Thông tin chung:
Công trình: Chùa Thầy (Thay Temple, Hanoi, Vietnam)
Địa điểm: Xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội, Việt Nam
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô:
Thời gian hình thành: Thế kỷ 11
Giá trị: Di tích quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử, Kiến trúc nghệ thuật năm 2014)
Chùa Thầy (còn gọi là chùa Thiên Phúc) là một ngôi chùa nổi tiếng ở chân núi Sài Sơn, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy, nên chùa được gọi là chùa Thầy.
Theo truyền thuyết, núi Sài là một trong 18 ngọn núi (“Thập bát tú sơn”) chầu về, án ngữ cho tổ sơn Tản Viên. Núi Sài Sơn hình vòng cung cao khoảng 100m từ Sài Sơn kéo xuống tận Hoàng Xá với bán kính trên 3km. Trên núi có nhiều loại cây cổ thụ, nhiều loại cây thuốc quý và nhiều hang động nổi tiếng.
Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý (năm 1009 -1225).
Chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội) gắn liền với giai đoạn đầu, còn chùa Thầy lại chứng kiến quãng đời sau cho đến ngày thoát xác của Thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Từ Đạo Hạnh (1072- 1116), tục gọi là Đức Thánh Láng, là một thiền sư người Việt thời nhà Lý. Cuộc đời ông được ghi lại dưới nhiều màu sắc huyền toại. Truyền thuyết nổi tiếng nhất là việc ông hóa thân thành con trai của Sùng Hiền hầu là Lý Dương Hoán, chính là Lý Thần Tông (vị hoàng đế thứ 5 triều Lý, trị vì năm 1128 – 1138) sau này.
Dân chúng lập đền thờ ông tại chùa Thày và chùa Láng, chùa Nền (Đống Đa, Hà Nội). Hàng năm, lễ hội chùa Thầy được mở vào ngày 7/3 âm lịch, tương truyền là ngày ông viên tịch.
Ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì.
Vua Lý Nhân Tông (vị hoàng đế thứ 5 triều Lý, trị vì năm 1072- 1128) đã cho xây dựng lại, gồm hai cụm chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới (Thiên Phúc Tự).
Đầu thế kỷ 17, chùa được trùng tu, mở rộng, xây dựng đền thờ Phật, thờ Thánh, nhà Mẫu, nhà Tổ, nhà Bia, lầu Chuông, lầu Trống…
Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam.
Phía trước chùa Thiên Phúc Tự
Hồ Long Chiểu và Thủy đình
Phía trước chùa Dưới hay Thiên Phúc tự là một sân rộng nhìn ra hồ Long Chiểu (Long Trì – ao rồng), tạo thành hình tượng hàm của con rồng.
Giữa hồ Long Chiểu có Thủy đình, ví như viên ngọc giữa miệng rồng, được xây dựng vào đời nhà Mạc (1527- 1683). Thủy đình có mặt bằng hình vuông, nền móng được xây dựng bằng đá ong, mặt nền lát gạch Bát Tràng, kiến trúc kiểu chồng diêm 2 tầng, 8 mái. Công trình có vai trò là một tam quan mang tính tượng trưng, đặt giữa hồ nước. Sau này, người ta đã xây ba mặt tường của Thuỷ đình để làm nơi biểu diễn rối nước trong mỗi kỳ lễ hội. Hình thức nghệ thuật dân gian này được cho là khởi nguồn từ Thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Sơ đồ mặt bằng chùa Thiên Phúc, quần thể chùa Thày, Hà Nội
Toàn cảnh chùa Thiên Phúc Tự, quần thể chùa Thày, Hà Nội
Hồ Long Chiểu và Thủy đình, chùa Thiên Phúc, quần thể chùa Thày, Hà Nội
Cầu Nhật Tiên, Nguyệt Tiên
Từ sân chùa có hai cầu là Nhật Tiên và Nguyệt Tiên nối sang hai bên, tạo thành hai râu rồng.
Tương truyền hai cây cầu này do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613) xây dựng vào năm 1602.
Cầu Nhật Tiên nằm bên trái chùa đi ra đảo nơi có đền thờ Tam phủ.
Cầu Nguyệt Tiên ở bên phải chùa nối với bờ hồ và đường lên núi.
2 cầu có kiến trúc kiểu “thượng gia hạ kiều” hay dưới là cầu, trên là nhà. Móng cầu xây bằng đá ong, với 3 vòm cuốn. Sàn cầu lát gạch Bát Tràng màu đỏ. Cầu rộng khoảng 2,7m.
Đền Tam phủ
Cầu Nhật Tiên nối sang một hòn đảo nhỏ, trên đảo có đền thờ Tam phủ. Đền là một tòa nhà 3 gian, 4 mái, dài 7m, rộng 5m, tường bao quanh được xây bằng đá ong màu nâu thẫm. Công trình được xây dựng vào đầu thời Nguyễn, thế kỷ
Cầu Nhật Tiên dẫn vào đền Tam phủ, chùa Thiên Phúc, quần thể chùa Thày, Hà Nội
Cầu Nguyên Tiên nối với bờ hồ và đường lên núi, chùa Thiên Phúc, quần thể chùa Thày, Hà Nội
Chùa Dưới – Thiên Phúc tự
Chùa Dưới (chùa Cả, chùa Thiên Phúc) là một quần thể kiến trúc tạo thành thế “ Nội tiền công, hậu nhất, ngoại quốc”, gồm 3 tòa Tiền tế, Trung đường và Hậu đường song song với nhau. Tòa Tiền tế và Trung đường nối với nhau bằng tòa Thiêu hương tạo thành một cụm nhà phía trước hình chữ “công” hay chữ H. Bao xung quanh 3 tòa là 2 dãy hành lang Tả vu, Hữu vu và nhà Tổ, nhà Mẫu, tháp Chuông, tháp Trống tạo thành hình chữ quốc hay hình vuông.
Phối cảnh chùa Thiên Phúc với 3 tòa Tiền tế, Trung đường, Hậu đường, quần thể chùa Thày, Hà Nội
Tòa Tiền tế
Tòa Tiền tế (còn được gọi là chùa Hạ) là nơi bày tượng Đức ông, Thánh hiền, gồm 3 gian 2 chái, dài 20m, rộng 9,5m, cao 5,2m với 8 cột cái và 16 cột quân. Công trình dựng trên nền cao khoảng 1m so với sân chùa.
Tòa Tiền tế, chùa Thiên Phúc, quần thể chùa Thày, Hà Nội
Ban thờ bày tượng Đức Ông, Thánh Hiền tại nhà Tiền tế, chùa Thiên Phúc, quần thể chùa Thày, Hà Nội
Tòa Thiêu hương
Tòa Thiêu hương nối tòa Tiền tế và Trung đường là nơi đặt tượng Bát bộ Kim Cương. Tòa có 2 mái, dài 4,1m, rộng 4,5m.
Tượng Bát bộ Kim cương tại tòa Thiêu hương, chùa Thiên Phúc, quần thể chùa Thày, Hà Nội
Tòa Trung đường
Tòa Trung đường (chùa Trung, điện Phật) đặt bàn thờ Phật, hai bên có hai tượng Hộ pháp, tượng Thiên vương. Tượng Hộ pháp tại đây được cho lớn nhất trong các ngôi chùa Việt Nam, cao gần 4m.
Tòa Trung đường có cấu trúc tương tự như tòa Tiền tế, gồm 3 gian, 2 chái, dài 20m, rộng 9,5m, cao 5,5m với 8 cột cái và 16 cột quân. Nền tòa Trung đường cao hơn so với nền tòa Tiền tế khoảng 0,5m.
Ban thờ Tam Thế Phật tại tòa Trung đường, chùa Thiên Phúc, quần thể chùa Thày, Hà Nội
Tượng Hộ pháp và tượng Thiên vương tại tòa Trung đường, chùa Thiên Phúc, quần thể chùa Thày, Hà Nội
Tòa Hậu đường
Tòa Hậu đường (chùa Thượng) còn có tên là Đại hùng Bảo điện (điện Thánh) nằm tách khỏi cụm công trình phía trước, được xây dựng trên nền cũ của ngôi chùa thời Lý, là nơi thờ Từ Đạo Hạnh và phụ mẫu của ông.
Công trình được trùng tu lớn vào thế kỷ 17 và tiếp tục được sửa chữa vào những năm sau này.
Tòa Hậu đường gồm 3 gian, 2 chái, dài 14,7m, rộng 11,7m, cao 6m, đặt trên nền cao hơn tòa Trung đường 0,95m với 7 bậc đá hẹp.
Quanh nền chùa được kè, xếp đá xen lẫn chậu cảnh.
Toàn bộ khung chịu lực gồm 4 cột cái (đường kính 0,5m) và 16 cột quân (đường kính 0,45m). Tất cả các cột đều được kê trên các tảng đá hình vuông có kích thước 0,9x0,9m. Trong số 4 cột cái có hai chiếc cột còn sót lại từ thời nhà Trần với 800 năm tuổi. Hai chiếc cột này, một chiếc bằng gỗ pơ mu và một chiếc bằng gỗ chò chỉ, được đánh giá là hai chiếc cột gỗ cổ nhất Việt Nam.
Vì kèo của hai gian giữa có khẩu độ rộng bất thường so với các kiến trúc khác của ngôi chùa Việt, khoảng cách giữa cột cái là 6m, giữa cột cái và cột quân 2,9m.
Mặt trước tòa Hậu đường, chùa Thiên Phúc, quần thể chùa Thày, Hà Nội
Mặt sau tòa Hậu đường, bên cạnh là gác Trống, chùa Thiên Phúc, quần thể chùa Thày, Hà Nội
Ban thờ chính tại Hậu đường, chùa Thiên Phúc, quần thể chùa Thày, Hà Nội, gồm bộ tượng Di đà Tam tôn và phía trước là tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh trong kiếp Phật
Tòa Hậu đường là nơi lưu giữ các pho tượng đẹp nhất tại quần thể chùa Thầy.
Trên cao nhất là tượng Di Đà Tam tôn, bên phải là tượng Quán Thế Âm, bên trái là tượng Đại Thế Chí. Ba pho tượng, mỗi pho một vẻ không giống nhau, tạo thành một bộ tượng đặc biệt.
Phía dưới tượng Di Đà Tam tôn, chính giữa là tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh trong kiếp Phật. Tượng được tạc vào thế kỉ 19, ngồi xếp bằng tròn trên một bệ hoa sen còn lại từ đời Lý. Bệ hoa sen đặt trên một con sư tử cuộn tròn, dưới con sư tử là một bệ bát giác. Bên phải tượng Từ Đạo Hạnh là tượng Thiền sư ở kiếp Vua (Lý Thần Tông). Bên trái là tượng Từ Đạo Hạnh là tượng Thiền sư ở kiếp Thánh, bên trong một khám gỗ. Tượng có cốt bằng tre, có thể cử động được, theo cách thức làm tượng rối nước dân gian. Trong tòa Hậu đường còn có tượng ông Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan, là cha mẹ Từ Đạo Hạnh và hai bạn đồng đạo thân thiết của Ngài là Thiền sư Minh Không và Thiền sư Giác Hải.
Các hạng mục công trình khác
Hai bên Tam tòa (Tiền đường, Thiêu hương, Trung đường) và Hậu đường là dãy hành lang dài 30m, rộng 2,8m. Mỗi hành lang được chia làm 13 gian, thờ 18 vị La Hán. Đầu hồi phía sau của hành lang nối liền với gác Chuông, gác Trống.
Phía sau cùng của quần thể chùa Thiên Phúc là dãy nhà Mẫu, nhà Tổ, nhà Khách, nối dãy Tả vu, Hữu vu tạo thành hệ thống hành lang bao quanh chùa.
Tượng Phật Bà Quan Âm Tống Tử, tại gian thờ Mẫu, chùa Thiên Phúc, quần thể chùa Thày, Hà Nội
Tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh trong gian thờ Tổ, chùa Thiên Phúc, quần thể chùa Thày, Hà Nội
Gian thờ Mẫu, thờ Tổ phía sau chùa Thiên Phúc, quần thể chùa Thày, Hà Nội
Nhà thờ Mẫu, thờ Tổ, tòa Tả vu, Hữu vu và gác Chuông, gác Trống tạo thành hàng lang bao quanh chùa
Tòa Tả vu - hành lang bên trái chùa Thiên Phúc, bên trong bày các vị La Hán, quần thể chùa Thày, Hà Nội
Mặt ngoài tòa Tả Vu, bên trái chùa Thiên Phúc, quần thể chùa Thày, Hà Nội
Chùa Cao – Đỉnh Sơn tự
Qua cầu Nguyệt Tiên là con đường lên núi tới chùa Cao hay chùa Đỉnh Sơn.
Chùa Cao vốn là Hiển Thụy am, nơi ban đầu Thiền sư Từ Đạo Hạnh đến tu tập.
Trên đỉnh núi có một phiến đá nhẵn được gọi là bàn cờ tiên và nhiều hang động, trong đó có động Phật Tích, tương truyền là nơi Từ Đạo Hạnh thoát xác để đầu thai làm vua Lý Thần Tông, nên còn gọi là hang Thánh Hóa.
Tại chùa Cao cũn có các pho tượng đẹp như bộ tượng về Thiền sư Từ Đạo Hạnh trong kiếp Phật; kiếp Thánh và kiếp Vua.
Ngoài ra, trên núi còn có các di tích như hang Bụt Mọc, hang Bò, hang Gió. Chân núi phía Tây còn có chùa Bối Am (còn gọi là chùa Một Mái, do mặt sau chùa dựa vào vách núi).
Lối lên chùa Cao, quần thể chùa Thày, Hà Nội
Chùa Cao, quần thể chùa Thày, Hà Nội
Văn bia ký tự Hán Nôm trên vách núi, chùa Cao, quần thể chùa Thày, Hà Nội
,
Nằm bên cạnh chùa Cao là hang Thánh Hóa – là nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh thoát xác, quần thể chùa Thày, Hà Nội
Thống kê Di sản văn hóa
Chùa Thày là một trong những trung tâm Phật giáo cổ và lớn nhất tại Kinh đô Thăng Long, có quan hệ đặc biệt với các Hoàng gia triều Lý, hậu Lê nên chùa Thầy có số lượng di sản văn hóa vừa nhiều về số lượng vừa trải đều qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn. Đây là ngôi chùa có tính bảo lưu một cách liên tục nhất các di vật văn hóa, nghệ thuật từ thời Lý:
- Cột gỗ Kim Giao: 2 cây cột nằm trong tòa Hậu đường của chùa Thiên Phúc. Đây là 2 cây cột cái nguyên bản bằng gỗ quý từ khi xây chùa vẫn được giữ lại sau các đợt trùng tu, có tuổi khoảng hơn 940 năm (thời Lý); là cấu kiện kiến trúc bằng gỗ cổ nhất Việt nam;
- Bệ đá tượng Tổ Sư: gồm 1 tòa sen phía trên của một con sư tử cuộn tròn, phía dưới là phần chân đế, đây là tòa sen đá thời Lý còn nguyên vẹn hiếm có tại Việt Nam.
- Tảng đá Trấn Trạch: 1 tảng đá ở phía sau tòa Hậu đường; 1 tảng đá dưới nền của tòa Trung đường. Tương truyền do Tổ sư Từ Đạo Hạnh "trấn" để cho Long Vương không dâng nước cuốn gỗ của chùa và kẻ trộm không nhòm ngó các đồ của nhà chùa. Người dân thường xoa các tảng đá này để cầu may.
- Bệ đá kép "Bách Hoa Đài ": là một trong 7 bệ đá đời Trần ở Việt Nam. Đây là bệ lớn nhất về kích thước và là bệ đá "kép", gồm 2 tầng duy nhất còn tồn tại.
Bệ đá kép thời Trần tại tại tọa Hậu đường, chùa Thiên Phúc, quần thể chùa Thày, Hà Nội
- 7 nhang án: cái cổ nhất là ở gian giữa tòa Hậu đường, khoảng 500 năm, mép bên phải bị vẹt và nhẵn vì tay người vịn vào khi dâng hương lễ Phật.
- Sập thờ: bằng gỗ tại gian thờ vua ở tòa Hậu đường, cao 0,65m, dài 1,7m, rộng 1,25m, niên đại thế kỷ 17.
- Bộ tượng Di đà Tam Tôn: do Trạng Bùng Khắc Khoan cúng tiến năm 1602, là Bảo vật Quốc gia (năm 2015), gồm 3 tượng: Phật A Di Đà, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, đặt tại tòa Hậu đường. Đây là bộ tượng cổ nhất cùng loại, làm bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng; Cổ của các pho tượng khắc chuỗi hạt vô cùng tinh xảo.
Bộ tượng Di đà Tam tôn bài trí tại ban thờ tại tòa Hậu đường, chùa Thiên Phúc, quần thể chùa Thày, Hà Nội
- Tượng vua Lý Thần Tông: do vua Lê Ý Tông (hoàng đế thứ 25 nhà Hậu Lê, trị vì năm 1735- 1740) cúng tiến năm 1735, đặt tại gian bên trái tòa Hậu đường;
- Phượng Hoàng cuốn thư (gỗ): 3 tấm, do vua Lê Ý Tông cúng tiến năm 1735, gian bên trái tòa Hậu đường;
- Tượng Phỗng: 2 tượng, do vua Lê Ý Tông cúng tiến năm 1735, gian bên trái tòa Hậu đường;
- Hạc gỗ: 2 tượng, thế kỷ 18, tại tòa Hậu đường;
- Khám thờ: thế kỷ 16, cao 3m, dài và rộng 1,83m, tại gian thờ Thánh, bên phải Hậu đường;
- Tượng thân xá lợi Thánh Từ Đạo Hạnh: nguyên trước đây là thân người thật của Thánh, nhưng khi quân Minh (thế kỷ 15) sang xâm lược đã đốt mất. Vào thế kỷ 16, dân dùng mây tre, bện lại mà thành. Tượng đặt trong 1 khám thờ to như cả gian nhà, có cấu trúc như tượng rối, có thể đứng lên ngồi xuống, Sau này Tổng Đốc Sơn Tây Cao Xuân Dục cho cắt dây rối đi để tượng không phải cử động, nhằm tỏ lòng kính trọng Thánh;
- Tượng Từ Đạo Hạnh (kiếp Phật): thế kỷ 19, đặt tại gian giữa tòa Hậu đường, trên bệ đá cổ thời Lý;
- Ngai thờ cha mẹ Thánh Từ Đạo Hạnh: thế kỷ 14, nằm trên điện Khải Thánh của chùa Đỉnh Sơn, là di vật bằng gỗ từ thời Trần;
- 26 đạo sắc phong: từ thế kỷ 17 – 20;
- 4 rồng đá: thời nhà Trần, đặt tại 2 bên Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều;
- Chuông đồng: năm 1794, thời Tây Sơn, cao 1,75m, đỉnh rộng 0,44m, miệng rộng 0,93m, quai chuông rồng cuốn đời Lê cao 0,55m;
- 2 Khánh đồng: 1 đặt tại tháp Chuông, 1 đặt tại tòa Tiền tế;
Ngoài ra tại đây còn có nhiều tượng Phật khác, được dựng từ thế kỷ 16 -20; 7 Bia đá, thế kỷ 17 -18; Giá kiếm, đao, thế kỷ 17; Hoành phi, câu đối, cửa võng, bát nhang, kiệu, long đình, lọng, đồ tế lễ…
|
|
Tượng Từ Đạo Hạnh trong kiếp Phật và tượng Từ Đạo Hạnh trong kiếp Vua, chùa Thiên Phúc, quần thể chùa Thày, Hà Nội
Hai tượng Phỗng thế kỷ 18, chùa Thiên Phúc, quần thể chùa Thày, Hà Nội.
Trang trí trên cửa, chùa Thiên Phúc, quần thể chùa Thày, Hà Nội.
Quần thể chùa Thày gắn liền với sự tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, thể hiện đức tin của Thần đạo Việt Nam về mối quan hệ giữa Con người – Thánh Thần - Đức Phật.
Quần thể chùa Thày (cùng với các di tích tại khu núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách), huyện Quốc Oai, Hà Nội có ảnh hưởng lớn đến tiến trình lịch sử vùng đồng bằng Bắc Bộ; là quần thể công trình kiến trúc, nghệ thuật được bảo lưu một cách liên tục và có giá trị tiêu biểu trải đều qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_t%C3%ADch_qu%E1%BB%91c_gia_%C4%91%E1%BA%
B7c_bi%E1%BB%87t
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_Th%E1%BA%A7y
https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%AB_%C4%90%E1%BA%A1o_H%E1%BA%A1nh
http://dsvh.gov.vn/di-tich-lich-su-va-kien-truc-nghe-thuat-chua-thay-va-khu-vuc-nui-da-sai-
son,-hoang-xa-phuong-cach-1252
http://vietlandmarks.com/module/groups/action/view/id/185/album/0
Xem video giới thiệu chùa tại đây
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|