Tuần 37 - Ngày 20/04/2025
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Lăng mộ Thracia tại Kazanlak, Stara Zagora, Bulgaria |
20/02/2021 |

Thông tin chung:
Công trình: Lăng mộ Thracia tại Kazanlak (Thracian Tomb of Kazanlak)
Địa điểm: Kazanlak, tỉnh Stara Zagora, Bulgaria (N42 37 0 E25 23 60)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 0,0155 ha; diện tích vùng đệm 7,09 ha
Năm xây dựng:
Giá trị: Di sản thế giới (1979; hạng mục ii, iii, iv)
Bulgaria là một quốc gia ở Đông Nam Châu Âu, phía bắc giáp với Romania, phía tây giáp Serbia và North Macedonia, phía nam giáp Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, phía đông Biển Đen.
Bulgaria có diện tích rộng 110.994 km2, dân số 6,95 triệu người (năm 2019). Thủ đô và thành phố lớn nhất là Sofia.
Vùng đất ngày nay thuộc Bulgaria đã có người định cư từ 6500 năm trước Công nguyên (TCN).
Vào thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 3 TCN, khu vực này là chiến trường của người Thracia cổ đại, người Ba Tư (Persians), người Celt và người Macedonia.
Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN đến 467 sau Công nguyên) chinh phục vùng đất này vào năm 45 sau Công nguyên.
Đế chế Đông La Mã (Byzantine Empire, tồn tại năm 395–1453) đã mất lãnh thổ này vào người Slav (Early Slavs).
Người Bulgars đã khuất phục người Slav và thành lập Đế chế Bulgaria đầu tiên (First Bulgarian Empire, tồn tại năm 681–1018) vào năm 681. Đế chế này thống trị hầu hết vùng Balkan và ảnh hưởng đáng kể đến các nền văn hóa Slav bằng cách phát triển hệ thống chữ viết Cyrillic.
Đến đầu thế kỷ 11, Hoàng đế Byzantine Basil II (trị vì năm 976- 1025) chinh phục Đế chế Bulgaria. Năm 1185, những người Bulgaria nổi dậy và thiết lập một Đế chế Bulgaria thứ hai (Second Bulgarian Empire, tồn tại năm 1185–1396). Đế chế này đạt đến đỉnh cao dưới thời hoàng đế Ivan Asen II của Bulgaria (trị vì năm 1218–1241); tan rã vào năm 1396 và chịu sự thống trị của Đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ (Ottoman Empire, tồn tại năm 1299–1922) trong gần 5 thế kỷ.
Chiến tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1877-1878 dẫn đến sự hình thành Nhà nước Bulgaria thứ ba, Công quốc Bulgaria (Principality of Bulgaria, tồn tại năm 1878–1908), lệ thuộc vào Đế chế Ottoman.
Năm 1908, Bulgaria tuyên bố độc lập.
Ngày nay, Bulgaria chia thành 27 tỉnh và 1 tỉnh thủ đô (Sofia-Grad).

Bản đồ Bulgaria và vị trí tỉnh Stara Zagora
Kazanlak là một thành phố ở tỉnh Stara Zagora, nằm giữa vùng đồng bằng cùng tên, dưới chân dãy núi Balkan, ở cuối phía đông của Thung lũng Hoa hồng (Rose Valley). Thành phố có diện tích 3606,7ha, dân số khoảng 4,73 vạn người (năm 2011).
Khu định cư lâu đời nhất trong thành phố Kazanlak có từ thời kỳ Đồ đá mới (thiên niên kỷ 6 - 5 TCN).
Trong suốt thế kỷ 4 đến thế kỷ 3 TCN, Kazanlak thuộc vùng Thrace, là một khu vực địa lý và lịch sử ở Đông Nam châu Âu, ngày nay thuộc Bulgaria, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ; được giới hạn bởi dãy núi Balkan ở phía bắc, biển Aegeanở phía nam và Biển Đen ở phía đông.
Vùng đất Thrace nằm trong quyền thống trị của Vương triều Odrysian (Odrysian Kingdom, tồn tại năm 480 TCN – 30 TCN). Vương triều Odrysian là vương quốc lớn nhất của vùng Thrace và đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử của Thrace, thời kỳ Hy Lạp hóa.

Ranh giới của vùng đất Thrace ở Bulgaria, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay
Thủ đô của Vương triều Odrysian là thành phố Seuthopolis, được thành lập bởi vua Seuthes III (trị vì năm 324/325- 312/315 TCN).
Sau năm 1370, vùng đất này thuộc quyền cai trị của Đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ. Tên thành phố - Seuthopolis, theo tiếng Hy Lạp, đổi theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ là Kazanlık. Tên của thành phố Kazanlak ngày nay bắt nguồn từ tên gọi này.
Tàn tích của thành phố cổ Seuthopolis/Kazanlak được phát hiện khi xây dựng hồ chứa Koprinka (Koprinka Reservoir, thực hiện năm 1944- 1956), gần Kazanlak.
Nền văn hóa Thracia tại Kazanlak nổi tiếng với nghĩa địa có tên: Thung lũng của những vị vua Thracia (Valley of the Thracian Rulers). Người ta cho rằng, Thung lũng này có đến 1500 các gò mộ (Tumulus), trong đó mới chỉ có 300 gò mộ được nghiên cứu trong khoảng thời gian từ năm 1944 đến nay.
Một trong những gò mộ nổi tiếng nhất tại đây là Gò mộ Kazanlak (Kazanlak Tomb), được phát hiện vào năm 1944.
Ngôi mộ được xây dựng vào cuối thế kỷ 4 đến đầu thế kỷ 3 TCN có cấu trúc dạng “tổ ong” (Tholos Tomb).
Mộ bao gồm 1 phòng ngoài và 2 phòng trong với các bức tường được trang trí. Các bức tranh tường này là kiệt tác nghệ thuật được bảo tồn tốt nhất của Bulgaria từ thời kỳ Hy Lạp hóa.
Lăng mộ Thracia tại thành phố cổ Kazanlak là một công trình nghệ thuật và thẩm mỹ độc đáo, một kiệt tác về tinh thần sáng tạo của người Thracia. Lăng mộ là công trình duy nhất thuộc loại này ở bất kỳ đâu trên thế giới. Các bức bích họa trong Lăng mộ được bảo quản đặc biệt tốt.

Hình ảnh Thung lũng của những vị vua Thracia, tại Kazanlak, tỉnh Stara Zagora, Bulgaria
Lăng mộ Thracia tại Kazanlak, tỉnh Stara Zagora, Bulgaria, được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1979) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Lăng mộ Thracia tại Kazanlak là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của người Thracia.
Tiêu chí (iii): Các bức bích họa ở Kazanlak là bằng chứng đặc biệt cho trình độ văn hóa và nghệ thuật tượng hình bậc cao ở vùng Thracia.
Tiêu chí (iv): Các bức bích họa Kazanlak minh họa cho một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của nghệ thuật mai táng thời kỳ Hy Lạp hóa (Hellenistic Funerary Art).

Ranh giới phạm vi Di sản Lăng mộ Thracia tại Kazanlak, Stara Zagora, Bulgaria
Lăng mộ Thracia tại Kazanlak (thành phố cổ Seuthopolis), tỉnh Stara Zagora, Bulgaria nằm tại Thung lũng các vị vua Thracia hay Thung lũng hoa hồng (Rose Valley).
Thung lũng dài trung bình khoảng 95km, rộng 10-12km và cao hơn mực nước biển 300-400m. Ở phía bắc của thung lũng là dãy núi Balkan, có vai trò bảo vệ thung lũng khỏi những cơn gió lạnh phương Bắc. Ở phía nam là các khu rừng, gò đồi, có vai trò bảo vệ vùng đất linh thiêng này khỏi cuộc sống đô thị bên ngoài.
Tương tự như tại Thung lũng các vị vua ở Ai Cập, tại đây có rất nhiều gò mộ nằm dày đặc. Trong đó, mới chỉ có một phần được khám phá.
Lăng mộ Thracia tại Kazanlak nằm dưới một gò đất cao 7,2m so với xung quanh, đường kính 40m. Bên trong lăng mộ đã bị cướp phá.
Lăng mộ không được mở cửa. Một bản sao kích thước đầy đủ đã được xây dựng gần đó để phục vụ khách thăm quan.

Tòa nhà bên trong phục dựng lại Lăng mộ Thracia tại Kazanlak cho khách thăm quan
Cấu trúc xây dựng
Lăng mộ Thracia tại Kazanlak là một loại lăng mộ tổ ong (Beehive Tomb/Tholos Tomb) hay lăng mộ vòm. Đây là một cấu trúc an táng đặc trưng, được tạo bởi các kết cấu nhô dần ra (Corbelling) thành các vòng tròn nhỏ dần lên phía trên đỉnh mái, tạo thành vòm mái. Cấu trúc này có hình dạng giống tổ ong và còn được sử dụng cho mục đích khác ngoài lăng mộ.
Lăng mộ Thracia tại Kazanlak có quy mô không lớn, gồm 3 không gian bố cục theo truyền thống của người Thracia:
Phòng ngoài hình chữ nhật (dài 2,60m, rộng 1,40m) như một hiên, được xây dựng bằng đá tảng. Đây là nơi để chứa đồ lễ tượng trưng cho xe ngựa, ngựa;
Phòng giữa hình chữ nhật (dài 1,96m, rộng 1,12m) như một hành lang. Đây là nơi chứa đồ cho người chết sử dụng ở thế giới bên kia hoặc nô lệ (tùy táng) cùng người chết sang thế giới bên kia;
Phòng trong cùng có mặt bằng hình tròn với mái vòm (đường kính 2,65m và cao 3,25m), ngăn cách với Phòng giữa bởi một phiến đá. Đây là nơi lưu giữ thi hài của chủ nhân ngôi mộ.
Phòng giữa và Phòng trong được xây bao quanh bằng đá tảng, ốp bên trong bằng gạch và trát bằng vữa thạch cao mịn. Trên bề mặt của tường và trần được trang trí bởi các bức bích họa.
Toàn bộ lăng mộ được phủ một lớp đất tạo thành gò mộ.
Kết quả nghiên cứu các tàn tích còn lại trong lăng mộ cho thấy: Phòng trong là nơi chôn cất 2 người, một đàn ông và một phụ nữ, có thể là một gia đình hoàng gia Thracia, chủ nhân của ngôi mộ; Phòng giữa phát hiện bộ xương của một đàn ông và một phụ nữ, có thể là người hầu tùy táng; Phòng ngoài cùng có bộ xương ngựa được tùy táng.

Sơ đồ mặt bằng và mặt cắt Lăng mộ Thracia tại Kazanlak, Stara Zagora, Bulgaria

Mô phỏng Phòng ngoài với tường đá bao quanh, Lăng mộ Thracia tại Kazanlak, Stara Zagora, Bulgaria

Mô phỏng Phòng giữa với gạch trát vữa thạch cao bao quanh; Trên mặt tường, trần trang trí các bức bích họa; Lăng mộ Thracia tại Kazanlak, Stara Zagora, Bulgaria

Phòng trong với gạch trát vữa thạch cao bao quanh; Trên mặt tường, vòm trang trí các bức bích họa; Lăng mộ Thracia tại Kazanlak, Stara Zagora, Bulgaria
Các bức bích họa
Lăng mộ Thracia tại Kazanlak nổi tiếng thế giới bởi những bức bích họa độc đáo và đẹp như tranh vẽ.
Bốn màu cơ bản của các bức bích hoạ là đen, đỏ, vàng và trắng.
Kỹ thuật vẽ tranh tường được thực hiện trên nền vữa thạch cao còn ướt (Fresco), qua đó bức bính họa trở thành một phần của lớp vữa trát tường, có thể tồn tại lâu dài theo thời gian.
Các bức bích họa được trang trí tại cả Phòng giữa và Phòng trong với diện tích đến 40m2; thể hiện các nội dung liên quan đến đức tin của người Thracia vào sự bất tử, sự giao hòa giữa thế giới thế tục và tâm linh. Trong đó đặc biệt là các bức bích hoạ trên trần mái vòm Phòng trong.
Bức bích họa mái vòm Phòng trong được chia thành 3 dải hay 3 vòng tròn trang trí theo các chủ đề và phong cách khác nhau:
Vòng tròn dưới trang trí đầu hươu và bông hoa thị 4 cánh;
Vòng tròn giữa là lớn nhất, trang trí cảnh vua và hoàng hậu ngồi bên bàn tiệc, xung quanh là người hầu, nghệ sĩ và cảnh sinh hoạt đời thường thể hiện một nghi lễ kết hôn giữa chú rể và cô dâu;
Vòng tròn trên cùng trang trí 3 cụm hình mô tả cuộc đua xe ngựa.

Cảnh miêu tả vua và hoàng hậu dự tiệc, mái vòm Phòng trong, Lăng mộ Thracia tại Kazanlak, Stara Zagora, Bulgaria

Cảnh miêu tả nghi lễ đám cưới, mái vòm Phòng trong, Lăng mộ Thracia tại Kazanlak, Stara Zagora, Bulgaria

Cảnh miêu tả cuộc đua xe ngựa, mái vòm Phòng trong, Lăng mộ Thracia tại Kazanlak, Stara Zagora, Bulgaria
Đồ trang sức và các di vật khác
Trong quá trình khai quật Lăng mộ Thracia tại Kazanlak, sau khi sàng lọc các lớp bụi lớn tích tụ trên sàn hầm mộ đã phát hiện:
Các hạt đất sét mạ vàng tròn nhỏ như hạt của một dây chuyền trang sức;
Các bông hoa hồng bằng đất sét sơn màu trắng với nhị hoa màu xanh da trời và một bông hoa thị bằng đất sét với 28 cánh hoa, mặt trái được mạ vàng, là trang trí trên trang phục;
Một chiếc nhẫn vàng nhỏ…
Các di vật này là minh chứng cho nghệ thuật trang sức rất phát triển của người Thracia.
Ngoài đồ trang sức trong Lăng mộ còn tìm thấy những chiếc bình bằng đất sét.
Bên ngoài gò Lăng mộ, người ta cũng tìm thấy một số chiếc bình bằng đất sét (bình tròn dẹt có 2 tay cầm) và bình bằng bạc…

Trưng bày các di vật tùy táng; Lăng mộ Thracia tại Kazanlak, Stara Zagora, Bulgaria
Di sản Lăng mộ Thracia tại Kazanlak, tỉnh Stara Zagora, Bulgaria cho thấy sự tiến hóa đáng kể cũng như trình độ cao của văn hóa và nghệ thuật tượng hình thời Hy Lạp cổ đại; trở thành niềm tự hào văn hóa của người Bungaria.
Hình người phụ nữ trong các bức bích hoạ tại Lăng mộ đã được sử dụng để trang trí trên mặt sau đồng tiền của Bungaria.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://whc.unesco.org/en/list/44/
https://en.wikipedia.org/wiki/Bulgaria
https://en.wikipedia.org/wiki/Kazanlak
https://en.wikipedia.org/wiki/Thrace
https://en.wikipedia.org/wiki/Hellenistic_art
https://en.wikipedia.org/wiki/Funerary_art
https://en.wikipedia.org/wiki/Valley_of_the_Thracian_Rulers
https://en.wikipedia.org/wiki/Thracian_Tomb_of_Kazanlak
http://bulgarianheritage.bulgariana.eu/jspui/handle/pub/40
https://en.wikipedia.org/wiki/Beehive_tomb
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|
Cập nhật ( 24/02/2021 )
|
Tin mới đưa:- Quần thể Tu viện Novodevichy, Moscow, Nga
- Công viên Muskauer / Công viên Mużakowski, Đức và Ba Lan
- Đền Hát Môn (thờ Hai Bà Trưng), huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội, Việt Nam
- Di tích Um er-Rasas (Kastrom Mefa'a), Madaba, Amman, Jordan
- Cố đô Pasargadae, Pars, Iran
- Quần thể Takht-e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
- Các thị trấn Baroque muộn tại Val di Noto, Sicily, Ý
- Samarkand – Ngã tư văn hóa, Uzbekistan
- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
Tin đã đưa:- Kỵ sĩ Madara, Shumen, Bulgaria
- Thành phố cổ Dubrovnik, Dubrovnik-Neretva, Croatia
- Nhà thờ Vézelay, Bourgogne-Franche-Comté, Pháp
- Tu viện Mont-Saint-Michel và vùng vịnh xung quanh, Pháp
- Cung điện và Công viên Versailles, Pháp - P2
- Cung điện và Công viên Versailles, Pháp - P1
- Lâu đài và Tường thành của Vua Edward ở Gwynedd, North Wales, Vương quốc Anh
- Đền thờ Apollo Epicurius tại Bassae, Messenia, Hy Lạp
- Trung tâm lịch sử Rome, các công trình bên ngoài Vatican và Vương cung thánh đường San Paolo – P2
- Trung tâm lịch sử Rome, các công trình bên ngoài Vatican và Vương cung thánh đường San Paolo – P1
- Điện Kremlin và Quảng trường Đỏ, Moscow, Nga
- Quần thể Acropolis tại Athens, Hy Lạp
- Quần thể di tích chạm khắc đá Đại Túc, Trùng Khánh, Trung Quốc
- Khu di tích Trường Lũy Quảng Ngãi – Bình Định, Việt Nam
- Khu di tích Gò Tháp, Tháp Mười, Đồng Tháp, Việt Nam
|