Tuần 18 - Ngày 07/12/2024
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Chùa Hà và đình Bối Hà, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam |
04/12/2012 |
Thông tin chung:
Công trình: Chùa Hà và đình Bối Hà, Cầu Giấy, Hà Nội
Địa điểm: Phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô:
Thời gian hình thành:
Giá trị:
Chùa Hà và đình Bối Hà lập thành cụm Di tích đình, chùa Hà tại phường Dịch Vọng (tên nôm xưa là làng Vòng), quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Hai công trình nằm kề liền, thông sang nhau, có bố cục nhìn ra hướng Tây. Đình Bối Hà nằm tại phía Nam của chùa Hà.
Chùa Hà
Chùa Hà hay chùa Bối Hà có tên chữ là Thánh Đức tự.
Theo truyền thuyết, vua Lý Thánh Tông (hoàng đế thứ 3 triều Lý, trị vì năm 1054- 1072), lúc 42 tuổi vẫn chưa có con nên đã cầu tự ở một ngôi chùa mà sinh ra Thái tử Càn Đức, từ đó ngôi chùa này được gọi là chùa Thánh Đức để ghi nhận sự kiện này...
Theo một truyền thuyết khác, chùa Hà được dựng lên để vua Lê Thánh Tông (hoàng đế thứ 5 nhà Hậu Lê, trị vì năm 1460 – 1479) bày tỏ lòng nhớ ơn các đại thần Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã cưu mang và phế bỏ vua Lê Nghi Dân (hoàng đế thứ 4 nhà Hậu Lê, trị vì từ năm 1459- 1460) để đưa mình lên ngôi vua vào năm 1460.
Chùa Hà đã được xây dựng lại nhiều lần.
Đến năm 1680, chùa vẫn còn lợp lá vồi, tường xây bằng gạch vồ nên còn có tên là chùa Vồi.
Đến đời vua Lê Hy Tông (vị vua thứ 21 của nhà Hậu Lê, trị vì năm 1675-1705) có hai người quê làng Thổ Hà tỉnh Bắc Giang, nhờ buôn bán phát đạt, đã công đức số tiền lớn cùng nhân dân xây dựng lại chùa với quy mô lớn bằng gạch ngói. Từ đó, hai làng Thổ Hà và Dịch Vọng Trung kết nghĩa, đặt tên xóm có ngôi chùa là Bối Hà và chùa có tên nôm là chùa Hà. Diện mạo của chùa hiện nay chính là kết quả của lần trùng tu lớn đó và những lần trùng tu nhỏ sau này. Chùa mới được tu bổ vào năm 1995- 2003.
Người dân Hà Thành không biết tự bao giờ gọi chùa Hà là chùa cầu duyên. Chùa là một trong hai chùa cầu duyên ở miền Bắc, cùng với chùa Duyên Ninh, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình.
Chùa Hà mang phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn, gồm các hạng mục: Nghi môn, Chính điện và các công trình phụ trợ.
Nghi môn
Nghi môn chùa Hà là một Tam quan 2 tầng, được giới hạn bởi hai trụ biểu. Đỉnh trụ trang trí tứ phượng, thân trụ phía trên trang trí ô lồng đèn, phía dưới là các ô câu đối.
Tầng dưới có 3 vòm cổng, được giới hạn bởi 4 hàng trụ cổng, trên mặt trang trí các câu đối.
Giữa vòm cổng ngoài và trụ biểu có bức tường đắp nổi rồng (bên tả) và hổ chầu (bên hữu).
Tầng trên cũng có 3 vòm cổng, vòm cổng giữa rộng hơn với mái chồng diêm 2 tầng 8 mái. Mái của hai vòm phụ 4 mái. Tầng trên là gác chuông, treo chuông đồng Thánh Đức năm 1799, một di vật thời Tây Sơn. Chuông cao 1m20, chu vi đáy 1m80.
Sau Nghi môn là vườn cây xanh với hòn non bộ, hồ nước hình bán nguyệt, cây đa cổ thụ và sân chùa với nhiều bia đá, trong đó có bia đá 4 mặt Thánh Đức tự bi dựng năm 1695 và mới được phục chế gần đây. Ở bên phải trước cửa chùa đặt 18 tấm bia được tạc vào cuối thời Nguyễn ghi việc tu sửa tại chùa.
Nghi môn chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội
Vườn phía sau Nghi môn, chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội
Sân trước Chính điện với hồ Bán Nguyệt, chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội
Chính điện
Chính điện chùa Hà có cấu trúc hình chữ “đinh” hay chữ T gồm Tiền đường và Hậu đường.
Tiền đường 5 gian, tường hồi bít đốc, 2 mái. Tại 3 gian giữa có mái chồng diêm, 4 mái; Mái lợp ngói mũi hài. Hai bên đầu hồi nhô ra hai trụ biểu.
Tiền đường gian giữa là ban thờ Tam bảo với không gian mở vào Hậu đường, nơi đặt ban thờ Phật. Hai bên Tam bảo đặt tượng Thiên tướng Hộ pháp cao lớn mặc giáp vàng ngồi trên lưng con sấu; Hai bên gian tại đầu hồi còn đặt tượng 8 vị thần Hộ pháp.
Hậu đường 3 gian đặt dọc so với Tiền đường.
Trong Hậu đường đặt ban thờ Phật với các lớp tượng theo triết lý nhà Phật. Lớp cao nhất là ba pho Tam Thế Phật; Lớp thứ hai đặt tượng A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát; Dưới tượng A Di Đà là lớp tượng A Nan Đà, Đức Ông chùa Hà; Lớp dưới cùng giáp với tòa Tiền đường là tượng Thích Ca sơ sinh.
Tòa Tiền đường, Chính điện chùa Hà, Cầu Giấy Hà Nội
Phía dưới phần mái chồng diêm tại Tiền đường chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội
Tòa Hậu đường nối với Tiền đường, chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội
Bên trong gian chính tòa Tiền đường, chùa Hà, Cầu Giấy Hà Nội
Nhiều người trẻ đến chùa Hà cầu duyên
Ban thờ Phật bên trong Hậu đường, chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội
Pho tượng Đức Ông chùa Hà tại ban thờ Phật tại Hậu đường chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội
Phía sau Chính điện của chùa là điện Mẫu Tam Phủ, bên trong có các ban thờ Tam vị Thánh Mẫu và Công đồng Tam phủ.
Chùa Hà được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 1996.
Điện Mẫu Tam Phủ phía sau Chính điện chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội
Ban thờ Mẫu trong điền Mẫu Tam Phủ tại chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội
Đình Bối Hà
Đình Bối Hà là đình của làng Bối Hà xưa.
Đình là một công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi hội họp của người dân.
Đình Bối Hà thờ Thành hoàng làng là Triệu Chí Thành.
Triệu Chí Thành là con của ông Triệu Xương và bà Lý Thị Thích, người Chu Diên trang Thái Bình (nay là huyện Mê Linh, Hà Nội).
Năm 545, nhà Lương Trung Quốc (tồn tại năm 502 – 557) sai quân sang xâm lược nước ta.
Bấy giờ Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục, vua Việt Nam, trị vì từ năm 548 – 571) đóng đô ở Từ Liêm, rồi rút về đầm Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên) để chống cự với quân nhà Lương.
Theo truyền thuyết, Triệu Việt Vương được Thánh Chử Đồng Tử (một trong Tứ Bất Tử cùa Thần đạo Việt Nam) ban cho móng rồng để chế tác nỏ thần đánh đuổi quân Lương. Triệu Chí Thành được trao chế tác nỏ. Nỏ bắn bách phát bách trúng, mỗi lần bắn tiêu diệt hàng trăm quân địch. Tướng giặc cũng bị bắn chết. Năm 550, quân Lương đại bại chạy về Bắc quốc.
Triệu Chí Thành được Triệu Việt Vương phong làm Đô thống nguyên soái và đóng quân tại vùng Dịch Vọng.
Sau khi dẹp yên quân Lương, Triệu Chí Thành lâm bệnh nặng, Triệu Việt Vương đến thăm và hỏi cần gì sẽ báo đáp. Triệu Chí Thành chỉ xin được đem cờ tướng lệnh mà vua đã ban cho, tung lên trời; cờ bay đến đâu xin cho dân ở đó được miễn tô thuế lao dịch cho họ. Triệu Việt Vương nhận lời.
Ngày 12 tháng 8 năm, Đô thống nguyên soái Triệu Chí Thành hóa về trời. Vua liền sai đem cờ tướng lệnh đến và tung lên trời. Cờ tướng lệnh bay tới trang Dịch Vọng Trung thì dừng lại, sứ thần biết tin về tâu với vua. Vua cho dân làng lập đền thờ Triệu Chí Thành và gia phong là Đại Vương.
Đình Bối Hà đã được tu sửa, nâng cấp nhiều lần.
Đình Bối Hà mang phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn, gồm các hạng mục: Nghi môn, Đại đình và các công trình phụ trợ.
Nghi môn
Nghi môn đình gồm Nghi môn ngoại và Nghi môn nội.
Nghi môn ngoại đình Bối Hà to lớn tương xứng với Nghi môn chùa Hà liền kề, gồm 4 trụ biểu theo lối truyền thống. Hai trụ biểu giữa cao, đỉnh trụ trang trí tứ phượng; Hai trụ biểu hai bên thấp, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu. Thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, phía dưới trang trí câu đối. Đế của cả 4 trụ biểu đều thắt dạng cổ bồng.
Giữa 4 trụ biểu là 3 mái che. Song chỉ mái che tại chính giữa là che cổng vòm phía dưới, hai mái che còn lại che hai bức tường đắp hai vị hộ pháp đứng chầu. Bên ngoài hàng trụ biểu mỗi bên có hai cổng vòm phụ với mái che 4 mái.
Đi qua Nghi môn ngoại vào sân đình. Sân đình có hai bậc sân. Sân trong cao hơn sân ngoài 2 bậc.
Nghi môn nội nằm tại ranh giới giữa sân ngoài và sân trong, gồm 4 trụ biểu theo lối truyền thống.
Nghi môn ngoại đình Bối Hà, Cầu Giấy, Hà Nội
Nghi môn nội đình Bối Hà (bên trái ảnh là Chính điện chùa Hà)
Đại đình
Đại đình có cấu trúc hình chữ “đinh” hay chữ T gồm Chính điện và Hậu điện.
Tòa Chính điện hay tòa Đại bái đặt trên một bệ đá cao 3 bậc so với mặt sân, gồm 5 gian, 4 mái. Trên đỉnh nóc trang trí đôi rồng chầu mặt trời.
Mặt trước của tòa Chính điện là hàng cửa bức bàn. Khác các ngôi đình truyền thống với các gian giữa có nền dạng lòng thuyền (nền gian giữa thấp, sàn các gian hai bên cao), nền của các gian đình Bối Hà cùng một cao độ nền. Bên trong đình còn lưu giữ nhiều bức hoành phi, câu đối, đồ tế khí, bát bửu, lư hương đồng, long ngai, bài vị, đôi hạc đứng trên lưng rùa.
Hậu cung 3 gian, là nơi đặt ban thờ Đại vương Triệu Chí Thành.
Chính điện đình Bối Hà, Cầu Giấy, Hà Nội
Chính điện đình Bối Hà, Cầu Giấy, Hà Nội
Chùa Hà và đình Bối Hà tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội là cụm di tích lịch sử văn hóa nổi bật của quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_H%C3%A0
https://phatgiao.org.vn/chua-ha-ngoi-chua-noi-tieng-linh-thieng-de-cau-duyen-d32488.html
https://www.youtube.com/watch?v=c9DkeAvuOaU
http://thegioidisan.vn/vi/chua-ha.html
Xem video giới thiệu chùa tại đây
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|
Cập nhật ( 06/04/2020 )
|
Tin mới đưa:- Samarkand – Ngã tư văn hóa, Uzbekistan
- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
Tin đã đưa:- Chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội Việt Nam
- Chùa Thày, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội
- Chùa Tây Phương, Thạch Thất, Hà Nội
- Chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hà Nội
- Chùa Chuông, Khu di tích Phố Hiên, Hưng Yên, Việt Nam
- Chùa Mía, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, Việt Nam
- Chùa Phổ Minh, Nam Định, Việt Nam
- Chùa Keo, Vũ Thư, Thái Bình, Việt Nam
- Trung tâm Direzionale di Fontivegge, Perugia, Ý - KTS Aldo Roosi
- Chùa Bà Đanh, Kim Bảng, Hà Nam
- Chùa Một Cột, Ba Đình, Hà Nội
- Chùa Kiến Sơ, Gia Lâm, Hà Nội
- Làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, Việt Nam
- Chùa Vĩnh Nghiêm, Yên Dũng, Bắc Giang
- Nhà thi đấu quốc gia Yoyogi, ToKyo – KTS Kenzo Tange
|