Thông tin chung:
Công trình: Quảng trường Stanislas, Quảng trường Carriere và Quảng trường Alliance tại Nancy (Place Stanislas, Place de la Carrière and Place d'Alliance in Nancy)
Địa điểm: Meurthe-et-Moselle, Grand Est, Pháp (N48 41 37 E6 10 60)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 7ha; diện tích vùng đệm 159ha.
Năm hình thành: 1752 - 1756
Giá trị: Di sản thế giới (1983; sửa đổi ranh giới nhỏ được ghi vào năm: 2016); hạng mục i, iv
Pháp (France) là một quốc gia có lãnh thổ chính nằm tại Tây Âu cùng một số vùng và lãnh thổ hải ngoại.
Pháp có tổng diện tích 643.801 km2, dân số gần 67,3 triệu người (năm 2018), thủ đô là thành phố Paris.
Trong thời đại đồ sắt (Iron Age), bắt đầu vào thế kỷ 12 trước Công nguyên (TCN), nước Pháp (không kể phần lãnh thổ hải ngoại) là nơi cư trú của bộ tộc người Gaulois, là nhóm các bộ tộc đa dạng ở châu Âu.
Người La Mã (Roma) thống trị khu vực từ năm 51 TCN đến năm 476 sau Công nguyên. Từ năm 476, người Frank thuộc nhóm bộ tộc Germain, sống tại hạ lưu và trung lưu sông Rhine, đã chinh phục vùng đất, thành lập Vương quốc Pháp (Kingdom of Francia).
Pháp nổi lên thành một đế chế hùng mạnh tại châu Âu vào cuối thời Trung Cổ, thế kỷ 14 và 15. Việc giành thắng lợi trong cuộc Chiến tranh Trăm năm (1337-1453, giữa Anh và Pháp) giúp Pháp củng cố quốc gia và tập trung hóa chính trị.
Trong thời kỳ Phục Hưng (thế kỷ 15 đến 17) văn hóa Pháp phát triển mạnh mẽ và nước Pháp dần trở thành một trong những đế quốc thực dân toàn cầu (Grande France).
Dưới thời vua Louis XIV (trị vì 1643 – 1715, còn gọi là Louis the Great/ Louis Đại đế/Vua Mặt trời) Pháp trở thành thế lực chi phối văn hoá, chính trị và quân sự tại châu Âu.
Đến cuối thế kỷ 18, Cách mạng Pháp lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, lập nên một trong các nền cộng hoà sớm nhất trong lịch sử hiện đại. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền, nền tảng của cuộc Cách mạng và biểu thị ý thức hệ của nước Pháp thời bấy giờ vẫn tiếp tục là đức tin mãnh liệt cho đến ngày nay.
Trong thế kỷ 19, Hoàng đế Napoléon Bonaparte (trị vì năm 1804- 1814) lập ra Đệ Nhất Đế chế Pháp (First French Empire) và tiến hành các cuộc chiến tranh tại châu Âu. Sau khi Đế chế Pháp sụp đổ, Pháp trải qua giai đoạn các chính phủ kế tiếp nhau với đỉnh cao là thành lập Đệ Tam Cộng hòa Pháp (French Third Republic) vào năm 1870. Trong thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, Pháp đã trở thành đế quốc thực dân lớn thứ 2 thế giới sau đế quốc Anh.
Nước Pháp là một bên tham chiến chính trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, và giành được phần thắng. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Pháp thuộc khối Đồng Minh, bị phe Trục (Đức, Ý, Nhật) chiếm đóng vào năm 1940 và được giải phóng vào năm 1944. Đệ Tứ Cộng hòa Pháp (French Fourth Republic) được thành lập năm 1946, song sau đó bị giải thể trong chiến tranh Algérie.vào năm 1958. Nền Đệ Ngũ cộng hoà (Fifth Republic) dưới quyền của tổng thống Charles de Gaulle (nhiệm kỳ năm 1959 – 1969) được thành lập vào năm 1958 và tồn tại cho đến ngày nay.
Hiện tại, Pháp được phân thành thành 18 vùng hành chính, gồm 13 vùng tại chính quốc và 5 vùng hải ngoại. Mỗi vùng chia thành 2 đến 18 tỉnh. Mỗi vùng hải ngoại tương đương 1 tỉnh.
Pháp thuộc nhóm Quốc gia phát triển và từ lâu đã có vị thế là một trung tâm của thế giới về nghệ thuật, khoa học và triết học, có số Di sản thế giới nhiều thứ 4 tại châu Âu (số liệu đến năm 2019: Ý 55 Di sản; Tây Ban Nha 48, Đức 46, Pháp 45).
Bản đồ Pháp và vị trí thành phố Nancy, thủ phủ tỉnh Meurthe-et-Moselle, vùng Grand Est
Nancy là một thành phố nằm ở tỉnh Meurthe-et-Moselle, thuộc khu vực lịch sử và văn hóa Lorraine, vùng Grand Est, nằm ở miền đông nước Pháp, giáp biên giới với Bỉ, Luxembourg và Đức.
Nancy nằm trên bờ sông Meurthe; dân số khoảng 105 ngàn người (2018).
Nancy không chỉ nổi tiếng bởi việc tập trung các nhà cao tầng tại trung tâm thành phố, Công viên công nghệ Nancy-Brabois (Nancy-Brabois Technopole), Khu đô thị Đại học mà còn nổi tiếng bởi Khu phố cổ với 3 quảng trường: Quảng trường Stanislas (Place Stanislas); Quảng trường Carriere (Place Carrière) và Quảng trường Alliance (Place d'Alliance).
Vào thế kỷ thứ 10, Nancy là kinh đô của Công quốc Lorraine (Duché de Lorraine, tồn tại năm 959 – 1766) gắn liền với Vương quốc Pháp (Royaume de France/Kingdom of Francia, tồn tại năm 987- 1792; 1814 – 1848). .
Khu phố cổ Nancy là một trong những khu vực có cảnh quan hài hòa nhất của thời Khai sáng (Siècle des Lumières/ Age of Enlightenment), minh họa một cách mẫu mực và tuyệt vời ý tưởng về quảng trường hoàng gia như một không gian đô thị, hoành tráng và tập trung.
Cả 3 Quảng trường hoàng gia đều được xây dựng dưới sự bảo trợ của Stanislaus I (Vua của Ba Lan, trị vì năm 1704 – 1709; Đại công tước Litva, trị vì năm 1737 – 1766) từ năm 1752 – 1756.
Giá trị của 3 Quảng trường không chỉ ở quy mô hoành tráng mà còn là sự mẫu mực và đa dạng của thiết kế, tinh tế của phong cảnh, phong phú của kiến trúc và trang trí.
Cả 3 Quảng trường tạo thành ví dụ lâu đời nhất và đặc trưng nhất của một kinh đô, nơi các vị vua thể hiện vị thế với công chúng. Ngoài việc trình diễn các công trình kiến trúc tôn vinh quyền lực với khải hoàn môn, tượng và đài phun nước, các Quảng trường tại đây còn cho phép dân cư tiếp cận Tòa thị chính, Tòa án, Nhà hát cũng như các tòa nhà công cộng khác.
Quảng trường Stanislas, Quảng trường Carriere và Quảng trường Alliance tại Nancy, Meurthe-et-Moselle, vùng Grand Est, Pháp được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1983; sửa đổi ranh giới nhỏ năm 2016) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Ba quảng trường hình chữ nhật của thành phố Nancy tạo nên một thành tựu nghệ thuật độc đáo, là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người.
Tiêu chí (iv): Ba quảng trường của thành phố Nancy là một ví dụ lâu đời và đặc trưng nhất về quy hoạch đô thị thời Khai sáng. Nơi mà một vị vua Khai sáng đã thực hiện một chương trình đặc biệt về không gian công cộng và các tòa nhà, minh họa rằng ông đã tiếp thu được nhu cầu của người dân.
Sơ đồ vị trí và phạm vi Di sản Quảng trường Stanislas, Carriere và Alliance tại thành phố Nancy, Pháp
Quảng trường Stanislas
Quảng trường Stanislas (Place Stanislas) là một dự án lớn trong quy hoạch đô thị, được hình thành bởi Stanislaus I (Stanislas Leszczynski, Vua của Ba Lan, trị vì năm 1704 – 1709; Đại công tước Litva, trị vì năm 1737 – 1766; Cha vợ của Vua Pháp Louis XV) nhằm liên kết thị trấn cổ Nancy thời Trung cổ và đô thị mới xây dựng vào thế kỷ 17, dưới thời Charles III (Công tước của Lorraine, trị vì năm 1545 – 1608).
Quảng trường có kích thước 106m x 125m.
Quảng trường sử dụng cho các cuộc hội họp ngoài trời và lễ hội công cộng; từ năm 1958 – 1983 là nơi đỗ xe; ngày nay, dành riêng cho người đi bộ.
Quảng trường được hình thành bởi 7 tuyến phố:
Tuyến phố hay Đại lộ Here (Rue Here) tại phía bắc;
Tuyến phố Dominicains (Rue des Dominicains) và Prefet Claude Erignac (Rue du Prefet Claude Erignac) tại 2 góc phía nam;
Tuyến phố Sainte – Catherine (Rue Sainte – Catherine) và Lyautey (Rue Lyautey) tại phía đông;
Tuyến phố Stanislas (Rue Stanislas) và Gambetta (Rue Gambetta) tại phía tây.
Quảng trường còn là nơi kết nối hai tòa nhà đẹp đẽ hiện có: Tòa thị chính thành phố (Hôtel de Ville) và Tòa thị chính của Công quốc (Hôtel du Gouvernement). Hai tòa nhà nằm trên một quảng trường lớn, tạo nên một giá trị đặc sắc mà không có nơi nào so sánh được ở châu Âu thời bấy giờ.
Quảng trường và các tòa nhà xung quanh, được thiết kế bởi Emmanuel Héré de Corny (kiến trúc sư hoàng gia người Pháp, năm 1705–1763), tạo thành một ví dụ điển hình của Chủ nghĩa đô thị (Urbanism) thế kỷ 18.
Việc xây dựng Quảng trường bắt đầu vào năm 1752 - 1755.
Đài tưởng niệm Emmanuel Héré de Corny tại Đại lộ Here, thành phố Nancy, Pháp; Tượng dựng năm 1894, bởi Charles Joseph Jacquot (nhà điêu khắc Pháp, năm 1865- 1930).
Tổng mặt bằng và phối cảnh Quảng trường Stanislas, thành phố Nancy, Pháp
Sơ đồ vị trí các tòa nhà chính bao quanh Quảng trường Stanislas, thành phố Nancy, Pháp
Công trình xung quanh Quảng trường Stanislas
Quảng trường được bao quanh hay giới hạn bởi một quần thể kiến trúc.
Phía bắc của Quảng trường Stanislas là Khải hoàn môn (Arc de Triomphe).
Khải hoàn môn được xây dựng vào năm 1752 – 1755, bởi kiến trúc sư Emmanuel Héré de Corny và cộng sự, nhằm tôn tôn vinh vua Pháp Louis XV.
Khải hoàn môn có chiều cao khoảng 15m, rộng 60m. Đi qua Khải hoàn môn là Đai lộ Here.
Khải hoàn môn có 3 cổng: Cổng chính giữa cao; 2 cổng hai bên thấp. Mỗi cổng đều được giới hạn bởi 2 cột kiểu Corinth. Trên đỉnh Khải hoàn môn là hàng lan can, trang trí dạng các móc neo. Đỉnh trụ lan can đặt các tượng.
Hai bên Khải hoàn môn là khối phụ thấp, gồm hành lang với các cột vòm. Đỉnh của khối phụ cũng có các lan can.
Một mặt Khải hoàn môn biểu tượng cho Chiến tranh với các trang trí đầu mũi tên và áo giáp. Mặt kia Khải hoàn môn biểu tượng cho Hòa bình với các trang trí cành lúa mì và hạt bắp.
Trên đỉnh của Khải hoàn môn, tại mặt phía nam, có Kỷ niệm chương bằng chì mạ vàng của Vua Louis XV (ban đầu bằng đá cẩm thạch màu trắng, bị dỡ bỏ vào thời Cách mạng Pháp). Hai bên Kỷ niệm chương là tượng các vị thần La Mã, biểu tượng cho chiến tranh (thần Mars), sự khôn ngoan (nữ thần Minerva), sức mạnh (thần Hercules), hòa bình (nữ thần Pax), thịnh vượng (nữ thần Nông nghiệp Ceres …
Mặt phía nam Khải hoàn môn, gắn với Quảng trường Stanislas, thành phố Nancy, Pháp
Phia nam của Quảng trường Stanislas là Tòa thị chính thành phố Nancy (City Hall/ Hotel de Ville/ Palais de Stanislas). Đây là tòa nhà lớn nhất tại Quảng trường, dài 98m, chiếm toàn bộ phía nam Quảng trường. Công trình được xây dựng vào năm 1752–1755.
Công trình có hình thức kiến trúc định hình cho các tòa nhà khác xung quanh Quảng trường.
Công trình cao 3 tầng với 19 bước gian; Tầng 1 tạo thành phần bệ với các khối ốp giả đá và cửa sổ vòm; Tầng 2 và 3 được phân vị thành bước gian bởi trụ tường cao thông 2 tầng; Tầng 2 có cửa vòm lớn và lan can trang trí bằng sắt uốn theo kiểu Art Nouveau (phong cách quốc tế về nghệ thuật, kiến trúc, mỹ thuật ứng dụng – Phong cách Hiện đại); Tầng 3 có cửa vòm nhỏ. Trên mái là hàng lan can gạch với mỗi đỉnh trụ lan can đều đặt tượng.
Mặt chính của tòa nhà được nhấn mạnh ở 3 gian chính giữa nhô ra, giới hạn bởi 3 trụ tường mỗi bên; lan can mái được thay thế bằng mảng tường tam giác với phù điêu và đồng hồ trang trí. Gian giáp đầu hồi cũng nhấn mạnh tương tự như 3 gian chính giữa, song không có mảng tường tam giác trang trí.
Tòa thị chính tại Quảng trường Stanislas, thành phố Nancy, Pháp; phía trước Tòa thị chính là
tượng đồng của Vua Stanislaus
Phía tây của Quảng trường Stanislas là Bảo tàng Mỹ thuật Nancy và Dinh thự Jacquet.
Bảo tàng Mỹ thuật Nancy (Museum of Fine Arts of Nancy/ Musée des Beaux-Arts de Nancy) nằm đối diện với Nhà hát Opera. Công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư Emmanuel Héré de Corny và cộng sự vào giữa thế kỷ 18. Đây là một trong những bảo tàng lâu đời nhất ở Pháp.
Dinh thự Jacquet (Pavillon Jacquet) nằm đối diện với Grand Hotel. Ban đầu đây là tòa nhà thương mại kết hợp với căn hộ, nay chủ yếu là văn phòng.
Dinh thự Jacquet (bên trái ảnh) và Bảo tàng Mỹ thuật Nancy (bên phải ảnh), Quảng trường Stanislas, thành phố Nancy, Pháp
Phia đông của Quảng trường Stanislas là tòa nhà Grand Hotel và Nhà hát Opera Quốc gia.
Tòa nhà Grand Hotel trước đây là một dinh thự tư nhân, nay trở thành khách sạn.
Nhà hát Opera Quốc gia (Opéra National de Lorraine) là danh hiệu được công nhận vào năm 2006. Công trình được xây dựng vào năm 1758, nằm phía sau Bảo tàng Mỹ thuật và bị hỏa hoạn vào năm 1906. Một Nhà hát Opera mới được xây dựng tại vị trí hiện tại bởi Joseph Hornecker (kiến trúc sư Pháp, năm 1873 – 1942) vào năm 1906 – 1919. Nhà hát có quy mô 1050 chỗ ngồi.
Tòa nhà Grand Hotel, Bảo tàng Mỹ thuật Nancy, Dinh thự Jacquet cũng như Nhà hát Opera đều có quy mô tương tự như nhau, cao 3 tầng với 7 bước gian; mặt tiền đều thống nhất theo hình thức của Tòa thị chính thành phố Nancy. Sự phân biệt các công trình chủ yếu dựa theo dòng chữ trên diềm mái.
Nhà hát Opera Quốc gia (bên trái ảnh) và tòa nhà Grand Hotel (bên phải ảnh), Quảng trường Stanislas, thành phố Nancy, Pháp
Trung tâm Quảng trường Stanislas
Quảng trường Stanislas được lát bằng đá màu vàng nhạt với các đường trang trí bằng đá màu sẫm.
Bốn góc, các mặt phía tây và đông Quảng trường có cổng và đèn lồng bằng sắt rèn mạ vàng, do Jean Lamour (thợ cơ khí người Pháp, năm 1698–1771) tạo ra. Ông cũng là người chế tạo lan can sắt cho ban công tòa Thị chính thành phố Nancy. Nhờ những cánh cổng này, mà Nancy được đặt biệt danh là "Thành phố Cổng Vàng” (Ville aux Portes d'Or).
Quảng trường Stanislas với các cổng sắt mạ vàng, thành phố Nancy, Pháp
Quảng trường có 2 đài phun nước với trang trí công phu, do Barthélémy Guibal (nhà điêu khắc người Pháp, năm 1699–1757) thiết kế:
Đài phun nước Neptune (Fountain of Neptune/Hải Vương) nằm tại góc tây bắc Quảng trường; gồm 1 đài phun nước chính (với tượng thần Neptune) và 2 đài phun nước nhỏ (với tượng trẻ em).
Đài phun nước Amphitrite (Fontaine d'Amphitrite/Nữ thần biển) nằm tại góc đông bắc Quảng trường.
Đài phun nước Neptune, Quảng trường Stanislas, thành phố Nancy, Pháp
Đài phun nước Amphitrite, Quảng trường Stanislas, thành phố Nancy, Pháp
Trung tâm của Quảng trường có bức tượng đồng của Vua Pháp Louis XV (trị vì năm 1715- 1774). Tượng bị loại bỏ vào thời Cách mạng Pháp (1789- 1799).
Năm 1831, một bức tượng đồng của Vua Stanislaus được đặt thay thế. Kể từ đó Quảng trường mang tên Stanislas và được coi là quảng trường Hoàng gia (Place Royale). Tượng do Georges Jacquot (nhà điêu khắc người Pháp, năm 1794- 1874) tạo ra, miêu tả Vua Stanislaus I đứng, khoác áo choàng, tay trái cầm kiếm và tay phải chỉ về phương bắc.
Tượng Vua Stanislaus trên Quảng trường Stanislas, thành phố Nancy, Pháp
.
Quảng trường Carriere
Quảng trường Carriere (Place de la Carrière) nằm tại phía bắc Quảng trường Stanislas, được hình thành vào thế kỷ thứ 16, trải qua nhiều tên gọi. Tên ngày nay của Quảng trường gắn liền với triết lý về “Sự nghiệp”.
Quảng trường có kích thước 290m x 50m, được thực hiện cùng với việc mở rộng thành phố Nancy. Đây là nơi các quý tộc xây dựng dinh thự của họ và là không gian thi đấu, trò chơi gắn với hoạt động cưỡi ngựa.
Tổng mặt bằng Quảng trường Carriere, thành phố Nancy, Pháp và vị trí một số công trình chính thuộc phạm vi Di sản.
Công trình xung quanh Quảng trường Carriere
Các công trình xung quanh Quảng trường Carriere, thuộc phạm vi Di sản gồm:
Khải hoàn môn (Arc de Triomphe, hình vẽ ký hiệu 2) là ranh giới phía nam Quảng trường Carriere và phía bắc của Quảng trường Stanislas (hình vẽ ký hiệu 13).
Mặt phía bắc Khải hoàn môn, gắn với Quảng trường Carriere, thành phố Nancy, Pháp
Tòa nhà Văn phòng Chính phủ (Palais du Gouvernement, hình vẽ ký hiệu 8) nằm tại phía bắc Quảng trường. Công trình cao 3 tầng với 15 bước gian.
Tầng 1 tạo thành phần bệ, có hành lang với hàng cột phía ngoài.
Tầng 2 và 3 được phân vị thành bước gian bởi trụ tường; Tầng 2 có cửa vòm lớn và lan can trang trí con tiện bằng gạch; Tầng 3 có cửa vòm nhỏ.
Trên mái là hàng lan can gạch, không có tượng trang trí trên trụ lan can.
Mặt chính của tòa nhà được nhấn mạnh ở 3 gian chính giữa, nhô ra cả tầng 1 và 2, giới hạn bởi cột đôi mỗi bên.
Gian giáp đầu hồi cũng được nhấn mạnh tương tự như 3 gian chính giữa, song chỉ có hàng cột tại tầng 1.
Dinh thự được bao quanh bởi một hành lang hình bán nguyệt. Hành lang trang trí các hàng cột và hốc tường với tượng các vị thần Hy Lạp – La Mã đặt bên trong.
Tòa nhà Văn phòng Chính phủ, Quảng trường Carriere, thành phố Nancy, Pháp
Tòa nhà Văn phòng Chính phủ với hành lang hình bán nguyệt tại hai bên, Quảng trường Carriere, thành phố Nancy, Pháp
Tòa nhà Hotel de Beauvan – Craon (hình vẽ ký hiệu 3, hiện là Tòa án phúc thẩm của thành phố Nancy), nằm tại phía tây nam Quảng trường Carriere. Công trình do Germain Boffrand (kiến trúc sư người Pháp, năm 1667- 1754) thiết kế. Tòa nhà gồm 2 khối. Khối chính giữa cao 3 tầng, 6 bước gian và có cấu trúc tương tự như tòa nhà Grand Hotel tại Quảng trường Stanislas. Khối phụ hai bên cao 2 tầng, 3 bước gian và có thêm tầng áp mái.
Tòa nhà Hotel de Beauvan – Craon cũng là hình mẫu để Emmanuel Héré (kiến trúc sư người Pháp, năm 1705- 1763) xây dựng tòa nhà đối diện Bourse des Marchands (hình vẽ ký hiệu 4, nằm tại phía đông nam Quảng trường Carriere).
Phối cảnh tòa nhà Hotel de Beauvan – Craon, Quảng trường Carriere, thành phố Nancy, Pháp
Phối cảnh tòa nhà Bourse des Marchands, Quảng trường Carriere, thành phố Nancy, Pháp; có hình thức tương tự tòa nhà Hotel de Beauvan – Craon
Phía tây bắc Quảng trường Carriere là tòa nhà Hotel Here (hình vẽ ký hiệu 7);
Phía đông bắc Quảng trường Carriere là tòa nhà Hotel de Morvillers (hình vẽ ký hiệu 6).
Cả hai dinh thự này đều do kiến trúc sư Emmanuel Héré thiết kế theo phong cách Cổ điển, thời Phục hưng và có hình dáng giống nhau.
Dinh thự cao 2 tầng, 5 bước gian. Tầng 1 có hàng cột kiểu Ionic nhô ra phía trước. Hàng cột này nối với hành lang hình bán nguyệt hai bên của tòa nhà Văn phòng Chính phủ.
Phối cảnh tòa nhà Hotel Her, Quảng trường Carriere, thành phố Nancy, Pháp
Phối cảnh tòa nhà Hotel de Morviller, Quảng trường Carriere, thành phố Nancy, Phá; có hình thức tương tự như tòa nhà Hotel Her
Trung tâm Quảng trường Carriere
Trung tâm của Quảng trường gồm:
Không gian trung tâm (Place de la Carriere, hình vẽ ký hiệu 1) kéo dài. Hai bên là dải cây xanh. Các góc Quảng trường bố trí các đài phun nước với trang trí tượng trẻ em.
Không gian phía trước tòa Văn phòng Chính phủ (Hemicycle, hình vẽ ký hiệu 5) dạng hình chữ nhật, rộng hơn so với dải không gian trung tâm (do không có hàng cây hai bên).
Quảng trường Carriere, thành phố Nancy, Pháp
Quảng trường Alliance
Quảng trường Alliance (Place d'Alliance) nằm tại phía đông của Quảng trường Stanislas, cách khoảng 150m.
Quảng trường có quy mô nhỏ hơn so với Quảng trường Stanislas và Quảng trường Carriere, kích thước 80m x 60m.
Tên của Quảng trường gắn liền với triết lý về “Liên minh”; kỷ niệm Hiệp ước Liên minh Pháp-Áo năm 1756 (Traité de Versailles - 1756).
Quảng trường có cùng phong cách đô thị thống nhất, hoành tráng và tập trung của Quảng trường Stanislas kề liền.
Sơ đồ mặt bằng Quảng trường Alliance, thành phố Nancy, Pháp
Tranh khắc Quảng trường Alliance, năm 1760
Công trình xung quanh Quảng trường Alliance
Xung quanh Quảng trường là các dinh thự cao 3 tầng, có hình thức kiến trúc giống nhau, tạo sự thống nhất.
Cũng tương tự như các tòa dinh thự bao quanh Quảng Stanislas và Quảng trường Carriere, Vua Stanislaus chỉ cung cấp kinh phí cho xây dựng mặt tiền. Kết cấu ngăn chia bên trong và nội thất là trách nhiệm của các chủ sở hữu, trong đó có chủ sở hữu đầu tiên là Emmanuel Héré (kiến trúc sư người Pháp, năm 1705- 1763) và Richard Mique (lãnh chúa, kiến trúc sư người Pháp, năm 1728 – 1794).
Các tòa nhà điển hình xung quanh Quảng trường Alliance, thành phố Nancy, Pháp
Trung tâm Quảng trường Alliance
Trung tâm của Quảng trường gồm đài phun nước và hàng cây trồng vào năm 1763.
Đài phun nước được Vua Stanislaus xây dựng để kỷ niệm ngày ký Hiệp ước. Công trình do Paul Louis Cyfflé (nhà điêu khắc người gốc Bỉ, năm 1724 – 1806) thiết kế, có mặt bằng hình lục giác. Giữa Đài phun nước là một khối đá lớn. Trên đó tạc tượng 3 ông già râu dài, biểu trưng cho 3 con sông của Tây Âu: Scheldt, Meuse và Rhine và nhóm tượng trang trí khác. Các tượng đá được trang trí thêm bằng kim loại (làm từ chiến lợi phẩm chiến tranh như áo giáp, vũ khí…). Trên đỉnh của khối tượng là một vị thần có cánh, thổi kèn.
Đài phun nước tại Quảng trường Alliance, thành phố Nancy, Pháp
Di sản Quảng trường Stanislas, Quảng trường Carriere và Quảng trường Alliance tại Nancy, vùng Grand Est, Pháp thể hiện vị thế của hoàng gia và kinh đô thời kỳ Khai sáng. Các quảng trường và tòa nhà công cộng tại đây là minh chứng về vai trò của không gian kiến trúc trong việc kết nối giữa ý chí của chính thể và nhu cầu của xã hội.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://whc.unesco.org/en/list/229/
https://en.wikipedia.org/wiki/France
https://fr.wikipedia.org/wiki/Nancy
https://en.wikipedia.org/wiki/Place_Stanislas
https://fr.wikipedia.org/wiki/Place_Stanislas
https://en.wikipedia.org/wiki/Arc_H%C3%A9r%C3%A9
https://en.wikipedia.org/wiki/Op%C3%A9ra_national_de_Lorraine
https://en.wikipedia.org/wiki/Museum_of_Fine_Arts_of_Nancy
https://fr.wikipedia.org/wiki/Place_de_la_Carri%C3%A8re
https://fr.wikipedia.org/wiki/Place_d%27Alliance
https://de.wikipedia.org/wiki/Place_d%E2%80%99Alliance
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|