|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Phố cổ Djenné – Nhà thờ Hồi giáo Djenné, Mali |
15/10/2015 |
Thông tin chung:
Công trình: Phố cổ Djenné (Old Towns of Djenné)
Địa điểm: Djenne, vùng Mopti, Mali (N13 54 23.004 W4 33 18)
Quy mô:
Năm hoàn thành:
Giá trị: Di sản thế giới (1988; hạng mục iii, iv)
Mali là một quốc gia nằm trong lục địa miền Tây châu Phi, có chung đường biên giới Algérie về phía Bắc, Niger về phía Đông, Burkina Faso và Côte d'Ivoire về phía Nam, Guinée về phía Tây Nam, Sénégal và Mauritanie về phía Tây. Mali có diện tích vào khoảng 1.240.000 km2, lớn thứ tám châu Phi; Dân số khoảng hơn 14 triệu người; Thủ đô là thành phố Bamako.
Mali được chia làm 6 vùng (bang) với phần lớn diện tích nằm trong khu vực sa mạc Sahara. Riêng vùng đất phía Nam của Mali, nơi có đa số dân cư sinh sống, nằm trong lưu vực của hai con sông Niger và Sénégal. Cơ cấu kinh tế của Mali tập trung chủ yếu vào nông nghiệp và đánh bắt cá.
Bản dồ Mali và vị trí của tỉnh Djenne, vùng Mopti
Djenné là trung tâm hành chính của tỉnh Djenné (Djenné Cercle) thuộc vùng Mopti (Region of Mopti). Đây là một trong những đô thị lâu đời nhất của vùng Châu Phi Hạ Sahara (vùng lục địa Châu Phi nằm tại phía Nam sa mạc Sahara), tồn tại từ năm 250 trước Công nguyên.
Djenné ngày nay có diện tích khoảng 302km2, bao gồm 1 đô thị và 10 làng xung quanh, có dân số khoảng 3,2 vạn người (năm 2009).
Phố cổ Djenné phát triển kế thừa từ đô thị xưa, trở thành trung tâm thị trường và điểm nút quan trọng trong giao dịch vàng xuyên Sahara. Vào thế kỷ 15 và 16, đây là một trong những trung tâm truyền bá đạo Hồi với khoảng 2000 cư dân.
Phố cổ Djenné được xây dựng trên những ngọn đồi (toguere) để tránh các trận lũ lụt theo mùa.
Tài sản văn hóa tại Phố cổ Djenné bao gồm 4 địa điểm kế tiếp nhau, Djenné -Djeno, Hambarkétolo, Kaniana và Tonomba, cùng với khu dân cư cũ của đô thị Djenné hiện tại có tổng diện tích khoảng 48,5 ha.
Djenné là một quần thể mà trong nhiều năm qua đã trở thành một trong những biểu tượng của các thành phố châu Phi điển hình. Thành phố cũng là đại diện đặc biệt cho kiến trúc Hồi giáo ở vùng Châu Phi Hạ Sahara.
Phố cổ Djenné được đặc trưng bởi việc sử dụng đa dạng và đặc biệt vật liệu đất trong kiến trúc. Nhà thờ Hồi giáo (Great Mosque) hoành tráng tại đây là một ví dụ nổi bật về kiểu kiến trúc bằng đất này.
Thị trấn nổi tiếng với các công trình dân sự, có kiến trúc độc đáo bởi các phân vị theo chiều đứng, với các mẩu gỗ nhô ra trên các bức tường, tạo thành phong cách kiến trúc hoành tráng, trang nhã với mặt tiền phức tạp.
Các hoạt động khảo cổ học vào năm 1977, 1981, 1996 và 1997 tại đây đã phát hiện các cấu trúc đô thị thời kỳ tiền Hồi giáo với vô số công trình hình tròn hoặc chữ nhật và nhiều di vật cổ như lọ tang lễ, đồ gốm, kim loại…
Kết quả khảo cổ làm lộ rõ một trang lịch sử phi thường của cư dân tại đây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 14, 15 sau Công nguyên.
Sự lụi tàn của các điểm cư dân tại đây có thể do biến đổi khí hậu (sa mạc hóa), thay đổi chính trị và chuyển đổi tôn giáo (sang đạo Hồi) và cũng có thể do dịch bệnh (bệnh dịch hạch).
Phố cổ Djenné, vùng Mopti, Mali được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1988 với tiêu chí:
Tiêu chí (iii): Djenné-Djeno, cùng với Hambarketolo, Tonomba và Kaniana là nhân chứng đặc biệt cho các nền văn minh tiền Hồi giáo ở đồng bằng châu thổ sông Niger (Delta of the Niger). Việc phát hiện ra nhiều ngôi nhà trên khu vực Djenné-Djeno (tàn tích của các cấu trúc trụ gạch truyền thống - djénné ferey, bình tang lễ) cũng như vô số các đồ tạo tác bằng đất nung và kim loại làm cho đây trở thành một địa điểm khảo cổ chính cho nghiên cứu về sự tiến hóa của nhà ở, kỹ thuật thủ công nghiệp và công nghiệp.
Tiêu chí (iv): Cấu trúc cổ xưa của Djenné là một ví dụ nổi bật về một nhóm công trình kiến trúc minh họa cho một thời kỳ lịch sử quan trọng. Bị ảnh hưởng bởi kiến trúc Ma-rốc (Moroccan architecture, năm 1591), tiếp sau là kiến trúc của Đế chế Toucouleur (Toucouleur Empire, năm 1862), kiến trúc của Djenné được đặc trưng các phân vị theo chiều đứng, với các mẩu gỗ nhô ra trên các bức tường của những ngôi nhà 2 tầng với lối vào luôn được chú ý đặc biệt. Nhà thờ Hồi giáo Djenne (xây dựng lại năm 1906-1907) đã tạo ra một tượng đài đại diện cho kiến trúc tôn giáo địa phương.
Danh mục các địa điểm tại khu vực Di sản Phố cổ Djenné, vùng Mopti, Mali.
Mã hiệu
|
Địa điểm
|
Tọa độ
|
Diện tích Di sản
|
Diện tích vùng đệm
|
116-001
|
Djenné-Djeno (ancienne Djenné)
|
N13 54 0,00
W5 25 0,00
|
|
-
|
116-002
|
Kaniana
|
N13 54 0,00
W4 34 0,00
|
|
-
|
116-003
|
Tonomba
|
N13 54 0,00
W4 31 60,00
|
|
-
|
116-004
|
Djenné
|
N13 54 0,00
W4 33 0,00
|
|
|
116-005
|
Hambarketolo
|
N13 52 60,00
W4 31 60,00
|
|
|
Sơ đồ vị trí các địa điểm Di sản tại khu vực Di sản Phố cổ Djenné, vùng Mopti, Mali
Khu phố cổ của đô thị Djenné
Lịch sử của đô thị Djenné phản ánh sự liên kết chặt chẽ với đô thị Timbuktu (thủ phủ của vùng Tombouctou) tại phía Bắc, gắn liền với tuyến đường thương mại xuyên Sahara theo hướng Bắc – Nam, đoạn dọc theo sông Niger, vận chuyển muối, vàng và nô lệ. Thành phố Djenné và Timbuktu sau này đều trở thành trung tâm Hồi giáo thịnh vượng.
Khu phố cổ của đô thị Djenné nổi tiếng với kiến trúc bằng đất (adobe), điển hình là Nhà thờ lớn Hồi giáo (Great Mosque in Djenné). Phía Nam thành phố Djenné còn có địa danh nổi tiếng Djenné-Djeno, được cho là thị trấn lâu đời nhất được biết đến ở châu Phi Hạ Sahara.
Các ngôi nhà truyền thống tại đây được xây dựng bằng đất thô với các trụ đỡ. Kết cấu đỡ mái bằng dầm gỗ.
Kiểu xây tường đất tại đây chia thành hai dạng: Djenné-ferey và Toubabou-ferey.
Djenné-ferey là cách xây dựng từ xưa, theo kiểu đắp hay trình tường.
Toubabou-ferey là cách xây dựng: trước hết tạo ra các viên gạch bằng đất (không nung) với kích thước điển hình 36 x 18 x 8 cm, sau đó liên kết bằng vữa bùn dày 2cm.
Đất làm tường là bùn trộn với trấu hoặc rơm ủ trong thời gian khoảng 1 tháng.
Tường sau khi xây được phủ một lớp bảo vệ gồm hỗn hợp đất và trấu.
Để có thể thường xuyên sửa chữa bề mặt tường, người là làm hệ giàn giáo với các mẩu gỗ nhô ra khỏi tường khoảng 0,6m. Chính điều này tạo ra mặt đứng đặc biệt của ngôi nhà.
Các ngôi nhà ở tại khu phố cổ Djenné thường cao 2 tầng; các phòng chức năng và cầu thang bố cục bao quanh một sân nhỏ.
Lối vào nhà là một cửa lớn đặt giữa hai trụ tường. Phía trên là các ô cửa nhỏ với các biểu tượng trang trí…Tất cả tạo cho mặt tiền của ngôi nhà cảm giác nặng về phần đế, thanh mảnh và nhẹ tại phần trên; cảm giác về sự mạnh mẽ và bí ẩn.
Ở Djenné, các tòa nhà đất thường phải gia cố lại hàng năm sau những cơn mưa lớn.
Bức tranh vẽ cảnh đường phố và ngôi nhà tại Phố cổ Djenné, vùng Mopti, Mali (năm 1896)
Đường phố và ngôi nhà tại Phố cổ Djenné ngày nay
Nhà thờ lớn Hồi giáo tại Djenne
Nhà thờ lớn Hồi giáo tại Djenne (Great Mosque in Djenné, Mali) được cho là xây dựng vào thế kỷ 13.
Văm 1843- 1836 nhà thờ được phục dựng lại.
Nhà thờ lớn Hồi giáo tại Djenne hiện nay được phục dựng lại vào năm 1907.
Công trình nằm trên một khu đất hình bình hành, dài khoảng 75mx75m với diện tích khoảng 0,56ha, cao 3m so với nền xung quanh, nhằm ngăn ngừa tác động của lũ sông Bani. Có 6 bậc thang từ nền xung quanh lên đến nền của nhà thờ.
Lối vào chính của nhà thờ đặt tại phía Bắc, hướng về một khu chợ trời.
Phối cảnh tổng thể nhà thờ Hồi giáo Djenne, vùng Mopti, Mali
Vị trí xây dựng công trình. Phía trước là quảng trường - chợ
Mặt bằng nhà thờ, gồm hai khối: Khối đặc là nhà nguyện và khối rỗng là hành lang bao quanh sân trong
Mặt cắt ngang nhà thờ Hồi giáo Djenne, vùng Mopti, Mali
Cũng tương tự như các nhà thời Hồi giáo khác, công trình có mặt bằng gồm hai khối:
- Khối đặc là phòng cầu nguyện dài 26m, rộng 50m. Đỡ mái của phòng cầu nguyện là 9 bức tường bằng đất chạy theo hướng Bắc – Nam. Các bức tường rỗng – đặc này tạo thành 90 cột có tiết diện chữ nhật. Mái của công trình là đất trộn với cây cọ. Trong phòng cầu nguyện, các bức tường cầu nguyện đều hướng về phía Đông, về Thánh địa Mecca. Trên bức tường cầu nguyện có ba tháp giống như ba chiếc hộp nhô ra từ bức tường. Tháp trung tâm cao khoảng 16m. Tại đây có một không gian nhỏ là nơi đặt bục giảng cho các tu sỹ Hồi giáo thuyết giảng. Lời dạy của các lãnh tụ Hồi giáo còn được phát bằng hệ thống loa trong nhà thờ. Hai bên phòng cầu nguyện bố trí cầu thang lên mái nhà.
- Khối rỗng nằm kề liền phía Tây của phòng cầu nguyện, có kích thước 20mx 46m, được hình thành bởi 3 mặt hành lang tạo thành một sân trong. Hành lang phía Tây được dành riêng cho phụ nữ.
Mặt trước nhà thờ Hồi giáo Djenne là quảng trường - chợ
Mặt chính nhà thờ Hồi giáo Djenne với 3 tháp chính
Mặt bên nhà thờ Hồi giáo Djenne
Bên trong sân và lối vào chính nhà thờ Hồi giáo Djenne
Phía trên mái nhà thờ Hồi giáo Djenne
Nội thất bên trong nhà thờ - bức tường cầu nguyện
Hình ảnh sân trong nhà thờ Hồi giáo Djenne
Hành lang hẹp bao quanh sân trong, nhà thờ Hồi giáo Djenne
Toàn bộ cộng đồng dân cư Djenné có một vai trò tích cực trong việc bảo dưỡng của nhà thờ Hồi giáo thông qua một lễ hội duy nhất hàng năm. Một trong những mục tiêu của lễ hội là tu sửa nhà thờ tại những chỗ bị xói mòn do mưa và các vết rạn nứt do sự thay đổi nhiệt độ và độ ẩm.
Trong những ngày này, đàn ông leo lên các cầu thang và các mấu gỗ gắn trên các bức tường để sửa chữa và quét một lớp vữa mới bằng đất đỏ và thạch cao lên bề mặt của nhà thờ. Chính các mấu gỗ - giàn giáo (toron)
nhô ra trên các bức tường và tháp nhọn tạo cho hình thức kiến trúc của nhà thờ vô cùng độc đáo, không ở đâu có.
Nhà thờ Hồi giáo bằng đất tại Djenne, Mali là một trong những di tích tôn giáo được sùng kính nhất Châu Phi, là ví dụ tiêu biểu còn sót lại của kiến trúc Châu Phi, và là niềm tự hào của người dân thành phố Djenné và của quốc gia Mali.
Cộng đồng dân cư sửa sang nhà thờ Hồi giáo Djenne vào mùa lễ hội hàng năm
Các địa điểm khảo cổ
Di sản Phố cổ Djenné có 4 địa điểm khảo cổ: Djenné -Djeno, Hambarkétolo, Kaniana và Tonomba, trong đó địa điểm khảo cổ Djenné –Djeno được biết đến nhiều nhất.
Địa điểm khảo cổ Djenne-Djeno
Djenne-Djeno cách Djenné khoảng 3 km về phía Đông Nam.
Đây là thị trấn ban đầu của thành phố Djenné và là một trong những trung tâm đô thị lâu đời nhất phía Nam Sahara, được cho liên quan đến buôn bán đường dài và phát triển nông nghiệp lúa gạo châu Phi.
Djenne-Djeno nằm trên một vùng đất cao, tránh được các trận lụt hàng năm.
Địa điểm khảo cổ nằm trong khu vực rộng khoảng 33 ha, bao gồm 40 gò đất, trong bán kính 4km. Các cuộc khảo sát đã được thực hiện tại đây từ năm 1977 đến 1981, với 11 địa điểm.
Các kết quả khai quật cho thấy, thị trấn tồn tại từ năm 250 trước Công nguyên đến năm 1400.
Lịch sử của thị trấn có thể phân thành 4 giai đoạn:
- Giai đoạn đầu, đến năm 100 sau Công nguyên, bao gồm một khu vực rộng 25ha với các bằng chứng sớm nhất liên quan đến sản xuất sắt tại Châu Phi cận Sahara.
- Giai đoạn 2, đến năm 250 – 300 sau Công nguyên. Trong giai đoạn này, người dân sống bằng nghề đánh cá, thuần hóa linh dương và bò. Các cư dân dường như đã sống trong những túp lều đơn giản. Tại đây phát hiện nhiều đồ gốm có hoa văn, cối xay ngũ cốc và cơ sở luyện kim. Một số viên ngọc được phát hiện có lẽ đến từ vùng Địa Trung Hải.
- Giai đoạn 3, từ năm 300 – 800 sau Công nguyên, thị trấn đã mở rộng tới quy mô lớn nhất. Ngoài đồ gốm, tại đây còn phát hiện được các đồ sắt, trang sức bằng đá, đồng và vàng. Các vật liệu như đồng và vàng cho thấy khu vực đã có mối quan hệ thương mại rộng lớn. Những ngôi nhà bằng đất (adobe) được xây dựng gần nhau dọc theo các con đường hẹp. Vào thời điểm này, thị trấn được bao quanh bởi bức tường dài khoảng 3,6 km và khoảng 11 ngàn người đã sống ở đây.
- Giai đoạn 4, kéo dài đến năm 1400. Trong giai đoạn này, thị trấn giảm dần vai trò, có thể do xuất hiện của đạo Hồi, dịch bệnh và sự dịch cư đến thị trấn Djenné. Tại đây đã tìm thấy được nhiều di vật bằng đất nung với các hình chạm khắc động vật.
Djenné-Djenno nổi tiếng với những bức tượng bằng đất nung mô tả con người và động vật bao gồm cả rắn và ngựa. Đây được coi là những cổ vật được các nhà sưu tập nghệ thuật danh giá sưu tầm.
Nhân vật cưỡi ngựa bằng đất nung từ Địa điểm khảo cổ Djenné –Djeno, Mali; thế kỷ 13-15; Bảo tàng nghệ thuật quốc gia châu Phi (Washington DC, Hoa Kỳ)
Nhân vật ngồi bằng đất nung từ Địa điểm khảo cổ Djenné –Djeno, Mali; thế kỷ 13, Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, Hoa Kỳ)
Nhân vật nữ đang ngồi bằng đất nung từ Địa điểm khảo cổ Djenné –Djeno, Mali; Thế kỷ 15-18; Bảo tàng nghệ thuật Indianapolis (Hoa Kỳ)
Phố cổ Djenné, vùng Mopti, Mali với 4 địa điểm khảo cổ và khu phố cổ Djenné đã trở thành biểu tượng của thành phố châu Phi điển hình, đại diện cho kiến trúc Hồi giáo ở châu Phi cận Sahara.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/116
https://vi.wikipedia.org/wiki/Mali
https://en.wikipedia.org/wiki/Geography_of_Mali
https://en.wikipedia.org/wiki/Djenn%C3%A9
https://en.wikipedia.org/wiki/Great_Mosque_of_Djenné
http://www.nytimes.com/2012/04/19/arts/design/the-great-mosque-in-djenne-mali.html
https://de.wikipedia.org/wiki/Djenne-Djeno
https://en.wikipedia.org/wiki/Djenn%C3%A9-Djenno
https://www.khanacademy.org/humanities/ap-art-history/africa-apah/west-africa-apah/a/great-mosque-of-djenne
https://www.wikiwand.com/en/Great_Mosque_of_Djenn%C3%A9
Xem video giới thiệu công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|
Cập nhật ( 12/07/2020 )
|
Tin mới đưa:- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
- Trạm bơm hơi nước D.F. Woudagemaal, Lemmer, Hà Lan
- Khu Khảo cổ Nghệ thuật đá thời Tiền sử ở Thung lũng Côa (Bồ Đào Nha) và Siega Verde (Tây Ban Nha)
- Nhà hát Catalana và Bệnh viện Sant Pau, Barcelona, Tây Ban Nha
- Hệ thống cối xay gió ở Kinderdijk – Elshout, Hà Lan
Tin đã đưa:- Lăng Taj Mahal, Agra, Uttar Pradesh, Ấn Độ
- Khu bảo tồn lịch sử Inca Machu Picchu, Cusco, Peru
- Cung điện Hoàng gia Pagaruyung, Batusangkar, Tây Sumatra, Indonesia
- Đô thị cổ Vigan tại Ilocos Sur, Philippines
- Quần thể lịch sử Cung điện Potala tại Lhasa, Tây Tạng, Trung Quốc
- Nhà thờ Hồi giáo Sultan Omar Ali Saifuddin, Bandar Seri Begawan, Brunei.
- Chùa Vàng Shwedagon, Yangon, Myanmar
- Hoàng cung ở Bangkok, Thái Lan
- Thành phố lịch sử Luang Prabang, Lào
- Đô thị cổ M'Zab Valley, Algeria
- Trung tâm lịch sử Berat và Gjirokastra, Albania
- Nhà thờ Hồi giáo Hazrat Ali, Mazari Sharif, Afghanistan
- Đền vua Đinh, vua Lê tại cố đô Hoa Lư, Ninh Bình, Việt Nam
- Cửu Đỉnh của nhà Nguyễn, Huế
- Đình, đền Việt Nam
|