Thông tin chung:
Công trình: Trung tâm Lịch sử Vilnius (Vilnius Historic Centre)
Địa điểm: Vilnius, Lithuania (N54 41 12.012 E25 17 35.016)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 352,09 ha; Diện tích vùng đệm 1912,24 ha
Năm hình thành: Thế kỷ 10
Giá trị: Di sản thế giới (1994; hạng mục ii, iv)
Litva (Lithuania) là một quốc gia thuộc khu vực Bắc Âu, giáp với Latvia về phía Bắc, giáp với Belarus về phía Đông Nam, giáp với Ba Lan, Nga về phía Tây Nam và giáp với biển Baltic về phía Tây. Địa hình của Litva khá bằng phẳng và thấp, không có điểm nào có độ cao vượt quá 300 mét. Khí hậu tương đối ôn hòa.
Litva có diện tích rộng 65.303 km² ; dân số khoảng 2,9 triệu người (2015); thủ đô là thành phố Vilnius; ngôn ngữ chính là Litva và Latvia.
Litva là một quốc gia có lịch sử lâu đời tại châu Âu, chính thức xuất hiện trong lịch sử từ năm 1009.
Vương quốc Litva được thành lập vào năm 1235. Vào thế kỷ 14, Đại công quốc Litva được thành lập trên diện tích ngày nay là Litva, Belarus, Ukraine, một phần của Ba Lan và Nga. Trong khoảng thời gian 1569–1795, Litva cùng với Ba Lan thành lập một quốc gia với tên gọi Liên bang Ba Lan – Litva. Khi Liên bang tan rã, Litva trở thành một phần của Đế chế Nga cho đến năm 1918, khi nước này tuyên bố thành lập nền cộng hòa. Sau thế chiến thứ 2, Litva đã trở thành một phần của Liên Xô. Năm 1991, trở thành quốc gia độc lập.
Bản đồ Litva (Lithuania) và vị trí thủ đô Vilnius
Vilnius là thủ đô và là thành phố lớn nhất của Litva, có diện tích 401km², với quy mô dân số khoảng 540 ngàn người (2015). Thành phố nằm tại phía Đông Nam của Litva.
Trung tâm Lịch sử Vilnius là khu vực có diện tích khoảng 352,09 ha, nằm tại phía Nam của sông Neris (Neris River), nằm hai bên của nhánh sông Vilnia (Vilnia River), bao gồm 74 khu phố với 70 đường phố và 1478 ngôi nhà.
Vào năm 1000 sau Công nguyên, một lâu đài bằng gỗ được xây dựng tại ngọn đồi Gedimino, nơi hợp lưu của sông Neris và nhánh sông Vilnia.
Vào đầu thế kỷ 14, khi Công quốc Litva được thành lập, nơi đây bắt đầu xây dựng các công trình kiến trúc bằng gạch đá. Đến thế kỷ 15, khi Vilnius trở thành thủ đô của Đại công quốc, tại đây đã mở rộng với 3 lâu đài (Upper, Lower and Curved) và khu vực xung quanh. Các khu vực này được bao quanh bằng các bức tường thành, bên trong là các tuyến phố nhỏ với các ô phố không đều nhau. Về sau này mới xuất hiện các tuyến phố rộng với các ô phố vuông vắn quy mô lớn. Theo thời gian, trong thành phố Vilnius xuất hiện các công trình kiến trúc của các phong cách Gothic, Renaissance (Phục Hưng), Baroque và Classical (Cổ Điển) với hình thức khác biệt cả bên ngoài cũng như bên trong nhà.
Trung tâm Lịch sử Vilnius là một khu phố cổ được đặc trưng bởi mạng lưới đường phố, quảng trường, các ô phố và công trình kiến trúc, là một khu đô thị đa dạng, song vẫn thể hiện sự hài hòa mang tính tổng thể. Các yếu tố tự nhiên cũng góp phần hình thành môi trường cảnh quan đặc trưng riêng của khu phố cổ, được duy trì đến tận ngày nay.
Người Litva cùng với ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa của các dân tộc khác trong Đại công quốc Litva đã tạo cho thành phố Vilnius trở thành một địa điểm đa văn hóa xuất sắc, trong đó các ảnh hưởng của phương Tây và phương Đông được hợp nhất. Tại đây hình thành các cộng đồng tôn giáo, gồm Cơ đốc giáo (chiếm ưu thế từ thời Trung cổ) và đạo Do Thái, với rất nhiều nhà thờ, ví dụ như St Michael, St Stephen, St Casimir, All Saints, và St Theresa.
Trong quá trình phát triển (tái thiết các công trình bị phá hủy do nhiều nguyên nhân và xây dựng các công trình cho nhu cầu mới), đã xuất hiện trong khu vực nhiều tòa nhà, từ nhà thờ đến công trình thị chính, kho vũ khí, cung điện. Tên của khu vực – Vilnius đã trở thành biểu tượng của việc thúc đẩy các hoạt động xã hội, kinh tế và văn hóa trong toàn bộ cộng đồng và mở rộng ra toàn bộ khu vực phía Đông của châu Âu.
Trung tâm Lịch sử Vilnius, Lithuania được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1994) với tiêu chí:
Tiêu chí (ii): Vilnius là một ví dụ nổi bật của một khu vực từ thời Trung cổ, thể hiện sự giao lưu và ảnh hưởng sâu sắc đến phát triển kiến trúc và văn hóa trong một khu vực rộng lớn của Đông Âu trong nhiều thế kỷ.
Tiêu chí (iv): Với cảnh quan và sự đa dạng phong phú của các tòa nhà được bảo tồn trong đó, Vilnius là một minh họa đặc biệt của một thành phố trung tâm châu Âu đã tiến hóa một cách hữu cơ trong khoảng thời gian năm thế kỷ.
Di sản Trung tâm lịch sử Vilnius, vùng đệm và các khu đô thị được bảo tồn
Bản đồ Khu vực Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Toàn cảnh Khu vực Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Một tuyến phố tại Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Di sản Trung tâm Lịch sử Vilnius là nơi tập trung nhiều di tích nhất trong thành phố thủ đô Vilnius. Trong đó, một trong số công trình chính gồm:
Cung điện, lâu đài, dinh thự
Dinh Tổng thống
Dinh Tổng thống (Presidential Palace) nằm tại phía Đông Bắc của khu vực Di sản, được xây dựng từ thế kỷ 14, cải tạo lại năm 1834 theo phong cách kiến trúc Đế chế (Empire) và Tân Cổ Điển (Neoclassicism). Vào thế kỷ 16, công trình được sử dụng là nơi cư trú của các giám mục Vilnius. Thế kỷ 18, khi Litva bị phụ thuộc, công trình là nơi ở cho Thống đốc Nga. Năm 1997, tòa nhà đã được cải tạo, nay trở thành Dinh Tổng thống Litva.
Dinh Tổng thống (mặt trước), Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Dinh Tổng thống (mặt sau, phía sân trong), Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Cung điện Slushko
Cung điện Slushko (Slushko Palace) nằm tại bờ trái sông Neris, được xây dựng vào năm 1690- 1700. Năm 1756 cung điện trở thành trường đại học và nhà in; Năm 1766 được xây dựng lại; Dưới thời Nga hoàng, năm 1794, công trình trở thành nhà chung cư, nơi đặt nhà máy bia vào năm 1803- 1831, từ năm 1872 trở thành nhà tù quân sự. Ngày nay, công trình trở thành Học viện Âm nhạc và Nhà hát Lithuania (Lithuanian Academy of Music and Theatre) và đang tiến hành phục hồi theo phong cách kiến trúc ban đầu (sự kết hợp giữa kiến trúc Cổ điển và được bổ sung các chi tiết kiến trúc theo phong cách Baroque).
Một góc kiến trúc cung điện Slushko còn sót lại, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Cung điện Radziwiłł
Cung điện Radziwiłł (Radziwiłł Palace) là một cung điện theo Phong cách kiến trúc Phục Hưng. Ban đầu công trình là một dinh thự bằng gỗ xây dựng vào thế kỷ 16. Tòa nhà hiện tại được xây dựng vào thế kỷ 17, sau đó bị quên lãng và bị tàn phá trong chiến tranh Thế giới thứ nhất, chỉ còn phần phía Bắc của cung điện. Công trình được phục hồi vào năm 1980, một phần trong cung điện được sử dụng làm Bảo tàng.Nghệ thuật.
Một góc kiến trúc cung điện Radziwiłł còn sót lại, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Cung điện Tyzenhaus
Cung điện Tyzenhaus (Tyzenhaus Palace) là một dinh thự xây dựng trên nền một cung điện cũ vào năm 1765 theo phong cách kiến trúc Gothic (International Gothic). Năm 1789, cung điện được xây dựng lại với quy mô 30 phòng lớn và 16 phòng nhỏ, trở thành một trong những dinh thự quý tộc lớn nhất tại Lithuania. Năm 1807, công trình được tân trang lại, nội thất được hiện đại hóa. Vào thế kỷ 19, được cải tạo thành cửa hàng và nhà ở. Thế kỷ 20, công trình bị hư hại do chiến tranh và được xây dựng lại vào năm 1945. Nhà có mặt bằng hình thang, giữa là sân trong, cao 3 tầng phía đường và 4 tầng phía trong sân.
Dinh thự Tyzenhaus, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Tổ hợp lâu đài Vilnius
Tổ hợp lâu đài Vilnius (Vilnius Castle Complex) là một nhóm các công trình văn hóa, lịch sử nằm bên bờ trái sông Neris, gần điểm giao của sông Vilnia, được bao quanh bởi sông và hệ thống mương. Các công trình trong tổ hợp lâu đài được xây dựng từ thế kỷ 10 đến 18, là một trong những công trình phòng thủ chính của Lithuania.
Tổ hợp công trình gồm 3 lâu đài: Upper, Lower và Crooked. Riêng lâu đài Crooked (Castle Crooked) bị đốt cháy vào năm 1390, sau đó không bao giờ được xây dựng lại. Hai lâu đài còn lại bị phá hủy và xây dựng lại nhiều lần. Hiện nay phần lớn chỉ còn tàn tích.
Sơ đồ tổ hợp lâu đài Vilnius, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Tổ hợp lâu đài Vilnius nhìn tù bờ sông, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Khu vực lâu đài Upper là nhóm công trình xây dựng trên một gò đồi cao 40m, dài 160m, gồm:
- Tháp phía Tây (Western tower) còn có tên là tháp Gediminas (Gediminas Tower - trong hình vẽ ký hiệu 1): tháp bằng gạch đầu tiên được hoàn thành vào năm 1409. Tháp cao 3 tầng được xây dựng lại vào năm 1930. Tháp hiện được coi là biểu tượng của thành phố Vilnius và của Lithuania;
- Tháp phía Nam (Southern Tower - 2): hiện chỉ còn tàn tích móng;
- Pháo đài (Castle Keep – 3): hiện chỉ còn tàn tích tường;
Tháp Gediminas, Tổ hợp lâu đài Vilnius, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Tàn tích còn lại của pháo đài, Tổ hợp lâu đài Vilnius, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Khu vực lâu đài Lower là nhóm công trình xây dựng dưới thấp, gồm:
- Cổng và cầu vào lâu đài tại hướng Nam (4);
- Cầu và đường vào lâu đài tại hướng Tây Bắc (5);
- Nhà thờ Vilnius (Vilnius Cathedral – 6): được xây dựng vào năm 1779 – 1783, theo phong cách Kiến trúc Tân cổ điển. Đây là địa điểm trên đó là một nhà thờ xây dựng vào năm 1251, được xây dựng lại vào năm 1387, sau đó bị hỏa hoạn vào năm 1419. Năm 1522, nhà thờ được cải tạo và bị hỏa hoạn vào năm 1530; được xây dựng lại vào năm 1534- 1557 với phong các Kiến trúc kiểu Phục hưng. Nhà thờ và tháp chuông đã được cải tạo triệt để từ năm 2006- 2008;
- Tòa án tối cao (Palace of Supreme Tribunal -7);
- Cung điện của các giám mục (Palace of bishops -8);
- Cung điện Hoàng gia (Royal Palace - 9): Cung điện Đại công quốc Litva (Palace of the Grand Dukes of Lithuania) được xây dựng vào thế kỷ 15 cho những người cai trị Đại công quốc Litva (và vua Ba Lan sau này). Lâu đài. Trong suốt 4 thế kỷ (15-17), cung điện là trung tâm chính trị, hành chính và văn hóa của Ba Lan-Litva. Công trình ban đầu bằng gỗ, sau được xây dựng bằng gạch đá theo phong cách kiến trúc Gothic, cao hai tầng và một tầng hầm. Cung điện được cải tạo lại theo phong cách Phục hưng vào thế kỷ 16 và được tân trang lại theo phong cách Baroque vào đầu thế kỷ 17. Lâu đài bị phá hủy hầu như hoàn toàn vào năm 1801 và được phục hồi lại vào năm 2002 – 2009. Năm 2013, cung điện chính thức mở cửa cho công chúng.
Phối cảnh tổng thế Cung điện Hoàng gia, Tổ hợp lâu đài Vilnius, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Mặt trước Cung điện Hoàng gia, Tổ hợp lâu đài Vilnius, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Ngai vàng trong Cung điện Hoàng gia, Tổ hợp lâu đài Vilnius, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Và một số công trình khác: Vườn của lâu đài (Palace Garden – 10); Bảo tàng vũ khí mới (New Arsenal – 11); Tháp Đông Bắc (Northeastern Tower) và Cổng vào Kho vũ khí cũ (Gates of the Old Arsenal -12); Sân của Kho vũ khí cũ (Yard của Old Arsenal – 13).
Bảo tàng vũ khí mới, Tổ hợp lâu đài Vilnius, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Kho vũ khí xưa, Tổ hợp lâu đài Vilnius, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Di tích tôn giáo
Nhà thờ St. Anne
Nhà thờ St. Anne (St. Anne's Church) nằm bên bờ phải sông Vilnia, được xây dựng bằng gạch, đá vào năm 1500, theo phong cách kiến trúc Gothic. Công trình nhà thờ đầu tiên được xây dựng bằng gỗ, sau đó bị hỏa hoạn. Năm 1747-1762, công trình được cải tạo lại, được trùng tu vào năm 1902 -1909. Công trình được phục hồi hoàn toàn vào năm 2009 sau một thời gian dài đầy biến động của lịch sử. Nhà thờ có mặt bằng dạng 3 nhịp, sử dụng đến 33 loại gạch đất sét được sơn màu đỏ. Nội thất được trang trí theo phong cách Baroque.
Nhà thờ St. Anne, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Bên trong Nhà thờ St. Anne, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Nhà thờ Vilnius tại Quảng trường Nhà thờ
Nhà thờ Vilnius tại Quảng trường Nhà thờ (Vilnius Cathedral in Cathedral Square) nằm tại khu vực lâu đài Lower. Nhà thờ Công giáo La Mã này trung tâm Công giáo tại Litva, được xây dựng vào thế kỷ 13-14, bằng gỗ, sau đó được xây dựng lại bằng đá theo phong cách kiến trúc Gothic vào thế kỷ 15 cho Hoàng gia của Đại công quốc Litva và Hoàng gia Ba Lan những năm sau này.
Nhà thờ Vilnius gắn liền với quảng trường nhà thờ (Cathedral Square), là vị trí quan trọng trong đời sồng công cộng của thành phố. Đây là nơi diễn ra các hội chợ, triển lãm, nơi tụ họp của người dân, diễu hành, nơi tổ chức các sự kiện tôn giáo, hòa nhạc và các sự kiện công cộng chính đón năm mới, là một trong những biểu tượng của Lithuania.
Nhà thờ Vilnius và Quảng trường Nhà thờ, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Bên trong Nhà thờ Vilnius, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Nhà thờ St. Nicholas
Nhà thờ St. Nicholas (St. Nicholas Church) là nhà thờ lâu đời nhất còn tồn tại ở Litva, được xây dựng vào năm 1387, theo phong cách kiến trúc Gothic. Công trình được trùng tu nhiều lần. Tháp chuông được xây dựng vào thế kỷ 17 theo phong cách Baroque.
Nhà thờ St. Nicholas, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Bên trong Nhà thờ St. Nicholas, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Nhà thờ All Saints
Nhà thờ All Saints (All Saints Church) được xây dựng vào những năm 1620 -1630 theo phong cách Baroque. Vào nửa sau thế kỷ 17, nhà thờ được bổ sung thêm chức năng là tu viện.
Nhà thờ All Saints, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Bên trong Nhà thờ All Saints, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Nhà thờ Theotokos
Nhà thờ Theotokos (Cathedral of the Theotokos) được xây dựng vào năm 1346, là một trong những nhà thờ cổ xưa nhất tại Litva. Năm 1609 nhà thờ được xây dựng lại. Năm 1784, nhà thờ bị bỏ hoang sau một đám cháy lớn. Công trình được xây dựng lại theo phong cách Baroque vào năm 1785, sau đó lại bị phá hủy. Năm 1808, nhà thờ cải tạo thành một cơ sở đào tạo đại học với phong cách kiến trúc Tân cổ điển. Vào năm 1865 – 1868, nhà thờ được cải tạo lại theo phong cách kiến trúc Gruzia. Nhà thờ bị hư hại trong Chiến tranh thế giới thứ hai, sau đó được phục hồi vào năm 1957. Ngày nay, nhà thờ thuộc Giáo Hội Chính Thống Nga.
Nhà thờ Theotokos, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Một bức bình phong bên trong Nhà thờ Theotokos, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Cổng Bình minh
Cổng Bình minh (Gate of Dawn) là một trong 9 cổng thành còn sót lại của Vilnius, một trong những di tích tôn giáo, lịch sử và văn hóa quan trọng nhất trong khu vực. Cổng được xây dựng vào năm 1503 và 1522, là một phần của hệ thống công sự phòng thủ của thành phố, là một trong chín cổng thành chính còn sót lại, các cổng khác đã bị phá hủy vào cuối thế kỷ 18. Tại đây có một nhà nguyện (Chapel), trong đó có chứa biểu tượng của Đức Mẹ Maria, cũng là một trong những biểu tượng chính của thành phố đối với cả Công giáo La Mã và Chính thống giáo.
Xưa kia cổng gắn liền với bức tường thành.
Cổng Bình Minh, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Biểu tượng của Đức Mẹ Maria tại nhà nguyện tại khu vực Cổng Bình Minh, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Tàn tích các bức tường thành còn sót lại, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Ba cây thánh giá
Ba cây thánh giá (Three Crosses) là một di tích nổi bật nằm trên đồi Three Crosses, được xây dựng trong những năm đầu thế kỷ 17. Ban đầu thánh giá làm bằng gỗ. Năm 1916, được làm bằng bê tông, sau đó bị phá hủy vào năm 1950. Năm 1989, công trình được phục dựng lại với cây thánh giá cao 1,8m.
Biểu tượng Ba cây thánh giá, trên đồi Three Crosses, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Một số công trình quan trọng khác
Nhà của Signatories
Nhà của Signatories (House of the Signatories) là một địa danh lịch sử, nơi vào ngày 16/2/1918, Đạo luật Độc lập của Lithuania đã được ký bởi 20 thành viên của Hội đồng Lithuania. Công trình được xây dựng vào năm 1645. Sau hỏa hoạn lớn vào thế kỷ 18, công trình được cải tạo, nâng tầng. Vào cuối thế kỷ 19, tòa nhà được cải tạo theo phong cách kiến trúc Tân cổ điển. Ngày nay công trình trở thành chi nhánh của Bảo tàng Quốc gia Lithuania.
Ngôi nhà lịch sử - nơi ký văn kiện Độc lập của Litva, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Bảo tàng Quốc gia Lithuania
Bảo tàng Quốc gia Lithuania (National Museum of Lithuania) được thành lập vào năm 1952, bắt nguồn từ Bảo tàng cổ vật, tập trung vào nền văn hóa và lịch sử của Đại công quốc Litva. Năm 1992, khi Litva độc lập, nơi đây trở thành Bảo tàng Quốc gia của Lithuania. Bảo tàng có 5 ngành chính: Lịch sử; Lịch sử hiện đại; Khảo cổ học; Dân tộc học; Tranh với tổng cộng 800 ngàn hiện vật. Các bộ sưu tập này phân bố trong nhiều công trình trong khu vực Di sản:
- Bảo tàng vũ khí mới (New Arsenal) và cũ (Old Arsenal); Tháp Gediminas (Gediminas Tower) tại Tổ hợp lâu đài Vilnius (Vilnius Castle Complex);
- Nhà của Signatories...
- Pháo đài Bastion tại bức tường phòng thủ Vilnius (Bastion of Vilnius Defensive Wall);
Pháo đài Bastion - Bảo tàng Quốc gia, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Nhà hát Kịch Quốc gia Litva
Nhà hát Kịch Quốc gia Litva (Lithuania National Drama Theatre) được thành lập vào năm 1940, là một trong những địa điểm nổi bật nhất tại Litva, nơi tài trợ nghệ thuật biểu diễn và tổ chức văn hóa. Nhà hát gồm khối biểu diễn với sức chứa 660 chỗ, phòng họp 171 chỗ, các phòng cho sản xuất, diễn tập thử nghiệm…
Bên ngoài Nhà hát kịch Quốc gia Litva, Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Hầm ngầm Vilnius
Hầm ngầm Vilnius (Vilnius Dungeons) là không gian ngầm với nhiều phòng và hầm mộ, trong đó có khoảng 600 xác ướp của những người giàu có.
Bên trong một không gian hầm (ngày nay được sử dụng một phần cho du lịch), Trung tâm lịch sử Vilnius, Lithuania
Trung tâm Lịch sử Vilnius, Litva ngày nay tiếp tục là nơi lưu giữ các di sản thể hiện quá trình phát triển liên tục truyền thống nghệ thuật, các sự kiện lịch sử chính trị, kinh tế và văn hóa qua nhiều thế kỷ của thành phố Vilnius và quốc gia Litva.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/541
https://en.wikipedia.org/wiki/Lithuania
https://en.wikipedia.org/wiki/Vilnius
https://en.wikipedia.org/wiki/Vilnius_Old_Town
https://en.wikipedia.org/wiki/Presidential_Palace,_Vilnius
https://en.wikipedia.org/wiki/Slushko_Palace
https://en.wikipedia.org/wiki/Radziwi%C5%82%C5%82_Palace,_Vilnius
https://en.wikipedia.org/wiki/Tyzenhaus_Palace
https://en.wikipedia.org/wiki/Vilnius_Castle_Complex
https://en.wikipedia.org/wiki/Palace_of_the_Grand_Dukes_of_Lithuania
https://en.wikipedia.org/wiki/Church_of_St._Anne,_Vilnius
https://en.wikipedia.org/wiki/Vilnius_Cathedral
https://en.wikipedia.org/wiki/Church_of_St._Nicholas,_Vilnius
https://en.wikipedia.org/wiki/Church_of_All_Saints,_Vilnius
https://en.wikipedia.org/wiki/Cathedral_of_the_Theotokos,_Vilnius
https://en.wikipedia.org/wiki/Gate_of_Dawn
https://en.wikipedia.org/wiki/Three_Crosses
https://en.wikipedia.org/wiki/House_of_the_Signatories
https://en.wikipedia.org/wiki/Lithuanian_National_Drama_Theatre
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|