã hình thành và khẳng định hai thiên tài nghệ thuật - Leonardo da Vinci (năm 1452 – 1519) và Michelangelo (1475- 1564).
Tiêu chí (iii) : Trung tâm Lịch sử của Florence là một bằng chứng đặc biệt về sức mạnh của một thị quốc thương mại thời Trung cổ và thời Phục hưng. Florence đã bảo tồn được toàn bộ đường phố, dinh thự (Palazzo Spini, Palazzo del Podestà, Palazzo della Signoria), biệt thự (Loggia del Bigallo, Loggia dei Lanzi, Loggia degli Innocenti và del Mercato Nuovo), đài phun nước, một cây cầu tuyệt đẹp từ thế kỷ 14 Ponte Vecchio với các cửa hàng bố trí trên cầu. Nhiều ngành nghề khác nhau, mang lại sự giàu có và đã để lại một số di tích như tại Nhà thờ Or San Michele.
Tiêu chí (iv) : Thành phố Florence, một thế lực kinh tế và chính trị hạng nhất ở châu Âu từ thế kỷ 14 - 17, đã hình thành trong giai đoạn thịnh vượng các tòa nhà danh giá, thể hiện sự sang trọng của các chủ ngân hàng và hoàng tộc như: Palazzo Rucellai, Palazzo Strozzi, Palazzo Gondi, Palazzo Riccardi-Medici, Palazzo Pandolfini, Palazzo Pitti và Boboli Gardens, cũng như Thánh đường San Lorenzo, Nhà nguyện danh dự của Medicis (Funerary Chapel of the Medicis), Thư viện Laurenziana và những kiến trúc khác.
Tiêu chí (vi): Florence gắn liền với sự kiện có tầm quan trọng liên quan đến việc tập trung một nhóm các nhà tư tưởng mang tên Neo-Platonic (Neo-Platonic Academia). Từ đây đã hình thành khái niệm về thời kỳ Phục hưng. Florence; sản sinh ra Chủ nghĩa nhân văn hiện đại, lấy cảm hứng từ Cristoforo Landino (nhà nhân văn người Florence, năm 1424- 1498), Marsilio Ficino (nhà học giả và linh mục người Florence, năm 1433 – 1499); Pico della Mirandola (nhà quý tộc và triết học người Ý, chết tại Florence, năm 1436 – 1494, khi ở tuổi 23 đã đề xuất bảo vệ 900 luận án về tôn giáo, triết học và viết “Bài tụng về phẩm giá con người”/ De hominis dignitate, được gọi là Tuyên ngôn của thời kỳ Phục hưng) và những người khác.
Sơ đồ vị trí một số công trình chính tại Trung tâm lịch sử thành phố Florence, Ý
Trung tâm lịch sử thành phố Florence, vùng Tuscany, Ý có rất nhiều hạng mục công trình, dưới đây là một số công trình chính:
Trung tâm lịch sử Florence – Phần 1: Tường thành, pháo đài, cầu, hành lang, dinh thự, bảo tàng và công viên
Trung tâm lịch sử Florence – Phần 2: Nhà thờ và tu viện
Nhà thờ Santa Maria del Fiore
Nhà thờ Santa Maria del Fiore (Cathedral of Santa Maria del Fiore, còn được gọi là Nhà thờ Duomo) nằm tại Quảng trường Nhà thờ (Piazza del Duomo), giữa Trung tâm lịch sử của thành phố Florence; là Nhà thờ chính tòa Florence (Florence Baptistery).
Công trình đặt tại vị trí một nhà thờ cũ, có từ năm 393 với quy mô nhỏ. Nhà thờ mới được xây dựng trong 140 năm (1296- 1436), riêng vòm mái xây dựng trong 25 năm.
Nhà thờ Santa Maria del Fiore được khởi dựng vào năm 1296 với phong cách Gothic, theo thiết kế của Arnolfo di Cambio (kiến trúc sư, nhà điêu khắc Ý, năm 1230/1240 – 1302/1310; cũng là người thiết kế Nhà thờ Santa Croce và tòa nhà Palazzo Vecchio tại Florence); được Francesco Talenti (kiến trúc sư, nhà điêu khắc Ý, năm 1300 – 1369) mở rộng bằng cách thiết kế lại các apses (hốc hình bán nguyệt được bao phủ bởi một vòm hình bán cầu hoặc bán vòm) và kéo dài gian giữa, biến Nhà thờ Santa Maria del Fiore thành một trong những nhà thờ lớn nhất từng được xây dựng ở châu Âu cho đến nay.
Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1436 với mái vòm chính được thiết kế bởi kiến trúc sư Filippo Brunelleschi (năm 1377 – 1446).
Sơ đồ các giai đoạn xây dựng của Nhà thờ Santa Maria del Fiore: Màu đỏ: Nhà thờ cũ; Màu da cam: Dự án của Arnolfo di Cambio; Màu vàng: Mở rộng bởi Francesco Talenti
Phối cảnh tổng thể Nhà thờ Santa Maria del Fior, Trung tâm lịch sử thành phố Florence, Ý
Mái vòm Nhà thờ Santa Maria del Fiore có mặt bằng hình bát giác, chiều ngang 46m, xây dựng cách mặt đất 55m với tổng chiều cao lên tới đỉnh là 114,5m.
Mái vòm Nhà thờ không thiết kế theo phong cách Gothic thời Trung cổ với kết cấu vòm trụ tường (Flying Buttress, là một hệ kết cấu khung phẳng, dạng nửa vòm, nhận tải trọng xiên từ mái, tải trọng gió chuyển thành tải trọng đứng truyền xuống vách trụ tường phía dưới, đồng thời là vách ngăn của các nhà nguyện; qua đó cho phép tường bao che mỏng hơn và không gian rộng hơn để bố trí cửa sổ). Các kiến trúc sư Ý cho rằng kết cấu vòm trụ tường làm cho tòa nhà quá phức tạp.
Mái vòm Nhà thờ Santa Maria del Fiore được thiết kế mới theo kiểu kết cấu khung không gian dạng vòm, tương tự như lồng chim hay đèn lồng (với mặt bằng hình bát giác), gồm thanh đai vòng ngang và dầm dọc.
Thanh đai vòng ngang gồm 4 vòng (Level): 1 vòng ở trên cùng, 1 vòng ở dưới và 2 vòng còn lại ở giữa. Thanh đai làm bằng các viên đá sa thạch đường kính 43cm, dài khoảng 2,3m và được nối với nhau bằng kết cấu sắt trang men chì.
Dầm dọc bằng đá, chạy từ vòng đai trên cùng tới vòng đai dưới cùng, gồm 8 thanh dầm đặt tại vị trí góc của hình bát giác. Hệ khung thanh đai và dầm dọc này tạo thành lớp vòm bên trong. Lớp vòm này đỡ một hệ khung thứ hai, là kết cấu đỡ lớp gạch bao che mặt mái, tạo thành lớp vòm bên ngoài.
Giải pháp kết cấu mái vòm hai lớp lồng vào nhau của Nhà thờ Santa Maria del Fiore được đánh giá là một kỳ tích về công nghệ xây dựng thời bấy giờ.
Để nâng được 37.000 tấn vật liệu, trong đó có hơn 4 triệu viên gạch xây dựng mái vòm, kiến trúc sư Filippo Brunelleschi (năm 1377 – 1446) đã phát minh ra máy nâng và đòn bẩy. Những đổi mới về cấu trúc mái vòm cũng như các cỗ máy xây dựng là những đóng góp to lớn của kiến trúc sư trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng.
Trang trí mái vòm được hoàn thành bởi Michelozzo di Bartolomeo Michelozzi (kiến trúc sư, nhà điêu khắc Florence, năm 1396 - 1472) vào năm 1461. Phía trên đỉnh của mái vòm được gắn một quả cầu và thánh giá đồng mạ vàng vào năm 1469.
Sơ đồ cấu trúc mái vòm không gian Nhà thờ Santa Maria del Fior, Trung tâm lịch sử thành phố Florence, Ý
Cấu trúc xây dựng Nhà thờ Santa Maria del Fior, Trung tâm lịch sử thành phố Florence, Ý
Nhà thờ Santa Maria del Fiore bố cục theo hướng đông tây. Lối vào chính từ hướng tây ra phía Quảng trường Duomo. Công trình dài 153m, rộng 90m, chiều rộng gian giữa (Nave) 38m; diện tích sàn khoảng 8300m2.
Công trình không có Sảnh hiên (Narthex).
Hội trường (Gian giữa/Nave) có 3 nhịp và 4 gian. Nhịp giữa nhà tạo thành 4 ô vuông, nhịp hai bên là lối đi. Nhịp gian giữa và nhịp lối đi hai bên được phân biệt bởi mái vòm nhọn rộng kiểu Gothic đặt trên các cột trụ. Sàn của Hội trường cũng như toàn Nhà thờ được ốp đá cẩm thạch vào thế kỷ 16.
Gian Hợp xướng (Choir/Tribune/Dome) có hình bát giác.
Gian ngang (Transept) được hình thành bởi một phần của hình bát giác. Mỗi cánh của Gian ngang có 5 Nhà nguyện nhỏ (Chapels). Gian ngang giao với Gian Hội trường tạo cho mặt bằng Nhà thờ có hình một cây thánh giá La Mã (chữ thập). Tại đây có 4 trụ cột lớn tại 4 góc và 2 trụ nhỏ hơn tại vị trí ranh giới với Gian Hội trường; phủ bên trên điểm giao của cây thánh giá là Mái vòm chính của Nhà thờ.
Hậu đường (Apse) có mặt bằng và cấu trúc xây dựng tương tự như một cánh của Gian ngang, song với quy mô nhỏ hơn.
Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ Santa Maria del Fior, Trung tâm lịch sử thành phố Florence, Ý
Phối cảnh mặt đứng phía tây Nhà thờ Santa Maria del Fior, Trung tâm lịch sử thành phố Florence, Ý
Phối cảnh mặt đứng phía nam Nhà thờ Santa Maria del Fior, Trung tâm lịch sử thành phố Florence, Ý
Phối cảnh mặt đứng phía đông Nhà thờ Santa Maria del Fior, Trung tâm lịch sử thành phố Florence, Ý
Trang trí bên ngoài nhà thờ bắt đầu từ thế kỷ 14, mãi đến năm 1887 mới hoàn thành với các tấm đá cẩm thạch có nhiều sắc màu khác nhau, từ xanh lá cây, hồng đến đường viền màu trắng.
Mặt tiền hiện tại của Nhà thờ được trang trí công phu theo phong cách Gothic Revival (Phục hưng Gothic) thế kỷ 19 của Emilio De Fabris (kiến trúc sư Florence, năm 1808 – 1883).
Mặt tiền chính của Nhà thờ là mặt tiền phía tây, theo chiều ngang phân thành 3 gian, gian giữa cao, 2 gian bên thấp, giới hạn bởi 4 trụ tường có trang trí đẹp đẽ, đặc biệt tại vị trí đỉnh trụ.
Mặt tiền tại 2 gian bên, theo chiều cao phân thành 3 lớp: Lớp dưới là cửa vòm ra vào với các mảng trang trí (Tympanum) trên bức tường ngang và vòm cửa; bên trên vòm cửa là một trang trí theo hình dạng mái tam giác; hai bên cửa ra vào có hai trụ trang trí nhỏ; Lớp giữa là một cửa sổ hình tròn; Lớp trên là dãy 3 ô cửa phù điêu vòm nhọn, bên trong đặt tượng thánh, kết thúc là diềm trang trí.
Mặt tiền tại gian giữa, theo chiều cao phân thành 3 lớp: Lớp dưới tương tự như Lớp dưới của 2 gian bên song có quy mô lớn hơn; Lớp giữa là dãy 7 ô cửa phù điêu vòm nhọn, bên trong đặt tượng thánh, lớp này tương đương với Lớp trên cùng của 2 gian bên; Lớp trên là phần nhô cao của gian giữa; chính giữa là một ô cửa tròn với khung bằng đá trang trí hình hoa hồng có kích thước lớn hơn so với ô cửa hình tròn của 2 gian bên; bên trên ô cửa tròn là một mái đầu hồi tam giác với các diềm trang trí.
Mặt tiền phía bắc, nam và đông của Nhà thờ rất phong phú, được nhấn mạnh bởi 4 gian của Hội trường và 8 mái vòm: 1 mái vòm trung tâm, 2 mái bán vòm của Gian ngang, 1 mái bán vòm của gian Hậu đường và 4 mái bán vòm nhỏ tại 4 góc chữ thập, giao giữa Gian ngang và Gian Hội trường.
Mặt tiền tại khu vực Hội trường có hai cửa ra vào và 2 cửa sổ hẹp. Phần nhô lên của gian chính giữa, mỗi bước gian có một cửa sổ tròn.
Bề mặt tường của nhà được phân vị bởi những dải ô nhỏ trang trí.
Bên trong Nhà thờ Santa Maria del Fiore có nhiều bức tượng của các nhà điêu khắc nổi tiếng thời bấy giờ, trong đó có tượng David của Michelangelo (nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc sư và nhà thơ người Florence, năm 1475- 1564) được hoàn thành vào năm 1501-1504 với trọng lượng đến 6 tấn và không thể lắp dựng trên giá đỡ của các bức tường. Năm 2010, một bản sao bằng sợi thủy tinh của "David" đã được đặt bên trong nhà thờ Florence.
3 cánh cửa bằng đồng tại mặt tiền phía tây của Nhà thờ có niên đại từ năm 1899 - 1903. Bề mặt cửa cũng như bề mặt tường có các bức phù điêu miêu tả sự tích trong kinh thánh.
Do Nhà thờ được xây dựng từ sự đóng góp của công chúng, nên một số tác phẩm nghệ thuật quan trọng không chỉ tôn vinh các vị thánh tôn giáo mà còn cả những nhà lãnh đạo, nghệ sĩ, nhà quân sự và thương gia của Florence.
Quá trình trùng tu Nhà thờ kết thúc vào năm 1995, tất cả thông tin trùng tu cùng với hình ảnh tái tạo các bức bích họa được lưu trữ và quản lý trong Hệ thống cơ sở dữ liệu của Dự án Thesaurus Florentinus (Dự án thu thập và tái tạo hình ảnh của các bức tranh tường tại mái vòm Nhà thờ Santa Maria del Fiore ở Florence).
Nội thất gian Hội trường, Nhà thờ Santa Maria del Fior, Trung tâm lịch sử thành phố Florence, Ý
Mái vòm Nhà thờ Santa Maria del Fior, Trung tâm lịch sử thành phố Florence, Ý
Bức bích họa trang trí Mái vòm Nhà thờ Santa Maria del Fior, Trung tâm lịch sử thành phố Florence, Ý
Trang trí gạch lát nền tại gian Hội trường, Nhà thờ Santa Maria del Fior, Trung tâm lịch sử thành phố Florence, Ý
Tháp chuông (Giotto's Campanile) nằm tại phía nam của Nhà thờ.
Tháp được thiết kế bởi Giotto di Bondone (họa sĩ và kiến trúc sư Florence, năm 1267- 1337) với các mảng điêu khắc phong phú và khảm đá cẩm thạch đa sắc theo phong cách kiến trúc Gothic Florence.
Tháp có mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh dài 14,45m, cao 84,7m với trụ đa giác tại góc tường.
Theo chiều cao tháp có thể phân chia thành 5 tầng: Tầng 1 là phần bệ với mặt tường trang trí bởi các ô hình tứ giác hoặc lục giác, bên trong đặt phù điêu miêu tả sự tích tôn giáo và sự kiện văn hóa; Tầng 2 có bề mặt đặc với những ô đặt tượng thánh; Tầng 3 và tầng 4 giống nhau với mỗi mặt tường có 2 ô cửa vòm nhọn. Tầng 5 trên cùng cao hơn tầng dưới. Mỗi mặt tường có một ô cửa vòm nhọn.
Đỉnh tháp phẳng với các diềm trang trí.
Trong tháp treo 7 cái chuông, trong đó chuông cổ nhất đúc năm 1705, đường kính 2m, trọng lượng 5,385 tấn.
Tháp chuông Nhà thờ Santa Maria del Fior, Trung tâm lịch sử thành phố Florence, Ý
Nhà thờ Baptistery
Nhà thờ Baptistery (Battistero di San Giovanni), là một nhà thờ nhỏ, nằm đối diện với Nhà thờ Santa Maria del Fiore.
Baptistery là một trong những tòa nhà lâu đời nhất thành phố, được xây dựng từ năm 1059 – 1128, theo phong cách Florentine Romanesque. Mặc dù phong cách này không lan rộng khắp nước Ý, song cũng là cơ sở cho việc hình thành phong cách kiến trúc thời Phục hưng, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ kiến trúc sư thiết kế nhà thờ thời Phục hưng sau này ở vùng Tuscany.
Công trình có mặt bằng hình bát giác. Cửa ra vào bố trí tại 3 mặt phía đông, bắc và nam. Tại phía tây có thêm một gian Hậu đường (Apse), được xây dựng vào năm 1202.
Mái có dạng vòm như một chiếc đèn lồng, được xây dựng vào năm 1150.
Công trình được xây dựng bằng đá sa thạch, ốp bằng đá cẩm thạch được khảm hoa văn hình học.
Baptistery nổi tiếng bởi 3 bộ cửa đồng với tác phẩm phù điêu đặc sắc. Bộ cửa phía nam được tạo ra bởi Andrea Pisano (Andrea da Pontedera, nhà điêu khắc, kiến trúc sư Ý, năm 1290- 1348) vào năm 1329; Bộ cửa phía bắc và phía đông được tạo ra bởi Lorenzo Ghiberti (thợ kim hoàn và nhà điêu khắc Florence, năm 1378- 1455) hoàn thành vào năm 1452 sau 21 năm thực hiện. Michelangelo (năm 1475- 1564) đánh giá Bộ cửa phía đông là Cổng Thiên đường (Gates of Paradise).
Bề mặt ngoài công trình được trang trí bởi một số bức tượng của Andrea dal Monte Sansovino (nhà điêu khắc Ý, năm 1476- 1529) đặt tại phía trên Cổng Thiên đường và của các nhà điêu khắc, họa sĩ người Ý khác.
Nhà thờ Baptistery còn nổi tiếng bởi những bức tranh khảm miêu tả sự tích tôn giáo trên trần mái vòm hình bát giác.
Các bức tranh này được tạo ra trong suốt một thế kỷ bởi nhiều nghệ sĩ, bắt đầu vào năm 1225. Hiện tại đây còn lưu lại được khoảng 60 bức tranh nguồn gốc từ thế kỷ 13.
Bên trong Nhà thờ có lăng mộ hoành tráng của Giáo hoàng Antipope John XXIII (trị vì 1410 – 1415), được thực hiện bởi Donato di Niccolò di Betto Bardi (nhà điêu khắc Florence, năm 1386- 1466).
Phối cảnh Nhà thờ Baptistery, Trung tâm lịch sử thành phố Florence, Ý
Mặt bằng và mặt cắt Nhà thờ Baptistery, Trung tâm lịch sử thành phố Florence, Ý
Trang trí mặt ngoài Bộ cửa phía đông, được gọi là Cổng Thiên đường, Nhà thờ Baptistery, Trung tâm lịch sử thành phố Florence, Ý
Nội thất Nhà thờ Baptistery, Trung tâm lịch sử thành phố Florence, Ý
Các bức tranh khảm trên mái vòm bát giác Nhà thờ Baptistery, Trung tâm lịch sử thành phố Florence, Ý
Nhà thờ Santa Croce
Nhà thờ Santa Croce (Basilica di Santa Croce/Basilica of the Holy Cross) là một nhà thờ nhỏ nằm trên Quảng trường Santa Croce (Piazza di Santa Croce), tại bờ bắc sông Arno, nằm cách 800m về phía đông nam Nhà thờ Santa Maria del Fiore.
Công trình được xây dựng vào năm 1294, thay thế nhà thờ cũ; được thiết kế bởi Arnolfo di Cambio (kiến trúc sư, nhà điêu khắc Ý, năm 1240- 1300/1310).
Đây là nơi chứa các tác phẩm nghệ thuật quan trọng của Giotto di Bondone (họa sĩ, kiến trúc sư Ý, năm 1267 -1337, được coi là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thời kỳ Phục hưng Ý); Donatello (nhà điêu khắc Florence, năm 1386- 1466); Filippo Brunelleschi (năm 1377- 1446); Giorgio Vasari (họa sĩ, kiến trúc sư, kỹ sư, nhà văn và nhà sử học Florence, năm 1511- 1574) và một số người khác.
Từ giữa thế kỷ 15 trở đi, Nhà thờ Santa Croce thành nơi chôn cất một số nhân vật văn học, nghệ thuật và khoa học lỗi lạc nhất vùng Tuscany và của Ý. Chính vì vậy, Nhà thờ còn được gọi là Đền thờ Vinh quang Ý (Tempio dell'Itale Glorie).
Nhà thờ Santa Croce là một quần thể gồm Nhà thờ và các công trình phụ bao quanh một sân trong; bố cục chếch theo hướng đông tây. Lối vào chính từ phía tây, hướng ra phía quảng trường.
Nhà thờ có hiên với các hàng cột tại mặt phía bắc và phía nam.
Hội trường (Gian giữa/Nave) có 3 nhịp và 7 gian. Nhịp giữa cao, nhịp hai bên thấp.
Dọc theo tường phía nam của Hội trường đặt lăng mộ của Michelangelo (năm 1475- 1564); Dante Alighieri (nhà thơ, nhà văn, nhà triết học Ý, năm 1265- 1321); Niccolo Machiavelli (nhà ngoại giao, triết học, nhà văn Ý, năm 1469- 1527); Gioachino Antonio Rossini (nhà soạn nhạc Ý, năm 1792 - 1868)…Dọc theo tường phía bắc của Hội trường đặt lăng mộ của Galileo Galilei (nhà thiên văn học, vật lý, kỹ sư Ý, năm 1564 – 1642); Lorenzo Ghiberti (nghệ sĩ Ý, năm 1378- 1455)…
Gian Hợp xướng (Choir/Tribune/Dome) có diện tích nhỏ gồm 1 gian.
Gian ngang (Transept) gồm 1 gian, giao với Gian Hợp xướng tạo cho mặt bằng Nhà thờ có hình chữ thập. Tại đầu phía bắc Gian ngang có tác phẩm điêu khắc gỗ Cây thánh giá (Donatello Crucifix) của Donato (nhà điêu khắc Ý, năm 1386- 1466), thực hiện vào năm 1406- 1408. Tại đầu phía nam Gian ngang có Nhà nguyện Baroncelli (Baroncelli Chapel), là nơi đặt hầm mộ của gia đình Baroncelli; Nhà nguyện Castellani (Castellani Chapel), là nơi đặt hầm mộ của gia đình Castellani.
Hậu đường (Apse) có mặt bằng và cấu trúc xây dựng dọc theo Gian ngang. Chính giữa là một gian với mặt bằng là một phần của hình bát giác; hai bên là các gian Nhà nguyện như Bardi Chapel; Peruzzi Chapel; Velluti Chapel; …nơi đặt hầm mộ của gia đình quý tộc và thương gia giàu có tại Florence.
Theo chiều cao, thấp nhất của Nhà thờ là mái hàng hiên; hàng hiên phía bắc là mái dạng đầu hồi; hàng hiên phía nam là mái 1 dốc. Tiếp đó là mái của hai gian bên Hội trường, dạng mái đầu hồi và mái 2 dốc của Gian ngang. Cao nhất là mái của gian giữa Hội trường, dạng mái 2 dốc.
Bên ngoài Nhà thờ được bao phủ bởi một mặt tiền bằng đá cẩm thạch đa sắc, được bổ sung vào năm 1863.
Mặt tiền chính của Nhà thờ tại phía tây.
Mặt tiền thể hiện rõ cấu trúc 3 nhịp, được phân tách bởi trụ tường với đỉnh trụ có các tháp trang trí.
Mặt tiền hai gian bên thấp; phía dưới là cửa vòm với các mảng trang trí (Tympanum) trên bức tường ngang và vòm cửa; trên đỉnh của gian bên là một bức tường chắn mái đầu hồi dạng tam giác với trang trí bên trong hình chữ thập.
Mặt tiền gian giữa cao; cửa ra vào trang trí như gian bên song quy mô nhỏ hơn. Phía trên cửa là một ô cửa tròn. Trên đỉnh của gian giữa cũng là một bức tường chắn mái đầu hồi dạng tam giác với một ngôi sao 6 cánh.
Tháp chuông nằm tại mặt phía nam của Nhà thờ, gắn với Tu viện. Tháp được xây bằng đá, cao đến 78m, hoàn thành vào năm 1842, thay thế tháp chuông đã bị hư hại trước đó do sét đánh.
Phối cảnh tổng thể Nhà thờ Santa Croce, Trung tâm lịch sử thành phố Florence, Ý
Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ Santa Croce, Trung tâm lịch sử thành phố Florence, Ý
Phối cảnh mặt đứng hướng tây Nhà thờ Santa Croce, Trung tâm lịch sử thành phố Florence, Ý
Nội thất gian Hội trường, Nhà thờ Santa Croce, Trung tâm lịch sử thành phố Florence, Ý
Nhà nguyện Baroncelli, một trong số các Nhà nguyện bên trong Nhà thờ Santa Croce, Trung tâm lịch sử thành phố Florence, Ý
Kề liền phía nam của Nhà thờ là Tu viện (Cloister). Đây là dãy các phòng nhỏ, cao 1- 2 tầng bố trí xung quanh một sân trong với hàng cột chạy theo chu vi sân, gồm phòng ăn (Refectory), bếp, phòng ở của các tu sĩ…Đầu phía đông của Tu viện cũng bố trí nhiều Nhà nguyện nhỏ, nơi đặt hầm mộ của các gia đình quý tộc và thương gia giàu có tại Florence đã công đức xây dựng Nhà thờ, như Rinuccini Chapel; Medici Chapel; Pazzi Chapel…Trong đó, Nhà nguyện Pazzi có quy mô lớn nhất với hàng hiên phía trước và một mái vòm nhô cao phía trên. Công trình được cho là do kiến trúc sư Filippo Brunelleschi (năm 1377 – 1446) thiết kế, hoàn thành vào năm 1443; là một kiệt tác của kiến trúc thời Phục hưng.
Mặt trước và Nội thất Nhà nguyện Pazzi bên trong Tu viện, Nhà thờ Santa Croce, Trung tâm lịch sử thành phố Florence, Ý
Nhà thờ San Lorenzo
Nhà thờ San Lorenzo (Basilica di San Lorenzo) là một trong những nhà thờ lớn nhất của Florence. Công trình nằm tại phía bắc của Nhà thờ Santa Maria del Fiore, cách khoảng 150m.
Nhà thờ San Lorenzo là nhà thờ giáo xứ của Gia tộc Medici và cũng là nơi chôn cất các thành viên chính của Gia tộc. Tòa nhà được thánh hiến vào năm 339.
Năm 1419, công trình được thiết kế lại theo phong cách Romanesque từ thế kỷ 11, bởi kiến trúc sư Filippo Brunelleschi (năm 1377 – 1446).
Nhà thờ San Lorenzo được coi là một cột mốc trong sự phát triển của kiến trúc thời kỳ Phục hưng.
Nhà thờ có một lịch sử xây dựng phức tạp. Việc thiếu vốn đã làm chậm quá trình xây dựng và buộc phải thay đổi thiết kế ban đầu. Đến đầu những năm 1440, chỉ có thánh đường (nay được gọi là Old Sacristy) được hoàn thành, vì được Gia tộc Medici trả tiền. Sau cái chết của kiến trúc sư Brunelleschi vào năm 1446, công việc được giao lại cho các kiến trúc sư khác.
Mặc dù tòa nhà đã được hoàn thành phần lớn vào năm 1459 để kịp chuyến viếng thăm Florence của Đức Giáo hoàng Piô II (trị vì năm 1458 – 1464), nhưng các nhà nguyện dọc theo lối đi bên tay phải vẫn tiếp tục được xây dựng vào những năm 1480 - 1490.
Quần thể Nhà thờ San Lorenzo bố cục theo hướng đông tây, hướng về phía đông, bao gồm một số khu vực chính sau:
Nhà thờ San Lorenzo (Church of San Lorence) nằm tại phía đông. Công trình nằm trên một bệ nền cao so với mặt sân quảng trường xung quanh.
Hội trường (Gian giữa/Nave) có 3 nhịp và 8 gian. Nhịp giữa cao, nhịp hai bên thấp. Dọc theo tường phía nam và phía bắc của Hội trường là hàng hiên hẹp.
Gian Hợp xướng (Choir/Tribune/Dome) có diện tích nhỏ gồm 1 gian.
Gian ngang (Transept) gồm 1 gian, giao với Gian Hợp xướng tạo cho mặt bằng Nhà thờ có hình chữ thập. Mái tại không gian chữ thập nhô cao, dạng 4 mái. Đầu phía nam của Gian ngang có phòng mang tên Old Sacristy (Sagrestia Vecchia/ Nhà nguyện cũ), được thiết kế bởi Brunelleschi vào năm 1421 – 1440 và đó là phần lâu đời nhất của Nhà thờ San Lorenzo và là phần duy nhất được hoàn thành bởi Brunelleschi. Bên trong chứa ngôi mộ của một số thành viên của Gia tộc Medici. Đầu phía bắc của Gian ngang có phòng mang tên New Sacristy (Sagrestia Nuova/Phòng thờ mới). Không gian này được bắt đầu vào năm 1520 bởi Michelangelo. Nhà nguyện cũ và Nhà nguyện mới được gọi với tên chung là Nhà nguyện Medici (Medici Chapel). Cả hai Nhà nguyện đều có mái che dạng mái vòm thấp.
Hậu đường (Apse) có mặt bằng và cấu trúc xây dựng dọc theo Gian ngang.
Giáo hoàng Medici Pope Leo X (trị vì năm 1513- 1521) đã ủy nhiệm cho Michelangelo (năm 1475- 1564) thiết kế mặt tiền bằng đá cẩm thạch trắng vào năm 1518. Michelangelo đã làm một mô hình bằng gỗ với tỷ lệ được xác định theo tỷ lệ kích thước lý tưởng của cơ thể con người. Song công trình không được xây dựng.
Bên ngoài Nhà thờ San Lorenzo hiện tại được bao phủ bởi một mặt tiền bằng đá.
Mặt tiền chính của Nhà thờ tại phía đông, thể hiện rõ cấu trúc 3 nhịp, trang trí đơn giản với 3 cửa ra vào. Phần nhô lên của gian giữa có một ô vòm không có trang trí bên trong. Mặt bên của Nhà thờ cũng hết sức sơ lược với các trang trí kiểu vòm và các ô cửa số giáp mái.
Theo chiều cao, thấp nhất của Nhà thờ San Lorenzo là mái hàng hiên phía bắc và nam dọc theo gian Hội trường, dạng mái 1 dốc. Tiếp đó là mái của hai gian bên Hội trường, dạng 1 dốc. Cao nhất là mái của gian giữa Hội trường, dạng mái 2 dốc.
Phối cảnh tổng thể Nhà thờ San Lorenzo, Trung tâm lịch sử thành phố Florence, Ý
Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ San Lorenzo, |