|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội, Việt Nam |
16/02/2020 |
Thông tin chung:
Công trình: Đình Đại Phùng, Đan Phượng
Địa điểm: xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội
Quy mô:
Năm hình thành: Thế kỷ 14
Giá trị: Di tích quốc gia đặc biệt (Di tích kiến trúc nghệ thuật, năm 2019)
Đình là một công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi hội họp của người dân.
Đình Đại Phùng thuộc xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. Xưa kia đây là vùng đất trù phú với sự nhộn nhịp của thương thuyền, thuở sông Hát (Hát Giang) còn mở thông nối sông Đáy với sông Hồng qua cửa Hát Môn. (hiện khu vực này đã bị bồi lấp; nguồn nước cấp cho sông Đáy chủ yếu từ các nhánh bên hữu ngạn, chảy từ vùng núi Hòa Bình). Việc thông thương thuận tiện với Thăng Long làm vùng làng quê này tiếp cận được với mức độ văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật bậc cao thời bấy giờ và sản sinh ra nhiều bậc anh tài trong cả học hành, khoa cử và kinh doanh.
Các hoạt động kinh tế, xã hội và văn hóa thịnh vượng của làng xã Đan Phượng vào thế kỷ 17, đã được thể hiện rất sinh động qua các bức chạm khắc trong đình Đại Phùng.
Đình Đại Phùng có từ thời vua Trần Nghệ Tông (hoàng đế thứ 8 nhà Trần, trị vì năm 1370- 1372). Qua nhiều lần trùng tu, ngôi đình hiện nay chỉ còn dấu ấn của kiến trúc nghệ thuật thời Lê, thế kỷ 17.
Đình thờ Vũ Hùng, một vị tướng đã có công dẹp giặc loạn đời vua Trần Nghệ Tông. Ông được nhà Trần truy tặng danh hiệu: Trần triều Trung quân Ngã Bốn, Vũ Hùng Đại Vương.
Làng Đại Phùng là nơi ông đã từng đóng quân. Nhớ ơn ông, dân làng lập đền thờ, lấy ngày 18 tháng Giêng âm lịch làm lễ đản sinh và ngày 18/1 dương lịch làm lễ hoá thần. Xung quanh đình còn nguyên những tên gọi: Ao Đồn, Nha Môn, Ngõ Phủ…
Ngoài ra trong đình còn thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện).
Đình Đại Phùng có bố cục hướng Tây Bắc, ra sông Đáy.
Kiến trúc đình Đại Phùng không làm bằng gỗ mít, gỗ lim mà chủ yếu làm bằng gỗ xoan.
Trong khuôn viên cùa đình có một giếng cổ, tương truyền do chính tay các nghệ nhân Champa xưa đục đẽo, vẫn còn nguyên vẹn (theo kiểu chế tác đá sa thạch), là một trong ba giếng cổ trong làng.
Đình có quy mô lớn, gồm Tiền tế và Đại đình, đặt song song với nhau.
Sơ đồ vị trí đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội
Tòa Tiền tế
Tòa Tiền tế 3 gian, 2 chái, 4 mái. Hai phía đầu hồi có 2 trụ biểu nhô ra phía trước. Trụ biểu có hình thức rất điển hình của các trụ biểu, đình, đền chùa. Trên đỉnh trụ có nghê chầu, thân trụ gồm ô lồng đèn, ô trang trí câu đối, chân trụ dạng thắt cổ bồng.
Tòa Đại đình
Tòa Đại đình có mặt bằng hình "chữ đinh" hay chữ T, gồm Chính điện và Hậu cung.
Tòa Chính điện có kết cấu 3 gian, 2 chái, 4 mái, cao hơn tòa Tiền tế. Có ý kiến cho rằng, ban đầu Đại đình chỉ có hình "chữ nhất", ban thờ đặt trên gác lửng. Đến thế kỷ 19, Hậu cung mới được xây dựng bổ sung.
Tòa Tiền đường, đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội
Đầu hồi tòa Tiền đường và Hậu đường, đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội
Nội thất tòa Tiền đường, đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội
Trang trí ban thờ, đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội
Giếng cổ trong khuôn viên đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội
Nghệ thuật chạm khắc
Đình Đại Phùng, Đan Phượng nằm trong hệ thống các ngôi đình xứ Đoài (phía Tây Hà Nội) nổi tiếng, tuy không to lớn, bề thế song lại có những mảng chạm khắc dân gian rất đặc sắc thế kỷ 17.
Các mảng chạm khắc như hòa vào làm một với giải pháp kiến trúc và trở thành bảo tàng sống động về các cung bậc của đời người, từ hệ thống tư tưởng hay tín ngưỡng thể hiện ước vọng của người dân, các quan niệm về tự nhiên, hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa đến đời sống thường nhật thanh bình của cư dân thời bấy giờ; từ những nội dung hết sức nghiêm túc theo quy tắc truyền thống đến các nội dung mang tính trào lộng.
Tính trào lộng trong các mảng điêu khắc trong đình được cho là bắt nguồn từ văn hóa “Nói trạng” hay “Nói khoác” được nhiều người biết đến của làng Đại Phùng.
Đan Phượng là một vùng đất học có nhiều dòng họ khoa bảng, đỗ đạt cao. “Nói trạng” cũng là một nét văn hóa đặc trưng, mang đến những niềm vui, bắt nguồn từ những điều tốt đẹp, cho mọi người, cho cộng đồng làng Đại Phùng.
Các bức chạm có nhiều mảng, khối nhân vật ở trong các tư thế, hoàn cảnh khác nhau. Các mảng, khối này hầu như ít liên quan đến nhau, thể hiện rõ nét thủ pháp đồng hiện trong nghệ thuật dân gian.
Về cảnh cõi trần và cõi tiên: Tại đây có các chạm khắc phản ảnh con người và tự nhiên là một, cõi trần và cõi tiên là một. Trên một góc mái có hình tượng "Cô tiên" dang cánh, như đang đậu xuống cõi trần để hưởng thụ niềm vui tại hạ giới.
Bức chạm "Cô tiên" với đôi cánh (ghép tạm) dang rộng, đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội
Về tự nhiên: Tại đây có vô số các chạm khắc từ các loài linh vật như: Long, ly, quy, phụng, đến các con vật gắn với chiến binh như ngựa chiến, voi chiến; các loài vật gần gũi với người như trâu, mèo, chim, cá, thạch sùng… đều được chạm khắc sinh động trên các đầu dư, xà, bẩy của nội thất ngôi đình. Được nhiều người nói tới là bức chạm "Mèo ngoạm cá" với các nét chạm tỷ mỷ đến từng sợi ria mép, vành tai của mèo, và đến từng chiếc vảy, vây cá. Bức chạm "Rồng và thằn lằn" vui đùa được cho là thể hiện quan niệm của người xưa về thằn lằn (thạch sùng) như một linh vật giữ lửa tương tự như rồng. Trong đình còn có các bức chạm các họa tiết trang trí cây cỏ phong phú, bố cục đan xen các linh vật, con người.
Mạng chạm khắc "Ổ rồng", đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội
Chạm khắc hình tượng đầu rồng trên đầu dư (con sơn) kết cấu mái, đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội
Chạm khắc hình tượng đầu rồng và ngựa chiến, đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội
Chạm khắc "Voi chiến và chiến binh", đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội
Bức chạm "Mèo ngoạm cá", đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội
Bức chạm "Rồng và thằn lằn", đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội
Về cảnh lễ hội: Tại đây có các bức chạm "Lễ hội" miêu tả những nhân vật trong lễ hội vui xuân ở thời điểm thăng hoa: Một cụ già, tay cầm gậy, dáng lom khom, khấp khởi bước ra như nhân vật của một tích chèo cổ; Một ông ngồi uống rượu mặc áo thụng, chân xếp bằng tròn, người say lắc lư; Một cô gái, áo dài tha thướt, miệng nở nụ cười; Một chàng trai khỏe mạnh, đang đá cầu, khoe đôi chân chắc mập; Một con rồng toét miệng cười hở cả hàm răng như răng trâu bò...; Cảnh “Vinh quy bái tổ” mừng đón quan tân khoa về làng với quan trạng cưỡi ngựa, quân lính mang cờ lọng tháp tùng, nhạc công chào đón.
Bức chạm "Lễ hội", đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội
Bức chạm "Vinh quy bái tổ", đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội
Về đời sống thường nhật: Tại đây có nhiều bức chạm thể hiện cảnh đấu vật, chèo thuyền, hát ca trù, múa quạt, uống rượu chơi cờ, trai gái tình tự, tắm tiên đầm sen...rất sinh động, phong phú.
Bức chạm "Đấu vật", đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội
Bức chạm "Tắm tiên", đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội
Đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội là công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị tiêu biểu trong giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật Việt Nam vào thế kỷ 17.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_t%C3%ADch_qu%E1%BB%91c_gia_%C4%91%E1%
BA%B7c_bi%E1%BB%87t
https://hanoi.gov.vn/bomaychinhquyen/-/hn/n5xfywjC3UDf/111301/2751216/105/105
/0.html;jsessionid=CDNTyUL1LszcaU2inngVDCIZ.app2
http://vietlandmarks.com/module/groups/action/view/id/1281
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|
Cập nhật ( 18/09/2021 )
|
Tin mới đưa:- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
- Trạm bơm hơi nước D.F. Woudagemaal, Lemmer, Hà Lan
- Khu Khảo cổ Nghệ thuật đá thời Tiền sử ở Thung lũng Côa (Bồ Đào Nha) và Siega Verde (Tây Ban Nha)
- Nhà hát Catalana và Bệnh viện Sant Pau, Barcelona, Tây Ban Nha
Tin đã đưa:- Đền Bà Triệu, Lăng tháp Vua Bà và Đình Phú Điền tại Triệu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, Việt Nam
- Đình Hoành Sơn, Nam Đàn, Nghệ An, Việt Nam
- Đền Xưa - Chùa Giám - Đền Bia, Cẩm Giàng, Hải Dương, Việt Nam
- Đền Trần Thương, Lý Nhân, Hà Nam
- Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu Liễu Hạnh tại Phủ Dày, Vụ Bản, Nam Định
- Đền Sóc, Sóc Sơn, Hà Nội, Việt Nam
- Đền Cửa Ông và đền Cặp Tiên, Quảng Ninh, Việt Nam
- Đền Hùng, Phú Thọ, Việt Nam
- Tháp Bình Sơn, chùa Vĩnh Khánh, Sông Lô, Vĩnh Phúc, Việt Nam
- Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Hải Dương, Việt Nam
- Đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội, Việt Nam
- Đền Trần, Nam Định, Việt Nam
- Chùa Keo Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định, Việt Nam
- Chùa Cầu, Phố cổ Hội An, Quảng Nam, Việt Nam
- Đền Lý Bát Đế , Từ Sơn, Bắc Ninh, Việt Nam
|