
Thông tin chung:
Công trình: Cố đô Memphis và Quần thể Kim tự tháp từ Giza đến Dahshur, Ai Cập
(Memphis and its Necropolis – the Pyramid Fields from Giza to Dahshur)
Địa điểm: Giza Governorate, Cairo, Egypt (N29 58 33.744 E31 7 49.476)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 16.358,52 ha
Năm xây dựng:
Giá trị: Di sản thế giới (1979; hạng mục i, iii, v)
Ai Cập (Egypt ) là một quốc gia nằm bên bờ Địa Trung Hải, phía Đông Bắc là dải Gaza và Israel, phía Đông là vịnh Aqaba (Gulf of Aqaba), phía Đông Nam là Biển Đỏ (Red Sea), phía Nam là Sudan, phía Tây là Libya.
Ai Cập có diện tích 1.010.408 km2, dân số khoảng 94,6 triệu người (năm 2017). Thủ đô và thành phố lớn nhất là Cairo. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Ả Rập.
Ai Cập được biết đến trên toàn thế giới từ thiên niên kỷ thứ 10 trước Công nguyên (BC/TCN), được coi là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại. Tại đây đã có sự phát triển từ rất sớm của văn chương, nông nghiệp, đô thị, tôn giáo có tổ chức và chính quyền trung ương. Những công trình Quần thể Kim tự tháp Giza (Necropolis Giza) và tượng Nhân sư vĩ đại (Great Sphinx), cũng như những tàn tích của các thành phố Ai Cập Cổ đại Memphis và Thebes luôn thu hút sự quan tâm của giới khoa học và phổ biến toàn cầu.
Di sản văn hóa lâu đời của Ai Cập là một phần không thể tách rời của bản sắc dân tộc, đã tồn tại và hòa nhập với các ảnh hưởng từ bên ngoài, gồm Hy Lạp, Ba Tư, La Mã, Ả Rập, Ottoman và Châu Âu.
Ai Cập là một trong những trung tâm đầu tiên của Kitô giáo, nhưng phần lớn đã được Hồi giáo hóa vào thế kỷ thứ bảy và nay là một quốc gia với tôn giáo chính là Hồi giáo.
Ai Cập được hình thành từ sự thống nhất Thượng và Hạ Ai Cập vào năm 3150 TCN. Từ đây mở ra một loạt các triều đại của giai đoạn Ai Cập Cổ đại (Ancient Egypt) trong ba thiên niên kỷ tiếp theo. Văn hóa Ai Cập phát triển rực rỡ trong thời gian dài này và duy trì được thống nhất trong tôn giáo, nghệ thuật, ngôn ngữ và phong tục.
Vào năm 2700 – 2200 TCN, các triều đại Ai Cập Cổ đại đã xây dựng rất nhiều kim tự tháp, trong đó đáng chú ý nhất là Kim tự tháp Djoser (Pyramid of Djoser, là một kim tự tháp đầu tiên của Ai Cập, dạng bậc được xây dựng vào năm 2700 TCN) và Quần thể Kim tự tháp Giza (Giza pyramid complex, gồm 3 kim tự tháp và tượng Nhân sư, được xây dựng vào năm 2560- 2540 TCN).
Các triều đại Ai Cập Cổ đại kéo dài đến Vương triều thứ 30.
Năm 332 trước Công nguyên, Alexander Đại đế, vua của Macedon xâm chiếm Ai Cập. Từ đây hình thành triều đại cuối cùng của Ai Cập Cổ đại, triều đại Ptolemaic (năm 332 –30 TCN), một Đế chế Hy Lạp - Ai Cập (Macedonian and Ptolemaic Egypt) hùng mạnh, cai trị một vùng rộng lớn với thành phố thủ đô là Alexandria.
Vào thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên, Ai Cập bị Đế quốc Byzantine chinh phục, tiếp đó là Đế quốc Hồi giáo của người Hồi giáo Ả Rập. Người Ả Rập đã đưa Hồi giáo đến đất nước này. Người Ai Cập bắt đầu tiếp nhận đức tin mới kết hợp với đức tin bản địa. Một số người theo Kito giáo trước đó chuyển đổi dần sang Hồi giáo. Năm 1517, Ai Cập bị bị Đế chế Ottoman chiếm đoạt, sau đó trở thành một tỉnh của Vương quốc Ottoman.
Người Pháp xâm nhập vào khu vực này từ năm 1798. Trong thời gian này, kênh đào Suez được xây dựng với sự hợp tác của người Pháp, hoàn thành vào năm 1869.
Năm 1914, Ai Cập thuộc sự bảo hộ của Đế quốc Anh.
Ngày 28/2/1922, Ai Cập tuyên bố độc lập từ Vương quốc Anh.
Ai Cập ngày nay được chia thành 27 tiểu bang, mỗi bang có một thành phố thủ phủ, cùng tên với bang.
Bảng phân chia các giai đoạn lịch sử của Ai Cập:
Giai đoạn
|
Thời gian
|
Ai Cập Cổ đại (Ancient Egypt)
|
|
Vương quốc thời kỳ đầu (Early Dynastic Period)
|
3150–2686 BC (trước Công nguyên)
|
Vương quốc cổ (Old Kingdom)
|
2686–2181 BC
|
Giai đoạn trung gian 1 (1st Intermediate Period)
|
2181–2055 BC
|
Vương quốc giai đoạn giữa Middle Kingdom
|
2055–1650 BC
|
Giai đoạn trung gian 2 (2nd Intermediate Period)
|
1650–1550 BC
|
Vương quốc giai đoạn mới (New Kingdom)
|
1550–1069 BC
|
Giai đoạn trung gian 3 (3rd Intermediate Period)
|
1069–664 BC
|
Giai đoạn cuối (Late Period)
|
664–332 BC
|
Thời kỳ Cổ điển (Classical antiquity)
|
|
Macedonian and Ptolemaic Egypt
|
332–30 BC
|
Roman and Byzantine Egypt
|
30 BC–641 AD (sau Công nguyên)
|
Sasanian Egypt
|
619–629
|
Thời kỳ Trung đại (Middle Ages)
|
|
Islamic Egypt
|
641–969
|
Fatimid Egypt
|
969–1171
|
Ayyubid Egypt
|
1171–1250
|
Mamluk Egypt
|
1250–1517
|
Thời kỳ Cận đại (Early modern)
|
|
Ottoman Egypt
|
1517–1867
|
Thuộc địa Pháp (French occupation)
|
1798–1801
|
Egypt under Muhammad Ali
|
1805–1882
|
Khedivate of Egypt
|
1867–1914
|
Thời kỳ Ai Cập hiện đại (Modern Egypt)
|
|
Thuộc địa Anh (British occupation)
|
1882–1922
|
Sultanate of Egypt
|
1914–1922
|
Kingdom of Egypt
|
1922–1953
|
Nước cộng hòa (Republic)
|
1953 - nay
|
Tiểu bang Giza (Giza Governorate), nằm ở trung tâm của Ai Cập, tại bờ phía Tây của sông Nile đối diện với thủ đô Cairo. Thủ phủ của tiểu bang là thành phố Giza (al-Jīzah).
Thành phố Giza/ al-Jīzah là thành phố lớn thứ ba Ai Cập, nằm cách Cairo 4,9 km về phía Tây Nam và là một thành phố cốt lõi của vùng đô thị Cairo (Greater Cairo).
Thành phố Giza luôn là tâm điểm trong lịch sử Ai Cập do vị trí của nó gần Memphis, kinh đô cổ xưa của nhà nước Ai Cập thống nhất đầu tiên - Vương quốc thời kỳ đầu (Early Dynastic Period, kéo dài từ năm 3150–2686 TCN).
Memphis nằm ở trung tâm của vùng đồng bằng ngập lụt (floodplain) ở phía Tây sông Nile. Đây là nơi có vị trí thuận lợi về giao thương giữa Thượng và Hạ Ai Cập.
Memphis được thành lập vào những năm 3000 trước Công nguyên, là thủ đô hành chính thời Vương quốc cổ (Old Kingdom, thời kỳ 2686–2181 TCN) và có vai quan trọng trong thời kỳ Vương quốc Giai đoạn trung gian, Giai đoạn giữa và Giai đoạn mới, kéo dài đến những năm 1550–1069 TCN, cùng với các thành phố Itjtawy và Thebes.
Vào thời kỳ Giai đoạn cuối (Late Period 664–332 BC) và thời kỳ Macedonian và Ptolemaic Egypt (664–332 TCN), thành phố này có vai trò nổi bật như thành phố Alexandria cho đến khi bị lu mờ bởi sự xuất hiện của thành phố Fustat (một phần của Cairo ngày nay), thủ đô của Ai Cập dưới thời Hồi giáo (Islamic Egypt, năm 641–969).
Cố đô Memphis luôn được coi là địa điểm linh thiêng của các vị thần.
Khu vực này chứa nhiều di tích khảo cổ, phản ánh cuộc sống ở kinh đô Ai Cập cổ đại, bao gồm các đền thờ, trong đó quan trọng nhất là đền thờ Ptah (Temple of Ptah) ở Mit Rahina. Ptah là vị thần bản địa của Memphis, vị thần sáng tạo và là người bảo trợ cho nghề thủ công. Là trụ sở của quyền lực hoàng gia trong hơn 8 triều đại, thành phố cổ Memphis còn lưu giữ được di tích cung điện, cũng như xưởng thủ công, bến tàu, kho vũ khí, khu dân cư bao quanh.

Bản đồ Ai Cập và vị trí của thành phố Giza/ al-Jīzah

Sơ đồ vị trí các địa điểm khảo cổ quan trọng tại khu vực Hạ Ai Cập

Hình tượng thần Hathor |

Hình tượng thần Ptah |
Tại cố đô Memphis, trải dài từ cao nguyên Giza, qua Zawyet Elarian, Abu Ghurab, Abusir, Mit Rahina và Saqqara ở phía Bắc đến tận Dahshur ở phía Nam còn lưu giữ được những ngôi mộ hoàng gia bằng đá hoành tráng và phức tạp đầu tiên trong lịch sử Ai Cập, ban đầu có hình dạng bậc (mastaba) cho đến khi đạt đến hình dạng kim tự tháp. Tại đây lưu giữ được tàn tích của hơn 38 kim tự tháp, trong đó có quần thể kim tự tháp Giza; quần thể kim tự tháp Saqqara, quần thể kim tự tháp Dahshur và tượng Nhân sư vĩ đại. Bên cạnh những sáng tạo hoành tráng này, còn có hơn 9 nghìn ngôi mộ cắt đá, tồn tại từ Vương triều thứ 1 đến Vương triều thứ 30 thời Ai Cập cổ đại và kéo dài đến thời kỳ Roman và Byzantine Egypt (năm 30 trước CN đến năm 641 sau Công nguyên).
Cố đô Memphis còn lưu giữ dấu tích của nhiều ngôi đền và khu định cư quy mô nhỏ, là vô giá để hiểu cuộc sống của người Ai Cập cổ đại trong khu vực này.
Quần thể kim tự tháp Giza, Ai Cập được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1979) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Đô thị cổ Memphis là một trong những di tích quan trọng nhất của thế giới và là kỳ quan duy nhất còn sót lại của thế giới cổ đại, cụ thể là quần thể kim tự tháp Giza vĩ đại.
Kiến trúc của quần thể kim tự tháp Giza là tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người và tiếp tục được các nhà khoa học nghiên cứu về cách thức xây dựng. Quần thể kim tự tháp Saqqara cũng là một kiệt tác kiến trúc với kim tự tháp đá hoành tráng đầu tiên từng được xây dựng (Kim tự tháp Djoser). Bức tượng vĩ đại của Rameses II tại Mit Rahina và quần thể kim tự tháp Dahshur cũng là những công trình kiến trúc nổi bật.
Tiêu chí (iii): Các công trình kiến trúc và di tích khảo cổ liên quan tại Memphis, bao gồm: các thị trấn cổ tại Saqqara, bắt nguồn từ sự hình thành của nền văn minh Ai Cập cổ đại (Pharaonic civilization); kim tự tháp dạng bậc Djoser, kim tự tháp cổ và lăng mộ phản ánh sự phát triển của các nghi lễ và các di tích cư trú...là bằng chứng đặc biệt cho sức mạnh và tổ chức của cố đô Ai Cập.
Tiêu chí (vi): Với niềm tin tôn giáo liên quan đến Thần Ptah (một vị thần Ai Cập cổ đại, thần sáng tạo và bảo trợ cho nghề thủ công), cũng như với những ý tưởng, các tác phẩm nghệ thuật và công nghệ xuất sắc, Memphis là một trong những kinh đô nổi bật và nền văn minh lâu đời của hành tinh này.
Di sản Cố đô Memphis và Quần thể Kim tự tháp từ Giza đến Dahshur, Ai Cập được phân thành 2 khu vực:
Ký hiệu
|
Tên và địa điểm
|
Tọa độ
|
Phạm vi Di sản
|
Vùng đệm
|
86-001
|
Tàn tích Cố đô Memphis (Site of Memphis), Ai Cập
|
N29 51 19.8
E31 15 39.8
|
155,16 ha
|
-
|
86-002
|
Quần thể Kim tự tháp từ Giza đến Dahshur (Pyramid fields from Giza to Dahshur), Ai Cập
|
N29 58 33.744
E31 7 49.476
|
16.203,36 ha
|
-
|
Tàn tích Cố đô Memphis
Cố đô Memphis nằm gần thị trấn Mit Rahina, cách thành phố Giza 20 km về phía Nam.
Theo truyền thuyết, thành phố được thành lập bởi pharaoh Menes (vị vua sáng lập triều đại đầu tiên của Vương triều thứ nhất thời Ai Cập cổ đại, trị vì trong giai đoạn 3200 – 3000 trước Công nguyên).
Memphis là kinh đô của Ai Cập cổ đại trong thời kỳ Vương quốc cổ (Old Kingdom) và luôn là một thành phố quan trọng trong suốt lịch sử Ai Cập cổ đại.

Phạm vi Di sản tàn tích đô thị cổ Memphis (Site of Memphis), Ai Cập (khu vực ký hiệu 86-001)

Sơ đồ vị trí tàn tích đô thị cổ Memphis, Ai Cập
Phạm vi Di sản khu vưc Tàn tích Cố đô Memphis có diện tích 155,16 ha. Khu vực này chia thành phân khu phía Bắc (Northern Precinct) và phân khu phía Nam – Khu vực linh thiêng của đền thờ Ptah (Sacred Precinct of the Temple of Ptah).
Công trình chính trong phân khu phía Bắc của đô thị cổ (Northern Precinct) gồm nhiều hạng mục, trong đó nổi bật là cung điện Apries.
Cung điện Apries
Cung điện Apries (Palace of Apries) là một cung điện hoàng gia được xây dựng bởi Apries (pharaon thứ 4 của Vương triều thứ 26 thời Ai Cập cổ đại, trị vì trong giai đoạn 589-570 TCN). Cung điện nằm trên một bệ cao khoảng 13m so với xung quanh, được xây dựng bằng gạch bùn. Một phần của các bức tường được phủ bằng các phiến đá vội. Trong cung điện có một phòng lớn, được cho là không gian đặt ngai vàng, trang trí bằng cột đá vôi. Cung điện hiện nay chỉ còn tàn tích.

Sơ đồ tàn tích mặt bằng cung điện Apries tại cố đô Memphis, Ai Cập


Tàn tích cung điện Apries tại cố đô Memphis, Ai Cập
Các công trình chính trong phân khu phía Nam của đô thị cổ hay khu vực linh thiêng của đền thờ Ptah (Sacred Precinct of the Temple of Ptah) gồm nhiều hạng mục công trình, trong đó có một số công trình chính sau:
Đền lớn thờ thần Ptah
Đền lớn thờ thần Ptah (Great Temple of Ptah/ Hout-ka-Ptah), vị thần Sáng tạo và là người bảo trợ cho nghề thủ công. Đây là một ngôi đền lớn nhất và quan trọng nhất tai Cố đô Memphis, là một trong những cấu trúc nổi bật nhất và chiếm một khu vực rộng lớn trong trung tâm thành phố cổ.
Đền là một trong ba nơi thờ cúng quan trọng nhất thời Ai Cập cổ đại, những nơi khác là ngôi đền lớn thờ thần Ra ở Heliopolis và thờ thần Amun ở Thebes.
Các nghiên cứu khảo cổ cho thấy tàn tích tường bao quanh gắn với một số cổng vào hoành tráng dọc theo các bức tường phía Nam, Tây và Đông.
Tại phía Tây Nam của đền lớn thờ thần Ptah còn lưu lại tàn tích của một tòa nhà ướp xác (Embalming House).
Tại phía Nam của Đền lớn thờ thần Ptah, vào thế kỷ 19, người ta đã phát hiện tượng nhân sư lớn (Albaster Sphinx). Công trình được thực hiện vào thời Amenhotep II (pharaon thứ 7 của Vương triều thứ 18 thời Ai Cập cổ đại, trị vì trong giai đoạn 1427/1428 TCN – 1401/1397 TCN) hoặc Thutmose IV (pharaon thứ 8 của Vương triều thứ 18 thời Ai Cập cổ đại, trị vì trong giai đoạn 1401/1397 TCN – 1391/1388 TCN). Đây là một trong những ví dụ tốt nhất về loại tượng này vẫn còn hiện diện trên trang địa điểm gốc của nó.
Vào năm 1820, tại bên ngoài cổng phía Nam của đền lớn thờ thần Ptah, đã phát hiện một bức tượng khổng lồ Rameses II (pharaon thứ 3 của Vương triều thứ 19 thời Ai Cập cổ đại, trị vì trong giai đoạn 1279 TCN - 1213 TCN). Bức tượng (Colossal statue of Rameses II) được chạm khắc từ đá vôi và có chiều dài khoảng 10m. Bức tượng đặt nằm do chân và bệ tượng bị gãy. Hiện người ta dựng một tòa nhà che bức tượng, xung quanh có lối đi cho khách chiêm ngưỡng.

Bức tranh miêu tả cổng vào phía Tây đền lớn thờ thần Ptah tại cố đô Memphis, Ai Cập

Tàn tích đền lớn thờ thần Ptah tại cố đô Memphis, Ai Cập

Tàn tích của một tòa nhà ướp xác tại phía Tây Nam của đền lớn thờ thần Ptah, cố đô Memphis, Ai Cập

Bức tượng Rameses II tại vị trí khai quật, được trưng bày trong bảo tàng mở, cổng phía Nam đền lớn thờ thần Ptah, cố đô Memphis, Ai Cập

Tượng Nhân sư phát hiện tại phía Nam đền lớn thờ thần Ptah, tại cố đô Memphis, Ai Cập

Cột tượng tại khu vực Di sản đền lớn thờ thần Ptah, tại cố đô Memphis, Ai Cập
Đền thờ thần Hathor
Đền thờ thần Hathor (Temple of Hathor) được xây dựng dưới triều đại Rameses II (pharaon thứ 3 của Vương triều thứ 19 thời Ai Cập cổ đại, trị vì trong giai đoạn 1279 TCN - 1213 TCN). Công trình được phát hiện vào năm 1971.
Công trình nằm tại phía Đông, sát bức tường bao quanh đền lớn thờ thần Ptah. Đền thờ nữ thần bầu trời Hathor. Đây là một ngôi đền thờ duy nhất dành cho nữ thần được khám phá tại cố đô Memphis. Công trình hiện chỉ còn tàn tích.

Tàn tích đền thờ thần Hathor tại cố đô Memphis, Ai Cập
Đền nhỏ thờ thần Ptah
Đền thờ thần Ptah (Temple of Ptah/ Temple of Ptah of Rameses) nằm tại góc phía Đông Nam của đền thờ lớn thờ Ptah. Đây là đền thờ dành riêng cho Rameses II cùng với ba vị thần Horus, Ptah và Amun.
Tàn tích được phát hiện vào năm 1942 và được khai quật vào năm 1955.
Các cuộc khai quật đã phát hiện ra một tòa nhà tôn giáo hoàn chỉnh với một tòa tháp, một sân để phục vụ nghi lễ, một cổng với các cột, tiếp sau là một hội trường với những hàng cột 3 phía. Tất cả được bao bọc trong những bức tường được xây bằng gạch bùn. Trang trí mặt ngoài của đền có từ thời Vương quốc Giai đoạn mới (New Kingdom (1550–1069 TCN).

Tàn tích đền nhỏ thờ thần Ptah tại cố đô Memphis, Ai Cập
Cung điện Merneptah
Cung điện Merneptah (Palace of Merneptah) nằm tại phía Đông Nam đền lớn thờ thần Ptah.
Công trình do Merneptah (pharaoh thứ 4 của Vương triều thứ 19 thời Ai Cập cổ đại) xây dựng nhằm vinh danh vị thần Ptah và cũng là nơi làm việc và cư trú của hoàng gia.
Cung điện Merneptah được xây dựng bằng gạch bùn.
Công trình được khai quật vào đầu thế kỷ 20 và mới khám phá được một phần.

Sơ đồ mặt bằng cung điện Merneptah tại cố đô Memphis, Ai Cập

Bản vẽ phục dựng lại phòng ngai vàng (Throne Room) tại cung điện Merenptah (năm 1930)

Hình ảnh phục dựng lại cung điện Merneptah tại cố đô Memphis, Ai Cập
Ngoài ra, trong trong phân khu phía Nam của đô thị cổ hay khu vực linh thiêng của đền thờ Ptah (Sacred Precinct of the Temple of Ptah) còn có rất nhiều bức tượng và các yếu tố kiến trúc khác như tàn tích Com el Fakhri, Com el Rabia, Com el Nawa, Com el Arbain, Com el Qala...
Phần lớn các cổ vật được phát hiện tại đây đã được chuyển đến các bảo tàng lớn trên thế giới và Bảo tàng Ai Cập tại Cairo (Egyptian Museum in Cairo). Các di tích còn lại được bảo tồn tại đây như một bảo tàng mở (Open Air Museum at Memphis).
Quần thể kim tự tháp Giza
Quần thể kim tự tháp Giza (Giza Necropolis) là một địa điểm khảo cổ trên cao nguyên Giza, cạnh sông Nile, ngoại ô của Cairo, Ai Cập, bao gồm 3 kim tự tháp: Kim tự tháp Cheops (còn được gọi là Kim tự tháp Khufu); Hai kim tự tháp nhỏ hơn là Khafre (Chephren) và Menkaure (Mykerinos); Tượng nhân sư (Great Sphinx), một số đền, lăng của các quý tộc..., một ngôi làng của những người xây dựng lăng mộ và một công trường chế tác đá.


Phạm vi Di sản Quần thể Kim tự tháp từ Giza đến Dahshur (Pyramid fields from Giza to Dahshur), Ai Cập (khu vực ký hiệu 86-002)
Quần thể kim tự tháp Giza được coi là biểu tượng của thời kỳ Ai Cập cố đại, và là một trong 7 kỳ quan của thế giới.
Kim tự tháp không chỉ đơn giản là một ngôi mộ ở Ai Cập cổ đại. Nó được các vị pharaoh xây dựng nhằm tạo điều kiện cho một sự nghiệp thành công ở thế giới bên kia và được tái sinh vĩnh viễn.
Ban đầu là kim tự tháp dạng bậc, sau này là kim tự tháp dạng trơn, là một hình chóp có đáy hình vuông, bốn mặt bên là hình tam giác đều, được xây bằng đá, đỉnh của kim tự tháp là một chóp bằng vàng, ốp mặt ngoài bằng đá vôi trắng đánh bóng.
Các mặt của cả ba kim tự tháp đều hướng theo trục Bắc – Nam và Đông – Tây. Vị trí tương quan của chúng được cho là bố trí theo chòm sao Orion trên trời.
Để xây dựng lăng mộ, từ việc khai thác đá, di chuyển, gọt đẽo…phải cần đến hàng ngàn lao động lành nghề và thợ phụ. Người ta tính toán rằng có 300 - 400 ngàn lao động trong 20 năm để xây dựng lên quần thể đặc biệt này.
Về cách thức xây dựng kim tự tháp, hiện vẫn còn nhiều giả thuyết khác nhau. Từ cách thức vận chuyển đá theo con lăn, theo đường dốc đắp tạm dọc theo chu vi công trình; Vận chuyển bằng diều nhờ gió mạnh của sa mạc đến cho rằng đá vôi xây dựng lăng mộ là một dạng bê tông đổ tại chỗ…


Phối cảnh tổng thể quần thể kim tự tháp Giza, Ai Cập

Sơ đồ vị trí các hạng mục công trình chính trong quần thể Kim tự tháp Giza, Ai Cập

Phối cảnh quần thể kim tự tháp Giza ban ngày

Phối cảnh quần thể kim tự tháp Giza ban đêm
Kim tự tháp Cheops
Kim tự tháp Cheops (Cheops Pyramid/Khufu Pyramid) là kim tự tháp lớn nhất trong 3 kim tự tháp tại Quần thể kim tự tháp Giza. Đây là ngôi mộ của vua Khufu (Cheops, pharaon thứ 2 của Vương triều thứ 4 thời Ai Cập cổ đại, trị vì trong giai đoạn 2589–2566 TCN).
Kim tự tháp Cheops cao 146,5m, mặt bằng hình vuông, đáy mỗi cạnh dài 230m, góc nghiêng 51- 52 độ; khối tích 2.583.283 m3.
Công trình được xây dựng bằng đá vôi, bazan hay hoa cương đã được đẽo gọt. Lõi được làm phần lớn bằng những khối đá vôi thô với chất lượng thấp được khai thác từ mỏ phía Nam kim tự tháp. Mỗi khối đá lõi nặng trung bình từ 2- 4 tấn. Ước tính khoảng 2,4 triệu m3 đá được sử dụng cho công trình.
Các khối đá vôi ốp ngoài là có chất lượng cao với trọng lượng mỗi khối đến 15 tấn. Đá vôi được lấy từ Tura, bên kia sông Nil. Đá hoa cương có khối nặng đến 60- 80 tấn được sử dụng làm cách cổng và vách các phòng mộ. Các tấm đá ốp được gọt đẽo chính xác đến mức có thể chồng xếp khít lên nhau mà không thể nhét được một mũi dao vào giữa khe nối.
Bên trong kim tự tháp có 3 phòng mộ, bố trí tại trung tâm: Phòng thấp nhất nằm sâu dưới đất được đục vào đá; Phòng giữa hay phòng Hoàng hậu, là phòng nhỏ nhất có kích thước mặt bằng 5,75m x 5,25m, cao 4,57m; Phòng Hoàng đế có kích thước mặt bằng 10,47m x 5,23m, cao 5,97m, bên trong đặt quan tài.

Kim tự tháp Cheops, quần thể Kim tự tháp Giza, Ai Cập

Sơ đồ mặt cắt kim tự tháp Cheops, quần thể Kim tự tháp Giza, Ai Cập

Sơ đồ cấu trúc không gian kim tự tháp Cheops, quần thể Kim tự tháp Giza, Ai Cập

Hành lang dẫn vào hầm mộ Kim tự tháp Cheops, quần thể Kim tự tháp Giza, Ai Cập

Hầm mộ kim tự tháp Cheops, quần thể Kim tự tháp Giza, Ai Cập
Kim tự tháp Khafre
Kim tự tháp Khafre (Khafre Pyramid), còn gọi là kim tự tháp Chephren (Chephren Pyramid) là kim tự tháp cao và lớn thứ hai của Ai Cập cổ đại, là ngôi mộ của vua Khafre (Chefren, một pharaon của Vương triều thứ 4 thời Ai Cập cổ đại, trị vì vào những năm 2570 TCN).
Kim tự tháp cao 133,5m, mỗi cạnh đáy dài 215,3m, đặt trên nền đá cao 10m, nên cao tương đương với Kim tự tháp Cheops; góc dốc khoảng 53 độ; khối tích 2.211.096 m3.
Kim tự tháp Khafre được làm bằng đá vôi, mỗi khối nặng hơn 2 tấn.
Kim tự tháp có hai lối dẫn phòng mộ. Phòng mộ có kích thước 14,15m x 5m. Quan tài được tạc từ một khối đá hoa cương, đặt một phần nằm trong sàn nhà.

Kim tự tháp Khafre, quần thể Kim tự tháp Giza, Ai Cập

Sơ đồ cấu trúc không gian kim tự tháp Khafre, quần thể Kim tự tháp Giza, Ai Cập

Sơ đồ mặt cắt kim tự tháp Khafre, quần thể Kim tự tháp Giza, Ai Cập
Kim tự tháp Menkaure
Kim tự tháp Menkaure (Menkaure Pyramid), là kim tự tháp nhỏ nhất trong 3 kim tự tháp trong Quần thể kim tự tháp Giza, là lăng mộ của vua Menkaure (một pharaon của Vương triều thứ 4 thời Ai Cập cổ đại, kế vị vua Khafre, trị vì vào những năm 2530.
Kim tự tháp Menkaure cao 65m, mặt bằng có kích thước 102,2m x 104,6m; góc dốc khoảng 51 độ; khối tích 235.183 m3.
Công trình được xây dựng bằng đá vôi và đá granite.
Kim tự tháp chỉ có một lối vào hầm mộ. Hầm mộ hoàn toàn nằm chìm trong nền đất.
Vua Menkaure không chỉ nổi tiếng với lăng mộ của bản thân mình, ông còn được biết đến với các bức tượng tuyệt đẹp, khắc họa nhà vua cùng với hai người vợ của ông là nữ hoàng Rekhetre và Khamerernebty II.

Kim tự tháp Menkaure, quần thể Kim tự tháp Giza, Ai Cập

Sơ đồ cấu trúc không gian kim tự tháp Menkaure, quần thể Kim tự tháp Giza, Ai Cập

Sơ đồ mặt cắt ngang kim tự tháp Menkaure, quần thể Kim tự tháp Giza, Ai Cập
Tượng nhân sư
Tượng nhân sư (Great Sphinx) là một bức tượng làm bằng đá vôi hình một con nhân sư (sinh vật truyền thuyết với thân sư tử, đầu người) trong tư thế phủ phục. Đây là bức tượng nguyên khối lớn nhất thế giới, dài 73,5m, rộng 19,3m, cao 20,22m, được xây dựng vào năm 2558-2532 TCN.
Di tích tượng Nhân sư không đơn giản chỉ là một bức tượng mà là một quần thể đền thờ, trong đó có công trình được xây dựng cùng thời xây dựng tượng và có công trình xây dựng trong những thời kỳ sau này.
Các ngôi đền xung quanh tượng được cho liên quan đến thờ mặt trời.
Phía dưới tượng Nhân sư là hệ thống các đường ngầm nối với 3 kim tự tháp chính trong quần thể kim tự tháp Giza.


Tượng Nhân sư (Great Sphinx), quần thể Kim tự tháp Giza, Ai Cập

Tượng Nhân sư và cụm đền thờ xung quanh, quần thể Kim tự tháp Giza, Ai Cập

Sơ đồ mặt bằng khu vực tượng Nhân sư và cụm đền thờ xung quanh, quần thể Kim tự tháp Giza, Ai Cập

Sơ đồ mặt cắt qua khu vực tượng Nhân sư và cụm đền thờ xung quanh, quần thể Kim tự tháp Giza, Ai Cập
Quần thể kim tự tháp Saqqara
Quần thể kim tự tháp Saqqara (Saqqara Necropolis) nằm tại phía Nam Quần thể kim tự tháp Giza và phía Bắc của Quần thể kim tự tháp Dahshur.
Saqqara là một vùng đất nghĩa trang rộng lớn thời Ai Cập cổ đại; ngày nay thuộc thành phố Giza, nằm cách phía Nam của thủ đô Cairo khoảng 30km. Saqqara là khu vực có kích thước khoảng 7 x 1,5km.
Tại đây có vô số kim tự tháp, trong đó có kim tự tháp dạng bậc bằng đá nổi tiếng thế giới – Kim tự tháp Djoser,. Các vị vua Ai Cập và các quan chức cao cấp đã tiếp tục xây dựng các kim tự tháp và lăng mộ khác tại đây. Saqqara là một khu vực nghĩa địa với các nghi lễ chôn cất và thờ cúng trong suốt hơn 3000 năm, từ Vương quốc thời kỳ đầu đến thời kỳ Trung đại.
Quần thể kim tự tháp Saqqara còn lưu giữ được tàn tích của nhiều kim tự tháp và các di tích khác, trong đó nổi bật là kim tự tháp Djoser

Sơ đồ quần thể kim tự tháp Saqqara, Giza, Ai Cập với kim tự tháp bậc thang của Djoser tại trung tâm, kề liền bên trái là kim tự tháp Unas và bên phải là kim tự tháp Userkaf
Kim tự tháp Djoser
Kim tự tháp Djoser (Djoser Pyramid) còn gọi là Kim tự tháp dạng bậc (Step Pyramid) là di tích nổi bật nhất tại Quần thể kim tự tháp Saqqara.
Kim tự tháp được xây dựng vào Vương triều thứ 3 thời Ai Cập cổ đại. Trong thời kỳ này, kinh đô của Vương quốc cổ là thành phố Memphis.
Công trình là nơi chôn cất pharaoh Djoser (vị vua sáng lập Vương triều thứ 3 thời Ai Cập cổ đại, được cho là trị vì trong khoảng 2686 - 2648 TCN).
Kim tự tháp Djoser đã trải qua nhiều lần sửa đổi và cải tạo lại so với với ban đầu.
Kim tự tháp cao 62,5m, mặt bằng 109m × 121m; khối tích 330.400 m3
Kim tự tháp có dạng bậc với cấu trúc 6 tầng, 4 mặt; được ốp bằng đá vôi trắng bóng và là tòa nhà bằng đá khổng lồ sớm nhất ở Ai Cập.
Dưới kim tự tháp là một mê cung của các phòng mộ với đường hầm có tổng chiều dài gần 6 km, sâu 28 m.
Các phòng mộ trong kim tự tháp là nơi đặt mộ vua, các thành viên trong gia đình và lưu trữ đồ tùy táng.
Trong kim tự tháp, mặt tường đường hầm và phòng mộ lát bằng đá vôi, khảm bằng ngói màu xanh lam và được trang trí các tấm phù điêu.
Phòng mộ chính, nơi đặt mộ vua, được ốp bằng các lớp đá granits; có một cửa ra vào, được chắn bằng một tảng đá nặng 3,5 tấn. Trên trần phòng mộ là phù điêu của một ngôi sao 5 cánh, được cho là sao Bắc Cực.
Kim tự tháp Djoser được bao quanh bởi một bức tường đá vôi cao 10,5m với các hàng cột như mặt tiền của cung điện, tạo thành 14 ô cửa, song chỉ có một lối vào.
Bên ngoài bức tường là một rãnh đào dài 750m, rộng 40m như một hào lũy bảo vệ kim tự tháp.
Bên ngoài kim tự tháp Djoser còn có nhiều tàn tích của hành lang với các hàng cột và mái vòm, quảng trường nghi lễ, lăng mộ của các vị vua và hoàng gia, nhà tang lễ, nhà nguyện…
Việc xây dựng kim tự tháp bằng đá tốn nhiều công sức hơn so với việc xây dựng bằng gạch bùn. Điều này cho thấy rằng vương triều đã có các thức kiểm soát mới về tài nguyên và con người.
Mặc dù đây vẫn còn là kim tự tháp dạng bậc, song kim tự tháp Djoser vẫn là tiền đề cho việc xây dựng các kim tự tháp của các Vương triều thứ 4, 5, 6 thời Ai Cập cổ đại, bao gồm cả các kim tự tháp Giza vĩ đại sau này.

Sơ đồ phối cảnh kim tự tháp Djoser tại quần thể kim tự tháp Saqqara, Giza, Ai Cập


Tàn tích kim tự tháp Djoser tại quần thể kim tự tháp Saqqara, Giza, Ai Cập

Tàn tích hàng cột tại lối vào kim tự tháp Djoser tại quần thể kim tự tháp Saqqara, Giza, Ai Cập

Trang trí bên trong kim tự tháp Djoser tại quần thể kim tự tháp Saqqara, Giza, Ai Cập

Sơ đồ cấu trúc kim tự tháp Djoser tại quần thể kim tự tháp Saqqara, Giza, Ai Cập
Quần thể kim tự tháp Dahshur
Dahshur là một nghĩa địa nằm ở sa mạc bên bờ phía Tây của sông Nile, cách phía Nam thủ đô Cairo khoảng 40km. Địa điểm này nổi tiếng nhờ tại đây lưu giữ một số kim tự tháp, hai trong số đó là một trong những kim tự tháp lâu đời nhất, lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất ở Ai Cập, được xây dựng từ năm 2613 - 2589 trước Công nguyên.
Quần thể kim tự tháp Dahshur (Dahshur Necropolis) là một kinh nghiệm học tập cực kỳ quan trọng đối với người Ai Cập. Nó cung cấp cho họ kiến thức và bí quyết để chuyển từ kim tự tháp bậc sang kim tự tháp phẳng. Cũng từ kinh nghiệm tại đây, người Ai Cập có thể xây dựng được quần thể kim tự tháp Giza vĩ đại, một trong bảy Kỳ quan thế giới vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Quần thể kim tự tháp Dahshur có nhiều kim tự tháp như: Kim tự tháp Bent (Bent Pyramid); Kim tự tháp đỏ (Red Pyramid); Kim tự tháp trắng (White Pyramid/ Pyramid of Amenemhat II); Kim tự tháp Senusret III (Pyramid of Senusret III); Kim tự tháp Amenemhat III (Pyramid of Amenemhat III), song được nói đến nhiều nhất là kim tự tháp Bent và kim tự tháp Đỏ.

Sơ đồ vị trí các di tích chính tại quần thể kim tự tháp Dahshur, Giza, Ai Cập
Kim tự tháp Bent
Kim tự tháp Bent (Bent Pyramid) được xây dựng vào năm 2613 - 2589 trước Công nguyên, thời pharaoh Sneferu (vị vua sáng lập Vương thiều thứ 4 thời Ai Cập cổ đại). Pharaoh Sneferu là người đã xây dựng ít nhất 3 kim tự tháp còn tồn tại cho đến ngày nay và có nhiều cách thức đổi mới trong việc thiết kế và xây dựng kim tự tháp.
Kim tự tháp Bent được xây dựng bằng đá vôi, có mặt bằng hình vuông, kích thước một cạnh đáy là 189,43m, cao 104,71m, khối tích 1.237.040 m3.
Hình dáng kim tự tháp Bent chia thành 2 phần, phần dưới cao 47,04m nghiêng 54 độ, phần trên cao 57,67m lại chỉ nghiêng 43 độ, tạo cho cho kim tự tháp vẻ bên ngoài như bị uốn cong.
Các nhà khảo cổ học tin rằng Kim tự tháp Bent đại diện cho một hình thức chuyển tiếp giữa các kim tự tháp bậc và kim tự tháp phẳng. Có ý kiến cho rằng, việc thay đổi độ dốc của góc nghiêng ban đầu là do cấu trúc có dấu hiệu bất ổn trong quá trình xây dựng, phải giảm góc nghiêng để giảm bớt tải trọng, tránh sự sụp đổ như tại kim tự tháp Meidum (Meidum Pyramid)...hoặc có thể để hoàn thành công trình đúng thời hạn do cái chết của pharaoh Sneferu đã liền kề.
Kim tự tháp Bent có hai lối vào dẫn tới phòng mộ: Một lối vào thấp tại phía Bắc dẫn tới một phòng mộ nằm dưới đất; một lối vào cao tại phía Tây dẫn tới phòng mộ nằm tại thân kim tự tháp. Mỗi lối vào dẫn đến mỗi phòng mộ.
Kề liền kim tự tháp Bent, tại phía Nam có một kim tự tháp nhỏ bằng đá vôi, được cho là lăng mộ của pharaoh Sneferu. Kim tự tháp nhỏ có mặt bằng hình vuông mỗi cạnh dài 52,8m, cao 26m, nghiêng 44 độ.
Kim tự tháp Bent là nỗ lực đầu tiên trong việc xây dựng một kim tự tháp phẳng, nhưng đã được chứng minh là một công trình không thành công do một phần đặt trên mặt đất mềm có xu hướng lún dần và nghiêng tại góc của kim tự tháp.
Kim tự tháp uốn cong Bent được cho là một thử nghiệm ban đầu cho việc xây dựng các kim tự tháp sau này tại Ai Cập cổ đại.

Phối cảnh kim tự tháp Ben, quần thể kim tự tháp Dahshur, Giza, Ai Cập

Sơ đồ cấu trúc không gian kim tự tháp Ben, quần thể kim tự tháp Dahshur, Giza, Ai Cập
Kim tự tháp Đỏ
Nhận ra những thiếu sót khi xây dựng Kim tự tháp Bent, pharaoh Sneferu đã ra lệnh xây dựng kim tự tháp thứ hai tại Dahshur mang tên Kim tự tháp Đỏ (Red Pyramid, còn gọi là Kim tự tháp Bắc - North Pyramid).
Kim tự tháp Đỏ nằm cách phía Bắc của Kim tự tháp Bent khoảng 1km, thuộc Quần thể kim tự tháp Dahshur.
Công trình được xây dựng trong khoảng thời gian 11 đến 17 năm.
Tên màu đỏ của tháp liên quan đến vật liệu xây dựng tháp bằng đá vôi đỏ. Kim tự tháp được cho là nơi an nghỉ của pharaoh Sneferu.
Kim tự tháp Đỏ được xây dựng bằng đá vôi, mặt bằng hình vuông mỗi cạnh dài 220m; có chiều cao 105m, góc nghiêng 43 độ; khối tích 1.694.000m3.
Do độ nghiêng thấp nên Kim tự tháp Đỏ có chiều cao thấp hơn so với các kim tự tháp Ai Cập khác có kích thước mặt bằng tương đương (với góc nghiêng khoảng 52 độ).
Kim tự tháp Đỏ cũng là kim tự tháp lớn thứ ba của Ai Cập, sau kim tự tháp Cheops và kim tự tháp Khafra tại
Quần thể kim tự tháp Giza. Đây cũng được cho là nỗ lực thành công đầu tiên của Ai Cập trong việc xây dựng một kim tự tháp có bề mặt phẳng thay thế bề mặt bậc.
Bề mặt của kim tự tháp Đỏ đã từng được ốp bằng đá vôi trắng, hiện còn lưu lại ở góc chân kim tự tháp.
Lối vào kim tự tháp là một lối vào cao tại phía Bắc, cao 0,91m, rộng 1,2m, dài 61m và dốc nghiêng 27 độ dẫn tới 3 phòng mộ dạng vòm cao 12 - 15m.

Phối cảnh kim tự tháp Đỏ, quần thể kim tự tháp Dahshur, Giza, Ai Cập

Sơ đồ cấu trúc không gian kim tự tháp Đỏ, quần thể kim tự tháp Dahshur, Giza, Ai Cập

Chi tiết trần phòng mộ chính mái vòm, kim tự tháp Đỏ, quần thể kim tự tháp Dahshur, Giza, Ai Cập
Ngoài ra, tại Quần thể kim tự tháp Dahshur còn có nhiều kim tự tháp của các triều đại tiếp sau khác.
Di sản Cố đô Memphis, Quần thể kim tự tháp từ Giza đến Dahshur, Ai Cập với vô vàn kim tự tháp, vẫn luôn gắn với câu hỏi về cách thức xây dựng mà chưa có câu trả lời cuối cùng.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/86/
https://en.wikipedia.org/wiki/Egypt
https://en.wikipedia.org/wiki/Memphis,_Egypt
https://www.ucl.ac.uk/museums-static/digitalegypt/memphis/palace.html
https://en.wikipedia.org/wiki/Ptah
https://en.wikipedia.org/wiki/Egyptian_pyramids
https://en.wikipedia.org/wiki/Giza_Governorate
https://en.wikipedia.org/wiki/Giza_Necropolis
https://en.wikipedia.org/wiki/Giza_pyramid_complex
https://en.wikipedia.org/wiki/Great_Pyramid_of_Giza
https://en.wikipedia.org/wiki/Pyramid_of_Khafre
https://en.wikipedia.org/wiki/Pyramid_of_Menkaure
https://en.wikipedia.org/wiki/Great_Sphinx_of_Giza
https://www.giza-legacy.ch/chambers-beneath-the-sphinx/
https://en.wikipedia.org/wiki/Saqqara
https://en.wikipedia.org/wiki/Pyramid_of_Djoser
https://en.wikipedia.org/wiki/Dahshur
https://en.wikipedia.org/wiki/Bent_Pyramid
https://en.wikipedia.org/wiki/Red_Pyramid
https://orca.cf.ac.uk/43454/1/Memphis%20Book%20Final%202016%20reduced%20file%20size.pdf
Xem video giới thiệu công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|