Tuần 13 - Ngày 03/11/2024
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Chùa Vĩnh Nghiêm, Yên Dũng, Bắc Giang |
24/11/2012 |
Thông tin chung:
Công trình: Chùa Vĩnh Nghiêm (Vinh Nghiem Temple, Bac Giang Province, Vietnam)
Địa điểm: Huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, VIệt Nam (21°12′53″B 106°19′25″Đ)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô:
Thời gian hình thành: Thế kỷ 11
Giá trị: Di tích Quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, năm 2015); Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương (năm 2012).
Chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng từ đầu thời Lý Thái Tổ (hoàng đế sáng lập nhà Lý, trị vì năm 1009-1028), còn có tên gọi là Chúc Thánh thiền tự, toạ lạc tại thôn Đức La (trong dân gian quen gọi là chùa Đức La), xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Chùa nhìn ra ngã ba Phượng Nhỡn, nơi hội tụ giữa sông Thương và sông Lục Nam, tựa lưng vào dãy núi Cô Tiên, bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo - đền Kiếp Bạc.
Chùa được hoàn thành vào năm 1016, vị trụ trì đầu tiên là Thiền sư Vạn Hạnh (năm 938- 1018).
Thời vua Trần Thánh Tông (hoàng đế thứ 2 triều Trần, trị vì 1258 – 1278), chùa đều có các vị cao tăng tu hành nên được tôn tạo nguy nga, tráng lệ.
Thời Trần Nhân Tông (hoàng đế thứ 3 triều Trần, trị vì 1278- 1293), chùa được sửa sang, trùng tu và đổi tên là chùa Vĩnh Nghiêm (Vĩnh Nghiêm tự) với mong muốn ngôi chùa mãi mãi trường tồn, mãi mãi tôn nghiêm.
Cả 3 vị Tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm là Hương Vân Trần Nhân Tông (vị tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm), Pháp Loa (1284- 1330, tổ sư thứ 2 của Thiến phái Trúc Lâm); và Huyền Quang (1254- 1334, trạng nguyên khoa thi năm 1272, tổ thứ 3 của Thiến phái Trúc Lâm) đều thụ giới ở chùa Vĩnh Nghiêm. Chùa trở thành làm trung tâm Phật giáo thời Trần, là nơi đào tạo tăng đồ trong suốt gần 8 thế kỷ, góp phần hình thành và phát triển Phật phái Trúc Lâm Yên Tử.
Từ trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm, tư tưởng của dòng thiền này lan rộng khắp các miền trong cả nước và lan tỏa ra khu vực và thế giới.
Chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những Thánh tích quan trọng bậc nhất của Phật giáo Việt Nam nói chung, của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng, được coi là trường Đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam.
Sau này, một số vị sư từ miền Bắc vào Nam đã cho xây dựng một ngôi chùa Vĩnh nghiêm thứ hai tại Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Sơ đồ mặt bằng chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang
Phối cảnh tổng thể chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang
Chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Vĩnh Nghiêm trải qua gần một thiên niên kỷ với nhiều lần trùng tu, tôn tạo.
Chùa ngày nay là sản phẩm của triều đại Lê Trung Hưng và triều Nguyễn.
Để đáp ứng nhu cầu thờ Phật và nơi đào tạo tăng đồ của cả nước, chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng với quy mô lớn.
Quần thể chùa được sắp xếp trong một không gian hình chữ nhật, trải theo một trục dọc, hướng Đông Nam, gồm các khối: Tam quan; Tam tòa (hay Chính điện); Nhà thờ tổ đệ nhất; Gác chuông; Nhà thờ tổ đệ nhị; Các công trình khác như Nhà Vong; Tượng Phật Quan Âm; Tả hữu hành lang; Nhà in và nhà lưu giữ, trưng bày mộc bản…
Tam quan của Vĩnh Nghiêm mới được trùng tu, trên nền cũ, dài 7m, rộng 5m, được xây kiểu chồng diêm gồm 1 gian, 2 chái với hai tầng, tám mái đao cong. Các đầu đao được đắp trang trí hình đầu rồng. Tòa kiến trúc này được phục dựng lại vào năm 1993-1994.
Từ đây đi vào 100m là Tam tòa. Trên sân chùa có một tấm bia to, 6 mặt, dựng năm 1606 với nội dung ghi lại việc trùng tu chùa năm đó. Đối diện với tấm bia cổ là vườn tháp mộ của các vị sư tu hành tại đây.
Tam tòa có mặt bằng kiểu chữ "Công" (工), gồm 3 công trình: Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện. Đây là một tổ hợp công trình thờ Phật theo phái Đại Thừa (Phật giáo Bắc Tông, thờ nhiều Phật, Bồ tát và hành giả).
Tiền đường gồm 5 gian 2 chái, 4 mái. Nối giữa Tiền đường với Thượng điện là Thiêu hương, 3 gian.
Thượng điện ở trong cùng, 3 gian.
Trong Tam tòa, nền nhà vẫn là nền đất nện từ lâu đời, là một điều hiếm có trong các ngôi chùa cổ Việt Nam. Trong giới nhà Phật, nền đất nện có ý nghĩa như là một chất liệu tạo sự hòa hợp âm dương. Cả 3 khối công trình trong Tam tòa đều có các cửa võng, được chạm khắc hoa lá, chim muông và sơn son thiếp vàng, trên là các hoành phi đại tự lớn.
Nhà thờ Tổ đệ nhất nằm phía sau Tam tòa, cũng có bố cục 3 công trình theo kiểu chữ “Công” nhưng thấp và nhỏ hơn, gồm Tiền đường 3 gian 2 chái; Thiêu hương 2 gian; Hậu cung 1 gian, 2 chái. Đây là nơi thờ Hương Vân Trần Nhân Tông. Tượng ba tổ Trúc Lâm đặt ở hậu cung, trên có tấm hoành phi "Trúc Lâm hội Thượng".
Gác chuông nằm phía sau nhà thờ Tổ đệ nhất, cao 2 tầng, 8 mái, bên trong treo một quả chuông lớn đúc năm 1830. Kiến trúc lầu chuông được kết hợp giữa cấu trúc gỗ và gạch.
Nhà thờ Tổ đệ nhị nằm sau Gác chuông, gồm 2 dãy: Bái đường 11 gian và Hậu cung, là nơi thờ các vị tổ sư kế tiếp ba vị tổ sư khai sáng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Hai bên khối công trình chính có Tả vu và Hữu vu. Mỗi dãy gồm 18 gian. Tại đây không đặt các tượng La Hán như nhiều chùa khác.
Chùa Vĩnh Nghiêm có hệ thống di vật rất đa dạng.
Hệ thống tượng thờ với hơn 100 pho tượng, phong phú về hình dáng và hoàn chỉnh về hình thức, vị trí, chức năng với tượng Phật, tượng các vị Tổ dòng Trúc Lâm, tượng các vị sư Tổ, tượng Hộ pháp, tượng La Hán… Điêu khắc tượng tròn ở chùa Vĩnh Nghiêm chiếm một vị trí đặc biệt về giá trị mỹ thuật tiêu biểu thời Nguyễn.
Trong chùa hệ thống hoành phi - câu đối, đồ thờ tự cũng rất đa đạng độc đáo.
Tam quan chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang
Sân trước Tam tòa, chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang
Tòa Tiền đường, một trong ba công trình của Tam tòa, chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang
Bên trong tòa Tiền đường, tại Tam tòa, chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang
Tượng thờ bên trong tòa Tiền đường, tại Tam tòa, chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang
Bên trong Thượng điện, thuộc Tam tòa, chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang
Phối cảnh cụm công trình Nhà thờ Tổ đệ nhất, phía sau Tam tòa, chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang
Phối cảnh cụm công trình Nhà thờ Tổ đệ nhất, nhìn từ Tháp chuông 2 tầng, chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang
Bên trong Nhà thờ Tổ đệ nhất, chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang
Tượng thờ các vị Tổ Sư dòng phái Trúc Lâm trong chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang
Tòa Tả vu và sân chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang
Một bia đá 6 mặt tại chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang
Vườn mộ tháp, chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được tổ chức UNESCO công nhận là là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2012.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm không chỉ là hệ thống bản khắc hình, chữ truyền bá Phật pháp bằng văn bản, mà còn là một tác phẩm mỹ thuật đồ họa khắc gỗ truyền thống đặc sắc.
Số lượng còn lưu giữ được là 3.050 mộc bản có từ 700 năm nay.
Mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2000 chữ Nôm, chữ Hán. Đây là những bản khắc có niên đại sớm nhất, bản in của nhiều sách nhất, chữ chuẩn đẹp nhất và đạt đến độ tinh xảo, trong số mộc thư còn lưu giữ được ở Việt Nam.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được chế tác bởi những người thợ thủ công lành nghề thuộc các phường thợ ở Bắc Ninh, Bắc Giang và đặc biệt là Liễu Tràng (Hải Dương) - một làng chuyên làm nghề khắc mộc bản từ lâu đời.
Các mộc bản đều được làm từ gỗ cây thị. Chữ khắc trên ván gỗ có độ sâu từ 1 – 1,5mm, bằng chữ Hán cổ và Nôm, một số khắc xen cài chữ Phạn.
Các mộc bản chủ yếu ghi chép kinh Phật, lịch sử Thiền phái Trúc Lâm, trước tác của 3 vị tổ Thiền phái, ngoài ra còn có các tác phẩm thơ, phú, nhật ký của một số vị cao tăng. Đặc biệt một số mộc bản còn giới thiệu cách chữa bệnh bằng thuốc nam, cách châm cứu với bản sơ đồ chỉ dẫn các huyệt.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm cung cấp cho các nhà nghiên cứu thông tin phong phú về lịch sử Phật giáo, Thiền phái Trúc Lâm, cũng như văn học, phong tục tập quán, kỹ thuật chạm khắc gỗ Việt Nam thời bấy giờ.
Bên trong gian trưng bày Mộc bản, chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang
Một số Mộc bản được trưng bày tại chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang
Giữ một vị trí địa lý tâm linh quan trọng, chùa Vĩnh Nghiêm đã trở thành địa điểm hành hương cho du khách trước khi vượt sông leo núi về với kinh đô của đất thánh Yên Tử. Dân gian vẫn truyền tụng câu ca:
“Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm
Vĩnh Nghiêm chưa tới thiền tâm chưa đành”.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_V%C4%A9nh_Nghi%C3%AAm_(B%E1%BA%AFc_Giang)
https://mytour.vn/location/396-chua-vinh-nghiem-bac-giang.html
http://baobacgiang.com.vn/bg/yen-dung/du-lich-tam-linh-sinh-thai/157529/chua-vinh-nghiem-noi-hoi-tu-ba-di-san.htm
http://thegioidisan.vn/vi/kham-pha-chua-vinh-nghiem.html
http://www.vncgarden.com/vietnamcobaonhieungoichua/chua-o-bac-giang/chuavinhnghiem-noiluugiuhangnghinmocbankinhphatquygia
Xem video chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang tại đây
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|
Cập nhật ( 23/12/2019 )
|
Tin mới đưa:- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
- Trạm bơm hơi nước D.F. Woudagemaal, Lemmer, Hà Lan
Tin đã đưa:- Nhà thi đấu quốc gia Yoyogi, ToKyo – KTS Kenzo Tange
- Kim tự tháp kính Louvre, Pari – KTS Leoh Minh Pei
- Công trình Triển lãm quốc gia, Stuttgart (Đức) - KTS James Stirling
- Công trình Cuadra San Cristobal - KTS Luis Barrgan
- Nhà kính New Canaan, Connecticut - KTS Philip Johnson
- Cung Thuỷ tinh, London, Anh của KTS. Joseph Paxton
- Toà nhà quốc hội Bangladesh – KTS Louis Kahn
- Nhà trên thác của KTS Frank Lloyd Wright
- Nhà triển lãm tại Barcelona - KTS Mies van der Rohe
- Nhà thờ Notre Dame du Haut - KTS Le Corbusier
- Công trình kiến trúc của Antoni Gaudi, Barcelona, Tây Ban Nha
- Chùa Việt Nam
- Tháp Chàm, Việt Nam- công trình kiến trúc tuyệt tác và nhiều bí ẩn
- Nhà thờ đá Phát DIệm, Ninh Bình
- Quần thể Angkor, Siem Reap, Campuchia
|