Tuần 18 - Ngày 05/12/2024
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Quần thể đền thờ tại Baalbek, Lebanon |
30/01/2017 |
Thông tin chung:
Công trình: Quần thể đền thờ tại Baalbek (Baalbek, Libanon)
Địa điểm: tỉnh Baalbek-Hermel, Lebanon (N34 0 25.452 E36 12 17.784)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô:
Năm thực hiện:
Giá trị: Di sản thế giới (1984; hạng mục i; iv)
Lebanon là một quốc gia ở Trung Đông, giáp Syria ở phía Bắc và phía Đông; giáp Israel về phía Nam và giáp bờ biển Địa Trung Hải (Mediterranean Sea) về phía Tây.
Lebanon có diện tích 10.452 km2, dân số 5,4 triệu người (năm 2017); Thủ đô và thành phố lớn nhất là Beirut; Ngôn ngữ chính thức là tiếng Ả Rập; Tôn giáo chính là Hồi giáo (54%) và Thiên Chúa giáo (40,5%).
Lebanon được chia thành 8 tỉnh, 26 quận, huyện.
Bằng chứng sớm nhất về nền văn minh ở Lebanon có niên đại hơn bảy nghìn năm trước đây.
Lebanon là quê hương của người Phoenicia, một nền văn hóa hàng hải phát triển mạnh mẽ trong gần hai nghìn năm (khoảng 2500–333 TCN).
Lebanon là một phần của vùng Levant (một vùng rộng lớn ở Đông Địa Trung Hải khu vực Tây Á) dưới sự thống trị của các đế chế thành công trong suốt lịch sử Cổ đại, bao gồm người Ai Cập (Egyptian, 1550TCN – 1077 TCN); người Hittite (1600–1178 TCN); người Assyria (883–605 TCN); người Babylon (605–538 TCN); người Ba Tư (Persian, 538–332 TCN); người Hy Lạp (Hellenistic, 332–64 TCN); người La Mã (Roman, 64 TCN – 646 sau Công nguyên); Sasanid Ba Tư (602–628). Lebanon trở thành một trong những trung tâm hàng đầu của Cơ đốc giáo.
Vào thời Trung Cổ, Lebanon thuộc sự cai trị của người Ả Rập Hồi giáo (Arab, 636–1099); người Tripoli tại phía Bắc và vương quốc Jerusalem tại phía Nam (1099–1291); vương quốc Hồi giáo Mamluk (Mamluk Sultanate Cairo, 1291–1515).
Vào thế kỷ 16, Lebanon rơi vào sự thống trị của Đế quốc Ottoman (Ottoman Empire, 1299–1922), kéo dài 400 năm. Với sự tan rã của Đế chế Ottoman, Lebanon rơi vào sự đô hộ của người Pháp vào năm 1920.
Năm 1943, Lebanon dành được độc lập.
Bản đồ Lebanon và vị trí thành phố Baalbek
Lebanon là một quốc gia nhỏ tại Trung Đông, song lại chứa một phạm vi đa dạng các di tích Hy Lạp - La Mã cổ đại, trong đó địa điểm hàng đầu như một bảo tàng tập trung các di tích là thành phố Baalbek, tỉnh Baalbek-Hermel, Lebanon.
Thành phố Baalbek nằm tại đồng bằng thung lũng Bekaa của Lebanon với dân số khoảng 80 ngàn người.
Thung lũng Bekaa trải dài theo hướng Bắc – Nam, nằm cách 30km về phía Đông thủ đô Beirut, dài 175km, rộng 25km, cao độ trung bình 900m, là khu vực nông nghiệp quan trọng nhất của Lebanon.
Xưa kia thành phố Baalbek có tên là Heliopolis (tiếng Hy Lạp - "Thành phố Mặt trời"; Đây cũng là tên được đặt cho một thành phố tại Ai Cập cổ đại, nằm tại Đông Bắc thành phố Cairo ngày nay).
Thành phố đạt đến cực thịnh trong thời La Mã (Roman, 64 TCN – 646 sau Công nguyên). Các công trình đền đài khổng lồ được xây dựng tại đây đã làm cho thành phố trở thành một trong những thánh địa lớn nhất của Đế chế La Mã và là hình mẫu của kiến trúc La Mã.
Những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến đây để chiêm bái đền thờ 3 vị thần chính của nền văn minh Phoenician (Romanized Triad): Jupiter, Venus và Mercury.
Quần thể đền thờ tại Baalbek nằm ở chân dốc phía Tây Nam của dãy Anti-Lebanon, giáp với đồng bằng màu mỡ của Bekaa ở độ cao 1150 m.
Quần thể đền thờ tại Baalbek với các di tích của thời kỳ Hy Lạp – La Mã được đánh giá còn quan trọng hơn các di tích cổ xưa của nền văn minh hàng hải Phoenician tại nơi đây (khoảng 1550–333 TCN) và đã trở thành một trong những khu bảo tồn nổi tiếng nhất của thế giới cổ đại.
Quần thể đền thờ tại Baalbek được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa (năm 1984) với tiêu chí:
Tiêu chí (i) : Địa điểm khảo cổ Baalbek là đại diện cho một quần thể tôn giáo có giá trị nghệ thuật xuất sắc, thể hiện sự hoành tráng, hùng vĩ với các tác phẩm bằng đá chi tiết tinh xảo. Quần thể không chỉ là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người trong nghệ thuật mà còn phản ánh sự kết nối và hợp nhất giữa nền văn minh Phoenician trước đây với nền văn minh Hy Lạp – La Mã tiếp sau.
Tiêu chí (iv) : Quần thể đền thờ tại Baalbek là một ví dụ nổi bật của một quần thể đền đài La Mã (Acropolis – dạng một tòa thành kiên cố được xây dựng trên một đỉnh núi cao, chi phối toàn bộ khu vực xung quanh) vào thời kỳ đỉnh cao, thể hiện sức mạnh và sự giàu có của Đế chế La Mã. Đây là nơi có những ngôi đền La Mã lớn nhất từng được xây dựng và vẫn được bảo quản tốt đến tận ngày nay. Quần thể đền đài (Acropolis) tại Baalbek còn là một minh chứng nổi bật về sự hòa nhập giữa kiến trúc La Mã với kiến trúc truyền thống của địa phương.
Phối cảnh thung lũng đồng bằng Bekaa, Lebanon
Các công trình quan trọng tại Di sản Quần thể đền thờ tại Baalbek, Lebanon :
- Quần thể đền chính thờ Jupiter, Bacchus, Venus và Muses;
- Các hạng mục khác nằm bên ngoài Quần thể đền chính, bao gồm đền thờ Mercury và Odeon; Toàn bộ thị trấn cổ Baalbek bên trong các bức tường Ả Rập, nằm giữa Boustan el Khan và mỏ đá La Mã (Hajjar el Hubla); Các công trình La Mã và các nhà thờ Hồi giáo …
Quần thể đền thờ Jupiter, Bacchus, Venus và Muses
Quần thể (Acropolis) 4 đền thờ Jupiter, Bacchus, Venus và Muses là khu vực quan trọng nhất của Di sản, nằm trên một ngọn núi, có thể nhìn thấy từ mọi hướng.
Quần thể đền quay về hướng Đông, dài 340m với diện tích khoảng 27000m2, trong đó có khoảng 10000 m2 là sân và bậc thang.
Quần thể được bao quanh bởi bức tường thành cổ và các tháp canh, ngoài thành còn có hệ thống các công sự phức tạp để tăng cường khả năng phòng thủ.
Sơ đồ mặt bằng Quần thể đền Baalbek : 1: Temple of Venus;2: Temple of Muses; 3: Propylaea (entrance); 4: Hexagonal Court (North); 5: Hexagonal Court (South); 6: Hexagonal Court (West); 7: Altars and Statues; 8: Large Court (North); 9: Large Court (South); 10: Exedra (side rooms); 11: Basins; 12: Temple of Jupiter entrance; 13: Temple of Jupiter columns; 14: Temple of Bacchus; 15: Temple of Bacchus entrance; 16: Temple of Bacchus: Interior; 17: Remnants of Arab Construction
Phối cảnh Quần thể đền Baalbek (thời hoàng kim)
Phối cảnh tàn tích Quần thể đền Baalbek, Lebanon
Cụm đền Venus và đền Muses
Cụm 2 đền nằm tại phía Đông Nam của Acropolis Baalbek, chung nhau một sân rộng khoảng 10000 m2.
Đền Venus (Temple of Venus – ký hiệu 1 trên hình vẽ) thờ thần Vệ Nữ tượng trưng cho cái đẹp, tình yêu..; tên của vị thần được đặt cho sao Kim), được xây dựng vào thế kỷ 1 sau Công nguyên. Đền có diện tích khoảng 520m2. Đây là ngôi đền duy nhất trong Quần thể có mặt trước quay về hướng Tây Bắc (các đền khác đều quay về hướng Đông).
Đền Muses (Temple of Muses – ký hiệu 2) thờ 9 nữ thần Muses, tượng trưng: Âm nhạc, khoa học, triết học, toán học, địa lý, kịch và hội họa…). Đền có quy mô nhỏ nhất trong Quần thể với diện tích khoảng 340m2, được xây dựng vào thế kỷ 1 sau Công nguyên.
Cụm đền hiện chỉ còn lại tàn tích nền móng, cột và một phần mái của đền Venus.
Tàn tích cụm đền Venus và đền Muses, Di sản Quần thể đền thờ tại Baalbek, Lebanon
Sơ đồ mặt bằng và hình dáng đền Venus, Di sản Quần thể đền thờ tại Baalbek, Lebanon
Phối cảnh tàn tích đền Venus, Di sản Quần thể đền thờ tại Baalbek, Lebanon
Tàn tích đền Muses, Di sản Quần thể đền thờ tại Baalbek, Lebanon
Đền Jupiter
Đền Jupiter (trong hình vẽ ký hiệu 3- 13) nằm tại phía Tây của Quần thể.
Đền thờ thần Jupiter (là vua của các vị thần; vị thần của bầu trời và sấm sét. Người La Mã xem Jupiter tương đương như Zeus của thần thoại Hy Lạp cổ đại, tên của vị thần được đặt cho Sao Mộc).
Đền được xây dựng vào cuối thế kỷ 2 hoặc đầu thế kỷ 3 sau Công nguyên, bao gồm:
- Cổng vào đền Jupiter (Propylaea) đặt tại phía Đông của đền, gồm: Một bậc thang hoành tráng (Propylaea – Entrance) rộng 6,1m dẫn đến sân thượng và một hàng hiên dài 50m, rộng 12m với 12 cột đá, hai bên là hai tòa tháp; Công trình hình lục giác có một sân trong với 2 lối vào phụ tại các góc phía Bắc và Nam.
- Sân trung tâm phía trước đền Jupiter (Large Court): Sân được hình thành bởi các công trình (từ số 7- 11) có bố cục hình chữ U. Sân khá lớn, rộng 135m, dài 113m. Giữa sân có tàn tích của một bệ thờ và một bệ tượng (Altars and Statues) và 2 hồ nhỏ hình vuông (Basins). Bao quanh sân, hướng Đông, Bắc và Nam là hành lang lớn và các phòng nhỏ (Exedra). Phía còn lại là một bậc thang lớn dẫn lên đền Jupiter. Phía dưới các hành lang là các lối đi ngầm rộng 5,2m, cao 9,1m.
- Đền Jupiter (Temple of Jupiter): Đền có mặt bằng hình chữ nhật, bao quanh là các hàng cột. Đền xây dựng vào thế kỷ 1, hoàn thành vào cuối thế kỷ 2. Công trình rộng 47,7m, dài 87,75m; đặt trên bệ nền cao 7m. Lên đền bằng bậc thang rộng 6,5m. Công trình được bao quanh bởi các hàng cột cao 20m: 10 hàng cột phía trước, sau và 19 hàng dọc mỗi bên, tổng cộng 54 cột. Các cột trong Đền Jupiter (cũng như Đền Bacchus) làm bằng đá granit màu hồng từ Aswan ở Ai Cập, vận chuyển qua sông Nile và sau đó bằng đường biển.
Đền được trang trí bằng vô số các phù điêu và điêu khắc tinh tế và lộng lẫy. Đền bị động đất, bị cướp phá, hiện chỉ còn tàn tích nền móng, chí tiết trang trí và một hàng 6 cột cao lớn vươn lên trời.
Bậc đá lên cổng đền Jupiter, Di sản Quần thể đền thờ tại Baalbek, Lebanon
Bệ thờ lớn tại khu vực sân trước đền Jupiter, Di sản Quần thể đền thờ tại Baalbek, Lebanon
Bệ tượng đài (bệ nhỏ) tại sân trước đền Jupiter, Di sản Quần thể đền thờ tại Baalbek, Lebanon
Hàng lang và các phòng nhỏ phía Bắc của sân trong trước đền Jupiter, Di sản Quần thể đền thờ tại Baalbek, Lebanon
Hàng lang và các phòng nhỏ phía Nam của sân trong trước đền Jupiter, Di sản Quần thể đền thờ tại Baalbek, Lebanon
Tàn tích bể nước trong sân trước đền Jupiter, Di sản Quần thể đền thờ tại Baalbek, Lebanon
Thềm đá lên đền Jupiter, Di sản Quần thể đền thờ tại Baalbek, Lebanon
Đền Jupiter chỉ còn lại tàn tích móng và 6 cột
Người La Mã muốn xây dựng một quần thể đền trường tồn mãi với thời gian.
Đền được xây dựng bằng các khối đá lớn.
Cột có đường kính khoảng 2m, nặng 135 tấn, thường được phân thành: đoạn dưới nặng 62 tấn, đoạn giữa nặng 40 tấn, đoạn trên 33 tấn.
Các khối đá làm dầm gác lên cột nặng tới 66 tấn, khối góc nặng đến 110 tấn, đặt tại cao độ 19m so với mặt đất.
Móng của công trình, để đảm bảo sự ổn định và độ bền cao được đào sâu vào nền đá rắn tới độ sâu 17m.
Liên kết các kết cấu đá lớn không bằng vữa mà bằng các chốt đồng và chì.
Bệ móng của công trình được làm bằng các khối đá lớn, có thể nhìn thấy 24 khối đá móng nặng đến 450- 800 tấn. Đặc biệt, tại phía Tây của đền có 3 khối đá bệ móng khổng lồ, mỗi khối dài 19m x 4,3m x 3,6m nặng khoảng 1000 tấn.
Năm 1996, người ta đã tìm thấy một viên đá khổng lồ thứ 4 (được đặt tên Hadjar el Hibla) nặng khoảng 1100 tấn, dài 20,5m, rộng 4m ở gốc và 5 m ở đầu, cao 4,2m còn chưa sử dụng, nằm trong mỏ đá cách Đền khoảng 800m.
Vào năm 1990, người ta đã phát hiện ra viên đá khổng lồ thứ 5 với kich thước dài 20,5m, rộng 4,5m, cao 4,5m, nặng khoảng 1200 tấn. Năm 2014, người ta phát hiện thêm một viên đá nữa nặng khoảng 1650 tấn với kích thước dài 19,6m rộng 6m cao 5,5m, là viên đá lớn nhất được chạm khắc bởi bàn tay con người.
Các tảng đá khổng lồ làm bệ móng đền đền Jupiter, Di sản Quần thể đền thờ tại Baalbek, Lebanon
Viên đá khổng lồ thứ 4 (Hadjar el Hibla) nặng khoảng 1100 tấn
Viên đá khổng lồ thứ 5 nặng khoảng 1200 tấn
Viên đá mới phát hiện năm 2014, nặng khoảng 1650 tấn
Hiện vẫn còn nhiều câu hỏi chưa trả lời thỏa đáng là làm thế nào với phương tiện thời bấy giờ người ta có thể vận chuyển các khối đá lớn đến như vậy vào vị trí xây dựng. Đây được coi là một trong những bí ẩn lớn nhất của thế giới cổ đại. Không có truyền thuyết hay câu chuyện dân gian liên kết những người La Mã với những tảng đá khổng lồ; Không có nguồn văn học, hồ sơ nào nói về cách thức xây dựng. Cấu trúc xây dựng bằng các viên cự thạch tại đây không giống với bất cứ cấu trúc xây dựng của các ngôi đền La Mã nào cùng thời, mà có lẽ giống với cấu trúc xây dựng của các ngôi đền cổ tại Ollyantaytambo ở Peru, Tiahuanaco ở Bolivia gắn với các di sản kiến trúc xây dựng bằng đá không cần vữa của nền văn minh Tiwanaku có từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên.
Đền Bacchus
Đền Bacchus (trong hình vẽ ký hiệu 14,15,16) nằm tại phía Tây Nam của Quần thể.
Đền thờ thần Bacchus (còn có tên là thần Dionysus, là vị thần của mùa thu hoạch nho, rượu vang và rượu…) được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 2 đầu thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên.
Đền được coi là một trong di tích đền thờ La Mã vĩ đại được bảo tồn tốt nhất trên thế giới, có ảnh hưởng sâu rộng đối với Kiến trúc Tân cổ điển (là một phong cách kiến trúc được tạo ra bởi Phong trào Tân cổ điển bắt đầu vào giữa thế kỷ 18, khởi nguồn từ kiến trúc của Hy Lạp - La Mã cổ điển).
Đền có quy mô nhỏ hơn đền Jupiter, dài 66m, rộng 35m và cao 31m.
Đền bao gồm sân trước đến, bậc lên đền và đền.
Ngôi đền đặt trên một bệ cao 5,2m, có 1 hàng cột ngoài bao quanh 4 phía, mỗi đầu hồi 8 cột, dọc nhà mỗi bên 15 cột, tổng cộng 42 cột; và 8 hàng cột phía trong tại đầu hồi lối vào chính. Cột cao khoảng 20m, trang trí theo thức cột Corinthian (là một trong 3 thức cột của Kiến trúc cổ Hy Lạp - La Mã, gồm Doric, Ionic và Corinthian) với đặc trung bởi cột mảnh với các rãnh nhỏ, đầu cột được trang trí hình tượng từ lá cây.
Ngôi đền có rất nhiều trang trí rất tinh tế bằng phù điêu và điêu khắc, miêu tả các sự kiện gắn với các vị thần, hình tượng sư tử, bò đực…
Về phương diện kiến trúc, đền Bacchus được cho là có vẻ đẹp lạ thường và hoàn hảo nhất cả về hình thức, màu sắc và kết cấu; là một trong những ngôi đền được bảo tồn tốt nhất trong các ngôi đền Hy Lạp – La Mã dạng có cột bao quanh (Đền Hy Lạp – La Mã thường có mặt bằng hình chữ nhật, lối vào từ một phía đầu hồi với 3 dạng bố tri cột: i) Antae – có hàng cột tại đầu hồi lối vào, nằm gọn trong hai bức tường hồi; ii) Prostylos – hàng cột tại một phía hay hai phía đầu hồi; iii) Peripteral – cột bao quanh 4 phía).
Sơ đồ cấu trúc đền Bacchus, Di sản Quần thể đền thờ tại Baalbek, Lebanon
Bậc lên đền Bacchus, Di sản Quần thể đền thờ tại Baalbek, Lebanon
Đền Bacchus một trong di tích đền thờ La Mã vĩ đại được bảo tồn tốt nhất trên thế giới
Trang trí trong đền Bacchus, Di sản Quần thể đền thờ tại Baalbek, Lebanon
Bên trong đền Bacchus, Di sản Quần thể đền thờ tại Baalbek, Lebanon
Các hạng mục công trình khác trong khu vực Di sản
Ngoài khu vực tập trung các di tích tạo thành Quần thể đền chính Baalbek thờ Jupiter, Bacchus, Venus và Muses, các hạng mục công trình khác trong khu vực Di sản gồm:
- Đền Mercury (Temple of Mercury – Thần bảo trợ cho buôn bán, khoa học kỹ thuật, văn chương…được đặt tên cho sao Thủy) nằm trên ngọn đồi Sheikh Abdallah. Đền hiện chỉ còn tàn tích với các bậc đá dài 40m.
- Đền Odeon (Temple of Odeon) nằm tại phía Nam của Quần thể đền Baalbek, còn được gọi là Bustan al Khan ("Khu vườn của Khan"), được xây dựng vào thế kỷ thứ 2 sau Công nguyện. Ngôi đền hiện chỉ còn tàn tích với các hàng cột.
- Các bức tường thành, bao gồm 9 đoạn, mỗi đoạn dài 150-170m, dày khoảng 3m, cao 10m với các tháp phòng thủ đặt cách nhau khoảng 30m. 4 cổng chính ra vào tại phía Đông, Đông Nam, Tây Nam và Tây Bắc. Tàn tích của các con đường, hiện bị chôn vùi sâu đến 4 m.
- Công trình khác như: Các nhà thờ Hồi giáo (Great Mosque of Baalbek); Các công trình công cộng như phòng tắm công cộng, nhà hát..; Các ngôi mộ cổ; Các mỏ đá nằm tại phía Nam và Tây Nam của thị trấn Baalbek (với các tảng đá còn đang được đục đẽo).
Tàn tích bậc lên đền Mercury, Di sản Quần thể đền thờ tại Baalbek, Lebanon
Tàn tích đền Odeon (Bustan al Khan), Di sản Quần thể đền thờ tại Baalbek, Lebanon
Tàn tích một nhà thờ Hồi giáo (Great Mosque of Baalbek), Di sản Quần thể đền thờ tại Baalbek, Lebanon
Di sản Quần thể đền thờ tại Baalbek, Baalbek-Hermel, Libanon như một bảo tàng ngoài trời với các công trình kiến trúc khổng lồ, hoành tráng và đẹp như tranh vẽ, tạo thành một tổng thể kiến trúc ấn tượng nhất thời kỳ Đế chế La Mã; là một trong những khu vực linh thiêng và bí ẩn nhất của thời kỳ Cổ đại.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
http://whc.unesco.org/en/list/294
https://en.wikipedia.org/wiki/Lebanon
https://en.wikipedia.org/wiki/Baalbek
https://en.wikipedia.org/wiki/Temples_of_the_Beqaa_Valley
https://sacredsites.com/middle_east/lebanon/baalbek.html
http://www.bible.ca/archeology/bible-archeology-jerusalem-temple-mount-temple-of-jupiter-baalbek-lebanon-mouse-rollover.htm
http://www.lebanonhistory.net/the-romans
https://en.wikipedia.org/wiki/Temple_of_Jupiter_(Roman_Heliopolis)
https://en.wikipedia.org/wiki/Temple_of_Bacchus
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|
Cập nhật ( 16/08/2020 )
|
Tin mới đưa:- Samarkand – Ngã tư văn hóa, Uzbekistan
- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
Tin đã đưa:- Cảnh quan văn hóa thung lũng Orkhon, Mông Cổ
- Núi thiêng Sulamain-Too, Osh, Kyrgyzstan
- Thị trấn cảng lịch sử Levuka, Fiji
- Tòa tháp giáo đường và các di chỉ khảo cổ xung quanh tại Jam, Shahrak, Ghur, Afghanistan
- Các công trình kiến trúc của Le Corbusier, một đóng góp nổi bật cho trào lưu hiện đại
- Thị trấn lịch sử Shukhothai và các thị trấn lịch sử lân cận, Thái Lan
- Di chỉ khảo cổ Ban Chiang, Udon Thani, Thái Lan
- Cảnh quan văn hóa tại Bali, Indonesia: Hệ thống canh tác Subak, Bali, Indonesia
- Di sản khảo cổ tại Thung lũng Lenggong, Malaysia
- Khu khảo cổ người tiền sử Sangiran ở đảo Java, Indonesia
- Quần thể đền Prambanan, Indonesia
- Các nhà thờ kiểu Baroque tại Philippines
- Di sản Mỏ thủy ngân ở Almaden, Tây Ban Nha
- Thị trấn đồng hồ La Chaux-de-Fonds và Le Locle, Thụy Sĩ
- Vùng mỏ than Nord - Pas de Calais, Pháp
|