Thông tin chung:
Công trình: Chùa Kiến Sơ, Gia Lâm, Hà Nội
Địa điểm: xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, Việt Nam
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô:
Thời gian hình thành:
Giá trị: Nơi khởi nguồn của thiền phái Vô Ngôn Thông, Phật giáo Việt Nam
Chùa Kiến Sơ tọa lạc tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Chùa được cho là khởi dựng vào những năm đầu thế kỷ thứ 9 và là nơi khởi phát của thiền phái Vô Ngôn Thông.
Một số thiền phái Việt Nam
Thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi
Thiền phái được sáng lập bởi Tì-ni-đa-lưu-chi (? – 594, người Ấn Độ). Thiền sư sang Việt Nam khoảng năm 580, ở tại chùa Pháp Vân (hay chùa Dâu), Bắc Ninh. Tại đây thiền sư dịch bộ kinh có tên “Tượng đầu tinh xá” từ Trung Quốc.
Dòng thiền Tì-ni-đa Lưu-chi lấy kinh Tượng đầu tinh xá làm nền tảng, chú trọng tư tưởng Bát-nhã (Trí huệ, Huệ, Nhận thức, một khái niệm trung tâm của Phật giáo Đại thừa) và tu tập thiền quán; để lại ảnh hưởng rất lớn đến các đời vua nhà Lý.
Thiền phái này truyền được 19 đời, kết thúc năm 1213.
Thiền phái Vô Ngôn Thông
Thiền phái được sáng lập bởi Vô Ngôn Thông (759 ? – 826, người Trung Quốc). Thiền sư sang Việt Nam khoảng năm 820, ở tại chùa Kiến Sơ, Hà Nội.
Dòng thiền Vô Ngôn Thông chủ trương đốn ngộ (giác ngộ nhanh chóng). Các vị thiền sư dòng Vô Ngôn Thông đều có tâm hồn thi sĩ. Những vị thiền sư quan trọng của dòng thiền này là: Khuông Việt (933 – 1011), Thông Biện (? – 1134), Mãn Giác (1052 – 1096), Minh Không (? - 1141) và Giác Hải (1024 – ?). Riêng thiền sư Không Lộ vừa thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông, vừa thuộc thiền phái Thảo Đường.
Thiền phái này truyền được 17 đời, đến cuối thế kỷ 13.
Thiền phái Thảo Đường
Thiền phái được sáng lập bởi Thảo Đường (997 - ?, người Trung Quốc). Thiền sư là một Quốc sư dưới triều vua Lý Thánh Tông (hoàng đế thứ 3 triều Lý, trị vì năm 1054- 1072), trụ trì chùa Trấn Quốc, Hà Nội.
Dòng thiền Thảo Đường chú trọng thiền học tri thức và thi ca.
Thiền phái này truyền được 5 đời, từ năm 1069 đến 1205.
Thiền phái Trúc Lâm
Thiền phái được sáng lập bởi Trần Nhân Tông (hoàng đế thứ 3 nhà Trần, trị vì 1278 – 1293).
Trúc Lâm vốn là hiệu của Trần Nhân Tông khi xuất gia ở động Vũ Lâm (Ninh Bình), đồng thời cũng là hiệu của Thiền sư Đạo Viên (?, Quốc sư triều Trần), là tiền bối của Trần Nhân Tông và là Khởi tổ thứ hai của dòng thiền này. Vị Khởi tổ thứ nhất là Thiền sư Hiện Quang (? - 1221, là một thiền sư đời thứ 14 của thiền phái Vô Ngôn Thông).
Dòng thiền Trúc Lâm chủ trương tinh thần nhập thế và gắn với bản sắc văn hóa (Thần đạo) Việt Nam; được xem là tiếp nối và hợp nhất của ba dòng thiền Việt Nam thời bấy giờ: Tì-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường.
Thiền phái Trúc Lâm có ba thiền sư kiệt xuất là Nhân Tông (Trúc Lâm Đầu Đà), Pháp Loa (Đồng Kiên Cương, 1284- 1330) và Huyền Quang (Lý Đạo Tái, 1245- 1334), gọi chung là Trúc Lâm Tam tổ. Cả ba vị đều tu và thành đạo tại chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang.
Thiền phái Lâm Tế
Thiền phái được sáng lập bởi Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền (?- 866/867, người Trung Quốc), sau đó lan truyền sang Việt Nam.
Dòng thiền Lâm Tế, đến thế kỷ 12, đã định hình được lối tu tập Thiền công án (giải đáp sự việc không phải bằng lý luận có sẵn mà thường bằng nghịch lý nhằm phá bỏ giới hạn tư duy, chuyển hóa nhận thức lên một cấp độ khác, đi từ giác ngộ đến tỉnh ngộ..,) với biện pháp mãnh liệt như trong chiến trận, không một phút nghỉ ngơi, tập trung tinh thần, lời nói sắc bén…Ban đầu lối tu tập này dành để hướng dẫn các đệ tử với khoảng 1700 công án, về sau lan tới cả giới sĩ phu Nho học và xã hội.
Triết lý của của Lâm Tế tông lan truyền vào Việt Nam từ thời nhà Trần (1225 – 1400).
Đến thế kỷ 17, dòng thiền Lâm tế được thực hành tại miền Bắc Việt Nam bởi Thiền sư Viên Văn Chuyết Chuyết (1590 – 1644, Thiền sư người Trung Quốc). Sau này ông được mời đến trụ trì tại chùa Phật Tích, Bắc Ninh và viên tịch tại đây.
Thiền phái Tào Động
Thiền phái là một trong năm phái thiền Phật giáo quan trọng trong Ngũ gia thất tông- tức là Thiền chính tông của lịch sử Phật giáo Trung Quốc (Quy Ngưỡng tông; Lâm Tế tông; Tào Động tông; Vân Môn tông; Pháp Nhãn tông; Dương Kì phái; Hoàng Long phái). Đây cũng là một trong hai phái thiền tông, cùng với Lâm Tế tông, còn tồn tại và được truyền bá đến ngày nay.
Thiền phái được sáng lập bởi Thiền sư Tào Sơn Bản Tịch (840- 901, là một Thiền sư Trung Quốc).
Dòng thiền Tào Động chủ trương hình thành phong cách tu tập riêng, tạo bởi sự kết nối và hòa hợp nhiều dòng thiền (ví dụ như xu hướng hòa nhập giữa Thiền tông và Tịnh độ).
Đến khoảng giữa thế kỷ 17, dòng thiền Tào Động lan truyền sang Việt Nam.
Chùa Kiến Sơ
Chùa Kiến Sơ nằm tại chân đê, hướng về phía Nam ra sông Đuống. Kề liền bên trái chùa là đền Phù Đổng.
Chưa ai biết chính xác chùa được dựng từ vào năm nào. Chỉ biết rằng năm 820, thiền sư Vô Ngôn Thông từ Trung Quốc sang nước ta, đã tới ở chùa làng Phù Đổng, được vị sư trụ trì tại chùa tôn làm thày. Từ đây, thiền phái Vô Ngôn Thông ra đời.
Chùa Kiến Sơ còn lưu giữ nhiều truyền thuyết về vị vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn, hoàng đế sáng lập nhà Lý, trị vì từ năm 1009 – 1028). Tương truyền, khi Lý Công Uẩn đã từng tu tập tại chùa. Tại đây, ông còn được Thánh Gióng báo mộng về sự hình thành và kết thúc của nhà Lý. Khi lên làm vua, Lý Thái Tổ rời đô về Thăng Long và cho trùng tu chùa và đền Phù Đổng cạnh đó. Vua cũng nhiều lần đến thăm chùa, và mời thiền sư Đa Bảo (là đời thứ 5 dòng thiền Vô Ngôn Thông) về Thăng Long bàn luận.
Cuối thế kỷ 13, khi dòng thiền Vô Ngôn Thông suy thoái, chùa trở thành nơi thờ cả Tam giáo: Phật, Lão, Khổng.
Có thời điểm chùa có hơn một trăm tăng đồ.
Chùa đã được trùng tu nhiều lần. Di tích cổ còn rất ít.
Chùa mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn, có bố cục theo kiểu “nội công, ngoại quốc” gồm: Nghi môn ngoại, Nghi môn nội, Chính điện, Tả vu, Hữu vu và các công trình phụ trợ khác.
Sơ đồ vị trí chùa Kiến Sơ và đền Gióng, Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội
Tổng mặt bằng chùa Kiến Sơ (bên trái ảnh) và đền Gióng Phù Đổng (bên phải ảnh)
Nghi môn ngoại
Nghi môn ngoại của chùa Kiến Sơ dùng chung với đền Phù Đồng kề liền, nằm trên trên đường dốc từ trên đê sông Đuống xuống.
Nghi môn gồm 4 trụ biểu. Hai trụ biểu giữa cao, đỉnh trụ trang trí tứ phượng; Hai trụ biểu hai bên thấp, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu. Cả 4 trụ biểu đều có thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, phía dưới trang trí câu đối. đế thắt dạng cổ bồng. Giữa hai trụ biểu chính là cổng. Hai bên là bức tường giữa 2 trụ biểu.
Nghi môn ngoại chùa Kiến sơ và đền Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội
Nghi môn nội
Nghi môn nội của chùa Kiến Sơ nằm trên một bề nền cao 1 bậc so mới mặt sân.
Nghi môn nội là một tòa 3 gian, 2 dĩ, đầu hồi bít đốc, mái chồng diêm 2 tầng 4 mái. Đầu hồi Nghi môn có hai trụ biểu nhô ra. Đầu trụ biểu trang trí con nghê chầu.
Sau Nghi môn nội đến ao chùa, có mặt bằng gần vuông, lan can hoa bao quanh, bên trong thả sen.
Lối vào chùa là hai con đường nhỏ đi vòng quanh ao.
Ngoài Nghi môn ngoại và nội xưa, chùa mới có thêm một Nghi môn phụ mở về hướng Tây Nam.
Nghi môn nội chùa Kiến Sơ, Gia Lâm, Hà Nội
Bên trong Nghi môn nội chùa Kiến Sơ, Gia Lâm, Hà Nội
Ao trước Chính điện, chùa Kiến Sơ, Gia Lâm, Hà Nội
Đường vào Chính điện chùa Kiến Sơ, Gia Lâm, Hà Nội
Nhìn từ Chính điện ra phía Nghi môn nội, chùa Kiến Sơ, Gia Lâm, Hà Nội
Chính điện
Trước tòa Chính điện là một sân rộng, lát gạch.
Bên phải sân bày một chiếc khánh và giá treo hoàn toàn bằng đá, ghi niên đại gần 400 năm. Khánh đá tạc thô sơ, bề ngang 2,3m, cao 0,60m, dày 0,17m.
Bên trái sân có một tấm bia lớn phủ rêu xanh, mưa gió đã làm mòn hết chữ.
Giữa sân còn dựng một cây hương đá, 4 mặt, đỉnh trụ là một bệ hình hoa sen đỡ một lư hương.
Bia đá cổ trong sân trước Chính điện chùa Kiến Sơ, Gia Lâm, Hà Nội
Khánh đá tại sân trước Chính điện, chùa Kiến Sơ, Gia Lâm, Hà Nội
Trụ hương phía trước Chính điện chùa Kiến Sơ, Gia Lâm, Hà Nội
Chính điện chùa Kiến Sơ có bố cục hình “chữ công” hay chữ H gồm Tiền đường, Thiêu hương và Hậu điện.
Tiền đường là một tòa 5 gian, 2 chái, đầu hồi bít đốc 2 mái. Đầu hồi cũng nhô ra hai trụ biểu tương tự như tại Nghi môn nội.
Thiêu hương là một tòa 2 gian đặt dọc nối Tiền đường và Hậu điện.
Hậu điện là một tòa 3 gian, 4 mái, đặt trên một bệ nền cao. Đây là nơi đặt ban thờ Phật với 7 lớp tượng theo triết lý nhà Phật. Từ lớp tượng trên cùng là Tam Thế Phật đến lớp tượng dưới cùng là tòa Cửu Long với tượng Thích Ca sơ sinh. Tượng có niên đại thế kỷ 17, được làm từ chất liệu đất thó, sơn son thếp vàng.
Hai bên ban thờ Phật tại Tam bảo là các ban thờ, trong đó có tượng Thiền sư Vô Ngôn Thông, tượng Lý Công Uẩn và thân mẫu của ông.
Hai bên Chính điện có hai tòa Tả vu và Hữu vu.
Tòa Tiền đường chùa Kiến Sơ, Gia Lâm, Hà Nội
Tòa Thiêu hương (bên trái ảnh) nối với tòa Hậu đường và tòa Tả vu (bên phải ảnh), chùa Kiến Sơ, Gia Lâm, Hà Nội
Mặt sau tòa Hậu đường, chùa Kiến Sơ, Gia Lâm, Hà Nội
Bên trong tòa Tiền đường, chùa Kiến Sơ, Gia Lâm, Hà Nội
Bên trong tòa Thiêu hương, chùa Kiến Sơ, Gia Lâm, Hà Nội
Tượng Phật bên trong Hậu đường, chùa Kiến Sơ, Gia Lâm, Hà Nội
Tượng thờ thiền sư Vô Ngôn Thông, tại Hậu đường chùa Kiến Sơ, Gia Lâm, Hà Nội
Tượng thờ vua Lý Công Uẩn tại Hậu đường chùa Kiến Sơ, Gia Lâm, Hà Nội
Hệ thống tượng thờ bên trong tòa Tả vu, Hữu vu chùa Kiến Sơ, Gia Lâm, Hà Nội
Sân sau Chính điện có Gác chuông, 3 gian, mái chồng diêm gian giữa, tạo thành 8 mái.
Ngay phía sau Chính điện còn có 5 tòa Động Tiên hay động Liên Hoàn. Động xây vào thế kỷ 18, được tạo bằng đất thó, có tuổi hơn 200 năm, là tác phẩm nghệ thuật nhân tạo cổ xưa với kích thước lớn nhất Việt Nam: dài 8m, cao 3m, dày 2m. Bên trong 5 gian động là các điêu khắc về sự tích nhà Phật.
Ngoài hệ thống tượng Phật, tại chùa Kiến Sơ có cả tượng Lão Tử, Khổng Tử, thể hiện triết lý Tam giáo đồng nguyên theo ảnh hưởng mạnh mẽ của tôn giáo phương Bắc thời bấy giờ, sau khi thiền phái Vô Ngôn Thông suy thoái.
Năm 1971, xảy ra một trận lụt, tượng Khổng tử, Lão tử và một số vị La Hán đã không còn.
Gác chuông chùa Kiến Sơ, Gia Lâm, Hà Nội
Tượng Bồ Đề Đạt Ma và chư Phật tại 5 tòa Động Tiên, chùa Kiến Sơ, Gia Lâm, Hà Nội
Chùa Kiến Sơ là một trong những ngôi chùa cổ danh tiếng bậc nhất ở Việt Nam về Dân tộc và Đạo pháp, gắn liền với lịch sử hình thành triều đại nhà Lý và Anh hùng dân tộc Việt Nam Lý Công Uẩn; là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Đại Việt với thiền phái Vô Thông Ngôn, cùng chùa Dâu (Bắc Ninh) với thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi, chùa Trấn Quốc (Hà Nội) với thiền phái Thảo đường…Chùa được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia vào năm 1975.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_Ki%E1%BA%BFn_S%C6%A1
http://vietlandmarks.com/module/groups/action/view/id/1315/album/141
https://giacngo.vn/tuvien/chuavntrongnuoc/2010/07/14/527253/
https://www.youtube.com/watch?v=OVp6vbrxXU8
http://360.hncity.org/?Chua-Kien-So-Phu-%C4%90ong
Xem video chùa Kiến Sơ tại đây
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|