Thông tin chung:
Công trình: Chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hà Nội
Địa điểm: Quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, Việt Nam
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô:
Thời gian hình thành:
Giá trị: Nơi khởi nguồn thiền phái Thảo Đường, Phật giáo Việt Nam
Một số Thiền phái Việt Nam
Thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi
Thiền phái được sáng lập bởi Tì-ni-đa-lưu-chi (? – 594, người Ấn Độ). Thiền sư sang Việt Nam khoảng năm 580, ở tại chùa Pháp Vân (chùa Dâu, Bắc Ninh). Tại đây thiền sư dịch bộ kinh có tên “Tượng đầu tinh xá” từ Trung Quốc. Dòng thiền Tì-ni-đa Lưu-chi lấy kinh Tượng đầu tinh xá làm nền tảng, chú trọng tư tưởng Bát-nhã (Trí huệ, Huệ, Nhận thức, một khái niệm trung tâm của Phật giáo Đại thừa) và tu tập thiền quán; để lại ảnh hưởng rất lớn đến các đời vua nhà Lý.
Thiền phái này truyền được 19 đời, kết thúc năm 1213.
Thiền phái Vô Ngôn Thông
Thiền phái được sáng lập bởi Vô Ngôn Thông (759 ? – 826, người Trung Quốc). Thiền sư sang Việt Nam khoảng năm 820, ở tại chùa Kiến Sơ, Hà Nội.
Dòng thiền Vô Ngôn Thông chủ trương đốn ngộ (giác ngộ nhanh chóng). Các vị thiền sư dòng Vô Ngôn Thông đều có tâm hồn thi sĩ. Những vị thiền sư quan trọng của dòng thiền này là: Khuông Việt (933 – 1011), Thông Biện (? – 1134), Mãn Giác (1052 – 1096), Minh Không (? - 1141) và Giác Hải (1024 – ?). Riêng thiền sư Không Lộ vừa thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông, vừa thuộc thiền phái Thảo Đường.
Thiền phái này truyền được 17 đời, đến cuối thế kỷ 13.
Thiền phái Thảo Đường
Thiền phái được sáng lập bởi Thảo Đường (997 - ?, người Trung Quốc) Thiền sư là một Quốc sư dưới triều vua Lý Thánh Tông (hoàng đế thứ 3 triều Lý, trị vì năm 1054- 1072), trụ trì chùa Trấn Quốc, Hà Nội.
Dòng thiền Thảo Đường chú trọng thiền học tri thức và thi ca.
Thiền phái này truyền được 5 đời, từ năm 1069 đến 1205.
Thiền phái Trúc Lâm
Thiền phái được sáng lập bởi Trần Nhân Tông (hoàng đế thứ 3 nhà Trần nước Đại Việt, trị vì 1278 – 1293).
Trúc Lâm vốn là hiệu của Trần Nhân Tông khi xuất gia ở động Vũ Lâm (Ninh Bình), đồng thời cũng là hiệu của Thiền sư Đạo Viên (?, Quốc sư triều Trần), là tiền bối của Trần Nhân Tông và là Khởi tổ thứ hai của dòng thiền này. Vị Khởi tổ thứ nhất là Thiền sư Hiện Quang (? - 1221, là một thiền sư đời thứ 14 Thiền phái Vô Ngôn Thông).
Dòng thiền Trúc Lâm chủ trương tinh thần nhập thế và gắn với bản sắc văn hóa (Thần đạo) Việt Nam; được xem là tiếp nối và hợp nhất của ba dòng thiền Việt Nam thời bấy giờ: Tì-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường.
Thiền phái Trúc Lâm có ba thiền sư kiệt xuất là Nhân Tông (Trúc Lâm Đầu Đà), Pháp Loa (Đồng Kiên Cương, 1284- 1330) và Huyền Quang (Lý Đạo Tái, 1245- 1334), gọi chung là Trúc Lâm Tam tổ. Cả ba vị đều tu và thành đạo tại chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang.
Thiền phái Lâm Tế
Thiền phái được sáng lập bởi Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền (?- 866/867, người Trung Quốc), sau đó lan truyền sang Việt Nam.
Dòng thiền Lâm Tế tông, đến thế kỷ 12, đã định hình được lối tu tập Thiền công án (giải đáp một sự việc không phải bằng lý luận có sẵn mà thường bằng nghịch lý nhằm phá bỏ giới hạn tư duy, chuyển hóa nhận thức lên một cấp độ khác, đi từ giác ngộ đến tỉnh ngộ..,) với các biện pháp mãnh liệt, táo bạo như trong chiến trận, không một phút nghỉ ngơi, tập trung toàn bộ tinh thần, lời nói sắc bén…Ban đầu lối tu tập này dành để hướng dẫn cho các đệ tử với khoảng 1700 công án, về sau lan tới cả giới sĩ phu Nho học và xã hội.
Triết lý của của Lâm Tế tông được truyền vào Việt Nam từ thời nhà Trần (1225 – 1400).
Đến thế kỷ 17, dòng thiền Tông Lâm tế được truyền vào miền Bắc Việt Nam bởi Thiền sư Viên Văn Chuyết Chuyết (1590 – 1644, Thiền sư người Trung Quốc). Sau này ông được mời đến trụ trì tại chùa Phật Tích, Bắc Ninh và viên tịch tại đây.
Thiền phái Tào Động
Thiền phái là một trong năm phái thiền Phật giáo quan trọng trong Ngũ gia thất tông- tức là Thiền chính tông của lịch sử Phật giáo Trung Quốc (Quy Ngưỡng tông; Lâm Tế tông; Tào Động tông; Vân Môn tông; Pháp Nhãn tông; Dương Kì phái; Hoàng Long phái). Đây cũng là một trong hai phái thiền tông, cùng với Lâm Tế tông, còn tồn tại và được truyền bá đến ngày nay.
Thiền phái được sáng lập bởi Thiền sư Tào Sơn Bản Tịch (840- 901, là một Thiền sư Trung Quốc).
Dòng thiền Tào Động tông chủ trương hình thành phong cách tu tập riêng, tạo bởi sự kết nối và hòa hợp nhiều dòng thiền (ví dụ như xu hướng hòa nhập giữa Thiền tông và Tịnh độ).
Đến khoảng giữa thế kỷ 17, dòng thiền Tào Động tông lan truyền sang Việt Nam.
Chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc (còn có các tên gọi khác Khai Quốc, An Quốc, Trấn Bắc) thuộc quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Chùa có lịch sử 1500 năm, được coi là lâu đời nhất ở Thăng Long - Hà Nội.
Chùa được xây dựng lần đầu vào thời vua Lý Nam Đế (Lý Bí/Lý Bôn, vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lý, nước Vạn Xuân, trị vì năm 544 – 548) tại thôn Yên Hoa (sau được đổi là Yên Phụ), trên một bãi cạnh sông Hồng với tên gọi là chùa Khai Quốc.
Vào thời Trần (1225 – 1400), sau khi Đại Việt đánh thắng quân xâm lược phương Bắc, chùa được đổi thành An Quốc hay Trấn Quốc.
Đến thời Lê Kinh Tông (1600 – 1618) do bãi sông bị lở, chùa được dời về hòn đảo Kim Ngư nằm gần bờ phía Đông của Hồ Tây, trên nền cũ cung Thúy Hoa thời nhà Lý và điện Hàn Nguyên thời nhà Trần.
Đời Lê Hy Tông (1680 – 1705), chùa được đổi tên gọi là Trấn Quốc.
Đời Lê Thần Tông (1619 – 1643), người dân hai làng Yên Phụ và Yên Quang đắp đập Cổ Ngư (ngày nay là đường Thanh Niên) chắn ngang Hồ Tây (ngăn thành hồ nhỏ là hồ Trúc Bạch hiện nay) nhân đó mới đắp luôn con đường từ đập Cổ Ngư đi vào chùa. Chùa đã được tu sửa vào những năm 1624, 1628. Đến năm 1639 được dựng thêm hậu đường, cổng lầu, hành lang tả hữu, quy mô to rộng, chạm trổ tinh khéo.
Năm 1639, chúa Trịnh cho sửa lại tòa Nghi môn (Tam Quan) và xây dựng lại hai tòa Tả vu, Hữu vu.
Thời bấy giờ ven hồ Tây, rợp bóng các cung điện của phủ chúa Trịnh. Sau khi nhà Trịnh (1545–1787) bị diệt, vua Lê Chiêu Thống (vị hoàng đế thứ 16 và là cuối cùng của nhà Hậu Lê, trị vì năm 1786- 1789) đã ra lệnh đốt hết các nơi chúa Trịnh đã ở. Trong đám hỏa hoạn kinh hoàng đó, chùa Trấn Quốc may mắn còn giữ được nguyên vẹn.
Năm 1815, 1821, 1842, thời nhà Nguyễn, chùa lại được trùng tu, đúc chuông, đắp tượng và được đổi thành Trấn Bắc, song dân vẫn gọi là chùa Trấn Quốc.
Chùa Trấn Quốc là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý (1009–1225) và thời Trần (1226–1400). Đây thường là nơi các vua chúa ngự giá đến vãng cảnh và cúng lễ vào những ngày rằm, lễ Tết.
Nhiều vị cao tăng, bậc đại đức và danh nhân thời bấy giờ đều thụ giáo và tu ở ngôi chùa này.
Thời Lý, bà Thái hậu Ỷ Lan (1044- 1117, mẹ ruột vua Lý Nhân Tông, hoàng đế thứ 4 nhà Lý, trị vì năm 1072 – 1128) thường mở lễ trai tăng tại chùa và tham vấn chư tăng về đạo Phật.
Chùa Trấn Quốc còn liên quan đến thiền phái Thảo Đường, một trong thiền phái của Phật giáo Việt Nam.
Tương truyền Thảo Đường (997 - ?, không rõ thân thế) là một Quốc sư dưới triều vua Lý Thánh Tông (hoàng đế thứ 3 triều Lý, trị vì năm 1054- 1072) và là người sáng lập thiền phái Thảo Đường.
Năm 1069, vua Lý Thánh Tông đem quân chinh phạt Chiêm Thành Trong số những tù nhân bắt được có một thiền sư người Trung Quốc, nhưng chẳng ai biết đó là thiền sư.
Khi về tới kinh đô Thăng Long, nhà vua chia số tù nhân bắt được cho các quan để làm người phục dịch. Tình cờ vị sư ấy được chia cho một người tăng lục, chuyên coi việc tăng sự tại triều.
Một hôm, trong lúc viên tăng lục đi vắng, vị sư trong thân phận nô bộc lật xem thử những bản ngữ lục Thiền học chép tay để trên bàn của chủ. Thấy trong bản chép có nhiều chỗ sai quá, nhà sư bèn cầm bút sửa. Khi vị tăng lục về, khám phá ra, rất lấy làm ngạc nhiên, bèn đem chuyện tâu lên vua. Vua Lý Thánh Tông cho vời lên hỏi, thì biết đó là thiền sư, tên là Thảo Ðường ở Trung Quốc, nhân đi qua Chiêm Thành truyền giáo mà bị bắt.
Vua Lý Thánh Tông thấy thiền sư Thảo Đường là người có đức hạnh, lại tinh thông Phật điển, bèn bái làm thầy, phong làm Quốc sư (1069) và mời làm trụ trì chùa Khai Quốc (chùa Trấn Quốc) tại kinh thành Thăng Long. Từ đây, Ngài lập nên một thiền phái mới có tên là thiền phái Thảo Đường với khuynh hướng thiền học tri thức và thi ca (thời bấy giờ thịnh hành 2 thiền phái là Tỳ-ni-đa-lưu-chi và Vô Ngôn Thông).
Người ta cho rằng, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vào thời Trần có nhiều điểm xuất phát từ thiền phái này.
Có lẽ xuất phát từ triết lý của thiền phái Thảo Đường mà chùa Trấn Quốc như là một trường học về văn hóa Phật pháp với vô số bài thơ, câu đối đặt dọc theo lối vào chùa và trên các trụ biểu.
Chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo nhỏ trên hồ Tây, quay về hướng Tây Nam, ra phía trung tâm của hồ.
Công trình có bố cục kiểu “nội công, ngoại quốc”, gồm: Nghi môn, Sân chùa, Chính điện, Gác chuông, Nhà tổ, Nhà bia, Vườn mộ tháp và các công trình phụ trợ khác.
Tổng mặt bằng chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hà Nội
Phối cảnh tổng thể chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hà Nội
Chùa Trấn Quốc nhìn từ đường Thanh Niên, Tây Hồ, Hà Nội
Sơ đồ một hình vẽ xưa về các tòa nhà trong chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hà Nội:
Mặt cắt CD, cắt ngang qua 2 tòa Tả vu, Hữu vu, phía sau Chính điện, nhìn vào Gác chuông
Mặt cắt AB, cắt qua tòa Tiền đường, Thiêu Hương, Hậu điện và Gác chuông
Hình DE, mặt đứng tòa Tiền đường
Nghi môn
Nghi môn chùa Trấn Quốc nằm tại phía Đông, cuối chùa, gồm 3 khối cổng. Khối cổng giữa cao, rộng, có mái che 4 mái. Hai khối cổng phụ hai bên nhỏ, có mái che mô phỏng theo mái che của khối cổng giữa.
Từ Nghi môn có một con đường nhỏ lát gạch chạy dọc theo hồ, đi về phía sân chùa tại mặt phía Tây của chùa.
Lối vào chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hà Nội
Nghi môn chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hà Nội
Đường dẫn vào mặt trước chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hà Nội
Sân chùa
Sân chùa Trấn Quốc rộng, lát gạch, 3 mặt giáp hồ.
Tại đây có một cây bồ đề đặc biệt. Tháng 3/1959, chùa Trấn Quốc vinh dự đón Tổng thống Ấn Độ Prasat đến thăm. Ông đã tự mình mang sang tặng chùa cây bồ đề chiết từ gốc cây mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ (tại Quần thể chùa Mahabodhi tại Bodh Gaya, bang Bihar, miền Đông Ấn Độ). Cây bồ đề nay vẫn tốt tươi, tỏa bóng mát xuống sân chùa.
Sân chùa Trấn Quốc với cây bồ đề tổ
Chính điện
Chính điện chùa có mặt bằng hình “chữ công” hay chữ H gồm tòa Tiền đường, Thiêu hương và Hậu điện.
Tòa Tiền đường có 7 gian, đầu hồi bít đốc 2 mái. Phía trước có một hàng hiên. Đầu bên phải hàng hiên có một tấm bia đá đặt lên lưng rùa đá. Tại đầu hồi nhô ra 2 trụ biểu. Đỉnh trụ trang trí tứ phượng, thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, phía dưới trang trí câu đối, đế thắt dạng cổ bồng. Toàn bộ mặt phía trước là cửa bức bàn.
Tòa Thiêu hương 3 gian đặt dọc nối tòa Tiền đường và Hậu điện.
Tòa Hậu điện 3 gian, đầu hồi bít đốc 2 mái. Nền cao hơn 3 bậc so với nền tòa Tiền đường và Thiêu hương.
Chính điện chùa Trấn Quốc còn lưu giữ nhiều pho tượng Phật và Bồ Tát có giá trị. Trong đó nổi bật nhất là bức tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn được làm từ gỗ, sơn son thiếp vàng.
Hai bên chính điện là hai tòa Tả vu, Hữu vu.
Tòa Tiền đường, chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hà Nội
Tấm bia đá tại hàng hiên tòa Tiền đường, chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hà Nội
Bên trong tòa Tiền đường, chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hà Nội
Bên trong tòa Thiêu Hương (đặt dọc) tại chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hà Nội
Ban thờ Phật bên trong Hậu đường, chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hà Nội
Gác chuông, Nhà tổ, Nhà bia
Phía sau Chính điện là Gác chuông, 5 gian, 2 tầng, phần trên 3 gian, tạo thành dạng mái chồng diêm, 8 mái.
Bên phải Gác chuông là Nhà tổ. Nhà tổ 5 gian, 3 gian giữa thờ Tổ. 2 gian bên thờ Mẫu.
Bên trái Gác chuông là Nhà bia. Đây là nơi lưu giữ 14 tấm bia, niên đại vào thế kỷ 19.
Phía sau Gác chuông là một sân trong rộng, lát gạch. Sân là không gian kết nối với khu vườn mộ tháp phía sau chùa.
Mặt sau Gác chuông, bên phải là Nhà tổ, chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hà Nội
Ban thờ tại Nhà tổ, chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hà Nội
Tượng Thiền sư Thảo đường, người sáng lập thiền phái Thảo Đường, vị trí cao nhất tại Ban thờ tổ, chùa Trấn Quốc, Tây Hồ
Sân sau Gác chuông với Lầu bia, chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hà Nội
Vườn mộ tháp
Phía sau chùa có một số mộ tháp cổ từ thế kỷ 18 và Bảo tháp lục độ đài sen cao 11 tầng, 15m, được xây dựng năm 1998.
Vườn mộ tháp phía sau chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hà Nội
Chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hà Nội được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia vào năm 1989.
Chùa Trấn Quốc tại hồ Tây như một điểm tĩnh lặng linh thiêng trong lòng trung tâm Hà Nội, giữa một khu vực đang sôi động từng ngày bởi quá trình đô thị hóa và văn hóa đô thị.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_Tr%E1%BA%A5n_Qu%E1%BB%91c
https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%A3o_%C4%90%C6%B0%E1%BB%9Dng
https://vov.vn/du-lich/chua-tran-quoc-co-tu-ngan-nam-tuoi-ben-ho-tay-874316.vov
https://www.youtube.com/watch?v=gAZumGYukJo
https://www.youtube.com/watch?v=5pnJdiMK9m4
https://laodong.vn/photo/chua-tran-quoc-lot-top-10-ngoi-chua-dep-nhat-tren-the-gioi-666594.ldo
https://dulichvietnam.com.vn/chiem-nguong-ngoi-chua-tran-quoc-co-nhat-ha-noi.html
Xem video giới thiệu chùa Trấn Quốc tại đây
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|