Tuần 18 - Ngày 07/12/2024
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Chùa Tây Phương, Thạch Thất, Hà Nội |
01/12/2012 |
Thông tin chung:
Công trình: Chùa Tây Phương (Tay Phuong Temple, Hanoi, Vietnam)
Địa điểm: Huyện Thạch Thất, Hà Nội, VIệt Nam
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô:
Thời gian hình thành: Thế kỷ 6- 7
Giá trị: Di tích quốc gia đặc biệt (Di tích kiến trúc nghệ thuật, năm 2014)
Chùa Tây Phương (tên chữ là Sùng Phúc tự) là một ngôi chùa trên ngọn núi Tây Phương ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.
Chùa được thành lập từ thế kỷ 6-8, được cho là chùa cổ như chùa Dâu, Bắc Ninh. Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu. Đến năm 1794 dưới thời nhà Tây Sơn, chùa được đại tu hoàn toàn với tên mới là "Tây Phương Cổ Tự" và hình dáng kiến trúc còn để lại như ngày nay.
Chùa Tây Phương hiện nay là một quần thể công trình gồm: Tam quan hạ, Tam quan thượng, Miếu Sơn Thần, Chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu và nhà Khách. Tất cả tạo nên vẻ uy nghi, quy mô to lớn của quần thể chùa Tây Phương.
Từ Tam quan Hạ tại chân núi, qua 237 bậc lát đá ong, rộng 0,5m đến Tam quan Thượng, tiếp đến sân chùa.
Chùa chính hay Tam tòa nằm trên đỉnh núi Câu Lâu, gồm ba dãy nhà song song: Tiền Đường, Trung đường, Thượng điện.
Tiền đường và Thượng điện 5 gian, 2 chái; Trung đường được thu ngắn chiều ngang, chỉ còn 3 gian 2 chái, nhưng lại có mái cao vượt hẳn lên.
Mỗi tòa đều có kết cấu kiến trúc khung gỗ kiểu chồng diêm, hai tầng tám mái, tường xây gạch Bát Tràng không trát, điểm những của sổ tròn với biểu tượng "sắc sắc không không" của nhà Phật.
Các cột gỗ đều kê trên đá tảng xanh khắc hình cánh sen.
Mái lợp hai lớp ngói: mái trên có múi in nổi hình lá đề, lớp dưới là ngói lót hình vuông sơn ngũ sắc. Xung quanh diềm mái đều chạm trổ tinh tế theo hình lá triện cuốn. Trên mái gắn nhiều con giống bằng đất nung với các đầu đao mái cũng bằng đất nung đắp nổi hình hoa, lá, rồng phượng.
Mặt trước tòa Tiền đường bưng cửa gỗ bức bàn ở 3 gian giữa, hai bên xây gạch chỉ không trát vôi vữa, là ngôn ngữ của mặt tường ngoài, tiêu biểu cho cả ba tòa nhà.
Tam quan hạ, chùa Tây Phương, Hà Nội
Lối lên chùa chính, chùa Tây Phương, Hà Nội
Tam quan thượng, phía trước Tam tòa, chùa Tây Phương, Hà Nội
Phối cảnh khu chùa chính hay Tam tòa, chùa Tây Phương, Hà Nội
Sơ đồ mặt cắt ngang chùa chính hay Tam tòa, chùa Tây Phương, Hà Nội
Mặt trước tòa Tiền đường, một trong ba công trình thuộc Tam tòa, chùa Tây Phương, Hà Nội
Mặt bên chùa chính với 3 công trình Tiền đường, Trung đường và Thượng điện, chùa Tây Phương, Hà Nội
Ban thờ trong tòa Tiền đường với tượng Phật ngàn tay, ngàn mắt, chùa Tây Phương, Hà Nội
Ban thờ trong tòa Trung đường với tượng Tuyết Sơn, chùa Tây Phương, Hà Nội
Tượng Tuyết sơn miêu tả đức phật Thích Ca trong thời kỳ tu khổ hạnh; Hai bên là La hán A Nan và Ca Diếp, chùa Tây Phương, Hà Nội
Bên trong tòa Thượng điện, chùa Tây Phương, Hà Nội
Ban thờ trong tòa Thượng điện với bộ tượng Tam Thế Phật, chùa Tây Phương, Hà Nội
Mái chùa Tây Phương, Hà Nội, một dạng thức "Kiến trúc hướng về bầu trời "
Miếu Sơn Thần nằm ở bên trái và tách biệt với chùa chính. Đây là nơi thờ Thần núi, vừa là nhà thờ Đức Ông (một dạng Thần đạo Việt Nam), có diện tích khiêm tốn với kiến trúc gỗ lợp ngói truyền thống.
Nhà Tổ và Nhà Mẫu nằm tại bên phải chùa chính, kiểu 3 gian, 2 chái, bố trí song song với nhau. Bên ngoài thờ Tổ, bên trong thờ Mẫu.
Kết cấu của nhà Tổ theo kiểu “vì kèo, giá chiêng” và “chồng rường, giá chiêng”. Ba gian giữa của nhà Tổ được bưng cửa bức bàn, hai gian chái ở đầu hồi bưng bằng cửa ván đố.
Nhà khách nằm ở bên phải của Tam tòa, mới được xây dựng gần đây.
Miếu Sơn thần, chùa Tây Phương, Hà Nội
Ban thờ bên trong miếu Sơn thần hay Đức ông, chùa Tây Phương, Hà Nội
Nhà Tổ, chùa Tây Phương, Hà Nội
Ban thờ bên trong nhà Tổ, chùa Tây Phương, Hà Nội
Chùa Tây Phương còn là nơi tập trung những kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo bao gồm chạm trổ, phù điêu và tượng. Các đầu bẩy, các bức cổn, xà nách, ván long... chạm trổ rất tinh xảo với các đề tài trang trí: hình lá dâu, lá đề, hoa sen, hoa cúc, rồng, phượng, hổ phù...
Trong chùa có 72 pho tượng tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng, được đánh giá là một trong những nhóm tượng đẹp nhất trong các ngôi chùa ở Việt Nam. Phần lớn các tượng này đều có niên đại thế kỷ 17, 18. Một số khác được tạc vào giữa thế kỷ 19.
Hệ thống tượng ở chùa Tây Phương gồm:
Bộ tượng Tam Thế Phật: 3 pho tượng Quá khứ, Hiện tại, Vị lai. Tượng trong tư thế tọa thiền, y phục gập nếp đơn giản phủ kín cơ thể, được coi là có niên đại đầu thế kỷ 17.
Bộ tượng Di-đà Tam Tôn: Đức Phật A-di-đà, đứng hai bên là Quan Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát.
Tượng Tuyết Sơn: Miêu tả đức Phật Thích ca trong thời kỳ tu khổ hạnh. Tượng màu đen thẫm khoác áo cà sa mỏng, thân gầy, chìm trong suy tưởng. Hai bên tượng Tuyết Sơn có tượng A Nan và Ca Diếp đứng hầu (là 2 trong số 18 tượng La Hán chùa Tây Phương, là vị tổ thứ nhất và thứ hai).
16 pho tượng La Hán (các vị tổ còn lại): Đặt tại hai gian bên tả và bên hữu tòa Thượng điện, được miêu tả theo với phong cách hiện thực.
Tượng đức Phật Di lặc: Tượng trưng cho vị Phật của thế giới cực lạc tương lai; Người mập mạp, ngồi hơi ngả về phía sau, toàn thân toát ra sự thỏa mãn, vui sướng.
Tượng Văn thù Bồ Tát: Đứng chắp tay, chân đi đất, các ngón chân bấm móng xuống mặt bệ.
Tượng Phổ Hiền Bồ Tát: Chắp tay trước ngực, khuôn mặt sáng rộng nổi lên trên tấm thân phủ đầy y phục.
Tượng Bát bộ Kim Cương: Mang giáp trụ trong các thế võ, thể hiện trình độ cao về nghệ thuật lắp ghép gỗ. ượng được tạc cao đến 3m.
Những người thợ mộc của làng nghề mộc truyền thống Chàng Sơn (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội) là tác giả của những kiệt tác tuyệt vời này.
Hình ảnh tượng các vị La Hán, chùa Tây Phương, Hà Nội
Trang trí xà hiên, chùa Tây Phương, Hà Nội
Một trong những bức tượng Kim Cương và Hộ pháp, cao chừng 3 m.
Tượng 18 vị La Hán chùa Tây Phương
Tạo hình với sự sáng tạo đặc sắc, 18 vị La Hán chùa Tây Phương được coi là tác phẩm kinh điển của nền nghệ thuật cổ Việt Nam.
1) Tôn giả Ca Diếp (Mahakasyapa): Theo truyền thuyết Phật giáo, là con một gia đình Bà La Môn, song từ bỏ dòng dõi để tu theo Phật. Trước khi xuất gia, ông làm thợ kim hoàn, nên tượng ông đeo nhiều trang sức.
|
2) Tôn giả A Nan (Ananda): Là người nhớ và đọc lại tất cả kinh Phật, được tạc trong tư thế ôm bộ kinh sách. Ông là tượng trưng của vị thánh hiền truyền giáo. Tên gọi A Nan nghĩa là vui mừng, hoan hỉ. Khuôn mặt mang nụ cười biểu hiện tên gọi này.
|
3) Thương Na Hòa Tu (Sanakavasa): Là một nhà truyền giáo lớn của Phật giáo thời sơ khởi. Sự nghiệp của ông liên quan đến câu chuyện mang đậm tính triết lý với người học trò là Ưu Ba Cúc Đa; Tượng mô tả ông đang quan sát và suy nghĩ. |
4) Ưu Bà Cúc Đa (Upagupta): Là đệ tử của Thương Na Hòa Tu. Tương truyền mỗi khi cứu độ một người thì ông bỏ một thẻ tre vào hang. Về sau hang đá đầy đến tận nóc. Tượng ông tay trái cầm cuốn sách, tay phải cầm thẻ tre, được tạo dáng ngồi nhấp nhổm rất sinh động. |
5) Đề Đa Ca (Dhritaka): Sự nghiệp thường được biết đến với câu chuyện truyền lại y bát cho người kế nghiệp là Di Giá Ca. Khuôn mặt tượng mang nét đăm chiêu như đang chờ đợi người xứng đáng để trao truyền y bát. |
6) Di Giá Ca (Michakha): Là người đã truyền bá Phật pháp ở khắp nơi. Tượng với thế đứng, khuôn mặt biểu lộ sự ngạc nhiên, như phía trước có cảnh lạ. Đây là một trong những tượng thể hiện cảm xúc sống động nhất trong tượng La Hán chùa Tây Phương. |
7) Bà Tu Mật (Vasumatra): Khi chưa xuất gia nổi tiếng là người thích kết giao bạn bè, thơ ca, uống rượu, ăn mặc lịch sự… Tượng với trang phục chỉnh tề đẹp đẽ, trong tư thế cung kính niệm Phật, miệng đang chào hỏi, cầu phúc cho người đối diện.
|
8) Phật Đà Nan Đề (Bouddhanandi): Là người có tài biện luận, giỏi ăn nói, sống thoải mái. Tượng rất sinh động, dáng béo tốt, người ngả ra sau thoải mái, tay cầm cái que ngoáy tai, quần áo xuề xòa buông thõng. Khuôn mặt tượng mang đầy nét hoan hỉ, ung dung tự tại. |
9) Phật Đà Mật Đa (Bouddhamitra): Là người đến 50 tuổi vẫn không nói, không đi ra khỏi nhà, vì chưa nghe được điều gì hay, cho đến khi Phật Đà Nan Đề đến tận nhà truyền pháp. Tượng tạc lúc ông đã lớn tuổi, nhưng lần đầu mới được ngộ giáo lý, thể hiện qua việc đọc cuốn sách, mặt mũi hân hoan.
|
10) Hiệp Tôn Giả (Parsva): Là người luôn tu hành và du hành không ngừng nghỉ. Kể rằng, khi ông đứng tựa một gốc cây thì nhận ra từ xa chú bé sẽ là bậc thánh.Ông thuyết pháp cho chú bé ngay dưới gốc cây. Về sau, cậu bé trở thành Sư tổ Phú Na Dạ Xa. Tượng ông được tạo hình ôm lấy thân cây là dựa trên tích truyện này. |
11) Mã Minh (Asvagosha): Theo truyền thuyết, Sư tổ có thể thuyết pháp giáo hóa cho cả các loài động vật. Bức tượng tạc ông đang thuyết pháp cho Rồng. Trong thực tế, ông là một nhà thơ, triết gia nổi tiếng ở khoảng thế kỉ 1, là một trong 4 thánh triết lý trụ cột của Phật giáo Đại thừa.
|
12) Ca Tỳ Ma La (Capimala): Là người vốn theo tà giáo, đã có tới 3000 đồ đệ, thông hiểu các dị thuyết, sau được Tổ Mã Minh khuất phục rồi lại truyền thừa y bát cho làm Tổ kế nghiệp. Tượng được tạo hình với con rắn quấn quanh. Theo truyền thuyết, có lần mãng xà cuốn quanh thân ông, nhưng Tổ thuyết pháp khiến rắn cũng kính ngưỡng. |
13) Long Thụ (Nagarjuna): Là một trong bốn vị thánh triết Phật giáo Ấn Độ, luận sư vĩ đại nhất. Thời sau coi ông ngang hàng Đại Bồ tát, như một vị Phật sống. Trong 18 vị La Hán chùa Tây Phương, chỉ duy nhất Tổ Long Thụ được tạc ngồi trên tòa sen. Tượng ông cũng là tượng duy nhất trong 18 vị La Hán có nhục khế (khối u trên đỉnh đầu, một quý tướng của Phật) sánh ngang với tượng Phật Thích Ca Mâu Ni.
|
14) La Hầu La Đa (Rahulata): Tượng ông là duy nhất có khăn đội trên đầu, cầm gậy, móng tay rất dài; là biểu thị của người thuộc tầng lớp cao quý. Trái với trang phục phú quý, khuôn mặt tượng mang vẻ đăm chiêu, suy tư về bản chất cõi đời. Các ngón tay được điêu khắc tuyệt hảo về thẩm mỹ cũng như giải phẫu học. Bên cạnh tượng có con hươu nghe thuyết pháp. Đây được đánh giá là pho tượng đẹp nhất trong toàn bộ 18 tượng La Hán chùa Tây Phương. |
15) Tăng Già Nan Đề (Sanghanandi): Là con vua, vừa sinh ra đã biết nói và hay tán dương Phật pháp. Khi trưởng thành, dù bị ngăn cấm, ông đã trốn lên núi để tu Phật. Tượng được tạc trong tư thế ngồi thiền bên bờ sông. Kiểu ngồi thiền rất đặc biệt, không phải xếp bằng tròn, hai tay trước bụng như thông thường, mà là tư thế dân dã như đang ngồi nói chuyện, mặt mũi nhẹ nhõm. |
16) Già Da Xá Đa (Samghayacas): Khi còn trẻ thường mang một cái gương để soi lại chính mình, cho đến khi đắc đạo vẫn chiếc gương đó mang theo. Tượng được tạc trong tư thế đang bước đi, tay cầm chiếc gương tròn quay về phía sau, hai ống tay áo bay phất phơ rất sống động.
|
.
17) Cưu Ma La Đa (Kumarata): Theo truyền thuyết, Sư tổ vốn là một vị tiên trên trời, phạm lỗi mà phải xuống cõi người. Tượng được tạo với dáng vẻ béo tốt ung dung, miệng nhoẻn cười, tay cầm bông hoa to.
|
18) Xà Dạ Đa (Jayata). Sinh thời nổi tiếng là người trí tuệ thâm sâu. Tượng được tạc với tư thế rất lạ: cơ thể gày giơ xương, tay đang cầm cái que gãi lưng, có vẻ ngứa ngáy khó chịu. Tượng có đầu to, thể hiện trí tuệ siêu việt, vượt qua mọi sự hạn chế của thể xác. |
Chùa Tây Phương là một công trình tôn giáo đặc sắc, tiêu biểu cho giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật Việt Nam thời Hậu Lê (thế kỷ 17-18). Bộ tượng Phật tại Chùa Tây Phương được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_T%C3%A2y_Ph%C6%B0%C6%A1ng
http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3091/18326/chua-tay-phuong-bao-tang-tuong-phat-djoc-djao.html
http://cungduong.vn/18-vi-chua-tay-phuong/
http://redsvn.net/chum-anh-ve-dep-huyen-thoai-cua-18-vi-la-han-chua-tay-phuong/
Xem video giới thiệu về chùa tại đây
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|
Cập nhật ( 28/12/2019 )
|
Tin mới đưa:- Samarkand – Ngã tư văn hóa, Uzbekistan
- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
Tin đã đưa:- Chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hà Nội
- Chùa Chuông, Khu di tích Phố Hiên, Hưng Yên, Việt Nam
- Chùa Mía, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, Việt Nam
- Chùa Phổ Minh, Nam Định, Việt Nam
- Chùa Keo, Vũ Thư, Thái Bình, Việt Nam
- Trung tâm Direzionale di Fontivegge, Perugia, Ý - KTS Aldo Roosi
- Chùa Bà Đanh, Kim Bảng, Hà Nam
- Chùa Một Cột, Ba Đình, Hà Nội
- Chùa Kiến Sơ, Gia Lâm, Hà Nội
- Làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, Việt Nam
- Chùa Vĩnh Nghiêm, Yên Dũng, Bắc Giang
- Nhà thi đấu quốc gia Yoyogi, ToKyo – KTS Kenzo Tange
- Kim tự tháp kính Louvre, Pari – KTS Leoh Minh Pei
- Công trình Triển lãm quốc gia, Stuttgart (Đức) - KTS James Stirling
- Công trình Cuadra San Cristobal - KTS Luis Barrgan
|