Thông tin chung:
Công trình: Nhà thờ Bourges (Bourges Cathedral)
Địa điểm: Department of Cher, Centre Region, Pháp (N47 4 56 E2 23 54)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 0,85ha, diện tích vùng đệm 105ha
Năm hoàn thành:
Giá trị: Di sản thế giới (1992, sửa đổi ranh giới nhỏ năm 2013; hạng mục i, iv)
Pháp (France) là một quốc gia có lãnh thổ chính nằm tại Tây Âu cùng một số vùng và lãnh thổ hải ngoại.
Pháp có tổng diện tích 643.801 km2, dân số gần 67,3 triệu người (năm 2018), thủ đô là thành phố Paris.
Trong thời đại đồ sắt (Iron Age), bắt đầu vào thế kỷ 12 trước Công nguyên (TCN), nước Pháp (không kể phần lãnh thổ hải ngoại) là nơi cư trú của bộ tộc người Gaulois thuộc Celt, là nhóm các bộ tộc đa dạng ở châu Âu.
Người La Mã (Roma) thống trị khu vực từ năm 51 TCN đến năm 476 sau Công nguyên. Từ năm 476, người Frank thuộc nhóm bộ tộc Germain, sống tại hạ lưu và trung lưu sông Rhine đã chinh phục vùng đất, thành lập Vương quốc Pháp (Kingdom of Francia).
Pháp nổi lên thành một đế chế hùng mạnh tại châu Âu vào cuối thời Trung Cổ, thế kỷ 14 và 15. Việc giành thắng lợi trong cuộc Chiến tranh Trăm năm (1337-1453, giữa Anh và Pháp) giúp Pháp củng cố quốc gia và tập trung hóa chính trị.
Trong thời kỳ Phục Hưng (thế kỷ 15 đến 17) văn hóa Pháp phát triển mạnh mẽ và nước Pháp dần trở thành một trong những đế quốc thực dân toàn cầu (Grande France).
Dưới thời vua Louis 14 (trị vì 1643 – 1715, còn gọi là Vua Mặt trời) Pháp trở thành thế lực chi phối văn hoá, chính trị và quân sự tại châu Âu.
Đến cuối thế kỷ 18, Cách mạng Pháp lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, lập nên một trong các nền cộng hoà sớm nhất trong lịch sử hiện đại. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền, nền tảng của cuộc Cách mạng và biểu thị ý thức hệ của nước Pháp thời bấy giờ vẫn tiếp tục là đức tin mãnh liệt cho đến ngày nay.
Trong thế kỷ 19, hoàng đế Napoléon Bonaparte (trị vì năm 1804- 1814) lập ra Đệ nhất Đế chế Pháp (First French Empire) và tiến hành các cuộc chiến tranh tại châu Âu. Sau khi Đế chế Pháp sụp đổ, Pháp trải qua giai đoạn các chính phủ kế tiếp nhau với đỉnh cao là thành lập Đệ tam Cộng hòa Pháp (French Third Republic) vào năm 1870. Trong thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, Pháp đã trở thành đế quốc thực dân lớn thứ 2 thế giới sau đế quốc Anh.
Nước Pháp là một bên tham chiến chính trong Chiến tranh Thế giới I, và giành được phần thắng. Trong Chiến tranh Thế giới II, Pháp thuộc khối Đồng Minh, bị phe Trục (Đức, Ý, Nhật) chiếm đóng vào năm 1940 và được giải phóng vào năm 1944. Đệ tứ Cộng hòa Pháp (French Fourth Republic) được thành lập năm 1946, song sau đó bị giải thể trong chiến tranh Algérie vào năm 1958. Nền Đệ ngũ Cộng hoà (Fifth Republic) dưới quyền của tổng thống Charles de Gaulle (tại vị năm 1959 – 1969) được thành lập vào năm 1958 và tồn tại cho đến ngày nay.
Hiện tại, Pháp được phân thành thành 18 vùng hành chính, gồm 13 vùng tại chính quốc và 5 vùng hải ngoại. Mỗi vùng chia thành 2 đến 18 tỉnh. Mỗi vùng hải ngoại tương đương 1 tỉnh.
Pháp thuộc nhóm Quốc gia phát triển và từ lâu đã có vị thế là một trung tâm của thế giới về nghệ thuật, khoa học và triết học, có số Di sản thế giới nhiều thứ 3 tại châu Âu (số liệu đến năm 2019: Ý 55 Di sản; Tây Ban Nha 48, Đức 46, Pháp 45).

Bản đồ nước Pháp và vị trí thành phố Bourges
Bourges là một thị trấn tại Vùng Trung tâm (Centre-Val de Loire/ Région Center, một trong 18 vùng hành chính của Pháp) và là thủ phủ của tỉnh Cher. Thị trấn có diện tích 68,74km2, dân số 64 ngàn người (năm 2019).
Bourges có một lịch sử lâu đời, là một thành phố Avaricum (thành phố nói tiếng Latinh) của La Mã cổ đại, một trong những cộng đồng Cơ đốc giáo đầu tiên của người Gaul (một khu vực của Tây Âu, bao gồm Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và một phần của Thụy Sĩ, Đức và Bắc Ý ngày nay).
Rome đã xây dựng thành phố Avaricum này như một thị trấn La Mã, rộng khoảng 40ha với một cổng hoành tráng, đường dẫn nước, nhà tắm hơi, hội trường và những bức tường thành bằng đá đồ sộ bao quanh.
Từ cuối thế kỷ 12 (năm 1195) đến thế kỷ 13 (khoảng năm 1230), Nhà thờ Bourges hay Nhà thờ thánh Saint Etienne, dành riêng cho vị tử đạo Kitô giáo đầu tiên đã được xây dựng. Tương truyền, Nhà thờ được xây dựng trên nền một nhà thờ vào thế kỷ thứ 3 hoặc một nhà thờ kiểu La Mã có từ thế kỷ 11, được mở rộng vào giữa thế kỷ 12 (một số yếu tố kiến trúc bên ngoài và tác phẩm điêu khắc đã được sử dụng lại trong Nhà thờ hiện nay).
Nhà thờ Bourges ngày nay được xây dựng dưới sự chỉ đạo Đức Tổng Giám mục Henri de Sully (năm 1183- 1199) và được tài trợ bởi cả số tiền quyên góp lớn của chính ông cùng các nhà quyên góp khác.
Nhà thờ được xây dựng vào năm 1195 – 1230 theo phong cách High Gothic (đỉnh cao của phong cách kiến trúc Gothic, xuất hiện ở miền bắc nước Pháp từ khoảng năm 1195- 1250, được đặc trưng bởi chiều cao, sự hài hòa, đường nét tinh tế, tác phẩm điêu khắc chân thực, cửa kính màu lớn, đặc biệt là cửa sổ tròn và cửa sổ rộng tại phía trên tạo nội thất tràn ngập ánh sáng) và phong cách kiến trúc Romanesque (Romanesque architecture, một phong cách kiến trúc châu Âu thời Trung cổ với đặc điểm là những mái vòm hình bán nguyệt).
Việc xây dựng hoàn thiện Nhà thờ tiếp tục cho đến năm 1259.
Nhà thờ thánh Saint Etienne là trụ sở của Tổng Giám mục Bourges.

Nhà thờ St Etienne tại Bourges, Pháp (phía sau ảnh), được miêu tả trên bức tranh ở thế kỷ 15
Nhà thờ lớn Bourges là một trong những tuyệt tác vĩ đại của nghệ thuật Gothic và được ngưỡng mộ về tỷ lệ cũng như sự thống nhất trong thiết kế.
Những bức tường trang trí phía trên lối vào (Tympanum), tác phẩm điêu khắc và cửa sổ kính màu của Nhà thờ đặc biệt nổi bật. Ngoài vẻ đẹp của kiến trúc, công trình còn là bằng chứng cho sức mạnh của Cơ đốc giáo tại Pháp thời trung cổ.
Cấu trúc xây dựng của Nhà thờ lớn Bourges đơn giản và hài hòa. Đó là một vương cung thánh đường với 5 nhịp và Nhà nguyện bao quanh. Tường phía ngoài tại phía bắc, nam và đông của Nhà thờ được gia cố bởi các trụ tường lớn (Buttess Pies) tạo thành hệ khung sườn (Flying Buttress) để nhận tải trọng xiên từ mái vòm và chuyển thành tải trọng đứng truyền xuống móng, cho phép xây dựng các bức tường cao hơn, có thể mở cửa rộng và cung cấp ánh sáng đồng đều khắp Gian giữa và hành lang hai bên.
Đặc điểm đáng chú ý nhất của Nhà thờ là trang trí của các bức tường và sự thống nhất của không gian bên trong. Các tác phẩm điêu khắc tại bức tường (Tympanum) phía trên lối vào tại Mặt tiền phía bắc và phía nam; phía trên lối vào tại trung tâm Mặt tiền phía tây, đặc biệt là bức phù điêu mang mang tên Phán xét cuối cùng (Last Judgement) và những tác phẩm điêu khắc trên tường khác là những ví dụ nổi bật của nghệ thuật Gothic. Các thế kỷ tiếp theo đã để lại dấu ấn tại Nhà thờ với bộ sưu tập lớn cửa sổ kính màu, như một bộ bách khoa toàn thư về nghệ thuật này vào thế kỷ 14, 15 và 16.
Nhà thờ Bourges tại Department of Cher, Centre Region, Pháp, được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1992) với tiêu chí:
Tiêu chí (i) : Nhà thờ lớn Bourges có tầm quan trọng đáng kể trong sự phát triển của kiến trúc Gothic và là biểu tượng cho sức mạnh của Cơ đốc giáo tại Pháp thời trung cổ. Tuy nhiên, sự đặc sắc của công trình nằm ở vẻ đẹp nổi bật, kết hợp quản lý không gian một cách thuần thục với tỷ lệ hài hòa và trang trí chất lượng cao nhất.
Tiêu chí (iv) : Mặc dù Nhà thờ lớn Bourges nằm ngoài dòng chính của kiến trúc Gothic Pháp, được đại diện bởi Nhà thờ lớn St Denis, Paris, Chartres hay Amiens, nhưng công trình đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến giá trị kiến trúc của các nhà thờ lớn theo phong cách này. Với sự thống nhất trong thiết kế, sự tích hợp khéo léo các không gian và cách xử lý ánh sáng, công trình là một ví dụ nổi bật của một kiểu kiến trúc nhà thờ.


Phạm vi Di sản và vùng đệm Nhà thờ St Etienne tại Bourges, Pháp
Cấu trúc xây dựng
Kích thước
Nhà thờ lớn Bourges hay Nhà thờ thánh Saint Etienne tại Bourges được xếp hạng trong số những nhà thờ Gothic đẹp nhất của Pháp.
Kích thước của công trình so với một số nhà thờ nổi tiếng khác:
Tổng diện tích sàn: 5.900 m2 (Nhà thờ Amiens: 7.700 m2, Reims: 6.640 m2).
Tổng chiều dài: 125 m (Nhà thờ Reims: 149,2 m, Amiens: 145,0 m, Notre-Dame de Paris: 130,0 m).
Chiều rộng của Mặt tiền phía Tây: 55 m hoặc 73,4 m bao gồm cả trụ tường (Nhà thờ Rouen: 61,6m, Reims: 48,8 m).
Chiều cao Gian giữa: 37,15 m (Nhà thờ Beauvais: 48,5 m, Amiens: 42,3 m, Metz: 41,4 m, Reims: 38,0 m).
Chiều cao tháp: 65 m và 53 m (Nhà thờ Strasbourg: 142 m, Orléans: 88 m, Rouen: 82 và 75 m, Reims: 81,5 m).
Đường kính của Cửa sổ hoa hồng tại Mặt tiền chính phía Tây: 9 m (Nhà thờ Notre-Dame de Paris: 13,1 m, Reims: 12,5m).

Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ Bourges, Pháp

Sơ đồ mặt cắt ngang Nhà thờ Bourges, Pháp
Bố cục
Nhà thờ lớn Bourges có quy mô lớn, nằm chếch theo hướng đông tây. Lối vào chính từ phía tây.
Nhà thờ Bourges đáng chú ý bởi sự đơn giản trong mặt bằng, không có Gian ngang (Transept) nhưng bố trí hai khối Cổng tại mặt phía bắc và nam.
Vòng quanh Gian Hợp xướng (Choir) và Ban thờ là một Hành lang kép (Ambulatory). Hành lang bên trong có mái vòm cao hơn hành lang phía ngoài.
Mặt bằng Nhà thờ có 5 nhịp. Nhịp chính giữa rộng, hai bên có 2 nhịp phụ hẹp. Phân chia bước gian là hệ thống với 4 hàng cột đỡ hệ thống mái vòm phía trên. Chiều cao của cột lớn 17m; Đường kính cột lớn 1,61m, cột nhỏ 1,40m.
Tại Nhịp biên, phân chia bước gian là các Trụ tường lớn (Buttess Pies). Các trụ tường với thanh chống xiên này tạo thành Hệ khung sườn (Flying Buttress) để nhận tải trọng xiên từ mái vòm và chuyển thành tải trọng đứng truyền xuống phần tường dưới và móng. Qua đó cho phép các bức tường bao che mỏng hơn và không gian rộng hơn để bố trí cửa sổ. Giữa các trụ tường lớn này bố trí các nhà nguyện nhỏ.
Mặt tường Gian giữa và hai Gian bên (không kể mặt tường Gian ngoài cùng) theo chiều cao đều được phân thành 3 phần tương tự nhau: Vòm tường phía dưới (Arcade); Phòng phía trên các hành lang (Triforium); Cửa sổ trên cao (Clerestory).
Vật liệu xây dựng
Vật liệu xây dựng của Nhà thờ chủ yếu bằng đá, được khai thác tại mỏ đá cách Bourges vài chục km về phía nam và đông.

Phối cảnh phía tây Nhà thờ Bourges, Pháp

Phối cảnh phía bắc Nhà thờ Bourges, Pháp

Phối cảnh phía nam Nhà thờ Bourges, Pháp

Phối cảnh phía đông Nhà thờ Bourges, Pháp
Mặt tiền
Mặt tiền phía tây
Mặt tiền phía tây (Western Façade), lối vào chính của Nhà thờ, có quy mô đặc biệt hoành tráng so với các nhà thờ khác cùng thời.
Mặt tiền phía tây của Nhà thờ nổi bật bởi các cổng ra vào, tháp chuông và đầu hồi của Gian hội trường.
Phía tây của Nhà thờ có 5 cổng, 1 cổng chính giữa và 4 cổng bên cạnh, nhiều hơn cả Nhà thờ Đức Bà Paris
(Notre-Dame de Paris) hay bất kỳ nhà thờ lớn nào khác cùng thời.
Từ bắc xuống nam gồm:
Cổng St Guillaume (Portail of St Guillaume), nằm tại rìa phía bắc, đi bên dưới Tháp chuông.
Cổng Virgin (Potal of the Virgin).
Cổng Trung tâm (Central Portal) hay Cổng gọi theo tên bức phù điêu “Phán xét cuối cùng” (Last Judgement portal), được dựng vào năm 1240.
Cổng St Etienne (Portal of St Etienne).
Cổng St Ursinus of Bourges (Portal of St Ursinus), nằm tại rìa phía nam, đi bên dưới Tháp chuông.
Chính giữa mỗi cổng có một trụ (Trumeau) đỡ mảng tường (Tympanum) hình bán nguyệt hoặc tam giác phía trên cửa, bao quanh bởi một lanh tô và vòm cửa. Mảng tường (Tympanum) được trang trí bởi các tác phẩm điêu khắc theo phong cách La Mã từ khoảng năm 1160 – 1170, minh họa sự kiện trong Kinh thánh và cuộc đời của một số vị thánh, trong đó có Thánh Stephen, vị thánh bảo trợ của Nhà thờ; Thánh Ursinus, một vị thánh địa phương và là giám mục đầu tiên của giáo phận.
Ban đầu, tất cả các tác phẩm điêu khắc trên Mặt tiền phía tây được sơn bằng nhiều màu sắc khác nhau.

Mặt tiền phía tây với 5 cổng, Nhà thờ Bourges, Pháp

Cổng St Guillaume (Portail of St Guillaume), Nhà thờ Bourges, Pháp

Cổng Virgin (Potal of the Virgin), Nhà thờ Bourges, Pháp

Cổng Trung tâm (Central Portal) hay Cổng Phán xét cuối cùng (Last Judgement portal), Nhà thờ Bourges, Pháp

Tác phẩm điêu khắc Ngày phán xét cuối cùng (Last Judgment) trên Cổng trung tâm, Nhà thờ Bourges, Pháp

Cổng St Etienne (Portal of St Etienne), bên trái ảnh và Cổng St Ursinus of Bourges (Portal of St Ursinus of Bourges), bên phải ảnh; Nhà thờ Bourges, Pháp

Trang trí máng thoát nước hình con thú, Mặt tiền phía tây, Nhà thờ Bourges, Pháp
Hai tháp chuông
Mặt tiền phía tây có hai tháp chuông với chiều cao và trang trí khác hẳn nhau.
Tháp chuông phía bắc (North Tower) là tòa tháp đã hoàn thành và cao hơn so với Tháp phía nam.
Tháp cao 65m. Leo lên đỉnh tháp bằng cầu thang rộng với 396 bậc.
Tháp được trang trí theo phong cách Gothic rực rỡ (Flamboyant), gồm vô số các chi tiết trang trí và đồ sành sứ, cũng như các bản sao của các bức tượng thế kỷ 13 được lắp đặt trong các hốc tường. Trên cùng là một chiếc đèn lồng có hình một con bồ nông lớn bằng đồng, được dựng từ thế kỷ 16 cùng với việc tu bổ Tháp.
Tòa tháp chứa 6 quả chuông, có niên đại từ thế kỷ 19 và 20. Quả chuông lớn nhất đường kính 2,13m và nặng 6,08 tấn, được đúc vào năm 1841–1842.

Tháp phía bắc, Nhà thờ Bourges, Pháp
Tháp chuông phía nam (South Tower) cao 53m, thấp hơn Tháp phía bắc và chưa hoàn thành theo thiết kế, do móng không ổn định. Ban đầu Tháp chứa những chuông lớn của Nhà thờ. Sau đó chuông bị loại bỏ và nấu chảy để lấy đồng. Do vậy Tháp còn có tên là Tháp im lặng ("Le Muette").
Tháp đã được gia cố vào năm 1314 với một khối trụ lớn (Supporting pillar) ở bên sườn phía nam. Khối trụ cao 2 tầng. Tầng dưới một phần để trống, có thể đi xuyên qua, nơi bố trí cầu thang và một nhà tù nhỏ do Phân hội Nhà thờ điều hành. Phòng phía trên sử dụng làm văn phòng.

Tháp phía nam và khối trụ đỡ (bên phải ảnh), Nhà thờ Bourges, Pháp
Phần trung tâm của Mặt tiền phía tây
Phần trung tâm của Mặt tiền phía tây, phía trên Cổng và giữa hai Tòa tháp được gọi là Tòa nhà lớn (Grand Housteau).
Phần này được trang trí muộn hơn các phần khác của Mặt tiền phía tây, được xây dựng lại vào thế kỷ 16 theo phong cách Gothic rực rỡ (Flamboyant). Đây là một dạng kiến trúc Gothic muộn phát triển ở châu Âu từ khoảng năm 1375 đến giữa thế kỷ 16, được đặc trưng bởi các đường cong kép, bằng các thanh đá, tạo thành gờ trang trí có hình dạng phức tạp trong cửa sổ, hỗ trợ cho các ô kính (thường được gọi là cửa hoa hồng / rose window). Đường kính của Cửa sổ hoa hồng lớn là 9m.
Chiều cao ấn tượng của Grand Housteau và Cửa sổ hoa hồng cũng chính là chiều của của Gian giữa phía sau.

Phần trung tâm của mặt tiền phía tây (Grand Housteau) và Cửa sổ hoa hồng, Nhà thờ Bourges, Pháp
Mặt tiền phía bắc và nam
Mặt tiền phía nam được phân định bởi các Trụ tường lớn (Buttess Pies), phân bố theo bước gian. Phía trên các Trụ tường là phần tường trang trí, dạng dật bậc với đỉnh tháp nhọn.
Bề mặt tường được phân thành 3 tầng.
Tầng dưới thấp (tương đương với phần hành lang ngoài cùng) là phần các nhà nguyện bố trí giữa các Trụ tường với các cửa sổ vòm nhọn.
Tầng trung gian (tương đương với phần hành lang cạnh nhịp chính của Gian Hội trường) với các cửa sổ vòm rộng tại Gian Hội trường và cửa sổ hẹp tại Gian Hợp xướng và Ban thờ.
Tầng trên cùng (tương đương với phần nhịp chính) với các cửa sổ vòm rộng, bên trong có 3 của sổ hẹp vòm nhọn với phần trên là trang trí hình Hoa hồng (Cửa sổ trên cao/ Clerestory).
Mái của Nhà thờ dạng mái dốc đứng, có lan can rỗng bao quanh và được trang trí bằng một tháp nhỏ tại vị tri phân chia bước gian.
Không giống như hầu hết các nhà thờ High Gothic khác, Nhà thờ Bourges không có cửa vào Gian ngang, nhưng có Khối cổng, nằm tại vị trí giữa, theo chiều dài của Gian giữa và nhô ra khỏi tường, là lối đi dành riêng cho các giáo sĩ. Khối cổng có mặt bằng hình vuông, bề rộng bằng bề rộng bước gian của Gian Hội trường. Khối cổng này chứa các dấu tích theo phong cách La Mã (Romanesque architecture), đặc biệt là các trụ giữa cửa (Trumeau) hình tượng người, có niên đại khoảng năm 1150–1160.
Kề liền với Khối cổng phía nam là Nhà nguyện Sacre Coeur với mặt bằng hình bán tròn.
Đầu phía tây của Mặt tiền phía nam là khối trụ nhô ra đỡ Tháp chuông phía nam của Nhà thờ. Khối trụ cao 2 tầng. Tầng dưới có một phần trống có thể đi xuyên qua.

Cột hình tượng người và trang trí mảng tường (Tympanum) phía trên Khối cổng tại Mặt tiền phía nam, Nhà thờ Bourges, Pháp
Mặt tiền phía bắc, đối diện với thành phố, có bố cục tương tự như Mặt tiền phía nam với Tháp chuông và hệ thống cửa sổ theo 3 khối tầng của Nhà thờ.
Giống như Khối cổng phía nam, Khối cổng phía bắc được trang trí bằng các bức tượng cột và các tác phẩm điêu khắc có từ thời La Mã. Phía trên Khối cổng là một cửa sổ tròn không có kính được trang trí bằng các tác phẩm điêu khắc đầu các con thú thần thoại. Mái nhà trên Khối cổng phía bắc bị hỏa hoạn vào năm 1559 và được thay thế bằng mái tôn. Toàn bộ Khối cổng được trang trí xa hoa với tác phẩm điêu khắc hình học và thực vật phức tạp.
Tại Mặt tiền phía bắc còn có phòng Chuẩn bị áo lễ (Sacristie du Chapitre) nhô ra tương tự như Khối cổng.

Khối cổng tại Mặt tiền phía bắc, Nhà thờ Bourges, Pháp

Trang trí cửa của Khối cổng tại Mặt tiền phía bắc, Nhà thờ Bourges, Pháp
Mặt tiền phía đông
Mặt tiền phía đông của Nhà thờ (phía sau Ban thờ), tương tự như Mặt tiền phía bắc và nam, được nhấn mạnh trước hết bởi các Trụ tường lớn (Buttess Pies) với thanh chống xiên hay Hệ khung sườn (Flying Buttress).
Hình khối Mặt tiền phía đông cũng dật bậc theo 3 tầng.
Tầng dưới thấp, tương đương với phần hành lang ngoài cùng (Ambulatory) được phân chia bởi các Trụ tường (Buttess Pies) với các cửa sổ vòm nhọn. Xen kẽ giữa các cửa sổ là 5 khối Nhà nguyện (Chevet/ Apse) dạng bán tròn. Mái nhà nguyện dạng chóp nhọn.
Tầng trung gian (tương đương với phần hành lang cạnh Ban thờ) với các cửa sổ hẹp và các vòm không có cửa (Blind arch).
Tầng trên cùng (tương đương với Ban thờ và nhịp chính) với các cửa sổ vòm rộng, bên trong có 2 của sổ hẹp vòm nhọn với phần trên là trang trí hình Hoa hồng với 6 cánh nhỏ (Cửa sổ trên cao/ Clerestory).

Mặt tiền phía đông Nhà thờ Bourges, Pháp
Nội thất
Tiền phòng
Tiền phòng (Ante- Room): Được giới hạn bởi 2 Tháp chuông phía bắc, nam và các khối trụ tường lớn, gồm 1 bước gian và 5 nhịp nhà, trong đó có một nhịp trùng với Tháp chuông phía bắc và nam.
Gian giữa hay Hội trường
Gian giữa (Nave), giữa đầu phía tây và Gian hợp xướng (Choir), chiếm phần lớn nội thất, gồm 12 bước gian và 1 gian bán tròn của Ban thờ, trong đó Gian hợp xướng, khu vực dành riêng cho giáo sĩ, chiếm 4 bước gian.
Phía sau Ban thờ là một hành lang kép (hai nhịp) dạng bán tròn, xung quanh là các Nhà nguyện (Chevet / Apse).
Nhà thờ Bourges được chú ý nhờ không gian nội thất rộng lớn và thống nhất; không có sự phân chia không gian giữa phần phía tây và phía đông.
Gian giữa của Nhà thờ Bourges rất ấn tượng.
Trần vòm tại nhịp chính ở Gian giữa cao 37,15 m. Chiều cao nhịp tiếp giáp với nhịp chính là 21,3m và nhịp ngoài cùng là 8,6m.
Nhà thờ có 4 hàng cột, phân chia nhịp nhà.
Các cột của mái vòm cao 21m, hơn một nửa chiều cao Gian giữa (37,15m) tính đến đỉnh vòm mái.
Gian giữa được phủ bởi hệ thống Vòm có sườn (Sexpartite vault, với mỗi ô vòm được chia thành 6 khoang, bởi hai sườn chéo và 3 sườn ngang).
Hai cột trụ đầu tiên của nhịp giữa, tại phía tây (ranh giới giữa Tiền phòng và Gian giữa), có kích thước đặc biệt lớn. Mỗi cột có tới 21 gờ trụ.
Tường bên trong Gian giữa chia thành 3 tầng: Tầng thấp là dãy các Vòm tường; tầng giữa là Phòng trưng bày phía trên các hành lang (Triforium); Tầng trên là dãy Cửa sổ trên cao Clerestory.
Vào thời Trung cổ, Gian Hợp xướng được sử dụng riêng bởi các giáo sĩ và được ngăn cách với Gian giữa bằng một tấm bình phong trang trí. Gian Hợp xướng đã được tu sửa lại vào thế kỷ 18.

Nội thất Gian giữa, nhìn về phía đông (Ban thờ), Nhà thờ Bourges, Pháp

Ban thờ, Hành lang xung quanh và Nhà nguyện (Apse) tại phía đông, Nhà thờ Bourges, Pháp

Hệ thống cột đỡ mái vòm tại Nhịp giữa và Nhịp hai bên, Nhà thờ Bourges, Pháp

Mái vòm tại Nhịp giữa, Nhà thờ Bourges, Pháp


Phân chia tường theo chiều cao bên trong Nhà thờ Bourges, Pháp: Phần dưới thấp là vòm tường (Arcade); phần giữa là không gian phía trên hành lang (Triforium) và phần trên cao là cửa sổ (Clerestory)
Nhà nguyện
Nhà thờ Bourges có nhiều Nhà nguyện (Apse), được xây dựng qua nhiều thế kỷ, nằm tại khoảng trống giữa các trụ tường và dọc theo Hành lang (Ambulatory) phía sau Ban thờ.
Có 5 Nhà nguyện (Chevet/ Apse) tại phía sau Ban thờ với mặt bằng bán tròn.
Có 13 Nhà nguyện nằm dọc theo phía ngoài nhà: 7 Nhà nguyện tại phía bắc và 6 Nhà nguyện tại phía nam.
Nhà nguyện thường chứa các ngôi mộ của các vị thánh hoặc những người hiến tặng tiền, đồ vật cho Nhà thờ.
Một số Nhà nguyện nổi tiếng gồm:
Nhà nguyện Thánh Jean Baptiste nằm tại phía bắc của Nhà thờ, được xây dựng từ năm 1467 – 1479. Bên trong Nhà nguyện chứa nhiều loại tranh tường phong phú và kính màu thế kỷ 15. Tất cả các kiến trúc được sơn, mạ vàng và trang trí xa hoa.
Nhà nguyện Sainte Anne, nằm tại phía nam của Nhà thờ. Nhà nguyện được tặng bởi một trong những thành viên của gia đình thương gia giàu có. Tại đây có tấm kính màu mô tả gia đình của người hiến tặng, được chế tạo vào năm 1532.
Nhà nguyện Notre-Dame La Blanche, nằm tại trung tâm của Hậu đường ở cuối phía đông của Nhà thờ, là ví dụ điển hình về tác phẩm điêu khắc thế kỷ 15.
Nhà nguyện Jacques Coeur (Sacre Coeur), là một trong những nhà tài trợ chính cho Nhà thờ, nằm tại phía nam, được xây dựng vào năm 1448 để chứa lăng mộ của Coeur. Cửa sổ Nhà nguyện là một trong những tác phẩm kính màu đẹp nhất của thế kỷ 15, được làm vào những năm 1450, mô tả một sự tích trong Kinh thánh. Ngoài ra tại đây còn có các bức tranh tường mang tính biểu tượng của thế kỷ 15, mô tả sự tích trong Kinh thánh và vinh danh các vị vua.

Nhà nguyện bố trí dọc theo hành lang vòng quanh Ban thờ, Nhà thờ Bourges, Pháp
Hầm mộ và Đồng hồ thiên văn
Hầm mộ (Crypt) của Nhà thờ Bourges là một trong những hầm mộ lớn nhất ở Pháp. Bao gồm một không gian trung tâm với hai hành lang bao quanh. Đó thực sự là một nhà thờ ngầm. Phần hầm mộ này là phần còn sót lại của Nhà thờ La Mã được xây dựng từ những năm 1200. Trần hầm mộ hình vòm, cao 3,6m, được đỡ bởi các cây cột lớn có đường kính 2,1m, 7 vòm và bức tường dày 3m có cửa sổ hình mũi mác.
Hầm mộ như một bảo tàng lưu giữ nhiều di tích khác nhau: Những tác phẩm điêu khắc trước đây được trang trí trên mặt tiền của Nhà thờ; Tác phẩm điêu khắc tại Lăng mộ của hoàng gia; Lăng mộ các tổng giám mục của Bourges; Lăng mộ của một số thương gia nổi tiếng và là những người tài trợ lớn cho Nhà thờ; Các bức bình phong phân chia Gian Hội trường và Gian Hợp xướng.
Ngôi mộ nổi tiếng bên trong Hầm mộ là mộ của John, Công tước xứ Berry (John, Duke of Berry, năm 1340 - 1416). Công tước là một nhà sưu tập nghệ thuật nổi tiếng thời bấy giờ. Ngôi mộ cũng là một tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch, được thực hiện từ năm 1391- 1397. Dưới chân mộ là một con gấu (biểu tượng của Công tước) bị xiềng xích và bịt mõm.

Hệ thống cột đỡ vòm bên trong Hầm mộ, Nhà thờ Bourges, Pháp

Mộ Công tước xứ Berry trong Hầm mộ, Nhà thờ Bourges, Pháp
Trong Hầm mộ hiện lưu giữ Đồng hồ thiên văn của Nhà thờ Bourges. Đồng hồ được lắp đặt lần đầu tiên vào năm 1424. Đồng hồ có hai mặt số, mặt trên được bổ sung vào thế kỷ 19 để hiển thị thời gian phút và giờ với độ chính xác cao, với sai số là một giây trên 150 năm; mặt dưới hiển thị chòm sao nổi bật trên bầu trời đêm, tuần trăng và cung hoàng đạo.
Đồng hồ được đại tu hoàn toàn vào năm 1872. Đồng hồ bị hư hỏng do hỏa hoạn vào năm 1986 và sau đó được khôi phục lại vào năm 1994.

Đồng hồ thiên văn thế kỷ 15 được lưu giữ tại Nhà thờ Bourges, Pháp
Đại phong cầm
Đại phong cầm hay Đàn organ ban đầu của Nhà thờ nằm dưới Cửa sổ hoa hồng ở bên trong Mặt tiền phía tây, bị phá hủy vào năm 1506, do Tháp chuông phía nam sụp đổ. Đàn được thay thế bằng nhạc cụ mới vào năm 1663, được sửa đổi, mở rộng nhiều lần, lần gần đây nhất vào năm 1985 (với 2500 ống đàn, 4 bàn phím).

Đại phong cầm tại phần tường phía tây của Nhà thờ Bourges, Pháp
Kính màu
Kính màu thế kỷ 13 và 14
Nhà thờ Bourges đặc biệt được chú ý nhờ kính màu thế kỷ 13, đặc biệt là các cửa sổ trong Nhà nguyện (Apse) tại phía sau Ban thờ. Các cửa kính này được thực hiện vào năm 1215, nằm hầu hết tại tầng trệt, như là cuốn sách miêu tả sự tích kinh thánh, hiển thị các câu chuyện ngụ ngôn về đời sống con người.
Một trong những cửa sổ nổi tiếng nhất trong thời kỳ này là Cửa sổ Joseph (Patriarche Joseph) nằm bên phải Nhà nguyện Saint Francis of Sales. Kính cửa sổ mô tả các sự kiện trong cuộc đời Thánh Joseph, các câu chuyện ngụ ngôi và sự kiện liên quan đến Nhà thờ.
Các cửa sổ phía trên Gian giữa và lối đi phụ đều được lắp kính để cung cấp ánh sáng tối đa và để trang trí. Các cửa kính tại đây có các trang trí biểu tượng có liên quan đến sự tích kinh thánh, buỗi lễ phong thánh và cuộc sống thường nhật…
Tại Phần trung tâm của Mặt tiền phía tây (Grand Housteau) có một cửa sổ hoa hồng, hình thành từ năm 1392, cửa kính có thiết kế hình học kết hợp hình tượng mô tả sự tích kinh thánh, các vị thánh và chim bồ câu.

Cửa sổ kinh màu mô tả các sự kiện trong cuộc đời Thánh Joseph, tại phía đông Nhà thờ Bourges, Pháp
Kính màu thế kỷ 15, 16
Một số cửa sổ từ thế kỷ 15 và 16 được tìm thấy trong các Nhà nguyện. Các cửa sổ này thể hiện ảnh hưởng của thời kỳ Phục hưng, gần với các bức tranh hơn nhiều so với các cửa sổ trước đó, với tính hiện thực cao hơn và việc sử dụng phối cảnh. Một trong những ví dụ điển hình nhất gồm:
Cửa sổ Truyền tin thuộc Nhà nguyện Jacques Coeur (nằm tại phía nam Nhà thờ), được thực hiện vào năm 1448 – 1450.
Cửa sổ miêu tả cuộc đời của Thánh Denis tại Nhà nguyện Saint Joan of Arc (nằm tại phía bắc Nhà thờ), được thực hiện vào năm 1517.
Cửa sổ miêu tả 12 sứ đồ bên trong một bối cảnh kiến trúc phức tạp tại Nhà nguyện Notre Dame de Sales, ở phía nam của Gian giữa, được thực hiện vào thế kỷ 15.

Cửa sổ kính màu mang tên Truyền tin tại Nhà nguyện Jacques Coeur, Nhà thờ Bourges, Pháp

Cửa sổ kính màu miêu tả cuộc đời Thánh Denis tại Nhà nguyện Saint Joan of Arc, Nhà thờ Bourges, Pháp

Cửa sổ kính màu miêu tả 12 sứ tông đồ tại Nhà nguyện Notre Dame de Sales, Nhà thờ Bourges, Pháp
Di sản Nhà thờ St Etienne of Bourges, được xây dựng từ cuối thế kỷ 12 đến cuối thế kỷ 13, là một trong những kiệt tác vĩ đại của nghệ thuật Gothic và được ngưỡng mộ vì tỷ lệ cũng như sự thống nhất trong thiết kế. Tại đây, các mảng tường trang trí phía trên cổng, tác phẩm điêu khắc và cửa sổ kính màu đặc biệt nổi bật. Ngoài vẻ đẹp của kiến trúc, Nhà thờ Bourges còn là minh chứng cho sức mạnh của Kitô giáo ở Pháp thời trung cổ.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://whc.unesco.org/en/list/635/
https://en.wikipedia.org/wiki/France
https://en.wikipedia.org/wiki/Bourges_Cathedral
https://en.wikipedia.org/wiki/Gothic_cathedrals_and_churches
https://frenchmoments.eu/bourges-cathedral/
https://fr.wikipedia.org/wiki/Cath%C3%A9drale_Saint-%C3%89tienne_de_Bourges
https://www.worldhistory.org/Bourges_Cathedral/
https://www.newworldencyclopedia.org/entry/Bourges_Cathedral
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|