Thông tin chung:
Công trình: Khu di tích Trường Lũy, Quảng Ngãi – Bình Định
Địa điểm: Huyện Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi và Hoài Nhơn, An Lão, tỉnh Bình Định
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Dài khoảng 127,4km
Năm thực hiện: Thế kỷ 17 - 19
Giá trị: Kiến trúc nghệ thuật
Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định là tên gọi của một công trình kiến trúc lớn, đa dạng, nhiều phần được làm bằng đá hoặc đất, chạy theo hướng Bắc Nam, dọc theo dãy Trường Sơn, đi qua địa phận các huyện: Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) và Hoài Nhơn, An Lão (tỉnh Bình Định), Tuyến lũy dài 127,4km, trong đó trên đất Quảng Ngãi 113km.
Do thời gian và chiến tranh, một số đoạn Trường Lũy bị hư hỏng và các đồn canh chỉ còn lại tàn tích.
Các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước bắt đầu tập trung nghiên cứu Trường lũy Quảng Ngãi – Bình Định từ năm 2005 và đã đạt được các kết quả nhất định để có những nhận thức ban đầu về công trình này.
Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định thời nhà Nguyễn
Về mặt địa thế, Trường Lũy nằm dọc theo con đường Thượng đạo Bắc Nam đã hình thành vào thế kỷ 17, chủ yếu cho hoạt động quân sự. Vào năm 1786, nhà Tây Sơn (tồn tại năm 1778-1802) kéo quân từ Thị Nại, Bình Định ra đánh Phú Xuân, Huế đã dùng con đường Thượng đạo này để di chuyển mà không bị cản trở như ở hạ nguồn do có những cửa sông lớn chắn lối.
Trường Lũy được chú ý và mở rộng vào thời nhà Nguyễn (tồn tại trong giai đoạn 1802–1945) gắn với các hoạt động quân sự chống lại cuộc nổi dậy của nghĩa quân Đá Vách.
Vào đầu thế kỷ 19, một số dân tộc ở Đá Vách, Quảng Ngãi (phần đông là tộc người Hrê, một trong số 54 dân tộc tại Việt Nam; Người Hrê có lối sống định cư ở sườn đồi thấp, canh tác lúa nước trên ruộng bậc thang, biết làm đập ngăn đưa nước vào ruộng…) đã nổi lên chống đối triều đình nhà Nguyễn. Nhiều sử sách cho rằng do các nguyên nhân chính sau:
- Sưu thuế cao: Ngay từ khi lên ngôi, vua Gia Long (hoàng đế sáng lập nhà Nguyễn, trị vì 1802 – 1820) đã ký ban hành các loại thuế đánh vào lâm thổ sản ở vùng này, làm cho dân quanh năm lúc nào cũng lo nộp thuế; già trẻ hàng ngày phải vào núi nhặt củ, rau và quả để ăn cho no bụng.
- Cai trị bằng bạo lực: Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (nhà Tây Sơn, năm 1778 – 1802) đánh đổ thế lực của chúa Nguyễn nổ ra, được người dân ở Đá Vách nhiệt liệt hưởng ứng. Vì vậy, ngay khi lên ngôi vua nhà Nguyễn, Gia Long đã áp đặt chế độ trấn quan, cho lập đồn binh ở các vị trí chủ chốt để dễ bề dập tắt các cuộc nổi dậy khôi phục nhà Tây Sơn. Bên cạnh đó, quan lại được triều đình cử đến, nhiều người không thực sự có tài cai trị, đối xử hà khắc và không biết yêu thương dân. Ví dụ một vị võ quan có triết lý cai trị như sau: Đánh thuế sao cho chúng (dân Đá Vách) không tích trữ vật thực, bởi vì nếu tích trữ được lương thực thì chúng dễ bề làm phản…Nếu bọn chúng còn ngoan cố không chịu nạp thuế thì ta phái quân lên gặt hết lúa của chúng, lần thứ hai nếu còn không chịu nạp thì đánh.
- Tệ nhũng nhiễu, tham lam của quan lại và địa chủ: Mỗi lần đi kinh lý, các trấn quan mặc sức cướp thóc gạo, gia súc, lâm sản, kể cả phụ nữ. Còn giới “ăn theo” là địa chủ, thì mặc sức chiếm đoạt những vùng đất màu mỡ dọc các sông Trà Bồng, Trà Khúc của người dân bản địa.
- Xúc phạm những tập tục lâu đời: Các vua đầu thời Nguyễn cho rằng dân bản địa còn man dại, chưa thấm nhuần phong hóa, bắt buộc họ cắt tóc, ăn mặc và sinh hoạt giống như người miền xuôi…
Tất cả đã làm cho người dân Đá Vách căm phẫn, dẫn đến nhiều cuộc giao chiến trong suốt hơn 50 năm, bất chấp mọi âm mưu và biện pháp của chúa Nguyễn và vua nhà Nguyễn, trong đó có việc xây dựng Trường lũy. Sử sách nhà Nguyễn cũng phải thừa nhận rằng: Kế sách phòng bị quá chu đáo, chặt chẽ, tuy nhiên không có gì tốt hơn là giữ được lòng người.
Chỉ trong vòng khoảng 50 năm, từ thời vua Gia Long, đã thống kê được nhiều trận đánh giữa quân nhà Nguyễn và nghĩa quân Đá Vách. Nghĩa quân tận dụng sự thông thạo địa hình hiểm trở, dùng lối đánh du kích biến hóa, nên chỉ với một lực lượng nhỏ cùng với những vũ khí thô sơ, như lao nhọn, cung nỏ, chông bẫy vẫn chống lại được với hàng ngàn binh tướng được trang bị súng ống đầy đủ (kể cả đại bác), làm nhà Nguyễn luôn phải huy động quân đội, nguồn lực để đối phó.
Thời vua Gia Long: Diễn ra các trận chiến năm 1803 – 1807; trận chiến năm 1810 – 1816. Năm 1804, nhà Nguyễn lập ra đạo binh Bình Man. Năm 1819, theo đề nghị Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 – 1832), vua cho đắp Trường lũy, trồng hàng rào, đào hào chắn. Dọc theo lũy trồng tre. Trước lũy là vùng người dân tộc sinh sống. Sau lũy xây đồn (tháp canh), gồm 115 đồn, mỗi đồn đóng 10 lính, tổng cộng 1150 người…
Thời vua Minh Mạng (hoàng đế thứ 2 nhà Nguyễn, trị vì năm 1820 – 1841): Diễn ra các trận chiến năm 1820; trận chiến năm 1833. Năm 1822, vua cho xây thêm đồn bảo vệ, thành 117 đồn. Năm 1836 bổ sung các cơ đội mới để tiện cho kế hoạch ứng phó…
Thời vua Thiệu Trị (hoàng đế thứ 3 nhà Nguyễn, trị vì năm 1841-1847), số đồn giảm xuống còn 56 đồn. Thành lũy đổ nát. Các cuộc nổi dậy của người dân Đá Vách lại bùng lên, diễn ra trận chiến năm 1844.
Thời vua Tự Đức (hoàng đế thứ 4 nhà Nguyễn, trị vì năm 1847 – 1883): Diễn ra trận chiến năm 1847. Sau trận chiến này, nhà vua ra lệnh đặt thêm 13 đồn để tăng cường sức đối phó. Năm 1854 – 1855, các trận giao tranh lại diễn ra. Chỉ tính riêng năm 1855, nghĩa quân Đá Vách đã đánh các đồn bảo vệ lũy 12 lần…Năm 1856, vua cho trùng tu Trường Lũy, chia đặt 80 đồn, bổ sung thêm binh lính thành 8 cơ đội…Để đắp lũy triều đình nhà Nguyễn phải huy động một khối lượng lớn về nhân lực và vật lực. Nhiều sử sách ghi lại: Tháng 4/1856 dân hơn 60 xã, thôn, trại, ấp ở ba huyện Bình Sơn, Chương Nghĩa (nay là Tư Nghĩa), Mộ Đức ủy người về kinh kêu xin, vì công việc đắp lũy quá nặng, khó gánh chịu nổi. Tháng 3/1857, Bố chính Quảng Ngãi lại tâu xin đắp "Trường lũy" một cách quy mô, tập trung ngót 2500 binh lính và huy động 3700 dân đinh (người Kinh và cả người Hrê) của ba huyện. Vua Tự Đức đồng ý, lại còn ra lệnh khẩn trương sửa đắp xong trong 3 tháng.
Vào đầu thế kỷ 20, nghĩa quân Đá Vách tan rã. Trường Lũy chấm dứt vai trò của một hệ thống phòng thủ và bị quên lãng dần theo thời gian.
Khu di tích Trường Lũy Quảng Ngãi – Bình Định
Di tích thành lũy
Theo các nhà nghiên cứu, Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định là thành lũy dài nhất Đông Nam Á và dài thứ hai châu Á, chỉ sau Vạn Lý Trường Thành - Trung Quốc.
Di tích Trường Lũy chạy dọc theo con đường Thượng đạo Bắc Nam xưa. Trường Lũy bị đứt đoạn khoảng 5 km giữa địa phận Quảng Ngãi và Bình Định, do khu vực này có địa hình rất hiểm trở, ít người sinh sống. Đây là nơi có hệ thống đồn canh khá dày với 8 đồn.
Trường Lũy Quảng Ngãi – Bình Định, không giống như Vạn lý Trường thành của Trung Quốc (Great Wall of China – Di sản thế giới năm 1987) mà tương tự như Di tích Trường Lũy Hadrian ở phía Bắc nước Anh (Hadrian's Wall – Di sản thế giới năm 1987, xây dựng vào thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên).
Sơ đồ Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định (Steve Leisz. © EFEO)
Sơ đồ mặt cắt ngang Di tích Trường Lũy Hadrian ở phía Bắc nước Anh (Hadrian's Wall – Di sản thế giới năm 1987)
|
Sơ đồ mặt cắt ngang Di tích Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định, Việt Nam
|
Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định
Trường lũy Quảng Ngãi – Bình Định được xây dựng trải dài theo một tuyến đường đã có sẵn hoặc làm mới. Dọc chiều dài tường lũy là hệ thống đồn canh. Ngoài ra, cạnh Trường Lũy đã phát hiện di tích của chợ, đền thờ.
Khảo sát một đoạn Trường Lũy còn khá nguyên vẹn chạy qua đỉnh La Vuông (có cao độ 700m, thuộc huyện Hoài Nhơn, Bình Định) cho thấy lũy có dáng hình dật bậc, chân rộng 4-5m, mặt trên rộng 2-3m có thể đi lại tuần tra thuận tiện. Bên cạnh lũy là tuyến đường mà người dân gọi là “đường cái quan thượng”. Phía ngoài lũy có hào sâu rộng trên 3m và một hàng tre gai (ngăn xói lở).
Tại một địa điểm khác tại địa điểm Ba Động (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) cho thấy lũy cao tới 4m, chân lũy rộng 6m, mặt trên rộng 2,5m.
Cao độ trung bình của Trường Lũy tại tỉnh Quảng Ngãi so với mực nước biển là 45m. Tại địa bàn huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi lũy có cao độ khoảng 200m. Tại Đồn Thứ huyện Hoài Nhơn, điểm khởi đầu Trường Lũy ở Bình Định, có cao độ khoảng 500m.
Trường Lũy Quảng Ngãi – Bình Định đi qua nhiều địa hình khác nhau. Vì thế, việc xây dựng cũng rất đa dạng. Tại địa hình bằng phẳng, luỹ chỉ được đắp bằng đất. Tại nơi sườn núi có độ dốc vừa phải, luỹ được đắp cốt đất ở trong và ốp đá ở ngoài. Tại địa địa hình có độ dốc lớn, hoặc trên đỉnh những ngọn núi cao, lũy được xây hoàn toàn bằng đá.
Trường Lũy Quảng Ngãi – Bình Đình được chọn tuyến đi qua khu vực đường phân thủy giữa các lưu vực tiêu nước, vì thế hạn chế tối đa sự tàn phá của các cơn lũ quét, lũ ống vào mùa mưa. Ngoài ra, hướng tuyến được chọn khéo, để vừa có thể đi lại thuận tiện, vừa xây dựng dễ dàng, không tốn công đào đắp.
Với việc lựa chọn tuyến hợp lý, kỹ thuật xếp đá khéo léo, Trường Lũy không bị sạt lở, trôi trượt, dù đã trải qua hàng trăm năm.
Trường Luỹ không khép kín. Luỹ bỏ trống đoạn cắt ngang qua sông suối; bỏ trống để làm đường qua lại giữa hai bên. Mỗi chỗ cắt ngang qua lũy lại có một tháp canh, cho phép điều hành việc đi lại giữa hai bên.
Việc đi lại chủ yếu cho trao đổi kinh tế: người Hre mua muối, người Kinh mua gạo, quế và lâm sản. Bên phía người Kinh còn có mạng lưới chợ. Thậm chí hoạt động thương mại này còn vươn xa hơn về phía Tây, lên Trường Sơn, sang Lào.
Quá trình xây dưng và sự tồn tại của Trường Lũy theo thời gian đã hàng trăm năm, đủ để hình thành và xuất hiện các yếu tố văn hóa gắn với Trường Lũy, trở thành một thông điệp văn hóa cho thế hệ sau, cho những du khách trong và ngoài nước.
Di tích đồn canh
Dọc theo Trường Lũy cứ mỗi đoạn dài 500 - 1.000m lại được xây một đồn lính sơn phòng, vừa có chức năng quân sự vừa kiểm soát các mối quan hệ buôn bán giữa các tộc người miền núi với người Kinh.
Vào năm 2009, 2010, 2014, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đã tiến hành nghiên cứu và đã phát hiện được dấu tích của 70 đồn canh (bảo) dọc theo Trường Lũy còn tương đối nguyên vẹn, tiêu biểu như: Di tích Thiên Xuân; di tích Khánh Giang (xã Hành Tín Đông, Nghĩa Hành); di tích Rùm Đồn và di tích đèo Chim Hút (xã Hành Dũng, Nghĩa Hành)...
Đa số các đồn canh đóng ở những vị trí quan trọng, nơi có các dòng sông lớn chảy qua như Thiên Xuân (xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành). Các đồn ở đây có quy mô lớn, xây bằng đá rất kiên cố, nằm tách biệt khỏi lũy, đóng vai trò là một cứ điểm lớn bao quát xung quanh. Bao quanh đồn có hào sâu và 1 lối ra vào.
Đồn Thiên Xuân (xã Hành Tín Đông, Nghĩa Hành) nằm bên cạnh Trường Lũy rộng 1m, cao 2,5- 3m, xây bằng đá tổ ong. Bên ngoài lũy đá trồng tre gai dày đặc. Tàn tích đồn có mặt bằng hình vuông, diện tích khoảng 300m2, có bậc tam cấp lên xuống lát bằng đá. Hiện tại, đồn và một phần lũy nằm trong làng cổ Thiên Xuân. Các hiện vật sau đào thám sát hiện trường cho thấy, làng cổ được hình thành vào thế kỷ 15, được cho là nơi cư trú của cộng đồng cư dân Việt đến đây khẩn hoang, lập làng dưới thời nhà Hồ (năm 1400 – 1407).
Tàn tích đồn Thiên Xuân - Trường Lũy (xã Hành Tín Đông, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi)
Đồn trên đỉnh đèo Chim Hút (xã Hành Dũng, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) được khai quật ở vị trí chân móng. Tại đây đã phát hiện nhiều mảnh gốm không tráng men hay những mảnh bằng đất nung vỡ ra từ chum chóe, nồi vại... Đó là những vật dụng của lính sơn phòng triều Nguyễn. Những mảnh gốm được cho là có xuất xứ từ Quảng Đông, Hải Nam (Trung Quốc) và gốm Bát Tràng, Hà Nội. Đây là minh chứng cho thấy sự lưu thông hàng hóa trong khu vực.
Tàn tích Trường Lũy trên đỉnh đèo Chim Hút (xã Hành Dũng, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi)
Khảo sát đồn canh trên đỉnh đèo Chim Hút (xã Hành Dũng, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi)
Rùm Đồn (xã Hành Dũng, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) có tường bao cao 4- 5m, xung quanh là hào. Một con đường được lát bằng những tảng đá phẳng dọc Trường Lũy đi qua đồn. Một bức tường ngang có cổng để kiểm soát việc đi lại Bắc- Nam.
Sơ đồ Rùm Đồn và Trường Lũy, xã Hành Dũng, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi ( Federico Barocco. © EFEO)
Tàn tích Rùm Đồn - Trường Lũy, xã Hành Dũng, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi
Đồn Tân Long Hạ (xã Ba Động, Ba Tơ, Quảng Ngãi) có mặt bằng hình vuông, mỗi chiều dài khoảng 30m, được xếp bằng đá. Bên ngoài có hệ thống hào bao quanh và cũng được kè bằng đá. Hai bên góc đối diện có những trụ tháp để dựng chòi quan sát việc thông thương qua lại. Đồn được xây dựng bằng đá trộn lẫn với đất và cát sông, có một cửa phía Nam. Tại đây cũng phát hiện nhiều di vật có giá trị như các mảnh gốm sứ Quảng Đông, Hải Nam (Trung Quốc) và gốm Bát Tràng, Hà Nội với niên đại cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19.
Khảo sát di tích đồn Tân Long Hạ - Trường Lũy, xã Ba Động, Ba Tơ, Quảng Ngãi
Đồn Thứ (xã Hoài Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định) là điểm khởi đầu Trường Lũy ở Bình Định, nối Trường lũy từ Quảng Ngãi đến vùng huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Đồn nằm ở độ cao khoảng 500m so với mực nước biển, có diện tích khoảng 16.000 m2, được chia làm hai bởi một bờ tường xây hoàn toàn bằng đá. Khu vực phía Bắc có diện tích 6.000 m2 được xác định là khu đồn trú của quân đội, có 5 tháp canh bố trí ở 4 góc đồn và giữa bờ thành Tây. Khu vực phía Nam có diện tích 10.000 m2, có 3 khu nền được xây tường bao bằng đá 3 mặt, mặt phía Nam không xây tường. Trong khu vực này, các nhà khảo cổ phát hiện 3 chân lư hương lớn, 2 chân lư nhỏ và nhiều đồ gốm, sứ phục vụ cho việc cúng tế... chứng tỏ đây là khu vực hoạt động thờ phụng, tín ngưỡng trong quân đội. Tường đồn xây bằng đá tự nhiên theo kỹ thuật xếp đá, không dùng vữa. Tường bao quanh đồn xây bằng kỹ thuật lõi đất đầm chặt, ốp đá hoặc xây gạch dật cấp bên ngoài.
Tàn tích đồn Thứ - Trường Lũy, xã Hoài Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định
Trường Lũy Quảng Ngãi – Bình Định là một trong những minh chứng về tổ chức bộ máy quản lý hành chính, quân sự, thuế khóa và đi cùng với đó là các thiết chế (sơn phòng, quân thứ, kiên cơ, đồn bảo…), hệ thống quan chức binh (biền binh, dân binh…) của nhà Nguyễn trong điều kiện đặc thù của vùng miền núi. Việc nghiên cứu Trường Lũy Quảng Ngãi – Bình Định cũng góp phần hiểu rõ hơn về triều Nguyễn trong lịch sử nước nhà.
Trường Lũy Quảng Ngãi – Bình Định là công trình tiếp nối và định hình con đường Thượng đạo Bắc Nam đã có từ thế kỷ 17. Đây không chỉ là công trình có chức năng quân sự, mà còn có vai trò thúc đẩy giao thương, kết nối văn hóa giữa miền xuôi và miền ngược, gắn với việc mở mang bờ cõi của người Việt.
Trường Lũy Quảng Ngãi – Bình Định là di tích kiến trúc thành lũy dài nhất Đông Nam Á, đa dạng về chất liệu, có cấu trúc độc đáo, được xây dựng, củng cố và mở rộng trong suốt hơn 3 thế kỷ. Xét về phương diện kiến trúc xây dựng, Trường Lũy là một trong những kỳ công của người Việt.
Khu di tích Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định là một trong những động lực mới cho phát triển ngành Công nghiệp Văn hóa tại 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_t%C3%ADch_qu%E1%BB%91c_gia_%C4%91
%E1%BA%B7c_bi%E1%BB%87t
https://vi.wikipedia.org/wiki/N%E1%BB%95i_d%E1%BA%ADy_%E1%BB%9F
_%C4%90%C3%A1_V%C3%A1ch
http://baoquangngai.vn/channel/2028/201404/nhung-phat-hien-moi-ve-truong-luy-2306657/
http://www.baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=122656
http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3091/70742/toa-djam-ai-xay-truong-luy-quang-ngai.html
http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3099/71284/truong-luy-quang-ngai-lat-gio-nhung
-djieu-tuong-la-hien-nhien-trong-lich-su.html
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|