Thông tin chung:
Công trình: Thành phố Valletta (City of Valletta)
Địa điểm: Malta (N35 54 2.016 E14 30 51.984)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 55,5 ha
Năm hình thành: 1566
Giá trị: Di sản thế giới (1980; hạng mục i; vi)
Malta là một quốc đảo ở Địa Trung Hải, nam Châu Âu, tọa lạc tại vị trí 80 km về phía nam của Ý, 284 km về phía đông của Tunisia, và 333 km về phía bắc của Libya. Malta có diện tích khoảng 316km2, dân số khoảng 514 ngàn người (2019), thủ đô là Valletta.
Malta đã có người sinh sống từ khoảng năm 5900 trước Công nguyên (TCN). Với vị trí nằm tại trung tâm của Địa Trung Hải, Malta có một tầm quan trọng chiến lược to lớn như một căn cứ hải quân. Đây cũng là nơi tranh chấp và cai trị của nhiều cường quốc theo tiến trình lịch sử, bao gồm người Phoenicia (Phoenicians - nền văn minh cổ đại dựa vào thương mại hàng hải trải khắp Địa Trung Hải trong suốt thời kỳ từ năm 1550 – 300 TCN); người Hy Lạp (Greeks); người Carthaginians (nhà nước tại khu vực Bắc Phi và Tây Ban Nha kéo dài đến năm 146 TCN); người La Mã (Romans), người Ả Rập (Arabs), người Bắc Âu cổ (Normans), người Tây Ban Nha (Aragon), người Pháp, người Anh và Giáo đoàn Hiệp sĩ cứu tế Thánh John của Jerusalem (Order of Knights of St John of Jerusalem).
Malta trở thành thuộc địa của Anh vào năm 1813, có vai trò là trạm dừng chân cho tàu bè và là trụ sở của Hạm đội Địa Trung Hải của Anh. Trong Thế chiến 2, Malta là một căn cứ quan trọng của Đồng minh cho các hoạt động ở Bắc Phi và Địa Trung Hải.
Năm 1964, Malta trở thành quốc gia độc lập. Ngày nay Malta được chia thành 68 địa phương.

Vị trí của Malta

Bản đồ Malta và vị trí thủ đô Valletta
Valletta với diện tích khoảng 80ha, dân số khoảng 6,5 ngàn người (2014), là thành phố thủ đô nhỏ nhất trong Liên minh châu Âu.
Valletta là một thành lũy kiên cố, nằm trên một ngọn đồi có cao độ 56m so với mực nước biển, là hai trong số những hải cảng tự nhiên tốt nhất tại Địa Trung Hải.
Valletta cũng như quốc đảo Malta trải qua một lịch sử thăng trầm theo các tranh cấp và cai trị của nhiều cường quốc. Hầu hết những ảnh hưởng ngoại lai của các cường quốc này đã để lại một số dấu ấn đối với nền văn hóa cổ đại của Malta cũng như thành phố Valletta.
Thành lũy Valletta hiện tại được hình thành vào năm 1566 bởi Giáo đoàn Hiệp sĩ cứu tế Thánh John với sự trợ giúp của các kỹ sư quân sự hàng đầu châu Âu. Tại đây hiện vẫn lưu lại các thành lũy với hình dáng tạo thành các tuyến công sự theo mô hình của kỹ sư quân sự người Pháp Vauban (Sébastien Le Prestre de Vauban, 1633-1707).
Vào những năm 1800, dưới sự cai quản của Anh, một phần thành lũy của thành phố bị phá bỏ, một số cấu trúc xây dựng cũ bị phá hủy để mở rộng thành phố, xây dựng tuyến đường sắt…
Chiến tranh thế giới 2 cũng đã phá hủy nhiều công trình của Valletta, ví dụ như Nhà hát hoàng gia (Royal Opera House).
Ngay từ khi hình thành vào thế kỷ 16, thành phố Valletta đã được quy hoạch như một tổng thể và thống nhất với các công trình kiến trúc cuối thời kỳ Phục hưng được xây dựng bên trong các bức tường thành kiên cố. Sau này, mặc dù có một số dự án khác bổ sung, nhưng không ảnh hưởng đến sự hài hòa giữa địa hình ấn tượng và mạng lưới quy hoạch giao thông kiểu ô cờ (Hippodamian Grid).
Thành phố Valletta như một quần thể nhỏ gọn với 320 công trình di tích chính, có chức năng dân sự, tôn giáo, nghệ thuật và quân sự, tập trung trong một khu vực chỉ có diện tích khoảng 55,5ha.
Đây là những tòa nhà được xây dựng vào thế kỷ 16 gắn với việc thành lập thành phố trong thời kỳ Phục hưng, như nhà thờ St John (Cathedral of St John), Cung điện Grand Master (Palace of the Grand Master), Tòa nhà Castile et Léon (Auberge de Castile et Léon), Tòa nhà Provence (Auberge de Provence), Tòa nhà Italie (Auberge d'Italie), Tòa nhà Aragon (Auberge d'Aragon), Bệnh xá của Dòng Order (Infirmary of the Order); Nhà thờ Đức Mẹ Chiến thắng (Churches of Our Lady of Victory), Nhà thờ St Catherine (Churches of St Catherine), Nhà thờ il Gesù (Churches of il Gesù). Ngoài ra, các công trình di tích này còn bao gồm cả các tòa nhà được cải tạo bỏi các kỹ sư quân sự và kiến trúc sư của thế kỷ 18 như Tòa nhà Bavière (Auberge de Bavière), Nhà thờ Shipwreck of St Paul (Church of the Shipwreck of St Paul), Thư viện và Nhà hát Manoel (Manoel Theatre)…

Phối cảnh tổng thể thành phố bán đảo Valletta, Malta


Thành phố Valletta nhìn từ biển với các pháo đài, thành lũy bao quanh


Thành phố Valletta với các đường phố và công trình ngày nay
Thành phố Valletta, Malta được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1980) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Di sản Thành phố Valleta là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người vào những năm cuối của thời kỳ Phực Hưng với quy hoạch đô thị thống nhất, theo những nguyên tắc thuần khiết nhất (neo-platonic principles); những bức tường kiên cố và các tháp pháo đài được xây dựng phù hợp với điều kiện tự nhiên xung quanh; và các công trình kiến trúc tuyệt vời được xây dựng trong đó.
Tiêu chí (vi): Valleta không xóa bỏ các thành quả hình thành thành phố được xây dựng trong những năm 1566 bởi lực lượng quân đội trấn giữ và tổ chức từ thiện của Hội Hiệp sĩ cứu tế Thánh John, mà còn tiếp tục duy trì trong suốt hai thế kỷ rưỡi tiếp theo. Vì vậy, Valletta gắn liền với lịch sử của những lực lượng quân sự và tôn giáo vĩ đại nhất của châu Âu thời hiện đại.

Sơ đồ phạm vi Di sản Thành phố Valletta, Malta
Di sản Thành phố Valleta, Malta bao gồm các tòa nhà xây dựng vào thế kỷ 16 liên quan đến việc hình thành thành phố La Mã theo phong cách Phục Hưng (Renaissance – một giai đoạn văn hóa trong lịch sử châu Âu, từ thế kỷ 14-17, là cầu nối văn hóa giữa thời Trung cổ và Hiện đại), gồm các công trình nổi bật:

Sơ đồ vị trí các công trình chính tại Thành phố Valletta, Malta
Nhà thờ St John
Nhà thờ St John (Cathedral of St John) thuộc Công giáo La Mã, được xây dựng vào năm 1572- 1577 bởi Giáo đoàn Hiệp sĩ Thánh John. Công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư bậc thầy Girolamo Cassar (1520 - 1592, là kiến trúc sư và kỹ sư quân sự người Malta, thuộc Giáo đoàn Hiệp sĩ Thánh John. Ông cũng là người thiết kế rất nhiều công trình kiến trúc tại Valletta).
Nhà thờ nằm tại khu vực trung tâm của thành phố Valletta (về phía tây nam của Cung điện Grand Master).
Công trình có mặt bằng hình chữ T: Khối chính gồm dãy nhà nguyện hai bên và gian giữa dài 65m, rộng 40m; Khối cánh chữ T rộng 20m, là nơi đặt kho chứa đồ thánh (Sacristy) và nơi đặt các phòng cầu nguyện (Oratiry).
Hình dáng bên ngoài theo phong cách kiến trúc Phục Hưng, giai đoạn Mannerist (năm 1520-1600), nội thất bên trong theo phong cách kiến trúc Baroque và được đánh giá là một trong ví dụ tốt nhất của kiến trúc Baroque (giai đoạn High Baroque năm 1625- 1660) tại châu Âu.
Năm 1598, Nhà thờ được xây dựng bổ sung nhà nguyện.
Những năm tiếp sau, Nhà thờ bị hư hại do các cuộc chiến tranh, được phục hồi tổng thể vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.
Trong nhà thờ có 9 nhà nguyện (Chapel), nằm dọc hai bên gian thờ chính và nhiều hầm mộ.
Ban đầu, nội thất của nhà thờ được trang trí khiêm tốn. Trong những năm 1660, Nhà thờ được trang trí lại, để có thể cạnh tranh với các nhà thờ tại Rome.
Nhà thờ được xây dựng bằng đá vôi, nền nhà được lát, ghép bằng đá cẩm thạch trang trí cũng lộng lẫy như tường, trần nhà.
Nhà thờ St John có nội thất với các tranh tường được vẽ khéo léo tạo ra các ảo giác về không gian ba chiều. Tất cả các tranh vẽ hầu như được thực hiện tại chỗ. Trong nhà thờ có một bức tranh sơn dầu của họa sỹ nổi tiếng người Ý Caravaggio (Michelangelo Merisi da Caravaggio, 1571 – 1610), được đánh giá là một trong những công trình nghệ thuật phương Tây quan trọng nhất: The Beheading of Saint John the Baptist (cảnh chém đầu Thánh John).
Nhà thờ St John là minh chứng của sự giàu có và tầm quan trọng của Giáo đoàn Hiệp sĩ Thánh John tại Malta và đã tạo ra một thành trì của Kito giáo tại đây trong thế kỷ 16.
Ngày nay, Nhà thờ St John là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Malta.

Mặt bằng Nhà thờ St John, Thành phố Valletta, Malta

Phối cảnh tổng thể Nhà thờ St John, Thành phố Valletta, Malta

Mặt trước Nhà thờ St John, Thành phố Valletta, Malta

Nội thất gian chính Nhà thờ St John, Thành phố Valletta, Malta

Trang trí bàn thờ chính Nhà thờ St John, Thành phố Valletta, Malta

Nội thất một trong các nhà nguyện, Nhà thờ St John, Thành phố Valletta, Malta

Bức tranh nổi tiếng của Michelangelo Caravaggio: Beheading of Saint John the Baptist (cảnh chém đầu Thánh John)
Cung điện Grandmaster
Cung điện Grandmaster (Palace of the Grandmaster) là công trình to lớn và tráng lệ nhất của thành phố Valletta.
Công trình nằm tại vị trí trung tâm thành phố Valletta, chiếm trọn một ô phố, phía Tây Bắc là quảng trường Cung điện (Palace Square/ St. George's Square), phía Tây Nam là quảng trường Cộng hòa (Republic Square).
Vào thế kỷ 16, đây là cung điện của những người lãnh đạo (Grandmaster) Giáo đoàn Hiệp sĩ Thánh John và là những người cai trị Malta.
Công trình do kiến trúc sư và kỹ sư quân sự Girolamo Cassar thiết kế theo phong cách kiến trúc Mannerist, cao 2 tầng, bằng đá vôi, được xây dựng vào năm 1574 và được cải tạo lại vào những năm 1740.
Vào các giai đoạn sau, cung điện trở thành dinh Thống đốc.
Ngày nay, một phần của tòa nhà được sử dụng như nhà Quốc hội và văn phòng Tổng thống Malta. Phần còn lại được mở cửa cho công chúng thăm quan như một bảo tàng.
Mặt chính của Cung điện quay về hướng Tây Bắc ra quảng trường Cung điện, được xây dựng đơn giản. Mặt đứng không đối xứng, do công trình được xây dựng và bổ sung trong nhiều thế kỷ; có hai lối vào chính; tại hai góc có một ban công bằng gỗ dài. Cả hai cổng và ban công đều được xây dựng trong thế kỷ 18.
Bên ngoài nhà được sơn màu vàng nâu đỏ, một màu sắc được sử dụng để đánh dấu các tòa nhà công cộng trong thành phố.
Bên trong nội thất nổi tiếng với phòng Throne (Throne Room), ban đầu được gọi là phòng Hội đồng tối cao, sau đó được sử dụng để tiếp đại sứ và các quan chức cao cấp. Ngày nay được sử dụng làm văn phòng Tổng thống. Nội thất được trang trí bằng các bức tranh tường.
Ngoài ra, tại đây còn có các phòng cao cấp khác: Phòng Hội đồng (Tapestry Hall) với bộ sưu tập hiếm hoi về thảm thêu; Phòng ăn (State Dining Hall) với trang trí bằng các bức tranh chân dung gia đình hoàng gia; Phòng tiếp đại sứ (Ambassador's Room) và phòng chờ (Page's Waiting Room).
Trong cung điện còn có một hội trường lớn mang tên Palace Armoury được sử dụng như một nhà kho, nơi trưng bày bộ sưu tập vũ khí, gồm các bộ quần áo giáp, kiếm, súng và các loại vũ khí khác. Nhà kho này chuyển thành nơi họp của Quốc hội Malta từ năm 1974. Bộ sưu tập vũ khí chuyển tới không gian tầng trệt của cung điện, mở cửa cho công chúng như một bảo tàng.
Dọc theo hành lang giữa các phòng được trang trí các tranh theo phong cách Baroque thế kỷ 18.
Cung điện được xây dựng xung quanh hai sân trong với tên gọi là sân Neptune (Courtyard Neptune) và sân Hoàng tử Alfred (Prince Alfred's Courtyard). Sân trong được bố trí thành các vườn cảnh với các tượng đài, đài phun nước trang trí.

Phối cảnh tổng thể Cung điện Grandmaster, Thành phố Valletta, Malta

Mặt đứng chính của Cung điện Grandmaster, Thành phố Valletta, Malta

Mặt đứng phía sau Cung điện Grandmaster, Thành phố Valletta, Malta

Phòng Throne (văn phòng Tổng thống), Cung điện Grandmaster, Thành phố Valletta, Malta

Phòng Hội đồng với bộ sưu tập đặc biệt về tranh thêu, Cung điện Grandmaster, Thành phố Valletta, Malta

Phòng tiếp đại sứ, Cung điện Grandmaster, Thành phố Valletta, Malta

Hội trường Palace Armoury, xưa là nơi trưng bày vũ khí, Cung điện Grandmaster, Thành phố Valletta, Malta

Bảo tàng vũ khí đặt tại tầng hầm, Cung điện Grandmaster, Thành phố Valletta, Malta

Nội thất hành lang, Cung điện Grandmaster, Thành phố Valletta, Malta

Sân trong mang tên Neptune, Cung điện Grandmaster, Thành phố Valletta, Malta

Sân trong mang tên Hoàng tử Alfred, Cung điện Grandmaster, Thành phố Valletta, Malta
Các tòa nhà ở dạng khách sạn (Auberge)
Trong khu vực có rất nhiều công trình nhà ở dạng khách sạn, xưa kia là nơi cư trú của các hiệp sĩ, trong đó nổi bật :
Tòa nhà Castile
Tòa nhà Castile (Auberge de Castile) nằm tại phía tây nam của Valletta, cạnh quảng trường Castille, do Girolamo Cassar thiết kế theo phong cách Mannerist, cao 2 tầng, bằng đá vôi, được xây dựng vào năm 1574 và được cải tạo lại vào những năm 1740 – 1744 và 1791 theo phong cách Baroque Tây Ban Nha.
Hiện tại, công trình được sử dụng làm văn phòng chính phủ Malta.

Tòa nhà Auberge de Castile, Thành phố Valletta, Malta
Tòa nhà Provence
Tòa nhà Provence (Auberge de Provence) nằm tại phía tây của nhà thờ St John, do Girolamo Cassar thiết kế, cao 2 tầng, bằng đá vôi, được xây dựng vào những năm 1570 và được cải tạo lại vào năm 1638.
Hiện công trình trở thành Bảo tàng Khảo cổ học Quốc gia.

Tòa nhà Auberge de Provence, Thành phố Valletta, Malta
Tòa nhà Italie
Tòa nhà Italie (Auberge d'Italie) nằm tại phía tây nam của nhà thờ St John, do Girolamo Cassar và cộng sự thiết kế, cao 3 tầng, bằng đá vôi, mặt tiền trang trí bằng đá cẩm thạch, được xây dựng vào năm 1574- 1579 và được cải tạo lại vào các năm 1582-1595; 1680- 1683.
Hiện công trình trở thành trụ sở của Cục Du lịch Malta.

Tòa nhà Auberge d'Italie, Thành phố Valletta, Malta
Tòa nhà Aragon
Tòa nhà Aragon (Auberge d'Aragon) nằm tại phía bắc của Valletta, do Girolamo Cassar thiết kế theo phong cách kiến trúc Mannerist, cao 1 tầng, bằng đá vôi, được xây dựng vào năm 1571.
Công trình được cải tạo lại năm 1840 theo phong cách Tân Cổ Điển.
Hiện công trình được sử dụng cho Văn phòng Chính phủ, Văn phòng thư ký Quốc hội cho Quỹ EU.

Tòa nhà Auberge d'Aragon, Thành phố Valletta, Malta
Tòa nhà Bavière
Tòa nhà Bavière (Auberge de Bavière) nằm tại phía bắc của Valletta, tại phía đông của Auberge d'Aragon, do Carlo Gimach (KTS người Malta, 02/3/1651 – 31/12/1730) thiết kế, cao 2 tầng, bằng đá vôi, được xây dựng vào năm 1696. Ban đầu công trình là một cung điện. Trong năm 1784, được chuyển thành nhà ở.
Từ năm 1997, công trình được sử dụng làm văn phòng của Cục Sở hữu của Chính phủ.

Tòa nhà Auberge de Bavière, Thành phố Valletta, Malta
Nhà thờ và các công trình đặc biệt khác
Nhà thờ Our Lady of Victory
Nhà thờ Our Lady of Victory (Our Lady of Victories Church) nằm tại tây nam của Valletta, cạnh công trình Auberge de Castile, được xây dựng vào năm 1566, theo phong cách Baroque.

Nhà thờ Our Lady of Victory, Thành phố Valletta, Malta

Nội thất Nhà thờ Our Lady of Victory, Thành phố Valletta, Malta
Nhà thờ St Catherine
Nhà thờ St Catherine (Church of St Catherine of Italy): nằm tại Tây Nam của Valletta, cạnh nhà thờ Our Lady of Victory và tòa nhà Auberge d'Italie, được xây dựng vào năm 1576, theo phong cách Baroque.

Nhà thờ St Catherine, Thành phố Valletta, Malta

Nội thất Nhà thờ St Catherine, Thành phố Valletta, Malta
Nhà thờ Shipwreck St Paul
Nhà thờ Shipwreck St Paul (Church of the Shipwreck of St Paul): nằm tại phía nam cung điện Grandmaster, được xây dựng vào những năm 1570 hoàn thành vào năm 1582, theo phong cách Baroque. Nhà thờ được cải tạo lại vào năm 1639, mặt tiền được xây dựng lại vào năm 1885.

Nhà thờ Shipwreck St Paul, Thành phố Valletta, Malta

Nội thất Nhà thờ Shipwreck St Paul, Thành phố Valletta, Malta
Tại đây còn có các công trình đặc biệt khác như: Bệnh viện của Giáo đoàn Hiệp sĩ cứu tế (Infirmary of the Order); Thư viện và Nhà hát Manoel (Library and Manoel Theatre)…
Valletta là một thành phố sống động, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh doanh của Malta; được mô tả là “Một thành phố của cung điện, được xây dựng bởi các quý ông cho các quý ông”, hiện trở thành địa điểm thu hút du lịch hàng đầu tại châu Âu.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/131/
https://en.wikipedia.org/wiki/Malta
https://en.wikipedia.org/wiki/Valletta
https://en.wikipedia.org/wiki/Saint_John's_Co-Cathedral
https://en.wikipedia.org/wiki/Grandmaster's_Palace_(Valletta)
https://en.wikipedia.org/wiki/Auberge_de_Castille
https://en.wikipedia.org/wiki/Auberge_de_Provence
https://en.wikipedia.org/wiki/Auberge_d'Italie
https://en.wikipedia.org/wiki/Auberge_d'Aragon
https://en.wikipedia.org/wiki/Auberge_de_Bavi%C3%A8re
https://en.wikipedia.org/wiki/Our_Lady_of_Victories_Church,_Valletta
https://en.wikipedia.org/wiki/Collegiate_Parish_Church_of_St_Paul's_Shipwreck
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi |