Thông tin chung:
Công trình: Điện Kremlin và Quảng trường Đỏ, Moscow (Kremlin and Red Square, Moscow)
Địa điểm: Moscow, Nga (N55 44 44,988 E37 37 46,992)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 42,2 ha; diện tích vùng đệm 1.121,3 ha
Năm hoàn thành:
Giá trị: Di sản thế giới (1990; hạng mục i, ii, iv, vi)
Nga (Russia) là một quốc gia xuyên lục địa nằm ở Đông Âu và Bắc Á; kéo dài từ Biển Baltic ở phía tây đến Thái Bình Dương ở phía đông, từ Bắc Băng Dương ở phía bắc đến Biển Đen và Biển Caspi ở phía nam.
Nga có diện tích hơn 17.125.200 km2, trải rộng hơn 1/8 diện tích Trái đất, 11 múi giờ và giáp với 16 quốc gia có chủ quyền. Dân số 146,748 triệu người (năm 2020).
Moscow là thủ đô và thành phố lớn nhất của đất nước.
Lịch sử của nước Nga bắt đầu từ lịch sử của người Đông Slav (East Slavs), là các dân tộc Slavơ nói ngôn ngữ Đông Slav. Đây là cư dân chính của nhà nước Liên bang Kievan Rus thời Trung cổ (tồn tại năm 879–1240, trên vùng đất của Nga, Belarus và Ukraine ngày nay.
Năm 988, Nhà nước Liên bang Kievan Rus tiếp nhận Cơ đốc giáo Chính thống từ Đế chế Byzantine (Đế chế Đông La Mã/ Byzantine Empire, tồn tại năm 395–1453). Từ đây, sự tích hợp của nền văn hóa Slav và Byzantine đã hình thành nên văn hóa Nga.
Liên bang Kievan Rus tan rã thành một số quốc gia nhỏ hơn, cho đến khi được Đại công quốc Moscow (Grand Duchy of Moscow, tồn tại năm 1283 - 1547) thống nhất vào thế kỷ 15.
Đến thế kỷ 18, quốc gia này đã mở rộng lãnh thổ thông qua các cuộc chinh phục, thôn tính và khai phá để trở thành Đế quốc Nga (Russian Empire, tồn tại năm 1721–1917), một trong những cường quốc lớn của châu Âu.
Sau Cách mạng Nga năm 1917, nước Nga trở thành bộ phận lớn nhất và hàng đầu của Liên bang Xô viết.
Năm 1991, sau sự sụp đổ của Liên Xô, Nga tái lập lại thành Liên bang Nga (Russian Federation).
Ngày nay, về mặt hành chính, Nga được chia thành 85 vùng bang.
Bản đồ nước Nga và vị trí thủ đô Moscow tại phía tây nước Nga
Tại trung tâm địa lý và lịch sử của thủ đô Moscow, Kremlin là phần lâu đời nhất của thành phố.
Kremlin lần đầu tiên được đề cập đến trong Biên niên sử Hypatian (Hypatian Chronicle) vào năm 1147, như một pháo đài, được xây dựng ở tả ngạn sông Moskva bởi Yuri Dolgoruki (Hoàng tử của xứ Suzdal, 1090/1095 - 1157, được coi là "Người sáng lập Moscow"; thời bấy giờ Moscow chỉ là một trong những khu dân cư của quận Suzdalsky, vùng Vladimir Oblast, Nga).
Điện Kremlin đã phát triển và lớn mạnh với các khu định cư và vùng ngoại ô, được bao quanh bởi hệ thống các công sự mới – tường thành Kitaigorodsky, Bely Gorod, Zemlyanoy Gorod và những bức tường thành khác.
Từ đây, khởi đầu cho bố cục quy hoạch với các tuyến đường xuyên tâm và đường vành đai của thành phố Moscow và trong nhiều thành phố khác của Nga (cũng như trong quy hoạch các đô thị lớn tại Việt Nam thời hậu Xô viêt)
Vào thế kỷ 13, Điện Kremlin là nơi ở chính thức của hoàng gia và trở thành trung tâm đời sống vật chất và tinh thần của quốc gia.
Điện Kremlin vào cuối thế kỷ 15 - đầu thế kỷ 16 là một trong những pháo đài lớn của châu Âu với các bức tường thành và tháp bằng gạch, đá, trở thành một quần thể di tích có chất lượng vượt trội.
Các nhà thờ quan trọng nhất của Điện Kremlin nằm trên Quảng trường Nhà thờ (Cathedral Square), gồm Nhà thờ Truyền tin (Assumption Cathedral), Nhà thờ Dormition (Cathedral of the Dormition), Nhà thờ Tổng lãnh Thiên thần (Church of the Archangel), và Tháp chuông Ivan Đại đế (Ivan the Great Bell Tower/ Bell tower of Ivan Veliki). Hầu hết tất cả công trình đều được thiết kế bởi các kiến trúc sư (KTS) đến từ Ý, thể hiện rõ trong phong cách kiến trúc.
Nhà thờ Truyền tin được xây dựng vào năm 1475–1479), có 5 mái vòm, do KTS người Ý Aristotele Fiorvanti (năm 1415- 1486) xây dựng. Nội thất của nhà thờ được trang trí bằng các bức tường (Iconostasis, ngăn cách giữa gian giữa trung tâm của nhà thờ với điện thờ theo kiểu kiến trúc nhà thờ Byzantine) cao 5 tầng, chứa các bức bích họa và biểu tượng tôn giáo, được hình thành từ thế kỷ 15 - 17. Đây là nhà thờ Chính thống giáo Nga, nơi tổ chức lễ cưới và đăng quang cho các Sa hoàng, hoàng tử cũng như nơi hành lễ của các đại giáo chủ, giáo trưởng.
Nhà thờ Tổng lãnh Thiên thần được xây dựng vào năm 1505-1508), cũng có 5 mái vòm, do một KTS người Ý khác là Alevisio Novi xây dựng. Từ thế kỷ 17 - 19, nội thất của nhà thờ được trang trí bởi những bức tường (Iconostasis) với những bức bích họa và biểu tượng tuyệt vời. Nhà thờ là nơi đặt mộ của nhiều hoàng tử và Sa hoàng vĩ đại của Moscow. Trong số đó có Ivan I Kalita, Dmitri Donskoi, Ivan III, Ivan IV the Terrible, Mikhail Fedorovich và Alexei Mikhailovich Romanovs.
Nhà thờ Dormition được xây dựng vào năm 1475–1479 bởi KTS người Ý Aristotele Fioravanti. Bên trong nhà thờ vẫn còn lưu giữ được một số bức tranh tường thế kỷ 16-19 của họa sĩ người Nga Andrei Rublev (năm 1360 – 1427/1430, là một trong những họa sĩ Nga thời Trung cổ vĩ đại nhất về các biểu tượng và bích họa Cơ đốc giáo Chính thống) và họa sĩ người Hy Lạp Theophanes (Theophanes the Greek, 1340 – 1410, là một trong những họa sĩ biểu tượng vĩ đại, cố vấn của Andrei Rublev).
Năm 1505-1508, Tháp chuông Ivan Đại đế được xây dựng. Tháp cao 82 mét, là tòa nhà cao nhất ở Nga, trở thành tâm điểm của Quần thể Điện Kremlin.
Trong số các tòa nhà dân dụng lâu đời nhất của Điện Kremlin ở Moscow, Cung điện Mặt tiền ốp đá (Palace of the Facets) là công trình đáng chú ý nhất; được xây dựng vào năm 1487–1491, bởi các KTS người Ý Marco Fryazin và Pietro Antonio Solario (năm 1445 – 1493). Công trình như một hội trường lớn để tổ chức các buổi lễ cấp nhà nước, lễ kỷ niệm và tiếp đón đại sứ nước ngoài.
Công trình dân dụng đáng chú ý nhất của thế kỷ 17 tại đây do các bậc thầy người Nga xây dựng là Cung điện Teremnoi (Teremnoi Palace).
Từ đầu thế kỷ 18, khi thủ đô của Nga chuyển đến St.Petersburg, Điện Kremlin chỉ còn vai trò là trung tâm tôn giáo.
Vào cuối thế kỷ 18, Quần thể Điện Kremlin được bổ sung: Kho vũ khí Kremlin Arsenal (khác với Kho vũ khí - Armory Chamber) được xây dựng lại sau trận hỏa hoạn năm 1797 bởi Matvei Kazakov (KTS Tân cổ điển người Nga, năm 1738 – 1812); Thượng viện (Senate) được xây dựng vào năm 1776–1787 bởi KTS Matvei Kazakov, là nhà của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Đế quốc Nga . Ngày nay công trình là nơi ở của Tổng thống Nga.
Từ năm 1839 đến năm 1849, KTS người Nga KA Thon đã xây dựng Đại điện Kremlin (Great Kremlin Palace) như một nơi ở của gia đình hoàng gia, kết hợp các công trình kiến trúc cổ kính của Kremlin như Cung điện Mặt tiền ốp đá (Palace of the Facets), Phòng vàng Tsarina (Tsarina’s Golden Chamber), Phòng thờ lớn (Master Chambers), Cung điện Teremnoi (Teremnoi Palace) với Nhà thờ Chúa giáng sinh của Đức mẹ Đồng trinh (Church of the Virgin's Nativity). Trong Kho vũ khí (Armory Chamber), do KA Thon xây dựng, có một bảo tàng thế kỷ 16 được chính thức thành lập vào năm 1806 theo lệnh của Sa hoàng Alexander I (trị vì từ năm 1801- 1825).
Quảng trường Đỏ (Red Square), liên kết chặt chẽ với Điện Kremlin, nằm ngoài bức tường phía đông của Quần thể. Ở đầu phía nam của Quảng trường là Nhà thờ Pokrovski (Pokrovski Cathedral/Cathedral of St Basil the Blessed) nổi tiếng, một trong những di tích đẹp nhất của kiến trúc nhà thờ cổ Nga. Công trình được xây dựng vào năm 1555–1560 để kỷ niệm chiến thắng của Sa hoàng Ivan the Terrible trước Hãn quốc Kazan (Kazan Khanate). Vào thế kỷ 17, nhà thờ đã có được diện mạo hiện đại nhờ trang trí hoàn thiện các mái vòm và sơn cả bên trong lẫn bên ngoài.
Quảng trường Đỏ được hoàn thành vào cuối thế kỷ 19 cùng với việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử Hoàng gia (Imperial Historic Museum, ngày nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia State/ Historical Museum), các tòa nhà Giao dịch thương mại cao cấp (Upper Trading Rows - GUM) và các tòa nhà Giáo dịch thương mại trung gian (Middle Trading Rows). Năm 1929, Lăng của Lenin (Mausoleum of Lenin) do KTS AV Shchusev (1873 - 1949) thiết kế và là một ví dụ tiêu biểu về kiến trúc hoành tráng của Liên Xô, đã được xây dựng trên Quảng trường, sát bức tường thành Kremlin.
Phối cảnh Điện Kremlin và Quảng trường Đỏ, Moscow, Nga
Điện Kremlin và Quảng trường Đỏ, Moscow, Nga được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1990) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Điện Kremlin chứa phía trong các bức tường thành của nó một loạt các tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người trong lĩnh vực kiến trúc và nghệ thuật tạo hình. Tại đây có những di tích tôn giáo với vẻ đẹp đặc biệt như Nhà thờ Truyền tin, Nhà thờ Dormition, Nhà thờ Tổng lãnh Thiên thần và Tháp chuông Ivan Đại đế; cung điện như Đại điện Kremlin, là một tổ hợp gồm Nhà thờ Chúa giáng sinh của Đức mẹ Đồng trinh và Cung điện Teremnoi. Trên Quảng trường Đỏ là Nhà thờ Thánh Basil, một tòa nhà tiêu biểu của nghệ thuật Chính thống giáo Nga (Russian Orthodox Art).
Tiêu chí (ii): Trong suốt lịch sử của mình, kiến trúc Nga bị ảnh hưởng bởi những tác động xuất phát từ Điện Kremlin, trước hết là phong cách kiến trúc Phục hưng Ý.
Ảnh hưởng của phong cách này được cảm nhận rõ ràng khi Rudolfo Aristotele Fioravanti (KTS người Ý, năm 1415/1420 – 1486) xây dựng Nhà thờ Dormition (1475-1479) và rộng hơn với việc xây dựng Cung điện Mặt tiền ốp đá (Palace of the Facets/ Granovitaya, 1487-1491) bởi Marco Fryazin (KTS người Ý, làm việc ở Moscow vào năm 1485–1495) và Pietro Antonio Solario (KTS người Ý, năm 1445 – 1493).
Phong cách Phục hưng Ý cũng ảnh hưởng đến các tháp pháo đài kiên cố được xây dựng trong cùng thời kỳ bởi KTS Pietro Antonio Solario gắn với việc sử dụng các nguyên tắc do kỹ sư người Milan thiết lập (Tháp Nikolskaya và Tháp Spasskaya đều có từ năm 1491). Biểu hiện của phong cách Phục hưng Ý thậm chí còn xuất hiện nhiều hơn trong thức đầu cột cổ điển và mặt ngoài của Nhà thờ Tổng lãnh Thiên thần, được xây dựng lại từ năm 1505 - 1509 bởi Alevisio Novi (KTS người Ý).
Tiêu chí (iv): Điện Kremlin ở Moscow có mặt bằng hình tam giác với 4 cổng và được gia cố bằng 20 tháp, lưu giữ ký ức nổi bật về một kiểu công sự bằng gỗ do Yuri Dolgoruki (Hoàng tử của xứ Suzdal) xây dựng vào khoảng năm 1156 trên ngọn đồi ở ngã ba sông Moskova và Neglinnaya (hiện là vườn Alexander/Alexander Garden). Bố cục và cách thức xây dựng (vào thế kỷ 14, Hoàng tử Moscow Dimitri Donskoi đã củng cố thêm các bức tường gỗ và sau đó xây dựng bức tường đá đầu tiên) của Điện Kremlin ở Moscow đã trở thành hình mẫu Điện Kremlin - tòa thành trung tâm tại các thị trấn cổ của Nga như Pskov, Tula, Kazan hoặc Smolensk.
Tiêu chí (vi): Từ thế kỷ 13 cho đến khi thành lập St Petersburg (năm 1703), Điện Kremlin Moscow gắn liền với mọi sự kiện trọng đại của lịch sử Nga. Sau khoảng thời gian 200 năm chủ yếu đóng vai trò tôn giáo, năm 1918 Điện Kremlin trở lại là trụ sở chính phủ. Lăng Lê Nin trên Quảng trường Đỏ là ví dụ điển hình của thời kỳ Liên Xô về kiến trúc tượng đài. Để khẳng định ý nghĩa toàn cầu của cuộc cách mạng Nga, những chiếc bình đựng hài cốt hỏa táng của các anh hùng cách mạng đã được đưa vào bức tường Điện Kremlin, đoạn giữa Tháp Nikolskaya và Tháp Spasskaya.
Điện Kremlin và Quảng trường Đỏ tại Moscow đã trở thành địa điểm kết hợp một cách đặc biệt những di tích lịch sử thời quá khứ và những di tích gắn với những sự kiện vĩ đại nhất thời hiện đại.
Ranh giới phạm vi Di sản Điện Kremlin và Quảng trường Đỏ, Moscow, Nga
Phạm vi phần lõi Di sản Điện Kremlin và Quảng trường Đỏ, Moscow, Nga
Sơ đồ vị trí các hạng mục công trình chính trong Di sản Điện Kremlin và Quảng trường Đỏ, Moscow, Nga
Điện Kremlin, Moscow
Tên " Kremlin " có nghĩa là "pháo đài bên trong một thành phố”.
Điện Kremlin là một tổ hợp phức tạp trong trung tâm thành phố Moscow, nhìn ra sông Moskva ở phía nam; Nhà thờ thánh Basil (Cathedral of St Basil) và Quảng trường Đỏ (Red Square) ở phía đông; Vườn Alexander ở phía tây (Alexander Garden).
Điện Kremlin trải qua nhiều thay đổi, phản ảnh lịch sử lâu đời của thành phố Moscow.
Dưới thời Sa hoàng Ivan III (Ivan Đại đế, trị vì năm 1462 - 1505), Điện Kremlin trở thành trụ sở chính của các Sa hoàng và các giáo chủ nhà thờ Chính thống Nga. Các KTS nước ngoài đã được triệu tập đến Moscow để thiết kế lại tường thành, xây dựng nhà thờ và cung điện theo phong cách Phục hưng Ý, phản ánh quyền lực và phẩm giá của nhà nước mạnh nhất ở Đông Âu thời bấy giờ.
Từ tháng 9 – 10/1812, quân đội Pháp chiếm Điện Kremlin. Khi rút khỏi Moscow, người Pháp đã cho nổ tung toàn bộ Điện Kremlin. Tuy nhiên, do mưa làm hỏng một số kíp nổ, nên thiệt hại ít nghiệm trọng. Công việc trùng tu được thực hiện vào năm 1816–1819. Một số công trình đã không được phục dựng lại.
Điện Kremlin ngày nay là nơi ở chính thức của Tổng thống Liên bang Nga và là một hệ thống các bảo tàng.
Điện Kremlin bao gồm Bức tường Kremlin bao quanh với các Tháp Kremlin, 4 nhà thờ lớn, 5 cung điện. Ngoài ra trong tổ hợp này còn có Cung điện Grand Kremlin (Grand Kremlin Palace) trước đây là nơi ở của Sa hoàng ở Moscow.
Phối cảnh tổng thể Điện Kremlin, Moscow, Nga
Tường thành Kremlin
Các bức tường phòng thủ bao quanh Điện Kremlin ban đầu chỉ là các hàng rào gỗ với các tháp canh được xây dựng vào năm 1156.
Pháo đài Kremlin bị phá hủy vào năm 1238 bởi cuộc xâm lược của người Mông Cổ (Mongol Empire). Sau đó, Pháo đài được xây dựng lại vào năm 1339-1340 với quy mô lớn hơn và được gia cố bởi những bức tường gỗ sồi. Công trình này bị hỏa hoạn phá hủy vào năm 1365.
Năm 1367, Pháo đài được xây dựng lại với các bức tường đá vôi và tồn tại hơn một thế kỷ.
Vào cuối thế kỷ 15, dưới thời Sa hoàng Ivan III (Ivan Đại đế, trị vì năm 1462 - 1505), Điện Kremlin Moscow đã được phục dựng lại với một tầm nhìn mới.
Các bức tường phòng thủ mới với độ dày và chiều cao tăng lên đáng kể được xây dựng từ năm 1485 - 1495, bởi các KTS bậc thầy đến từ Ý.
Sau khi hoàn thành việc xây dựng các bức tường cùng với các nhà thờ Kremlin mới, Sa hoàng đã ra sắc lệnh cấm xây dựng các công trình kiến trúc trong vùng lân cận của Điện Kremlin.
Các bức tường phòng thủ bao quanh Điện Kremlin tạo thành một hình tam giác không đều với diện tích 275.000m2. Chiều dài tổng thể của Tường thành Kremlin là 2.235m, chiều cao từ 5 đến 19m, tùy thuộc vào địa hình. Độ dày của Tường thành là từ 3,5 - 6,5m. Trên đỉnh Tường thành có các bệ bắn rộng từ 2,0 đến 4,5m.
Trên cùng của các Tường thành có các lỗ châu mai với tổng cộng 1045 cái, được tạo bởi 2 đoạn tường nhô cao 2 – 2,5m, dày 0,65- 0,75m.
Từ đầu thế kỷ 18 và cho đến cuối thế kỷ 19, các Tường thành Kremlin được sơn màu trắng truyền thống; ngày nay được đổi thành màu đỏ.
Vào những thế kỷ tiếp theo, Moscow đã nhanh chóng mở rộng ra bên ngoài Tường thành Kremlin. Khi các biên giới của Nga ngày càng trở nên an toàn hơn, nhiệm vụ phòng thủ của các bức tường thành kết thúc.
Tường thành Điện Kremlin, Moscow trong một bức tranh vẽ cổ
Hệ thống hào dọc theo Tường thành Điện Kremlin, Moscow trong một bức tranh vẽ cổ
Tường thành Điện Kremlin, Moscow, tại góc phía tây và mặt phía nam giáp sông Moskva; phía sau là Đại điện Kremlin và ngọn tháp cao nhất là Tháp chuông Ivan Đại đế
Ban đầu dọc theo tường thành có 18 Tháp Kremlin (Kremlin Towers), nhưng số lượng của chúng đã tăng lên đến 20 tháp vào thế kỷ 17. Ba tòa tháp tại góc có mặt bằng hình tròn, các tháp còn lại đều có mặt bằng hình vuông.
Một số Tháp Kremlin chính gồm:
- Tháp cổng Trinity (Trinity Tower/ Troitskaya Tower, hình vẽ ký hiệu 17) nằm chính giữa mặt phía tây bắc của Tường thành Kremlin, hướng ra công viên Alexander (Alexander Garden). Công trình được xây dựng vào năm 1495–1499 bởi KTS người Ý Aloisio da Milano. Tầng hầm 2 tầng của tháp là nơi chứa một nhà tù vào thế kỷ 16 - 17. Vào Tháp cổng Trinity có cầu Troitsky, được bảo vệ bởi Tháp Kutafia. Trên đỉnh Tháp cũng có một chiếc đồng hồ, tồn tại từ năm 1585 - 1812. Năm 1707, do sự đe dọa của người Thụy Điển, các khe đặt súng của Tháp Troitskaya được mở rộng để phù hợp với các khẩu pháo hạng nặng. Năm 1935, người Liên Xô đã lắp một ngôi sao đỏ trên đỉnh Tháp. Tháp Troitskaya là tháp cao nhất của Điện Kremlin ở Moscow. Chiều cao hiện tại của nó ở phía Công viên Alexander cùng với ngôi sao là 80m. Ngày nay, cổng của Tháp là lối vào chính của du khách thăm Điện Kremlin.
Tháp cổng Trinity, Tường thành Điện Kremlin, Moscow, Nga
- Tháp cổng Borovitsky (Borovitsky Tower/ Borovitskaya Tower, hình vẽ ký hiệu 20) nằm tại mặt phía tây của Tường thành Kremlin. Công trình được xây dựng vào năm 1490, bởi KTS người Ý Pietro Antonio Solari (Petr Fryazin). Năm 1812, tháp bị hư hại do một vụ nổ. Năm 1817-1819, tháp được trùng tu bởi KTS người Nga Osip Bove (năm 1784 – 1834). Năm 1935, Liên Xô đã cài đặt một ngôi sao đỏ trên đỉnh tháp. Sau khi Cổng Spasskaya ở Quảng trường Đỏ đóng cửa không cho phương tiện lưu thông vào cuối những năm 1990, Cổng Borovitsky trở thành lối đi chính cho xe cộ. Cùng với ngôi sao, chiều cao của Tháp cổng là 54,05m.
Tháp cổng Borovitsky, Tường thành Điện Kremlin, Moscow, Nga
- Tháp cổng Tainisky (Tainisky Tower/Taynitskaya Tower, hình vẽ ký hiệu 23) nằm chính giữa mặt phía nam của Tường thành Kremlin, hướng ra sông Moskva. Công trình được xây dựng vào năm 1485 bởi KTS người Ý Antonio Gilardi. Tháp cao 38,4m. Tháp Taynitskaya có một giếng bí mật và một đường hầm dẫn đến sông Moskva. Năm 1770, tháp đã bị tháo dỡ do việc xây dựng Cung điện Kremlin (Kremlin Palace). Tháp được xây dựng lại vào những năm 1770. Năm 1930- 1933, cổng và giếng bị xây bịt kín.
Tháp cổng Tainisky, Tường thành Điện Kremlin, Moscow, Nga
- Tháp cổng Spasskaya (Spasskaya Tower/Saviours Tower, hình vẽ ký hiệu 31) nằm chính giữa mặt phía đông bắc của Tường thành Kremlin, hướng ra Quảng trường Đỏ. Cổng thường đóng cửa đối với công chúng (ngoại trừ các nghi lễ chính thức và nghi lễ tôn giáo). Tháp được xây dựng vào năm 1491 bởi KTS người Ý Pietro Antonio Solari. Cổng tháp từng là lối chính vào Điện Kremlin. Vào thời Nga hoàng, bất cứ ai đi qua cổng đều phải bỏ mũ và xuống ngựa. Đồng hồ trên Tháp Spasskaya xuất hiện giữa năm 1491 và 1585, thường được gọi là Chuông Điện Kremlin và chỉ định giờ chính thức của Moscow. Vào năm 1936, con đại bàng hai đầu trên đỉnh tháp được thay thế bằng một ngôi sao. Chiều cao của Tháp Spasskaya kể cả ngôi sao là 71m.
Tháp cổng Spasskaya nổi tiếng với ngôi sao hồng ngọc được thêm vào năm 1937, Tường thành Điện Kremlin, Moscow, Nga
Hiện tại, dọc theo Tường thành Điện Kremlinm đoạn giữa Tháp Nikolskaya (hình vẽ ký hiệu 33) và Tháp Spasskaya (hình vẽ ký hiệu 31) có một khu vực (Kremlin Wall Necropolis) đặt lăng mộ các anh hùng cách mạng của nước Nga và Liên bang Xô viết. Có 3 dạng lăng mộ: Lăng, điển hình là Lăng Lênin đặt phía trước Tháp Senate (hình vẽ ký hiệu 32); Mộ cá nhân và tập thể đặt thành dãy sát tường thành; Bình đựng hài cốt hỏa táng đặt vào sâu trong tường thành.
Lăng Lênin, cạnh Tường thành Điện Kremlin, Moscow, Nga
Lăng mộ gắn với tượng đặt bên ngoài (phía trước ảnh) và vị trí các bình hài cốt đặt trong tường (phía sau ảnh) tại Tường thành Điện Kremlin, Moscow, Nga
Quảng trường Điện Kremlin
Quảng trường Điện Kremlin hay Quảng trường Nhà thờ (Kremlin Square/Cathedral Square) nằm tại trung tâm Điện Kremlin, điểm hướng đến của tất cả các đường phố theo quy hoạch hướng tâm tại Moscow.
Quảng trường được bao quanh bởi 6 tòa nhà, trong đó có 3 nhà thờ lớn: Nhà thờ Dormition (Dormition Cathedral); Nhà thờ Tổng lãnh thiên thần (Cathedral of the Archangel) và Nhà thờ Truyền tin (Cathedral of the Annunciation).
Ngoài ra, xung quanh Quảng trường còn có: Cung điện Mặt tiền ốp đá (Palace of the Facets); Nhà thờ của Người mặc áo choàng (Church of the Deposition of the Robe), Nhà thờ của Mười hai vị Tông đồ (Church of the Twelve Apostles). Công trình kiến trúc cao nhất trên quảng trường (và trước đây trên toàn nước Nga) là Tháp chuông Ivan Đại đế (Ivan the Great Bell Tower).
Quảng trường Điện Kremlin là nơi tổ chức lễ đăng quang và tang lễ long trọng của tất cả các Sa hoàng, Đại giáo chủ và Đại công tước Moscow. Ngày nay, quảng trường còn được sử dụng trong lễ nhậm chức của Tổng thống Nga.
Quảng trường Điện Kremlin hay Quảng trường Nhà thờ Moscow trong một tranh vẽ vào năm 1797
Quảng trường Điện Kremlin hay Quảng trường Nhà thờ Moscow ngày nay
Nhà thờ Dormition
Nhà thờ Dormition (Cathedral of the Dormition), còn được gọi là Nhà thờ Assumption (Assumption Cathedral, hình vẽ ký hiệu 2), là một nhà thờ Chính Thống Nga (Russian Orthodox Church) dành riêng cho Lễ Đức Mẹ Lên Trời (Dormition of the Theotokos).
Nhà thờ Dormition nằm tại phía bắc của Quảng trường Điện Kremlin.
Một nhà thờ bằng gỗ đã tồn tại trên địa điểm này vào thế kỷ 12; được thay thế bằng một công trình kiến trúc đá vôi được xây dựng vào khoảng năm 1326, vào thời điểm Moscow trở thành thủ đô của công quốc Vladimir-Suzdal.
Ở hình thức hiện tại, Nhà thờ được xây dựng từ năm 1475–1479 theo lệnh của Đại công tước Moscow Ivan III, bởi KTS người Ý Aristotele Fioravanti (năm 1415- 1486).
Aristotele Fioravanti đã kết hợp được tinh thần của thời kỳ Phục hưng với truyền thống của Nga khi thiết kế Nhà thờ Dormition.
Thiết kế của nhà thờ mới với 5 mái vòm (tượng trưng cho Chúa Giê-su và 4 nhà truyền giáo), được mô phỏng theo Nhà thờ Assumption ở Vladimir (Assumption Cathedral/ Dormition Cathedral in Vladimir). Công trình có mặt bằng dạng nhà thờ ba gian với các mái vòm bên trên; sử dụng nhiều khối xây bằng đá vôi. Sau khi xây dựng, Nhà thờ Dormition trở thành khuôn mẫu cho nhiều nhà thờ khác trên khắp nước Nga.
Trang trí chủ đạo bên trong của nhà thờ là các tranh bích họa và biểu tượng đặt trên các bức tường (Iconostasis, ngăn cách giữa gian giữa trung tâm của nhà thờ với điện thờ theo kiểu kiến trúc nhà thờ Byzantine), trong đó có biểu tượng đặc biệt mang tên Đức Mẹ Vladimir (Virgin of Vladimir, là một biểu tượng Byzantine thế kỷ 12 mô tả Đức mẹ Đồng trinh và Đứa trẻ) và Blachernitissa (Theotokos of Blachernae).
Từ năm 1547 - 1896, Nhà thờ là nơi tổ chức Lễ đăng quang của Sa hoàng Nga, lễ cưới cho các hoàng tử. Ngoài ra, đây còn là nơi chôn cất hầu hết các Đại công tước Moscow, Giáo chủ của Nhà thờ Chính thống Nga và cũng là một phần của Bảo tàng Điện Kremlin Moscow (Moscow Kremlin Museums).
Nhà thờ đã phải hứng chịu nhiều thảm họa trong lịch sử tồn tại, bao gồm hỏa hoạn, nạn cướp bóc, chuyển mục đích sử dụng, bị đóng cửa…Hầu hết các kho báu của nhà thờ đã được chuyển đến Kho vũ khí Điện Kremlin.
Công trình trở lại là một nhà thờ Chính thống Nga sau năm 1991.
Phối cảnh Nhà thờ Dormition, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Mặt bằng Nhà thờ Dormition, Điện Kremlin, Moscow và sơ đồ các ngôi mộ của Đại công tước Moscow và Giáo chủ của Nhà thờ
Cấu trúc xây dựng và nội thất Nhà thờ Dormition, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Nội thất gian giữa Nhà thờ Dormition, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Nhà thờ Truyền tin
Nhà thờ Truyền tin (Church of the Annunciation, hình vẽ ký hiệu 3) là một nhà thờ Chính thống Nga dành riêng cho Lễ Truyền tin của Theotokos (Đức Mẹ); nằm tại phía tây nam của Quảng trường Điện Kremlin.
Ban đầu, công trình là nhà nguyện cá nhân cho các Sa hoàng Muscovite và là nơi xưng tội riêng của hoàng gia Nga cho đến đầu thế kỷ 20. Ngày nay, công trình là một phần của Bảo tàng Điện Kremlin ở Moscow (Moscow Kremlin Museums).
Nhà thờ Truyền tin được xây dựng bởi các KTS đến từ Pskov (là một trong những thành phố lâu đời nhất của Nga) thay vì các KTS người Ý; được xây dựng vào năm 1484-1489 như một phần trong kế hoạch của Đại Công tước Ivan III (Ivan Đại đế, trị vì năm 1462 – 1505) về việc cải tạo quy mô lớn Điện Kremlin Moscow.
Công trình được xây dựng trên vị trí của một nhà thờ cùng tên có từ thế kỷ 14. Do nằm gần cung điện hoàng gia, Nhà thờ được Sa hoàng Ivan III chọn làm nhà nguyện cá nhân của mình và một cầu thang nối trực tiếp Nhà thờ với các phòng riêng của Sa hoàng trong cung điện đã được xây dựng.
Ban đầu, Nhà thờ Truyền tin chỉ có 3 mái vòm. Sau khi bị hư hại nặng trong một trận hỏa hoạn vào năm 1547, Sa hoàng Ivan IV the Terrible (trị vì năm 1547- 1575) đã trùng tu nhà thờ, hoàn thành vào năm 1564. 2 mái vòm bổ sung được thêm vào ở phía tây và 4 nhà nguyện mới với mái vòm được xây dựng; do vậy Nhà thờ ngày nay có tổng cộng 9 mái vòm, được dát vàng. Năm 1572, Nhà thờ xây bổ sung thêm một cầu thang ở mặt tiền phía nam, được gọi là "Grosnenski".
Từ sau khi Sa hoàng Ivan IV the Terrible đăng quang, các thành viên hoàng tộc đã làm lễ tại Nhà thờ Truyền tin, kết hôn và rửa tội cho con cái của họ. Ngay cả sau khi chuyển thủ đô đến St.Petersburg, Nhà thờ Truyền tin vẫn là một trong những nhà thờ quan trọng nhất ở Nga.
Theo thời gian, nhiều kho báu của Nhà thờ bị cướp phá trong chiến tranh vào năm 1612, bị hỏa hoạn năm 1737, bị cướp phá và sử dụng làm doanh trại khi người Pháp chiếm đóng Moscow vào năm 1812.
Sau Cách mạng Nga năm 1917, nhà thờ bị đóng cửa. Trong suốt những năm 1950, cùng với các nhà thờ còn sót lại khác trong Điện Kremlin Moscow, công trình được bảo tồn như một viện bảo tàng. Sau năm 1991, hoạt động tôn giáo được nối lại. Nhà thờ được trùng tu vào năm 2009.
So với hai nhà thờ lớn khác của Điện Kremlin, Nhà thờ Truyền tin có kích thước nhỏ hơn; được xây dựng theo phong cách truyền thống hơn do được thiết kế bởi các kiến trúc sư địa phương.
Nhà thờ được đặt trên một bệ nền cao, xây bằng gạch sơn màu trắng. Lối vào nhà thờ ở phía đông và phía nam với các trang trí chịu ảnh hưởng của kiến trúc Phục hưng Ý.
Nội thất của nhà thờ bao gồm khu vực cầu nguyện trung tâm và một số phòng trưng bày xung quanh với các bàn thờ phụ xây dựng bổ sung vào thế kỷ 16.
Trong toàn bộ nội thất, có những mảng bích họa, được thực hiện bởi các họa sỹ nổi tiếng đương thời, theo các chủ đề kinh thánh, các nhân vật anh hùng, chân dung các hoàng tử và Đại công tước Nga.
Phía sau bàn thờ là một phòng lớn chứa hài cốt của khoảng 50 vị thánh nhân từ nhiều nơi khác nhau, được phát hiện vào năm 1894.
Phối cảnh Nhà thờ Truyền tin, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Sơ đồ mặt cắt, mặt bằng Nhà thờ Truyền tin, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Trang trí trên trần Nhà thờ Truyền tin, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Trang trí trên tường (Iconostasis) Nhà thờ Truyền tin, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Nhà thờ Tổng lãnh Thiên thần
Nhà thờ Tổng lãnh Thiên thần (Church of the Archangel, hình vẽ ký hiệu 4) là một nhà thờ Chính Thống Nga dành riêng cho Tổng lãnh thiên thần Michael.
Công trình nằm tại phía nam của Quảng trường Điện Kremlin, đối diện với Nhà thờ Truyền tin (Church of the Annunciation).
Nhà thờ Tổng lãnh thiên thần được xây dựng vào năm 1505 – 1508, dưới sự giám sát của KTS người Ý Alevisio Novi. Công trình đặt trên nền của một nhà thờ cũ, được xây dựng vào năm 1333.
Ngày nay, Nhà thờ Tổng lãnh thiên thần trở thành một phần của Bảo tàng Điện Kremlin Moscow (Moscow Kremlin Museums).
Nhà thờ Tổng lãnh thiên thần kết hợp nhiều yếu tố của thời Phục hưng Ý. Các bức bích họa trong Nhà thờ được vẽ vào những năm sau này (năm 1564).
Nhà thờ đã bị hư hại trong vụ cháy Điện Kremlin năm 1737.
Tất cả các Sa hoàng và hoàng thân Nga đều được chôn cất trong nhà thờ cho đến thời Peter Đại đế. Sau khi nghĩa trang hoàng gia được chuyển đến Nhà thờ Peter và Paul ở St.Petersburg, chỉ có Sa hoàng Peter II , người tình cờ qua đời ở Moscow, được an táng tại đây. Trong nhà thờ có tổng cộng 54 ngôi mộ.
Trong cuộc Cách mạng Nga năm 1917, nhà thờ đã bị hư hại trong cuộc giao tranh và sau đó bị đóng cửa.
Trong suốt những năm 1950, cùng với các nhà thờ khác còn sót lại trong Điện Kremlin Moscow, công trình được bảo tồn như một viện bảo tàng. Phần lớn các kho báu của Nhà thờ đã được chuyển đến Bảo tàng Vũ khí Điện Kremlin.
Sau năm 1991, tòa nhà được trả lại cho Nhà thờ Chính thống Nga và các hoạt động tôn giáo được nối lại.
So với hai nhà thờ lớn khác của Điện Kremlin, Nhà thờ Tổng lãnh Thiên thần về cơ bản có phong cách khác biệt, mặc dù vẫn duy trì lối bài trí truyền thống.
Nhà thờ lặp lại cách bố trí của Nhà thờ Dormition (Assumption) khi sử dụng 5 mái vòm. Phần trang trí bên ngoài là các hốc hình bán nguyệt đặc trưng có khung viền bằng đá vôi trắng, được phủ một lớp sơn và trang trí hình tượng hoa theo phong cách Phục hưng Ý.
Nội thất của Nhà thờ được xây dựng theo phong cách điển hình của nhà thờ Nga với các bức tường (Iconostasis) trang trí bằng các lớp bích họa và biểu tượng có niên đại từ thế kỷ 16 và 17.
Phối cảnh Nhà thờ Tổng lãnh thiên thần, phía sau là Nhà thờ Truyền tin, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ Tổng lãnh thiên thần và vị trí mộ của các Sa hoàng và hoàng tử Nga, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Cấu trúc xây dựng và nội thất Nhà thờ Tổng lãnh thiên thần, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Một đoạn tường trang trí (Iconostasis) Nhà thờ Tổng lãnh thiên thần, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Tháp chuông Ivan Đại đế
Tháp chuông Ivan Đại đế (Ivan the Great Bell Tower, hình vẽ ký hiệu 7) nằm tại phía đông của Quảng trường Điện Kremlin.
Công trình được xây dựng vào năm 1505-1508. Tháp cao 82 mét, là tòa nhà cao nhất ở Nga, trở thành tâm điểm của Quần thể Điện Kremlin. Tháp chuông được xây dựng bổ sung cho 3 nhà thờ Chính thống giáo của Nga nằm trên Qảng trường không có tháp chuông riêng.
Ngày nay, công trình là một phần của Bảo tàng Điện Kremlin ở Moscow (Moscow Kremlin Museums).
Năm 1329, trên địa điểm này đã tồn tại nhà thờ với tháp chuông đá đầu tiên của Moscow, được xây dựng bởi Đại Công tước Ivan Kalita (trị vì năm 1325- 1341).
Trong cuộc đại tu bổ Điện Kremlin của Đại Công tước Ivan III (Ivan Đại đế, trị vì năm 1462 – 1505) đã thuê KTS Ý xây dựng lại nhà thờ này.
Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1505, năm mất của Ivan Đại đế, và hoàn thành 3 năm sau đó dưới thời con trai ông là Đại công tước Vasily III (trị vì năm 1505 – 1533). Vasily III đã ra lệnh dựng một ngọn tháp mới và lớn chưa từng có trên nền của ngọn tháp cũ như một tượng đài để tôn vinh cha mình.
Tháp chuông mới, được hoàn thành vào năm 1508, cao khoảng 60m. Với chiều cao lớn, tháp cũng có vai trò là tháp quan sát và phòng hỏa hoạn.
Một nhà thờ mới, Nhà thờ Phục sinh (Church of the Resurrection), được xây dựng bên cạnh Tháp chuông từ năm 1531 – 1543. Nhưng đến cuối thế kỷ 17, nhà thờ này lại được sử dụng làm nơi hát của dàn đồng ca chứ không phải là nơi thờ cúng.
Năm 1600, theo lệnh của Sa hoàng Boris Godunov (trị vì năm 1598 – 1605), tháp đã được nâng lên đến độ cao hiện tại.
Cho đến khi xây dựng Nhà thờ Chúa Cứu Thế (Cathedral of Christ the Saviour, cách khoảng vài trăm mét phía tây nam Điện Kremlin, cao 103m) vào năm 1883, đây là tòa nhà cao nhất ở Moscow cũ, và người ta cấm xây dựng bất kỳ tòa nhà nào ở Moscow cao hơn Tháp Chuông.
Tháp chuông Ivan Đại đế là một cấu trúc tháp dật bậc gồm ba phần: Phần đế tháp có mặt bằng hình bát giác, cao 2 tầng; tầng trên với các ô cửa lớn, bên trong đặt chuông lớn; Phần thân tháp thu gọn lại so với phần đế, cao 2 tầng, tầng trên với các ô cửa nhỏ, bên trong đặt chuông nhỏ; Phần đỉnh tháp cao 2, tầng dưới thu gọn lại so với Phần thân tháp, tầng trên hình tròn, bề mặt được trang trí, vươn cao đỡ một mái vòm dát vàng với cây thánh giá cao 7m.
Bên trong tháp có tổng cộng 329 bậc cầu thang xoắn ốc dài dẫn đến đài quan sát cao nhất. Không gian ở tầng trệt đã từng là tường của của Nhà thờ Thánh John Climacus với bức tường dày 5m.
Tháp chuông Ivan Đại đế ngày nay chứa 22 quả chuông. Trong số này có 4 quả chuông lớn treo tại đế tháp; một quả được đặt tên là Chuông Uspenski nặng 65,5 tấn; các chuông còn lại nặng 19,6 tấn, 16,6 tấn và chuông gần đây nhất đúc vào năm 1704 nặng 13 tấn.
Tháp chuông Ivan Đại đế, Điện Kremlin, Moscow, Nga; bên cạnh là Nhà thờ Phục sinh
Cấu trúc xây dựng và nội thất Tháp chuông Ivan Đại đế, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Các ô cửa treo chuông, Tháp chuông Ivan Đại đế, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Cung điện Mặt tiền ốp đá
Cung điện Mặt tiền ốp đá (Palace of the Facets, hình vẽ ký hiệu 10) nằm tại phía tây của Quảng trường Điện Kremlin, giữa Nhà thờ Truyền tin (ký hiệu 2) và Nhà thờ Dormition (ký hiệu 3).
Cung điện đặt tên như vậy theo thiết kế mặt đứng phía đông, hướng ra Quảng trường Điện Kremlin, được ốp bằng các khối đá trắng tự nhiên nhiều mặt. Cách trang trí với các viên đá nhiều mặt như vậy là điển hình cho kiến trúc thời Phục hưng của Ý.
Đây là một tòa nhà thế tục, một trong số các tòa nhà dân dụng lâu đời nhất Điện Kremlin và là công trình đáng chú ý nhất.
Công trình được xây dựng năm 1487–1491, bởi các KTS người Ý Marco Fryazin và Pietro Antonio Solario.
Cung điện như một hội trường lớn để tổ chức các buổi lễ cấp nhà nước, lễ kỷ niệm và tiếp đón các đại sứ nước ngoài. Hiện tại, Cung điện là một phòng nghi lễ chính thức thuộc dinh thự của Tổng thống Liên bang Nga.
Đây từng được sử dụng làm Phòng ngai vàng và Phòng tiệc cho các Sa hoàng vào thế kỷ 16 - 17 và hiện vẫn được sử dụng để tổ chức các buổi chiêu đãi chính thức của nhà nước. Các bức tranh được phục hồi vào những năm 1880 bởi các họa sĩ biểu tượng từ thành phố Palekh (trung tâm hành chính quận Palekhsky, vùng Ivanovo Oblast , Nga; đây là nơi có một lịch sử rất lâu đời trong Nghệ thuật biểu tượng Nga) theo lệnh của Sa hoàng Alexander III (trị vì năm 1881- 1894).
Ở mặt tiền phía nam của Cung điện là một cầu thang bên ngoài mang tên Red Porch, được trang trí các tác phẩm điêu khắc hình sư tử cách điệu trên lan can. Các Sa hoàng đã đi qua cầu thang này trên đường đến Nhà thờ Dormition để đăng quang. Lễ rước cuối cùng là lễ đăng quang của Sa hoàng Nicholas II vào năm 1896. Cầu thang bị phá bỏ vào năm 1930, được xây dựng lại vào năm 1994.
Năm 2012, sau một đợt trùng tu lớn, Cung điện được mở cửa trở lại cho công chúng.
Nhìn mặt tiền, công trình như là một tòa nhà hình chữ nhật 3 tầng, song thực chất đây là một tòa nhà 1 tầng với một nửa tầng hầm nhô lên. Khung cửa sổ được trang trí theo phong cách Baroque, được bổ sung vào cuối của thế kỷ 17.
Tại phía tây, tòa nhà được kết nối trực tiếp với khối giữa của Đại điện Kremlin.
Mặt bằng công trình gồm chính điện và tiền điện kề liền. Cả hai đều được trang trí với những bức bích họa phong phú và chạm khắc mạ vàng. Chính điện hình vòm có diện tích khoảng 500 m2.
Toàn bộ tường tầng hầm và tầng trên được trang trí bởi các bức bích họa với nhiều chủ đề lịch sử của nhà nước Nga và Nhà thờ Chính thống Nga.
Phối cảnh Cung điện Mặt tiền ốp đá, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Đoạn mặt tiền được ốp đá nhiều mặt, Cung điện Mặt tiền ốp đá, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Nội thất Cung điện Mặt tiền ốp đá, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Cung điện Teremnoi
Cung điện Teremnoi (Teremnoi Palace, hình vẽ ký hiệu 12) nằm tại phía tây của Quảng trường Điện Kremlin, phía bắc của Đại điện Kremlin. Đây là công trình dân dụng đáng chú ý nhất của thế kỷ 17 do các bậc thầy người Nga xây dựng.
Cung điện Teremnoi là một phức hợp gồm một số nhà thờ được xây dựng trước đó, bao gồm cả Nhà thờ Chúa giáng sinh của Đức mẹ Đồng trinh (Church of the Virgin's Nativity) có từ những năm 1360. Công trình đã từng là nơi cư trú chính của Sa hoàng Nga vào thế kỷ 17. Hiện tại, Cung điện thuộc dinh thự của Tổng thống Nga.
Vào thế kỷ 16, KTS người Ý Aloisio da Milano đã xây dựng cung điện hoàng gia đầu tiên tại địa điểm này. Sa hoàng Mikhail Feodorovich (trị vì năm 1613 – 1645) đã cho xây dựng lại hoàn toàn cung điện vào năm 1635–1636. Cấu trúc mới được bao quanh bởi nhiều tòa nhà phụ, bao gồm bệ Boyar (Boyar Platform), Cầu thang vàng (Golden Staircase), Hiên vàng (Golden Porch) và một số tháp pháo. Theo lệnh của Sa hoàng Mikhail, Phòng Tsaritsa Vàng (Golden Tsaritsa's Chamber), được xây dựng từ năm 1560, đã được gắn 11 mái vòm bằng vàng.
Cung điện Teremnoi cao 5 tầng. Tầng thứ 3 là nơi ở của Hoàng hậu (czarina) và gia đình. Tầng 4 là căn hộ riêng của Sa hoàng. Tầng 5 có cấu trúc giống như một cái lều, nơi Hội đồng các quý tộc Nga (Boyar Duma) hội họp.
Bên ngoài Cung điện được trang trí lộng lẫy bằng gạch và ngói màu; sơn rực rỡ với màu đỏ, vàng và cam.
Nội thất Cung điện cũng từng được sơn. Các bức tranh tường ban đầu đã bị phá hủy bởi các trận hỏa hoạn liên tiếp, đặc biệt là trận hỏa hoạn lớn năm 1812. Năm 1837, nội thất được tu sửa lại theo phong cách cũ.
Phối cảnh Cung điện Teremno, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Sơ đồ mặt đứng Cung điện Teremno, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Nội thất một phòng bên trong Cung điện Teremno, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Tòa Arsenal
Tòa Arsenal (Arsenal Kremlin, hình vẽ ký hiệu 14) nằm tại phía tây bắc Quảng trương Điện Kremlin.
Công trình là một kho vũ khí, được xây dựng lần đầu vào năm 1736, được cải tạo nhiều lần và vẫn sử dụng cho mục đích quân sự đến ngày nay, không giống Kho vũ khí Kho vũ khí Kremlin (Kremlin Armoury), một kho vũ khí khác nằm trong Điện Kremlin Moscow, hiện là một bảo tàng.
Ban đầu, đây là kho thóc, cuối thế kỷ 17, Sa hoàng Peter Đại đế (Peter the Great, trị vì năm 1682 – 1725) đã mời một nhóm KTS người Nga và Đức để xây dựng Kremlin Arsenal, để trở thành một trong những tòa nhà lớn nhất ở Moscow vào thời điểm đó. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1702, kéo dài đến năm 1736. Công trình được trùng tu vào năm 1786-1796.
Trong cuộc xâm lược Nga của Napoléon, lính Pháp đã cho nổ tung tòa nhà. Công trình được khôi phục từ năm 1816 - 1828 theo kiến trúc Tân cổ điển và được sử dụng làm bảo tàng dành riêng cho chiến thắng của Nga trước Napoleon. Khoảng 875 khẩu pháo thu được từ quân đội Pháp (Grande Armée) khi rút lui đã được trưng bày dọc theo các bức tường phía nam của Arsenal. Kể từ năm 1960, các khẩu đại bác gắn trên xe ngựa của Nga thế kỷ 16 và 17 cũng được trưng bày dọc theo bức tường phía nam của tòa nhà.
Công trình hiện tại có bố cục kiểu chu vi bao quanh một sân trong lớn, cạnh dài nhất đến 300m, cao 2 tầng đến 24m.
Công trình có các bức tường gạch sơn màu vàng tương tự như các công trình khác trong Điện Kremlin. Đáng chú ý là hàng cửa sổ vòm ghép đôi, có khung bằng đá vôi trắng. Hai lối vào ở mặt tiền phía nam và phía đông có các cổng vòm với trang trí kiểu Baroque.
Mặt phía đông Tòa Arsenal, Điện Kremlin, Moscow với các khẩu đại bác trưng bày phía trước
Mặt phía nam với sảnh vào, Tòa Arsenal, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Tòa Thượng viện hay Dinh Tổng thống
Tòa Thượng viện (Senate, hình vẽ ký hiệu 15) hay “Ngôi đền của luật pháp”, nằm tại phía đông bắc của Quảng trường Điện Kremlin.
Công trình được xây dựng vào năm 1776–1787 bởi Matvei Kazakov (KTS Tân cổ điển người Nga, 1738 – 1812), là nhà của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Đế quốc Nga. Ngày nay nó là nơi ở của Tổng thống Nga.
Công trình có mặt bằng là một tam giác cân, chiều dài mỗi cạnh 100; một mặt tiếp giáp trực tiếp với Tường thành Kremlin, song song với Quảng trường Đỏ.
Tòa Thượng viên cao 3 tầng và được sơn màu vàng giống như nhiều tòa nhà hành chính khác trong Điện Kremlin Moscow.
Các tòa nhà bao quanh 3 sân trong. Giữa mặt tiền chính là một lối đi hình vòm cung được tạo hình giống như Khải hoàn môn (Triumphal Arch) dẫn vào sân trong. Bên trong là Hội trường tròn (Rotunda, đường kính 24,7m, chiều cao bên trong 27m), từng được gọi là Điện Pantheon của Nga (Pantheon of Russia), nơi tổ chức các buổi lễ đặc biệt quan trọng. Đây là một hội trường hình tròn, có đường kính 24,7m với các bức phù điêu trang trí mô tả nữ thần Catherine hay nữ thần Minerva
của Hy Lạp.
Mái vòm màu xanh lá cây của công trình mang quốc kỳ, được thấy rõ từ Quảng trường Đỏ. Ban đầu, trên đỉnh mái vòm là bức tượng của Thánh George, sau đó là bức tượng Công lý (Justice, bị quân đội Pháp phá hủy năm 1812). Phong cách bên ngoài của tòa nhà là sự pha trộn giữa thức cột Doric và Ionic.
Phối cảnh tổng thể Tòa Thượng viện, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Phối cảnh mặt đứng hướng nam, Tòa Thượng viện, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Tòa Phối cảnh sân trong Tòa Thượng viện, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Nội thất khu vực cầu thang chính, Tòa Thượng viện, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Nội thất một trong những phòng họp, Tòa Thượng viện, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Nội thất phòng làm việc của Tổng thống, Tòa Thượng viện, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Đại điện Kremlin
Đại điện Kremlin (Great Kremlin Palace, hình vẽ ký hiệu 13), nằm tại phía nam Quảng trường Điện Kremlin, sát với phía bờ sông Moskva.
Công trình được xây dựng năm 1839 – 1849 bởi kiến trúc sư người Nga KA Thon, là nơi ở của gia đình hoàng gia, kết hợp các công trình kiến trúc cổ kính của Điện Kremlin, Moscow.
Ngày nay Hội trường Georgievsky (Georgensaal) được sử dụng cho các buổi chiêu đãi nhà nước và ngoại giao cũng như các nghi lễ chính thức. Các hiệp ước quốc tế được ký kết tại Hội trường Vladimirsky.
Hội trường Aleksandrovsky và Hội trường Andreyevsky được sử dụng cho các cuộc họp và hội nghị của Xô viết tối cao thời kỳ Liên Xô.
Hiện nay Đại điện Kremlin trở thành dinh thự chính thức của Tổng thống Liên bang Nga.
Đại điện Kremlin dài 124m, cao 47m, tổng diện tích khoảng 25000m2.
Các tòa nhà của Đại điện tạo thành hình chữ nhật với sân trong. Nhìn mặt ngoài, công trình cao 3 tầng, thực tế chỉ có 2 tầng, do tầng trên có 2 lớp cửa sổ.
Mặt ngoài của Đại điện Kremlin là sự kết hợp nhiều chi tiết đặc trưng của kiến trúc Nga và kiến trúc Byzantine (Đế chế Đông La Mã, tồn tại năm 330-1453, với các mái vòm hình tròn) thời Trung cổ.
Tòa nhà phía tây của Đại điện có các hội trường nhà nước và phòng riêng của gia đình hoàng gia.
5 hội trường chính của Đại điện được đặt tên là Georgievsky (Georgensaal), Vladimirsky (Wladimirsaal), Aleksandrovsky (Alexandersaal), Andreyevsky (Andreas – Thronsaal), và Ekaterininsky (Katharinensaal).
Đại điện Kremlin nhìn từ bên kia sông Moskva, Nga
Sơ đồ mặt bằng Đại điện Kremlin, Moscow, Nga
Hội trường Georgievsky, Đại điện Kremlin, Moscow, Nga
Hội trường Vladimirsky, Đại điện Kremlin, Moscow, Nga
Hội trường Aleksandrovsky, Đại điện Kremlin, Moscow, Nga
Hội trường Andreyevsky, Đại điện Kremlin, Moscow, Nga
Ngoài ra, trong Điện Kremlin, Moscow còn có nhiêu di tích đặc biệt, ví dụ như Pháo Sa hoàng (Tsar Cannon, hình vẽ ký hiệu 8); Chuông Sa hoàng (Tsar Bell, hình vẽ ký hiệu 9)…
Pháo Sa hoàng có từ năm 1586, không sử dụng trong chiến tranh, cỡ nòng 890mm, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Chuông Sa hoàng được đúc năm 1735 – 1737, nặng 202 tấn, cao 6,14m, đường kính 6,6m; bị vỡ khi hỏa hoạn, Điện Kremlin, Moscow, Nga
Quảng trường Đỏ, Moscow
Quảng trường Đỏ (Red Square), liên kết chặt chẽ với Điện Kremlin, nằm bên dưới bức tường phía đông của Quần thể.
Quảng trường Đỏ thường được coi là quảng trường trung tâm của Moscow, vì các đường phố chính của thành phố, nối với các đường cao tốc lớn của Nga, đều bắt nguồn từ Quảng trường.
Phía tây của Quảng trường là bức tường Điện Kremlin. Trước kia dọc theo tường thành là con hào mang tên Alevizov, có chiều dài 541m, rộng 36m, sâu 9,5- 13m, được lót bằng đá vôi. Năm 1533, có một tường rào bằng gạch dọc theo hào, cao 4m. Tại vị trí Tháp cổng vào Điện Kremlin có các cây cầu bằng gỗ vượt qua hào vào trong thành.
Quảng trường Đỏ cũng là một địa điểm cho các hoạt động thương mại của Moscow. Dọc theo Quảng trường xuất hiện các khu chợ và các nhà thờ.
Quảng trường Đỏ được coi là một nơi linh thiêng. Nhiều đám rước lễ hội khác nhau đã được tổ chức tại Quảng trường.
Trong cuộc chiến đấu đánh đuổi quân đội Ba Lan khỏi Moscow năm 1612, Hoàng tử Dmitry Pozharsky đã tiến vào Điện Kremlin qua Quảng trường. Để tưởng nhớ sự kiện này, ông đã xây dựng Nhà thờ Kazan (Kazan Cathedral, Moscow) để tôn vinh "Biểu tượng Mẹ Thiên Chúa Kazan", người đã theo chân quân đội của ông trong một chiến dịch. Nhà thờ Chính thống giáo Nga này nằm ở góc đông bắc của Quảng trường Đỏ, bị phá hủy dưới thời Xô viết năm 1936 và được dựng lại năm 1993.
Vào cuối thế kỷ 17, trên Quảng trường, các cấu trúc bằng gỗ đã bị phá bỏ.
Vào cuối thế kỷ 18, Quảng trường được cải tạo lại.
Năm 1804, theo yêu cầu của các thương gia, Quảng trường được lát bằng đá.
Giai đoạn cải tạo mới của Quảng trường bắt đầu sau cuộc xâm lược của người Pháp vào năm 1812.
Các con hào dọc theo tường thành được lấp vào năm 1813 và trên đó trồng cây.
Năm 1818, Đài tưởng niệm Minin và Pozharsky được xây dựng, là biểu tượng cho sự trỗi dậy ý thức yêu nước của người Nga.
Năm 1874, tòa nhà lịch sử của Zemsky Prikaz bị phá bỏ. Tại vị trí của nó, Bảo tàng Lịch sử Hoàng gia được xây dựng theo phong cách Nga. Các tòa nhà lớn được xây dựng xung quanh Quảng trường từ năm 1888 đến năm 1893.
Năm 1892, Quảng trường được chiếu sáng bằng đèn điện. Năm 1909 lần đầu tiên xe điện xuất hiện trên Quảng trường.
Trong thời kỳ Xô Viết , Quảng trường Đỏ thành tâm điểm cho chính thể mới. Ngoài là địa chỉ chính thức của chính phủ Liên Xô, Quảng trường Đỏ còn nổi tiếng là nơi tổ chức các cuộc diễu binh từ năm 1919 trở đi.
Từ năm 1924, Lăng Lênin trở thành một phần của Điện Kremlin, Quảng trường Đỏ và cũng là khán đài dành cho các chức sắc quan trọng trong tất cả các lễ kỷ niệm của quốc gia. Vào những năm 1930, một số công trình như Nhà thờ Kazan và Nhà nguyện Iverskaya với Cổng Phục sinh đã bị phá bỏ để nhường chỗ cho các phương tiện quân sự hạng nặng chạy qua quảng trường (cả 2 công trình sau đó đều được xây dựng lại sau khi Liên Xô sụp đổ). Hai trong số các cuộc diễu hành quân sự quan trọng nhất trên Quảng trường Đỏ là Cuộc diễu hành kỷ niệm cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1941, khi Moscow bị bao vây bởi quân Đức, quân đội diễu binh rời Quảng trường Đỏ tiến thẳng ra chiến trường; Cuộc diễu hành mừng Chiến thắng năm 1945, khi các phù hiệu của quân đội Đức Quốc xã bị ném xuống phía dưới chân Lăng Lê Nin.
Ngày nay, Quảng trường Đỏ cũng là địa điểm tổ chức các buổi hòa nhạc mang tầm quốc tế.
Tranh vẽ miêu tả Cửa hàng sách ở cầu Spassky, cổng chính vào Điện Kremlin, Quảng trường Đỏ, Moscow, Nga
Quảng trường Đỏ, Moscow, Nga
Nhà thờ Pokrovski
Nhà thờ Pokrovski (Pokrovski Cathedral/Cathedral of St Basil the Blessed, hình vẽ ký hiệu 40) nằm tại đầu phía nam của Quảng trường Đỏ, được xây dựng vào năm 1555–1560 để kỷ niệm chiến thắng của Sa hoàng Ivan the Terrible trước Hãn quốc Kazan (Kazan Khanate). Công trình là một trong những kiến trúc nhà tiêu biểu của nghệ thuật Chính thống giáo Nga (Russian Orthodox Art), do Postnik Yakovlev thiết kế.
Năm 1538, công trình bị hỏa hoạn và được phục hồi vào năm 1593.
Vào thế kỷ 17, nhà thờ đã có được diện mạo hiện đại nhờ vào việc hoàn thiện trang trí các mái vòm và sơn cả bên trong và bên ngoài nhà thờ.
Vào năm 1680–1683, Nhà thờ được cải tạo và mở rộng; một tháp chuông trên mái đã được bổ sung, cầu thang và hành lang dẫn vào công trình được che bằng tấm lợp mái vòm…
Việc trang trí màu sắc của Nhà thờ được thực hiện suốt trong một thời gian dài từ những năm 1680 – 1848.
Năm 1737, nhà thờ bị hư hại do một trận hỏa hoạn lớn và sau đó được trùng tu lại.
Năm 1812, quân đội Pháp chiếm Moscow, cướp phá công trình.
Nội thất bên trong đã được sửa chữa vào năm 1813 và bên ngoài vào năm 1816 gắn với việc làm sạch và hình thành hệ thống các sân rộng bao quanh. Việc sửa chữa tiếp tục cho đến năm 1848, tạo màu sắc cho các mái vòm như ngày nay.
Năm 1908, nhà thờ nhận được hệ thống sưởi ấm không khí đầu tiên và năm 1913, xây dựng bổ sung một hệ thống bơm nước nóng phục vụ cho sinh hoạt bên trong Nhà thờ.
Vào năm 1923, Nhà thờ trở thành một bảo tàng, mặc dù các dịch vụ tôn giáo vẫn tiếp tục cho đến năm 1929. Những năm sau này, Nhà thờ được cải tạo khôi phục các chi tiết kiến trúc mang tính lịch sử.
Sau năm 1991, các nghi lễ Chính thống giáo Nga hàng tuần được khôi phục lại.
Nhà thờ Pokrovski ngày nay nổi bật giữa các tòa nhà kiểu trúc Gothic và hiện đại với một kiến trúc nhiều màu sắc rực rỡ và 10 ngôi tháp chóp hình củ hành.
Nhà thờ có bố cục mặt bằng rất trật tự, đối xứng qua một trục, bao gồm một nhà thờ trung tâm cao 46m, diện tích sàn 64m2 và bao quanh bởi tám nhà nguyện, bốn nhà chính lớn và bốn nhà phụ nhỏ. Sau này được bổ sung thêm một nhà nguyện ở góc phía Đông của công trình, là nơi chôn hài cốt của linh mục Chính thống giáo người Nga Basil (1468-1552). Cũng từ đó nhà thờ được gọi là "Nhà thờ Thánh Basil".
Nhà thờ được xây dưng bằng gạch đỏ (28 x 14 x 8 cm). Người ta cho rằng, ban đầu có một hệ khung gỗ bên trong được liên kết bằng đinh tán, sau đó được bọc bởi các khối xây gạch kiên cố, dạng gạch đỏ để trần hoặc sơn giả gạch màu trắng với tỷ lệ tương tự nhau.
Các mái vòm có hình khối như củ hành tây được phủ bằng thiếc, được mạ vàng.
Việc kết hợp trang trí giữa các màu sơn trắng, đỏ, vàng cùng màu xanh lá cây và xanh lam của vật liệu gốm, tạo ra một một công trình với màu sắc sắc sống động, tươi sáng.
Bên trong Nhà thờ là mê cung của các hành lang hẹp dẫn đến các phòng nguyện nhỏ, được trang trí bằng những hình ảnh hoa lá màu lam tinh tế. Tại đây có nhiều cầu thang gỗ chìm trong tường; bàn thờ bằng đá cẩm thạch…
Bởi không có kiến trúc tương tự trong các kiến trúc trước đây, nên Nhà thờ được cho là bắt nguồn từ nhiều triết lý tôn giáo và quan điểm chính trị khác nhau. Song trước hết là ý tưởng về một “Vương quốc Thiên đường” được mô tả trong Kinh thánh và được xây dựng bởi những người tài của thiên hạ tụ tập về đây, tạo nên sự tương tác giữa kiến trúc và văn hóa nội sinh của Nga và ngoại nhập từ bên ngoài.
Nhà thờ Saint Basil hiện trở thành một trong những biểu tượng văn hóa phổ biến của nước Nga.
Phối cảnh Nhà thờ Pokrovski (Nhà thờ Saint Basil), Quảng trường Đỏ, Moscow, Nga
Mặt bằng và mặt cắt Nhà thờ Pokrovski, Quảng trường Đỏ, Moscow, Nga
Cấu trúc chung của Nhà thờ Pokrovski, Quảng trường Đỏ, Moscow, Nga
Mái của Nhà thờ Pokrovski, Quảng trường Đỏ, Moscow, Nga, gồm tháp nhà thờ trung tâm và 8 tháp của nhà nguyện. Phía trên, bên phải mới bổ sung một tháp mới
Lối vào Nhà thờ Pokrovski, Quảng trường Đỏ, Moscow, Nga
Phù điêu và màu sắc trang trí trên các tháp Nhà thờ Pokrovski, Quảng trường Đỏ, Moscow, Nga
Nội thất gian thờ chính Nhà thờ Pokrovski, Quảng trường Đỏ, Moscow, Nga
Nội thất bên nhà nguyện Nhà thờ Pokrovski, Quảng trường Đỏ, Moscow, Nga
Quảng trường Đỏ Moscow cón có các công trình nổi tiếng liên quan khác như Lăng Lênin; Bảo tàng Lịch sử Hoàng gia (Imperial Historic Museum, ngày nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (State Historical Museum, nằm tại phía bắc của Quảng trường Đỏ, hình vẽ ký hiệu 39); Nhà thờ Chính thống giáo Nga Kazan (Kazan Cathedral, Moscow, nằm tại góc đông bắc của Quảng trường Đỏ, bị phá hủy năm 1936 và được dựng lại năm 1993); Công trình Giao dịch thương mại cao cấp (Upper Trading Rows – GUM, nằm tại phía đông Quảng trường Đỏ, hình vẽ ký hiệu 43)…
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Quảng trường Đỏ, Moscow, Nga
Nhà thờ Chính thống giáo Nga Kazan, Quảng trường Đỏ, Moscow, Nga
Công trình Giao dịch thương mại cao cấp (GUM), Quảng trường Đỏ Moscow, Nga
Di sản Điện Kremlin và Quảng trường Đỏ, Moscow, Nga gắn bó chặt chẽ với tất cả các sự kiện lịch sử và chính trị quan trọng nhất của nước Nga từ thế kỷ 13; là Trung tâm quyền lực, văn hóa và đức tin tương xướng với vị thế của cường quốc Nga; được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/545/
https://en.wikipedia.org/wiki/Russia
https://en.wikipedia.org/wiki/Moscow_Kremlin
https://en.wikipedia.org/wiki/Moscow_Kremlin_Wall
https://alchetron.com/Kremlin-Wall-Necropolis
https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_Moscow_Kremlin_towers
https://en.wikipedia.org/wiki/Spasskaya_Tower
https://en.wikipedia.org/wiki/Troitskaya_Tower
https://en.wikipedia.org/wiki/Cathedral_Square,_Moscow
https://en.wikipedia.org/wiki/Palace_of_Facets
https://en.wikipedia.org/wiki/Church_of_the_Deposition_of_the_Robe%60
https://en.wikipedia.org/wiki/Church_of_the_Twelve_Apostles
https://en.wikipedia.org/wiki/Ivan_the_Great_Bell_Tower
https://en.wikipedia.org/wiki/Dormition_Cathedral,_Moscow
https://en.wikipedia.org/wiki/Cathedral_of_the_Archangel
https://en.wikipedia.org/wiki/Cathedral_of_the_Annunciation,_Moscow
https://en.wikipedia.org/wiki/Ivan_the_Great_Bell_Tower
https://en.wikipedia.org/wiki/Palace_of_Facets
https://en.wikipedia.org/wiki/Terem_Palace
https://en.wikipedia.org/wiki/Kremlin_Arsenal
https://en.wikipedia.org/wiki/Kremlin_Senate
https://en.wikipedia.org/wiki/Grand_Kremlin_Palace
https://en.wikipedia.org/wiki/Red_Square
https://en.wikipedia.org/wiki/Saint_Basil%27s_Cathedral
https://en.wikipedia.org/wiki/Kazan_Cathedral,_Moscow
https://en.wikipedia.org/wiki/State_Historical_Museum
https://en.wikipedia.org/wiki/Kremlin_Armoury
http://www.moscow.info/red-square/st-basils-cathedral.aspx
https://www.duskbeforethedawn.net/2019/08/red-square-kremlin-moscow/
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|