Thông tin chung:
Công trình: Thành phố cổ Petra (Petra, Jordan)
Địa điểm: tỉnh Ma'an, Jordan (N30 19 50.016 E35 26 35.988)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích: 26171ha
Năm hoàn thành:
Giá trị: Di sản thế giới (1985; hạng mục i, iii, iv)
Jordan là một quốc gia Ả Rập ở Tây Á, trên bờ Đông của sông Jordan.
Jordan giáp với Ả Rập Xê-út về phía nam và phía đông, Iraq về phía đông bắc, Syria về phía bắc, Israel và
Palestine về phía tây; Biển Chết (Dead Sea) nằm dọc theo biên giới phía tây và vịnh Aqaba (Gulf of Aqaba) của Biển Đỏ (Red Sea) nằm ở phía tây nam.
Jordan có diện tích 89.342 km2, dân số khoảng 10,65 triệu người (năm 2020); thủ đô và thành phố lớn nhất là Amman; ngôn ngữ chính là tiếng Ả Rập; tôn giáo chiếm đa số là Hồi giáo Sunni.
Jordan có vị trí chiến lược nằm ở ngã tư của châu Á, châu Phi và châu Âu.
Jordan ngày nay là nơi sinh sống của con người kể từ thời kỳ Đồ đá cũ.
Vào thời kỳ Đồ đồng, Jordan nằm dưới sự ảnh hưởng của người Assyria (Assyrian Empire, tồn tại năm 2500 – 609 trước Công nguyên/TCN). Tiếp đó đã xuất hiện 3 vương quốc ổn định tại Jordan: Ammon (Kingdom of Ammon, tồn tại thế kỷ 10 – năm 332 TCN); Moab (Kingdom of Moab, tồn tại thế kỷ 13 – năm 400 TCN); Edom (Kingdom of Edom, tồn tại thế kỷ 13- năm 125 TCN).
Những vương quốc cai trị tiếp theo gồm: Vương quốc Nabataean (Nabataean Kingdom, tồn tại thế kỷ thứ 3 TCN – năm 106 sau Công nguyên); Đế chế Ba Tư (Achaemenid Empire, tồn tại năm 550 TCN – 330 TCN); Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN – năm 1453 sau Công nguyên); Vương quốc Rashidun (Rashidun Caliphate, tồn tại năm 632–661); Vương quốc Umayyad (Umayyad Caliphate, tồn tại năm 661–750); Vương quốc Abbasid (Abbasid Caliphate, tồn tại năm 750–1258 và năm 1261–1517); Đế chế Ottoman (Ottoman Empire, tồn tại năm 1299–1922).
Trong Thế chiến thứ nhất, Đế chế Ottoman bị chia cắt bởi Anh và Pháp.
Các Tiểu vương quốc của Transjordan (Emirate of Transjordan) được thành lập năm 1921 và trở thành một quốc gia dưới quyền bảo hộ của người Anh.
Năm 1946, Jordan đã trở thành một nhà nước độc lập.
Jordan ngày nay được chia thành 12 tỉnh.
Bản đồ Jordan và vị trí tỉnh Ma'an, phía tây nam Jorden
Petra là một di tích lịch sử và khảo cổ học nằm tại tỉnh Ma'an, phía tây nam Jorden, trên sườn dãy núi Jebel al-Madhbah (còn có tên là núi Hor), trong một thung lũng với những dòng sông cạn (Wadi).
Thành phố được cho là thành lập vào năm 312 TCN, là thủ đô của vương quốc Nabataeans (Nabataean Kingdom, tồn tại thế kỷ thứ 3 TCN – năm 106 sau Công nguyên).
Đô thị Petra được che dấu bởi các vách đá nhô cao và có nguồn cấp nước bởi một con suối quanh năm không cạn. Petra không chỉ có lợi thế của một pháo đài mà còn là nơi kiểm soát giao lộ quan trọng giữa Arabia, Ai Cập và Syria, nơi Con đường Tơ lụa (Silk Road) của Trung Quốc, hương liệu của Arabi, gia vị của Ấn Độ đi qua.
Trên tuyến đường giao thương của Trung Đông cổ đại, Petra là điểm dừng chân cuối cùng của các đoàn lữ hành chở gia vị trước khi được chuyển đến các thị trường châu Âu thông qua cảng Gaza.
Vị trí của thành phố Petra, Jordan trên tuyến đường Tơ Lụa
Cố đô Petra không chỉ nổi bật bởi sự giàu có nhờ các tuyến đường thương mại, mà còn được biết đến bởi các tuyệt tác kiến trúc đá, gồm đền thờ, công trình công cộng, nhà ở, lăng mộ, các mỏ khai thác khoáng sản tại lân cận và các công trình trữ nước.
Các cuộc khai quật đã chứng minh khả năng kiểm soát và tạo nguồn cung cấp nước tuyệt vời của người Nabataeans. Nước của các trận lũ được dẫn theo các tuyến kênh, đập vào các bể chứa, tạo khả năng dự trữ nước đáp ứng nhu cầu dùng nước trong thời gian hạn hán kéo dài. Thành tựu này tạo ra một ốc đảo nhân tạo trên hoang mạc và góp phần làm cho thành phố trở nên thịnh vượng.
Tổng mặt bằng thành phố cổ Petra trong thung lũng với những dòng sông cạn
Thành phố cổ Petra được bao quanh bởi các gò và vách núi
Phối cảnh tổng thể trung tâm thành phố cổ Petra trong thung lũng được bao quanh bởi các gò và vách núi
Hình ảnh đường hầm dẫn nước Muthlim tại thành phố cổ Petra, Jordan
Xung quanh thành phố cổ Petra còn có các địa điểm tế lễ và tôn giáo khác nằm trên các đỉnh núi Jebels Madbah; M'eisrah, Khubtha, Habis và Al Madras.
Suy thoái của Petra bắt đầu dưới thời kỳ cai trị của Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN – năm 1453 sau Công nguyên), được cho là do sự chuyển hướng sang những tuyến thương mại trên biển.
Năm 363, một trận động đất đã phá huỷ các công trình xây dựng và hệ thống quản lý nước. Tuy nhiên sự suy sụp hoàn toàn của Petra đến nay vẫn là một điều bí ẩn.
Petra được thế giới bên ngoài phát hiện vào năm 1812.
Mặc dù dưới thời xa xưa người ta có thể đến Cố đô Petra từ phía Nam qua Ả Rập Saudi, tới từ các cao nguyên phía Bắc, hoặc từ đồng bằng phía Nam, nhưng phần lớn các du khách hiện đại đến với khu vực cổ kính này qua cửa ngõ phía Đông, bắt nguồn từ thị trấn Wadi Musa. Lối đi phải đi qua một hẻm núi dốc đứng vừa tối vừa hẹp (nhiều nơi chỉ rộng 3–4 m) gọi là hẻm Siq, như một bức thành lũy tự nhiên được tạo bởi một vết nứt sâu trong các phiến đá.
Petra trở thành địa danh nổi tiếng vì còn lưu giữ rất nhiều tàn tích kiến trúc, tượng đài tạc trên đá, một sự pha trộn giữa kiến trúc truyền thống phương Đông với kiến trúc Hy Lạp, La Mã cổ đại.
Tại đây, các vách đá điêu khắc kiến trúc có màu đỏ, nên Petra còn được gọi là thành phổ hoa hồng (Rose).
Thành phố cổ Petra, tỉnh Ma'an, Jordan được UNESCO công nhận là Di sản thế giới với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Được tiếp cận qua một khe nứt đá quanh co tự nhiên (Siq) và là lối vào chính phía đông của một thành phố thương mại rộng lớn, các ngôi đền hay lăng mộ cắt đá thời kỳ Nabataean/ Hellenistic (Hy Lạp cổ đại) là một thành tưu nghệ thuật độc đáo. Chúng là những kiệt tác của một thành phố đã mất, làm mê hoặc du khách từ đầu thế kỷ 19. Cách tiếp cận lối vào và bản thân khu định cư gắn với hệ thống phân phối, lưu trữ nước là những tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người.
Tiêu chí (iii): Những chi tiết trang trí trên đầu hồi của vô số lăng mộ chạm khắc vào trong đá phản ánh ảnh hưởng kiến trúc của người Assyria cho đến kiến trúc hoành tráng của người Hellenistic; Các địa điểm tế lễ và tôn giáo khác bao gồm Jebels Madbah, M'eisrah, Khubtha, Habis và Al Madras; Phần còn lại của hệ thống kỹ thuật nước rộng lớn, tường thành và các ngôi đền; vườn sân thượng; Các bia mộ và bia ký của đoàn lữ hành xưa trên hướng tiếp cận phía bắc (Barid hoặc Little Petra); Lăng mộ, đền thờ, bể chứa nước và hồ tại phía nam (Sabra), là minh chứng nổi bật cho nền văn minh Nabataean tồn tại vào thế kỷ thứ 4 TCN – thế kỷ 1 sau Công nguyên, hiện đã không còn tồn tại.
Tại đây còn lưu lại dấu tích của khu định cư thời kỳ Đồ đá mới (Neolithic) tại Beidha; khu định cư thời kỳ Đồ sắt (Iron Age) ở Umm al Biyara; các địa điểm khai thác mỏ thời kỳ Đồ đá cũ (Chalcolithic) tại Umm al Amad; phần còn lại của khu dân cư Hy Lạp, La Mã, bao gồm đường phố có các hàng cột, cổng vào ba vòm, nhà hát, đài tưởng niệm (Nymphaeum) và nhà tắm; Di tích Byzantine (Đông La Mã) bao gồm nhà thờ ba ngôi thánh đường, nhà thờ trong lăng mộ Urn; Pháo đài của quân Thập tự chinh (Crusader) còn sót lại tại Habis và Wueira; Tàn tích nền của nhà thờ Hồi giáo tại Jebel Haroun, theo truyền thuyết là nơi chôn cất của nhà tiên tri Aaron. Tất cả đều là bằng chứng đặc biệt về nền văn minh trong quá khứ của thành phố Petra.
Tiêu chí (iv): Quần thể kiến trúc bao gồm các lăng mộ hoàng gia ở Petra (bao gồm cả đền Khasneh, lăng mộ Urn, lăng mộ Cung điện và Lăng mộ Corinthian) và tu viện (Deir) thể hiện sự kết hợp xuất sắc của kiến trúc Hy Lạp hòa nhập với truyền thống phương Đông, đánh dấu sự gặp gỡ quan trọng giữa phương Đông và phương Tây khi bước sang thiên niên kỷ đầu tiên sau Công nguyên.
Các mỏ đồng tại Umm al Amad và hầm mỏ dưới lòng đất là một ví dụ nổi bật về cấu trúc khai thác có niên đại từ thiên niên kỷ 4 TCN.
Những tàn tích còn lại của đập dẫn dòng, đường hầm Muthlim, kênh dẫn nước, hệ thống dẫn nước, hồ chứa và bể chứa là một ví dụ nổi bật về kỹ thuật nước có niên đại từ thế kỷ 1 TCN đến thế kỷ 1 sau Công nguyên.
Bản đồ phạm vi Khu vực Di sản Thành phố cổ Petra, tỉnh Ma'an, Jordan
Bản đồ các công trình chính trong Khu vực Di sản Thành phố cổ Petra, tỉnh Ma'an, Jordan
Khu vực trên đường vào Trung tâm thành phố cổ Petra
Hẻm đá Siq
Hẻm đá Siq (Syk) là một khe núi hẹp, tối và là một cổng vào phía Đông của thành cổ Petra. Khe này chỉ rộng 3- 4m, hình thành từ một vết nứt trong khối đá sa thạch, là đường dẫn nước khi mưa lũ chảy vào khu vực Wadi Musa (trung tâm hành chính của thành phố Petra và là điểm dân cư gần nhất với khu vực Di sản).
Kết thúc của hẻm núi là công trình Tu viện và lăng mộ Treasury.
Hẻm đá đá Siq, lối vào phía Đông trung tâm thành phố cổ Petra, Jordan
Tu viện và Lăng mộ Treasury
Tu viện và Lăng mộ Treasury còn có tên là Al Khazneh (Kho báu), nằm cuối đoạn hẻm núi.
Công trình được đánh giá là có giá trị nhất của thành phố cổ Petra; được cho là lăng mộ của vua Nabatean Aretas IV (trị vì từ năm 9 TCN – 40 sau Công nguyên)
Tu viện và Lăng mộ Treasury được xây dựng vào thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên.
Công trình được chạm khắc vào vách đá sa thạch, chỉ phô diễn một mặt tiền đầu hồi với hình thức chịu ảnh hưởng của kiến trúc đền thờ Hy Lạp cổ đại (với đặc điểm: Loại đền thờ có dạng hình chữ nhật; lối vào chính ở cạnh ngắn hay đầu hồi; Mức độ phức tạp của mặt tiền đầu hồi phụ thuộc vào các hàng cột trang trí hai hay nhiều cột; có hoặc không có cột tại góc; 1 tầng hay 2 tầng; Mái sảnh và mái nhà có dạng tam giác kết hợp với các trang trí thể hiện các nhân vật thần thoại hoặc linh vật…).
Tu viện và Lăng mộ Treasury cao 2 tầng. Tầng 1 có mặt đứng với 6 cột. Tầng 2, mặt tiền chia thành 3 khối, mỗi khối có 2 cột phía ngoài và 1 cột tại góc, khối chính giữa tròn, trên đỉnh mái trang trí một đoạn cột đỡ một cái bình. Các cột theo dạng thức cột Corinth với đế cột thấp, thân cột tròn trơn không có rãnh trang trí, đầu cột đỡ dầm mái có chi tiết trang trí như một lẵng hoa.
Tu viện và Lăng mộ Treasury, điểm khởi đầu lối vào phía Đông tới trung tâm thành phố cổ Petra, Jordan
Mặt bằng, mặt đứng Tu viện và Lăng mộ Treasury, thành phố cổ Petra, Jordan
Bên trong Tu viện và Lăng mộ Treasury, thành phố cổ Petra, Jordan
Tuyến phố với mặt tiền là các lăng mộ
Tuyến phố với mặt tiền là các lăng mộ (Street of Facades) là tuyến không gian nối Tu viện và lăng mộ Treasury vào trung tâm thành phố cổ Petra.
Đây là các lăng mộ chạm khắc vào trong đá, dành cho cả người giàu và người bình thường. Các lăng mộ tạo thành các khối, có một lối vào, phần trên trang trí các hình răng cưa. Bên trong lăng mộ là các hang động với các hình thù kỳ dị.
Hình ảnh Tuyến phố với mặt tiền là các lăng mộ, trên đường tới trung tâm thành phố cổ Petra, Jordan
Khu vực trung tâm thành phố cổ Petra
Tàn tích tường thành
Bức tường thành (City Wall) bao quanh trung tâm thành phố cổ Petra có vai trò phòng thủ chống lại các cuộc xâm lăng tại phía Bắc và phía Nam. Các bức tường thành gồm 3 tuyến: Tại phía Bắc: North Walls và Byzantine Walls; Tại phía Nam: Southern Walls.
Hiện các bức tường thành chỉ còn lại tàn tích một vài đoạn, được xây dựng bằng đá.
Tàn tích của các Bức tường thành bao quanh trung tâm thành phố cổ Petra, Jordan
Nhà hát ngoài trời Petra
Nhà hát ngoài trời Petra (Petra Theater) được tạc vào sườn núi, tại điểm mở đầu của trung tâm thành phố cổ.
Công trình được xây dựng vào thế kỷ 1 sau Công nguyên có quy mô đến 8500 người. Khán đài của nhà hát chia thành 3 tầng với 7 cầu thang để đi lên. Công trình được xây dựng theo mô hình của các nhà hát La Mã cổ đại với khán đài có nền dốc lớn, giúp tăng cường khả năng nghe âm thanh trực tiếp và tầm nhìn đến sân khấu.
Khu vực mái che sân khấu nay chỉ còn dấu tích một vài cột đỡ mái và tường.
Tàn tích Nhà hát ngoài trời, trung tâm thành phố cổ Petra, Jordan
Quần thể cung điện, đền chính
Quần thể cung điện, đền chính (Great Temple) mới được phát hiện vào năm 1992, được xây dựng vào thế kỷ I trước Công nguyên và tiếp tục được mở rộng sau đó.
Quần thể có mặt bằng hình chữ nhật, theo trục Bắc – Nam, dốc từ Nam xuống Bắc; diện tích lên đến 7560m2, cao đến 19m, được xây dựng trên 2 bậc nền chính. Bậc nền trên cùng có cao 25m so với đường phố chính phía dưới, là nơi bố trí đền thờ (hiện chưa rõ ngôi đền này thờ vị thần nào).
Bên trong Quần thể có nhiều hạng mục công trình, bố cục nghiêm ngặt, về cơ bản đối xứng qua một trục.
Bậc nền phía dưới (phía Bắc) là nơi xây dựng hội trường, hiện còn lại đến 120 di tích cột đỡ mái.
Tại đây phát hiện được 2 bể chứa nước dung tích 59m3 và 327m3. Các bể chứa dẫn nước vào một hệ thống kênh đào ngầm, chạy dọc theo chiều dài của ngôi đền và đấu nối vào hệ thống phân phối nước của thành phố.
Mặt bằng Quần thể cung điện, đền chính tại trung tâm thành phố cổ Petra, Jordan
Phối cảnh tàn tích Quần thể cung điện, đền chính, trung tâm thành phố cổ Petra, Jordan
Tuyến phố với các hàng cột
Tuyến phố với các hàng cột (Colonnaded Street) nằm tại trung tâm thành phố cổ Petra, tại phía Bắc của Quần thể cung điện, đền chính (Great Temple). Tuyến phố được xây dựng vào năm 106 bởi những người La Mã, gồm cửa hàng, công sở, đền thờ.
Khởi đầu của tuyến phố là một Đài phun nước công cộng (Nyymhaeum) tôn vinh Nữ thần nước (theo kiểu đô thị La Mã), kết thúc là một cổng tam quan dẫn đến Đền Dushares (Dushares Temple). Kề liền phía bắc của Tuyến phố là Đền Al Uzza (Al Uzza Temple)
Đài phun nước công cộng, tuyến phố, đền thờ hiện chỉ còn lại tàn tích.
Tàn tích nền móng Đài phun nước công cộng Nymphaeum, đầu của Tuyến phố Colonnaded,
trung tâm thành phố cổ Petra, Jordan
Tuyến phố Colonnaded, cuối đường là cổng tam quan dẫn đến Đền Dushares, trung tâm thành phố cổ Petra, Jordan
Tàn tích Đền Dushares, trung tâm thành phố cổ Petra, Jordan
Đền Al Uzza hay Đền của những con sư tử có cánh
Đền Al Uzza (Al Uzza Temple) hay Đền của những con sư tử có cánh (Temple of the Winged Lions) nằm tại phía Bắc Tuyến phố với các hàng cột (Colonnaded Street), được xây dựng vào năm 9 TCN – 40 sau Công nguyên.
Đền được cho là để thờ nữ thần tối cao của người Nabateans, nhưng danh tính chưa rõ. Công trình bị phá hủy trong trận động đất lớn vào năm 363, hiện chỉ còn lại tàn tích.
Tại đây người ta đã tìm được các mảng chữ khắc cung cấp các thông tin về luật pháp và trật tự của Vương quốc Nabataean; thông tin về nghi lễ tôn giáo, thờ cúng, cũng như việc phân bổ và tạo ra các doanh thu của ngôi đền.
Ngoài không gian thờ cúng, tại đây cũng phát hiện không gian của các xưởng sản xuất dành cho việc sơn, gia công kim loại, gia công đá cẩm thạch, chế biến ngũ cốc, cũng như sản xuất dầu, nước hoa, nhũ hương...để sử dụng và xuất khẩu. Tại phía Đông của ngôi đền có một tuyến kênh ngầm lớn.
Các bức tường bên trong của ngôi đền ban đầu được trang trí bằng vữa, đá cẩm thạch hoặc vữa thạch cao sơn màu đỏ tươi, xanh lá cây, vàng, đen và trắng. Tại đây có những bức bích họa phức tạp miêu tả các nghi lễ của người Hy Lạp cổ đại.
Tàn tích Đền Al Uzza (Temple of the Winged Lions), trung tâm thành phố cổ Petra, Jordan
Nhà thờ Byzantine
Nhà thờ Byzantine (Byzantine Church) của thành phố Petra nằm tại phía Bắc của Tuyến phố với các hàng cột (Colonnaded Street). Đây là một trong ba nhà thờ Byzantine trên sườn đồi. Hai nhà thờ còn lại là Nhà thờ xanh (Blue Churche, làm bằng đá granit Ai Cập màu xanh) và Nhà thờ Đỏ (Red Churche,).
Nhà thờ Byzantine nổi tiếng với lối trang trí khảm xa hoa. Tại đây đã tìm thấy 140 tờ giấy cói (papyri), là văn bản cung cấp những thông tin quý giá về cuộc sống tại Petra và vùng nông thôn xung quanh thời bấy giờ.
Nhà thờ được xây dựng vào nửa sau thế kỷ 5. Thế kỷ 7 bị phá hủy bởi hỏa hoạn.
Mặt bằng nhà thờ Byzantine, Petra; Ký hiệu: 1: Atrium; 2: Không gian rửa tội (Baptistry); 3: Thánh đường (Basilica); 4: Bục giảng đạo (Pulpit); 5: Thánh địa (Sanctuary); 6: Phòng trưng bày văn bản giấy cói (Room of the Papyri)
Tàn tích Nhà thờ Byzantine, trung tâm thành phố cổ Petra, Jordan
Tranh khảm tại Nhà thờ Byzantine ở Petra, Jordan
Khu vực phía Đông và phía Bắc Trung tâm thành phố cổ Petra
Khu vực phía Đông và phía Bắc Trung tâm thành phố cổ Petra chủ yếu là các di tích lăng mộ.
Các lăng mộ Hoàng gia
Các lăng mộ Hoàng gia (Royal Tombs) nằm tại phía Đông trung tâm thành phố cổ. Quần thể bao gồm 4 lăng mộ được chạm khắc vào mặt đá dưới chân núi: Urn Tomb, Corinthian Tomb, Palace Tomb và Florentinus Tomb, tạo thành một dãy mặt tiền hoành tráng nổi bật trên vách đá sườn phía đông của thung lũng.
Các lăng mộ này đều có mặt đứng dạng đầu hồi với hình thức kiến trúc Hy Lạp cổ đại.
Phối cảnh vách núi với các Lăng mộ hoàng gia, phía Đông trung tâm thành phố cổ Petra, Jordan
- Urn Tomb là lăng mộ được xây dựng vào khoảng năm 70 sau Công nguyên. Đây có thể là lăng mộ của vua Nabatean, Malchus II (trị vì trong khoảng năm 39 – 70). Bên trong lăng mộ có một căn phòng lớn gần hình vuông rộng 18,95m x 17,15m. Công trình được chuyển thành nhà thờ bởi người Byzantine vào năm 447. Công trình cao 2 tầng, được khắc sâu vào trong vách núi. 2 cột giữa theo dạng thức cột Corinth cao thông 2 tầng. Lăng mộ được đặt trên một bệ nền cao 2 tầng. Các bệ này không tạc vào trong vánh đá mà được xây dựng bằng đá với các hốc dạng vòm.
Lăng mộ Urn (Urn Tomb) phía Đông trung tâm thành phố cổ Petra, Jordan
Bên trong Lăng mộ Urn (Urn Tomb) phía Đông trung tâm thành phố cổ Petra, Jordan
- Silk Tomb nằm tại phía bắc Urn Tomb, được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Công trình có mặt tiền rộng 10,8m, cao 19m, 2 tầng với 4 cột tại phía trước và một lối vào. Tên của lăng mộ bắt nguồn từ màu sắc của vách đá sa thạch. Đây là một trong những ngôi mộ có màu sắc đặc biệt nhất ở Petra. Mặt đứng công trình dường như chưa được hoàn thiện.
Lăng mộ Silk (Silk Tomb), phía Đông trung tâm thành phố cổ Petra, Jordan
- Corinthian Tomb nằm tại phía bắc của Silk Tomb, được xây dựng vào năm 40-70 sau Công nguyên, dựa theo cấu trúc của Tu viện và lăng mộ Treasury (Al Khazneh). Lăng mộ có mặt tiền rộng 27,55m cao 28m. Tầng 1 có mặt đứng với 6 cột. Tầng 2, mặt tiền chia thành 3 khối, mỗi khối có 2 cột phía ngoài và 1 cột tại góc, khối chính giữa tròn, trên đỉnh mái trang trí một đoạn cột đỡ một cái bình. Các cột theo dạng thức cột Corinth với đế cột thấp, thân cột tròn trơn không có rãnh trang trí, đầu cột đỡ dầm mái có chi tiết trang trí như một lẵng hoa. Mặt tiền của công trình hiện bị phong hóa nặng. Phía trước lăng có thể thấy dấu vết của bốn bể nước.
Lăng mộ Corinthian (CorinthianTomb) phía Đông trung tâm thành phố cổ Petra, Jordan
- Palace Tomb (Lăng mộ cung điện) nằm tại phía bắc Corinthian Tomb, được xây dựng vào cuối thế kỷ 1 sau Công nguyên. Lăng mộ có mặt tiền rộng 49m và cao 46m, là một trong những công trình có mặt tiền lớn nhất ở Petra, trông như một cung điện. Công trình cao 3 tầng. Tầng 1 được chia thành 4 khối mặt tiền. Mỗi khối có hai cột ở hai bên lối vào. Hai khối giữa có mái trang trí dạng tam giác. Hai khối hai bên có mái trang trí dạng vòm. Tầng 2 với mặt tiền chia thành 9 khối, mỗi khối có 2 cột. Tầng 3 hiện chỉ còn một phần tàn tích.
Tương tự như Urn Tomb, Palace Tomb là công trình kết hợp giữa cấu trúc chạm khắc và xây dựng (chủ yếu tại một phần tầng 2 và 3).
Lăng mộ Cung điện (Palace Tomb) tại phía Đông trung tâm thành phố cổ Petra, Jordan
Các ngôi mộ khác tại phía Đông và phía Bắc
- Florentinus Tomb (Sextius Florentinus Tomb) nằm tại phía bắc khu vực Các ngôi mộ của Hoàng gia (Royal Tombs). Đây là một lăng mộ có từ thời Sextus Florentinos, thống đốc của Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN – năm 1453 sau Công nguyên) vào năm 129 sau Công nguyên. Công trình chạm khắc vào trong một tảng đá nhô ra khỏi vách núi, có mặt tiền rộng 37,10m, cao 9,16m, 2 tầng. Tầng 1 có 4 cột và một sảnh vào với trang trí bên trên là mái dạng đầu hồi hình tam giác, bên trên trang trí vòm. Tầng trên có 2 cột tại mỗi góc. Mái tầng trên dạng đầu hồi hình tam giác. Trên đỉnh mái trang trí một cái bình.
Ngoài ra, tại phía Đông và phía Bắc trung tâm thành phố cổ Petra còn có lăng mộ Camine (Camine Tomb); Cụm lăng mộ Cơ đốc giáo (Christian Tombs); Turkamaniya Tomb
Lăng mộ Florentinus (Florentinus Tomb) tại phía Đông trung tâm thành phố cổ Petra, Jordan
Khu vực phía Tây Trung tâm thành phố cổ Petra
Khu vực phía Tây Trung tâm thành phố cổ Petra bao gồm các tàn tích chính: Ad Deir; Habis Castle, Unifinished Tomb; Columbarium và Lion Triclinium, trong đó nổi bật là Tu viện Ad Deir và Pháo đài Habis.
Tu viện Ad Deir
Tu viện Ad Deir nằm tại phía Tây Trung tâm thành phố cổ Petra. Đây là một công trình đồ sộ được tạc vào trong đá vào giữa thế kỷ 1 sau Công nguyên.
Tu viện được cho là một trong những di tích mang tính biểu tượng nhất tại thành phố cổ Petra, thường được du khách viếng thăm vào loại thứ hai sau Tu viện và Lăng mộ Treasury.
Tu viện có thiết kế tương tự như Tu viện Treasury song lớn hơn với chiều rộng 48m, cao 47m và ít trang trí hơn.
Tu viện Ad Deir tại phía Tây trung tâm thành phố cổ Petra, Jordan
Pháo đài Habis
Pháo đài Habis (Habis Castle) là pháo đài nằm trên một gò núi tại phía Tây trung tâm thành cổ Petra. Từ đây có thể quan sát toàn bộ thành phố. Pháo đài đã bị phá hủy hoàn toàn sau một trận động đất.
Sơ đồ mặt bằng Khu vực pháo đài Habi, phía Tây trung tâm thành cổ Petra, Jordan
Khu vực pháo đài Habi tại phía Tây trung tâm thành cổ Petra, Jordan
Khu vực phía Nam Trung tâm thành phố cổ Petra
Khu vực phía Nam Trung tâm thành phố cổ Petra gồm các tàn tích chính: Roman Soldier Tomb, Obelisks, Southern Graves; Broken Pedimet Tomb; Renaissance Tomb; Triclinium; Garden Tomb; Lion Manument và High Place, trong đó nổi bật là di tích Roman Soldier Tomb, Obelisks
Lăng mộ người lính La Mã
Ngôi mộ người lính La Mã (Roman Soldier Tomb) nằm tại phía Nam Trung tâm thành phố cổ Petra, là một trong những lăng mộ được bảo tồn tốt nhất trong khu vực Di sản.
Công trình có mặt đứng dạng đầu hồi với hình thức kiến trúc Hy Lạp cổ đại tương tự như các ngôi mộ tại phía Đông của thành phố cổ.
Lăng mộ được xây dựng vào cuối thế kỷ 1 sau Công nguyên, cao 14m, 2 tầng với 2 cột tròn tại hai bên lối vào, đỡ mái đầu hồi hình tam giác. Tại tầng 2 có 3 hốc, bên trong trang trí tượng binh lính Hy Lạp- La Mã.
Bên trong lăng có hai không gian, một không gian dành cho việc chôn cất, một không gian dành cho nghi lễ.
Ngôi mộ người lính La Mã, phía Nam trung tâm thành cổ Petra, Jordan
Cột đá Obelisks
Cột đá Obelisks nằm trên đỉnh núi Jebels Madbah (Núi bàn thờ, là một ngọn núi cao 1070m),
gồm 2 tháp đá cao 7m, được tạo từ trong vách đá. Việc loại bỏ khối lượng đá thừa xung quanh để tạo thành 2 cột đá này là một công việc đáng nể. Hai cột đứng cách nhau 30m.
Cột đá Obelisks, phía Nam trung tâm thành cổ Petra, Jordan
Di sản Thành phố cổ Petra, Ma'an, Jordan là một trong những tài sản văn hóa quý giá nhất của nhân loại.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/326
https://en.wikipedia.org/wiki/Jordan
https://en.wikipedia.org/wiki/Nabataean_Kingdom
https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_Nabataean_kings
https://en.wikipedia.org/wiki/Petra
https://en.wikipedia.org/wiki/Jebel_al-Madhbah
https://en.wikipedia.org/wiki/Ancient_Greek_architecture
https://en.wikipedia.org/wiki/Al-Khazneh
https://en.wikipedia.org/wiki/Petra_Theater
https://en.wikipedia.org/wiki/Great_Temple_(Petra)
https://nabataea.net/explore/petra/petra-city-walls/
https://en.wikipedia.org/wiki/Byzantine_Church_(Petra)
https://en.wikipedia.org/wiki/Temple_of_the_Winged_Lions
https://en.wikipedia.org/wiki/Ad_Deir
https://en.wikipedia.org/wiki/Tomb_of_the_Roman_Soldier
Xem video giới thiệu công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|