Tuần 18 - Ngày 07/12/2024
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội Việt Nam |
03/12/2012 |
Thông tin chung:
Công trình: Chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội
Địa điểm: Thôn Gia Phú, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, Việt Nam
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô:
Thời gian hình thành: Thế kỷ 16,17
Giá trị:
Chùa Đậu là một ngôi chùa ở thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội. Vì chùa thờ Bà Đậu hay Đại Bồ Tát Pháp Vũ nên được gọi là chùa Đậu hay chùa Bà, Pháp Vũ Tự. Chùa có hai nhà sư tu hành đắc đạo là Tự Đạo Chân (Vũ Khắc Minh) và Tự Đạo Tâm (Vũ Khắc Trường ) nên gọi là Thành Đạo Tự. Vua chúa hay đến đây cầu xin nên chùa còn được gọi là chùa Vua.
Nữ thần Pháp Vũ gắn liền với tín ngưỡng thờ Tứ Pháp. Đây là một tín ngưỡng thuộc tôn giáo bản địa – Thần đạo Việt Nam (thờ tổ tiên, cha mẹ, các vị có công với dân với nước và tự nhiên xung quanh), không chỉ là đức tin kết nối con người với con người, con người với tự nhiên, vũ trụ mà còn kết nối cả tôn giáo với tôn giáo. Tứ Pháp là một hình thức tín ngưỡng được hình thành chính từ sự kết nối, hòa hợp giữa đạo Mẫu (thờ các vị thần tự nhiên bản địa, mang yếu tố nội sinh gắn với tình thương yêu như của người Mẹ) và đạo Phật (yếu tố ngoại nhập).
Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp đi cùng với sự tích Phật Mẫu Man Nương, hiện được thờ tại chùa Tổ (Phúc Nghiêm Tự) ở làng Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Man Nương là một nữ tu từ năm 10 tuổi tại chùa Phúc Nghiêm. Vị sự trụ trì chùa là Khâu Đà La, theo truyền thuyết là nhà sư Ấn Độ, sang Giao Châu vào thời Hán Linh Đế (hoàng đế thứ 27 triều Hán, tại vị từ năm 168- 189). Tối đến Man Nương ngủ tại thềm chùa. Một buổi tối, Khâu Đà La bước qua thềm. Man Nương có thai, qua 20 tháng sinh hạ một bé gái và mang đến chùa trả cho Thiền sư.
Thiền sư hóa phép đứa bé nhập vào thân một cây cổ thụ cạnh chùa.
Sau đó, Khâu Đà La trao cây gậy tích trượng của mình cho Man Nương và dặn khi nào hạn hán thì mang ra dùng. Khi vùng Dâu ( thủ phủ là Luy Lâu, quận Giao Chỉ, Bắc Ninh ngày nay) hạn hán 3 năm liền, nhớ lời dặn của Thiền sư, Man Nương mang cây tích trượng cắm xuống đất. Ngay lập tức, nước phun lên, chúng sinh thoát nạn.
Tiếp đó có trận mưa to, cuốn cây cổ thụ cạnh chùa xuống sông Dâu, dạt về Luy Lâu. Thái thú Giao Chỉ là Sĩ Nhiêp (cai trị giai đoạn năm 187- 226) cho người vớt lên, song không được. Man Nương đi qua, nhận ra cây cổ thụ ở chùa xưa, làm phép với cây lên. Thái Thú thấy thế kinh sợ và cho người lấy gỗ cây thiêng tạc 4 pho tượng Phật mẫu, tượng trưng cho sức mạnh siêu nhiên (gắn với nền văn minh nông nghiệp). Tạc xong pho thứ nhất thì trời hiện mây ngũ sắc nên đặt tên tượng là Pháp Vân; Tạc xong pho thứ hai thì trời đổ mưa nên đặt tên tượng là Pháp Vũ; Tạc xong pho thứ ba thì trời nổi sấm nên đặt tên tượng là Pháp Lôi; Tạc xong pho thứ tư thì trời nổi sét nên đặt tên tượng là Pháp Điện.
4 tượng trên được dân thờ trong 4 chùa trong cùng khu vực: Chùa Dâu thờ Pháp Vân, Chùa Đậu thờ Pháp Vũ, Chùa Dàn thờ Pháp Lôi và Chùa Tướng thờ Pháp Điện. Tiếp sau đó, tín ngưỡng thờ Tứ Pháp lan truyền ra xung quanh.
Ngoài chùa Đậu thờ Pháp Vũ tại vùng Dâu, nay là xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, tại vùng đồng bằng Bắc Bộ có nhiều chùa thờ Pháp Vũ, nổi bật là chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội.
Theo truyền thuyết, chùa Đậu, Thường Tín được xây dựng từ thế kỷ thứ 3. Song theo các văn bia, chùa được dựng vào triều Lý (tồn tại 1009 -1225) và được trung tu nhiều lần vào thế kỷ 16, 17, trong đó có một lần trùng tu lớn vào năm 1635. Thời kỳ Pháp thuộc, Chính điện chùa Đậu bị phá hủy, chỉ còn lại một phần của Hậu điện. Năm 2010, Chính điện của chùa được phục dựng lại.
Tổng mặt bằng chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội
Phối cảnh tổng thể chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội
Hiếm có một ngôi chùa nào tại miền Bắc Việt Nam nằm tại một vị trí đẹp như chùa Đậu. Chùa quay về hướng Đông Nam, phía sau là sông Nhuệ; nằm trên một gò lớn có hồ nước bao quanh, như hình một bông hoa sen lớn, xung quanh có hai đảo nhỏ như hai bông sen nhỏ chầu vào.
Chùa Đậu hay chùa Pháp Vũ, Thường Tín, Hà Nội được xây dựng kiểu "nội công ngoại quốc", “tiền Phật, hậu Mẫu” gồm các hạng mục công trình: Nghi môn, Tiền đường, Chính điện, Tả vu, Hữu vu, nhà Tổ và các công trình phụ trợ.
Nghi môn
Nghi môn chùa Đậu gồm 3 khối cổng.
Khối cổng chính lớn, mặt bằng hình vuông, 3 gian, cao 2 tầng.
Tầng 1 xây gạch, thông tứ phía; mặt ngoài tạo thành 3 lối vào; lối giữa rộng cả gian, hai lối bên là vòm cổng nhỏ, hẹp; mái tầng 1 có 4 mái.
Tầng 2 là tháp Chuông; kết cấu gỗ; để trống 4 phía với lan can gỗ kiểu con tiện bao quanh, mái tầng 2 có 4 mái; bên trong tháp treo quả chuông đúc năm 1801, thời nhà Tây Sơn (1778 – 1802).
2 tầng mái của Nghi môn có các đầu đao uốn cong. Nhiều bộ phận gỗ được chạm khắc hình rồng, phượng, hoa lá theo phong cách nghệ thuật thế kỷ 17.
Hai khối cổng phụ hai bên nhỏ, phần dưới gồm bức tường tạo thành vòm cổng, phần trên có mái che 2 tầng, 8 mái.
Hai bên Nghi môn có hai trụ biểu. Đỉnh trụ biểu trang trí con nghê chầu (nay không còn), thân trụ phần trên trang trí ô lồng đèn, phía dưới trang trí ô câu đối.
Hồ phía trước Nghi môn chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội
Nghi môn kết hợp tháp Chuông chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội
Kết cấu gỗ bên trong Nghi môn kết hợp tháp Chuông, chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội
Tiền đường
Qua Nghi môn là một sân gạch rộng, lát gạch. Chính giữa trục thần đạo của sân là một con đường lát bằng đá trắng, Hai bên sân có hai tòa Giải vũ; mỗi tòa dài 5 gian, đầu hồi bít đốc, 2 mái, là nơi nghỉ ngơi cho khách hành hương.
Tiền đường đặt trên 2 bệ nền xây gạch. Có 3 lối lên xuống với 7 bậc đá. 2 lan cạn đá của bậc chính giữa tạc rồng đá với khoảng 500 năm tuổi, hai lan canh hai bên tạc rồng hóa mây.
Tòa Tiền đường dài 7 gian, 4 mái với một hàng hiên phía trước. 7 gian mặt trước là các bộ cửa bức bàn.
Tiền đường chùa Đậu là nơi đặt tượng 2 vị Hộ pháp và chuẩn bị nghi lễ trước khi vào Chính điện.
Tiền đường chùa Đậu là còn lưu giữ được các bức chạm khắc gỗ thế kỷ 17. Các bức chạm khắc tỉ mỉ này hòa vào làm một với giải pháp kiến trúc. Nội dung của các bức chạm như trong ngôi đình truyền thống vùng Đồng bằng Bắc Bộ với các cảnh về cõi trần và cõi tiên; về tự nhiên với Tứ linh, Tứ quý, hoa lá, đặc biệt là hình tượng rồng ổ, rồng cuộn đan xen các linh vật, con người. Có lẽ tại đây chỉ thiếu các bức chạm miêu tả cảnh sinh hoạt đời thường.
Hai tòa Giải vũ hai bên Tiền đường, chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội
Sân trước Tiền đường, chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội
Tòa Tiền đường, chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội
Đôi rồng đá cổ trên bậc đá trước Tiền đường, chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội
Bên trong tòa Tiền đường, chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội
Tượng Hộ pháp bên trong Tiền đường, chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội
Các bức chạm khắc trang trí tại hiên Tiền đường, chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội
Bức chạm "Ổ rồng" tại Tiền đường, chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội
Bức chạm "Tiên cưỡi rồng" tại Tiền đường, chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội
Chính điện
Chính điện chùa Đậu có mặt bằng hình chữ “công” hay chữ H, gồm Tam bảo ngoài thờ Phật và Tam bảo trong thờ Đại Bồ Tát Pháp Vũ.
Tam bảo phía ngoài gồm tòa Bái đường và tòa Hậu điện tạo thành hình chữ T.
Tòa Bái đường đặt song song và sát với Tiền đường, dài 5 gian, 4 mái. Đây là nơi đặt ban thờ Công đồng Phật.
Tòa Hậu điện (tương tự như tòa Thiêu hương) đặt dọc, dài 3 gian. Bên trong đặt tượng Thích Ca kích thước lớn và ban thờ đặt các lớp tượng theo triết lý nhà Phật.
Phối cảnh tòa Hậu điện (bên trái) và tòa Bái đường (giữa ảnh) của Tam bảo ngoài, chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội
Bên trong Bái đường, Tam bảo ngoài, chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội
Ban thờ Phật bên trong Bái đường, Tam bảo ngoài, chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội
Tượng Phật bên trong Hậu điện của Tam bảo ngoài, chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội
Tam bảo phía trong hay tòa Thượng điện đã bị phá hủy hoàn toàn trong chiến tranh chống Pháp, mới được phục dựng lại. Công trình gồm 5 gian, 4 mái. Đây là nơi đặt ban thờ với tượng Bà Đậu hay Đại Bồ Tát Pháp Vũ. Tượng bằng đồng đúc vào nửa đầu thế kỷ 20.
Hai bên của Chính điện là Tả vu, Hữu vu nơi đặt tượng Thập bát La hán cùng với tượng các vị Thánh hiền (Tả vu) và các tượng Đức ông (Hữu vu). Tại đây cũng lưu giữ một số tấm bia đá.
Phối cảnh Tam bảo trong (giữa ảnh), phía sau là nhà Tổ, chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội
Tượng Đại Bồ Tát Pháp Vũ, trên ban thờ tại Tam bảo trong, chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội
Hai bên Chính điện là Tả vu, Hữu vu, nơi đặt các tượng Thập bát La Hán, Thánh hiền, Đức ông, bia đá...
Nhà Tổ
Phía sau Chính điện là nhà Tổ 7 gian, đầu hồi bít đốc 2 mái. Tòa nhà này cùng với Tả vu, Hữu vu và Tiền đường tạo thành bố cục hình chữ nhật bao quanh Chính điện.
Bên trong nhà Tổ là nơi thờ các vị tổ sư và cũng là nơi đặt tượng nhục thân (tượng thiền táng) của hai Thiền sư đã kế tiếp nhau trụ trị tại chùa vào khoảng thế kỷ 17 là Vũ Khắc Minh (Tự Đạo Chân) và Vũ Khắc Trường (Tự Đạo Thành). Tượng được tạo bằng cách bó sơn ta thi hài nhà sư. Hai pho tượng được tu bổ vào năm 2003. Pho tượng Vũ Khắc Trường cao 75cm, phủ ngoài bằng sơn ta màu trắng. Pho tượng Vũ Khắc Minh cao 57cm, phủ ngoài bằng sơn ta màu đỏ.
Nhà Tổ phía sau Chính điện, chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội
Không gian bên trong nhà Tổ, chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội
Tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh tại nhà Tổ, chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội
Tượng Thiền sư Vũ Khắc Trường tại nhà Tổ, chùa Đậu, Hà Tây, Hà Nội
Ở chùa Đậu có nhiều bia đá từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18.
Trong chùa có chiếc khánh đồng đúc năm 1774 và hai tấm biển gỗ sơn son thiếp vàng khắc bài thơ nôm của chúa Trịnh Căn (vị chúa thứ 4 thời Lê Trung Hưng, trị vì 1682- 1709) và chúa Trịnh Cương (vị chúa thứ 5 thời Lê Trung Hưng, trị vì 1709 – 1729).
Tại đây có sách đồng ghi lịch sử chùa và sự tích Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào Việt Nam, gồm 10 tờ dát mỏng khắc chữ Hán cả 2 mặt, mỗi tờ chiều ngang 0,13m, chiều dọc 0,24m, chiều dày từ 0,07cm đến 0,09cm.
Sách đồng ghi lịch sử chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội
Chùa Đậu hay chùa Pháp Vũ theo dòng thiền Tứ Pháp tại thôn Gia Phú, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội đã trải qua lịch sử hàng trăm năm, được nhiều đời vua coi trọng bởi sự cổ kính và linh thiêng. Chùa được coi là Đệ nhất danh lam thời Hậu Lê (1428–1789).
Chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_%C4%90%E1%BA%ADu_
(H%C3%A0_N%E1%BB%99i)
https://thuongtin.hanoi.gov.vn/di-tich-danh-thang/-/view_content/2268537
-chua-dau-kien-truc-nghe-thuat-goi-nho-cac-vuong-trieu.html
https://giacngo.vn/tuvien/chuavntrongnuoc/2009/01/07/7B4611/
Xem video giới thiệu chùa tại đây
Xem bài viết về chùa Dâu, Bắc Ninh tại đây
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|
Cập nhật ( 09/04/2020 )
|
Tin mới đưa:- Samarkand – Ngã tư văn hóa, Uzbekistan
- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
Tin đã đưa:- Chùa Thày, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội
- Chùa Tây Phương, Thạch Thất, Hà Nội
- Chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hà Nội
- Chùa Chuông, Khu di tích Phố Hiên, Hưng Yên, Việt Nam
- Chùa Mía, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, Việt Nam
- Chùa Phổ Minh, Nam Định, Việt Nam
- Chùa Keo, Vũ Thư, Thái Bình, Việt Nam
- Trung tâm Direzionale di Fontivegge, Perugia, Ý - KTS Aldo Roosi
- Chùa Bà Đanh, Kim Bảng, Hà Nam
- Chùa Một Cột, Ba Đình, Hà Nội
- Chùa Kiến Sơ, Gia Lâm, Hà Nội
- Làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, Việt Nam
- Chùa Vĩnh Nghiêm, Yên Dũng, Bắc Giang
- Nhà thi đấu quốc gia Yoyogi, ToKyo – KTS Kenzo Tange
- Kim tự tháp kính Louvre, Pari – KTS Leoh Minh Pei
|