Thông tin chung:
Công trình: Vạn Lý Trường Thành (Great Wall of China)
Địa điểm: Liêu Ninh, Cát Lâm, Hà Bắc, Bắc Kinh, Thiên Tân, Sơn Tây, Nội Mông, Thiểm Tây, Ninh Hạ, Cam Túc, Tân Cương, Sơn Đông, Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, Tứ Xuyên, Thanh Hải, Trung Quốc (N40 25 0,012 E116 4 59.988)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích di sản 2.151,55 ha; Diện tích vùng đệm 4.800,8 ha
Năm hình thành: Thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ 17
Giá trị: Di sản thế giới (năm 1987; hạng mục i, ii, iii, iv, vi)
Trung Quốc (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) nằm tại Đông Á, là quốc gia đông dân nhất thế giới với khoảng 1,403 tỷ người (năm 2016). Trung Quốc có diện tích 9596961km2, là quốc gia có tổng diện tích lớn hàng đầu thế giới; Ngôn ngữ chính thức là tiếng Hán. Trung Quốc phân thành 22 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 đô thị trực thuộc và 2 khu hành chính đặc biệt là Hồng Kông và Ma Cao.
Lịch sử Trung Quốc bắt nguồn từ một trong những nền văn minh cổ nhất thế giới, phát triển tại lưu vực sông Hoàng Hà, bình nguyên Hoa Bắc. Trải qua hơn 5.000 năm, Trung Hoa đã trở thành nền văn minh rực rỡ nhất thế giới trong thời Cổ đại và Trung cổ, được đặc trưng bởi hệ thống triết học thâm sâu (nổi bật nhất là Nho giáo, Đạo giáo và thuyết Âm dương ngũ hành); các thành tựu khoa học kỹ thuật (phát minh ra giấy, la bàn, thuốc súng, địa chấn kế, kỹ thuật in ấn...); hoạt động giao thương xuyên châu Á với nhiều quốc gia (Con đường tơ lụa); những đô thị có quy mô dân số và trình độ kiến trúc đứng đầu thế giới vào thời Trung cổ.
Hệ thống chính trị của Trung Quốc dựa trên các chế độ quân chủ kế tập, được gọi là các triều đại, khởi đầu là triều đại nhà Hạ.
Từ năm 221 trước Công nguyên (TCN), nhà Tần chinh phục các quốc gia khác để hình thành đế quốc Trung Hoa thống nhất.
Triều đại nhà Hán cai trị Trung Quốc từ năm 206 TCN đến năm 220 sau Công nguyên.
Triều đại nhà Đường cai trị từ năm 618–907.
Triều đại nhà Tống cai trị từ năm 960–1279.
Vào thế kỷ thứ 13, Trung Quốc bị Đế quốc Mông Cổ chinh phục. Năm 1271, Đại hãn người Mông Cổ thiết lập triều đại nhà Nguyên.
Triều đại nhà Minh cai trị Trung Quốc từ năm 1368–1644.
Triều đại nhà Thanh do người Mãn Châu thành lập cai trị Trung Quốc từ năm 1636–1912.
Trung Hoa Dân Quốc lật đổ nhà Thanh, triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc vào năm 1912 và cầm quyền tại Trung Quốc đại lục cho đến năm 1949. Sau khi Đế quốc Nhật Bản bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Trung Quốc chia thành hai: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) có thủ đô là Bắc Kinh và Trung Hoa Dân quốc tại đảo Đài Loan với thủ đô là Đài Bắc.
Bản đồ Trung Quốc
Sơ đồ các tuyến Trường Thành theo thời gian xây dựng
Ảnh chụp Vạn Lý Trường Thành năm 1907
Vạn Lý Trường Thành dự án phòng thủ quân sự vĩ đại của các đế chế Trung Quốc kế tiếp nhau từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ 17 sau Công nguyên để bảo vệ quốc gia này chống lại cuộc tấn công của các bộ tộc và quốc gia láng giềng phương Bắc.
Vạn Lý Trường Thành bắt đầu từ điểm phía Đông tại Sơn Hải Quan, tỉnh Hà Bắc giáp biển Bột Hải, kéo dài qua 9 tỉnh, 100 huyện và kết thúc tại điểm cuối phía Tây ở Gia Dục Quan, tỉnh Cam Túc giáp với sa mạc Gobi.
Vạn Lý Trường Thành có chiều dài đến 21196km, cao trung bình khoảng 7m so với mặt đất, mặt trên thành rộng 5-6m. Một số đoạn thành được xây dựng từ rất sớm, vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, sau đó được kiên cố hóa và nối dần lại với nhau tạo thành một tuyến thành lũy vĩ đại, to lớn.
Theo thời gian, việc xây dựng thành được phân thành 5 giai đoạn chính:
- Từ thế kỷ thứ 3 trước CN (nhà Tần, năm 221 TCN – 207TCN);
- Thế kỷ thứ 1 trước CN (nhà Hán, năm 206 TCN – 220 sau Công nguyên);
- Thê kỷ thứ 7 (nhà Tùy, năm 581 – 619);
- Thế kỷ 12 (nhà Nam Tống, năm 1138 – 1198);
- Đến thế kỷ 17 (nhà Minh, năm 1368 - 1644).
Vào giai đoạn đầu, thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, thời Tần Thủy Hoàng (hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, trị vì năm 247 – 221 TCN), những bức tường thành bằng đất nện được xây dựng. Bức tường thành này nối các đoạn thành rời rạc được xây dựng đã hàng trăm năm, tạo thành một hệ thống phòng thủ thống nhất. Kể từ đó việc xây dựng các tuyến tường thành được duy trì và tăng cường đến tận thời Minh.
Vào thời Minh, để chống lại các cuộc tấn công từ phương Bắc, Trường Thành được xây dựng kiên cố hơn với việc sử dụng gạch, đá thay đất nện, đặc biệt là tại khu vực liên quan đến Bắc Kinh. Có đến 25 ngàn tháp canh được xây dựng trên các bức tường.
Dưới thời nhà Thanh (năm 1636–1912), do biên giới Trung Quốc mở rộng ra ngoài các tuyến thành, việc xây dựng và củng cố Trường Thành đã dừng lại.
Trường Thành trước hết có vai trò phòng thủ và phân chia biên giới. Trên các bức tường thành là các lan can đá. Từ lan can, lính canh có thể quan sát vùng đất xung quanh. Trên mặt thành là tuyến đường phục vụ cho việc điều quân tiếp viện. Dọc theo Trường thành có các tháp truyền tin, công trình đồn trú, chuồng ngựa, kho vũ khí…
Ngoài ra, Trường Thành còn có vai trò như một tuyến giao thông để kiểm soát, đánh thuế hàng hóa vận chuyển theo con đường tơ lụa,..và là nơi khống chế dịch cư trong những năm sau này. Tại đây xuất hiện các pháo đài, đô thị dọc theo Trường Thành.
Để xây dựng công trình to lớn và trải dài trên mọi điều kiện địa hình này, chính quyền của các triều đại Trung Quốc phải huy động nhiều người tài, nhân công và vật liệu xây dựng cũng như đặt ra các chính sách hết sức hà khắc.
Vạn Lý Trường Thành trở thành địa điểm gắn với những lời than thở, nước mắt từ thân nhân của hàng vạn người đã chết khi xây dựng thành. Trong đó có truyền thuyết về nỗi đau khổ tột cùng của nàng Mạnh Khương, khi đi tìm xác chồng chết tại Trường Thành.
Hình vẽ minh họa cấu trúc xây dựng tường thành và tháp canh, Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc
Hình vẽ minh họa tổ chức xây dựng Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc
Một số hình ảnh Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc
Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới với tiêu chí:
Tiêu chí (i) : Vạn lý trường thành của nhà Minh, không chỉ thể hiện ý chí thực hiện một công việc to lớn, mà còn là sự hoàn hảo trong việc xây dựng, một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người. Đây là công trình duy nhất được xây dựng bởi con người trên hành tinh này có thể nhìn thấy từ mặt trăng. Bức tường thành có quy mô rộng lớn của một lục địa, là một ví dụ hoàn hảo về việc tích hợp kiến trúc vào cảnh quan.
Tiêu chí (ii): Ngay từ thời kỳ Xuân Thu (Chunqiu, năm 771- 476 TCN, giai đoạn trước nhà Tần), người Trung Quốc đã áp đặt các mô hình xây dựng và tổ chức không gian của các công trình quốc phòng dọc biên giới phía Bắc. Sự giao lưu văn hóa Trung Hoa (Sinicism) thể hiện trước hết thông qua sự di dân dọc theo Vạn Lý Trường Thành.
Tiêu chí (iii): Vạn Lý Trường Thành là bằng chứng độc đáo về các nền văn minh cổ đại của Trung Quốc, được minh họa bằng các phần công sự trên mặt đất, có niên đại từ thời Tây Hán (năm 206 TCN – 9 sau Công nguyên) được bảo tồn ở tỉnh Cam Túc, cũng như các công trình xây dựng được ngưỡng mộ và quan tâm trên toàn thế giới vào thời Minh (năm 1368–1644).
Tiêu chí (iv): Di sản văn hóa phức tạp và bền vững theo thời gian này là một ví dụ nổi bật và độc đáo về một quần thể kiến trúc quân sự phục vụ một mục đích chiến lược duy nhất trong 2000 năm; lịch sử xây dựng công trình là minh họa cho những tiến bộ trong kỹ thuật quốc phòng và sự thích ứng với thay đổi của các bổi cảnh chính trị.
Tiêu chí (vi): Vạn Lý Trường Thành có một ý nghĩa biểu tượng không thể so sánh trong lịch sử Trung Quốc. Mục đích của nó là bảo vệ Trung Quốc khỏi sự xâm lược từ bên ngoài, nhưng cũng là để bảo tồn văn hóa của họ khỏi phong tục khác biệt đến từ quốc gia bên ngoài. Tên của công trình cũng mang ý nghĩa của việc lao khổ; trở thành đề tài của những truyền thuyết, thơ và tiểu thuyết trong văn học Trung Quốc.
Vạn Lý Trường Thành kéo dài qua nhiều địa danh, song Di sản Vạn Lý Trường Thành chỉ tập trung tại 3 địa điểm, được tổng hợp trong bảng sau:
Mã
|
Tên vị trí
|
Tọa độ
|
Diện tích Di sản
|
Diện tích vùng đệm
|
438-001
|
Bát Đại Lĩnh
(Badaling)
|
N40 21 0.00
E116 1 0.00
|
573,59 ha
|
805,58 ha
|
438-002
|
Sơn Hải Quan (Shanhaiguan)
|
N39 58 3.673
E119 47 33.223
|
255,36 ha
|
675,32 ha
|
438-003
|
Gia Dục Quan
(Jiayuguan)
|
N39 48 0.00
E98 13 30.00
|
1.322,6 ha
|
3.319,9 ha
|
Vạn Lý Trường Thành tại Khu vực Bát Đại Lĩnh
Vạn Lý Trường Thành tại Khu vực Bát Đại Lĩnh (Great Wall of Badaling) nằm cách 80km về phía Tây Bắc quận Yanqing, thành phố Bắc Kinh.
Khu vực Di sản Bát Đại Lĩnh có diện tích khoảng 573,59 ha, bao gồm đoạn Trường Thành với 36 tháp canh (Watch Tower), 1 Lâu đài (Pass Castle) và 2 tháp báo hiệu (Beacon Tower) chạy dọc Trường Thành.
Đoạn Trường Thành trong Khu vực di sản được xây dựng vào năm 1504 dưới thời nhà Minh. Điểm cao nhất của Trường Thành tại đây là Beibalou, cao khoảng 1.015m so với mực nước biển.
Một phần của Trường Thành tại Bát Đại Lĩnh được phục hồi vào năm 1957 và là phần đầu tiên được mở cửa cho khách du lịch, trở thành địa điểm được du khách đến thăm nhiều nhất tại Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc.
Phạm vi Khu vực Di sản Bát Đại Lĩnh, Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc
Một đoạn Trường Thành tại Bát Đại Lĩnh, Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc
Khu vực Di sản Bát Đại Lĩnh, Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc, là nơi thu hút du khách
Vạn Lý Trường Thành tại Khu vực Sơn Hải Quan
Vạn Lý Trường Thành tại Khu vực Sơn Hải Quan (Shanhaiguan) nằm trên đèo Sơn Hải (Shanhai Pass). Đây là một con đèo lớn nằm tại huyện Sơn Hải Quan (Shanhaiguan), khu Tần Hoàng Đảo (Qinhuangdao), tỉnh Hà Bắc; là điểm cuối phía Đông của Vạn Lý Trường Thành, nơi Trường Thành tiếp giáp với biển Bột Hải.
Khu vực Di sản Sơn Hải Quan có diện tích 255,36 ha, bao gồm đoạn Trường Thành bắt đầu từ đèo Nahaikou (Nahaikou Pass) với di tích Laolongtou (Lão Long Đầu) và thành cổ Ninhhaicheng (Ninhhaicheng City) tại phía Nam, trên bờ biển Bột Hải, qua thành cổ Nanyicheng (Nanyicheng City), Shanhanguan (Shanhanguan City), Donglnocheng (Donglnocheng City), Beiyichen (Beiyichen City) lên đến điểm cuối tại phía Bắc là đèo Hanmen (Hanmen Pass) và đỉnh núi Jiaaoshan (Mount Jiaaoshan).
Xuyên suốt lịch sử Trung Quốc, Sơn Hải Quan đóng vai trò là là tiền đồn phòng thủ tiền tuyến chống lại các nhóm sắc tộc từ Mãn Châu, Đông Bắc Trung Quốc và kiểm soát đường thông thương giữa vùng Đông Bắc và nội địa phía Đông Trung Quốc.
Các triều đại nhà Tùy, nhà Đường đều xây dựng thành lũy tại đây. Vào năm 785, một đơn vị đồn trú được thành lập, tiếp đó là các đồn trú khác được hình thành dọc theo Trường Thành.
Đến thời nhà Minh, Trường Thành được xây dựng như hình hài hiện nay với một hệ thống pháo đài và các đô thị quân sự xung quanh, tạo cho nơi đây trở thành một khu vực thành lũy vững chắc nhất ở Trung Quốc. Đây cũng là những đoạn Trường Thành được bảo tồn tốt nhất.
Trong khu vực Sơn Hải Quan có thành Sơn Hải Quan (Shanhanguan City) là nổi bật.
Thành Sơn Hải Quan được xây dựng trên mặt bằng hình vuông, chu vi khoảng 4km với các bức tường thành bao quanh. Các bức tường thành đạt đến chiều cao 14m, dày 7m. Phía Đông, Nam và Bắc được bao quanh bởi một con hào sâu. Giữa thành là một tháp chuông cao. Tất cả 4 phía của thành Sơn Hai đều có cổng: Cổng Zhendong tại phía Đông, cổng Yingen ở phía Tây, cổng Wangyang ở phía Nam và cổng Weiyuan ở phía Bắc.
Trước cổng phía Đông có một bức hoành phi với dòng chữ "Thiên hạ đệ nhất quan" ( First Pass Under Heaven) dài 5,9m, rộng 1,6m.
Sơn Hải Quan cũng là địa danh gắn với truyền thuyết về trận chiến Sơn Hải Quan vào cuối thời nhà Minh, mở ra thời kỳ nhà Mãn Châu (nhà Thanh) thiết lập quyền cai trị trên toàn cõi Trung Quốc.
Phạm vi Khu vực Di sản Sơn Hải Quan, Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc
Sơn Hải Quan qua tranh vẽ thời Minh
Điểm cực Đông của Trường Thành nằm tại Sơn Hải Quan, giáp bờ biển Bột Hải, có tên là "Lão Long Đầu".
Trường Thành nằm tại Sơn Hải Quan, Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc
Sơ đồ thành Sơn Hải Quan, Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc
Tấm biển "Thiên hạ đệ nhất quan" trên cổng phía Đông thành Sơn Hải Quan, Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc
Cổng phía Tây thành Sơn Hải Quan, Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc
Vạn Lý Trường Thành tại Khu vực Gia Dục Quan
Vạn Lý Trường Thành tại Khu vực Gia Dục Quan (Great Wall of Jiayuguan) nằm tại điểm hẹp nhất giữa hai ngọn đèo, một trong số đó được gọi là đèo Gia Dục Quan, là điểm cuối phía Tây của Trường Thành, trên địa bàn khu Gia Dục Quan, tỉnh Cam Túc.
Khu vực Di sản Gia Dục Quan có diện tích khoảng 1.322,6 ha, bao gồm đoạn Trường Thành bắt đầu từ tháp Taolaihe Beacon (Taolaihe Beacon Tower) tại phía Nam, kéo dài qua đoạn Trường Thành được xây dựng dưới thời nhà Minh, tiếp đó là đoạn Trường Thành của thành Gia Dục Quan và kết thúc tại Overhanging (Overhanging Great Wall) ở phía Bắc. Gia Dục Quan được xây dựng vào năm 1372.
Nổi bật tại Khu vực Gia Dục Quan là thành Gia Dục Quan.
Thành Gia Dục Quan có mặt bằng hình thang với chu vi 733m, tổng chiều dài tường thành là 733m, cao 11m.
Thành Gia Dục Quan có 2 cổng tại phía Đông và Tây, một tháp canh tại góc cửa ải và 3 tuyến phòng thủ: thành nội, thành ngoại và các hào nước.
Thành được xây dựng để tiếp đón và kiểm soát thương gia và du khách dọc theo Con đường tơ lụa (Silk Route). Đây cũng là một địa danh gắn với việc chính quyền trục xuất người ra khỏi Trung Quốc tại phía Tây về phía sa mạc Gobi.
Phạm vi Khu vực Di sản Gia Dục Quan, Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc
Điểm mốc kết thúc Trường Thành tại phía Tây ở Gia Dục Quan, giáp với sa mạc Gobi
Tàn tích các đoạn Trường Thành bằng đất tại Gia Dục Quan, Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc
Trường Thành bằng gạch và đá tại đèo Gia Dục Quan, Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc
Sơ đồ mặt bằng thành Gia Dục Quan, Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc
Phối cảnh tổng thể thành Gia Dục Quan, Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc
Cổng thành Gia Dục Quan, Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc
Một góc thành Gia Dục Quan; tường phía dưới là đất nện, phần trên là gạch bùn
Di sản Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc như là một minh chứng phản ánh sự xung đột và giao lưu giữa các nền văn minh nông nghiệp và nền văn minh du mục ở Trung Quốc; là bằng chứng vật lý quan trọng thể hiện tư duy chiến lược về tầm nhìn chính trị, tổ chức phòng thủ quân sự và xây dựng một quốc gia hùng mạnh của các đế chế tập quyền Trung Quốc; là một ví dụ nổi bật về kiến trúc, công nghệ và nghệ thuật quân sự tuyệt vời của Trung Quốc thời cổ đại.
Di sản Vạn Lý Trường Thành là một trong những biểu tượng quốc gia của người dân Trung Quốc.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/438
https://en.wikipedia.org/wiki/Great_Wall_of_China
https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_the_Great_Wall_of_China
https://en.wikipedia.org/wiki/Badaling
https://en.wikipedia.org/wiki/Shanhai_Pass
https://en.wikipedia.org/wiki/Jiayu_Pass
https://en.wikipedia.org/wiki/Jiayuguan_City
https://www.chinadiscovery.com/gansu/jiayuguan-pass.html
Xem video giới thiệu công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|