Thông tin chung:
Công trình: Tháp Hòa Lai, Thuận Bắc
Địa điểm: Xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam (11,6764625°B 109,0359703°Đ)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Cụm 3 tháp
Năm thực hiện: Cuối thế kỷ 8 – đầu thế kỷ 9
Giá trị: Di tích quốc gia đặc biệt (Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật, năm 2016)
Champa là một quốc gia cổ tồn tại liên tục từ năm 192 đến 1832 với lãnh thổ lúc mở rộng nhất trải dài từ dãy núi Hoành Sơn, Quảng Bình ở phía Bắc cho đến Bình Thuận ở phía Nam; Từ biển Đông cho đến tận miền núi phía Tây của nước Lào ngày nay, thuộc miền Trung Việt Nam.
Văn hóa Champa tiếp nối từ văn hóa Sa Huỳnh, là văn hóa thuộc giai đoạn Sơ kỳ đồ sắt của cư dân nông nghiệp ven biển miền Trung và miền Nam, có niên đại từ giữa thiên niên kỷ thứ 1 trước Công nguyên (TCN ) đến đầu Công nguyên, chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ trong việc xây dựng hệ thống thần quyền trị quốc.
Người Chăm ngoài việc thờ các vị thần bản địa còn thờ các vị thần sơ khai của Hindu giáo và Phật giáo.
Dân tộc chính là tộc người Chăm được chia thành hai nhóm: Chăm ở phía Bắc (bộ tộc Dừa) và Chăm ở phía Nam (bộ tộc Cau). Ngôn ngữ là tiếng Champa bản địa và tiếng Phạn, ngôn ngữ tế lễ của Hindu giáo, Phật giáo Bắc Tông và Jaina giáo.
Tại đây, văn minh Ấn Độ, du nhập vào theo tôn giáo, được sử dụng rộng rãi: Văn học và điển tích tôn giáo; lịch trong sản xuất nông nghiệp và đời sống; kiến trúc và điêu khắc... Tuy nhiên yếu tố ngoại nhập này đều hòa hợp với yếu tố nội sinh mạnh mẽ của dân tộc Chăm, từ tục thờ mẫu, thờ cúng tổ tiên, chữ viết Champa, kiến trúc và điêu khắc độc đáo, âm nhạc và ca múa sinh động (Thần đạo), đến phong tục cổ truyền như ăn trầu, nhuộm răng đen, hỏa táng và chôn tro xương trong các mộ vò…
Xã hội Champa mang đặc trưng cơ bản của khu vực Đông Nam Á, là xã hội của cư dân nông nghiệp. Quan hệ chủ yếu trong xã hội là quan hệ về ruộng đất, gắn với chế độ sở hữu và các hình thức sử dụng ruộng đất. Trong xã hội, vua có uy quyền tuyệt đối, tiếp đó là tầng lớp quý tộc, lãnh đạo tôn giáo và quan lại trung ương, địa phương. Người dân sống theo từng làng xã, là nơi duy trì mối quan hệ cộng đồng trong đời sống kinh tế và tinh thần.
Champa lần lượt trải qua các vương triều theo cùng một quá trình: Lập nước gắn với các vị vua khởi nghiệp; Xây dựng quốc gia hùng mạnh gắn với chống bành trướng phương Bắc, mở rộng bờ cõi về phía Tây và hội nhập với văn minh từ bên ngoài – Ấn Độ; Nội chiến giành quyền lực giữa các phe phái; Sụp đổ và bị thay thế bởi vương triều kế tiếp:
Vương quốc Lâm Ấp (năm 192- 757): Đây được coi là giai đoạn khởi đầu cho lịch sử Champa độc lập, thoát khỏi sự đô hộ của Trung Quốc, gắn liền với sự hấp thu văn minh Ấn Độ. Trong thời gian tồn tại, vương quốc Lâm Ấp trải qua 4 triều đại:
Triều đại thứ nhất, từ năm 192-336: Vị vua đầu tiên của triều đại có tên Khu Liên, lên ngôi năm 192. Trong giai đoạn này, lãnh thổ Việt bị đô hộ bởi các triều đại phương Bắc, được chia thành Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam (thuộc giai đoạn Bắc thuộc lần hai, năm 43- 541, dưới sự cai trị của nhà Đông Hán, Đông Ngô, Tào Ngụy, Tấn, Tề và Lương). Năm 192, nhân nhà Đông Hán suy yếu, người dân theo Khu Liên nổi dậy lập ra nước Lâm Ấp. Lãnh thổ Lâm Ấp bao gồm cả khu vực thành phố Huế hiện nay, chạy dài cho tới phía Nam của núi Bạch Mã (giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng). Kinh đô (từ năm 192- 605) là thành Lồi (thuộc thành phố Huế). Thời kỳ đầu, Vương quốc Lâm Ấp chịu ảnh hưởng nhiều của Trung Quốc. Về sau, nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc, nhà nước Lâm Ấp đã thông qua các thương gia, tu sĩ mà tiếp thu văn minh Ấn Độ, bao gồm cả cách thức tổ chức xã hội, văn hóa và tôn giáo. Quốc thư trao đổi của Lâm Ấp với Trung Quốc thời đó đã được viết bằng chữ Phạn thay vì chữ Hán.
Triều đại thứ hai, từ năm 336-420: Vị vua đầu tiên của triều đại có tên là Phạm Văn. Ông là tể tướng của triều đại trước. Trong giai đoạn này miền Bắc Việt Nam vẫn bị đô hộ bởi các triều đại phương Bắc. Tại đây, văn minh Ấn Độ đã đi vào đời sống như tổ chức hệ thống quan lại, kỹ thuật luyện sắt…; Kinh đô – Thành Lồi tại Huế đã được xây dựng lại.
Với sức mạnh quân sự, nhà vua đã tấn công lên phương Bắc, giết thứ sử nhà Hán, mở rộng lãnh thổ đến tận đèo Ngang (ranh giới của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình ngày nay).
Vị vua thứ 3 của triều đại thứ hai, vị vua Lâm Ấp đầu tiên được mô tả trong văn bia, là Phạm Hồ Đạt/ Dharmamaharaja (hiệu là Bhadravarman I), cai trị từ năm 380 đến 413. Dưới thời vua Phạm Hồ Đạt, nhiều nhà tu hành Hindu giáo, Phật giáo (Tiểu thừa) từ Ấn Độ sang truyền đạo. Thành Lồi (Huế) vẫn là trung tâm chính trị nhưng đổi tên là Kandapurpura, nghĩa là Phật Bảo Thành. Vua còn cho xây dựng thêm một trung tâm tôn giáo mới tại Amavarati, (thánh địa Mỹ Sơn, một thung lũng cách Đà Nẵng 69 km về phía Tây, thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Tại đây, nhiều đền Hindu giáo được xây dựng. Đền thờ thần Shiva (là một trong ba vị thần tối cao: Brahma là Đấng tạo hóa; Vishnu là Đấng bảo hộ; Shiva là Đấng hủy diệt) và linh vật Lingam (là một khối trụ tròn, đặt ở trung tâm một vật thể hình đĩa – Yoni; tổ hợp linh vật Lingam và Yoni tượng trưng cho sự kết hợp sức mạnh nam, nữ và toàn bộ sự tồn tại).
Triều đại thứ ba, từ năm 420-529: Vị vua đầu tiên của triều đại có tên là Văn Địch, xưng hiệu là Phạm Dương Mại I, xuất thân là một người trong hoàng tộc. Năm 443, quân nhà Lưu Tống Trung Quốc (tồn tại 420- 479) đánh Lâm Ấp, phá hủy nhiều đền đài, cướp phá nhiều tượng vàng. Vua Lâm Ấp phải chạy về phía Nam.
Triều đại thứ tư, từ năm 529-757: Vị vua đầu tiên của triều đại có tên là Luật Đa La Bật Ma, hiệu là Rudravarman I, xuất thân là một người trong hoàng tộc. Năm 577, Luật Đa La Bật Ma mất, con là Prasastadharma lên kế nghiệp, hiệu Phạm Phạn Chi (Sambhuvarman).
Tại miền Bắc Việt Nam, Lý Bí (Lý Nam Đế, trị vì năm 544- 548), khởi binh chống nhà Lương (tồn tại năm 502- 557) và chính thức thành lập nhà Tiền Lý cùng nước Vạn Xuân vào năm 544. Năm 602, nhà Tùy Trung Quốc (tồn tại năm 581- 619) quay trở lại đánh chiếm miền Bắc Việt Nam (bắt đầu thời Bắc thuộc lấn thứ 3, từ năm 602- 905, dưới sự thống trị của nhà Tùy và nhà Đường).
Nhà Tùy cũng tấn công Lâm Ấp vào năm 598, phá hủy kinh thành Kandapurpura vào năm 605. Vua Phạm Phạn Chi dời kinh đô vào phía Nam, đặt tại Simhapura (làng Trà Kiệu, cạnh sông Thu Bồn, thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam ngày nay), đặt tên cho vương quốc là Champa, theo một tên một loài hoa đẹp mọc nhiều ở Nam Trung Bộ với ngỏ ý khai sáng thời đại mới (người Việt gọi là hoa sứ hay hoa đại).
Vào khoảng thời gian này, vua Phạm Phạn Chi bắt đầu cho dựng lại thánh địa Mỹ Sơn (đền Bhadresvara) bằng gạch kiên cố, thay thế ngôi đền gỗ đã bị hủy hoại trong chiến tranh.
Sau khoảng 10 năm từ khi mất cố đô Kandapurpura, thừa thế nhà Tùy suy yếu, vua Phạm Phạn Chi phát động một chiến dịch nhằm thu hồi các lãnh địa phương Bắc và thành công. Các vua nối nghiệp vua Phạm Phạn Chi tiếp tục mở rộng lãnh thổ về phía Tây Nam, thuộc vùng đất của vương quốc Khmer.
Thời vua Phạm Phạn Chi được coi là là thời kỳ quá độ giữa vương quốc Lâm Ấp và vương quốc Champa. Văn minh Lâm Ấp giai đoạn này đạt tới đỉnh cao, bắt đầu lan tỏa khắp Đông Nam Á.
Trong giai đoạn này, văn hóa Ấn Độ trở thành văn hóa chính của vương quốc. Hindu giáo và Phật giáo cùng được truyền bá. Người Chăm đã bắt đầu có các văn bản bằng chữ Phạn và bằng chữ Chăm, và họ đã có bộ chữ cái hoàn chỉnh để ghi lại tiếng nói của người Chăm.
Vương quốc Hoàn Vương (Panduranga, năm 757 – 875): ban đầu là một tiểu quốc phía Nam Lâm Ấp, hình thành từ sự phân rã của vương triều Lâm Ấp, sau đó nổi lên lật đổ vương triều cũ, thành lập vương triều mới.
Miền Bắc Việt Nam giai đoạn này nằm dưới sự thống trị của nhà Tùy và nhà Đường (tồn tại từ năm 618 – 907).
Vương quốc Hoàn Vương trải qua 5 triều đại :
Triều đại thứ nhất, từ năm 757- 774
Vị vua của triều đại có tên là Prithi Indravarman, trị vì một tiểu vương nằm tại phía Nam Lâm Ấp. Sau khi dành quyền lãnh đạo từ vương triều Lâm Ấp, vua là dời kinh đô Simhapura (thành Trà Kiệu) về Virapura (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận ngày nay).
Thánh địa tôn giáo của vương quốc cũng dịch chuyển từ Mỹ Sơn về thánh địa Po Nagar (Nha Trang ngày nay) để thờ nữ thần Yan Po Nagar, là thần mẫu của người Chăm. (Người Việt sau khi chinh phục Champa đã gọi thần mẫu này là Thiên YA Na).
Năm 774, quân Nam Đảo (người Java và Malaysia) từ ngoài khơi đổ bộ vào chiếm kinh đô Virapura, cướp phá đền Po Nagar. Vua bị chết trong đám loạn quân.
Triều đại thứ hai, từ năm 774 - 786
Vị vua của triều đại có tên là Satyavarman, thuộc dòng tộc của vương triều trước. Vua tổ chức quân đội tấn công quân Nam Đảo và đánh bại giặc trong một trận thủy chiến. Năm 781, vua cho dựng bia kỷ niệm chiến thắng và xây dựng lại thánh địa Po Nagar bằng gạch, năm 784 thì hoàn thành và tồn tại cho tới ngày nay.
Triều đại thứ ba, từ năm 786 - 801
Năm 786, vua Satyavarman qua đời, em trai ông có tên là Indravarman I (Nhân Đà La Bạt Ma) lên ngôi.
Năm 787, quân Java từ ngoài khơi lại tràn vào kinh đô Virapura, cướp phá tháp Hòa Lai thờ thần Bhadradhipatisvara (tại phía Tây thành Virapura, gần Phan Rang ngày nay). Đến năm 799, vua mới đuổi được quân xâm lược, xây lại tháp Hòa Lai với ba tháp mới gọi là Kalan Ba Tháp, thờ các thần Hindu giáo.
Triều đại thứ tư, từ năm 801 - 817
Năm 801, vua Indravarman I mất, em rể lên ngôi có tên là Deva Rajadhiraja, hiệu là Harivarman I (Kha Lê Bạt Ma). Năm 817, vua cho trùng tu lại tháp Po Nagar và xây dựng thêm hai tháp cạnh tháp chính. Tượng nữ thần Bhagavati, được tạc lại bằng đá hoa cương. Dưới triều vua Deva Rajadhiraja, vương quốc Hoàn Vương hưng thịnh trở lại. Vua tổ chức nhiều cuộc tấn công ra các quốc gia xung quanh, trong đó có các cuộc tấn công lên phía Bắc (châu Ái, châu Hoan – Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) vào các năm 803, 808 và 809.
Triều đại thứ năm, từ năm 817 - 875
Năm 817, con trai vua Harivarman I, có hiệu là Vikrantavarman III (Thích Lợi Tì Kiên Đà Bạt Ma) lên kế vị. Vì vua còn nhỏ tuổi nên bên cạnh vua có phụ chính tên là Senapati Par. Ông cho tổ chức nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ Khmer và cho xây dựng thêm một số tháp xung quanh tháp chính trong khuôn viên tháp Po Nagar. Mặc dù vậy, trung tâm chính trị và tôn giáo của vương quốc vẫn là kinh đô Virapura. Dưới thời Vikrantavarman III, vương quốc Hoàn Vương là một đất nước phồn thịnh với quân đội hùng mạnh.
Vương quốc Chiêm Thành (năm 875 - 1471): là triều đại tiếp nối vương quốc Hoàn Vương với kinh đô đặt tại Indrapura (từ năm 875 – 982, làng Đồng Dương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam ngày nay).
Tại miền Bắc Việt Nam, năm 905, Khúc Thừa Dụ đã xây dựng chính quyền tự chủ của người Việt nhân khi nhà Đường suy yếu, đặt nền móng cho nền độc lập của Việt Nam. Từ đây, nhà nước phong kiến độc lập của Việt Nam trải qua các quốc hiệu và vương triều : Đại Cồ Việt: thời nhà Đinh – nhà Tiền Lê và đầu thời nhà Lý (từ năm 968–1054); Đại Việt: thời nhà Lý – nhà Trần (từ năm 1054–1400); Đại Ngu: thời nhà Hồ (từ năm 1400–1407) ; Đại Việt: thời nhà Hậu Lê- Nhà Tây Sơn và 3 năm đầu thời nhà Nguyễn (từ năm 1428–1804; Việt Nam: thời nhà Nguyễn (từ năm 1804–1839); Đại Nam: thời Nhà Nguyễn (từ năm 1839–1945).
Vương quốc Chiêm Thành trải qua 9 triều đại, kế tục Vương quốc Hoàn Vương, nên được gọi là triều đại thứ 6 đến triều đại thứ 14. Các vị vua đầu tiên của vương quốc Chiêm Thành theo Phật giáo Đại thừa và xem đây là tôn giáo chính thức. Ở trung tâm của kinh đô Indrapura (Đồng Dương), một thiền viện Phật giáo (Vihara), bên trong thờ Bồ tát Quán Thế Âm (Avalokiteśvara) đã được xây dựng.
Thời kỳ Phật giáo ảnh hưởng ở Champa kết thúc vào đầu thế kỷ thứ 10 (năm 925) với sự phục hồi của Hindu giáo, thờ thần Shiva. Trung tâm tôn giáo của người Chăm cũng chuyển từ Đồng Dương trở lại về Mỹ Sơn. Đây là thời kỳ văn minh Champa đạt đến đỉnh cao. Dân số của vương quốc lên đến 0,6 triệu người.
Vương quốc Chiêm Thành dần suy yếu dưới sức ép của vương quốc Đại Cồ Việt từ phía Bắc và các cuộc chiến tranh với vương quốc Khmer từ phía Tây.
Vào khoảng cuối thế kỷ 10, do kinh đô Indrapura (Đồng Dương) bị quân đội Đại Cồ Việt tấn công phá hủy (năm 982), Chiêm Thành chuyển kinh đô xuống Vijaya ở phía Nam (từ năm 982- 1471, thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, Bình Định ngày nay, còn có tên là Chà Bàn/Trà Bàn).
Trong 5 thế kỷ tiếp theo, giữa Chiêm Thành và Đại Việt đã xảy ra nhiều cuộc chiến tranh.
Vị vua hùng mạnh cuối cùng của người Chăm là Chế Bồng Nga (Che Bonguar, năm 1360 – 1389, lên ngôi từ năm 1360). Ông tổ chức nhiều cuộc tấn công ra kinh đô Thăng Long và đã chết trong lần tấn công cuối cùng vào năm 1389.
Sau thời kỳ Chế Bồng Nga, Chiêm Thành liên tục bị các vương triều Đại Việt tấn công. Năm 1471, Champa chịu thất bại nặng nề trước Đại Việt và bị mất phần lớn lãnh thổ phía Bắc. Phần lãnh thổ còn lại bị chia nhỏ thành các tiểu quốc, và tiếp tục dần bị các chúa Nguyễn thôn tính. Đến năm 1832, toàn bộ vương quốc chính thức bị sáp nhập vào Việt Nam dưới triều vua Minh Mạng (vị hoàng đế thứ 2 của triều Nguyễn, trị vì năm 1820 – 1841).
Vương quốc Champa vào khoảng năm 1100.
Màu xanh: Phạm vi vương quốc Đại Việt (kinh đô Đại La - Hà Nội) ; Màu vàng : Vương quốc Champa (kinh đô Indrapura – Đồng Dương) ; Màu đỏ : Vương quốc Khmer (kinh đô Angkor)
Đền tháp Champa
Nhóm tháp theo niên đại
Đền tháp Champa theo niên đại được phân thành 23 nhóm tháp. Đền tháp Mỹ Sơn là nhóm đầu tiên với niên đại sớm nhất từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 13.
TT
|
Tên di tích
|
Địa điểm
|
Niên đại
|
1
|
Nhóm tháp Mỹ Sơn
|
xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam
|
thế kỷ IV - XIII
|
2
|
Nhóm tháp Po Sah Inư
|
phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
|
thế kỷ VIII
|
3
|
Nhóm tháp Mỹ Khánh
|
xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế
|
thế kỷ VIII
|
4
|
Nhóm tháp Hòa Lai
|
làng Tam Tháp, xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận
|
thế kỷ IX
|
5
|
Nhóm tháp Po Dam
|
làng Tuy Tịnh, xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận
|
thế kỷ IX
|
6
|
Nhóm tháp Đồng Dương
|
Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình. tỉnh Quảng nam
|
thế kỷ IX
|
7
|
Nhóm tháp Bằng An
|
làng Bằng An, xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam
|
thế kỷ IX - X
|
8
|
Nhóm tháp Khương Mỹ
|
làng Khương Mỹ, xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam
|
thế kỷ X
|
9
|
Nhóm tháp Po Nagar
|
thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà
|
thế kỷ X - XIII
|
10
|
Nhóm tháp Chiên Đàn
|
làng Chiên Đàn, xã Tam An, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam
|
thế kỷ XI - XII
|
11
|
Nhóm tháp Bánh Ít
|
thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định
|
thế kỷ XI - XII
|
12
|
Nhóm tháp Bình Lâm
|
xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định
|
thế kỷ XII
|
13
|
Nhóm tháp Đôi
|
thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
|
thế kỷ XII
|
14
|
Nhóm tháp Nhạn
|
thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
|
thế kỷ XII
|
15
|
Nhóm tháp Phú Lốc
|
xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định
|
thế kỷ XII
|
16
|
Nhóm tháp Cánh Tiên
|
xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định
|
thế kỷ XII - XIII
|
17
|
Nhóm tháp Thủ Thiện
|
xã Bình nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định
|
thế kỷ XII - XIII
|
18
|
Nhóm tháp Dương Long
|
xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định
|
thế kỷ XII - XIII
|
19
|
Nhóm tháp Liễu Cốc
|
xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế
|
thế kỷ XIII
|
20
|
Nhóm tháp Mẫm
|
xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định
|
thế kỷ XIII
|
21
|
Nhóm tháp Yang Praong
|
Bản Đôn, huyện Ea Sup, tỉnh Đắk Lắk
|
thế kỷ XIII
|
22
|
Nhóm tháp Po Klong Garai
|
phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận
|
thế kỷ XIII - XIV
|
23
|
Nhóm tháp Po Rome
|
làng Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận
|
thế kỷ XVII
|
Đặc trưng chung của các ngôi đền tháp Champa
Đền Champa thường được đặt tại các vị trí thoáng, gò đồi, không gần nơi dân cư sinh sống, xây dựng thành cụm, theo trục Đông – Tây, được thiết kế bằng sự kết hợp các hình thức trừu tượng và hình học cụ thế. Trong ngôi đền Champa có nhiều công trình dạng tháp.
Tháp Champa là một khối kiến trúc xây dựng bằng gạch hoặc có bổ sung một số cấu trúc đá, phía trên dật cấp hoặc thu nhỏ dần vào tạo thành hình tháp.
Mặt bằng tháp đa số là hình vuông. Không gian bên trong hẹp thường có cửa mở về hướng Đông - Tây, các phía còn lại là cửa giả, được bố trí đối xứng với cửa chính. Trần được cấu tạo vòm cuốn.
Gạch xây tháp có màu đỏ sẫm lấy từ đất địa phương. Gạch được nung, vừa đạt được độ cứng nhất định vừa tạo điều kiện cho việc chạm khắc, tương tự như đá sa thạch (là một loại đá được hình thành nhờ sự tích tụ của những đá cát, đá trầm tích, tương đối mềm và dễ gia công). Nghệ nhân chạm khắc trực tiếp lên các bức tường gạch thành phẩm.
Gạch xây không có mạch vữa, được liên kết với nhau bằng một loại keo đặc biệt. Có giả thuyết cho rằng đó là loại keo được tinh chế từ một loại thực vật tại địa phương. Giả thuyết khác là vữa xây làm từ đất sét tạo ra chính viên gạch. Giả thuyết này được củng cố sau khi thí nghiệm hóa học đã không tìm ra dấu vết của bất kỳ chất hữu cơ nào từ giữa các viên gach, mà tìm thấy các khoáng chất tương tự như các chất có trong lõi viên gạch.
Nghệ thuật chạm khắc của các ngôi đền tháp Champa là tiêu biểu cho Di sản nghệ thuật Champa. Các tác phẩm điêu khắc bằng gạch, đá sa thạch rất công phu với các trang trí hình hoa lá, chim, thú, vũ nữ, thần thánh (Hindu giáo, Phật giáo, tôn giáo bản địa) thể hiện trên mặt tường ngoài của tháp. Phổ biến và cũng hấp dẫn nhất trong nghệ thuật Champa là các vũ nữ (apsara, là một dạng tiên nữ múa hát trong các nghi lễ Hindu giáo và thần thoại Phật giáo).
Phong cách nghệ thuật của các đền tháp Champa
Người ta cho rằng, di tích đền tháp Champa tại Việt Nam có tới 7 phong cách nghệ thuật :
Phong cách Mỹ Sơn E1 (Style of Mỹ Sơn E1) hay phong cách Cổ đại : có niên đại thế kỷ 7 – 8, được khái quát hóa từ đền tháp Mỹ Sơn E1 tại Di sản Thánh địa Mỹ Sơn. Phong cách này được thể hiện đầy đủ nhất tai ngôi tháp Mỹ Sơn E1.
Phong cách Hoà Lai (Style of Hoa Lai) : có niên đại cuối thế kỷ 8 - đầu thế kỷ 9, được khái quát hoá từ đền tháp Hoà Lai.
Phong cách Đồng Dương (Đồng Dương style): có niên đại cuối thế kỷ 9 - đầu thế kỷ 10, được khái quát hoá từ đền tháp Đồng Dương.
Phong cách Mỹ Sơn A1 (Mỹ Sơn A1 style): có niên đại thế kỷ 10, được khái quát hoá từ tháp Mỹ Sơn A1, thuộc Di sản Thánh địa Mỹ Sơn. Phong cách này thể hiện đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất là ở ngôi tháp Mỹ Sơn A1.
Phong cách chuyển tiếp Mỹ Sơn A1- Bình Định: có niên đại đầu thế kỷ 11 - giữa thế kỷ 12.
Phong cách Bình Định (style of Bình Định): có niên đại cuối thế kỷ 11 - đầu thế kỷ 14.
Phong cách muộn : có niên đại từ đầu thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 17.
Tháp Hòa Lai
Trong 23 nhóm tháp của Đền tháp Champa, nhóm tháp Hòa Lai đứng thứ 4.
Tháp Hóa Lai nằm tại làng Tam Tháp, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.
Tháp Hòa Lai được xây dựng vào cuối thế kỷ 8, đầu thế kỷ 9, vào giai đoạn chuyển tiếp từ Vương quốc Hoàn Vương (năm 757 – 875) và thời kỳ đầu của Vương quốc Chiêm Thành (năm 875 - 1471). Trong giai đoạn này, Vương quốc Hoàn Vương và Vương quốc Chiêm Thành tiếp theo, là một đất nước phồn thịnh với quân đội hùng mạnh; Kinh đô đặt tại Indrapura (từ năm 875 – 982, làng Đồng Dương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam ngày nay). Phật giáo giảm dần vai trò (kết thúc vào đầu thế kỷ 10) với sự phục hồi của Hindu giáo, thờ thần Shiva. Trung tâm tôn giáo của người Champa cũng chuyển từ Đồng Dương (Indrapura) trở lại về Mỹ Sơn (Amavarati).
Tháp Hòa Lai xây dựng trên cơ sở tiếp thu các triết lý, kỹ năng và kỹ thuật xây dựng từ các tháp được xây dựng giai đoạn đầu tại Di sản Thánh địa Mỹ Sơn (xuất hiện từ thế kỷ 4) và ngược lại cũng có ảnh hưởng tới một số tháp xây dựng tại đây vào giai đoạn sau.
Về tên gọi tháp, vào thời nhà Nguyễn, cách cụm tháp này khoảng 3 km về phía Bắc có dịch trạm (trạm thông tin liên lạc) tên là Thuận Lai. Trước năm 1888, phủ Ninh Thuận thuộc tỉnh Bình Thuận, các dịch trạm trên đất Bình Thuận đều có tiền tố "Thuận". Năm 1888, phủ Ninh Thuận chuyển về tỉnh Khánh Hòa, dịch trạm Thuận Lai đổi thành Hòa Lai, cùng tiền tố "Hòa" như các dịch trạm của Khánh Hòa. Vào cuối thế kỷ 19, các nhà khảo cổ đã lấy địa danh dịch trạm Hòa Lai đặt tên cho cụm di tích Ba Tháp. Năm 1901, phủ Ninh Thuận trở thành tỉnh Ninh Thuận, dịch trạm Hòa Lai được đổi thành dịch trạm Ninh Lai nhưng tên gọi tháp Hòa Lai vẫn giữ đến ngày nay.
Vào năm 787, quân Java từ ngoài khơi tràn vào kinh đô Virapura cướp phá. Khi đó tháp Hòa Lai thờ thần Bhadradhipatisvara, vị thần Mẫu bảo hộ xứ sở, cũng bị phá hủy. Hơn 10 năm sau, năm 799, vua Chiêm Thành mới đuổi được quân xâm lược. Sau đó vua cho xây lại tháp Hòa Lai với 3 cụm tháp mới gọi là Kalan Ba Tháp, thờ linh vật Hindu giáo.
Sơ đồ vị trí cụm tháp Hòa Lai, Thuận Bắc, Ninh Thuận
Tháp Hòa Lai là một khu di tích lớn, nằm trên vùng đất cao nhất của một cánh đồng ở phía Bắc thành phố Phan Rang, tại xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Khu đền được xây dựng trong một khoảnh đất chữ nhật theo hướng Đông – Tây, dài 200m, rộng 125m.
Tháp Hòa Lai là một cụm 3 đền tháp: tháp Bắc, tháp Giữa (hay tháp Trung tâm) và tháp Nam.
Theo thời gian, cả 3 cụm tháp đều trở nên hoang tàn.
Vào cuối thế kỷ 19, tháp Giữa tuy sụp đổ song vẫn còn một phần thân tháp. Tháp tuy nhỏ hơn hai tháp kề liền song lại được xây dựng cẩn thận và còn giữ lại nhiều mảng trang trí. Sau đó, người Pháp đã cho phá dỡ toàn bộ phần thân và móng để lấy gạch làm đường cái quan, tức quốc lộ 1 bây giờ. Có thuyết cho rằng người Pháp phá tháp để tìm kiếm vật báu trong và dưới thân tháp.
Tháp Nam cụm tháp Hòa Lai, Thuận Bắc, Ninh Thuận; ảnh tư liệu thời Pháp thuộc
Trang trí trên bề mặt tháp Hòa Lai, Thuận Bắc, Ninh Thuận; ảnh tư liệu thời Pháp thuộc
Đồ thờ cúng bên trong tháp Hòa Lai, Thuận Bắc, Ninh Thuận; ảnh tư liệu thời Pháp thuộc; Thời đó tháp vẫn còn được người dân thờ tự
Năm 2012, 2017, 2 tháp Bắc và Nam được phục dựng lại một phần.
Tháp Hòa Lai hiện chỉ như một di tích kiến trúc, không còn là nơi thờ tự, ít được người dân quan tâm, chăm sóc.
Tại tháp Hòa Lai đã và đang tiến hành các thám sát và khai quật khảo cổ học phục vụ cho việc tu bổ, phục hồi di tích.
Năm 2005, các nhà khảo cổ đã phát hiện phế tích móng tháp Giữa, kích thước mỗi cạnh 12m. Vật liệu xây tháp là gạch chữ nhật có kích thước dài từ 33- 40cm, rộng từ 18- 22cm, dày 5- 8cm. Tường tháp được xử lý mặt trong và ngoài bằng kỹ thuật mài chập tạo mạch rất khít, ruột tường được xây mạch vữa to. Mặt ngoài được trang trí các băng hoa sen, các đường soi rãnh ngang dọc, phù điêu sư tử, chim thần Garuda, voi.... đục chạm trực tiếp lên mặt gạch. Tại đây cũng phát hiện các tàn tích của các công trình phụ xung quanh như: Tháp cổng của tháp Giữa; Tường ngăn giữa 3 tháp; Tòa Bái đường trước tháp Nam…
Tháp Bắc, cụm tháp Hòa Lai, năm 1992
Tháp Nam, cụm tháp Hòa Lai, năm 1992
Trang trí trên bề mặt tháp Bắc, cụm tháp Hòa Lai, năm 1992
Các phát hiện khảo cổ cho thấy, cụm tháp Hòa Lai bao gồm 3 tháp đặt cạnh nhau (tương tự như tháp Nhóm B và Nhóm C tại Di sản Thánh địa Mỹ Sơn).
Mỗi tháp có cấu trúc tương tự như các ngôi đền Champa điển hình và cũng là cấu trúc chung của các ngôi đền Hindu giáo:
Bố cục theo hướng Đông Tây. Mỗi tháp là tổ hợp của các công trình: Chính điện; Bái đường; Nhà phụ; tháp Cổng và tường bao quanh.
Tòa Chính điện (kalan/sanctuarya): đặt chính giữa sân đền với nhiều tháp phụ nhỏ xung quanh. Bên trong tháp đặt thần tượng thần Shiva - thần bảo hộ của các triều vua Champa và bộ linh vật Lingam và Yoni bằng đá sa thạch. Trong Ấn Độ giáo, linh vật Yoni có biểu tượng như là bộ phận sinh thực khí đàn bà, gắn với thờ nữ thần sinh sôi Shakti (Shaktism). Đi cùng với linh vật Yoni là linh vật Linga, có biểu tượng như là bộ phận sinh thực khí đàn ông, gắn với thờ thần hủy diệt và sáng tạo – thần Shiva (Shaivism). Linh vật Linga – Yoni thường đi đôi với nhau. Đây là nơi tôn nghiêm của đền, chỉ có pháp sư mới được vào. Những người cầu nguyện thường đi vòng quanh tháp theo chiều kim đồng hồ trên một lối nhỏ.
Tòa Bái đường (mandapa/jagamohan): nằm kề liền với Chính điện, tại lối ra vào, có chức năng là nơi sắp xếp lễ vật và múa hát nghi thức hành lễ.
Tòa Nhà phụ hay Nhà dài (kosagrha): nằm gần cổng, được sử dụng để chứa các vật có giá trị thuộc về vị thần hoặc để nấu ăn cúng tế cho vị thần.
Tháp cổng (gopura): nằm ngoài cùng gắn với tường bảo vệ đền.
Tại cụm tháp Hòa Lai, tháp Nam là tháp lớn nhất và còn nguyên vẹn nhất, song một số chi tiết trang trí trên bề mặt hiện mới là phần xây gạch thô mà chưa được chạm khắc. Trang trí tại tháp Bắc phong phú và sinh động hơn so với tháp Nam.
Năm 2014, tại cụm tháp Hòa Lai, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy cổ vật Yoni dưới lòng đất. Cổ vật bằng đá sa thạch dài dài 71 cm, rộng 51,5 cm, dày 9 cm. Song không tìm thấy linh vật Linga.
Tháp Bắc, cụm tháp Hòa Lai, năm 2002
Tháp Nam, cụm tháp Hòa Lai, năm 2002
Hình ảnh trống không bên trong tháp Hòa Lai, năm 2002
Cổ vật Yoni tìm thấy tại cụm tháp Hòa Lai, Thuận Bắc, Ninh Thuận, năm 2014
Tháp Hòa Lai có một số đặc trưng tạo nên Phong cách Hòa Lai :
Mặt bằng Tháp chính hay Chính điện hình vuông. Mặt bằng nội thất bên trong tháp hình vuông phẳng kết hợp với hốc tường. Chính giữa tháp đặt linh vật. Bên trong tháp thu hẹp dần theo chiều cao. Mặt tường có các hốc nhỏ để gắn đèn khi cúng tế.
Mặt đứng Tháp chính chia thành: Đế tháp, Thân tháp và Mái tháp.
Đế tháp cao với 5 bậc cao để có thể vào bên trong tháp, được trang trí bởi các hàng gạch dật bậc, thành những tầng sen cách điệu, kết hợp với những hình người, voi... chạm trên gạch. Bệ tháp có các trang trí, nhìn xa như những khóm cây vươn dần lên từ mặt đất bám vào thân tháp.
Thân tháp là một khối lập phương. Bề mặt tháp không phẳng mà có các trụ áp tường được trang trí. 4 góc tháp được nhấn mạnh bởi 4 trụ góc lớn. Các góc không có tháp phụ hay tháp góc. Lối vào Chính điện tại mặt Đông gắn với tòa Bái đường phía trước. Ba mặt thân tháp còn lại có cửa giả nhô ra, được tạo bởi hai trụ hình chữ nhật đỡ một vòm cuốn cong và nhọn ở trên đỉnh. Bên trong một số ô cửa giả có một hình tượng người chắp tay, được chạm thẳng vào tường gạch. Đây là một trong những đặc trưng chính để nhận diện phong cách Hòa Lai. (ví dụ như Tháp C1, tại Thánh địa Mỹ Sơn, được cải tạo theo phong cách Hòa Lai vào thế kỷ 11).
Mái tháp có chiều cao bằng thân tháp, song chia thành 3 tầng mái, nhỏ dần về phía trên. Trang trí tầng trên được mô phỏng theo tầng dưới.
Tại các diềm phân cách thân và các tầng mái, khối tháp đều hơi choãi ra phía ngoài. Đây cũng là nơi đặt các mảng trang trí. Trên đỉnh mái tháp là một khối chóp nay không còn. Điểm nổi bật nữa của phong cách Hòa Lai là những vòm cửa tò vò trùm lên trên cửa ra vào và các cửa giả của các tầng mái. Trên vòm cửa có các trang trí các mũi ống tròn, đầu ống hình lá uốn cong.
Khoảng tường giữa hai trụ ốp cũng được phủ bằng các hình chạm khắc hoa lá. Phần trên của diềm mái là hoa văn trang trí và hình các thần điểu Garuda đang xoè cánh.
Tại tháp Hòa Lai không sử dụng đá sa thạch kết hợp với gạch xây tại các vị trí : góc nhà, lối ra vào, bậc lên xuống…như các công trình tháp Champa khác.
Tháp Bắc mới được phục dựng lại, cụm tháp Hòa Lai, Thuận Bắc, Ninh Thuận, năm 2019
Tháp Nam mới được phục dựng lại, cụm tháp Hòa Lai, Thuận Bắc, Ninh Thuận, năm 2019
Tàn tích tháp Giữa, cụm tháp Hòa Lai, Thuận Bắc, Ninh Thuận, năm 2019
Lối vào tháp Bắc, cụm tháp Hòa Lai, năm 2019
Lối vào tháp Nam, cụm tháp Hòa Lai, năm 2019
Trang trí tại phần chuyển tiếp từ Bệ tháp sang Thân tháp, tháp Hòa Lai, năm 2019
Trang trí trên thân tháp Bắc, cụm tháp Hòa Lai, năm 2019
Trang trí vòm cửa giả tại tháp Bắc với các mũi ống tròn, đầu ống hình lá uốn cong, năm 2019
Trang trí tượng nữ thần trên thân tháp Hòa Lai, năm 2019
Trang trí mái tháp Bắc, cụm tháp Hòa Lai, với tràng hoa chạy dài và hình các thần điểu Garuda xoè cánh
Trang trí mái tháp Nam, cụm tháp Hòa Lai, như chưa chạm khắc xong, mới chỉ là phần gạch xây thô.
Tháp Hòa Lai, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, được đánh giá là một trong những di tích tháp Champa cổ và đẹp nhất còn tồn tại.
Phong cách tháp Hòa Lai là một trong 7 phong cách nghệ thuật của các đền tháp Champa, Việt Nam. Đây là địa điểm khảo cổ có giá trị nổi bật đánh dấu các giai đoạn phát triển văn hóa khảo cổ quan trọng của Việt Nam vào thế kỷ thứ 8, 9. Kết quả khai quật khảo cổ học về tháp Hoà Lai mới chỉ là bước đầu, còn nhiều nội dung cần lý giải quá trình tồn tại và vị thế của khu tháp này trong lịch sử của vương quốc Champa.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/949
https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_t%C3%ADch_qu%E1%BB%91c_gia_%C4%91%
E1%BA%B7c_bi%E1%BB%87t
https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A1p_H%C3%B2a_Lai
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%8Bch_s%E1%BB%AD_
Vi%E1%BB%87t_Nam
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%A2m_%E1%BA%A4p
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ho%C3%A0n_V%C6%B0%C6%A1ng
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C4%83m_Pa
https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_%C4%91%E1%BB%81n_
th%C3%A1p_Ch%C4%83m_Pa
https://en.wikipedia.org/wiki/M%E1%BB%B9_S%C6%A1n
https://en.wikipedia.org/wiki/Hinduism
https://en.wikipedia.org/wiki/Art_of_Champa#Periods_and_styles_of_Cham_art
https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A1nh_%C4%91%E1%BB%8Ba
M%E1%BB%B9_S%C6%A1n
https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A1p_Ch%C4%83m
https://vi.wikipedia.org/wiki/Phong_c%C3%A1ch_ngh%E1%BB%87_thu%
E1%BA%ADt_c%C3%A1c_th%C3%A1p_Ch%C4%83m
http://vietlandmarks.com/module/groups/action/viewimages/id/397/album/0#484
http://redsvn.net/chum-anh-thap-hoa-lai-mot-dau-an-thoi-vang-son-
cua-vuong-quoc-champa/
https://khamphaninhthuan.com/thap-hoa-lai-ninh-thuan.html
http://baoninhthuan.com.vn/photo/93718p124c125/doc-dao-thap-cham-ninh-thuan.htm
- Di sản thế giới Thánh địa Mỹ Sơn (My Son Sanctuary), Duy Xuyên, Quảng Nam, Việt Nam xem tại đây
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|