Thông tin chung:
Công trình: Thành phố Luxembourg: Phố cổ và Pháo đài (City of Luxembourg: its Old Quarters and Fortifications)
Địa điểm: Ville Haute, Luxembourg City (N49 36 36 E6 7 59,988)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 29,94 ha; Vùng đệm 108,73ha
Năm hình thành: Thế kỷ thứ 10
Giá trị: Di sản thế giới (1994; hạng mục iv)
Luxembourg là một quốc gia không có biển ở Tây Âu, giáp với Bỉ về phía tây và phía bắc, Đức về phía đông, và Pháp ở phía nam; diện tích 2586,4km2, dân số khoảng 576 ngàn người (2015).
Ngôn ngữ, con người đan xen với các nước láng giềng, làm cho Luxembourg là một hòa hợp của văn hóa Pháp và Đức.
Lịch sử của Luxembourg bắt đầu vào năm 963, khi Bá tước Siegfried (năm 922- 998, là bá tước của vùng đất Ardennes, nằm tại Bỉ, Luxembourg, Đức, Pháp và người đầu tiên cai trị Luxembourg) làm chủ được một khu đồi đá gắn với công sự từ thời La Mã, được gọi là Lucilinburhuc (“Lâu đài nhỏ") và khu vực xung quanh Tu viện Hoàng gia St. Maximin ở Trier (thuộc Đức) gần đó.
Con cháu của Siegfried gia tăng lãnh thổ của họ thông qua hôn nhân, chiến tranh và quan hệ chư hầu.
Vào cuối thế kỷ 13, các bá tước Luxembourg đã trị vì một vùng lãnh thổ rộng lớn.
Năm 1308, Henry VII (hoàng đế đầu tiên của vương triều Luxembourg, trị vì năm 1312 – 1313) trở thành vua của vương triều La Mã (King of the Romans) và sau đó là Hoàng đế La Mã Thần thánh (Holy Roman Emperor). Các gia tộc Luxembourg (House of Luxembourg) đã sản sinh ra bốn vị hoàng đế của các vương triều này trong thời Trung cổ. Năm 1354, Hoàng đế Charles IV (Hoàng đế La Mã Thần Thánh, trị vị năm 1346- 1378) nâng khu vực này lên thành Công quốc Luxembourg.
Trong thời kỳ đầu cận đại, Đế chế La Mã Thần thánh được chia thành các Vòng tròn Đế quốc (Imperial Circle/ Reichskreise) có mục đích chính là tổ chức cấu trúc phòng thủ chung và thu thuế. Công quốc Luxembourg trở thành một phần của Vòng tròn Burgundian (Burgundian Circle, tồn tại năm 1512- 1806) tại Vùng đất thấp (Low Countries), bao gồm các quốc gia Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và một phần của Pháp, Đức. Sau đó Luxembourg trở thành một trong mười bảy tỉnh của Liên minh Habsburg Hà Lan (Habsburg Netherlands, tồn tại năm 1482–1794, thực thể địa chính trị bao gồm các quốc gia Vùng đất thấp). Từ năm 1556, 17 tỉnh này nằm dưới sự quản lý của chi nhánh Tây Ban Nha thuộc Habsburg Hà Lan (Spanish Netherlands).
Qua nhiều thế kỷ, Luxembourg với tầm quan trọng chiến lược lớn nằm giữa Pháp và vùng lãnh thổ Habsburg dần được xây dựng để trở thành một trong những thành phố có uy tín nhất ở châu Âu.
Tiếp sau, Luxembourg thuộc quyền cai trị của nước Pháp thời Louis XIV (hoàng đế Pháp, trị vì năm 1643- 1715) và Maria Theresia (nữ hoàng triều đại Habsburg Áo, trị vì năm 1745 – 1765); trở thành một phần của Đệ nhất Cộng hòa và Đế chế Pháp dưới thời Napoléon (trị vì năm 1804 – 1815).
Nhà nước Luxembourg ngày nay lần đầu tiên xuất hiện tại Hội nghị Vienna (Congress of Vienna, năm 1814- 1815) năm 1815.
Đại Công quốc Luxembourg đã trở thành một quốc gia độc lập dưới quyền cai trị của William I (Vua Hà Lan và Đại Công tước Luxembourg, trị vì năm 1815 – 1840) với lực lượng đồn trú của quân đội Phổ (Kingdom of Prussia/Königreich Preussen) nhằm chống lại kẻ xâm lược từ Pháp.
Năm 1839, sau cuộc Cách mạng Bỉ (Belgian Revolution, mở đầu phong trào ly khai và việc thành lập Vương quốc Bỉ), khu vực nói tiếng Pháp của Luxembourg được nhượng lại cho Bỉ và phần lớn khu vực nói tiếng Luxembourg trở thành Công quốc Luxembourg ngày nay.

Bản đồ Luxembourg và vị trí thành phố Luxembourg
Thành phố Luxembourg (Luxembourg City) là thủ đô của Đại công quốc Luxembourg (Grand Duchy of Luxembourg) nằm tại trung tâm của đất nước, có diện tích khoảng 51,46km2, dân số khoảng 115 ngàn người (2016). Thành phố Luxembourg, cùng với Brussels và Strasbourg, là một trong ba thủ đô chính thức của Liên minh châu Âu và là nơi đặt Tòa án Công lý châu Âu, cơ quan tư pháp cao nhất trong EU.
Đại công quốc Luxembourg nổi tiếng với Trung tâm lịch sử của thành phố Luxembourg.
Trung tâm lịch sử Luxembourg nằm tại Ville Haute (Uewerstad/Oberstadt, là một trong 24 khu phố của thành phố), tại điểm hợp lưu của sông Alzette và Pétrusse, trên một sườn núi đá dốc cao (Bock) khoảng 560m, như một pháo đài tự nhiên tại 3 phía, chỉ cần bổ sung hoàn thiện tại phía Tây.
Ban đầu, thành phố Luxembourg hay Trung tâm lịch sử của thành phố Luxembourg chỉ là một lâu đài nhỏ được xây dựng trong thời gian ngắn vào giữa thế kỷ 10, trên một gò núi đá khó tiếp cận.
Do vị trí chiến lược đặc biệt, thành phố Luxembourg không ngừng được củng cố và tăng cường khi nằm trong sự cai quản của các cường quốc châu Âu.
Vào thế kỷ 12, thành phố được mở rộng xung quanh lâu đài, được bảo vệ bởi một bức tường thành bằng đá và mở rộng thêm vào thế kỷ 14 và 15. Ban đầu, Luxembourg là một pháo đài tương đối dễ dàng ra vào với 23 cửa. Mặc dù các thành lũy phân định không gian đô thị, song vẫn cho phép cả người và hàng hóa đi chuyển thuận tiện giữa pháo đài và khu vực nông thôn. Chỉ đến thế kỷ 16, công sự mới chia cách thành phố với khu vực xung quanh; nhiều cổng ra vào pháo đài đã bị đóng lại.
Trong giai đoạn thuộc Liên minh Habsburg Hà Lan thành phố Luxembourg đã được chuyển đổi thành một pháo đài thực sự (Fortress of Luxembourg).
Sau cuộc chinh phục của Hoàng đế Pháp Louis XIV (trị vì năm 1643- 1715), Vauban (thống chế và kỹ sư quân sự lừng danh người Pháp, năm 1633- 1707, người đã đề xuất mô hình thành trì hình ngôi sao, tạo thành phong cách Vauban) đã mở rộng và củng cố các công sự pháo đài Luxembourg.
Vào thế kỷ 18, Đế chế Habsburg Áo làm chủ thành phố Luxembourg, tiếp tục bổ sung công sự và tạo ra một pháo đài nổi tiếng kiên cố với tên gọi “Pháo đài phương Bắc” (Gibraltar of the North/Pháo đài bất khả xâm phạm tại phương Bắc). Trong giai đoạn chống lại người Pháp vào năm 1723 – 1732, pháo đài có tới 10 ngàn binh lính trấn giữ, trong khi dân số chỉ có 8 ngàn.
Sau Hội nghị Vienna (Congress of Vienna, năm 1814- 1815) thành lập Nhà nước Luxembourg, người Phổ còn tiếp tục xây dựng các công trình quân sự mới cho đến khi thực hiện theo Hiệp ước London 1867 (Traité de Londres, để đảm bảo tính trung lập, các công sự của thành phố Luxembourg phải bị phá bỏ và không bao giờ được xây dựng lại).


Thành phố Luxembourg với các khu phố và pháo đài trong hai bức tranh cổ

Bức vẽ về thành phố cổ Luxembourg với thành lũy dạng Vauban
Trong hình dạng cuối cùng, pháo đài Luxembourg gồm 3 bức tường bao quanh một diện tích khoảng 180ha, bên trong là thành phố có diện tích khoảng 120ha. Dọc theo tường thành có đến 24 tháp canh, gồm 15 pháo đài ở trung tâm và 9 pháo đài ở bên ngoài.
Thành phố còn lưu giữ lại cách bố trí đường phố và nhiều tòa nhà công cộng, là bằng chứng quan trọng về nguồn gốc và sự phát triển của nó kể từ thế kỷ thứ 10.
Bên trong và dưới chân thành lũy là những khu vực người dân sinh sống và tham gia vào các ngành nghề thủ công.
Hiện tại đây vẫn còn lưu giữ những nơi thờ tự, như Nhà thờ Thánh Michel, Nhà thờ Thánh Nicolas, Tu viện cổ Neumünster. Tại khu vực Upper Town, dọc theo các bức tường của pháo đài là dinh thự của các gia đình quý tộc, tôn giáo với mong muốn cư trú gần cơ quan hành chính và tổ chức hoàng gia. Những khu phố cổ này vẫn mang đậm dấu ấn sinh hoạt của các cư dân xưa.
Ngày nay, mặc dù một phần pháo đài và khu phố cũ bị tháo dỡ, Trung tâm lịch sử của thành phố Luxembourg vẫn là ví dụ nổi bật về một thành phố châu Âu gắn với các di tích quân sự, minh họa cho một giai đoạn dài của lịch sử phương Tây.
Thành phố Luxembourg: Phố cổ và Khu pháo đài được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1994) với tiêu chí:
Tiêu chí (iv): Thành phố Luxembourg là một ví dụ nổi bật về một quần thể kiến trúc cảnh quan minh họa cho một giai đoạn lịch sử châu Âu trong vài thế kỷ. Thành phố bảo tồn được phần lớn công trình pháo đài ấn tượng và các khu phố cổ, trong một khung cảnh tự nhiên đặc biệt.

Phạm vi Di sản Thành phố Luxembourg: Phố cổ và Pháo đài

Sơ đồ Khu vực Di sản; Di sản nằm trong Khu vực Grund; Vùng đệm gồm khu vực Clausen, Pfaffenthal, và Centre

Vị trí 20 hạng mục công trình chính trong Di sản Thành phố Luxembourg: Phố cổ và Pháo đài
Khu vực Di sản (Grund) chia thành 3 khu: Khu phố cổ Luxembourg; Khu Chính phủ và Nhà thờ Đức bà; Khu ngoại ô Grund và Gò Rham với 20 di tích chính:
Khu phố cổ Luxembourg
Khu phố cổ của thành phố Luxembourg (Old Quarters of the City of Luxembourg) được bao quanh quanh bởi hệ thống thành lũy, nằm tại phía phía tây Khu vực Di sản. Tại đây có 12 di tích chính:
Vách đá Bock
Vách đá Bock (Rocher du Bock, hình vẽ ký hiệu 01) là vách đá của một mỏm đá dài nằm về phía bắc của Khu vực Di sản; tạo thành một thành lũy tự nhiên cho thành phố Luxembourg. Đây là một trong ba vách đá tự nhiên bao quanh pháo đài Luxembourg, được hình thành vào năm 963.
Tuyến thành lũy có chiều dài đến 23km với 24 tháp canh và các công trình phòng thủ khác.
Người ta cho rằng, trước đó tại đây đã tồn tại một tháp canh của người La Mã, được xây dựng vào năm 723.
Trong những năm 1640, dưới thời cai trị của Chi nhánh Tây Ban Nha thuộc Habsburg Hà Lan, một kỹ sự Thụy Điển (Isaac von Treybach) đã thiết kế lại đáng kể hệ thống phòng thủ. Bock cũng được gia cố bằng ba pháo đài, Grand Bock, Moyen Bock và Petit Bock (từ tây sang đông), ngăn cách với nhau bằng các vết khía trên đá và được liên kết bằng các cây cầu. Thành lũy của lâu đài thời Trung cổ còn lưu lại rất ít.
Vào năm 1648, Thống chế Vauban dưới danh nghĩa Hoàng đế Pháp Louis XIV đã chiếm thành phố Luxembourg và xây dựng bổ sung đáng kể cho hệ thống phòng thủ. Tại đây, cầu nối với Khu phố cổ được gia cổ; gò đá Bock được gia cổ một bức tường cao 12m với vô số hốc pháo (Casemates); xây dựng hệ thống lối đi ngầm có chiều dài đến 17km (Underground Tunnels Accessible) sâu đến 40m trong nền núi đá, nối với các tầng hầm của các công trình bên trong pháo đài thời Trung cổ. Các lối đi ngầm hiện vẫn còn tồn tại với chiều dài 110m, rộng 7m. Diện tích các tầng hầm đến 1100m2, có thể sử dụng làm doanh trại cho vài trăm binh sĩ. Tại đây có cả giếng nước sâu tới 47m.
Công sự giúp thành phố chịu được cuộc vây hãm kéo dài đến 7 tháng vào năm 1794, trong Chiến tranh Cách mạng Pháp. Công sự cuối cùng đã bị phá hủy theo các điều khoản của Hiệp ước London năm 1867.

Vách đá Bock, Thành lũy tự nhiên tại Luxembourg (tranh vẽ thế kỷ 19)



Toàn cảnh vách đá Bock, Khu phố cổ cổ Luxembourg

Các vách đá Block với lỗ châu mai cho các khẩu pháo, Khu Phố cổ Luxembourg

Hệ thống các hốc pháo bên trong thành lũy, Khu Phố cổ Luxembourg

Tàn tích một tháp canh phía trên vách đá Bock, Khu Phố cổ Luxembourg

Đường hầm bên trong vách đá Bock, Khu Phố cổ Luxembourg
Cầu Chateau
Cầu Chateau (Le Pont du Chateau, hình vẽ ký hiệu 02) là cây cầu nối Gò đá Bock với Khu phố cổ tại phía tây.
Cầu được xây dựng vào năm 1735 bởi người Áo.
Cầu có 2 tầng. Tầng dưới có một vòm lớn đỡ tầng trên. Tầng trên có 5 vòm nhỏ đỡ mặt cầu phía trên.

Cầu Chateau tại Khu Phố cổ Luxembourg, nhìn từ trên cao

Cầu Chateau, Khu Phố cổ Luxembourg
Nhà thờ Saint-Michel de Luxembourg
Nhà thờ Saint-Michel de Luxembourg (Eglise Sant- Michel/Saint Michael's Church, hình vẽ ký hiệu 03) là một nhà thờ Công giáo La Mã, nằm tại phía tây của cầu Chateau.
Đây là một trong những công trình tôn giáo lâu đời nhất trong thành phố, được cho là xây dựng vào năm 987, bị phá hủy, xây dựng lại và trùng tu nhiều lần. Hình dạng nhà thờ hiện tại được xây dựng vào năm 1688 theo phong cách kiến trúc Romanesque và Baroque. Công trình được cải tạo gần đây nhất vào những năm 1960, 1980 và 2003–2004. Ngày nay, công trình như là một bảo tàng về nghệ thuật tôn giáo.

Nhà thờ St Michel, Khu Phố cổ Luxembourg, nhìn từ trên cao

Nhà thờ St Michel, Khu Phố cổ Luxembourg

Nội thất Nhà thờ St Michel, Khu Phố cổ Luxembourg
Quảng trường Marche- aux- Poissons
Quảng trường Marche- aux- Poissons (hình vẽ ký hiệu 04) nằm tại phía tây bắc của Nhà thờ Saint-Michel de Luxembourg, tại ngã ba của hai con đường. Bao quanh Quảng trường là tòa nhà Hội đồng Nhà nước (Conseil d Etat), Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Quốc gia (Musee National). Đây là nơi thường diễn ra các lễ hội truyền thống.


Quảng trường Marche- aux- Poissons, Khu Phố cổ Luxembourg
Cung điện Đại công quốc
Cung điện Đại công quốc (Palais Grand – Ducal, hình vẽ ký hiệu 05) nằm tại phía tây nam của Quảng trường Marche- aux- Poissons. Công trình được xây dựng vào năm 1572, 1759, trở thành trụ sở của Chính phủ Luxembourg năm 1817. Từ năm 1817, Cung điện trở thành nơi cư trú của thống đốc, người đại diện cho Đại công quốc.Cung điện được phục hồi lớn vào năm 1991-1996.

Phối cảnh Cung điện Đại công quốc, Khu Phố cổ Luxembourg

Cung điện Đại công quốc, Khu Phố cổ Luxembourg

Nội thất Cung điện Đại công quốc, Khu Phố cổ Luxembourg
Cổng cũ
Cổng cũ (Altpforte, hình vẽ ký hiệu 06) ) nằm tại phía bắc của Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Quốc gia (Musee National).

Khu vực Cổng cũ (Altpforte) kề liền bên phải ảnh là Cổng Trois – Tours, Khu phố cổ Luxembourg
Cổng Trois – Tours
Cổng Trois – Tours (Porte des Trois Tours, hình vẽ ký hiệu 07) là cổng vào Khu phố cổ từ phía bắc, nằm tại sát ranh giới phía bắc của Khu vực Di sản. Cổng này được tạo thành từ hai tòa tháp tròn từ thế kỷ 14 và một ngôi nhà hình vuông trung tâm từ thế kỷ 12. Phần cổ nhất là một phần của bức tường đá đầu tiên thời Trung cổ.
Theo Hiệp ước Luân Đôn, cổng được coi là vô hại, vì vậy còn được lưu giữ lại đến ngày nay.

Cổng Trois – Tours, Khu phố cổ Luxembourg
Ngôi nhà với sân thượng
Ngôi nhà với sân thượng (Helleport, hình vẽ ký hiệu 08) được hình thành bởi hệ thống kè trên nền dốc. Đây là dạng nhà rất phổ biến tại Khu phố cổ Luxembourg.

Hình một tuyến phố với các ngôi nhà có sân thượng kè đá, Khu phố cổ Luxembourg
Cổng Tây Ban Nha
Cổng Tây Ban Nha (Porte Espagnole, hình vẽ ký hiệu 09) là cổng vào Khu phố cổ từ phía nam, tại giữa Khu vực Di sản. Cổng hình dạng vòm hoành tráng, được xây dựng vào năm 1632, thời Luxembourg nằm dưới sự quản lý của chi nhánh Tây Ban Nha thuộc Habsburg Hà Lan (Spanish Netherlands), thay thế một cổng có từ thời Trung cổ, vào thế kỷ 12.
Công trình bao gồm 2 cổng lớn kế tiếp nhau, nhằm bảo vệ thành phố hiệu quả hơn. Một cổng phía trên có cầu kéo phía trước và một cổng phía dưới có cầu kéo và hào.
Hiện nay chỉ còn lại cổng phía trên, cổng phía dưới, trước đây gọi là cổng Grund (Porte Grund) đã bị phá bỏ trong quá trình tháo dỡ pháo đài.
Đây là một trong những di tích kiến trúc quân sự thế kỷ 17 được bảo tồn tốt nhất.

Cổng Tây Ban Nha, Khu phố cổ Luxembourg, nhìn từ trên cao

Cổng Tây Ban Nha, Khu phố cổ Luxembourg
Đường ven sông
Đường ven sông (Chemin de la corniche, hình vẽ ký hiệu 10) là một đoạn đường nằm bên phía tây sông Alzette, chạy từ Cổng Tây Ban Nha (cổng Grund) tại phia nam đến Vách đá Bock (Rocher du Bock) tại phía bắc.
Tuyến đường chạy trên rìa vách đá cao so với mặt sông tạo thành những “ban công đẹp nhất châu Âu” bởi tầm nhìn từ đường tới các mặt tiền trang nhã của những ngôi nhà quý tộc quay mặt ra thung lũng và chóp của các nhà thờ.


Đường ven sông Alzette, Khu phố cổ Luxembourg vào ban đêm và ban ngày
Bệnh viện quân y
Bệnh viện quân y (Hopital militaire, hình vẽ ký hiệu 11) nằm tại phía nam Khu vực Di sản, là một tòa nhà dài cao 3 tầng, chạy dọc vách của pháo đài. Công trình được chuyển đổi thành Cơ quan lưu trữ Quốc gia Luxembourg (Archives nationales de Luxembourg/Achives de I Etat).

Phối cảnh Bệnh viện quân y phía, Khu phố cổ Luxembourg, tòa nhà hình chữ nhật kéo dài, bên phải ảnh

Mặt đứng Bệnh viện quân y phía bờ sông, Khu phố cổ Luxembourg
Thành lũy tại Tu viện Đức Thánh Linh
Thành lũy tại Tu viện Đức Thánh Linh (Citadelle Saint – Esprit, hình vẽ ký hiệu 12) là các bức tường dựng đứng bao quanh mỏm đá phía nam của pháo đài Luxembourg. Hình dạng cuối cùng của thành lũy gồm 2 lớp: lớp tường phía ngoài thấp; lớp tường phía trong cao, có mặt bằng theo dạng góc nhọn kiểu thành Vauban; Công trình được xây dựng vào năm 1685- 1687.
Phía trên gò là Tu viện Đức Thánh Linh, được xây dựng vào năm 1234.

Thành lũy tại Tu viện Đức Thánh Linh, Khu phố cổ Luxembourg
Khu Chính phủ và Nhà thờ Đức bà
Khu Chính phủ và Nhà thờ Đức bà (The Quarter of the Government and the Notre – Dame Cathedral) tạo thành một cụm công trình tại phía tây Khu vực Di sản. Cụm công trình này gồm 3 di tích chính:
Nhà thờ Đức Bà
Nhà thờ Đức Bà (Cathedrale Notre – Damme, hình vẽ ký hiệu 13) nằm tại phía tây Khu vực Di sản, là Nhà thờ Công giáo La Mã của thành phố Luxembourg. Ban đầu đây là nhờ thờ của Dòng tên (Society of Jesus).
Nhà thờ được xây dựng vào năm 1613, theo phong cách thời Phục Hưng và Gothic muộn.
Nhà thờ được mở rộng từ năm 1935 đến năm 1938. Nhà thờ có 3 tháp. Trong nhà thờ còn có các hầm mộ của một số vị Đại công quốc Luxembourg.

Nhà thờ Đức Bà, Khu Chính phủ và Nhà thờ Đức bà, thành phố Luxembourg

Nội thất Nhà thờ Đức Bà, Khu Chính phủ và Nhà thờ Đức bà, thành phố Luxembourg
Tòa nhà chính phủ
Tòa nhà chính phủ (Presidence du Gouvernement Maison de Bourgogne/Ministre d Etat, hình vẽ ký hiệu 14) nằm tại phía tây Khu vực Di sản, cạnh Nhà thờ Đức Bà và nằm tại phía nam của quảng trường Place de Clairefontaine. Trước năm 1975, đây là một dinh thự tư nhân, sau đó trở thành nơi làm việc của Chính phủ Luxembourg và là trụ sở của Bộ Ngoại giao.

Phối cảnh Tòa nhà chính phủ, nằm kề liền Nhà thờ Đức Bà, thành phố Luxembourg

Mặt trước Tòa nhà chính phủ, nằm kề liền Nhà thờ Đức Bà, thành phố Luxembourg
Tòa nhà chính phủ tại Tu viện cũ Saint-Maximin
Tòa nhà chính phủ tại Tu viện cũ Saint-Maximin (Ministere des Affaires Etrangeres Refuge de Iabbaye Saint- Maximin de Treves, hình vẽ ký hiệu 15) nằm tại phía tây Khu vực Di sản, cạnh Nhà thờ Đức Bà và nằm tại phía tây của quảng trường Place de Clairefontaine. Trước kia đây là tòa tu viện Saint-Maximin (Refuge Saint-Maximin, dòng Benedictine của Luxembourg). Ngày nay đây trở thành tòa nhà chính phủ và Bộ Ngoại giao.
Công trình cao 3 tầng với 2 tầng áp mái.

Tòa nhà chính phủ tại Tu viện cũ Saint-Maximin, Khu Chính phủ và Nhà thờ Đức bà, thành phố Luxembourg
Khu ngoại ô Grund và Gò Rham
Khu ngoại ô ô Grund và Gò Rham (The Suburb Grund and The Plateau of Rham) nằm tại phía đông Khu vực Di sản. Tại đây có 5 di tích:
Bức tường Wenceslas
Bức tường Wenceslas (Mur de Wenceslas, hình vẽ ký hiệu 16) nằm tại phía đông bắc Khu vực Di sản.
Bức tường được đặt tên như vậy để tưởng nhớ vị Công tước Luxembourg Wenceslas II (trị vì năm 1383- 1388).
Bức tường bảo vệ pháo đài kéo dài từ Vách đá Bock (hình vẽ 1), vắt qua sông sông Alzette và chạy tiếp về phía đông và xuống phía nam của Khu vực Di sản với tháp canh và cổng ra vào thành phố.
Bức tường được xây dựng từ những năm 1420 – 1424. Từ năm 1862, tại đây có một cây cầu đường sắt đi qua pháo đài.

Bức tường Wenceslas, chạy từ Vách đá Bock tới cầu đường sắt, Khu ngoại ô ô Grund và Gò Rham, thành phố Luxembourg
Đập ngăn nước Grund
Đập ngăn nước Grund (Ecluse du Grund, hình vẽ ký hiệu 17) trên thượng nguồn sông Alzette, đoạn chạy qua Khu vực Di sản. Đập được xây dựng vào năm 1731 bởi người Áo. Đập được nối qua hai tảng đá có tên St. Esprit và Gorge du Rham. Đập có khối xây bằng đá vững chắc. Khi cửa đập đóng, nước dâng cao thêm đến 2m.
Cửa đập bị phá hủy trong quá trình tháo dỡ pháo đài vào năm 1867.
Đập bị phá hủy trong quá trình tháo dỡ năm 1867.

Sông Alzette, chảy qua khu vực Di sản thành phố Luxembourg

Vị trí đập ngăn nước Grund tại sông Alzette, đoạn chảy qua khu vực Di sản thành phố Luxembourg
Bệnh viện Saint – Jean
Bệnh viện Saint – Jean (Hospital Saint – Jean, hình vẽ ký hiệu 18) nằm cạnh sông Alzette. Công trình cao 2 tầng, 1 tầng áp mái. Công trình bắt nguồn từ một nhà tế bần cho người nghèo ở vùng Grund, được xây dựng vào năm 1308, được điều hành bởi các tu sĩ. Năm 1550, trên địa điểm này, một bệnh viện mới được xây dựng.
Những năm sau này, bệnh viện bị phá hủy và xây lại nhiều lần. Năm 1756, bệnh viện có 18 giường do 20 nữ tu chăm sóc.
Ngày nay, công trình trở thành nơi làm việc của Cục Di tích Quốc gia (Service des Sites & Monuments Nationaux).
Nhà thờ Sain- Jean
Nhà thờ Sain- Jean (Eglise Sain- Jean, hình vẽ ký hiệu 19) nằm kề liền Bệnh viện Saint – Jean tạo thành một cụm công trình bao quanh hai sân trong.
Công trình hoàn thành vào năm 1311. Năm 1606, công trình được xây dựng thêm để trở thành một tu viện.
Năm 1683, công trình được tái thiết lại sau tàn phá của quân đội Pháp và Tây Ban Nha, mang dấu ấn của phong cách hậu Gothic.
Năm 1796, chức năng tu viện bị bãi bỏ, công trình trở lại là nhà thờ của giáo xứ.

Phối cảnh cụm Nhà thờ và Bệnh viện Saint – Jean, Khu ngoại ô ô Grund và Gò Rham, thành phố Luxembourg

Nội thất Nhà thờ Sain- Jean, Khu ngoại ô ô Grund và Gò Rha, thành phố Luxembourg
Trung tâm Rahm
Trung tâm Rahm (Centre du Rahm, hình vẽ ký hiệu 20) là một cụm công trình nằm tại phía đông Khu vực Di sản, trên một gò đất cao mang tên Rham.
Công trình hiện là Trung tâm dịch vụ cho người cao tuổi tại Luxembourg.
Cụm công trình hiện có 7 tòa nhà, có thể chứa được 220 cư dân, trong đó có 4 tòa nhà cũ và 3 tòa nhà xây dựng mới. Việc cải tạo được bắt đầu vào năm 2007.
Phối cảnh Trung tâm Rahm, Khu ngoại ô ô Grund và Gò Rham, thành phố Luxembourg; Bên phải ảnh là Bức tường Wenceslas với các tháp canh
Thành phố Luxembourg là một ví dụ nổi bật về việc bảo tồn được các cấu trúc công sự và khu phố cũ đầy ấn tượng, trong một khu cảnh thiên nhiên đặc biệt, đóng một vai trò quan trọng của lịch sử châu Âu trong nhiều thế kỷ.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/699
https://en.wikipedia.org/wiki/Luxembourg
https://en.wikipedia.org/wiki/Luxembourg_City
https://en.wikipedia.org/wiki/Ville_Haute
https://en.wikipedia.org/wiki/Fortress_of_Luxembourg
https://fr.wikipedia.org/wiki/Rocher_du_Bock
https://en.wikipedia.org/wiki/Saint_Michael's_Church,_Luxembourg
https://fr.wikipedia.org/wiki/March%C3%A9-aux-Poissons
https://en.wikipedia.org/wiki/Fort_Th%C3%BCngen
https://fr.wikipedia.org/wiki/Archives_nationales_de_Luxembourg
https://fr.wikipedia.org/wiki/Refuge_Saint-Maximin
https://en.wikipedia.org/wiki/Neum%C3%BCnster_Abbey
https://en.wikipedia.org/wiki/Grand_Ducal_Palace,_Luxembourg
https://en.wikipedia.org/wiki/Ville_Haute
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|