Thông tin chung:
Công trình: Làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội
Địa điểm: Xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, Việt Nam
Quy mô:
Năm hình thành:
Giá trị: Di tích kiến trúc nghệ thuật
Đường Lâm là một xã thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội, nằm bên hữu ngạn sông Hồng, cạnh đường Quốc lộ 32, tại ngã ba giao cắt với đường Hồ Chí Minh, nơi con sông Tích Giang chảy từ hướng hồ Suối Hai, huyện Ba Vì, qua xã Đường Lâm vào thị xã Sơn Tây.
Làng Đường Lâm xưa có tên nôm là Kẻ Mía. Tên này được bắt đầu từ chữ: Cam Giá (Mía ngọt). Cam Giá xưa được chia thành hai tổng: Cam Giá Thượng và Cam Giá Hạ. Cam Giá Thượng là các xã thuộc miền Cam Thượng, Thanh Lũng, Bình Lũng... (nay thuộc về huyện Ba Vì). Còn Cam Giá Hạ là xã Đường Lâm (nay thuộc thị xã Sơn Tây).
Đường Lâm gồm 9 làng, trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất về phong tục, tập quán và tín ngưỡng đã hàng ngàn năm. Trung tâm của xã Đường Lâm là làng Mông Phụ.
Đầu thế kỷ 19, Đường Lâm là nơi đặt lỵ sở của trấn Sơn Tây.
Hiếm có một xã nào tại Đồng bằng sông Hồng lại hội tụ được nhiều điều mong ước như tại Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội.
Đường Lâm về phong thủy được cho nằm trên thế đất “Tọa sơn vọng thủy” tức lưng tựa vào núi Tản (núi Ba Vì) - núi Tổ của Việt Nam, mặt ngoảnh ra sông Hồng - sông Cái, sông Mẹ. Đây cũng là một “tứ giác nước” được bao bọc bởi sông Đà, sông Tích, sông Đáy và sông Hồng. Vùng đất có nhiều đồi gò với các huyệt đế vương.
Đường Lâm là vùng đất địa linh, nhân kiệt. Đây là quê hương của bà Man Thiện (? - 43, là mẹ của Hai Bà Trưng); Đây được cho là vùng đất hai vua, nơi sinh của Bố Cái Đại vương Phùng Hưng (? - 791, lãnh tụ cuộc nổi dậy chống sự đô hộ của nhà Đường thời Bắc thuộc lần thứ 3, năm 602–905) và vua Ngô Quyền (Tiền Ngô Vương, trị vì năm 939 đến năm 944); Đây cũng là mảnh đất gắn liền với danh nhân nổi tiếng như Thám hoa Giang Văn Minh (năm 1573 - 1638, khi đi sứ vì đối đáp thẳng thắn trước triều đình Trung Quốc, bị vua nhà Minh sát hại); bà chúa Mía (Nguyễn Thị Ngọc Giao, người xây chùa Mía, vương phi của chúa Trịnh Tráng)…
Đường Lâm là một ngôi làng truyền thống thuần Việt tại vùng Đồng bằng Bắc Bộ, chưa bị biến đổi nhiều theo quá trình đô thị hóa. Ngoài nhà ở đa phần còn giữ được cốt cách xây dựng truyến thống, tại đây còn bảo tồn được hệ thống chùa, đình, đền miếu, nhà thờ, giếng cổ, đường ngõ… với nhiều di vật, cổ vật; kèm theo đó là hệ thống cảnh quan môi trường nông thôn sinh động với 36 gò đồi, 18 rộc sâu, 49 ao, hồ, vũng, chuôm, nhiều cây đa, đề, si, ruối…cổ thụ.
Đường Lâm là vùng đất gắn liền với di tích lịch sử, văn hóa Nho học. Tại đây có Văn miếu Sơn Tây, ngoài chức năng thờ cúng Khổng Tử và các vị tiên Nho, còn là nơi đào tạo nhân tài và lưu danh các bậc hiền tài mà danh tiếng, công tích của họ đã làm rạnh danh quê hương, đất nước. Trước thời nhà Nguyễn cho tới năm 1831, đây là một trong 4 văn miếu của tứ trấn Thăng Long (Văn Miếu Bắc Ninh; Văn Miếu Xích Đằng, Hưng Yên; Văn Miếu Mao Điền, Hải Dương; Văn miếu Sơn Tây, Hà Nội).
Đường Lâm còn là vùng đất có rất nhiều địa danh gắn với Thần tích, tạo cho con người nơi đây đức tin sâu rộng đủ để bao dung và thức tỉnh làm những điều tốt đẹp.

Sơ đồ làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

Phối cảnh làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội
Một số công trình tiêu biểu tại làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội:
Cổng, đường làng, ngõ xóm, giếng, điếm canh
Cổng làng Mông Phụ
Đường Lâm được cho có tới 5 cổng, một cổng lớn và 4 cổng trấn tứ phương, nhưng hiện tại chỉ còn sót lại cổng làng Mông Phụ.
Cổng làng Mông Phụ nằm tại phía Đông của Đường Lâm, ngay trên đường vào làng, nơi phân định không gian lao động nông nghiệp ở phía ngoài và không gian sinh sống phía trong làng.
Gắn với với cổng là đường làng, cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi, ao làng và cánh đồng lúa mênh mông.
Cổng làng Mông Phụ không giống như cổng làng thông thường vùng Bắc Bộ với các tầng mái và cửa cuốn tò vò, mà là một ngôi nhà 1 gian, đầu hồi bít đốc, 2 mái; là nơi cho người gánh lúa nghỉ ngơi, chỗ trú cho người đi tuần làng.
Công trình có quy mô không lớn, kiến trúc đơn giản, song lại là biểu tượng và bộ mặt của làng cổ Đường Lâm bởi cách thức xây dựng và các cảnh quan phụ trợ: Tường của cổng làng được xây đá ong trần; Hai cánh cổng được làm bằng gỗ lim, xoay trên hai cối cổng bằng đá và hai bánh xe gỗ bọc thép.
Cổng làng Mông Phụ có kết cấu tương tự như các công trình chính trong đền, đình của làng. Bên trong cổng có các hàng câu đối. Một câu đối trong đó cho biết cổng làng được dựng vào năm 1533. Một câu đối khác khắc trên thượng lương dòng chữ “Thế hữu hưng nghi đại”, như một thông điệp của làng gửi những người tới thăm: Đây là ngôi làng hưng thịnh nhờ biết thích nghi, hòa với đại đồng.
Qua cổng làng đến các cổng thôn, qua cổng thôn vào đến cổng nhà.
Hệ thống cổng làng, cổng thôn và cổng nhà thường được xây bằng gạch ong, tạo nên một đặc trưng của làng cổ Đường Lâm.

Cổng làng Mông Phụ một trong những hình ảnh tiêu biểu của Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

Phối cảnh cổng làng Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

Triết lý văn hóa của làng khắc trên thượng lương cổng làng Mông Phụ: “Thế hữu hưng nghi đại”
Đường làng, ngõ xóm
Hệ thống đường xá của Đường Lâm có hình xương cá hay hình dẻ quạt. Mọi con đường làng đều dẫn tới đình làng. Đường làng lát gạch nghiêng chạy giữa những bức tường nhà cổ.
Từ đường làng có các đường ngõ lát gạch toả đi các hướng để đến từng thôn xóm trong làng.

Hình ảnh đường làng tại Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

Hình ảnh một ngõ xóm tại Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội
Giếng làng
Truyền thuyết cho rằng Cao Biền (tướng quân và nhà phong thủy triều nhà Đường, 821- 887) đã dùng pháp thuật đào 100 cái giếng xung quanh chân núi Ba Vì trong đó có Đường Lâm để triệt long mạch. Nhưng cứ đào gần xong giếng nào thì giếng đó lại bị sập, nên đành phải bỏ cuộc.
Làng cổ ở Đường Lâm có nhiều giếng. Mỗi xóm đều có một giếng mang tên của xóm. Ngày nay, một số giếng vẫn còn được lưu lại do gắn liền với các thần tích.
Tại khu vực đình Mông Phụ có hai giếng- giếng đình Mông Phụ và giếng Miễu, được cho là hai mắt rồng.
Tại chân núi Cấm, phía Tây Nam xã Đường Lâm có một giếng đặc biệt – giếng Chuông Sa hay “giếng Sữa”. Tương truyền, khi đây vẫn còn hoang sơ, một đứa trẻ chào đời vào thời loạn lạc, bị bỏ rơi, khát sữa khóc dưới chân núi. Một bà lão đi ngang qua, bế cháu và đi tìm nhà dân cứu giúp. Đi mãi, tới một thung lũng dưới chân núi, thấy một mạch nước chảy ra từ hang đá, bà lấy nước cho cháu bé uống. Đứa trẻ bỗng ngừng khóc và thiếp ngủ trên tay bà. Từ đó, bà dựng lều tại đây nuôi đứa trẻ. Khi mất, người dân trong vùng lập miếu thờ bà, gọi là “Miếu mẹ” và xây giếng trên mạch nước thiêng, gọi là “giếng Sữa”. Có năm khô hạn, tất cả giếng làng cạn trơ đáy thì giếng thiêng vẫn đầy ắp nước. Ngày nay, giếng Chuông Sa được kè bằng đá ong, đường kính 70 - 80cm, sâu hơn 1m. Giếng được cho mang lại điều kì diệu cho phụ nữ đang nuôi con nhỏ bị mất sữa và hiện được nhiều người tìm đến.

Hình ảnh một trong những giếng làng tại Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

“Giếng Sữa” – giếng Chuông Sa tại làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội
Điếm canh
Các điếm canh tại Đường Lâm đều được xây bằng gạch và lợp ngói, phân bố ở các khu xóm trong làng. Đây là nơi phục vụ các phiên tuần hay dân binh canh phòng trong đêm.
Một số điếm canh vẫn còn tồn tại đến ngày nay, trở thành miếu thờ. Bên trong có bệ xây làm bàn thờ. Trên ban thờ có mũ thờ thổ công, bát hương, vàng mã, mõ gỗ và ngựa giấy. Ngày Rằm, mùng Một dân làng vẫn ra thắp hương.

Hình ảnh một điếm canh tại làng Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội
Nhà ở
Làng cổ ở Đường Lâm có niên đại trong khoảng 500 năm. Đặc điểm của các nhà cổ, cùng với các thiết chế xã hội, tín ngưỡng và không gian văn hoá, đã phản ánh khá đầy đủ hoạt động kinh tế, xã hội cũng như sinh hoạt của người dân xứ Đoài vào thế kỷ 16 – 19, trong một nền kinh tế nông nghiệp truyền thống.
Loại nhà cổ tại Đường Lâm
Đường Lâm hiện vẫn còn lưu giữ được hơn 800 ngôi nhà có niên đại từ 100 đến trên 200 năm.
Loại nhà cổ trên 200 năm còn lại rất ít, chủ yếu là nhà của quan lại, thương gia, hoặc những người có vị thế trong xã hội phong kiến xưa.
Loại nhà có niên đại trên 100 năm đến dưới 200 năm hiện phổ biến ở Đường Lâm.
Ngày nay, nhà ở tại Đường Lâm được bổ sung nhiều loại nhà mới dạng thành thị với mái bằng, mái lợp tôn; vật liệu xây dựng mới như bê tông, kính…
Các thành phần của nhà truyền thống
Trung bình nhà ở Đường Lâm có diện tích trên dưới 300 m2, bố cục chủ đạo theo hướng Nam, Đông, gồm các thành phần chủ yếu:
i) Cổng: Không trùng với chính giữa cửa chính của nhà chính; xây bằng gạch đá ong, cuốn vòm, đắp hoa văn trang trí; cánh cổng bằng gỗ, bên trong có then cài; một số cổng lợp mái ngói.
ii) Tường rào: Hầu hết xây bằng đá ong hay gạch, cao trên đầu người; một số ít nhà có khuôn viên rộng, rào bằng cây bụi, tre.
iii) Lối đi và sân: Lối đi vào nhà lát gạch hoặc bằng đất nện đầm kỹ, hai bên lối đi trồng cây ăn quả, cau. Sân là nơi phơi thóc, tổ chức đình đám của gia đình. Nhà giầu thường có sân rộng lát gạch. Các ngôi nhà của người dân Đường Lâm gắn với nhiều nghề truyền thống, trong đó có nghề làm tương. Các hũ gốm đựng tương thường đặt tại sân nhà.
iv) Vườn: Tuỳ theo hướng nhà, hình dáng, kích thước khuôn viên, mà được bố trí ở đằng trước, sau hay bên cạnh nhà chính. Thông thường, vườn rau bố trí ở trước nhà, vườn cây ăn quả ở phía sau.
v) Bình phong: Được xây bằng gạch có dạng cuốn thư, trên có đắp hình trang trí phong cảnh, hoa lá, đôi khi chỉ là một bức tường giản đơn.
vi) Nhà chính: Là nơi cư trú, của gia đình từ có 3 đến 4 thế hệ cùng sinh sống; xây trên một nền cao hơn nhà ngang và nhà bếp. Mặt bằng thường có số gian lẻ 3, 5, 7 gian và hai chái.
Ba gian giữa thông nhau, không có vách ngăn, có chức năng thờ cúng, tiếp khách, sinh hoạt chung của gia đình, chỗ ngủ của đàn ông, khách nam giới. Nhiều gia đình ở Đường Lâm ngoài ban thờ gia tiên còn có riêng ban thờ mẫu Tam phủ, thờ Đức Thánh Trần; thờ Thổ công…Tại nhà tộc trưởng, chi trưởng có bàn thờ tổ của cả họ tộc hoặc xây dựng riêng thành nhà thờ họ. Không gian thờ cúng cũng là nơi tập trung các trang trí kiến trúc, điêu khắc và bố trí các đồ vật trang trọng của gia đình. Hai gian bên có dạng không gian kín là nơi sinh hoạt của phụ nữ trong gia đình, nơi dự trữ lương thực, giống, cất giữ đồ dùng. Hai gian này có cửa đi nhỏ mở ra hiên. Nhà chính nhà nào cũng có hiên; hẹp nhất là 90 cm, rộng nhất là 160cm. Hiên là một không gian chuyển tiếp, giữa trong và ngoài nhà; là nơi phơi quần áo, chứa đựng khoai sắn, kê gác những dụng cụ nông nghiệp và là nơi đan lát, vá may. Ngoài hiên thường có bức dại che nắng được làm bằng tre. Ngăn cách hiên với trong nhà là hệ thống cửa bức bàn liên kết với hàng cột quân.Đồ đạc trong nhà phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Nhà giàu có sập gụ, tủ chè, trường kỷ bằng gỗ quí như đinh, lim, mun. Nhà nghèo có chõng tre, giường, phản, tủ bằng gỗ xoan, gỗ mít.
vii) Nhà phụ: Là một hay nhiều nếp nhà; có thể kết hợp với bếp, kho, chuồng chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Hình thức kiến trúc và kết cấu của nhà phụ đơn giản hơn so với nhà chính. Thường chỉ là một nhà 3 hoặc 5 gian, 2 mái, lợp ngói hoặc mái tranh; kèo gỗ với 2 hoặc 3 hàng cột đôi khi kèo gác thẳng lên tường mà không cần cột bởi vì lòng nhà hẹp, chỉ từ 3m đến 4m. Nhà phụ hầu như không có chạm khắc trang trí. Hình thức liên kết giữa nhà chính và nhà phụ có dạng: chữ nhât (-), chữ nhị (=), chữ đinh (T), chữ môn (U).
viii) Bếp: Bố trí vuông góc với nhà chính, quay mặt ra sân tạo ra khuôn viên có hình thước thợ hay bố trí bên cạnh dọc theo nhà chính phía trước có sân nhỏ. Vị trí bếp không được chắn hướng gió tốt vào nhà. Với khuôn viên hẹp thì bếp có thể được kết hợp với nhà phụ hay chuồng trại tạo thành một nếp nhà. Kết cấu nhà bếp thường đơn giản với mái ngói, tường thu hồi.
ix) Chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm: Kết cấu đơn giản, mái tranh hoặc mái ngói. Nhà có khuôn viên rộng, chuồng trại đặt cách xa nhà chính. Nhà có khuôn viên hẹp, chuồng trại được kết hợp với nhà phụ hay vệ sinh thành một nếp nhà đôi.
x) Nơi vệ sinh: Thường kết hợp với chuồng chăn nuôi.
xi) Giếng nước – khu tắm giặt: Thường nằm cách xa nhà chính và ở chỗ khuất. Tuỳ theo khả năng kinh tế của chủ nhà mà tắm giặt có thể xây thành một nếp nhà hoặc chỉ xây quây đơn giản.
xii) Ao: có rất ít, thường đặt ở phía trước nhà chính.
Kết cấu chính và vật liệu xây dựng
Kết cấu chính của ngôi nhà ở 1 tầng tại Đường Lâm hầu hết là hệ khung gỗ chịu lực, gồm: hệ cột (cột cái, cột quân, cột hiên), hệ thống xà ngang (quá giang, câu đầu), hệ thống xà dọc (xà nóc, xà thượng, xà hạ), hệ thống kèo, kè bảy…Kết cấu có thể tháo ra, lắp lại nếu có nhu cầu sửa chữa.
Hệ cột thường theo kiểu 4 hoặc 6 hàng chân cột. Các cột được dựng trên những chân tảng bằng đá. Một số nhà có thêm cột hàng hiên, vì thế nhà có 5 hoặc 7 hàng cột.
Gian chính của nhà thường có kích thước bằng nhau.
Gỗ xoan là vật được sử dụng nhiều trong cấu trúc nhà ở truyền thống (trên 60%), do cây xoan thường được trồng ngay trong vườn nhà, dễ trồng, phát triển nhanh; có khả năng chịu được mối mọt và nhất là khi ngâm xuống bùn ao khoảng 5 - 6 tháng.
Tường nhà có các loại: tường trát, tường xây đá ong và tường xây gạch.
Tường trát: Là tường đắp hỗn hợp đất bùn, tro và rơm lên hệ xương đan bằng phên tre hoặc nứa. Sau này, cải tiến tường trát bằng cách dùng hỗn hợp vữa xây và rơm trát lên phên nứa, có độ bền lâu hơn.
Tường xây bằng đá ong: Người ta dùng thuổng để đào đá ong, cắt thành từng khối có kích thước khoảng 40 x 24 x 18cm. Đá ong ở trạng thái tự nhiên thường mềm, nhưng khi đã phơi nắng một thời gian thì trở thành cứng chắc, có độ bền rất cao. Tường được xây bằng vữa vôi hoặc bùn trộn trấu, để trần không trát. Đây là loại tường tạo nên một trong những biểu tượng tại làng cổ Đường Lâm.
Tường xây gạch: Gạch đất nung kích thước 6 x 10,5 x 22cm, được xây bằng vữa hỗn hợp (vôi + cát + tro + mật). Đây là loại tường phổ biến tại làng cổ Đường Lâm.
Cửa nhà phổ biến được làm theo kiểu ‘‘thượng song hạ bản’’. Phần bản chủ yếu là bào trơn, it chạm khắc, chỉ có đường viền. Mỗi gian thường có 4 cánh và mỗi cánh có 2 mộng ghép vào ngưỡng cửa, then cài bằng gỗ ở đà ngang trên cửa. Ngưỡng cửa bằng gỗ đặc, cao khoảng 40 cm và cách nền khoảng 10 cm.
Nhà ở Đường Lâm có nhược điểm là thiếu ánh sáng, do không có cửa sổ và trần thấp.
Mái nhà ở truyền thống Đường Lâm có độ dốc khoảng 33-45 độ, chủ yếu dạng 2 mái, đầu hồi bít đốc, xây giật cấp lên đỉnh mái. Ngói lợp dạng mũi hài có kích cỡ 10x15x1,5cm. Sau này sử dụng loại ngói lợp có kích thước lớn. Bờ nóc mái, bờ chảy, bít đốc đều xây bằng gạch vữa.
Tại gia đình giàu có, hiên và nền nhà được lát gạch với kích cỡ 30 x 30cm.
Trang trí
Trang trí bên ngoài và bên trong nhà ở truyền thống Đường Lâm phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kinh tế và địa vị xã hội của chủ nhân ngôi nhà. Tuy nhiên với mỗi nhà thì mức độ trang trí lại ưu tiên cho từng vị trí cụ thể, được chắt lọc cẩn thận từ kiểu dáng cho đến kích thước các mảng trang trí.
Ngoài vẻ đẹp tự thân của giải pháp kiến trúc, chạm khắc gỗ, trang trí ngôi nhà cổ Đường Lâm còn gắn kiểu cách của các đồ nội thất như bàn, ghế, sập gỗ, trường kỷ, giường, tủ…



Hình ảnh một ngôi nhà cổ gần 400 tuổi tại Đường Lâm; Ảnh trên: Cổng vào nhà; Ảnh giữa: Nhà chính; Ảnh dưới: Bên trong nhà chính



Hình ảnh một ngôi nhà cổ gần 300 tuổi tại Đường Lâm; Ảnh trên: Cổng vào nhà; Ảnh giữa: Nhà chính; Ảnh dưới: Bên trong nhà chính
Đình Mông Phụ
Đình là tên gọi công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi hội họp, tổ chức lễ hội của người dân.
Đình làng Mông Phụ là một trong những ngôi đình nổi tiếng của làng cổ Đường Lâm. Làng Mông Phụ nằm trên thế đất hình con rồng: Đầu rồng chính là nơi tọa lạc của đình Mông Phụ, hai mắt là hai giếng cạnh đình, râu rồng toả ra các ngõ xóm, đuôi vắt về xóm Sải.
Đình làng Mông Phụ thờ Thượng đẳng thần - thần Tản Viên Sơn Thánh, là một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt (Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Thánh Mẫu Liễu Hạnh) làm Thành hoàng làng.
Đình Mông Phụ được xây dựng vào năm 1533, trên một khu đất trung tâm và cao nhất của làng, rộng khoảng 1.800m2, hướng Tây Nam. Năm 2006-2008, đình được tu sửa lớn, song về cơ bản vẫn giữ nguyên trạng đợt tu sửa năm 1858.
Đình Mông Phụ gồm các hạng mục công trình: Nghi môn, Đình, Tả vu, Hữu vu các một số công trình phụ trợ khác.

Tổng mặt bằng đình Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội
Nghi môn
Nghi môn đình Mông Phụ gồm 4 trụ biểu. 2 Trụ biểu giữa cao, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu; 2 trụ biểu hai bên thấp, đỉnh trụ trang trí tứ phượng. Thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, phía dưới trang trí câu đối.
Giữa hai trụ ngoài là cổng, phía trên có tường chắn. Hai bên Nghi môn là bức tường thấp, xây bằng gạch đá ong. Phía sau Nghi môn là sân đình. Sân lát gạch đỏ. Người ta cho rằng, người xưa làm sân đình thấp hơn xung quanh, nên khi trời mưa, nước chảy vào sân rồi thoát ra hai bên tạo thành hình tượng râu rồng. Hai bên sân là hai tòa Tả vu, Hữu vu. Mỗi tòa có 5 gian, tường hồi bít đốc 2 mái. Đây là nơi thờ tổ tiên các dòng họ và người có công tích với làng.
Đình
Đình Mông Phụ có mặt bằng hình chữ "công" hay chữ H, gồm Đại đình, Bái đường và Hậu cung.
Đại đình (Đại bái) là một tòa 5 gian, 2 chái, 4 mái. Các bộ vì kèo tòa Đại đình làm theo kiểu chồng rường, giá chiêng với 6 hàng cột gỗ lim; có nhiều cột chu vi gần 2m. Nền đình bố trí theo kiểu lòng thuyền truyền thống với gian giữa nền sát đất, lát gạch; nền hai bên là sàn gỗ, cao cách nền khoảng 0,5m, có lan can gỗ bao quanh. Nửa phía sau gian chính giữa Đại đình đặt một ban thờ trên một sàn lửng bằng gỗ, cách nền 1,9m. Phía trước khám thờ là các bức cửa chạm khắc, sơn son thếp vàng. Không gian bên dưới gác lửng không bài trí di vật. Các gian hai bên Đại đình để trống, tạo không gian rộng rãi cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Bái đường (Thiêu hương) nằm dọc nối Đại đường và Hậu cung.
Hậu cung 3 gian, 4 mái. Bên trong có tường xây kín 3 mặt. Hậu cung là nơi trang trọng, thâm nghiêm, đặt ngai thờ và bài vị thờ Thành hoàng Tản Viên Sơn Thánh. Hậu cung quanh năm đóng cửa, trừ những ngày lễ hội.
Hai bên đình có 2 giếng cổ, được cho là 2 mắt rồng. Mắt rồng thứ nhất là giếng đình Mông Phụ. Ở hướng Tây đình Mông Phụ có một giếng đá ong khác, miệng giếng nhỏ hơn nhưng sâu hơn nằm khuất trong một con ngõ. Giếng này được đào ở xóm Miễu nên gọi là giếng Miễu.
Chạm khắc
Ngôi đình truyền thống vùng Đồng bằng Bắc Bộ thường nổi bật ở mạng chạm khắc. Có những ngôi đình không có mảng trống nào trên gỗ là không có chạm khắc trang trí. Đình Mông Phụ có ít mảng chạm khắc, song khá tinh xảo. Các chạm khắc liên quan đến hình tượng Tứ linh, Tứ quý, hoa lá, mây theo phong cách thời Hậu Lê…Trong đó, hình tượng rồng được chạm khắc nhiều nhất.
Đình Mông Phụ còn lưu giữ được 17 đạo sắc phong thần Tản Viên làm thành hoàng làng từ năm 1651.
Hàng năm, đình tổ chức lễ hội từ mùng 1 đến mùng 10 tháng Giêng Âm lịch.

Nghi môn đình Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

Mặt trước Đại đường đình Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

Giếng xóm Miễu và mặt bên đình Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội



Bên trong đình Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

Bức chạm “Rồng cha dạy rồng con viết chữ”, đình Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

Bức chạm kỳ lân tại đầu bẩy đình Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

Bức chạm Tứ linh trên kết cấu mái đình Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội
Chùa Mía
Xem chi tiết chùa Mía tại đây

Phối cảnh chùa Mía, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội
Đền và lăng Ngô Quyền
Ngô Quyền (Tiền Ngô Vương, trị vì năm 939 đến năm 944), có công chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (938) và mở ra thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài cho dân tộc Việt Nam. Ngài là một trong 14 vị Anh hùng dân tộc Việt Nam.
Đền và lăng Ngô Quyền được xây dựng trên một đồi đất cao, có tên là đồi Cấm, tại vị trí đẹp nhất của Đường Lâm. Đền và Lăng bố cục hướng Tây Nam, về phía dãy 5 gò núi làm tiền án.

Sơ đồ vị trí đền và lăng Ngô Quyền, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội
Đền thờ Ngô Quyền
Đền thờ Ngô Quyền được xây dựng từ lâu đời và đã qua nhiều lần trùng tu.
Lần tu sửa gần đây nhất là vào năm 1857; tu tạo lại vào năm 1877. Đền có quy mô khá khiêm tốn, gồm: Nghi môn, Chính điện, Tả mạc, Hữu mạc; có tường bao quanh.
Nghi môn đền trước đây có 2 trụ biểu, mới xây dựng thêm thành 4 trụ biểu tạo thành Tam quan. 2 Trụ biểu giữa cao, đỉnh trụ trang trí tứ phượng, 2 trụ biểu hai bên thấp, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu. Thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, phía dưới trang trí câu đối. Phía sau Nghi môn là sân đền. Hai bên có hai tòa Tả mạc, Hữu mạc, 5 gian, đầu hồi bít đốc 2 mái. Đây là nơi đặt các đồ tế lễ và kiệu thờ.
Chính điện có mặt bằng hình chữ "đinh" hay chữ T gồm tòa Chính điện và Hậu cung, đặt trên một bệ cao 3 bậc so với mặt sân.
Tòa Chính điện (Đại bái) 5 gian; gian giữa có treo bức hoành phi đề bốn chữ Hán "Tiền vương bất vong" (Vua Ngô Quyền sống mãi). Hiện nay, Đại bái còn được dùng làm phòng trưng bày về trận chiến thắng trên sông Bạch Đằng và thân thế, sự nghiệp của Ngô Quyền.
Hậu cung là một ngôi nhà dọc 3 gian, Gian giữa có đặt tượng thờ Ngô Quyền. Bộ khung gỗ bên trong được trang trí hình rồng, hoa, lá...

Nghi môn đền thờ Ngô Quyền, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

Sân trước đền và tòa Hữu vu, đền thờ Ngô Quyền, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

Tòa Đại bái, đền thờ Ngô Quyền, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

Tượng Ngô Quyền trong Hậu cung đền thờ Ngô Quyền, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội
Lăng Ngô Quyền
Lăng mộ Ngô Quyền nằm cách phía Nam đền thờ khoảng 70m.
Lăng được trùng tu năm 1821, được xây dựng lại năm 1874. Năm 2013, lăng được trùng tu.
Lăng được xây kiểu nhà bia có mái che, cao khoảng 1,5m. Giữa lăng là ngai, trong có bia đá ghi bốn chữ Hán "Tiền Ngô Vương Lăng".
Trong quần thể đền và lăng Ngô Quyền có 18 cây duối cổ, tương truyền là nơi Ngô Quyền buộc voi, ngựa. Các cây này đã được công nhận là "Cây di sản" cấp quốc gia.
Hàng năm cứ đến ngày 14 tháng 8 Âm lịch, ngày giỗ Ngô Quyền, nhân dân trong vùng lại về đây để làm lễ cúng tế và báo công với vua.

Lăng Ngô Quyền tại thôn Cam Lâm, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội
Đền thờ Phùng Hưng
Phùng Hưng (Bố Cái Đại vương, 761- 801) vốn con nhà hào phú, có sức vật trâu, đánh hổ. Nối nghiệp cha, trở thành hào trưởng đất Đường Lâm.
Sau này, ông trở thành vị vua Việt Nam, lãnh tụ nổi dậy chống lại sự đô hộ của nhà Đường thời Bắc thuộc lần thứ ba (602–905) trong lịch sử Việt Nam. Con của Phùng Hưng là Phùng An khi lên ngôi tôn Phùng Hưng làm Bố Cái Đại Vương.
Sau khi mất, người dân lập đền thờ ở một số khu vực như Hà Nội, Vĩnh Phúc…tưởng nhớ công tích của Ngài. Trong đó, đền thờ Phùng Hưng tại làng Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây là có quy mô bề thế nhất. Khu vực làng Cam Lâm vẫn còn địa danh đồi Hổ Gầm, thôn Đoài Giáp có gò Bố Về, gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Bố Cái Đại Vương.
Hình dáng ngôi đền hiện nay là từ đợt trùng tu lớn vào năm 1889.
Đền nằm trên một gò đồi, gồm các hạng mục công trình: Nghi môn, Tả mạc và Hữu mạc, Đại bái, Hậu cung và công trình phụ trợ.
Nghi môn đền gồm 2 trụ biểu. Đỉnh trụ trang trí con nghê chầu. Thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, phía dưới trang trí câu đối. Hai bên trụ biểu là tường rào bằng gạch.
Sau Nghi môn là sân đền. Hai bên sân là hai tòa Tả vu, Hữu vu. Mỗi dãy có 3 gian, 2 dĩ.
Tòa Đại bái nằm trên một bậc thềm cao 3 bậc so với mặt sân, gồm 3 gian, 2 chái, 4 mái.
Tòa Hậu cung nằm song song với tòa Đại bái, gồm 3 gian, đầu hồi bít đốc, 2 mái. Trong Hậu cung có tượng thờ Bố Cái đại Vươn.
Xung quanh đền có một số cây lấy gỗ, ăn quả đã có niên đại lâu đời như: lim, nhãn, đa.
Trong đền còn lưu giữ nhiều sắc phong của các triều đại phong kiến vào các năm 1285, 1287, 1312…
Ngày 8 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, dân Đường Lâm và con cháu họ Phùng, du khách thập phương lại hội tụ về đây để tỏ lòng thành kính đối với Bố Cái Đại vương Phùng Hưng.

Nghi môn đền thờ Phùng Hưng, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

Tòa Đại bái, đền thờ Phùng Hưng, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội


Bên trong tòa Đại bái, đền thờ Phùng Hưng, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

Tòa Hậu cung, đền thờ Phùng Hưng, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

Bên trong Hậu cung đền thờ Phùng Hưng, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội
Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh
Truyền thuyết kể rằng: Vua Sùng Trinh Đế (hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Minh, trị vì năm 1627- 1644) đã ra một vế đối bắt sứ thần Đại Việt đối lại. Vế đối ra là: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục”, nghĩa là: Cột đồng đến giờ rêu vẫn còn xanh”; có ý nhắc lại việc xưa, khi tướng nhà Hán là Mã Viện (năm 14 TCN – 49 sau Công nguyên) đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, đã dựng một chiếc cột đồng rồi khắc lên đó mấy chữ: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”, nghĩa là khi nào chiếc cột đồng này gãy thì xứ Giao Chỉ sẽ bị diệt vong. Không để cho kẻ khác làm nhục quốc thể, sứ thần Giang Văn Minh đã dùng sự tích quân Nam Hán bị Ngô Quyền đánh cho tan tác trên sông Bạch Đằng năm 938 để đối lại: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng”, nghĩa là: Sông Bạch Đằng từ xưa máu vẫn còn loang đỏ.
Vào thời bấy giờ, câu đối này được xem là cái tát thẳng vào mặt hoàng đế nhà Minh. Sùng Trinh Đế nổi giận, quên thể diện, bất chấp luật lệ bang giao, cho người trám đường vào miệng và mắt ông, mổ bụng xem "Sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu".
Thi hài Giang Văn Minh được đưa về nước và chôn cất tại Đồng Dưa, thuộc xứ Gò Đông, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm.
Nhà thờ và lăng mộ Giang Văn Minh đều nằm ở thôn Mông Phụ. Nhà thờ được người trong họ xây kiên cố từ thời Tự Đức (1847 - 1883).
Nhà thờ có diện tích 400m2, bố cục hướng Đông, dựng theo hình chữ Nhị, bao gồm: Nghi môn, Sân, Tiền đường, Hậu đường. Ngoài ra, còn có các hạng mục khác như: cổng, sân, vườn.
Nghi môn nhà thờ có quy mô nhỏ, mái chồng diêm 2 tầng.
Sân hẹp, lát gạch, có bồn hoa ở giữa.
Tiền đường 5 gian, có bệ gạch dùng làm nơi hội họp và giỗ tiệc.
Hậu đường 3 gian. Bên trong đặt bàn thờ Thám hoa Giang Văn Minh và gia tộc của ông.
Trong nhà thờ còn lưu giữ một số đi vật quý như câu đối, bia đá, lư hương, đỉnh đồng.
Vào ngày 2 tháng 6 Âm lịch hàng năm, người dân và con cháu họ Giang ở khắp nơi về làm lễ tưởng nhớ công tích của ông với dân với nước.

Cổng vào nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

Lăng mộ Thám hoa Giang Văn Minh, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội
Nhà thờ giáo họ Mông Phụ
Nhà thờ Giáo họ Mông Phụ, Giáo xứ Sơn Tây được khởi công xây dựng từ năm 1954.
Từ phía xa, nhà thờ nổi bật giữa hàng trăm mái nhà cổ của Đường Lâm.
Nhà thờ không được chạm khắc kì công tinh xảo, họ đạo không quá đông dân.
Người Đường Lâm vốn bao dung. Tại đây các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau (Đạo Phật, Đạo Công giáo, Thần đạo Việt Nam) có thể hòa hợp để cùng chung sức làm những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng, cho làng xã và cho quốc gia.

Nhà thờ Giáo họ Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

Bên trong nhà thờ Giáo họ Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội
Văn Miếu Sơn Tây, Hà Nội
Văn Miếu Sơn Tây là văn miếu cấp vùng của xứ Đoài (tỉnh Sơn Tây, được thành lập năm 1831, gồm tỉnh Vĩnh Phúc, phía Bắc tỉnh Phú Thọ, một phần tỉnh Tuyên Quang và Tây Bắc thành phố Hà Nội ngày nay). Trước thời nhà Nguyễn cho tới năm 1831, đây là một trong 4 văn miếu của tứ trấn Thăng Long (Văn Miếu Bắc Ninh; Văn Miếu Xích Đằng, Hưng Yên; Văn Miếu Mao Điền, Hải Dương; Văn miếu Sơn Tây, Hà Nội).
Văn Miếu Sơn Tây là một trong số ít văn miếu xưa còn tồn tại trong cả nước: Văn Miếu Quốc tử giám, Hà Nội (thế kỷ 11, năm 1070); Văn Miếu Xích Đằng, Hưng Yên (thế kỷ 15); Văn Miếu Mao Điền, Hải Dương (thế kỷ 15); Văn Miếu Bắc Ninh (thế kỷ 15); Văn Miếu Sơn Tây (thế kỷ 15); Văn Miếu Vinh, Nghệ An (thế kỷ 19); Văn Thánh Miếu Huế (thế kỷ 19); Văn Miếu Diên Khánh, Khánh Hòa (thế kỷ 19); Văn Miếu Trấn Biên, Đồng Nai (thế kỷ 18, năm 1715); Văn Miếu Vĩnh Long (thế kỷ 19)….
Khi vua Gia Long (hoàng đế sáng lập nhà Nguyễn, trị vì 1802 - 1820) lên ngôi đã cho xây dựng Quốc Tử Giám tại Huế, đồng thời hạ chỉ cho các trấn được phép lập nhà Văn Miếu để tỏ lòng kính trọng Nho học, bổ sung cho hệ thống các Văn Miếu đã được xây dựng thời Lý, Hậu Lê trước đó.
Văn Miếu tỉnh Sơn Tây xưa kia nằm tại làng Cam Thịnh, tổng Cam Giá Thịnh, huyện Phúc Thọ, được xây dựng vào thế kỷ 15, cùng thời và có quy mô bề thế, tầm quan trọng giống như Văn Miếu Xích Đằng, Văn Miếu Mao Điền, Văn Miếu Bắc Ninh.
Đến năm 1846. Văn Miếu Sơn Tây được chuyển về làng Mông Phụ, Sơn Tây. Năm 1891, được trùng tu lại và dựng các tấm bia đá khắc tên họ các vị đỗ giáp khoa. Trong hệ thống Khoa bảng Việt Nam xưa có 3 cấp thi: i) Thi Đình: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ; ii) Thi Hội: Thái học sinh, Phó bảng; iii) Thi Hương: Hương cống, Sinh đồ. Các vị đỗ giáp khoa, tính từ Tiến sĩ trở nên, thời nhà Nguyễn tính từ Phó bảng trở lên.
Văn Miếu Sơn Tây được triều đình cho xây dựng để tôn thờ Đức thánh Khổng Tử, Tứ phối ( bốn học trò xuất sắc của Đức Thánh là: Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử) và 72 vị hiền triết, cùng các danh nhân khoa bảng thuộc khu vực xứ Đoài đã đỗ đạt các danh hiệu qua các thời kỳ của chế độ phong kiến. Có khoảng 288 vị Tiến sĩ được khắc trên 2 tấm bia đá lưu tại Văn Miếu Sơn Tây.
Trong chiến tranh chống Pháp, năm 1947, Văn Miếu Sơn Tây hoàn toàn bị phá hủy.
Năm 2012, trên nền của Văn Miếu xưa, đã phục dựng lại Văn Miếu Sơn Tây.
Văn Miếu Sơn Tây có bố cục hướng về Nam, có diện tích khoảng 4ha.

Sơ đồ mặt bằng Dự án Khu di tích lịch sử văn hóa Văn Miếu, Sơn Tây, Hà Nội



Phối cảnh tổng thể Văn miếu Sơn Tây, Hà Nội
Tương tự như các ngồi đền miếu truyền thống, quần thể Văn Miếu gồm các công trình: Nghi môn ngoại, Nghi môn nội, Lầu chuông, Lầu khánh, Tả vu, Hữu vu, Đại bái, Thượng điện, Đền Khải thánh và Văn chỉ, công trình phụ trợ, sân vườn và tường bao quanh.
Nghi môn ngoại
Nghi môn ngoại gồm 4 trụ biểu tạo thành Tam quan. 2 Trụ biểu giữa cao, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu; 2 trụ biểu hai bên thấp, đỉnh trụ trang trí tứ phượng. Thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, phía dưới trang trí câu đối, đế thắt dạng cổ bồng. Hai bên Nghi môn là bức tường thấp.
Phía sau Nghi môn ngoại là sân ngoài lát gạch. Trong sân có tòa Hữu mạc.

Hình ảnh Nghi môn ngoại Văn miếu Sơn Tây thời xưa

Hình ảnh Nghi môn ngoại Văn miếu Sơn Tây phục dựng lại ngày nay
Nghi môn nội
Nghi môn nội là một tòa nhà 3 gian, 2 dĩ; cao 2 tầng. Gian giữa cao, 2 gian hai bên thấp. Tầng dưới có 3 vòm cửa và mái che kiểu 4 mái. Tầng 2 có khối chính cao hơn hẳn hai khối bên. Mỗi khối đều có mái che 4 mái.
Hai bên Nghi môn nội còn có hai khối cổng phụ nhỏ ở hai bên.
Phía sau, hai bên Nghi môn nội là hai Lầu chuông và Lầu khánh.

Hình ảnh Nghi môn nội Văn miếu Sơn Tây thời xưa

Hình ảnh Nghi môn nội Văn miếu Sơn Tây ngày nay
Tả vu và Hữu vu
Sau lớp không gian Lầu Chuông và Lầu Khánh là đến sân trong Văn Miếu trên một bậc thềm cao 5 bậc so với bậc sân phía trước. Chính giữa sân, tại trục Thần đạo là một con đường được lát bằng đá sẫm, khác với hai bên lát bằng gạch đỏ.
Hai bên sân là hai tòa Tả vu và Hữu vu, 5 gian, đầu hồi bít đốc 2 mái; phía trước có một mái hiên thấp.

Lầu chuông và tòa Hữu vu phía sau Nghi môn nội Văn Miếu Sơn Tây, Hà Nội
Bái đường
Bái đường (Tiền đường/Đại bái) nằm trên một bệ cao 3 bậc so với mặt sân. Công trình 5 gian, đầu hồi bít đốc, mái 2 tầng, 4 mái. Tại đầu hồi nhô ra trụ biểu, có hình dạng như trụ biểu chính của Nghi môn ngoại. Công trình là nơi chuẩn bị các nghi lễ.

Bái đường Văn Miếu Sơn Tây, Hà Nội
Thượng điện
Thượng điện đặt song song với tòa Đại Bái. Công trình có cấu trúc tương tự như tòa Bái đường, song chiều rộng nhà lớn hơn.
Thượng điện (Văn miếu) là nơi thờ Khổng Tử, Tứ phối (Tăng Tử, Mạnh Tử, Nhan Tử, Tử Tư) và các bậc Tiên hiền và các nhà khoa bảng người Việt cấp trung ương và cấp tỉnh, trấn.
Đền Khải thánh và Văn chỉ
Hai bên Thượng điện là đền Khải Thánh, nơi thờ cha, mẹ Khổng Tử và đền Văn chỉ là nơi thờ Khổng Tử, các bậc Tiên hiền và nho sinh của địa phương, cấp tổng, huyện, làng, xã. Công trình 3 gian, đầu hồi bít đốc 2 mái.
Ngoài ra trong Văn Miếu Sơn Tây còn có các hạng mục phục vụ như: Nhà khuyến học, Thư viện, Câu lạc bộ thư pháp, Câu lạc bộ văn thơ…
Trong Văn Miếu còn lưu giữ 2 tấm bia khắc tên 288 vị đỗ khoa bảng của vùng xứ Đoài.

Bên trong gian thờ với tượng thờ Khổng Tử, Văn Miếu Sơn Tây, Hà Nội

Ban thờ các vị tiên hiền và khoa bảng, Văn Miếu Sơn Tây, Hà Nội
Di vật
Bia đá
Tại làng cổ ở Đường Lâm hiện lưu giữ được 21 bia đá. Từ đây thu thập được các thông tin về lịch sử địa phương, về văn hoá làng xã mà biên niên sử chính thống không đề cập đến.
Minh văn:
Minh văn là chữ khắc trên đồ đồng thau. Tại làng cổ ở Đường Lâm có Minh văn khắc trên chuông chùa Mía. Ngoài ra, tại Đường Lâm còn có văn khắc trên 2 khánh đá, một treo ở đình Mông Phụ (trước treo ở Văn miếu), được tạo tác năm 1844 và một treo ở Tam quan chùa Mía được tạo tác năm 1846.
Gia phả:
Tại làng cổ ở Đường Lâm có nhiều dòng họ. Đa số gia phả viết bằng chữ Hán, một số ít viết bằng Quốc ngữ. Hiện giờ, còn 11 gia phả tồn tại. Gia phả dài nhất ghi lại nhiều thế hệ trải qua khoảng 400 năm, như gia phả họ Hà, Giang, Nguyễn, Đỗ, Phan...
Sắc phong:
Sắc phong là một loại hình văn bản Hán tự cổ, do các triều đại phong kiến phong cho các vị Thành hoàng và những người có công. Sắc được chia làm các loại: Sắc phong thần, sắc phong lên chức, sắc phong cho làng... Sắc phong hiện đang lưu quản tại làng cổ ở Đường Lâm rất đa dạng và phong phú, niên đại muộn nhất vào năm 1637, gần đây nhất vào năm 1924.
Làng cổ Đường Lâm, một làng cổ vùng Đồng bằng Bắc Bộ, một trong những nơi kết tinh của nền văn minh vùng châu thổ sông Hồng từ hàng ngàn năm. Đây hiện là nơi còn được bảo tồn nguyên vẹn nhất; địa điểm cư trú có giá trị tiêu biểu trong phát triển kiến trúc, nghệ thuật Việt Nam, thế kỷ 16 - 19.
Làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội không chỉ hấp dẫn người dân trong nước mà cả du khách nước ngoài đến đây trải nghiệm và khám phá về con người, văn hóa và kiến trúc vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_t%C3%ADch_qu%E1%BB%91c_gia_%C4%
91%E1%BA%B7c_bi%E1%BB%87t
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C6%B0%E1%BB%9Dng_L%C3%A2m
https://vov.vn/di-san/ngoi-lang-co-dep-nhat-viet-nam-nhin-tu-bau-troi-417029.vov
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%ACnh_M%C3%B4ng_Ph%E1%BB%A5
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C4%83ng_Ng%C3%B4_Quy%E1%BB%81n
https://sontay.hanoi.gov.vn/gioi-thieu1/-/view_content/327341-den-tho-
va-lang-ngo-quyen.html
http://hanoiplanning.com/chi-tiet-san-pham/412/quy-hoach-chi-tiet-khu-di-tich
-lich-su-van-mieu-xa-duong-lam-son-tay-ha-noi.html
http://conggiao.info/net-dao-giua-ngoi-lang-co-duong-lam-d-42578
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%B9ng_H%C6%B0ng
http://vietlandmarks.com/module/groups/action/view/id/1654/album/720
http://hanoitv.vn/van-mieu-son-tay-d115697.html
https://www.youtube.com/watch?v=53y1jvYDpAg
https://sontay.hanoi.gov.vn/lich-su/-/view_content/pop_up/305068-lang-viet-co-o-duong-lam.html?_101_viewMode=print
http://www.lichsuvietnam.vn/home.php?option=com_content&task=view&id=1785&Itemid=5
https://vi.wikipedia.org/wiki/Giang_V%C4%83n_Minh
Xem video làng cổ Đường Lâm tại đây
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|