
Thông tin chung:
Công trình: Nhà thờ Đức bà Amiens (Amiens Cathedral)
Địa điểm: Somme, Hauts-de-France, Pháp (N49 53 42 E2 18 6)
Thiết kế kiến trúc: Robert de Luzarches và cộng sự
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 1,54ha; diện tích vùng đệm 115ha.
Năm hình thành: Thế kỷ 13
Giá trị: Di sản thế giới (1981; sửa đổi ranh giới nhỏ vào năm 2013; hạng mục i, ii)
Pháp (France) là một quốc gia có lãnh thổ chính nằm tại Tây Âu cùng một số vùng và lãnh thổ hải ngoại. Pháp có tổng diện tích 643.801 km2, dân số gần 67,3 triệu người (năm 2018), thủ đô là thành phố Paris.
Trong thời đại đồ sắt (Iron Age), bắt đầu vào thế kỷ 12 trước Công nguyên (TCN), nước Pháp (không kể phần lãnh thổ hải ngoại) là nơi cư trú của bộ tộc người Gaulois thuộc Celt, là nhóm các bộ tộc đa dạng ở châu Âu.
Người La Mã (Roma) thống trị khu vực từ năm 51 TCN đến năm 476 sau Công nguyên. Từ năm 476, người Frank thuộc nhóm bộ tộc Germain, sống tại hạ lưu và trung lưu sông Rhine đã chinh phục vùng đất, thành lập Vương quốc Pháp (Kingdom of Francia).
Pháp nổi lên thành một đế chế hùng mạnh tại châu Âu vào cuối thời Trung Cổ, thế kỷ 14 và 15. Việc giành thắng lợi trong cuộc Chiến tranh Trăm năm (1337-1453, giữa Anh và Pháp) giúp Pháp củng cố quốc gia và tập trung hóa chính trị.
Trong thời kỳ Phục Hưng (thế kỷ 15 đến 17) văn hóa Pháp phát triển mạnh mẽ và nước Pháp dần trở thành một trong những đế quốc thực dân toàn cầu (Grande France).
Dưới thời vua Louis 14 (trị vì 1643 – 1715, còn gọi là Vua Mặt trời) Pháp trở thành thế lực chi phối văn hoá, chính trị và quân sự tại châu Âu.
Đến cuối thế kỷ 18, Cách mạng Pháp lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, lập nên một trong các nền cộng hoà sớm nhất trong lịch sử hiện đại. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền, nền tảng của cuộc Cách mạng và biểu thị ý thức hệ của nước Pháp thời bấy giờ vẫn tiếp tục là đức tin mãnh liệt cho đến ngày nay.
Trong thế kỷ 19, Hoàng đế Napoléon Bonaparte (trị vì năm 1804- 1814) lập ra Đệ Nhất Đế chế Pháp (First French Empire) và tiến hành các cuộc chiến tranh tại châu Âu. Sau khi Đế chế Pháp sụp đổ, Pháp trải qua giai đoạn các chính phủ kế tiếp nhau với đỉnh cao là thành lập Đệ Tam Cộng hòa Pháp (French Third Republic) vào năm 1870. Trong thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, Pháp đã trở thành đế quốc thực dân lớn thứ 2 thế giới sau đế quốc Anh.
Nước Pháp là một bên tham chiến chính trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, và giành được phần thắng. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Pháp thuộc khối Đồng Minh, bị phe Trục (Đức, Ý, Nhật) chiếm đóng vào năm 1940 và được giải phóng vào năm 1944. Đệ Tứ Cộng hòa Pháp (French Fourth Republic) được thành lập năm 1946, song sau đó bị giải thể trong chiến tranh Algérie.vào năm 1958. Nền Đệ Ngũ cộng hoà (Fifth Republic) dưới quyền của Tổng thống Charles de Gaulle (nhiệm kỳ năm 1959 – 1969) được thành lập vào năm 1958 và tồn tại cho đến ngày nay.
Hiện tại, Pháp được phân thành thành 18 vùng hành chính, gồm 13 vùng tại chính quốc và 5 vùng hải ngoại. Mỗi vùng chia thành 2 đến 18 tỉnh. Mỗi vùng hải ngoại tương đương 1 tỉnh.
Pháp thuộc nhóm Quốc gia phát triển và từ lâu đã có vị thế là một trung tâm của thế giới về nghệ thuật, khoa học và triết học, có số Di sản thế giới nhiều thứ 4 tại châu Âu (số liệu đến năm 2019: Ý 55 Di sản; Tây Ban Nha 48, Đức 46, Pháp 45).

Bản đồ nước Pháp và vị trí của thành phố Amiens
Nhà thờ Đức bà Amiens (Basilique Cathédrale Notre-Dame d'Amiens) là một nhà thờ Công giáo La Mã, nơi ngự trị của Giám mục Amiens. Công trình nằm trên một sườn núi nhỏ nhìn ra sông Somme, tại Amiens, thành phố thủ phủ của tỉnh Somme, vùng Hauts-de-France.
Cơ đốc giáo truyền đến Amiens vào thế kỷ 3 sau Công nguyên cùng với việc xây dựng các nhà thờ.
Năm 1218, phần lớn thị trấn và một số nhà thờ (xây dựng theo phong Romanesque) bị hỏa hoạn phá hủy.
Vào năm 1220 - 1270, Nhà thờ Amiens hoàn toàn mới theo phong cách Gothic được xây dựng. Công trình do Robert de Luzarches (kiến trúc sư người Pháp, năm 1160 – 1228) và cộng sự thiết kế.
Nhà thờ Amiens là nhà thờ lớn nhất ở Pháp. Công trình có chiều dài 145m, rộng 70m; chiều rộng nhịp chính 14,6m và chiều cao 42,30m; diện tích sàn 7700m2, chiều cao đến đỉnh tháp 112,70m; khối tích 200.000 m3, đủ để chứa hai nhà thờ có quy mô như Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame of Paris).
Công trình được xây dựng theo một cách thức rất khác biệt: Hoàn thiện từng phần, từ Hội trường (Gian giữa/Nave) sang Hậu đường (Apse), từ phía tây sang phía đông (Quá trình xây dựng có thể tham khảo tại tài liệu sau: https://www.youtube.com/watch?v=b77XFALHNXw).
Năm 1236, Hội trường được hoàn thành;
Năm 1269, các cửa sổ phía trên của Dàn hợp xướng (Choir/Tribune/Dome) được đặt xong.
Cuối thế kỷ 13, các cánh chữ thập (Transept) tại Dàn hợp xướng được thực hiện.
Đầu thế kỷ 14, các mặt tiền và các tháp phía trên được hoàn thiện. Cùng với đó là việc xây dựng các nhà nguyện (Chapels) nằm giữa các trụ tường (Buttresses) chạy dọc theo hai bên Hội trường (Nave) và bao quanh Hậu đường (Apse).
Vào thế kỷ 16, Nhà thờ bị hỏa hoạn, song không có thiệt hại lớn.
Công trình trải qua một số sửa đổi để phù hợp với phong cách Gothic Flamboyant, là một dạng kiến trúc Gothic muộn tại châu Âu, từ khoảng năm 1375 – giữa thế kỷ 16, được đặc trưng bởi đường trang trí dạng đường cong kép tạo thành các hình dạng giống như ngọn lửa tại các gờ trang trí bề mặt nhà.
Vào thế kỷ 18, một số chi tiết kiến trúc của công trình đã được sửa đổi tuân theo quy định mới của Hội đồng Trent (Council of Trent) thuộc Giáo hội Công giáo.
Trong thời Cách mạng Pháp (French Revolution, năm 1789 – 1799), phần lớn các tác phẩm điêu khắc bị đập phá; Đồ đạc và trang trí nội thất đã biến mất; một phần của Nhà thờ được sử dụng làm kho chứa.
Nhà thờ Đức bà Amiens được trả lại chức năng tôn giáo vào năm 1800. Công việc trùng tu bắt đầu vào năm 1802, kéo dài đến năm 1874. Trong giai đoạn này, kiến trúc sư người Pháp Eugene Viollet-le-Duc (năm 1814 – 1879) có một vai trò nổi bật.
Trong Chiến tranh thế giới 1 và 2, Nhà thờ Đức bà Amiens chỉ bị hư hại nhẹ.
Từ năm 1973- 1980, công trình được trùng tu toàn bộ.

Phối cảnh mặt đứng hướng tây Nhà thờ Đức bà Amiens, Pháp

Phối cảnh mặt đứng hướng đông Nhà thờ Đức bà Amiens, Pháp

Phối cảnh mặt đứng hướng bắc, Nhà thờ Đức bà Amiens, Pháp

Phối cảnh mặt đứng hướng nam, Nhà thờ Đức bà Amiens, Pháp
Nhà thờ Đức bà Amiens sở hữu tính chân thực tuyệt vời và minh họa đáng kể cốt lõi của phong cách Gothic thế kỷ 13. Công trình thể hiện sự gắn kết chặt chẽ của bố cục quy hoạch với sự đối xứng hoàn hảo của Hội trường (Gian giữa/ Nave) và Hợp xướng (Choir/Tribune/Dome). Kết cấu bao che của công trình (không kể phần mái) phân thành các tầng cửa, tạo sự nhẹ nhàng và táo bạo cho cấu trúc nội thất, cũng như hướng tới việc chinh phục chiếu sáng tự nhiên bên trong, sự phong phú của trang trí điêu khắc và kính màu.
Nhà thờ Đức bà Amiens trở thành một trong những ví dụ đáng chú ý nhất của kiến trúc Châu Âu thời Trung cổ, được coi là công trình tiêu biểu của Phong cách Gothic bậc cao (High Gothic), là phong cách kiến trúc Gothic đặc biệt tinh tế và uy nghiêm xuất hiện ở miền bắc nước Pháp từ khoảng năm 1195- 1250. Công trình theo Phong cách High Gothic này được đặc trưng bởi chiều cao lớn; cấu trúc xây dựng hài hòa, khéo léo và tinh tế; tác phẩm điêu khắc thể hiện các đề tài thực tế; cửa sổ kính màu với trang trí hình hoa hồng; phần tường phía trên bố trí cửa sổ lớn hơn so với cửa sổ tại phần tường phía dưới nhằm lấy ánh sáng nhiều hơn vào bên trong. Tại Pháp, cùng với Nhà thờ Amiens, còn có Nhà thờ Chartres (Chartres Cathedral), Nhà thờ Reims (Reims Cathedral), Nhà thờ Beauvais (Beauvais Cathedral) và Nhà thờ Bourges (Bourges Cathedral) cũng được xây dựng theo phong cách này.
Phong cách kiến trúc của Nhà thờ Đức bà Amiens còn là cơ sở cho việc hình thành phong cách kiến trúc Gothic đặc trưng của Pháp - Phong cách Rayonnant (Rayonnant Style) sau này. Đây là phong cách xuất hiện trong khoảng giữa thế kỷ 13- 14, đặc trưng bởi sự đổi mới từ phong cách High Gothic, trước hết là hệ thống cửa có kích thước lớn hơn để hướng tới sự thống nhất hơn về không gian, trang trí tinh tế và tăng cường ánh sáng trong không gian nội thất… Phong cách Rayonnant được thực hiện với quy mô lớn đầu tiên tại Nhà thờ Amiens.
Nhà thờ Đức bà Amiens (Amiens Cathedral) thuộc tỉnh Somme, vùng Hauts-de-France, Pháp được UNESCO công nhận là Di sản thế giới (năm 1981; sửa đổi ranh giới nhỏ vào năm 2013) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Nhà thờ Amiens, chủ yếu được xây dựng từ năm 1220 đến 1288, là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người, một kiệt tác của kiến trúc Gothic với vẻ đẹp của không gian bên trong, trang trí điêu khắc kỳ vĩ và kính màu.
Tiêu chí (ii): Một số giải pháp kiến trúc tại Nhà thờ Amiens báo trước sự ra đời và định hình của một phong cách rực rỡ trong kiến trúc và điêu khắc hoành tráng, Phong cách Gothic.


Sơ đồ phạm vi Di sản Nhà thờ Đức bà Amiens, thuộc tỉnh Somme, vùng Hauts-de-France, Pháp

Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ Đức bà Amiens: A: Lối đi vòng quanh Hợp xướng (Choir/Tribune/Dome); B: Lối đi bên ngoài của dàn Hợp xướng; F,G: Gian cắt ngang với gian giữa chính tạo thành hình chữ thập (Transepts); H: Vị trí tháp trung tâm; M: Lối ra vào chính giữa; N: Lối ra vào hai bên; P, Q: Lối đi hai bên dàn Hợp xướng; R: Nhà nguyện (Chapels); T,U: Lối đi phía bắc và nam của Hội trường (Gian giữa/Nave).

Sơ đồ mặt cắt ngang khu Hội trường, Nhà thờ Đức bà Amiens, Pháp

Sơ đồ mặt cắt khu vực Gian Hợp xướng và Gian ngang, Nhà thờ Đức bà Amiens,

So sánh quy mô các gian và chi tiết trang trí (theo cùng một tỷ lệ) của: 1) Nhà thờ Đức Bà, Paris; 2) Nhà thờ Chartres; 3) Nhà thờ Reims; 4) Nhà thờ Amiens
Ngoại thất Nhà thờ Đức bà Amiens
Mặt tiền phía tây
Mặt tiền phía tây của Nhà thờ Amiens được xây dựng trong cùng một đợt, từ năm 1220 – 1236. Riêng các phần trên của mặt tiền là các tháp chuông mãi đến thế kỷ 14 mới hoàn thành.
Mặt tiền phía tây của Nhà thờ, theo chiều ngang, phân thành 3 gian, giới hạn bởi 4 trụ tường có trang trí đẹp đẽ.
Theo chiều cao, mặt tiền có thể phân thành 5 lớp chính:
Lớp thứ nhất: Gồm 3 cổng vòm nhọn, lùi vào phía trong tạo thành không gian sảnh (Nhà thờ Amiens không có sảnh hiên); vòm chính giữa lớn và cao; hai vòm nhọn hai bên nhỏ và thấp. Tại lớp này, đỉnh của 4 trụ tường được trang trí bằng các tháp nhọn. Cửa ra vào tại cổng vòm dạng cửa đôi, phân tách bởi một trụ trang trí đặt chính giữa. Trên mỗi cửa ra vào có các mảng trang trí (Tympanum) trên bức tường ngang và vòm mái. Các bức phù điêu có nội dung miêu tả sự tích trong Kinh thánh và ca ngợi các vị thánh được tôn kính tại địa phương.
Lớp thứ hai: Là lớp cửa sổ kép. Gian giữa có 4 cửa; mỗi gian hai bên có 2 cửa.
Lớp thứ ba: Là lớp phù điêu, trưng bày 22 bức tượng bằng người thật của các vị vua Pháp. Các bức tượng có niên đại vào giai đoạn trùng tu năm 1802- 1874, gắn với sự chỉ đạo của kiến trúc sư người Pháp Eugene Viollet-le-Duc (năm 1814 – 1879).
Lớp thứ tư: Gian giữa có một cửa sổ tròn lớn với khung bằng đá trang trí hình hoa hồng, được thực hiện vào năm 1240; Gian hai bên là ô cửa sổ kép cao.
Lớp thứ trên cùng: Là những khối công trình xây dựng sau này với chiều cao khác nhau. Tháp chuông phía nam thấp, được xây dựng vào năm 1366. Tháp chuông phía bắc cao hơn tháp chuông phía nam, được xây dựng vào năm 1406 với trang trí kiểu Flamboyant (một dạng của kiến trúc Gothic muộn từ thế kỷ 14 – 16, đặc trưng bởi các đường cong kép tạo thành hình dạng giống như ngọn lửa).
Nối hai tháp chuông là một không gian với bề mặt trang trí dạng vòm cửa nhỏ với nhiều chi tiết.
Trong quá trình làm sạch bằng laser vào những năm 1990, người ta phát hiện ra rằng mặt tiền phía tây của Nhà thờ ban đầu được sơn nhiều màu.

Mặt đứng phía tây Nhà thờ Đức bà Amiens, Pháp

Sảnh chính, phía tây Nhà thờ Đức bà Amiens, Pháp

Bức tượng Chúa Kitô đưa ra sự phán xét tại phía trên cửa chính giữa, Mặt tiền phía tây, Nhà thờ Đức bà Amiens, Pháp

Bức tượng các vị Thánh địa phương (bao gồm cả vị tử vì đạo bị chặt đầu), Mặt tiền phía tây, Nhà thờ Đức bà Amiens, Pháp

Bức tượng Đức Trinh nữ mỉm cười, Mặt tiền phía tây, Nhà thờ Đức bà Amiens, Pháp

Cửa sổ hoa hồng và phù điêu các vị vua, Mặt tiền phía tây, Nhà thờ Đức bà Amiens, Pháp
Trụ tường Beau Pilier
Trụ tường Beau Pilier (Trụ cột đẹp/ Beautiful Pillar) là trụ đỡ được xây dựng bổ sung vào thế kỷ 14 tại góc giao của tháp phía bắc và giữa hai nhà nguyện Saint Jean Baptiste và Saint Jean.
Trên bề mặt trụ tường được trang trí bởi 9 bức tượng, đại diện cho các nhân vật chính trị, tôn giáo và quân sự lớn của Pháp thời bấy giờ. Tượng đặt theo 3 dãy, trên 3 cấp.
Trụ tường Beau Pilier là đài tưởng niệm cuối cùng thuộc loại này còn được nhìn thấy tại Pháp.


Trụ tường Beau Pilier với 9 tượng trang trí tại mặt tiền phía bắc, Nhà thờ Đức bà Amiens, Pháp
Tháp nhà thờ
Tháp nhà thờ (Flèche) nằm trên điểm giao của gian Hợp xướng (Choir/Tribune/Dome) và Gian ngang (Transepts) tạo thành hình chữ thập Tháp bị phá hủy bởi sét vào năm 1528 và sau đó được thay thế bằng tháp mới bằng gỗ phủ bằng các tấm chì mạ vàng. Hiện tại, tháp vẫn còn giữ được vật liệu ban đầu của thế kỷ 16, bao gồm cả khung gỗ. Tháp cao (từ mặt đất đến hình con gà trống trên đỉnh) khoảng 112,7m.
Bao quanh tháp có bức tượng Chúa Kitô, Đức Trinh nữ Maria và một số các vị thánh.


Sơ đồ và hình ảnh Tháp nhà thờ, tại điểm giao của gian Hợp xướng (Choir/Tribune/Dome) và Gian ngang, Nhà thờ Đức bà Amiens, Pháp
Vòm trụ tường
Vòm trụ tường (Flying Buttress) là kết cấu dạng nửa vòm, nhận tải trọng xiên từ mái, tải trọng gió chuyển thành tải trọng đứng truyền xuống trụ tường lớn phía dưới (đồng thời là vách ngăn của nhà nguyện). Qua đó cho phép các bức tường bao che mỏng hơn và không gian rộng hơn để bố trí cửa sổ.
Tại Nhà thờ Amiens, các vòm trụ tường Flying Buttress được bố trí dọc theo gian Hội trường và gian Hợp xướng. Kết cấu này được xây dựng bằng đá, có hình dáng phức tạp; vòm là hệ thống dàn với các thanh dàn có thêm chức năng trang trí.
Đỉnh của mỗi vòm trụ tường được trang trí bằng hai tháp nhỏ.


Sơ đồ vòm trụ tường, Nhà thờ Đức bà Amiens, Pháp

Vòm trụ tường, Nhà thờ Đức bà Amiens, Pháp
Nội thất Nhà thờ Đức bà Amiens
Hội trường
Hội trường (Gian giữa/Nave) là khu vực công chúng thờ phụng (trong khi gian Hợp xướng dành riêng cho giáo sĩ). Tại thờ Nhà thờ Amiens, Hội trường được thiết kế theo mô hình của Nhà thờ với phong cách Gothic sơ khai.
Nội thất bên trong theo chiều cao phân thành 3 lớp. Lớp dưới cùng là các vòm tường lớn; Lớp thứ hai là ô cửa trang trí; Lớp thứ ba trên cùng là cửa số lớn kết nối với vòm trần.
Tại phía tây của Hội trường, phía trên của cửa ra vào, bên dưới cửa sổ hoa hồng là cây đàn Organ. Đàn được lắp đặt vào năm 1442 – 1449 với trang trí chạm khắc kiểu Gothic. Các ống đàn hiện tại được lắp đặt vào năm 1549 với các bổ sung vào năm 1620, được nâng cấp vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Tại phía bắc của Hội trường là Bục giảng (Pulpit). Bục giảng được lắp đặt vào năm 1773, theo phong cách Baroque. Bục được làm bằng gỗ sơn và mạ vàng với các bức tượng trang trí, đại điện cho Niềm tin, Hy vọng và Lòng bác ái. Bục giảng có bệ nền bằng đá mạ vàng. Trên đỉnh Bục giảng có một vị thiên thần tay cầm một cuốn sách.
Tại mặt phía bắc và nam của Hội trường, mỗi mặt có 6 Nhà nguyện (Chapels). Trang trí hiện tại của Nhà nguyện được thực hiện vào thế kỷ 18. Các nhà nguyện được bảo vệ bởi các tấm bình phong và cửa bằng sắt rèn trang trí. Bên trong Nhà nguyện có các bức tranh lớn; bàn thờ, tượng bằng đá và bằng gỗ. Mỗi Nhà nguyện đều dành riêng cho việc thờ một vị thánh cụ thể.
Trung tâm sàn của Hội trường trang trí hình tượng Mê cung (Labyrinth), là đặc điểm chung của các nhà thờ Gothic thời kỳ đầu. Đây là biểu tượng cho những trở ngại của cuộc hành trình hướng tới sự cứu rỗi. Vào những ngày lễ tôn giáo nhất định, những người hành hương đi theo các hành trình của Mê cung.
Mê cung Amiens hiện tại có chiều dài 240m, được làm vào thế kỷ 19, là bản sao của Mê cung ban đầu thực hiện vào năm 1288.

Nội thất gian Hội trường, nhìn ra cửa tại hướng tây, Nhà thờ Đức bà Amiens, Pháp

Bục giảng tại gian Hội trường, Nhà thờ Đức bà Amiens, Pháp

Đàn Organ tại gian Hội trường, |